Nửa thế kỷ Phạm Duy - Phần 1
Tạ Ơn Phạm Duy (Thay lời tựa)
Tôi viết quyển sách này là để tạ ơn Phạm Duy. Tôi là người
ham hát. Thuở nhỏ, tôi đã hát ở nhà thờ và lớn lên đi kháng chiến ở Bến Tre,
tôi quảy cây măng đô trên lưng và trong ba lô luôn có tập nhạc dày cộm. Tôi
chép nhạc rất công phu, tên bài hát thì tôi viết rất nhiều kiểu vẽ tùy theo
bài, còn cây vẽ ngũ tuyến biểu thì làm bằng vỏ hột quẹt cắt thành năm chia đều,
gạch một phát là xong một dòng cớ 5 hàng rất đều. Đặc biệt khi chép nhạc, tôi
không bao giờ quên đề tên tác giả. Nhạc của... lời của... Tôi có ông cậu rất giỏi
nhạc. Do đó tôi đàn hát rất khá. Thời đó đi kháng chiến mà có cây măng đô trên
vai thì thật là... oai.
Tôi chép không thiếu một bài hát nào. Ai có bài mới là tôi tìm đến để xin chép,
hoặc ai mượn vở của tôi tôi cũng cho mượn. Tiến Quân Ca, Buồn Tàn Thu, Chiến Sĩ
Việt Nam, Thăng Long Hành Khúc, Đống Đa, Không Quân Việt Nam, Hải Quân Việt
Nam, Bắc Sơn... của Văn Cao; Tiếng Gọi Sinh Viên, Bặch Đăng Giang, Ải Chi Lăng,
Hồn Tử Sĩ, Kinh Cầu Nguyện, Giòng Sông Hát... của Lưu Hữu Phước; Đêm Thu, Con
Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong; Hòn Vọng Phu, Học Sinh Hành Khúc, Bản Đàn
Xuân, Biển Sau Giông Tố của Lê Thương; Bướm Hoa, Bình Trị Thiên Khói Lửa của
Nguyễn Văn Thương; Xuân Về, Nắng Tươi của Thẩm Õánh; Núi Non Nước, Tuyên Truyền
Xung Phong của Phan Huỳnh Điểu; Quốc Dân Tiến của Lê Trầm; Tiếng Còi Trong
Sương Đêm của Lê Trực; Trung Đoàn 307 của Nguyễn Hữu Trí; Đời Sống Mới của Nguyễn
Đức Toàn; Nhớ Chiến Khu, Sơn La, Du Kích Ca, Du Kích Sông Thao của Đỗ Nhuận; Xuất
Quân, Chiến Sĩ Vô Danh, Chinh Phụ Ca, Tiếng Đàn Tôi, Nhạc Tuổi Xanh, Bà Mẹ Gio
Linh, Nương Chiều, Thi Đua Ái Quốc, Nhớ Người Thương Binh, Dặn Dò, Về Miền
Trung... của Phạm Duy.
Xen trong những bài hát Việt Nam còn có những bài Pháp như D'un Bateau, Les
Bateuax Des Iles, Chanson Pour Nina, C'est À Capri, Tant Qu'il Y Aura Des
Étoiles, Granada, Si Tu Reviens... Tổng cộng trên cả trăm bài hát ta lẫn Tây,
Cách Mạng lẫn tiền Cách Mạng tôi đều thuộc năm lòng và có thể "ôm đàn lên
sân khấu sô lô" được cả.
Trong các tác giả trên đây, tôi thích nhất Lưu Hữu Phước, Văn Cao và Phạm Duy.
Tôi hát ba vị này nhiều hơn cả. Còn nói về thời gian và số lượng lẫn sự ham mê
thì tôi hát Phạm Duy lâu nhất, nhiều nhất và say nhất tính cho đến nay. Và có lẽ
cả đời.
Tôi hát Phạm Duy từ 1946 hay 47 chi đó, cũng không nhớ nữa. Bài đầu tiên là bài
Xuất Quân. Không khí thời đầu kháng chiến bừng sôi như nước bật vung. Tiếng
lòng của người dân là tiếng hô khẩu hiệu : Đả đảo thực dân. Hoan hô Cách Mạng.
Riêng tôi, học trò, thì ngoài sự hô khẩu hiệu, còn hát. Tôi hát miên man, thích
thú say mê :
Bao chiến sĩ anh hùng lạnh lùng vung gươm ra sa trường (Văn Cao)
Ngày bao hùng binh tiến lên, bờ cõi vang lừng câu quyết chiến (Phạm Duy)
Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều (Đỗ Nhuận).
Thiệt là mê man. Tôi hát và dạy hát, dạy bộ đội, dạy thanh niên, dạy thiếu nhi,
dạy nông dân cứu quốc. Tiếng hát thời đó thiệt là ấm áp, bừng bừng thôn xóm. Một
lần bộ đội anh Hai Phải đóng ở xóm tôi, ngay trong nhà tôi và ông tôi. Hồi đó
chưa là bộ đội chính qui. Từng phân đội vũ trang mang tên người chỉ huy như bộ
đội Bẩy Cống, bộ đội Hai Phải, bộ đội anh Quang, anh Măng (Romand), anh Tỷ, anh
Nhàn (Nhàn Râu) v.v... Buổi sáng hôm đó các chiến sĩ thức dậy vác súng tập thể
thao (gọi là thể thao quân sự), tôi cũng long nhong chạy theo. Xong buổi tập,
các chiến sĩ chạy về đứng sắp hàng trước sân nhà tôi để hô khẩu hiệu "Quyết
chiến". Hô xong, đem súng đặt trên giá súng, đứng chờ tôi dạy hát. Bữa đó
tôi dạy bài Xuất Quân vừa mới chép được của cậu tôi ở ngoài làng Minh Đức cùng
với bài Nhớ Chiến Khu. Nhưng bài Nhớ Chiến Khu thì không thể hợp ca được.
Ngày bao hùng binh tiến lên!
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến!
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành
Đi là đi chiến đấu
Đi là đi chiến thắng
Đi là mang mối thù thiên thu...
Kèn vang theo tiếng chân đang rồn rập xa xa
Tiếng gào thiết tha...
Tôi vừa đàn vừa hát cho bộ đội nghe trước khi dạy. Mới bắt đầu "ngày bao
hùng binh tiến lên" thì trinh sát về báo "có Tây trong đồn ra bắt
gà". Đó là Tây đóng ở đồn Cầu Mống, ở chợ làng tôi, trên trục lộ giao
thông chính của tỉnh Bến Tre - Thạnh Phú. Thế là bộ đội chụp súng, sẵn sàng, chờ
lệnh. Theo kế hoạch miệng của ban chỉ huy thì nếu Tây nó về ấp Bình Đông thì
anh Quang chặn đánh, còn anh Phải công đồn Cầu Mống, ngược lại hễ Tây tới bắt
gà ở Thạnh Đông thì anh Quang công đồn. Chiến sự đã xẩy ra theo giả thuyết một
: anh Quang chặn đánh Tây còn anh Phải công đồn. Cố nhiên là có tôi long nhong
chạy theo bộ đội anh Phải. Trận đánh đồn thiệt hào hứng và kinh hoàng. Xác đồn
trở thành quả núi lửa rồi sau đó thành núi tro, khói lên nghi ngút lâu lâu
không tắt. Đó là trận đánh đồn lớn nhất mở đầu cho Toàn Quốc Kháng Chiến năm
1946. Trong trận đó, tôi được thấy tận mắt :
Từng bụi lốc cuốn rơi
Từng giọt máu sáng ngời
Một đường kiếm thép oai hùng đưa...
Chiến sĩ ta thật oai dũng. Hô xông vào đồn địch như chơi. Nhất là các vị chỉ
huy Hai Phải, Ba Lắm, Ba Kích. Hình ảnh đó không bao giờ phai nhạt trong đầu
tôi. Mỗi lần tôi hát bài Xuất Quân thì tôi lại thấy bóng dáng chiến sĩ băng
mình qua lửa đạn và mỗi khi tôi nhớ lại trận đánh đồn Cầu Mống thì tôi nghe môi
và ngực nóng ran. Và bài Xuất Quân lại bừng dậy trong tôi. Đó là kỷ niệm sâu sắc
nhất trong đời tôi vậy.
Sau khi đồn Cầu Mống bị hạ, Tây trở lại đóng Chùa Bà gần nơi
đồn cũ. Chúng ra ấp tìm các nhà đã chứa bộ đội và đốt sạch. Cả Xóm tôi ra tro.
Tía tôi trốn thoát, bất hợp tác. Má tôi khóc, nhưng tôi lấy làm kiêu hãnh. Tôi
đi thoát ly luôn. Ba lô và măng đô trên vai đi :
... đấu tranh cho muôn kiếp sầu
Lúc chưa phai tuổi xanh...
Tôi vẫn hát, vẫn chép nhạc, sô lô trên sân khấu các bài mới của Phạm Duy do các
đoàn quân Nam Tiến mang vào Nam. Chính Phạm Duy cũng đã "Nam Tiến"
ngay từ hồi đầu kháng chiến Nam Bộ và soạn bài Xuất Quân ở vùng chiến khu này.
Từ 1948 trở đi, những bài hùng ca như vậy vẫn còn sức động viên rất lớn nhưng
hình như những bài có tính chất bi hùng ca đã bắt đầu tranh giành địa vị với những
bản hùng ca. Tôi thường sô lô bài Về Miền Trung và được hoan nghênh nhiệt liệt.
Tài nghệ nào có chi nhưng tôi làm gan, hát với nhiệt tình. Trong lúc đó thì hoạ
sĩ Diệp Minh Châu đã vẽ tranh Xác Đồn Cầu Mống. Ban Nhiếp Ảnh triển lãm ảnh trận
đánh đồn Vàm Định Thủy do Chính trị viên Trung Đoàn 99 chỉ huy. Văn Nghệ Chiến
Khu hình thành dần dần mà bộ môn âm nhạc hầu như dẫn đầu. Cuộc kháng chiến chống
Pháp chuyển qua giai đoạn quyết liệt. Máu lửa tràn lan. Bài Về Miền Trung cũng
mô tả được quang cảnh khốc liệt lúc đó. Tôi cũng tập tễnh làm văn nghệ, khởi đầu
là làm thơ (một cách may rủi) lãng mạn chiến đấu :
Nhà em Tây nó đốt
Em ra ngủ ngoài vườn
Khác gì anh chiến sĩ
Quen lạnh lẽo gió sương
Bây giờ em còn bé
Em ráng tập súng cây
Ngày mai em sẽ lớn
Ôm súng thiệt đánh Tây
Tôi thích bài Chiến Sĩ Vô Danh vì nó có pha lẫn thơ mộng và chua chát chớ không
phải chỉ thích vung gươm ra sa trường mà thôi. Cho nên hình ảnh anh chiến sĩ ra
biên khu trong một chiều sương âm u... hoặc:
Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng
Núi cây rừng
Lắng tiếng nghe hình dáng
Của người anh hùng
Lạnh lùng theo trống rồn...
... thì rất hợp với tình cảm và rất đúng cái miệng của cậu học sinh thời đó. Và
cái kết luận:
Gươm anh linh đã bao lần vấy máu
Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình
Rừng trầm phai sắc
Thấp thoáng tàn canh
Hỡi người chiến sĩ vô danh...
... thì càng làm cho cậu học sinh đó tái tê hơn, lãng mạn hơn. Có một cái gì của
câu nhất tướng công thành vạn cốt khô trong đó.
Ngoài hai bài Xuất Quân, Chiến Sĩ Vô Danh tôi còn thích bài Tiếng Đàn Tôi:
Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt
Với bao tiếng tơ xót thương đời...
Bài này không biết từ đâu lại lọt vào tận Cần Thơ nơi tôi đang làm trưởng tiểu
ban văn nghệ Tỉnh Đội lúc mới 20 tuổi và được giải thưởng Văn Nghệ Nam Bộ Cửu
Long với bài Niềm Thương Nhớ. Nhưng bài lúc đó, thú thực tôi chỉ dám hát lén
bài Tiếng Đàn Tôi với một thằng bạn nhạc sĩ thôi.
Tôi chưa gặp Phạm Duy nhưng tôi có nhiều kỷ niệm với những bài hát của anh. Sau
đây là một kỷ niệm khác. Đó là bài Chinh Phụ Ca. Khi tôi học Trung Học năm thứ
nhất tôi có quen với một chị tên Hiền học năm thứ hai. Chị rất đẹp, mặc đồ đầm,
đi xe máy dầu, bữa sáng nào tôi cũng đứng ở thềm trường chờ chị thả dốc vô sân
trường, nhìn chiếc váy hoa phất phất mà ngây ngất hồn. Nhưng người ta là chị, học
giỏi hơn, lớn tuổi hơn, mình đâu dám làm quen. Bỗng một hôm lúc tan trường, chị
bảo tôi : "Em hát hay lắm, lại nhà tôi đàn cho hát! " Thế là tôi đến
nhà. Chị đánh piano mới chết tôi chớ! Mình là dân vườn hát bậy chơi chớ đâu có
biết hoà tấu là gì mà hát với dương cầm. Tôi đổ mồ hôi mới hát được hai bài Nắng
Tươi và Xuân Về. Sự trật nhịp của cậu ca sĩ không phải chỉ vì chiếc đàn nhiều
phím rắc rối mà vì cánh tay chị trắng và mũm mĩm quá còn những ngón tay của chị
thì như những chú bướm lượn trên phím ngà. Tôi mải nhìn mà quên nhịp, có lúc chị
phải ngừng lại cười ngất. Tôi nhìn hàm răng của chị mà như bị thôi miên.
Rồi thôi, tôi đi kháng chiến. Đầu khoảng 1948 chi đó, có phong trào vận động
trí thức học sinh ra chiến khu. Mỗi người trong cơ quan có bạn bè, bà con ở
thành đều có nhiệm vụ viết thư kêu gọi họ ra khu cưú nước. Tôi nhớ chị Hiền. Và
chép bài nhạc Chinh Phụ Ca trong một cái chòi dưới ngọn đèn hắt hiu, không biết
tên tác giả là ai cả.
Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y
Và hồn nương bóng quốc kỳ
Không biết chị có nhận được bài ca hay không? Nhưng chuyện buồn cười là mãi đến
1980, nghĩa là 32 năm sau (nếu chị Hiền có ra khu kháng chiến thì đã trở thành
Má chiến sĩ), khi tôi nghiên cứu viết Nửa Thế Kỷ Phạm Duy thì mới biết tác giả
của Chinh Phụ Ca là Phạm Duy! Bài này mô tả rất đúng tâm lý của bọn học sinh
chúng tôi thời đó.
Từng hồi canh tan thấy trăng xế tàn
Thao thức phòng loan, một tiếng tơ đàn
Nhạc ngoài biên cương nghe vắng khúc hoan
... Chàng ngồi trên yên, mơ bóng dáng em
Mịt mù sau đám khói tên
Bâng khuâng mắt nhìn tay kiếm
Không sao dấu đôi lệ hiền
Cho nên trong tập nhạc của bọn tôi trong thời kháng chiến ít khi vắng mặt bài
Chinh Phụ Ca.
Khoảng sau năm 1963, tôi từ Hà Nội về Khu Giải Phóng Bến Tre. Thời đó dân ra
vào thành bằng thuyền đuôi tôm, khuya đi trưa về tới. Chúng tôi thường gởi đàn
bà đi chợ mua các món cần thiết như giấy bút, thịt cá, vải vóc v.v... Một hôm
tôi bắt gặp mấy trang báo gói đồ. Tôi phóng mắt nhìn qua. Nào ngờ thấy khuôn mặt
Phạm Duy. Anh mang kiếng. Đó là lần đầu tiên tôi "gặp" nhạc sĩ, người
làm những bản nhạc mà tôi từng say mê hơn 20 năm trước. Quái lạ nhỉ ! Tôi bèn đọc
bài báo thử xem nói gì? Đó là bài nói về Giọt Mưa Trên Lá. (Tôi không nhớ tác
bài báo là ai nhưng chắc chắn là bài báo nói về bản nhạc đó). Tôi đọc qua lời
ca thì tôi hốt hoảng. Sẵn đàn của Tiểu Ban Văn Nghệ tôi dạo liền. Rồi hát nhẩm.
Tôi ghi vào đầu bài hát lạ lùng từ đó. Tôi đâm ra suy nghĩ : thì ra lâu nay
mình có làm văn nghệ gì đâu. Mình chỉ viết những bài báo điểm xuyết tí tình cảm
tươi mát chớ không hề có sự sáng tạo trong nghệ thuật Tôi băn khoăn không ít,
nhưng làm thế nào để vươn mình lên cao thực tế, dùng thực tế để tạo ra một tác
phẩm chớ không phải ghi chép thực tế?
Năm 1968 tôi về Saigon. Người tôi ước mong gặp và đã tìm đến gặp đầu tiên là nhạc
sĩ Phạm Duy. Anh Phạm Thành Tài chở tôi đến ngôi nhà ở Phú Nhuận. Nhà hai tầng
nhưng hầu như không có bàn ghế hoặc món gì sang trọng. Đang câu chuyện thì có
khách tới. Vài ba người, trong đó có một vị mặc đồ bà ba mặt tròn tròn sau này
tôi gặp lại ở Bộ Thông Tin lúc cùng nhận Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật. Đó là
thơ Phạm Thiên Thư.
Cách đó ít lâu, tôi làm phóng viên cho Đài VQA, tôi lại gặp anh Phạm Duy trong
lúc anh đang bận rộn thu xếp cho cuộc ra mắt của ca sĩ James Durst ở Hội Việt Mỹ.
Tôi hỏi địa chỉ anh để gởi tặng sách. Anh nói ngay: "Tôi đọc rồi. Họ cho
anh giải thưởng là đúng."
Đó là hai lần tôi gặp Phạm Duy, một lần 10 phút, một lần 1 phút rưỡi. Nhưng tôi
cảm thấy hết sức sung sướng. Không hiểu sao tôi cũng không biết nữa. Cũng như
năm 1955 khi ra Hà Nội thì tôi luôn luôn muốn gặp anh Văn Cao. Gặp anh lần đầu,
tôi tự nhủ: "Văn Cao là người như vậy à? Chỉ vậy thôi à?" Chỉ vậy là
sao, tôi cũng không hiểu nữa. Nhớ lại lúc đầu kháng chiến, tôi cứ hình dung Văn
Cao, Phạm Duy thì phải là những người ghê gớm lắm. Phải như thế này, phải như
thế kia, tôi cũng không hiểu thế này, thế kia là thế nào nhưng nhất định phải
là người siêu phàm. Mà siêu về tài năng thật, còn về con người thì chỉ phàm
thôi, nghĩa là những người bình thường. Tuy vậy mỗi lần gặp anh Văn Cao tôi vẫn
thích nhìn anh. Người anh gầy gò, ọp ẹp nữa là đằng khác, song bên trong phải
tàng ẩn một sức sống phi thường, một trái tim mang một ngàn trái tim.
Mỗi lần tôi hát bài Phạm Duy tôi đều nhớ tới anh Văn Cao và nhớ thời kháng chiến
chống Pháp thiệt mê say. Thời đó thiếu thốn, khói lửa mà văn nghệ rất phong
phú, tình cảm rất sâu đậm, tình yêu nước rất sôi nổi, còn bây giờ cái gì cũng đầy
đủ cả mà sao có vẻ lợt lạt không vui thích bằng thời kháng chiến. Giá Tây nó
xâm lăng lần nữa và tôi trẻ lại thì tôi sẽ đi kháng chiến để hát lại Chiến Sĩ
Việt Nam, Chiến Sĩ Vô Danh, Xuất Quân, Ngày Mùa, Về Miền Trung v.v...
Có điều tôi cũng cần nói ra là anh Phạm Duy đối với anh Văn Cao quả là một người
bạn tốt. Anh bao giờ nói chuyện với tôi cũng nhắc nhở tới anh Văn Cao với những
tình cảm mến thương, thân thiết. Bây giờ hai anh đều trên 70 tuổi rồi. Thất thập
cổ lai hi. Chắc hai anh muốn gặp lại nhau lắm. Và tôi cũng ước mong được chứng
kiến cuộc tái ngộ đó.
Năm 1979, trong một đêm đau buồn cực độ, tôi đã quyết định viết một cuốn sách về
Phạm Duy. Như tôi đã nói ở đầu bài, một là để tạ ơn anh về những bài hát lịch sử
mà anh đã cống hiến cho dân tộc và những bài hát mà tôi đã hát suốt từ thời
niên thiếu, trẻ trung và bây giờ tóc đã bạc. Anh đã cho tôi biết bao nhiêu điều
quý giá qua những dấu nhạc của anh, những lời hát vàng và những dấu nhạc xanh:
Một mùa Thu năm qua, Cách mạng tiến ra
Nước Việt bừng ngàn tiếng thanh niên tung gông phá xiềng
Đoàn người trai đi lên, miệng hô lớn
Quyết chiến! Quyết chiến! Chân oai nghiêm đều tiến...
Lúc đó anh mới 26 tuổi và tôi hãy còn là thiếu nhi nhưng tình yêu nước cỏn con
của tôi đã được những bài hát của anh thổi vào những ngọn lửa thiêng dân tộc.
Bây giờ anh đã già và tôi cũng không còn trẻ nữa, 1945-1994 = đúng nửa thế kỷ
trong đó, lúc nào tôi cũng hát Phạm Duy, cũng nghe Phạm Duy hát và nghe người đời
hát Phạm Duy. Có thể nói nửa thế kỷ nhạc Phạm Duy đầy ắp trong tôi. Do đó cuốn
sách NỬA THẾ KỶ PHẠM DUY ra đời lúc này là đúng như ước muốn của tôi. Xin nhớ
cho đây không phải là cuốn sách biên khảo, mà là một công việc tình cảm nhằm tạ
ơn nhạc sĩ Phạm Duy.
28 tháng 2, 1994
San Antonio, TX, USA
Phạm Duy, Đường Dài Mà Vui
Khách lữ hành lầm lũi đi trong vàng nắng tháng sáu hạ hồng.
Trên vai khách không có món hành lý nào ngoài cây đàn. Lá rụng đường chiều lác
đác rơi đáp trên mái tóc xanh ngời mà gió muôn phương thổi bồng lên từng lúc. Y
trang đã bám đầy bụi đường xa nhưng nét mặt khách vẫn tươi hửng trong nắng,
chân vẫn bước nhanh, miệng thì hát nhẩm:
Người đi trên dương gian
Thở hơi gió từ ngàn năm
Gió lung lay Hoành Sơn
Gió dâng cao Biển Đông
. . . . . . .
Người đi trong thanh xuân
Sưởi hương nắng như lửa sống
Máu sôi như sắc trời
Bước nhanh vượt chân đời...
Bỗng thấy một ngôi quán hiện ra trước mặt, bên bờ một dòng suối ngọc reo vui.
Chủ quán hiện ra. Bàn tay ngà bứt quả hạnh đào vui vẻ mời khách: "Chàng
hãy cầm lấy rồi lại lên đường, hỡi khách viễn phương! Nhưng chớ có bỏ quên cây
đàn và đừng tự hỏi là em yêu anh hay chỉ yêu tiếng đàn anh mà thôi? Em yêu tiếng
đàn và yêu cả anh nữa!" Khách cầm trái hạnh hình tim lên tay, miệng định
nói cảm ơn thì cô hàng nhí nhảnh cười rúc rích: "Anh không nhìn ra em sao?
Em là con bé rừng mơ đây!"
Khách vừa nhận ra duyên kỳ ngộ năm xưa thì trên gương mặt yêu kiều của cô hái
mơ hiện lên những nét nhăn nheo, ngập tràn nước mắt như có một phép lạ vừa xảy
ra. Mẹ già khốn khổ đội khăn đen, mặt áo nâu đang đứng trước mặt khách, giọng
run run: "Mẹ là Gio Linh đây con! Tiếng đàn năm ấy của con làm mẹ sống
trăm tuổi. Mẹ chúc con đi chân cứng đá mềm".
Khách bàng hoàng không biết mình đang tỉnh hay mê. Ngó ra ngoài đường nắng chiều
ánh lên rực rỡ. Một cành hoa trắng ở ven đường nhoẻn miệng cười như nhắc nhở
khách lên đường. Khách chào bà mẹ rồi bương bả bước đi.
Đi chẳng bao xa thì đụng một chiếc cầu. Thì ra đây là chiếc cầu bắc qua hai bờ
sông "bên ni và bên tê". Chẳng ngờ đây là "chiếc cầu biên giới".
Cùng với tiếng đàn, ta sinh ra là để vượt mọi ranh giới. Nghĩ vậy rồi, khách
nhanh nhẹn bước lên. Chiếc cầu tre lắt lẻo run rẩy, nhưng chàng cương quyết vững
bước, trong lúc đó ở tận tầng cao, nghe có tiếng ngọt ngào vọng xuống: "Mẹ
là Nữ Õa, mẹ là Kính Tâm, mẹ là Châu Long, mẹ là Tô Thị, mẹ là Trưng Triệu đây
con! Mẹ đà hoá đá ngàn năm xưa nhưng hồn mẹ vẫn nương theo tường vân để đỡ lấy
chân con, biến chông gai ra cỏ non đồi biếc, chia xẻ bớt nhọc nhằn với
con!"
Khách vụt tỉnh: Vậy ra con đường thênh thang ta đang vượt qua trăm núi nghìn
sông mà ta không mỏi là do hồn Mẹ đưa chân? Rồi bỗng nhiên chàng nghe chân
chàng như mọc cánh, bước nhanh như gió. Không gian vụt thu nhỏ lại khiến chàng
trông thấy rõ những chặng vừa qua và những đoạn trước mắt. Này là đường Lạng
Sơn cây xanh, là Tháp Rùa rêu phủ, là Sông Hương thấp thoáng mái chèo đưa, nọ
là bác nông phu bên bờ Cửu Long và kia là bà mẹ ở đất Phù Sa đang sống cô đơn
dưới mái tranh nghèo.
Khách chỉ bước một bước ngắn là đứng trên đất lầy mũi Cà Mâu. Cây cột số cuối
cùng của con đường khách đã vượt, nằm ở mỏm đất này. Khách khoan thai đi vào một
xóm dừa bên ven đường. Một cô gái có đôi môi xinh với hàm răng xít xa mang ra tặng
khách một chùm vú sữa nâu. Khách bèn nâng đàn lên dạo khúc tình ca:
Tới đây lạ xứ quen người
Trăm bề nhũn nhặn đừng cười tôi nghe
Ví dầu tình bén duyên thề
Thì xin kết bạn đền nghì trúc mai.
Phút tao ngộ tình đang chớm thì giông bão tới bất ngờ. Nước dâng mênh mông,
sóng gió điên cuồng mà khách không có thuyền. May sao có chiếc thùng phuy dạt
vào. Khách bám lấy mặc cho sóng dồi không còn phân biệt ngày đêm. Cũng nhờ phép
lạ, khách trôi dạt vào bờ. Chiếc đàn chỉ đứt đôi dây còn chủ nó thì bình an vô
sự. Khách đứng dậy xốc lại quần áo, lau chùi chiếc đàn.
Ở đâu đời cũng cần có tiếng hát. Lữ khách lại đi, lại hát, lại đàn. Trời lạ đất
cũng lạ, người càng xa lạ, khách lấy tiếng đàn để làm mối dây liên cảm ban đầu.
Một chiều kia khách đến một bờ biển xanh. Ngước mắt nhìn lên thấy có người đàn
bà hóa đá đứng trên núi cao, tưởng là hòn vọng phu xứ mình, nhưng trông kỹ lại
thì nét mặt không phải người mình. Khách sực nhớ đây là biểu tượng Tự Do của một
quốc gia sinh sau nước mình ngót bốn ngàn năm. Ngoảnh nhìn về xóm dừa quê hương
đang quằn quại trong bão tố, khách bèn ôm đàn lên, cất tiếng hát:
Này thần Tự Do ơi!
Muốn hỏi nàng mấy tiếng vu vơ
Có phải Nàng mắt đá ngu ngơ
Khiến Nàng nhìn thế giới không xa
Nên Nàng còn phân biệt màu da...
Tượng đá đứng im. Chỉ có sóng biển vô tình đáp lại. Khách lại vác đàn ra đi.
Con đường vạn lý còn nối dài thêm mãi không biết đâu là cột số cuối cùng. Ngoảnh
lại những chặng đường qua, khách bỗng giật mình. Mới ngày nào xả thân trong mưa
bão để vượt từng tấc đường, nay đường đã vượt xong thì mình trở thành chim Đỗ
Quyên lưu vong mang hồn Thục Đế, ngày đêm ra rả kêu gào. Chốc đây mà ngót nửa
thế kỷ trôi qua. Người làm nhạc cho tuổi xanh nay tóc đã bạc phơ đang đứng dưới
rặng mai già. Nhìn suốt những chặng đường qua và nghe lại tiếng gió. Rừng mơ một
chiều năm cũ, khách tưởng mới hôm qua...
* * * * * * *
Sự nghiệp của Phạm Duy quá mênh mông, mới nhìn qua tưởng của cả chục người gộp
lại. Hàng trăm bài sáng tác. Hàng trăm bài nhạc ngoại quốc dịch ra hoặc phóng
tác với lời Việt. Hàng trăm bài phổ nhạc thơ của các thi nhân. Nó mênh mông như
biển, ta có thể thả hồn bơi miên man thích thú. Nó rực rỡ như một bức tranh
toàn cảnh Việt Nam muôn sắc. Nó rộn ràng vang động tiếng cười tiếng khóc của một
nhân gian, gồm đủ các loại người già trẻ gái trai, cả thanh lẫn tục, từ nàng
công chúa đến cô bán vải chợ Bến Thành. Nó là tấm gương soi rõ chân dung và nội
tâm của mỗi người Việt Nam và là con đường cái quan vạch suốt lịch sử Việt Nam.
Nếu đem những dòng nhạc của Phạm Duy nối vào với nhau, ta sẽ có một con đường
dài trải khắp chiều dài đất nước mà mỗi nốt nhạc là một dấu chân, hơn nữa, là một
mảnh tim của nhà nghệ sĩ. Lope de Vega, nhà soạn kịch Tây Ban Nha đã viết 800 vở
kịch, nhưng có sách nói rằng đó là con số đã được nâng lên chứ sự thực thì chỉ
có 400. Con số 400 cũng đã là con số kinh hồn bạt vía rồi. Nhưng sử sách còn
cho biết thêm rằng trong số ấy chỉ có 3 vở được công chúng hoan nghênh. Thế mà
ông đã trở thành bất hủ. Ở nước ta, trong giới nhạc, Văn Cao có trước sau độ 20
bài. Đặng Thế Phong để lại độ 5 bài. Lê Thương sáng tác khoảng 20 bài. Lưu Hữu
Phước viết trên 30 bài. Còn Phạm Duy, kể tới nay anh đã viết khoảng 1,000 bài.
Chưa kể những bài ông đã quên. Và còn đang viết tiếp. Tôi chỉ nêu lên trường hợp
của những nhạc sĩ lớn nhất mà tôi đã đếm tất cả bài của các vị ấy sáng tác để
chúng ta cùng thấy một Phạm Duy khổng lồ trong một cá nhân bình thường đang sống
bên cạnh chúng ta hàng ngày.
Đánh giá văn học nghệ thuật, không ai chỉ dùng số trang, số bài, nhưng ở Phạm
Duy số lượng và chất lượng đi đôi. Văn Cao được xem như một trong những thần tượng
âm nhạc Việt Nam là vì ông đã cho đời Thiên Thai, Trương Chi, Buồn Tàn Thu và
những bài ca hùng tráng bất hủ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp trong đó
có Trường Ca Sông Lô. Đặng Thế Phong trở thành bất tử với Con Thuyền Không Bến,
Giọt Mưa Thu. Lê Thương nổi bật nhất với ba bài Hòn Vọng Phu. Lưu Hữu Phước được
hoan nghênh vì những bài ca yêu nước nhắc lại lịch sử anh hùng của dân tộc như Ải
Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Hội Nghị Diên Hồng, Tiếng Gọi Sinh Viên trước năm
1945.
Còn Phạm Duy? Số bài hay được công chúng nồng nhiệt đón nhận kể ra không hết.
Người ta có thể thu bài hát của Văn Cao hay Lưu Hữu Phước vào một băng
cassette, nhưng những bài hay của Phạm Duy mà toàn dân đã hát, thì không một ca
sĩ nào hát nổi hết, đừng nói chỉ thu gọn trong một vài cuộn băng. Các lứa tuổi
đều tìm thấy bài hát rất tủ của mình ở ngăn kéo Phạm Duy. Chưa có nghệ sĩ nào
được yêu mến bằng Phạm Duy. Tiếng thần tượng, thiên tài chưa đủ để đánh giá Phạm
Duy.
Hãy nói đến những ngón son của phím đàn Phạm Duy. Trong văn học nghệ thuật, có
nhiều nghệ sĩ chỉ sở trường một môn. Chỉ ở môn đó thì tài năng của nhà nghệ sĩ
mới được biểu lộ đầy đủ nhất, ở địa hạt khác thì điều đó không thấy rõ. Ví dụ
như Guy de Maupassant là bậc thầy của truyện ngắn. Ông có viết truyện dài và kịch
nhưng không thành công bằng truyện ngắn. Lấy ví dụ ngay trong lãnh vực âm nhạc
và trong nước, ta công nhận Văn Cao là nhạc sĩ thiên tài trong nhạc hùng ca, nhạc
trữ tình và trường ca. Tôi thấy Lê Thương, Lưu Hữu Phước có những bản nhạc có
thể được coi như trường ca là Hòn Vọng Phu, Hội Nghị Diên Hồng. Riêng ở Đặng Thế
Phong thì không thấy có hùng ca hay trường ca. Phạm Duy thì có đủ, lại có nhiều
hơn: nhạc hùng ca, nhạc trữ tình, thơ phổ nhạc, trường ca, chương khúc... (chưa
kể những bài nhạc ngoại quốc với lời Việt của Phạm Duy, dù không quan trọng
nhưng cũng nêu ra để thấy tài và sức của người nghệ sĩ). Ở các loại kể trên Phạm
Duy đều vượt lên trên tất cả.
Bên cạnh các điểm kể trên, Phạm Duy còn có một điểm đặc biệt: vừa là người sáng
tác, vừa là người biểu diễn, hát bài của mình và bài của người khác nữa. Chính
Phạm Duy đã mang bài Buồn Tàn Thu của Văn Cao đi từ Bắc tới Nam trên sân khấu Đức
Huy từ năm 1943.
Lại còn một điểm khác cũng nên kể ra: Phạm Duy đã đào tạo đàn con của mình
thành những nghệ sĩ phụng sự đồng bào bằng âm nhạc. Một số đã trở thành nghệ sĩ
thượng thặng. (Người viết bài này được biết Văn Cao và Nguyễn Xuân Khoát rất
đau khổ vì lũ con không chịu học nhạc). Ngoài ra, Phạm Duy còn giúp đỡ các nhạc
sĩ trẻ rất nhiều.
Hãy kể một trường hợp khác để thấy chất lượng của tác phẩm Phạm Duy. Rouget de
Lisle sáng tác bản La Marseillaise (Bài Ca Của Người Marseilles) năm 1872, lúc
ông 32 tuổi. 40 năm sau, bản hát này được công nhận là quốc ca của nước Pháp. Để
tưởng nhớ công lao của nhà nghệ sĩ vĩ đại, nhân dân Pháp đã dựng tượng ông ở
Choisy-le-Roy. Người ta được biết rằng bản thảo đầu tiên của bản hát có những
câu, xin tạm dịch như sau:
Đứng lên, con yêu Tổ Quốc
Ngày vinh hiển đến rồi
Hãy cầm súng đo gươm
Tiến lên, tiến lên!
Máu nhơ kẻ thù sẽ
Tưới ngập luống cày mềm
Tôi chép đến dòng này thì tôi nhớ tới hai bài báo đăng trên hai tờ báo Việt ngữ
lớn ở hải ngoại là VĂN NGHỆ TIỀN PHÕNG (Hoa Kỳ) và QUÊ MẸ (Pháp). Bài đăng ở
VNTP có câu: "Đó là lúc chào cờ Việt Nam. Vẫn lá cờ vàng ba sọc đỏ mà bao
thế hệ đã tẩm mồ hôi và máu để bảo vệ nhưng khi quốc ca cất lên thì không phải
Này công dân ơi mà là Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời của Phạm Duy". (Từ
Ngọc Lữ, VNTP số 277). Và bài trong báo QUÊ MẸ là của Thi Vũ, Võ Văn Ai nhan đề
Phạm Duy, Một Tiếng Quê Hương. Trong lời nói đầu của bài viết, nhà thơ kiêm chủ
báo này cho biết hồi năm 1969 khi viết lời giới thiệu tập nhạc kháng chiến của
Phạm Duy ở Paris, ông đã "đề nghị lấy bài Việt Nam Việt Nam của Phạm Duy
làm quốc ca, nhưng tập nhạc không hiểu vì sao không được in ra" (QM số
82-83).
Bây giờ xin trở lại vấn đề Phạm Duy viết bài Xuất Quân, bài hát được phổ biến cực
kỳ nhanh chóng lan rộng như lửa bay khắp Nam Bộ năm 1946 như một bản quốc ca,
trong đó có những lời như sau:
Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành
Quân Việt Nam đi, hồn non nước xây thành
Đi là đi chiến đấu!
Đi là đi chiến thắng!
Đi là mang mối sầu thiên thu...
Lúc đó Pham Duy mới 25 tuổi. Hai mươi năm sau, Phạm Duy viết bản Việt Nam Việt
Nam:
Việt Nam, Việt Nam, nghe từ vào đời
Việt Nam hai tiếng nói trên vành nôi: Việt Nam, nước tôi!
Việt Nam, Việt Nam, tên gọi là người
Việt Nam hai tiếng nói sau cùng, khi lìa đời.
Rồi cũng lại 20 năm sau, từ nước ngoài, Phạm Duy hoàn thành một tổ khúc, cho thấy
bầy chim bỏ xứ đã có cơ hội trở thành bầy chim hồi xứ rồi:
Bầy chim tỉnh giấc
Vì nghe tiếng thiêng liêng
Từ nơi huyền bí
Nổi lên tiếng chim Tiên.
. . . . . . . . . . .
Những cánh chim kêu gọi đàn con
Những cánh chim trên Bạch Đằng Giang
Những cánh chim vui cảnh Tao Đàn
Lướt gió bay qua miền Chi Lăng
Hót líu lo trên đồi Yên Thế.
Trong một lần sống trên dương gian, Phạm Duy đã khóc cười theo mệnh nước nổi
trôi và đã ba lần làm Rouget de Lisle tái sinh. Chỉ với ba bản hát kể trên, Phạm
Duy đã hiện diện trong mỗi chúng ta trong bốn thập niên qua. Nhưng ai ai cũng
biết Phạm Duy còn cho ta hơn thế nhiều, cho cả người bên ni lẫn kẻ bên tê. Đối
với nhân gian, tiếng đàn của Phạm Duy luôn luôn mang đến một điều gì tốt lành
và đẹp đẽ.
Với kẻ đau, tiếng đàn xoa dịu. Với cánh bay, nó làm gió nâng lên. Phạm Duy như
bàn chân đi nhẹ vào đời ta, ru ta ngủ khi ta cần giấc ngủ và Phạm Duy cũng sẽ
đánh thức ta trở dậy "để nhìn mặt trời lên". Với ai thất vọng, Phạm
Duy khuyên: "Hãy cố nuôi mộng dài". Với những kẻ đang "tranh
nhau một đám bụi đen", Phạm Duy khẽ vỗ vai:"Anh mang được gì về cõi
chết?" Với các vị anh hùng rơm, Phạm Duy nhỏ nhẹ hỏi: "Bây giờ các
ngài ở đâu?" Đối với kẻ hùng hục chém giết, anh khuyên hãy nhìn bà mẹ Phù
Sa và anh nói: "Ngọn cờ thắng bại cũng chỉ là một giải khăn sô!"
Phạm Duy vượt cao hơn nỗi đớn niềm đau của chính bản thân và cũng là của thời đại
chúng ta đang sống. Và Phạm Duy đã diễn đạt nỗi niềm đau đớn đó. Với bài 1954
Cha Bỏ Quê - 1975 Con Bỏ Nước, ta thấy hai thế hệ cha và con đều gánh chịu những
thảm kịch tái diễn trên một bối cảnh Việt Nam. Hồi tưởng lại những năm đầu thất
thểu lưu vong, ta còn rởn tóc gáy. Biển chắn trước mặt, súng chĩa sau lưng. Lấy
chết làm sống. Lấy xứ người làm xứ mình. Lấy ly tán làm hạnh phúc. Vừa ra đến đất
tự do, cuộc sống còn nhờ vả mênh mông lạ hoắc lạ huơ, nước mắt chưa khô, chân
bước còn loạng quạng, đầu óc còn say sóng, thế mà Phạm Duy đã cầm đàn gọi ta,
trước nhất với những tị nạn ca khẳng định sự ra đi là đối chống chứ không phải
trốn chạy.
Ta trốn Cộng hay ta chống Cộng
Đây là điều ta phải hỏi ta
Ta trốn Cộng hay ta chống Cộng
Đây là điều ta phải hỏi ta, nhắc ta!
Mặc dù những bài tị nạn ca của Phạm Duy vang động cả trong lòng người Việt hải
ngoại lẫn đồng bào trong nước, nhưng Phạm Duy tự nhận mình chỉ là con dế hát
rong. Õai hùng thay con dế hát rong!
Ngót năm mươi năm sáng tạo và suy nghĩ không ngừng. Ngót năm mươi năm lấy đàn
làm súng, tiếng hát làm đạn tên, năm mươi năm yêu và được yêu, sống cay đắng ngọt
bùi với số phận làm người - và người Việt Nam - Phạm Duy đã sống một ngàn cuộc
đời trong một cuộc đời, mang một ngàn trái tim trong một trái tim, Phạm Duy sống
trọn vẹn một đời nghệ sĩ, và một thân phận làm người trong cõi nhân gian. Phạm
Duy đi vào cầm ca bằng nghề đàn và hát trên sân khấu. Sau đó thay đàn và hát
chưa đủ, Phạm Duy làm bài hát để diễn đạt lòng mình.
Bắt đầu Phạm Duy làm từng ca khúc. Rồi làm bộ ba, bộ tư. Rồi làm hàng chục bài
nói lên một chủ đề với nhiều khía cạnh. Rồi làm trường ca. Rồi làm hàng loạt,
hàng chùm sinh lực trào tuôn từ tim óc nghệ sĩ như phép lạ thiên thần. Có bài
chỉ viết trong năm, mười phút mà trở thành bất hủ. Từ một cội Phạm Duy mà người
đời hái được biết bao nhiêu. Nào hoa nào lá để cài tóc cài áo, nào cành khô để
sưởi, nào trái nụ để nuôi, trái chính để lấy hạt ươm, nào hương nhụy để ấp ôm,
để tẩm thư tình.
Bây giờ xin thử đặt một câu hỏi nhỏ: Tại sao ta có tuyệt đỉnh Phạm Duy? Sở dĩ
Phạm Duy đạt tới đỉnh chót vót đó là vì tài năng của anh được tưới bồi bằng những
nguồn lớn - có lẽ quan trọng ngang nhau - như sau:
1. Huyết thống văn học nghệ thuật của gia đình. Thân sinh là nhà văn Thọ An Phạm
Duy Tốn, nhà văn đầu tiên soạn bộ Truyện Tiếu Lâm An Nam mà nhạc sĩ đã đọc từ bản
thảo viết tay và sau này nhạc sĩ trích ra để làm mấy bản Tục Ca. Anh cả là thạc
sĩ kiêm văn sĩ Phạm Duy Khiêm. Hai người chị đều chơi đàn tranh và một người
anh khác là Phạm Duy Nhượng cũng là nhạc sĩ. Từ một gia đình như vậy, cậu Phạm
Duy được sinh ra và lớn lên.
2. Thiên tài là của trời cho nhưng nó cũng còn là kết quả của sự trau dồi luyện
tập (nhưng cũng có những người trau dồi luyện tập mãi mà không thành tài). Phạm
Duy là con người luôn luôn nghiên cứu và học hỏi âm nhạc ngay từ lúc còn đi hát
cho gánh hát Đức Huy (1942) mà anh đóng vai trò quản lý kiêm ca sĩ. Đến lúc đã
nổi tiếng là bậc thầy, là đàn anh rồi, vẫn còn khăn gói sang Pháp làm học trò để
học lấy cái kỹ thuật tân tiến của người.
3. Hồn dân tộc luôn luôn ngự trị trong Phạm Duy. Không một nhà nghệ sĩ nào, kể
cả ở các bộ môn khác, mô tả dân tộc ta bằng nhiều khía cạnh vừa đậm đà vừa sâu
sắc rung động bằng nhạc sĩ Phạm Duy. Nói tới quê hương, dân tộc, không thể
không nghĩ tới Phạm Duy, mà nghĩ đến trước tiên. Nói đến Phạm Duy cũng có nghĩa
là nói đến dân tộc và quê hương Việt Nam. Phạm Duy đã sưu tầm, chỉnh lý và nâng
cao dân ca Trung Nam Bắc, nhạc miền suôi và cả nhạc miền núi. Công lao này được
ghi nhận là vô cùng to lớn.
4. Bắt tay với nhạc tân kỳ hiện đại, Phạm Duy là bậc thầy của dân ca Việt Nam
nhưng bao giờ cũng nhìn ra cái thế giới điện khí hóa ngập trời, phản lực xé mây
xanh. Đàn tranh, đàn kìm, đàn cò, đàn bầu, âm nhạc dân tộc nói chung, làm cái nền
để Phạm Duy đứng và vói tới trăng sao. Cho nên dù đi xa, lên cao mà Phạm Duy vẫn
không lạc nguồn. Tâm hồn nghệ sĩ vẫn là tâm hồn Việt Nam.
5. Phạm Duy xem cầm ca là nghiệp chính của mình, nói rõ ra là suốt đời anh chỉ
sinh sống và nuôi gia đình con cái bằng nghề đàn hát. Ở nước ta, cả Nam lẫn Bắc,
tôi chưa thấy ai hoặc biết ai như thế.
6. Bỏ ngay nơi chốn có khí hậu không thích hợp cho công việc tự do sáng tác của
mình, mặc dù ở đó người ta dành cho anh rất nhiều đặc ân. Một người dám cho
nhau tất cả, không tiếc gì với nhau, chỉ trừ tự do, thì không thể ở mãi một nơi
mình không được tự do sáng tạo. Rời bỏ nơi chốn không thích hợp đó cũng có
nghĩa là vứt đi cái lăng kính mà người ta muốn Phạm Duy đeo vào để nhìn đời rập
khuôn theo kẻ chế tạo kính. Phạm Duy nhìn đời, và chỉ muốn nhìn đời bằng đôi mắt
Phạm Duy. Điều này đúng lắm. Sự nghiệp của Phạm Duy kể từ sau khi "lữ
khách bước qua chiếc cầu biên giới" đến nay đã là một chứng minh hùng hồn.
Nếu anh không bước, anh sẽ chịu chung số phận như Văn Cao, bạn anh.
* * * * * * *
Sau đây là những chương đề cập tới sự nghiệp Phạm Duy do một người biết ít nhạc
nhưng hát nhạc Phạm Duy từ 1945 cho tới nay :
Mở : Phạm Duy, Đường Dài Mà Vui
Phần I.- Người Nghệ Sĩ
Phần II.- Người Suy Tư
Phần III.- Người Tình
Phần IV.- Người Yêu Nước
Đóng : Phạm Duy Tạ Ơn Đời, Đời Tạ Ơn Đời Phạm Duy
PHẦN MỘT
NGƯỜI NGHỆ SĨ
Chương I. Nhạc Kịch Nhân Gian
Toàn bộ tác phẩm của văn hào Honoré De Balzac mang cái tên là
Hài Kịch Nhân Gian (Comédie Humaine). Trong đó có hầu hết các nhân vật thuộc
các thành phần xã hội hoạt động trong những môi trường rất phức tạp, từ ông nhà
giàu keo kiệt, đến vị thầy thuốc miệt vườn, từ người bệnh tưởng đến người nữ đầy
tớ thô kệch. Tôi xin gọi toàn thể tác phẩm của Phạm Duy là Nhạc Kịch Nhân Gian.
Tuy rằng âm nhạc không dựng nhân vật như tiểu thuyết nhưng khi đọc xong cuốn
NGÀN LỜI CA của Phạm Duy, ta thấy như đã sống qua vô số những mảnh đời cùng với
những nhân vật hoạt động và tiếng khóc tiếng cười. Những nhân vật này tôi chia
ra nhiều loại.
Trước hết là loại bao gồm những nhân vật có tên tuổi, hình dáng, nội tâm, tình
cảm rất gần với nhân vật tiểu thuyết. Đó là: bà mẹ Gio Linh, bà mẹ Phù Sa, một
người mang tên Quốc, người anh đưa em đến trường, hai người lính, người con gái
Việt xa rời tổ quốc v.v...
Tới loại bao gồm những nhân vật có danh xưng, không có tên riêng nhưng rất tiêu
biểu. Đó là: người thương binh đi giết giặc trở về, người thương binh cày ruộng,
tráng sĩ mài kiếm dưới trăng, chinh phụ, chiến sĩ cụt đầu, bà mẹ quê, đôi vợ chồng
quê, em bé quê, bé chăn trâu, thợ cày, công nhân, thợ chài, thầy cúng, cường đạo,
tướng cướp, các cô gái đủ lứa tuổi, các chàng trai đủ hạng, thầy giáo, cô giáo,
kép cải lương, thiên thần, ma quỉ, kẻ ăn chơi, gái điếm, trí thức, du kích, tổng
thống, ăn mày, người lính trẻ v.v..
- Rồi tới loại thứ ba đã có tên thật ngoài đời và được nhắc đến trog tác phẩm
là: Chúa GiêSu, Đức Phật, Nguyễn Du, Kiều, Sylvia Vartan, Thanh Nga, Frank
Sinatra, Chú Cuội, Hằng Nga, Giáng Hương, Trương Chi, Mỵ Nương, Giặc Hán, Quân
Đội Mỹ, Adam, Eva, Horace, Cesar, Mao Xếnh Sáng v.v... Kể không hết.
Ngoài một cái xã hội loài người đông đúc như thế, cầm thú cũng xuất hiện rất
đông: chim (36 loại), trâu, bò, ngựa, voi, hùm, nai, giun, dế, ve, kiến, ong,
nhện, tò vò, muỗi, bướm...
Loài thảo mộc thì gồm: hoa hướng dương, hoa tường vi, hoa quì, hoa phượng vĩ,
hoa hồng, cây tràm, cây đa, cây trúc, cây dừa, cây tre, cây chuối, cây kơnia,
cây vú sữa, rêu, rong, vườn đào, cỏ trinh nữ, trái sầu riêng, cam, quýt, bưởi...
Tất cả người và vật kể trên sống trong thiên nhiên vô cùng phong phú: đồng lúa,
nương rẫy, núi sông, biển, lạch, nguồn, khe, ngòi, vườn, nhà sàn, lâu đài...
Nói về thời tiết thì ta thấy có: Xuân, Hạ, Thu, Đông, nắng nôi, mưa gió, sóng
gió, bão táp, chiều, hoàng hôn, binh minh, đêm tối, đêm trăng, xế trưa...
Nói về thời đại và địa danh, nơi chốn thì có: Việt Nam ba miền, Lê, Lý, Trần, Cần
Vương, Thăng Long, Ải Chi Lăng, Tao Đàn, Yên Thế, Việt Bắc, Lạng Sơn, Cai Kinh,
Truông Nhà Hồ, Phá Tam Giang, Trường Sơn, Hoành Sơn, Mê Linh, Hoa Lư, Huế, Hà Nội,
Sài Gòn, Tháp Rùa, Tháp Vàng, Đèo Cù Mông, Cà Mau, Hà Tiên, Cần Thơ, Tiền
Giang, Hậu Giang, Gò Công, Châu Đốc, Mỹ Lai, Sông Đuống, Sông Cầu, Sông Lô, Đức
Quốc, Cali, Minnisota, Texas, Louisiana, Mississipi, Sông Seine, Danube, Tây
Ninh, Paris, Thành Hồ, Địa Ngục, Âm Ty...
Những tác động của các nhân vật là: xuất quân, khởi hành, về quê, leo núi, cưỡi
ngựa, đi trong mùa xuân, đi trong đêm, chia ly, mong chồng, thương nhớ, xum họp,
lao động, cuốc đất, cầy bừa, tát nước, gặt hái, gánh lúa, đi học, đám cưới, đám
ma, ôm nhau bên khóm trúc, bên cột đèn, hát hò đối đáp, tìm mộ bia, gọi con, giết
nhau, cầu kinh, ru con, gánh thùng bánh ế, goi người bên kia, lên mặt trăng,
phá then vàng vào vườn hoang...
Kể cả những hành động ít thơ mộng như: vén quần lội qua khe, coi khỉ đột hiếp
dâm quan tòa, sửa vú, sửa mông, chửi đổng, nhìn lồn, cầm cặc...
Tình cảm nhân vật thì là: yêu nước, yêu lứa đôi, yêu thiên nhiên, yêu con người
nói chung, yêu cha mẹ, thù ghét, giận hờn, hy vọng, tuyệt vọng, đau khổ...
Ngôn ngữ của tác phẩm: Nam, Trung, Bắc, bình dân, quí phái, thanh, tục, tiếu
lâm, vè, hò, hài hước, nghệ sĩ.
Thiệt là thiên hình vạn trạng, không sao kể xiết.
Tất cả những nhân vật, bối cảnh, tình cảm, ngôn ngữ, hoạt động kể trên đây là một
phần lớn học được từ toàn bộ tác phẩm của Phạm Duy. Đúng là một cái nhân gian
bao gồm cả loài người đông đảo đang xôn xao hoạt động, đang cười, đang khóc với
giọng điệu lúc trầm lúc bổng, khi nhặt khi khoan. Do đó mà tôi gọi nó là một nhạc
kịch nhân gian Đặc biệt trong nhạc kịch vĩ đại này có hai nhân vật mà tôi muốn
nhắc đến sau cùng. Đó là mẹ việt nam cây lúa. Có thể nói hai nhân vật này là
nét đan thanh nổi bật của họa sĩ Phạm Duy mà tôi sẽ đề cập ở những chương sau.
Chương II. Nhạc Trung Hữu Họa
Thơ hay nhờ tứ và lời. Tứ cao sâu, lời đẹp. Tứ và lời họp sức
làm nên hình tượng sâu vào lòng người. Ở đây tôi muốn nói đến sự giàu có về
hình tượng có thể nói là chật chội trong nhạc Phạm Duy. Tôi xin tạm xếp thành
ba nhóm như sau:
Hiện thực/lãng mạn/siêu thực.
Sau đây là những ví dụ thuộc nhóm :
I. Hiện thực/lãng mạn.
Chàng nghệ sĩ đến nhà cô em chơi rồi bỏ quên cây đàn. Hôm sau chàng đến, thì:
Cây đàn nằm đó nhưng em đâu rồi
Bông hoa trên phím tươi cười
Người tiên tặng đóa hoa đời xinh xinh.
(Cây Đàn Bỏ Quên)
Hình ảnh y như đã vẽ: cây đàn nằm đó với đóa hoa cài trên phím, nhưng không khí
vắng phắc. Nàng tiên đã biến đi lúc nào. Còn đây là một hiện thực lãng mạn
khác:
Một đoàn người đi hiên ngang trên đường gian nan
In hình qua mây núi xanh lơ bát ngát.
. . . . . . . . . . .
Kìa đoàn người đi say sưa qua đồng mênh mông
Người bàng hoàng đưa câu ca theo nhịp chân không
Có những lúc reo mừng với tiếng hát mơ màng
(Đường Về Quê)
Rõ nét một bức tranh bộ đội hành quân qua rừng núi xuống đồng bằng, hai ven đường
có nông dân làm lụng hò hát và có cô nàng tan chợ quang gánh về thôn.
Đây nữa:
Nhà sàn cao, tuy mái thô sơ
Người dừng chân bên suối nên thơ
. . . . . .
Đường mòn leo lên cheo leo
Vượt đồi non lên phiêu diêu
Đồng lúa chín gió cuốn theo chân đèo
(Đường Lạng Sơn)
Vẫn là những bức tranh hiện thực:
Chiều về trên cánh đồng xanh
Có nàng gánh lúa cho anh ra đi diệt thù
. . . . . .
Chàng về nay đã cụt tay
Máu đào đã nhuốm trên thây bao nhiêu quân thù
(Nhớ Người Thương Binh)
. . . . . . .
Bên suối xanh lơ mọc lên những mái tranh xưa
Đây chốn biên khu lòng ta như nước sông Lô
(Tiếng Hát Trên Sông Lô)
. . . . . .
Người đi trên đống tro tàn
Thương em nhớ mẹ, hương vàng về đâu
Chiều khô nước mắt rưng sầu
Tan thân thiếu phụ nát đầu hài nhi.
(Về Miền Trung)
. . . . . . .
Rung rinh, rung rinh gáng lúa rung rinh
Cánh đồng (mà) xinh xinh (rằng) xinh
Lão bà tóc trắng kĩu kịt quang gánh
Môi trầu (mà) tươi đám cỏ xanh
(Gánh Lúa)
Bằng ấy dấu chứng cũng đủ minh họa cho sự phong phú của hình tượng trong nhạc
Phạm Duy. Ta có thể tìm thấy những ví dụ như vậy nằm khắp trong nhạc Phạm Duy.
Có nhiều bài là những bức tranh toàn cảnh rất hoàn chỉnh.
2. Hiện thực/siêu thực
Bây giờ ta hãy sang nhóm thứ hai, tức là nhóm tranh vừa hiện thực vừa siêu thực.
Thực ra chẳng có một khuôn thước nào được đặt ra để cho bài nào vào nhóm nào,
nhưng vì các loại hình tượng mà tôi tìm thấy trong nhạc Phạm Duy rất phong phú
cho nên tạm xếp loại để dễ nghiên cứu. Đứng trước nhiều bài, quả tình tôi không
biết xếp vào nhóm nào. Ví dụ như bài Nợ Xương Máu vừa hiện thực lại vừa siêu thực.
Xác không đầu nào kia?
Cười lên tiếng máu xé tan canh trường
Nợ nần xương máu, ai đã trả xong?
. . . . . . .
Lá rụng tơi bời
Đoàn quân tiến qua làng (hiện thực)
Từng thanh kiếm đứt ngang
Từng lớp áo rách mướp
Từng cánh tay rụng rời
Qua làn mây trắng
Đoàn quân tiến về trời (siêu thực)
Ầm rung tiếng sa trường
Như nhắn nhủ người trai mài kiếm dưới trăng (hiện thực)
Ý tưởng của bài rất chất quán: Cái xác không đầu, tượng trưng cho những người
đã trả nợ máu xương xong, kêu gào mọi người phải trả món nợ ấy. Qua một cuộc
chiến đấu khủng khiếp, cái xác không đầu cười: "Nợ nần máu xương, ai nấy
trả xong"
Để đạt được cái ý tưởng cao siêu ấy, tác giả đã phải dùng nhiều thủ pháp, từ hiện
thực (3 câu đầu của đoạn đầu - 5 câu đầu của đoạn kết) rồi sang tượng trưng
(cái xác không đầu) là hầu hết các câu khác (trừ câu áp chót) là hình và tượng
siêu thực (Qua làn mây trắng, đoàn quân tiến về trời -- Ai lang thang tiếng cười
lên chới với...)
Ngay như người trai mài kiếm dưới trăng kia có vẻ hiện thực nhưng nghĩ cho
cùng, cũng không hẳn như vậy. Nhưng vì đây là tác phẩm của sự tưởng tượng (đặt
trên nền móng của một hiện thực) cho nên tôi xếp nó vào nhóm 2 cùng với những
bài khác.
Còn bài sau đây thì tiêu biểu cho nhóm trừu tượng/siêu thực
Chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều
Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu.
Lá vàng bay! Lá vàng bay
Như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai
Lá vàng rơi, lá vàng rơi
Như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối
Hoàng hôn mở lối, rừng khô thở khói, trời như biển chói
Từng chiếc thuyền hồn lướt trôi
Neo đứt một lần cuối thôi,
Cho cánh buồm lộng gió vơi, gió đầy
Chiều ôm vòng tay, một bó thuyền say, thuyền lơ lửng mãi
Từng tiếng xào xạc lá bay
Là tiếng cội già khóc cây
Hay tiếng lòng mình khóc ai, giờ đây?
. . . . . . . . .
Chiều chưa thôi trìu mến, lá chưa buông chết chìm
Hồn ta như vụt biến, bay vờn trong đời tiên.
Lá vàng êm! Lá vàng êm!
Như mũi kim mềm sẽ khâu kín khung cửa tình duyên
Lá vàng khô! Lá vàng khô!
Như nét môi già đã nhắn chờ lên nẻo đường băng giá
Chiều không chiều nữa và đêm lần lữa, chẳng thương chẳng nhớ
Để những lệ buồn cánh khô, rơi rớt từ một cõi mơ
Nghe đất gọi về tiếng ru hững hờ
Còn rơi rụng nữa, cành khô và lá, thành ngôi mộ úa
Chờ đến một trận mưa, cho rũa tình già xác xơ
Cho biến thành nhựa sống nuôi tình thơ
Chiều tan trên đường lối
Hồn ta như gò mối đang chờ phút đầu thai.
(Đường Chiều Lá Rụng)
Nhà nghệ sĩ ngồi giữa chiều nhìn lá rụng và ngẫm nghĩ miên man. Rồi vẽ ra một
buổi chiều khác trong tâm linh của mình. Nhưng dù trong sâu kín của tâm linh,
chiều vẫn có lá vàng rơi, có rừng, có thuyền, như chiều giữa trời đất. Nghệ sĩ
mượn cái chiều của trời đất để nói cái chiều trong lòng mình. Một bức tranh
thiên nhiên qua cảm xúc và nghĩ ngợi của nghệ sĩ đã trở thành bức tranh nội
tâm. Sở dĩ tôi gọi đó là bức tranh vì nó mang nhiều nét vẽ, cụ thể và phơi trải
màu sắc lung linh. Nhưng bức tranh này không phải loại tranh như Đường Về Quê,
Đường Lạng Sơn, Sông Lô, Về Miền Trung hoặc Gánh Lúa mà là một bức tranh trừu
tượng, siêu thực.
Ta hãy nhặt ra một trong những hình tượng của nó. Họa sĩ đã từng vẽ những làn
tóc trong các bài khác: Tóc em dài dáng em hiền hòa... tóc xanh tơ (hiện thực).
Suối tóc bát ngát uốn quanh vai gầy (hiện thực và lãng mạn). Bơi trong tóc em
như chìm trong mộng nghìn xưa (lãng mạn). Nhưng đến cái tóc trong bàiLá Rụng Đường
Chiều thì họa sĩ đã bước hẳn sang siêu thực:
Lá vàng bay! Lá vàng bay
Như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai.
Lá vàng bay vụt thành tóc buông dài vì dĩ vãng gầy (thành người) bước ra khỏi
tình phai. Dù là người nhưng không phải là người, dù là tóc nhưng còn là cái gì
khác, không chỉ là tóc. Nét họa rõ vô cùng nhưng cũng khó hiểu vô cùng. Tuy khó
hiểu mà vẫn hiểu được và dễ rung động vì cái hình tượng con người tóc buông dài
bước ra khỏi tình phai.
Cái dĩ vãng gầy là trừu tượng nhưng con người, tóc, bước ra hiện thực. Ta không
thể nhìn rõ dĩ vãng nếu nó không mang những nét đó để rồi ngay sau đó ta chỉ
còn nghe từng tiếng xào xạc lá bay (nhẹ, rời rạc) khác với Lá vàng bay! Lá vàng
bay! (mạnh và nhiều) vì đó chỉ là tiếng khóc (không có hành động) của cội (già)
khóc cây (non) hay tiếng lòng mình (cũng không có hành động) khóc ai. Tiếng
"bay" lặp lại hai lần không êm rời như tiếng "xào xạc bay".
Cái dấu than (!) ở đây là một năng lực cho hành động bay, và là số lượng cho những
chiếc lá rơi, để rồi ngay sau đó, từng tiếng lá xào xạc thành hơi thở và tiếng
khóc.
Trong một bài thơ bất hủ của Verlaine, mấy câu cuối cùng: Tôi đi lang thang đó
đây, như chiếc lá chết (ghi tạm bằng trí nhớ). Với Verlaine, lá chết là hết.
Nhưng chiếc lá vàng của Phạm Duy "bay, rơi" nhưng chưa chết sau khi rời
cành:
Chiều chưa thôi trìu mến, lá chưa buông chết chìm
Hồn ta như vụt biến, bay vờn trong đời tiên
Chiếc lá vụt bay lộn trở lên tiên sống tiếp dù chỉ khoảnh khắc:
Lá vàng êm! Lá vàng êm!
Như mũi kim mềm sẽ khâu liền kín khung cửa tình duyên.
Lá vàng trở thành mũi kim mềm. Lá vàng tái sinh thành môi già nhăn với lệ buồn
cánh khô:
Lá vàng khô! Lá vàng khô!
Như nét môi già đã nhăn chờ lên nẻo đường băng giá
Đường hấp hối trên kia nối theo đường băng giá ở đây là hành trình "bay và
rơi của chiếc lá vàng" cũng là đường đi của một kiếp người, của mặt trời.
Cái gì, ai, rồi cũng sẽ như lá rụng đường chiều. Nhưng dù lá và người có truân
chuyên mưa nắng đến đâu, chúng vẫn ham sống, ở phút cuối chiều. Chiều không chiều
nữa, và mặt trời cũng không muốn đi, và cả đêm cũng lần lữa (không muốn đến).
Thời gian dừng lại ở biên giới cuối cùng này để nghe đất gọi về tiếng ru. Để rồi,
lần cuối cùng cành khô và lá, rơi rụng thành ngôi mộ úa.
Mấy bài sau đây cũng có thể xếp vào nhóm tượng trưng/siêu thực:
Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu?
Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào?
Trời thì mưa rơi mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau.
Người thì hẹn nhau sang sông mong cho chóng tạnh mùa Ngâu
Cuộc đời làm cho đôi bên yêu nhau cách một biển sâu
Hẹn hò tàn Thu sang Xuân bên nhau biết thuở ban đầu
Dù tình không nguôi, đôi ta xin cho hứa vui về sau
Trời còn làm mưa rơi mưa rơi cách biệt dài lâu
Nước vẫn trôi mau mắt vẫn hoen mầu
Đành để hồn theo nước trôi không màu
Số kiếp hay sao? Không cho bắc cầu
Thì xin sông nước sẽ cho gần nhau
Một người bèn ra ven sông buông theo nước cuồn cuộn mau
Một người chìm sâu trong khi mưa Ngâu bỗng ngưng ngang đầu
Cuộc tình thương đau êm êm nước xuôi về đâu?
Hẹn hò gặp nhau Thiên Thu cho phong phú đời sau
(Hẹn Hò)
. . . . . . . . . . .
Mai có người chợt ngừng thăm mộ
Nơi chôn tôi là dưới rặng mai
Nơi đất lạnh ngàn đời tuyết phủ
Nên thân tôi nguyên vẹn hình hài
Nếu có người tò mò muốn gặp
Nơi tha ma mở nắp mồ lên
Sẽ thấy một người nằm thanh thản
Trông như chơn dung của Việt Nam
Thân tôi đây Bắc Việt là đầu
Nơi sinh óc của Rồng Tiên
Đây con tim Trung việt hồng hào
No say đây, Nam Việt ngủ yên
(Nguyên Vẹn Hình Hài)
Mặc dù nét đặc tả rất hiện thực, nhưng đây chính là một bức họa tượng trưng hay
siêu thực. Chỉ với bút pháp tượng trưng hoặc siêu thực thì mới vẽ được bức
tranh này.
Nhân đây tôi cũng xin kể lại một chi tiết trong vở kịch Đêm Thứ 12 của
Shakespeare: Lão quản gia hình dáng thô kệch lại thầm yêu chủ của mình là Quận
Chúa đẹp như tiên nga. Một hôm, người làm vườn nói gạt, bảo rằng Quận Chúa để ý
tới cụ lắm! Và "... kìa, Quận Chúa đang đi tới!" Lão quản gia sướng
quá, luýnh quýnh không biết làm gì, bèn ngồi phệt xuống thành hồ vốc nước lên
rưới vào ngực (phía bên tim) và áp tay lên đó, miệng lặp bặp mắt đờ đẫn. Cái cử
chỉ vốc nước rưới lên trái tim mình để dập ngọn lửa tình đang bốc trong tim là
hiện thực, tượng trưng hay siêu thực? Theo tôi hàm xúc cả ba.
Bây giờ hãy thử sang nhóm hoàn toàn siêu thực.
Tìm nhau trong hoa nở
Tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ
Tìm nhau khi nắng đổ
Tìm nhau khi trăng tỏ
Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ.
Tìm trong câu thơ cổ
Tìm qua tranh Tố Nữ
Tìm trên môi đương ca câu thương nhớ
Tìm sâu trong muôn thuở
Tìm sau lưng bốn mùa
Tìm nhau như Thiên Cổ tìm Ngàn Thu.
Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời, người ơi !
Gặp nhau, hãy nép hơi im trong hương mới
Gặp nhau trong Nhân Tình đầy Bác Ái, ơi người !
Gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông.
. . . . . . . . .
Tìm nhau trong bom lửa
Tìm nhau trong mưa bão
Tìm nhau trên kinh đô xây trong xương máu
Tìm nhau trong thống khổ
Tìm nghe câu than thở
Tìm nhau như goá phụ tìm mộ bia.
Tìm đâu môi em đỏ ?
Tìm đâu mây trong mắt ?
Tìm cho ra mái tóc ngây thơ đó.
Tìm xem trong kinh sử
Tìm tương lai sáng tỏ
Tìm nhau khi nhân loại được trùng tu.
Gặp nhau trong vinh dự của đời người, người ơi !
Gặp nhau dưới Đức Tin bao la phơi phới.
Gặp nhau trong cơ khổ của thế giới, ơi người !
Gặp nhau, đôi tâm hồn được nghỉ ngơi.
(Tìm Nhau)
Đây là một bức tranh siêu thực hoặc vị lai, mặc dù nó mang rất nhiều nét cụ thể
như hoa nở, cơn gió, mưa lũ, nắng đổ, trăng tỏ, bom lửa, xương máu, mộ bia, môi
đỏ v.v ... nhưng trong trường hợp này, họa sĩ vẽ hoa nở, cơn gió, tranh Tố Nữ
là vẽ cái linh hồn, nghĩa là cái không nhìn thấy mà chỉ cảm thấy của những vật
đó, chứ không phải chính những vật đó. Cho nên sự tìm nhau này không phải là
hai người mà chính là linh hồn của họ. Những câu này làm cho bức tranh càng rõ
nét siêu thực hơn:
Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ
Tìm trong câu thơ cổ
Tìm nhau như Thiên Cổ tìm Ngàn Thu.
Ngàn Xưa đi tìm Ngàn Sau! Hai cái "Ngàn" đó tìm nhau thì đời nào mới
gặp được nhau? Chỉ một nét đó thôi cũng đủ chứng minh bức tranh là siêu thực rồi.
Nếu có thể lạm bàn thì tôi xin thêm rằng trên cái không khí bàng bạc u minh đó,
"đôi môi em đỏ" rực lên như Đức Tin.
Một bài khác cũng thuộc nhóm này (xin phép để tiếng "hự" của nhạc qua
một bên):
Người đi trong đêm tối, trong đêm thâu
Trong đêm vắng, trong đêm sâu
Trong đêm dầy, trong đêm dài Việt Nam
Người đi giương đôi mắt, khua đôi tay,
Đưa chân bước trên chông gai,
Trên đất gầy, trên vũng lầy bùn nhơ
Người đi không ai dắt, không ai đưa
Như đui mắt, đi bơ vơ
Đi trong vòng vây quanh của bầy ma
Bầy ma chuyên uống máu nơi dân đen
Moi tim óc bao thanh niên
Ăn linh hồn, ăn da thịt Việt Nam
Bầy ma giơ tay níu, giơ tay mua
Giơ tay đón, giơ tay đưa
Giơ tay dọa không cho người vượt qua
Bầy ma giơ tay kéo, giơ tay ôm
Lôi ta cúi, lôi ta khom
Như con vật cong lưng bò trong đêm
. . . . . . . . .
Người đi trong đêm súng, trong đêm bom,
Trong đêm máu, trong đêm sương,
Trong đêm buồn, trong đêm hận thù vương
Người đi mang nước mắt, đeo khăn tang
Nhưng la hét, nhưng kêu vang
Trong ô nhục, trong muôn vàn hờn căm
Người đi trong kinh hãi, trong cô đơn
Nhưng đi tới, nhưng đi vươn
Đi ra ngoài, đi ra ngoài màn đêm
Bầy ma thêm hung dữ, thêm hung hăng
Thêm ngoan cố, thêm nhe răng
Thêm điên cuồng, thêm căm người hùng anh
Bầy ma giơ tay đánh, giơ tay phang,
Vung cây súng, vung thanh gươm
Không cho người, không cho người vùng lên
Bầy ma vung tay giết anh thanh niên
Trong đêm trắng, trong đêm đen
Trong đêm tàn, nhưng soi bật niềm Tin
. . . . . . . . .
Thế nhưng người là NGƯỜI nên không chịu làm thú !
Thế nhưng người là NGƯỜI nên không sợ loài ma !
Người đi, đi đi lên ! Người đi, đi đi lên !
Người đi tìm ánh sáng mặt trời
Thế nhưng người là NGƯỜI nên không chịu làm thú !
Thế nhưng người là NGƯỜI nên không sợ loài ma !
Người đi, đi đi lên ! Người đi, đi đi lên !
Người đi tìm ánh sáng trời lên.
(Dạ Hành)
Đây là một bài thơ mà vần điệu và ngôn ngữ vô cùng trau chuốt. Và là một bức
tranh bề dài bằng mười hoặc bằng trăm bề cao, một bức tranh dựng lên một cảnh
hãi hùng của một đoàn người đi trong đêm tối, trong đêm dài Việt Nam. Hay nói
đúng ra, đó chính là dân tộc Việt Nam đi trong quãng lịch sử đen tối nhất của
mình. Trong đêm tối ấy là bầy ma chuyên môn uống máu nơi dân đen, moi tim óc
bao thanh niên, ăn linh hồn ăn da thịt Việt Nam.
Bầy ma này lẫn lộn trong đoàn người đi, giở mọi thủ đoạn để bắt họ cúi khom như
con vật cong lưng bò trong đêm. Đoàn người chẳng những đi trong đêm tối, đêm
thâu, đêm dầy, đêm dài mà còn đi trong đêm súng đêm bom, trong đêm máu, trong
đêm sương, trong kinh hãi, trong cô đơn.
Họa sĩ đã tạc nên đoàn người với vô số chi tiết sinh động. Người đi, nhưng đi
như thế nào? Giương mắt, khua tay, chân bước trên chông gai, không ai dắt đưa
nên dù giương mắt mà như đui, đi lạc lõng bơ vơ rồi còn bị lôi kéo nên phải cúi
khom như con vật, mắt đầy nước mắt, đầu đeo khăn tang, uất ức, ô nhục, hờn căm
nên phải kêu vang.
Nhưng dù bị dìm trong đêm như thú, người vẫn là người nên không chịu làm
thú,nên không sợ loài ma, nên quyết đi tìm ánh sáng mặt trời. Bên cạnh con người
vĩ đại, họa sĩ cũng vẽ rất rõ hành động và tâm tính của loài ma để làm nổi bật
tính người. Bầy ma chuyên uống máu dân đen, ăn linh hồn, ăn da thịt Việt Nam, bầy
ma giơ tay níu, giơ tay mua, giơ tay đón, giơ tay đưa (gạ gẫm) rồi giơ tay dọa,
dọa không kết quả, phải giơ tay kéo, giơ ôm. Nhưng đoàn người cứ đi lên, không
sợ. Bầy ma điên cuồng, nhe răng, thêm hung dữ, thêm căm thù người hùng anh.
Chúng bèn giơ tay đánh giơ tay phang, vung cây súng quơ thanh gươm quyết giết
người anh hùng.
Ta thấy sự khắc họa người và ma của họa sĩ rất sắc nét. Trắng và Đen đối chọi
nhau chan chát, chứng tỏ sự xung đột rất dữ dội giữa Thiện và Ác. Và cuối cùng
đêm tàn, ánh sáng mặt trời lên, như niềm tin mãnh liệt của con người bị ma biến
thành thú mà không chịu làm thú. Đọc lời ca của bài nhạc này ta thấy một bức
tranh tương tự như Địa Ngục (như thuở bé tôi thường trông thấy ở vách chùa).
Nhưng ở địa ngục của nhà Phật thì con người đi đầu thai để được sống kiếp sống
mới, còn con người trong địa ngục của Phạm Duy thì thoát khỏi đêm đen, đẩy lùi
ma quỉ bằng vũ khí niềm tin. Trong đêm tàn, Phạm Duy cho soi bật niềm Tin.
Chương III. Ba Bức Tranh Tuyệt Mỹ
Trong hằng ngàn bức tranh và nét vẽ của nhạc sĩ/họa sĩ, tôi
chọn thêm ba bức sau đây để thử bàn thêm về sự phong phú về hình tượng của Phạm
Duy.
1.- Bài Gánh Lúa hoặc bài Nương Chiều sau đây đều là những bức tranh hiện thực/trữ
tình:
Chiều ơi ! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều !
Chiều ơi ! Áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều !
Chiều ơi ! Lúc chiều về là lúc yên vui
Qua đường mòn ngửi lúa thơm ngơi, ới chiều !
Chiều ới ! Chiều ơi ! Chiều ơi !
Thu về đồng lúa nương chiều
Tay dân cầy ngừng giữa làn gió
Lúa ngát thơm trên những cánh nương
Tiếng súng xa nghe lẫn oán thương
Đây nhà nông phá rừng gây luống
Mai về, để lúa trên ngàn
Ta nuôi người gìn giữ non nước
Lúc sức tôi chen với sức anh
Lấy máu tô cho thắm núi xanh
Đem mồ hôi tưới đồng lúa xanh
Chiều ơi ! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ
Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều
Chiều ơi ! Mái nhà sàn thở khói âm u
Cô nàng về để suối tương tư, ới chiều.
Chiều ơi ! Biết chiều nào còn đứng trên nương
Phố phường nhiều chiều vắng quê hương, ới chiều.
Chiều ới ! Chiều ơi ! Chiều ơi !
Đây là bài dân ca hay nhất trong những bài dân ca của Phạm Duy, đồng thời cũng
là của dân ca Việt Nam. Hãy nghe Thái Thanh hát để công nhận như thế với tôi.
Chép lời riêng ra, nó là một bài thơ quá hay. Và là một bức tranh tuyệt mỹ mang
một tâm hồn mộc mạc như lúa khoai và sâu thẳm như buổi chiều miền núi. Tâm hồn ấy
hiện ra trong những nét độc đáo. Tôi hát và nghe hát bài này trên 30 năm nay. Mỗi
lần nghe lại vẫn thấy sự rung động còn mới nguyên cho tới bây giờ. Tôi đã sống
những ngày rừng núi, đi lang thang dưới tàng cây rừng đại ngàn Lam Sơn ở Thanh
Hóa và từng ngồi ở mỏm đá bến phà Mục nhìn ngắm và suy nghĩ miên man. Cho nên
tôi quả quyết rằng Nương Chiều đã được Phạm Duy họa lại trong tôi như một mẩu
giang san cẩm tú, càng nhìn càng yêu mến thêm, càng nghe càng ngỡ hồn mình bay
về cảnh cũ, bên tai văng vẳng tiếng mõ trâu bò trở về buôn bản.
Đúng ra, đây là một bộ tranh liên hoàn gồm ba bức, tôi tạm xếp như sau:
Bức số 1: Cảnh vật nương chiều với những nét xuất sắc mô tả lũ trâu bò về chuồng.
Chậm rãi qua những rú rậm, chiếc mõ đeo trên cổ khua phát tiếng rơi rơi như một
điệu nhạc độc điệu buồn não. Rồi một chiếc áo chàm, vai quảy lúa, in hình vào
sườn núi chơi vơi. Chữ "quảy" này rất đúng. Nếu vẽ ra
"gánh" thì sai. Người Thượng quảy, thồ, vác nhiều hơn gánh. Có lẽ vì
đường núi trúc trắc, quảy tiện hơn gánh. Nét thứ ba là con đường mòn, trên đó
vương đôi bông lúa rơi từ quảy trên vai áo chàm kia. Họa sĩ đã chọn ba nét độc
đáo của miền núi buổi chiều ngày mùa để dựng nên cái không khí sâu thẳm và man
mác buồn.
Bức số 2 : Cũng vẫn cảnh nương chiều. Nhưng với nét lao động mệt mỏi. Người dân
ngừng tay phá rừng, đưa tay lau mồ hôi trán, mắt nhìn khoảng rừng mình mới phá
xong, đang gây luống. Bên ven luống mới, lúa chín ngát hương. Bỗng người nông
phu ngoảnh lại nhìn về phía có tiếng súng tấn công đồn giặc xa xa nên nghĩ ngợi:
lấy máu tô cho thắm núi xanh! Trộn lẫn vào cảnh lao động đó là tình cảm nồng
nàn của người dân đối với người gìn giữ non nước. Vì thế cho nên bức này có cả
nội tâm lẫn tình cảm của nhân vật.
Bức số 3: Áo chàm về tới nhà. Với những nét thơ mộng vô cùng êm ái: Mảnh trăng
cong như sừng trâu mọc trên mái nhà sàn. Ánh trăng tỏa nhẹ làm cho người lao động
quên cả một ngày mệt mỏi, hưởng phút thần tiên. Mái nhà sàn thở khói âm u. Nét
cọ này rất thần tình. Nhà sàn thở khói. Rất âm u, rất tuyệt, và rất khoa học.
Khói ở miền núi nặng nề bốc chậm chứ không bay bổng lả lơi như ở đồng quê
khoáng đạt. Làn khói báo hiệu một bếp lửa ấm áp bên trong ngôi nhà, sự sum họp,
một bữa cơm ngon, chứng minh cho câu áp chót ở đoạn đầu: Lúc chiều về là lúc
yên vui... Câu này được làn khói nói thay cho ở đoạn 3. Lấy khói bếp để nói sự
yên vui và đây là một nét có màu sắc địa phương đậm đà nhất. Cô nàng về để suối
tương tư. Trong câu này có hai nhân vật: cô nàng và suối; và tình cảm độc nhất:
tương tư. Chỉ có ba chữ suối tương tư nhưng đã nghệ sĩ mô tả cả một sinh hoạt
thần tiên của miền sơn cước. Nếu ở nét trên, hoạ sĩ đã cho ngôi nhà sàn biết thở
thì ở đây con suối thờ thẫn tương tư khi các cô nàng rời suối. Sự nhân cách hóa
này thiệt phải chỗ và tinh tế vô cùng. Có bao giờ bạn đi hoặc sống ở miền Thượng
mà gặp những nàng ngọc nữ từ trên thiên đàng lén bay xuống phàm, gỡ cánh ra giấu,
rồi thoát y xuống suối trần ai đùa nghịch chăng? Nếu có chắc bạn sẽ lẻn đến cướp
những chiếc cánh ấy để cắt đường về trời của các nàng tiên. Và như vậy bạn sẽ
hiểu sự rạo rực của từng hòn đá rong, từng hòn sỏi cuội, hiểu nỗi lòng phàm tục
của suối khi da thịt nõn nà phô bày cọ xát hoặc đắm chìm trong lòng suối. Từ đó
bạn sẽ thông cảm sự tương tư của chàng suối ở lại một mình giữa các thiên thai
có tiên nam, không có tiên nữ.
II.- Bài Một Bàn Tay là một bức tranh hiện thực/siêu thực:
Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng người
Một đêm kêu lên hơi thở tuyệt vời.
Bàn tay êm ái, ôi bàn tay khoan khoái
Nhạc ru tiếng khóc trần ai.
Bàn tay đưa anh đi gặp cuộc đời
Một Xuân bao dung ai cũng là người
Bàn tay vun sới, ôi bàn tay đưa lối
Dọc đời, thơ hát đầy vơi.
Trong cơn mưa hè, tay nào khô héo bắt anh về ?
Bàn tay che mắt, ôi còn ngăn câu hát
Bàn tay ám khí u mê
Nhưng tay em về, thơm mùi gỗ qúy, gỡ anh ra
Bàn tay nắng lóa, ôi bàn tay khơi gió
Tình trong năm ngón nõn nà.
Bàn tay ôm anh trong cuộc tình đầy
Một Thu sang, tim anh nở tròn ngày
Bàn tay ấm áp, ôi bàn tay bão táp
Bàn tay son, vẽ đời đôi.
Một mai đưa anh thăm thẳm lìa đời
Mùa Đông khăn tang, mây bỏ đường dài
Bàn tay thương nhớ, ôi gặp anh băng giá
Lạ lùng, tay khép làn mi.
Ở đây, họa sĩ lại cũng mượn cái bàn tay như một cái cớ mọn để vẽ nên cái sự
nghiệp của nó chứ không phải nó. Vẽ một bàn tay, dù là một bàn tay của người
lao động bình thường hay bàn tay của một nữ nghệ sĩ dương cầm trẻ đẹp thì công
sức đổ ra cũng thế thôi, nghĩa là không nhiều. Rất không nhiều bằng vẽ lên những
kỳ công của nó. Một bày tay mà Phạm Duy vẽ ra đây, đó là bàn tay có phép lạ:
Bàn tay son vẽ đời đôi. Bàn tay có phép lạ, nhưng không phải chỉ là bàn tay của
các bà tiên Lê Sơn Thánh Mẫu, Thoại Ba Công Chúa hay Phàn Lê Huê, Thần Nữ... mà
còn là bàn tay phàm trần xương thịt. Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng người va1 lạ
lùng khép kín làn mi. Cái bàn tay ấy có thiệt ở cuộc đời mà bạn và tôi đều có
thể cầm nắm, ôm ấp, nâng niu, hôn hít vớitình trong năm ngón nõn nà (cũng như
bàn tay vuốt tóc chồng và nựng con thơ trong bài Ở Bên Nhà Em Không Còn Đứng Đợi
Chờ Anh trong loại tị nạn ca sau này). Bàn tay hiện thực rõ ràng: trắng, thơm,
êm ái. Bàn tay êm ái, ôi bàn tay khoan khoái, bàn tay thơm mùi gỗ quí, ôm anh,
làm cho tim anh nở tròn ngày. Thế nhưng bày tay từng đưa anh đi gặp cuộc đời và
từng vun xới, đưa lối (cho anh) bỗng trở thành bàn tay trừu tượng, không thấy,
không nắm được. Trong cơn mưa hè, cũng bỗng có một bàn tay nào bắt anh về, đó
là bàn tay ám khí, u mê, bàn tay che mắt anh! Nhưng rồi cũng có bàn tay kỳ diệu
là bàn tay nắng lóa, bàn tay khơi gió, bàn tay ấm áp, bàn tay bão táp gỡ anh
ra. Để lần cuối cùng, một mai đưa anh thăm thẳm lìa đời... Như một cô đào
thương tuyệt sắc đã từng khoác áo giáp nữ nguyên soái, mặc xiêm y công chúa tiểu
thơ, làm say mê khán giả, trở lại cuộc sống thực áo cơm. Cái bàn tay kia bỏ hết
phép lạ để trở thành bàn tay xương thịt, nhẹ nhàng vuốt mắt cho anh. Lạ lùng,
tay khép làn mi cũng như ở bước đầu, đưa anh ra khỏi lòng người. Qua một cuộc đời
dài siêu thực, bàn tay trở về là bàn tay hiện thực. Đó là bàn tay son, vẽ cả một
bức tranh.
III. Bài Tiếng Đàn Tôi là một bức tranh siêu thực. Có lẽ tôi không cần phải
phân tích để chứng minh như đã làm ở trên. Tôi xin kể một giai thoại về bản nhạc
này:
Lúc tôi đi kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, tôi có một người bạn nhạc sĩ tên là
Hoàng Lưu. Hoàng là con trai của một gia đình giàu có ở Sài Gòn. Hoàng làm khá
nhiều bài hát được phổ biến ở Nam Bộ nhất là ở miền Tây. Hoàng yêu một người
con gái tên Kim Minh ở xã Phú Hữu, quận Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Trong lúc đó
bà mẹ Hoàng đem ra cho Hoàng một cây đàn ghi ta hiệu Sonora. Đó là một vật quí,
nhất là đối với hoàng nhạc sĩ. Đi công tác ở đâu Hoàng cũng bỏ cây đàn dưới xuồng
chèo đem theo như vật bất ly thân. Ở cơ quan, chiều chiều khi cơm nước xong,
Hoàng mang cây đàn lên vai, ra đứng ở bờ kinh nhìn trời mây sông nước mà
"sô lô" bản Tiếng Đàn Tôi một cách vô cùng say sưa như trình bày nhạc
phẩm của mình trước các buổi họp dân. Tôi là thính giả, cũng là ca sĩ phụ họa
theo tiếng đàn, lại vừa là người lính canh cho Hoàng hát thoải mái tự do. Hễ thấy
nhân viên nào xuất hiện thì lại nháy cho Hoàng chuyển cung "mi nơ"
qua "ma giơ" để đánh lừa họ. (Cũng kiểu như câu hát "đời buồn
như một cỗ xe tang" của Phạm Duy bị cơ quan trong kháng chiến chỉnh là bi
quan khiến tác giả phải chữa lại là "đời buồn như một cỗ xe tăng". Chỉ
cần thêm có một dấu là hết bi quan ngay!). Cái kiểu chuyển cung của thằng bạn
tôi cũng dễ như vậy. Hoàng cũng nhanh trí lắm, nên chúng tôi giữ bí mật được rất
lâu.
Nhớ có lần nó đang mới khởi đầu đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt... thì bỗng
có chiếc xuồng từ đâu trôi tới xĩa mũi lên bờ. Nó bèn tiếp ngay một cách hết sức
tài tình như xuất khẩu thành thơ vậy:
Quyết tâm giết Tây chết cho nhiều
Vì bọn mình kháng chiến dài muôn năm...
thay vì
Với bao tiếng tơ xót thương đời
Vì cuộc tình đã chết một đêm nao...
Tôi liếc thấy anh giao liên chèo thì biết là xuồng của ông Phó Ban Chính Trị tỉnh
đội nên nhanh nhẩu ra hiệu cho Hoàng ngưng và làm bộ nói:
-- " ... Ê này, lời của cậu còn đại khái và ép đôi chỗ đấy nhá... "
... như thể chúng tôi đang sáng tác một bài ca chung với nhau vậy. Thế là qua
truông được một phát. Hú hồn!
Hoàng có kể cho tôi nghe một cách thích thú là mình đã nghe Phạm Duy hát Buồn
Tàn Thu ở trên sân khấu gánh hát Đức Huy ở Sài Gòn. Hoàng học bộ Phạm Duy ôm
đàn và nghẻo đầu lên cần đàn hát say sưa như thế nào. Lúc đó tôi không biết
gánh Đức Huy nhưng sau này nghe lại thì đúng là Phạm Duy có hát trên sân khấu
này thật. Cũng không hiểu tại sao bản Tiếng Đàn Tôi không có in trong tập bài
hát nào hết mà nghe lan tràn khắp Nam Bộ ở đâu cũng hát. Hát riết rồi bị cấm
(cùng một lúc với Vọng Cổ)
Hoàng vẫn hát lén lút như thế và tôi rất thích thú đóng vai trò lính gác như thế
một thời gian dài ở cơ quan. Rồi Hoàng vác đàn xuống xã Phú Hữu hát nghêu ngao
vì ở nông thôn lúc bấy giờ hễ nghe đàn hát thì ham, chớ đâu có phân biệt xe
tang hay xe tăng gì ? Bài hát này đã đóng vai ông mai cho Hoàng Lưu chiếm được
trái tim của người đẹp có tâm hồn văn nghệ là Kim Minh. Đám cưới Hoàng, tôi có
dự. Sau buổi lễ chánh thức, tới phần văn nghệ, Hoàng lại mang ghi ta hát trước
bà con cô bác: Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt...
Chẳng may trong tiệc trà văn nghệ có một vị cán bộ địch vận của Ban Chính Trị đến
dự trong đám khách mà anh lính canh không kịp phát giác. Thành thử sau khi hưởng
tuần trăng mật với vợ hiền, Hoàng nhạc sĩ vác đàn về cơ quan, thì phải mần bản
tự kiểm thảo vì đã hát bài ủy mị của thành. (Người ta không biết bài đó của ai.
Mà thật, lúc đó Phạm Duy còn đi kháng chiến). Hoàng Lưu phải hứa là từ nay
không tái phạm. Tuy thế, nhưng đôi khi chúng tôi đi công tác chung với nhau,
lúc chèo xuồng giữa dòng kinh khuya lạnh vắng, tôi chèo và bảo Hoàng lên dây
cây Sonora để "ngã mặn" dưới trăng hay giữa đêm đen một cách trọn vẹn,
không cần phải đổi chữ ă cho cỗ xe tang.
Sau đây là lời ca của bức tranh siêu thực đó:
Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt
Với bao tiếng tơ xót thương đời
Vì cuộc tình đã chết một đêm nao
Lúc trăng hãy còn thơ ấu
Đời dù tàn trên cánh nhạc chơi vơi
Vẫn còn mong nhớ khúc yêu đời
Người đẹp về trong lúc mùa Thu rơi
Tiếng chân tiễn đưa tới tôi
Mênh mông lả ơi!
Thuyền về đến bến Mê rồi
Khoan khoan hò ơi
Dặt dìu trong tiếng đàn tôi
Hương hương nàng ôi!
Nàng về xõa tóc không lời
Khoan khoan hò ơi
Lệ sầu rụng xuống đàn tôi
Buồm về dội nắng trên vai
Bao nhiêu màu hoa ngát trên đôi môi, người ôi!
Có tiếng hát ru hồn tôi
Ru cho đau thương linh hồn đắm đuối
Mênh mông lả ơi!
Đường về xa tắp không lời
Khoan khoan hò ơi!
Lạnh lùng em đã rời tôi.
Để cho hợp với mối tình của mình hơn, Hoàng Lưu có sửa đổi mấy chữ như sau
trong lúc hát:
1. Tình đã chết hát ra tình đã sống
2. Thuyền về đến bến Mê rồi hát thành Thuyền về Phú Hữu đây rồi
3. Hương Hương nàng ôi thành Kim Minh nàng ôi
4. Lạnh lùng em đã rời tôi là Mặn nồng em đáp lời tôi.
Hoàng Lưu tập kết và qua đời tức tưởi cô đơn tại Hà Nội năm 1958 lúc chưa đầy
30 tuổi. Tôi đã tẩm liệm Hoàng và đem cây Sonora theo cho Hoàng. Lúc đưa tiễn
Hoàng ra nơi yên nghỉ cuối cùng, có nhạc sư Nguyễn Hữu Hiếu, Trưởng Phòng Âm Nhạc
Đài Phát Thanh Hà Nội, thầy dạy nhạc của Hoàng Lưu, đi theo đám người thưa thớt.
Phút hạ huyệt, tôi thầm bảo: "Xuống dưới đó mày tha hồ hát Tiếng Đàn Tôi,
không lo ai bắt kiểm thảo nữa!"
Ngót 40 năm đã trôi qua, kể từ ngày đứng với nhau trên bờ kinh miền Tây Nam Bộ.
Bây giờ viết những dòng này, tôi như thấy lại Hoàng với chiếc đàn đeo trên vai,
với giọng hát ngân nga say đắm:
Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt...
Lúc bé khi đi học tôi có xem một số hình trong quyển sách tập đọc Lecture
Expliquée, không hiểu sao tôi còn nhớ mãi bức họa Tiếng Chuông Chiều (L'Angélus)
của họa sĩ Pháp mà đến nay tôi cũng vẫn còn nhớ (chắc không sai) là của Henri
F. Millet. Họa sĩ vẽ tiếng chuông chiều trên gương mặt của đôi vợ chồng người
nông dân. Người đàn bà, đầu hơi cúi, khuôn mặt ngó nghiêng tuyệt đẹp, với đôi
tay chắp trước ngực tỏ lòng thành kính. Cánh đồng chiều man mác. Xa xa trên đầu
rặng cây là tháp chuông nhà thờ. Tiếng chuông vô hình như tỏa ra bao trùm buổi
chiều quê.
Một cách bất ngờ và lý thú, tôi tìm thấy Phạm Duy cũng vẽ một bức tranh tương tự,
trong trường ca Con đường cái quan ở ca khúc số 18: (đoạn mô tả khách lữ hành
đã đặt chân đến Nam Bộ).
Đường từ xa đem ta đã tới đây
Chùa chiều nay rung chuông trên luống cày
Người gửi ơn ra bốn phía chân trời mây
Ngẩng đầu lên dâng vút đóa linh hồn say
Đường về đây! Đường về đây!
Trời về Tây nghe gió cuồng bay.
Trong bức họa của Millet, tiếng chuông nhà thờ là linh hồn của buổi chiều đồng
quê. Trong bức họa của Phạm Duy, tiếng chuông chùa là linh hồn của đồng quê.
Trong dòng đời lạnh lùng trôi, tiếng đàn tôi là linh hồn. Đã vẽ được tiếng
chuông nhà thờ, chắc người ta cũng vẽ được tiếng chuông chùa. Và cũng vẽ được
tiếng đàn . . . tôi.
Tôi viết những dòng này như một bó hoa lòng kính viếng hương hồn người bạn năm
xưa đã có một thời cùng nhau yêu một tiếng tơ bất hủ.
Chương IV. Phạm Duy, Họa Sĩ Của Màu Xanh
Mỗi nhà họa sĩ đều có nét sở trường và màu sở thích của mình.
Tôi nhận thấy Phạm Duy là họa sĩ của màu xanh. Trong toàn bộ nhạc kịch nhân
gian của mình, Phạm Duy đã dùng rất nhiều màu sắc chính, nhiều nhất xanh kế đó
vàng, rồi hồng, tím, tía, đỏ v. v... Những sự vật màu vàng là: tuổi vàng, ngày
vàng, lầu vàng, trăng vàng, ngọn cỏ vàng, cát vàng, chiêu dương (vàng), mộ
vàng, mộ úa, cát úa...
Sự vật màu xanh là: đồng xanh, dâu xanh, núi xanh, lá xanh, cỏ xanh, trầu xanh,
tuôi xanh, đồi nương xanh, rau xanh, lúa xanh, mây xanh, rừng cây xanh, chiều
xanh, con trâu xanh, trăng xanh, trời xanh, phấn bướm xanh, mồ xanh, bụi xanh,
gió xanh, tóc xanh, rêu xanh, mắt xanh, sông xanh, tre xanh, nhạn xanh, xuân
xanh, hàng chữ xanh, cánh cửa xanh, mộng xanh, non xanh...
Hầu hết những gì mang màu xanh trên đời đều đã được đề cập đến. Đã đành là
xanh, nhưng sắc độ xanh có khác nhau: xanh thắm, xanh thẳm, xanh lơ, xanh rì,
xanh xanh, xanh tươi, xanh rờn, xanh ngời, xanh nhạt, xanh ngát, xanh ngắt,
xanh lá non, xanh trong, xanh biếc... ...
Hầu hết, hoặc tất cả, sắc độ xanh đều đã được dùng đến. Màu xanh làm cho lòng
người, mắt người thơi thới dễ chịu cho nên người ta cho màu xanh là màu hi vọng.
Bây giờ ta hãy xem lại với những nét xanh, họa sĩ đã mang lại cho đời những niềm
hi vọng ở những trường hợp nào?
Tôi đang nhìn thấy màu xanh ở trên cây cành...
(Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài)
Màu xanh ở trong mộng và trong tiếng cười. Màu xanh đó làm cho mộng xanh và tiếng
cười xanh. Với niềm lạc quan yêu đời đó họa sĩ nhìn cây lá tốt tươi phơi phới,
trời đất, gió mây, xanh tiếp xanh...
Bên nhau khi lúa xanh rờn
Nhìn đêm trăng kể chuyện xưa
Xanh xanh, bãi lúa xanh rì...
(Lúa Mẹ)
Ngay trong những ngày khói lửa, nhà họa sĩ cũng đã mơ cho người đời được hưởng
:
Bao khúc ca thanh bình vang tới ngàn dâu xanh
(Thu Chiến Trường)
Máu của người thương binh tô thắm núi xanh: (chiều về trên cánh đồng xanh, tôi
về tôi nhớ chiều xanh ra nơi sa trường). Trên nương chiều, máu của người dân tưới
lên đồng lúa xanh. Vườn rau của bà mẹ quê cũng vì đó mà xanh ngắt một màu.
Còn biết bao nhiêu niềm hi vọng được nghệ sĩ tạc nên:
Tuổi xanh như lúa mai
Đời thanh niên sáng tươi
Thuở nay chinh chiến chờ đợi người...
(Nhạc Tuổi Xanh)
Mặt khác người đi trong thanh xuân (Lữ Hành) cũng có khi nhìn bọt bèo trôi, nhớ
chăng màu tóc xanh ngời (Người Về Miền Xuôi).
Và người đó cũng có lúc thấy được tuổi xanh như lá Thu rụng cuối mùa (Bên Cầu
Biên Giới) trong một mùa dài chinh chiến.
Chỉ với bấy nhiêu dấu nhạc đó, họa sĩ đã phủ lên cả địa cầu một màu xanh, nhưng
màu xanh còn biến hóa vô biên trước mắt ta, khi đậm khi nhạt, lúc xa lúc gần.
* In hình qua mây núi xanh lơ bát ngát (Đường Về Quê)
* Đồi nương xanh xanh núi xanh lơ, rừng cây xanh, xanh lá bên hoa (Đường Lạng
Sơn)
* Thổi về ruộng nâu lúa hơi xanh rì (Người Về)
* Môi trầu tươi đám cỏ xanh (Gánh Lúa)
* Anh nông phu chống nạng cày bừa, có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ (Ngày Trở
Về)
* Trời xanh xanh quá, sáng soi bên nhà (Xuân Nồng)
* Không ngờ hồn hòa vào làn phấn bướm xanh lờ (Mộng Du)
* Là cát trắng hay bụi xanh lơ (Nhạc Tuổi Vàng)
* Trăng ơi, trăng ới kìa là trăng xanh (Bài Ca Trăng)
* Mang những lời yêu trong gió xanh (Những Bàn Chân)
* Đã mấy lần để đám rêu xanh thay màu gạch ngói (Tôi Đi Từ Lúc Trăng Tơ)
* Làn gió xanh theo gót phiêu du (trong CÕN ĐƯỜNG CÁI QUAN)
* Mẹ Việt Nam nghiêng mắt xanh, chải tóc mây ngàn (Mẹ Xinh Đẹp)
* Sông vàng xanh yếu kêu cứu sông giàu (trong MẸ VIỆT NAM)
* Ta cảm thương người phai nhạt tuổi xanh (Nước Chẩy Bon Bon)
* Tuổi xanh vươn trong lửa máu ngụt trời (Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc)
* Buổi chiều công viên, mây trời xanh ngát, trả lại em yêu mây trời xanh ngắt
(Trả Lại Em Yêu)
* Rước em lên đồi xanh, cùng ta lên núi cao thanh thanh (Cỏ Hồng)
* Hỡi cô em lúc xuân xanh đa tình (Gió Thoảng Đêm Hè)
* Trong tiếng cười của em, anh thấy một màu xanh (Trong Tiếng Cười Của Em)
* Anh chợt thấy xanh ngát trời trong mắt (Bé, Cây Đàn, Ngôi Nhà Xanh, Đồi Cỏ)
* Dường như em rêu xanh bám mạnh (Dường Như Là Hoà Bình)
* Rồi mở cánh cửa màu xanh, rời gót xinh, xanh như mây xanh thay cặp mắt này
(Trên Đồi Xuân)
* Thơm như bông lau đồi non xanh lá (Tuổi Hồng)
Bạn đã cùng tôi đọc đến hàng chữ xanh xanh này? Nếu soi gương bạn sẽ ngạc nhiên
thấy mắt bạn đã xanh ngắt, và lòng bạn cũng phơi phới thanh xuân. Đó, màu xanh
thần tình của nhà họa sĩ đã truyền sang cho bạn. Với mắt xanh ấy bạn sẽ nhìn cả
vũ trụ bát ngát niềm hi vọng và đánh tan những đám bụi đen.
Chương V. Cây Lúa Của Phạm Duy
Không biết có dân nước nào đặt tên cho con như dân ta không :
Điệp, Cúc, Mai, Lan, Liễu, Mận, Đào, Trúc, Sen, Gừng, Riềng, Ớt, Hành, Hẹ,
Quít, Cam, Nhãn, Chanh, ‘i, Mít, Dâu, Măng, Trê, Lóc, Thúng, Nia, Nong, Sàng v.
v. và v.v... Và Lúa. Ở Nam Bộ có cả một điệu hò lúa trong thời kỳ kháng chiến
chống Pháp như sau:
Lúa ta là lúa nuôi quân
Quân là quân của mình
Mình là mình đánh Tây
Dân là dân của mình
Mình là mình thắng Tây...
Thuở đó tôi mới 20 tuổi, thường điều khiển cho bộ đội hò điệu này, câu hò là do
tôi đặt tuồng bụng và ứng khẩu.
Lúa là sức sống của dân tộc ta. Những nhà kinh tế thường gọi Việt Nam là vựa lúa
của Á Châu và thế giới. Một bước ra khỏi nhà là gặp lúa. Mắt nhìn đâu cũng gặp
lúa. Hơi thở đầy hương lúa. Ngủ nghe lúa reo, mơ thấy lúa và chết cũng nằm ở ruộng
lúa để được nhạc đồng quê ru giấc nghìn thu giữa hương lúa. Õ objets inanimés,
avez vous donc une âme? Cây lúa vô tư cũng có linh hồn chăng? Thưa rằng có.
Trong nhạc Phạm Duy.
Lúa trong nhạc Phạm Duy là một nhân vật kỳ lạ. Giở tập NGÀN LỜI CA ra xem là
tôi nghe lúa reo, thấy lúa lớn, lúa chín và cơm gạo mới ngon lành bốc từ chiếc
nồi đất ở thôn ổ quê nghèo Gio Linh trong kháng chiến, hay ở Trạm Chôi của tuổi
thơ anh về thăm bà vú nuôi yêu mến, ăn bát cơm ngô sắn.
Chương LÚA này tôi viết xong đã lâu, lâu lắm, 10 năm có lẽ, nay đưa in, mới hay
đã mất. Đáng lẽ thì cáo lỗi cùng anh Phạm Duy và bà con độc giả, nhưng tôi mường
tượng cái thân lúa đứng giữa đời sống Việt, cái bông lúa vàng giữa đồng ruộng
Việt và cây lúa trong biển nhạc Phạm Duy, thấy nó đẹp quá, không thể thiếu được,
nên phải viết lại thì sách in ra mới yên lòng.
Tôi còn nhớ một bài hát tên là Thi Đua Ái Quốc :
Anh có cây súng kia thì tôi có bàn tay thợ
Em có bông lúa vàng thì tôi có một cây đàn
Anh giết thêm thực dân thì tôi đúc thêm súng đạn
Em có bông lúa vàng thì tôi có ngàn lời thơ.
Trong thời kháng chiến, chính nhạc sĩ Văn Luyện, với sự giúp đỡ của tôi, đã
trình diễn ở xã Trường Long, quận Ô môn, tỉnh Cần Thơ, dưới hình thức hoạt cảnh,
có các vai anh chiến sĩ, cô thôn nữ, anh công nhân, chàng thi sĩ (tôi đóng vai
thi sĩ). Mới đây mà đã non nửa thế kỷ. Mặc dù vậy, tôi vẫn thấy lại tôi trong
cái hoạt cảnh xưa, có bông lúa vàng ở trên tay cô thôn nữ cùng đóng kịch với
tôi tên là Phấn. Lúc đó Phạm Duy 30 tuổi, đang ở Gio Linh hay Việt Bắc. Bây giờ
Phạm Duy 75 tuổi. Thế mà trong nhạc Phạm Duy, bông lúa vàng lẫn chị Phấn vẫn rực
rỡ và cây lúa vẫn xanh tươi. Con người thì có tuổi, còn nghệ thuật thì không là
vậy. Phạm Duy yêu nước qua nhiều hình thái và sự vật: tâm tư, sông núi, đất
đai, hoa cỏ... nhưng có lẽ sâu đậm nhất là qua cây lúa. Phạm Duy thể hiện cây
lúa không như một loài cây cỏ mà như con người. Phạm Duy nhìn cây lúa với tấm
lòng thiết tha vô bờ, với sự rung động tự tâm ra, với niềm tự hào của một người
dân đất Việt.
Ai có đi chống Pháp vào năm 1946 thì có hát bài này:
Một mùa Thu năm qua Cách Mạng tiến ra
Đất Việt bừng ngàn tiếng, thanh niên tung gông phá xiềng
. . . . . . .
Một ngày qua thanh niên giã từ giấc mơ
Phất cờ hồng nhuộm máu , đấu tranh cho muôn kiếp sầu
. . . . . . .
Cùng đi ! Đem máu lên đỏ ngọn cờ
Cùng đi ! Đem sức trai đổ xuống bờ, bờ ruộng xanh
Tôi cùng anh, ta tranh hùng chờ ngày hoà bình
Nồng nàn sống vui tuổi xanh.
Tuổi xanh như lúa mai
Đời thanh niên sáng tươi
(Nhạc Tuổi Xanh)
Bài hát như một điệu kèn xung phong vô cùng hùng tráng, chẳng những thúc giục
thanh niên mà còn dựng cả tuổi già dậy, lao ra tung gông phá xiềng. Giữa cái
quang cảnh bừng sôi đó, Phạm Duy cấy lúa vào. Lúa mai... Lúa đó là thanh niên.
Quê hương của lúa là bờ ruộng xanh. Tâm hồn của lúa là sự sáng tươi. Ý chí của
lúa là phá xiềng. Lý tưởng của lúa là tự do. Lúa đã đứng lên hát vang trời mây
và:
Đường ta, ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây
Ruộng ta, ta cứ cầy đợi ngày
Ngày mai bao ấm no, diệt xong quân Pháp kia
Cười vang ta hát câu Tự Do.
Năm 1947, Phạm Duy ở chiến khu cùng với Văn Cao, Đỗ Nhuận. Phạm Duy về đồng
hoang ở Phú Thọ.
Đồng ruộng kia, ta gieo căm thù
Để mọc lên ngàn muôn cánh lúa
. . . . . . . . . . .
Nơi cô thôn, ta xây cánh đồng kháng chiến
Từ bụi khoai, bụi sắn, nhạc lên oai hùng
Nét oai hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp còn được mô tả trong bài Đường Về
Quê:
Một đoàn người đi miên man trên đường gian nan
In hình qua mây núi xanh lơ bát ngát
Người đi tìm chân trời, nơi miền quê
. . . . . . . . . . . .
Kìa đoàn người đi say sưa qua đồng mênh mông (lúa)
Đồng quê, lũy tre, sáo diều, bé chăn trâu, bát cơm, khoanh cà... là hình ảnh
thân yêu của Phạm Duy quyện chặt cùng với lúa. Có nơi nào lúa đứng mà không
nghe tiếng sáo diều, mà không thấy lũy tre và bé chăn trâu? Lúè reo với tiếng
hát của nông phu, và:
Có những lúc (lúa) tươi cười với tiếng hát cô hàng
Tan chợ chiều trên đường về cô thôn.
Lúa đứng bên đường nhìn anh chiến sĩ hành quân và lúa chạy theo nhập vào đoàn
quân để trở thành Vệ Quốc Quân đi cứu nước. Lúa biến hoá thiên hình vạn trạng.
Trong bài Nhớ Người Thương Binh, ta bắt gặp cô nàng gánh lúa cho anh ra đi diệt
thù vào lúc chiều về trên cánh đồng xanh. Cô nàng gánh lúa đó chính là lúa hoá
thân ngay trên cánh đồng xanh quê mình để một ngày kia, đón chàng về, chàng về,
nay đã cụt tay. Tôi có xem một đoạn phim quay hoạt cảnh này do một ca sĩ Mỹ
hát. Thật xúc động! Trong cuộc hành quân chiến đấu, trên đường về quê, anh bộ đội
đôi khi dừng lại một cảnh đồi nương vào lúc chiều tà:
Qua đường mòn ngửi lúa thơ ngơi (và)
Lúa ngát thơm trên những cánh nương (để)
Nhà nông phá rừng gây luống(đã)
Đem mồ hôi tưới đồng lúa xanh.
Ở đây lúa lại là cô nàng tắm suối để cho anh bộ đội tương tư chăng?
Phạm Duy là hoạ sĩ của mầu xanh. Mầu xanh đó, Phạm Duy dùng một phần lớn cho
thôn quê, đồng ruộng, nương rẫy, cho lũy tre, cho lúa:
(Làng tôi) có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre già tả tơi
Ruộng khô có những ông già rách vai
. . . . . .
Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười
Vui vì nồi cơm ngô đầy
. . . . . .
Bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi
Bao giờ cho lúa về đầy sân, hỡi em
(Quê Nghèo)
Cảnh vui, tình buồn, niềm đau khổ, qua Phạm Duy đều có mang hình dáng cây lúa,
củ khoai, củ sắn. Hãy coi bài Bà Mẹ Gio Linh:
Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy
. . . . . .
Ra công sới vun cầy cấy
. . . . . . . .
Mẹ già đi nấu nồi khoai
Bưng lên khói hương mờ bay
Đọc câu này hẳn bạn thấy nồi khoai thân thuộc dưới mái tranh nghèo và mùi hương
bốc lên thơm phức. Và đây, nỗi thiết tha của rừng núi và ruộng đồng gắn chặt,
ôm nhau, yêu thương nhau như trẻ thơ. Về miền Trung
Còn chờ mong núi về đồng xanh
Một chiều nao sắm sửa về đô thành
(Tôi hát như vậy trong kháng chiến) Hò hô hò ! Hò hố hô !
Về đây với lúa, với nàng
. . . . . . .
Tiếng ai vừa hát qua làng
Lúc em gặt lúa trên đồng
Hát rằng: Hà há hơ !
Tiếng cười, tiếng ca trên lúa trên sông
(Về Miền Trung)
Viết đến đây, tôi rưng nước mắt. Tôi nhớ lại tôi. Nhớ bạn bè thời chống Pháp đẹp
đẽ, cao quý vô cùng. Thời đó tôi làm văn nghệ, đủ loại, thứ gì cũng làm: thơ,
văn, hoạ, kịch. Cả hát độc xướng trên sân khấu. 1947 hay 49, miền Đông bị lụt,
Chiến Khu Đ không ở được, cán bộ chạy xuống Khu 9 tá túc. Có anh chàng nhạc sĩ
tên là Văn Cử đàn ghi ta tay trái. Anh cứ để nguyên dây đàn như vậy, thay vì từ
trên đánh xuống, anh ta lại từ dưới quẹt lên. Tôi không hiểu tay kia anh bấm
accords như thế nào nhưng nghe cũng rất đúng. Chính anh ta đệm đàn cho tôi hát
bài Về Miền Trung của Phạm Duy. Tôi cũng làm nhiều người rơi lệ chứ phải vừa
đâu! Lúc nào không có Văn Cử thì tôi "kên" ghi ta một mình nhưng chỉ
bấm vài accords thôi, nếu đổi nhiều sợ bấm trật. Về lời ca, chép đi sao lại,
chúng tôi có một cuộc cãi nhau về câu ôi quê hương xứ dân gầy. Người thì bảo xứ
thông gầy vì vùng đó có nhiều thông. Kẻ khác lại cho rằng xứ thân gầy vì miền
Trung là khoảng đất hẹp nhất của nước ta.
Ôi bông lúa, con sông xưa, thành phố cũ... Những hình tượng mà gây nhớ nhung bỏng
cháy. Bông lúa, con sông, thành phố... có gì lạ đâu? Sao mà nhạc làm nó trở nên
kỳ diệu? Có lẽ vì Phạm Duy dựng nó trên cảnh điêu tàn của quê hương, có cảnh
tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi. Trong bài này, Phạm Duy nhắc lúa tới ba lần
mà lần nào cũng nghe dường như có nước mắt. Tôi hát cũng với nước mắt: Ôi bông
lúa, về đây với lúavới nàng, tiếng cười, tiếng ca trên lúa, trên sông (tiếng
lúa kéo dài, ngân vang, thiệt đã cái cổ họng). Đó là vào năm 1948, nhạc sĩ Phạm
Duy 27 tuổi, còn "ca sĩ" Xuân Vũ mới 18 cái xuân xanh. Quả thiệt là:
Lúc em gặt lúa trên đồng
Nhớ thương về chiến khu mờ...
Buồn năm phút thôi! Đủ rồi! Bây giờ lại tiếp tục hành trình của "nhân vật
lúa". Trong bài Gánh Lúa, Phạm Duy mô tả nông thôn Việt Nam một cách tài
tình. Có thể so sánh với truyện ngắn Chí Phèo (mà tôi cho là truyện ngắn hay nhất
thế giới). Vì sao? Vì đọc Chí Phèo người ta có thể hiểu toàn bộ cuộc sống nông
thôn đời Pháp thuộc. Nghe bài Gánh Lúa, người ta có thể hình dung được nông
thôn Việt Nam ngày mùa, với niềm hạnh phúc của người nông dân và hơn nữa, sức sống
của dân Việt Nam.
Mênh mông, mênh mông, sóng lúa mênh mông
Lúc trời mà rạng đông ư rạng đông
. . . . . .
Rung rinh, rung rinh, gánh lúa rung rinh
Cánh đồng mà xinh xinh, rằng xinh
. . . . . . . .
Thóc bà phơi nắng, lúa nhà tôi gánh
Hai vai đem sức nuôi toàn dân
. . . . . . . .
Sớm ngày mai tới, thóc vàng cơm mới
Đi nuôi dân gánh một thành hai
Gánh lúa! Việc đó ai mà không biết hoặc không thấy: "gánh" và
"lúa". Nhưng qua con mắt nghệ sĩ, lúa rung rinh, lúa xinh xinh, sóng
lúa mênh mông, lúa nuôi toàn dân, một gánh thành hai... Rồi lại còn thêm tình
yêu:
Có nàng xay lúa quyến tròn thương nhớ
Thương chàng dãi nắng dầm mưa.
Và còn:
Môi trầu tươi đám cỏ xanh
Lão bà tóc trắng, kĩu kịt quang gánh
Ta thấy lúa trải vàng óng, thấy lúa nghiêng ngả và nghe cả tiếng quang gánh
đang nhún nhảy theo bước chân nhịp nhàng trên đường ruộng. Đời cần nghệ sĩ biết
bao. Nghệ sĩ đưa vào nghệ thuật những hình ảnh đơn sơ làm ta giật nảy người lên
vì nó đẹp hơn cả ngàn lần sự thực. Nhưng nó vẫn thực vô cùng. Như cái đòn gánh
để gánh lúa, của Phạm Duy. Xin hãy nghe lại bản nhạc để thấy lại quê hương
chút!
Nhân vật lúa của Phạm Duy mà ta bắt gặp rải rác khắp nơi có sức hút lạ lùng. Có
khi thấy lúa còn rất bé như lúa mạ, có lúc là lúa con gái mới lên, có khi biến
thành lão bà, thành ông già mặc áo rách vai v.v...
Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn (có ở miền Bắc mới hiểu được tại sao ruộng vuông
vắn)
Lúa thơm cho đủ hai mùa...
Văn Cao cũng có một bài mô tả đồng quê rất hay. Đó là bài Ngày Mùa, sáng tác có
lẽ cùng lúc với bài Gánh Lúa của Phạm Duy:
Ngày mùa vui năm nay, lúa reo như hát mừng
. . . . . . . .
Lúa, lúa vàng, mầu lúa bát ngát trời
Bao tay liềm, từng nhánh lúa thơm rơi
Mùa vui quân du kích đứng im trong lúa rập rờn
Ngày ngày qua gánh lúa, nón nghiêng nghiêng nhìn theo
Nhưng bản Ngày Mùa dùng nhịp valse 3/4 chứ không dùng nhịp dân ca. Do đó bài
hát rất hay nhưng theo tôi biết thì ít thâm nhập vào quần chúng mà chỉ đi vào
giới cán bộ thời đó nhiều hơn. Riêng tôi rất thích bài đó nhưng chỉ hoà nhạc và
hát một mình, chứ không "biểu diễn" trước quần chúng.
Trở về với bài Tình Hoài Hương, với câu hát: Dân trong làng trời về khuya vẳng
tiếng lúa đê mê. Không hiểu tâm tình nhà nông, không viết được hai chữ đê mê
này. Lúa reo, lúa chuyển mình, hương lúa đê mê hay nhà nông đê mê? Có lẽ cả
hai, lúa lẫn người, lúa biến thành người, người mơ theo lúa, tâm hồn của lúa và
của người hoà lẫn. Cũng với tình cảm đó, Phạm Duy viết những bài anh cho vào một
loại gọi là tình ca quê hương, tình tự dân tộc với nhiều nét đặc sắc mà chỉ nhà
văn mới có. Nhưng trong ba bài vừa kể, Phạm Duy vẫn không bỏ qua cây lúa (và cả
ngô, khoai và sắn nữa):
Mưa nhiều càng tươi bông lúa
Nắng nhiều thì phơi lúa ra...
(Bà Mẹ Quê)
Chàng là thanh niên mạch sống khơi trên luống cầy
Nói năng hiền lành như thóc với khoai
. . . . . . .
Chàng vừa cầy sâu vừa hứng mưa trên đất mầu
Hái bông ngô vàng hay bới khoai nâu...
(Vợ Chồng Quê)
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo, em đánh vần thật mau
Khoai lùi bếp nóng, ngon hơn là vàng
. . . . . . .
Đời vui thái bình, cây lúa sớm trổ bông
Cỏ ngàn thơm phức, trâu ăn đầy đồng.
(Em Bé Quê)
Lúa ở đây là bà mẹ, là đôi vợ chồng son và là em bé chăn trâu. Không lúc nào vắng
hình cây lúa trong nhạc quê hương Phạm Duy.
Bài Ngày Trở Về, Phạm Duy soạn trên chuyến tầu biển, đang lênh đênh trên Ấn Độ
Dương, lúc anh đi du học bên Pháp và lúc tạm có hoà bình. Anh mơ tới ngày trở về,
anh (thương binh) con trâu xanh hết lòng giúp đỡ nhưng cũng phải có:
Lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ
Có em vui tươi xách gạo bếp nước
Có nắm cơm ngon, ôi trời lạnh lùng
Có đôi uyên ương sống đời mặn nồng.
Trở lên, Phạm Duy tỏ tình yêu với "cô lúa Bắc". Từ đây, (với bài Tiếng
Hò Miền Nam) Phạm Duy yêu thêm "cô lúa Nam":
Ruộng đồng lúa trổ bông mau
Lạch nguồn cá lội xôn xao
. . . . . .
Tình quê như chín con sông
Nước trôi vào lòng đất cầy thơm nồng
Đợi mùa lúa tốt trổ bông
Gặt về cho bõ nhọc công.
"Em lúa" ở đây có dung nhan khác với "cô lúa" trên đường
tan chợ chiều về cô thôn, nhưng em vẫn đáng yêu như thường:
Yêu em đôi mắt hạt huyền
Yêu làn tóc rối yêu liền nước da.
Yêu em tấm áo thô sơ
Dãi dầu nắng mưa vẫn chưa phai mối tình.
Nỗi vui sướng của Phạm Duy giống y của một nông dân, ngồi bờ đìa, nhổ rau đắng,
cặp cá nướng, dzô ba xí đế:
Về miền sông ăn cá nướng thơm ngày mưa.
Về đồng dưa ta tắm nắng vui đời ta
Phạm Duy mô tả cây lúa phàm trần nghĩa là cây lúa thực với nghĩa đen của nó,
cây lúa như ta cấy, ta thấy cây lúa trổ bông, làm ra gạo, như trong mấy bài kể
trên, nhưng trong Nhạc Tuổi Xanh, Thi Đua Ái Quốc, Nương Chiều, cây lúa lên bực
siêu. Vậy có thể nói cây lúa đã từ phàm lên tới siêu vậy. Hơn nữa, đó là cây
lúa Việt Nam, không giống như đồng loại của nó ở những khu vực khác của địa cầu.
Tôi muốn nhấn mạnh điểm này, bởi vì từ nửa thế kỷ nay, cây lúa (nghĩa là dân tộc)
Việt Nam bị đắm chìm trong khói lửa, phải vươn lên để sinh tồn. Lúa lo sợ súng
(Lời tôi ca xin lúa đừng lo: tâm ca phạm duy đã vỗ về lúa như vậy), lúa mọc
trên ruộng máu, trong chiến tranh và hận thù.
Hồi 17 tuổi, tôi bất thần làm ẩu một bài thơ ngũ ngôn tựa là Em Lớn Lên đăng ở
báo NHÂN DÂN MIỀN NAM trong thời kháng chiến. Chủ nhiệm Trần Bạch Đằng khen nức
nở và bảo gởi thêm, nhưng tôi có bài nào nữa đâu mà gởi. Bài thơ này được nhạc
sĩ Phan Vân phổ nhạc, có mấy đoạn như sau:
Em ăn rau ăn cải
Trồng trên đống tro tàn
Trên nền nhà rụi cháy
Hàng cột ngã thành than
Cơm em ăn mỗi ngày
Đều có dính máu Tây
Vì mùa khô mùa nước
Tây phơi xác ruộng này...
Ít lâu sau, tôi thấy những hình ảnh đau thương đó cũng được Phạm Duy nói tới
trong bài Về Miền Trung :
Người đi trên đống tro tàn
Thương em, nhớ mẹ hương vàng về đâu
Chiều khô nước mắt rưng sầu
Tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi
Bà mẹ Gio Linh cuốc đất trồng khoai. Mảnh đất đó phải chăng đã ươm bao nhiêu hạt
căm thù? Cây lúa Bình-Trị-Thiên, Phú Thọ, Cà Mau phải chăng đã được tưới bằng
nước mắt toàn dân? Tiếng lúa Việt Nam reo lẫn trong tiếng ru của mẹ Việt Nam,
trong đó có tiếng gào thét của những bà mẹ bị giặc bắt phải ném con mình xuống
sông Thu Bồn?
Ôi cây lúa Việt Nam, cây lúa linh thiêng, giống cây thần thánh. Nhưng nếu không
có bàn tay phù phép của lão phù thủy Phạm Duy thì cây lúa, giồng khoai, luống sắn
chỉ còn là những giống cây bình thường, tầm thường nữa là khác.
Ta hãy nghe lại bài Tình Ca. Có phải ta đã nghe, thấy và yêu cây lúa hơn lên?
Bác nông phu vai đồng xương sắt đứng trên ruộng đất đã vài ngàn năm, luôn luôn
cất lên những tiếng gọi: Nước ơi! Lúa ơi! Như một câu đối, và như thế, tiếng
"lúa" cũng nặng ngang tiếng "nước". Trong bài đại tình ca
này, dù tác giả chỉ nhắc tới lúa hai lần, nhưng những hình ảnh khác, mặc dù
không nói tới lúa, vẫn có dính dáng, quyện chặt hay nằm giữa lúa:
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Bác nông phu đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Những câu hò giận hờn không nguôi
Tiếng cô gái bên nhà, lẳng lơ như tiếng sáo diều
Người nông phu đã đứng và lúa đã mọc hơn vài ngàn năm trên đồng ruộng Việt Nam.
Ta cũng chỉ có thể nghe những câu hò, câu hát, tiếng diều... trên đồng lúa mà
thôi. Có đồng lúa mới có tiếng diều. Chả nhẽ nghe tiếng diều ở thành phố à? Vậy
bác nông phu, chính là lúa. Cây lúa có từ bao giờ? Từ đời Hồng Bàng? Từ thời Việt
Câu Tiễn (luộc thóc rồi tặng Ngô Phù Sai làm thóc giống)? Người nông phu không
có lúa thì không thành người nông phu. Bài Tình Ca có nhiều nét trữ tình hơn
nét thực. Bài Gánh Lúa có nhiều nét thực hơn trữ tình (tuy cả hai đều có đủ hai
nét ấy). Đều là những bài hát đem dến cho thính giả hương quê, tình quê và hình
ảnh quê hương.
Trở lại cây lúa siêu phàm, ta thấy Phạm Duy đã đặt cây lúa vào Trường Ca Mẹ Việt
Nam một cách tuyệt vời:
Mẹ Việt Nam
Bên bờ đại dương,
Mẹ duỗi chân dài chờ mưa tuôn
Mẹ mong chồng cũng như là ruộng sâu nông
Ruộng cứng hay mềm cũng êm đềm đón lưỡi cầy tìm da thơm
Phạm Duy khắc hoạ hình tượng Mẹ Việt Nam như một cánh đồng (Đất Mẹ) để đặt cây
lúa vào đó, gọi là Lúa Mẹ:
Yêu nhau khi lúa chưa mòng
Thương nhau khi nắng khô đồng
Ôm nhau nghe nước mưa ròng
Chẩy vào lòng cặp tình nhân
Bên nhau khi lúa xanh rờn
Chia nhau bông chĩu thơm vàng
Đem nhau ra giữa sân làng
Nhìn đèn trăng kể truyện xưa
Xinh xinh bãi lúa xanh rì
Ngoan như cơn gió đêm hè
Nghe hơi dưới đất vỗ về
Một lời thề nặng tình quê
Vươn vai lúa nhớn dậy thì
Mưa thu cưới lúa đem về
Nâng niu lúa chín tới kỳ
Kỳ nở hoa, đẹp lòng ta !
Trường Ca Mẹ Việt Nam có bốn phần, gồm 22 chương. Phạm Duy dành nguyên một
chương để ca ngợi cây lúa. Mới đọc qua, người ta có cảm tưởng đó là một truyện
nửa thần thoại, nửa nhân gian, kể bằng thơ. Mẹ ơi, Nước ơi và Lúa ơi... Nghe
như tiếng hợp tấu của những dòng sông Hồng, sông Hương và Cửu Long Giang
Nhân đây, tôi xin kể một chuyện nhỏ: Năm 1972, tôi đi du lịch mấy nước tư bản lớn,
gặp mùa tuyết phủ, khó tìm ra một tiệm ăn Á Châu. Khi tới Luân Đôn, mới kiếm ra
một tiệm ăn Tàu, thằng bạn tôi hối hả gọi cơm rồi chan xì dầu và lùa một hơi ba
tô cơm bự. Đến chừng thức ăn dọn ra, nó vỗ bụng: "Tao đủ rồi! Không cần dồn
thứ gì vào bao tử nữa". Mà thật, sau ba tô cơm, nó ăn thêm hai tô nữa, tổng
cộng năm tô. Chuyện nghe như phàm tục, nhưng gẫm ra không phàm tục chút nào. Mà
có phần siêu nữa.
Chương VI. Truyện Trong Nhạc Phạm Duy
Nói tới truyện phải nói nhân vật. Rồi đến cốt truyện. Nhưng
có những truyện không có truyện gì cả mà chỉ có vấn đề, nghĩa là tác giả định
nói gì với độc giả qua câu truyện mình kể mà không cần nhân vật lắm. Trong nhạc
của Phạm Duy, tôi nhận thấy cái chất truyện cũng rất phong phú. Truyện với Họa
gần nhau hơn Thơ với Họa vì nói đến truyện là phải nói đến chi tiết. Ở đây tôi
chỉ xin bàn đến những bản nhạc có tính chất truyện đậm nhất, nghĩa là nó có
nhân vật, có truyện và có vấn đề. Trên cơ sở này, ta có thể nói bài Cây Đàn Bỏ
Quên là một truyện với nhân vật chính là người bỏ quên cây đàn. Nhân vật kế đó
là "em". Cây đàn cũng có thể gọi là nhân vật được. Có hai nét kịch
tính trong truyện này: Cây đàn nằm đó nhưng em đâu rồivà bông hoa trên phím
tươi cười. Câu chuyện đơn giản nhưng nó mang cả một triết lý nho nhỏ xinh xinh
như bông hoa kia. Em yêu tôi hay yêu đàn? Tất cả ba yếu tố cấu tạo truyện đều rất
rõ. Nếu muốn viết nên một truyện ngắn bằng văn xuôi thì nhà văn chỉ cần lấy cốt
truyện này mà phát triển nó lên.
Bài Chinh Phụ Ca tự nó đã là một truyện, tuy suông sẻ hơn bài Cây Đàn Bỏ Quên
nhưng nhân vật cũng rất rõ nét và có thể chia ra ba phần giống như ba chương.
Bài Nhớ Người Thương Binh là một truyện mà trong đó hình dáng, tâm tính của
nhân vật và bối cảnh có thể nói là đã hiện rõ như trong hai truyện trên. Tình
huống của truyện từ thấp đến cao rồi trở lại bình thường. Chia tay, đi chiến đấu,
bị thương rồi trở về sống cuộc đời ở hậu phương như crescendo rồi decrescendo
trong nhạc. Chàng về, chàng về nay đã cụt tay là điểm cao trào, cũng là kịch
tính của câu truyện. Toàn bộ khí hậu câu truyện và nội tâm nhân vật đều thay đổi
với chi tiết này. Tự nó, bài Nhớ Người Thương Binh đã là một câu truyện, có
nhân vật là vợ chồng anh thương binh, có bối cảnh đầm ấm đồng quê. Nó cũng là một
nhạc kịch nhỏ.
Bài Cành Hoa Trắng là một truyện viết bằng thơ rất gẫy gọn, rất xúc tích. Truyện
rằng ngày xửa ngày xưa ở đâu trên xứ của Ngọc Hoàng, có một nàng tiên tên là
Giáng Hương (cái tên yêu kiều này chắc là của tác giả đặt cho nàng tiên chứ tôi
chưa thấy nó trong các truyện Tầu hay truyện cổ tích). Không biết đó có phải là
Hương Hương nàng ơi trong bài Tiếng Đàn Tôi, đã lạnh lùng rời tôi để lên cung
tiên tìm hạnh phúc mới không? Nàng Giáng Hương đang độ xuân thì. Sống quạnh hiu
cô độc trong cung vắng. Một đêm, ngồi nhìn trăng úa tàn, bỗng nghe máu thanh
xuân nổi dậy, bèn bạo gan phá then vàng bước vào vườn hoang. Ở đấy lại gặp tình
nhân cũ (chàng ta đuổi theo tìm nàng). Tiếng hát tiếng đàn năm xưa lại quyến
rũ, khiến nàng quên cả đây là cung tiên, quên cả mình là tiên, nên đã cùng
chàng yêu nhau. Rồi các tiên nữ bắt chước theo nàng, làm huyên náo Thiên Đường
lạnh lẽo, nghĩa là làm cho Thiên Đường cao sang vương vãi đầy bụi trần. Do đó
mà Ngọc Hoàng, hoặc vì muốn giữ nề nếp cổ điển của Thiên Đường, hoặc vì ghen tức
với chàng trai trần tục kia (sao các nàng không yêu Trời mà lại yêu người trần
tục?) nên đã đầy nàng Giáng Hương xuống trần thành bông hoa trắng. Để cho chàng
trai kia ôm ấp giữa đêm mờ ngát hương, trên gác lẻ. Từ đó nàng sống với chàng đến
hết kiếp hoa. Mãn hạn bị đày, Ngọc Hoàng mở cửa Nhà Trời ngó xuống gọi nàng về,
nhưng nàng không về, vì căn gác lẻ loi có chàng nghệ sĩ và tiếng hát tiếng đàn
mới thật là Thiên Đường của nàng. Tôi xin phép tác giả thừa thắng xông lên, sau
khi đọc truyện Cành Hoa Trắng bằng thơ, viết luôn một cốt truyện bằng văn xuôi
như trên. Nhìn lại ở cuối bài hát (in trong tập NGÀN LỜI CA), tôi còn thấy có
dòng chữ chú thích như sau: "... Mùng 1 tháng 5 năm 1951, tôi từ Khu Tư
(Thanh Hóa) vào thành. Tôi chỉ ở Hà Nội có đúng một tháng rồi toàn thể gia đình
lên máy bay vào sinh sống ở Sài Gòn". Câu chú thích này làm cho truyện
nàng Giáng Hương thêm ý nghĩa.
Truyện Một Người Mang Tên Quốc là một truyện Phạm Duy viết bằng thơ. Nếu viết
ra bằng văn xuôi thì có thể vượt cả truyện ngắn để thành truyện dài, hoặc trung
thiên tiểu thuyết. Truyện (hay Chuyện) Hai Người Lính đi kế ngay sau đó là một
tiểu thuyết nếu ta phát triển nó ra. Hai người lính trong bài ca đã là điển
hình, vì họ hoạt động trong một cái không gian rộng lớn Việt Nam, với một mục
đích cao siêu (!) là cùng diệt kẻ thù chung, nghĩa là tận diệt nhau, để gìn giữ
Việt Nam. Một bi kịch rất hài hước, chua cay.
Bài Bà Mẹ Phù Sa cũng là một truyện bi hài bỏ lửng với câu kết: Tới đây là xong
nửa truyện, không biết rồi ai sẽ cứu ai? Kết luận bằng một dấu hỏi to lớn. Hỏi
và không trả lời để cho ai muốn tìm câu trả lời thì cứ tự tìm lấy. Sẽ thấm thía
hơn. Sự thực thì đã có xảy ra ở chiến trường rồi. Người anh đi theo Cộng Sản, tập
kết, trở về Nam gặp người em ruột, hai bên đều không biết nhau. Người em giết
anh mình, lúc xét lấy giấy tờ đem về khoe với mẹ thì bà mẹ chết giấc vì nhận ra
đó là "thằng anh mày!" mà lâu nay bà không nói ra. Bài Chuyện Hai Người
Lính làm cho tôi hâm nóng lại ý định viết cái truyện kể trên mà tôi biết từ
lâu, nhưng viết không nổi. Hoặc không muốn viết ra. Vì đó là câu truyện quá
thương tâm. Không biết lý do nào làm cho tôi chưa viết được, tôi cũng không hiểu.
Những bài nhạc sau đây đều mang tính cách truyện hoặc đã là truyện: Tóc Mai Sợi
Vắn Sợi Dài, Úm Ba La Ba Ta Cùng Khỏi, Khỉ Đột, Nhìn Lồn, Thằng Bợm, Đưa Bé Đến
Trường, Tuổi Thần Tiên, Người Việt Cao Quý, 1954 Cha Bỏ Quê, 1975 Con Bỏ Nước,
Người Con Gái Việt Rời Xa Tổ Quốc, Lời Người Thiếu Phụ Việt Nam, Bầy Chim Bỏ Xứ,
Bà Mẹ Gio Linh, v.v...
Nếu tìm thêm thì ta có thể lọc ra được một số truyện nữa, nhưng bấy nhiêu đây
cũng đã chứng minh truyện trong nhạc Phạm Duy thật phong phú. Ngoài những bản
nhạc có tính chất truyện hoặc đã là truyện rồi, tôi còn nhận thấy vô số những
chi tiết và hình tượng rất là truyện. Và tôi lấy làm ngạc nhiên là Phạm Duy đã
đưa chúng vào nhạc một cách rất tự nhiên, dễ dàng. Sau đây tôi chỉ xin nhặt ra
một vài chi tiết rất "truyện" của Phạm Duy:
* Xác không đầu nào kia (Nợ Xương Máu)
* Chàng về nay đã cụt tay (Nhớ Người Thương Binh)
* Anh thương binh chống nạng cầy bừa (Ngày Trở Về)
* Bàn tay ngà vục bùn đen (Ở Bên Nhà Em Không Còn Đứng Đợi Chờ Anh)
* Tiếng anh chiến sĩ say rượu cười vang (Tiếng Thời Gian)
* Ông già mím môi cầm lái (Hát Cho Người Vượt Biển)
* Áo ngắn đi dần, may áo mới luôn (Tuổi Thần Tiên)
* Con yểng nhát gan, thấy màu đỏ chót là toan giết mình và
* Đằm thắm, đôi bồ câu bú mớm (trong Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ)
Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ là một truyện có đầu có đuôi, thủy chung như nhất, có
nhân vật đông đúc, có chính diện và phản diện. Đồng thời hình dáng, cá tánh, nội
tâm nhân vật rất rõ. Cá tánh là nét đặc sắc của nhân vật làm cho nó sống và
không lẫn lộn với các nhân vật khác cùng truyện hoặc của truyện khác. Sự nhân
cách hóa loài chim là một trong những sáng tạo tột độ của Phạm Duy. Ta hãy nhìn
lại các Chàng và Nàng Chim, khởi đầu là chàng họ Đỗ, tên Quyên. Chim là hồn Thục
Đế ngày xưa.
Hồn hóa sinh ra thành con chim Quốc
Hồn hóa thân là họ Đỗ chim Quyên...
Rồi
Đỗ Vũ không ngừng kêu mất nước
Thổ máu tươi như đêm chim chết
Tái sinh thành lần nữa Đỗ Quyên.
Bấy nhiêu nét đó làm cho Đỗ Quyên phân biệt hẳn hoi với thiên hạ, không thể nào
lẫn lộn với ai. Bên chàng Đỗ Quyên lại có cô Chim Thanh cũng đầy nét đặc sắc,
cũng không thể lẫn lộn với ai.
Rằng chim hót tiếng chim Thanh
Chim ở nhà, chim không hót
Chim nhất định lặng thinh
Dẫu cho chim thèm khóc
Dẫu cho chim muốn cười
Chim gìn giữ tiếng chim Thanh
Rồi đến các chàng chim khác, mỗi chàng chỉ một nét phá, không chàng nào giống
chàng nào:
* Con chích choè chìm vào đêm sâu, vẫn cất tiếng hót gọi tôi rầu rầu (nghe hát
thì còn rõ cá tính hơn)
* Con chào mào líu lưỡi ngọng câm
* Con hoàng khuyên lên giọng hát nao nao, giọng hót chim đau
* Chim khổ đau cấu cổ chết không hay
* Nhạn xanh hân hoan
* Én bay thấp, én bay cao
* Én hay nhạn, thương cho bạn tỉnh mê
* Bạn tình xa có nhớ gốc đa thì về
* Chèo bẻo rất hùng anh, hễ mà thấy quạ nó rình đánh ngay
* Chèo bẻo đánh chim đen
* Tình nghĩa là lứa chim Uyên (uyên ương)
* Lên tiên thì tìm cánh Hạc
* Tấu nhạc là Phượng xuống non
* Nắng lên non véo von, Kim Tước
* Tha thướt, Thiên Nga
* Sóng gió là Hải âu
* Yến hộc máu vì tin người
* Bìm Bịp, dựa nước nhoi ra
* Rẻ cùi tốt mã (mà) ăn giơ uống bẩn. v. v ...
Ngoài ra, còn chim Hồng, Lạc, Tiên, Rồng, bay lên từ thời tiền sử mơ màng,
nhưng chỉ cái tên của chúng thôi cũng đủ làm cho người ta nhớ mãi. Đây là một sự
sáng tạo khác nữa của Phạm Duy. Cũng như, trong các loại chim, làm gì có con
chim Thanh? Đó là do Phạm Duy tạo ra. Và đấy là con chim phi phàm.
Đến đây, tôi xin thêm một con chim khác, nó là linh hồn của bầy chim bỏ xứ. Con
chim đó hát hoài không ngừng từ Lạng Sơn đến Cà Mau, từ trong nước ra ngoài nước,
từ Á sang Âu, từ Mỹ sang Úc, không nơi nào có người Việt mà vắng tiếng hót của
nó tới. Tiếng hót của nó trở thành tiếng ru lòng người ly tán, nhắc nhở ngày
đêm cho người không quên tổ quốc, một con chim trong bầy chim bỏ xứ mang hồn Đỗ
Quyên, một con chim không phải nêu tên nhưng ai cũng biết.
Miên man theo Bầy Chim Bỏ Xứ mà tôi suýt quên một truyện khác trong chương này.
Thực ra tôi cố tình quên để dời nó lại ở cuối chương này. Đây một truyện bất hủ,
truyện Bà Mẹ Gio Linh. Mẹ cư ngụ ngay sau khi nghe tiếng hát Sông Lô trên một
nương chiều rồi vô tới quê nghèo Quảng Trị trên ngả đường về miền Trung có những
đoàn người gánh lúa.
Ở Gio Linh thuộc tỉnh Quảng Trị vào năm 1948, có bà mẹ nghèo ngày đêm cuốc đất
trồng khoai nuôi con đánh giặc Tây. Nhà mẹ thì Tây nó vừa đốt tro than hãy còn
chưa nguội, nhưng không sao, mẹ vẫn khuyên bà con báo thù và nung chí người con
trai độc nhất đang làm du kích. Đêm đêm nghe súng nổ xa xa mẹ câu nguyện cho
con.
Bỗng một hôm bà mẹ đang tưới rau thì nghe bà con hàng xóm gào thét hung tin.
Tây bắt được con mẹ và đem ra giữa chợ cắt đầu. Mẹ ném chiếc gàu, không nói một
câu, vào nhà lấy chiếc khăn cầm tay, đi thẳng ra chợ nhặt lấy đầu con đem về.
Đường làng lặng ngắt trong khủng khiếp như chết. Chỉ có tiếng chuông chùa gieo
nặng. Chân rụng rời bước, bà mẹ nâng đầu con, nước mắt ràn rụa mẹ cố nuốt không
cho tiếng khóc bật ra. Như hiểu lòng mẹ, môi người con trai cười, thắm như màu
cờ, và mắt âu yếm nuối nhìn mẹ. Tuy đau đớn vô cùng, mẹ vẫn nén lòng, sống với
đứa cháu mồ côi còn thơ dại và đầu đã chít khăn tang. Đêm đêm nghe tiếng súng,
cháu giật mình nhưng trong cánh tay ru của bà, cháu lại ngủ say. Bộ đội ghé nhà
thăm hỏi mẹ luôn. Nhiều hôm mẹ giỡ luống khoai đem nấu để đãi các con. Nhìn vẻ
mặt rắn rỏi của các con qua làn khói nồi khoai vừa chín tới, mẹ như nguôi đi nỗi
đau mất con, tuy lòng mẹ nhớ con không nguôi. Mẹ rót nước mời bộ đội và bảo:
"Các con uống nước đi rồi hăng hái đi giết giặc, báo thù cho em các con.
Các con có dịp nào đi ngang đây nhớ tạt vào thăm mẹ".
Phạm Duy đã viết một truyện với số chữ ít nhất để diễn đạt tình ý, hành động, nội
tâm cảnh vật một cách cao nhất. Noi theo kỹ thuật diễn đạt cao, cho nên Bà Mẹ
Gio Linh là tượng trưng cho hàng ngàn bà mẹ của làng quê Việt Nam trong thời kỳ
chống xâm lăng, tiêu biểu lòng yêu nước và niềm ước mơ giải thoát quê hương khỏi
sự tàn bạo của bất cứ lũ giặc xâm lăng nào.
Chương VII. Chữ Nhỏ Của Phạm Duy
Trong nghệ thuật viết tiểu thuyết Tolstoi có bảo ta: Petit
détail fait grand roman Chi tiết nhỏ làm nên truyện lớn. Một câu nói ngắn dạy
ta mãi mãi trên đường dài. Vũ Trọng Phụng để lại một chồng tiểu thuyết cho người
đời, trong đó có mấy chữ "biết rồi khổ lắm nói mãi" của cụ cố Hồng.
Câu nói cau có đó vụt bước ra khỏi trang sách, đi khắp dân gian. Thiên hạ cứ tuởng
suy tôn kẻ độc tài trở thành vĩ nhân bất tử là đem các khẩu hiệu om sòm cho vô
kèn đồng rồi bắt nhạc công phun chúng ra, rồi khi lãnh tụ chết thì xây cái nhà
mồ thiệt bự. Không đâu, những bài ca khẩu hiệu sẽ chết một cách "bất tử"
còn một câu ca dao, đồng dao mang hồn dân tộc lưu truyền từ miệng người đời đời
không tắt. Không đâu, Tolstoi mang giày rơm, viết trên bàn gỗ đơn sơ và chết chỉ
nằm dưới nấm đất thấp không cần bia đá tượng đồng, thế nhưng vẫn là vĩ nhân,
khi còn sinh tiền cũng như sau khi nhắm mắt, quyền lực của ông cao hơn vua chúa
Âu Châu. Trên ý thức chi tiết nhỏ làm nên truyện vĩ đại của Tolstoi, tôi tiếp tục
đi nhặt thêm vài chữ rất nhỏ của Phạm Duy để coi người nghệ sĩ này lớn như thế
nào.
Chữ đóa:
Đóa hoa thì đã đành, nhưng lại còn đóa thơ.
Đóa linh hồn đã đành lại còn có thêm hồn đom đóm, hồn ma, linh hồn, oan hồn, hồn
thiêng, hồn xuân...
Có trăng sáng, trăng vàng, trăng già, trăng non đã đành, anh lại còn có trăng
tơ và trăng thơ ấu.
Có thằng Bờm rồi, lại còn thêm thằng Bợm.
Người ta nói hùm thiêng sa lưới cũng hèn, Phạm Duy nói hùm thiêng sa lưới vẫn
hùng. Chỉ khác nhau một chữ, Phạm Duy đã tạo ra một triết lý mới, đảo ngược và
phủ nhận cái có từ xưa.
Chữ úa:
Lá úa, cánh hoa úa, hương úa ... nhưng với Phạm Duy thì cát cũng úa, thời gian
úa. và ngôi mộ cũng úa.
Khi bông hoa úa vàng, tình tang (Cây Đàn Bỏ Quên)
Mang mùi hương úa (Tiếng Bước Trên Đường Khuya)
Cánh hoa tươi tơi bời, theo với những lá úa (Xuân Hành)
Làm cho úa vàng từng mộng ước tươi hồng (Tuổi Biết Buồn)
Giọng ca buồn bã vào trong đời úa (Nước Mắt Mùa Thu)
Nào ngờ cát úa tuôn ra dần dà chẳng có hay (Nha Trang Ngày Về)
Thành ngôi mộ úa (Đường Chiều Lá Rụng)
Những xác úa một thời (Mộ Phần Thế Kỷ)
Cỏ hèn đã úa từng cội (Ngựa Hồng )
Lá úa rơi vun cao cội nguồn (Người Tình Già Trên Đầu Non)
Đã Thu vàng úa, ới ơ tình rồi (Tình Thu)
Thời gian là lệ úa (Nghìn Năm Vẫn Chưa Quên)
Hoa úa trong lòng ta (Chỉ Chừng Đó Thôi)
Chữ bâng khuâng:
Chàng tráng sĩ ngồi trên lưng ngựa sắp chia tay với người yêu để ra trận, lòng
chàng bâng khuâng, nhưng đồi núi ban mai thức giấc vươn vai cũng bâng khuâng và
trời cũng biết bâng khuâng. Nhưng với chữ bâng khuâng, trường hợp dùng sau đây
là hay nhất làm tôi thiệt bất ngờ :
Sống sót trở về, anh thợ mỏ náo nức
Sống sót trở về, anh mục đồng thao thức
Sống sót trở về, tên cường đạo lau kiếm
Xé áo giang hồ, xin chèo đò trên bến!
Sống sót trở về, quên màu hồng gái điếm
Trút phấn son rồi, xin mặc lại áo huyền
Sống sót trở về, tôi tạ từ vũ khí
Sống sót trở về, tôi trở lại nhỏ bé
Sống sót trở về, đeo một bầu rượu quý
Sống sót trở về, vui một mình, tôi đi...
(Sống Sót Trở Về)
Cả cái thiên hạ sống sót trở về kia mừng húm thấy mình còn sống. Nhưng tình cảm
và hành động mỗi người một khác. Chữ dùng rất đúng, rất hay cho mỗi giai cấp.
Nhưng chữ bâng khuâng sau đây mới là tuyệt bút:
Sống sót trở về, anh thợ chài bâng khuâng.
Đọc tới chữ bâng khuâng ở đây thì tôi buông sách. Quái lạ! Cái anh nghệ sĩ này
lại sờ tới tim đen người dân lao động thợ chài. Cái hay của người viết là dùng
chữ độ lượng (sobre) và đúng (juste). Một chữ của Nam Cao dùng tôi nhớ mãi, khi
ông tả một anh Chí Phèo lưu manh say rượu khi tỉnh dậy thấy lòng mơ hồ buồn.
Cũng như Thạch Lam tả hương vị cà cuống thoảng tí nghi ngờ lúc ăn bánh cuốn. Chữ
dùng đúng và độ lượng vô cùng.
Chữ bâng khuâng được dùng để tả nỗi niềm anh thợ chài thiệt đúng. Chẳng những
đúng về nội tâm mà đúng cả cử chỉ. Anh thợ mỏ náo nức vì mai này anh biết anh sẽ
đi cuốc than, gã mục đồng cũng biết rõ rằng mình sẽ cầm cờ lau ngồi lưng trâu,
nằm nghe sáo diều hay gió reo qua vườn tre mà thao thức không ngủ được. Còn anh
thợ chài, tuy biết mình sống chắc rồi. Nhưng giang sơn mình ở đâu? Sông nước
nào cũng là của anh được cả, nhưng nó chẳng phải là của anh một tí nào cả. Và
ngay cả khi bụng đã chắc rằng ở ven bờ này ta sẽ tóm một mẻ to, nhưng cái chắc
đó đâu có chắc như anh thợ mỏ và gã mục đồng. Cho đến khi anh nâng chài lên
đung đưa, rùn chân sắp vung chài mà bụng vẫn còn bâng khuâng chưa chắc ở cái kết
quả. Nỗi bâng khuâng chỉ biến đi khi anh lôi chài lên và thấy tôm cá nặng đầy.
Tôi có mạo muội thử "nhúc nhích" chữ này nhưng quả thật không có chữ
nào đúng và hay bằng chữ bâng khuâng.
Chữ tả tơi:
Cánh hoa tả tơi, thần đồng gãy cánh tả tơi, biển tả tơi, đất nước tả tơi...
nhưng còn cánh tay ngỡ ngàng tả tơi và hồn nước cũng tả tơi, đất nước tả tơi.
Chữ già:
Mẹ già, ông thợ già, trăng già, lính già... nhưng còn có:
Chim ngoan về đậu ngọn tre già (Bầy Chim Hồi Xứ)
Đời hoa chóng già vì thiếu mặn mà (Ngày Trở Về)
Mùa Hè ngày tháng chưa già (Hạ Hồng - Mới chóng già lại vẫn chưa già)
Có một vài tóc trắng thầm mơ, ước cho hoa nở mãi không già (Hoa Xuân)
Cây lá già trong tuổi thơ Ngày Tháng Hạ)
Hôn má Xuân già (Tiếng Hát To)
Đã già thêm nửa hành trình yêu thương (Tình Thu)
Mây từ biển quý lên ngôi trời già (Chớp Bể Mưa Nguồn)
Đêm mơ về già (Cho Nhau)
Tình già bình yên (Bài Ca Trăng)
Tình già xác xơ và Như nét môi già (Đường Chiều Lá Rụng -- tình vừa mới bình
yên lại già nua và xác xơ ngay)
Đã già thêm nửa hành trình thương yêu (Tình Thu)
Nên mau tóc ngà, con tim sớm già (Hẹ Em Năm 2000)
Trăng già, đá già vẫn còn đương tơ (Trăng Già)
Sa mạc già (Rong Khúc)
Một chữ già rất bình dân và rất phổ thông nằm trong tay Phạm Duy bỗng chốc trở
nên sang trọng và biến hóa vô cùng. Những chữ nhỏ như thế, càng đọc càng thấy,
thấy không hết, nhưng tôi cố gắng, tôi còn yêu, tôi cứ yêu, nhặt ra càng nhiều
càng hay.
Còn mấy chữ nữa cũng thích thú không kém, như chữ gầy:
Ấm lòng thay, những lúa gầy đứng giữa trời mây (Những Bàn Chân)
Dĩ vãng gầy (Đường Chiều Lá Rụng)
Đường thơm bóng gầy (Đường Em Đi)
Giờ đây bão tố trên vai hao gầy (Giờ Thì Em Yêu)
Này em con chim gầy (Bình Ca Một)
Trên đất gầy, trên vũng lầy bùn nhơ (Dạ Hành)
Mẹ Việt Nam gầy ốm (Đi Vào Quê Hương)
Gánh cải lương gầy (Tiếng Hát To).
Và hai chữ héo khô:
Thường thường chữ héo và khô đi dính nhau như một: hoa héo, lá vàng khô, hay
hoa lá héo khô cũng được, nhưng ở đây còn có:
Những lệ buồn cánh khô (Đường Chiều Lá Rụng)
Trong cơn mưa hè, tay nào khô héo bắt anh về (Một Bàn Tay)
Nhựa hòa bình loang nhành khô héo xuống (Một Con Chim Nhỏ Trên Cành Yêu Thương)
Ruộng khô có những ông già rách vai (Quê Nghèo)
Chiều khô nước mắt rưng sầu (Về Miền Trung)
Giờ thì đôi môi đã khô nụ cười (Giờ Thì Em Yêu)
Mảnh tim khô (Kỷ Niệm)
Dấu chân khô lạnh (Dấu Chân Trên Tuyết).
Trong nhạc Phạm Duy có cả cõi trần khô héo, có cánh bướm khô, đám rơm khô, xác
thây khô và có thêm con cặc khô (Tục Ca số 10) nữa! Những chữ trên đây đã hay,
nhưng sau đây, chữ nầy mới đặc biệt hay:
Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ, cho vơi dòng lệ nhòa
Một miền quê, một miền quê tim héo và khô.
(Tiếng Hát To)
Hai chữ đứng rời ra nhưng chúng vẫn tựa vào nhau như hai cây sinh đôi nâng nhau
và hòa làm một, tuy một mà hai. Dù hai vẫn một. Nhưng khi hát thì người nghe, nếu
chỉ một chữ héo lẻ loi thôi thì không đập mạnh bằng có tiếng khô đi ngay sau
đó. Hãy nghe câu hát một miền quê tim héo và khô thì mới thấy công dụng của sự
cắt chữ làm hai này rõ hơn. Như chính Phạm Duy đã làm ở một câu khác:Tôi xa quê
hương khi dân no và ấm (trong bài Có Phải Tôi Là Người Quê Hương Ruồng Bỏ Giống
Nòi Khinh)
Ấm no khi đi chung thì chỉ cho một khái niệm về sự hạnh phúc, còn khi cắt nó ra
thì mỗi chữ cho hình tượng cụ thể hơn, mạnh hơn. Ấm: chăn, áo, No: cơm gạo. Nhất
là khi hát "ấm và no" thì ấn tượng rất mạnh. Cũng như Nguyễn Tuân đã
phán một câu cho nền văn học miền Bắc để đời, mấy mươi năm qua cố gỡ ra mà vẫn
còn bị đeo dính. Nguyễn nói: "Văn học là cái báo, cái chí của ta vừa nhạt
lại vừa nhẽo". Chữ nghĩa của ông thật hay. Ta thường nói nhạt nhẽo, nhưng
nếu cắt nó ra thì nhạt có nghĩa của nhạt mà nhẽo lại có nghĩa của nhẽo. Nhạt
như nước ốc và nhẽo như con chi chi... Đề cập tới vài ba chữ nhỏ như thế để thấy
cái lớn của nhà ngôn ngữ Phạm Duy.
Chữ gầy, một chữ cũng rất kỳ thú:
Ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy (Quê Nghèo)
Suối tóc bát ngát cuốn quanh vai gầy (Trên Đồi Xuân)
Mùa đông manh chiếu rách thân gầy (Bà Mẹ Quê)
Ôi quê hương xứ dân gầy, ôi bông lúa (Về Miền Trung)
Khi xưa em gầy gò và chỉ cần một trận mưa là vai gầy thêm nữa (Chỉ Chừng Đó
Thôi)
Tôi còn nhớ mãi thân hình gầy yếu (Tôi Còn Yêu Tôi Cứ Yêu)
Trở lên, tiếng gầy được dùng để tả chân, còn sau đây, tiếng gầy được thi vị hóa
và hài hòa trong một khung cảnh đẹp vừa hiện thực vừa siêu thực:
Gánh cải lương gầy (Tiếng Hát To)
Đường thơm bóng gầy nhạc run lá bay (Đường Em Đi)
Và còn một nét gầy khác nữa kinh khủng hơn nhiều:
Lá vàng bay! Lá vàng bay! Như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình
phai (Đường Chiều Lá Rụng)
Xin bạn hãy đọc và tìm thêm những chữ nhỏ của Phạm Duy. Còn tôi, tôi thì muốn
nói một câu này: Những chữ bình thường qua tay Phạm Duy đã trở thành phi thường,
cũng như những cô nàng làm mẫu vô danh nhờ cặp mắt của đạo diễn mà phút chốc trở
thành minh tinh rực rỡ. Và nhà đạo diễn trở thành siêu phàm là vì đó.
Còn nữa. Chữ này cũng biến hóa rất dài. Chữ mềm. Tôi chỉ xin nhặt ra để các bạn
thưởng thức:
Mẹ mong chồng cũng như là ruộng nông sâu, ruộng cứng hay mềm (Mẹ Đón Cha Về)
Hãy vứt chiếc dép đi trên cỏ mềm (Cỏ Hồng)
Đồng chua rộng nới nới...thành ra ruộng mềm (trong Mẹ Việt Nam)
Mang nặng hồn mềm, em trở mình trên nhân duyên (Nếu Môt Mai Em Sẽ Qua Đời)
Mưa cho lửa tình thêm chút yếu mềm (Mưa Rơi)
Thảm cỏ mềm cho giọt sương lay lắt, sông dài nằm chờ kết bạn trăm năm (Một Con
Chim Nhỏ Trên Cành Yêu Thương)
Dưới bước chân anh ướt mềm ngọn cỏ (Bé, Cây Đàn, Ngôi Nhà Xanh, Đồi Cỏ)
Đã vuốt ve em trong Hạ mềm (Người Tình Già Trên Đồi Non)
Những chữ mềm này có thể làm nên một phần của chương hội họa với mục đích nói
lên cái tài tả chất (matière) mềm của họa sĩ, nhưng tôi cho vào đoạn này cũng ổn
lắm. Tiếp sau đây bạn sẽ thấy chất mềm trong nhiều trường hợp bất ngờ:
Tưởng mơn man làn tóc rối mềm (Cỏ Hồng)
Vài hạt mưa sa hôn mềm trên má và Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt (Trả Lại
Em Yêu)... tuy không có chữ mềm, nhưng đọc câu này, ta nhớ câu thơ mềm môi chén
mãi tít cung thang
Lớp sóng mơn man thịt mềm da ngát hương (Nha Trang Ngày Về)
Lá vàng êm, lá vàng êm, như mũi kim mềm sẽ khâu cửa tình duyên (Đường Chiều Lá
Rụng)
Gối chăn đã lạnh mềm, lạnh mềm, người về trong cõi duyên = một là adjectif, một
là adverbe (Bài Ca Trăng)
Lồn non, hay lớn con, mập mạp, lồn mềm (Tục Ca số 7)
Đến đây có lẽ cũng đủ để chứng minh cho cái tài tình trong cách dùng chữ của Phạm
Duy, mà trong buổi phát thanh của Đài Saigon về nhạc Phạm Duy, ba nhà văn Nguyễn
Quang Hiện, Nguyễn Đình Toàn và Phan Lạc Phúc đã ví chữ nghĩa của Phạm Duy với
hòn đảo kim cương của Paul Valéry.
Xuân Vũ
Theo https://vietmessenger.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét