Nửa thế kỷ Phạm Duy - Phần 2
PHẦN HAI
NGƯỜI SUY TƯ
Chương VIII. Con Dế Hát Rong
Trong PHẦN 1, tôi đã nói về nghệ thuật của một nghệ sĩ rất đa
dạng. Trong nhạc Phạm Duy, ta thấy có chất liệu của cả thi ca, văn chương và hội
họa. Phạm Duy lại cũng không chỉ là một người soạn nhạc để mua vui cho người
nghe mà anh đã mượn cây đàn, giọng hát để nói lên những ý nghĩ của anh trước cuộc
đời Việt Nam đầy sóng gió. Đã có một người viết về Phạm Duy, cho rằng nếu Việt
Nam là một nước êm ấm bình thường (như nước Thụy Sĩ chẳng hạn) thì đã chẳng có
một Phạm Duy, con người suy tư của thời đại, mà chỉ có một Phạm Duy, người ca
sĩ của gánh hát, phòng trà hay đĩa hát mà thôi.
Những suy tư, hay nói cho đúng hơn, triết lý trong nhạc Phạm Duy không nặng nề
to lớn, ghê gớm siêu kỳ mà rất đơn giản, dễ lãnh hội như trong một bài ca rất
giản dị, bài Bé Bắt Dế.
Nếu chỉ là nội dung một sự nghiêng mình của thi nhân xuống với tuổi thơ để cùng
với chúng nhón chân đi bắt dế đem về và tổ chức cuộc chọi dế mà thôi, thì bài
nhi đồng ca này (Phạm Duy gọi là bé ca) cũng đã đủ hay rồi, vì bài hát được soạn
ra trong lúc chiến tranh làm tha hóa cuộc sống, làm mất đi cái hồn nhiên của
người dân Việt. Thế nhưng Phạm Duy đã nhẹ nhàng "xoay" bài hát đi một
tí, thêm vô đó một chút ẩn ý, giống như thêm một dấu hóa b (bémol) hay #
(dièse) vào vài nốt nhạc trong giọng dế, để thay nội dung tức thì:
A ! Này bé ! Con dế nó đậu cành tre
Em bắt đem về hát xẩm mà nghe
Đừng bắt đem về đánh lộn làm chi
Loài giun dế mang tội gì
A ! Này bé ! Con dế nó nằm ổ sâu
Đào lỗ đem về cho ở hộp cao
Đừng bắt dế nghèo đánh bể đầu nhau
Để dế nó phải buồn rầu
A ! Này bé ! Con dế nó tội tình chi
A ! Này bé ! Con dế nó tội tình gì...
I am a singer, not a boxer, đó là lời Phạm Duy giới thiệu bài Bé Bắt Dế mỗi khi
hát cho khán giả Âu Mỹ nghe. Anh muốn nói: Đừng bắt con dế phải đánh nhau như
là võ sĩ. Con dế nào có tội tình gì? Xin hãy để cho con dế hát (hát xẩm không
tiền, nên nghèo xác xơ, nói theo nhạc sĩ Lê Thương, cũng là một thi nhân của tuổi
thơ) hát cho cuộc đời và cho tình người.
Con dế, trong bài ca của Phạm Duy, cũng như đa số người dân Việt Nam, ở đồng
quê. Vì chinh chiến lan về, nó phải tản cư. Nó sống trên hè, quanh quẩn ngoại
ô, làm thân sống nương ở nhờ... Con dế tản cư đó, sống cùng chị ve, trong mấy
tháng hè, nó chỉ hòa ca, mong sao mưa nắng thuận hòa, cho đẹp ruộng ta, con dế
chỉ mong hát đẹp ngày mùa. Từ miền quê, con dế nó ra kinh đô, nó đến ở nhà em
(vì em bắt nó về mà):
A ! Này bé ! Con dế nó ở nhà em
Nên nó cũng thèm coi truyền hình đêm
Nó thấy phi thuyền lên tận mặt trăng
Mà không thấy đâu Chị Hằng?
A ! Này bé ! Con dế cúi đầu phục lăn
Nó hát khen rằng: Con người giỏi giang
Nhưng vẫn chê rằng: Thiếu hẳn tình thương
Lòng vẫn chứa đầy bạo cường
. . . . . . .
A ! Này bé ! Này bé ! Mau thuộc bài đi
A ! Này bé ! Cho dế nó coi Ti Vi.
Con dế coi Tivi, thấy loài người đã lên tới mặt trăng, nên phục loài người lắm!
Nhưng dế tự hỏi: Con người lên tới vũ trụ rồi mà sao vẫn còn hận thù nhau như vậy?
Vì cái triết lý nhẹ nhàng mà sâu sắc đó, bài Bé Bắt Dế không chỉ là một bài hát
cho trẻ em mà là bài hát cho cả người lớn ở khắp năm châu nữa. Đặc biệt hơn nữa,
do người Mỹ hát.
Trong một bài hát cỏn con này, Phạm Duy đã đưa được cả bức tranh xã hội Việt
Nam trong chiến tranh, với con dế Phạm Duy chỉ mong được theo bé ra tận bờ đê,
đất sét đem về, ta nặn đồ chơi... Đồ chơi ở đây chẳng phải là búp bê, tầu hỏa,
súng giả mà là những bàn tay giả, những cái chân giả để tặng cho người tàn tật.
Tàn tật vì chiến tranh! Đoạn cuối của bài này đưa ra những ước nguyện của nhạc
sĩ, cũng là ước nguyện của mọi người trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam đã
tới màn khốc liệt nhất:
A ! Này bé ! Thôi nhé, dế còn phải đi
Đi hát câu vè trên nẻo đường xa
Đi tới quê mẹ nối lại tình cha
Và ca hát câu giải hoà
A ! Này bé ! Có lẽ dế về miền sông
Có lẽ lên rừng hát cùng loài công
Hay xuống cát vàng hát cùng hàng thông
Ở giữa cõi đời mịt mùng.
A ! Này bé ! Con dế đến mùa phải đi
A ! Này bé ! Rồi sẽ có ngày trở về.
Con dế phải đi xa, đi rất xa là xa. Song le, vẫn hẹn ngày về. Khi chúng ta ăn
quả cam hay quả táo ngon, chúng ta nghĩ đến cái công cưu mang của cội cây. Có
biết chăng khi quả nẩy nở trên cành thì cây con phải chịu biết bao nắng mưa,
gió bão để cho trái chín đến tay người đời? Khi hưởng thụ tác phẩm này, ta biết
là người nghệ sĩ đã phải dùng biết bao nhiêu tim óc để trút lên trang giấy phím
đàn. Cho dù là một tác phẩm nhỏ thì đó cũng là kết tinh của sự lao động trí óc.
Có ai trong chúng ta không thuộc bài Việt Nam Việt Nam ? Từ chuyện trẻ con ngây
thơ bắt dế, tới chuyện nước non Việt Nam khổ ải, Phạm Duy đều cho ta những lý lẽ
sống, để giận hờn hay để thương yêu. Phạm Duy kêu gọi giải quyết vấn đề tranh
chấp Tổ Quốc, bằng tình thương nòi giống chớ không bằng xương máu. Chỉ có yêu
thương mới giải quyết được sự chia cắt trong giang sơn và trong lòng người.
Gươm súng nào có thể mang lại hòa bình an vui cho Tổ Quốc, trừ phi để chống xâm
lăng. Giữa người Việt Nam với nhau, cùng nói tiếng Việt Nam, tình yêu thương sẽ
giải quyết tất cả chia rẽ hận thù. Phạm Duy đã viết một loạt ca khúc trong phần
Sông Mẹ (trong Trường Ca Mẹ Việt Nam) để nhắn nhủ các đứa con của Mẹ, kêu gọi
ngày trở về của đàn con bất hạnh vì chia rẽ lẫn nhau:
Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Việt Nam ơi!
Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Việt Nam ơi!
Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ.
Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ.
Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới
Chỉ còn tình yêu của Mẹ mà thôi!
Đó là triết lý, cũng là chân lý. Triết lý này không đao to búa lớn, không rút
ra từ kinh rách nát mà rút từ cuộc sống. Cái nhìn đẻ ra triết lý. Triết lý hướng
dẫn trở lại cái nhìn và làm phong phú cuộc đời. Triết lý thông thường đã được
đúc kết từ cuộc sống hằng ngày của chúng ta:
Lá rụng về cội.
Cây có cội, nước có nguồn.
Không gì bằng cơm bằng cá, không gì bằng má bằng con
Đói ăn rau, đau uống thuốc.
Đồng tiền đổi trắng thay đen khó gì.
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Mới nghe qua tưởng chừng nôm na xoàng xĩnh, nhưng thực ra không có bực thánh
nhân nào sáng tác ra nổi những triết lý muôn đời đó. Nó như khuôn vàng thước ngọc,
bất di bất dịch. Triết lý, tư tưởng là cái xương sống của cuộc đời, là ngọn đèn
pha trong sương mù cho tầu bè đi biển. Chúng ta sẽ chẳng biết lối nào mà đi nếu
tay ta không cầm sẵn triết lý. Khi chúng ta bỏ nước ra đi, chúng ta chỉ biết đi
cho thoát, nhưng sau khi tỉnh cơn đau, chúng ta lại cần có triết lý trong tay.
Không có cuộc ra đi nào mà không có ngày về? Không có một chia ly nào mà không
có xum họp, dù là 10 năm, 20 năm. Dân Do Thái đã mất bao nhiêu năm? Phạm Duy dường
như đã đoán trước được ngày ly tán của dân tộc này, trong bài tâm ca Để Lại Cho
Em, soạn năm 1966:
Ngọn cờ bay trong bại thắng
Chỉ là khăn tang mầu trắng
Chúng ta, người Việt Nam, giết nhau để tranh phần thắng. Cho tới khi có kẻ thắng
người bại rồi, thì ngọn cờ bay bổng nhiều nhất chỉ là những rừng khăn tang mầu
trắng mà thôi. Phải chăng Phạm Duy đã thoát được ra ngoài cái vòng luẩn quẩn của
cuộc đời để có thể nhìn cuộc sống một cách rõ ràng hơn? Và do đó ta thấy những
nhận định của anh đi sát với con người, ra khỏi cuộc sống để rồi hội nhập lại với
cuộc sống.
Suy tư về cuộc đời, mà lại là cuộc đời Việt Nam, anh có một bài hết sức mãnh liệt,
nhan đề Dạ Hành:
Người đi trong đêm tối, trong đêm thâu
Trong đêm vắng, trong đêm sâu
Trong đêm dầy, trong đêm dài Việt Nam
Người đi giương đôi mắt, khua đôi tay
Đưa chân bước trên chông gai trên đất gầy
Trên vũng lầy bùn nhơ
Phạm Duy cho ta thấy một người đi trong đêm dài bốn chục năm qua, hay trong đêm
dài lịch sử của dân tộc mình, đi trong thống khổ phải chiến đấu với thiên nhiên
hay kẻ thù, đi trong cõi u minh để tìm ra ánh sáng, mỗi chặng đường lại vấp ngã
hay có kẻ đánh vào sau lưng.
Tiếng kêu nhỏ bé của dế Phạm Duy vẫn nghe ra âm vang sông núi, nghe ra khung cảnh
của quê hương, nghe ra hoàn cảnh của dân tộc. Phạm Duy vẫn có thể thu bé lại
như một con dế để cho ta dễ nhìn. Trong suốt quá trình sáng tác, không lúc nào
con dế vắng mặt trong nhạc Phạm Duy. Trong tâm ca :
Một giọng con ve kêu
Một điều con dế nói
(Một Cành Củi Khô)
Con dế nói gì? Nó nói giun dế bé bỏng hiền lành vẫn có thể ngồi chung với hùm
beo hung dữ. Đó là ý niệm sống chung rất cần thiết trong giai đoạn lòng người
và đất nước bị chia rẽ:
Ngồi gần loài giun dế
Hay ác thú hùm beo
Mình vào ngồi với nhau
(Ngồi Gần Nhau)
Cũng biết bao phen, con dế thấy mình vô duyên cho nên không lên tiếng hát:
Nắng đổ nghiêng nghiêng
Con dế vô duyên
Không lên tiếng hát.
Nó sẽ chỉ hát, nếu:
Người cảm thương người
Phai nhạt tuổi xanh
Hỡi người người ôi !
Người mở tay đầy
Mau trở về đây.
(Nước Chẩy Bon Bon)
Dế yêu người, người yêu dế, cùng mơ tưởng hoà bình và cùng đi hát rong:
Mùa Xuân sẽ còn thổi đi liều thuốc mê
Khiến cho bầy dun dế cũng như đàn em bé,
Quấn quýt đời, không muốn ra đi...
(Trên Đồi Xuân)
Dường như tôi quen anh dế mèn
Hiểu nhau qua câu hát ban đêm
Từ nay không còn e còn thẹn
Kéo nhau đi du ca cho tiện
(Dường Như Là Hoà Bình)
Thế rồi mùa Xuân năm đó, con dế "hát xẩm không tiền" bỗng trở thành
"con dế lưu vong". Trong cơn chấn động chưa từng xẩy ra cho người dân
Việt, tưởng rằng nó không còn có thể cất lên tiếng hát dế mèn được nữa, ai ngờ
nó vẫn còn hát. Tiếng hát của nó âm vang mãnh liệt hơn bao giờ hết. Dế hát cho
tất cả mọi người, cho người trên đường tạm dung, cho người ra đi, người ở lại,
hát cho tình nhân loại nghĩa đồng bào:
Anh yêu người, dun dế còn thương
Tình nhân loại, nghĩa đồng bào
Chia cho nhau hột cơm manh áo
Tình nhân loại, nghĩa đồng bào
Tránh cho nhau máu chảy ruột đau
(Tình Nhân Loại Nghĩa Đồng Bào)
Nó hát cho người yêu kẻ ghét, hát cho kẻ nhục người vinh, hát cho cả kẻ thất bại
và hát cho cả chính mình. Tiếng hát của dế không phải là tiếng họa vần của ve sầu
chỉ rủ rỉ ở gốc cỏ vườn hoang. Ra tới thế giới bên ngoài, tiếng dế hát rong là
điệu kèn thúc giục. Tiếng hát của dế xoa dịu đau buồn, tiếng hát của dế làm cho
những cái đầu nóng vì tự phụ phải nguội đi, những trái tim sắt đá phải mềm đi.
Và trên hết, con dế lúc nào cũng xưng tụng tình yêu nòi giống, tình yêu quê
hương.
Ta hãy lắng nghe tiếng dế lưu vong:
Những muốn theo mây vượt mấy tầng
Theo thuyền về vực thẳm mông lung
Theo em về xứ sầu thiên cổ
Anh phải làm con dế hát rong
Theo em (tức là theo Tự Do đấy) nó tưởng rằng đã ra khỏi trần gian vào ngủ vườn
tiên, tìm được lãng quên:
Con dế đã theo làn mây lãng tử
Vượt khỏi trần gian
Vào ngủ vườn tiên
Tìm thãy lãng quên
Nhưng nhiều khi mây về đầu non
Mây làm tranh vân cẩu sầu thương
Đời nơi cuối đường
Nhưng nó nghe được thống khổ của người trong nước nên đứng ở trên mây, nó hát
cho kẻ tù nhân:
Con dế hát trên từng mây trắng ngắt
Cho kẻ tù nhân
Nghe nhạc phù vân
Qua lỗ chấn song
Mây còn mưa cho nhẹ khổ oan
Những tình yêu kết hợp rồi tan
Làn mây man mác.
Từ mây cao xuống biển rộng, nó hát cho nghĩa địa hồn ma, nơi chôn vùi những người
vượt biển:
Con dế đã đi vòng quanh bốn bể
Vượt nghìn trùng xa
Một thuyền một ta
Gặp hết bến Mê
Bão nổi lên cho biển tả tơi
Cho thuyền ôm ta chìm vào khơi
Thuyền rơi xuống vực
Con dế muốn thăm bầy tiên đuôi cá:
Ai ngờ gặp ngay
Nghĩa địa hồn ma
Dưới nước trôi qua
Ôi biển sâu thăm thẳm huyền mơ
Sinh vật ra đi từ nghìn xưa
Nay trở về quê cũ.
Thế rồi con dế cất tiếng hát cho người tình của nó. Người tình riêng không còn
đó để trả lời, nó bèn hát cho tất cả những người tình chưa quen biết:
Con dế hát trong mùa Thu nức nở:
Gọi người tình
Ôi, gọi người tình!
Nhưng tình đã vắng xa
Em về đâu? Em lạc về đâu?
Anh còn đây, anh vào nghìn sau
Bằng muôn tiếng nhạc
Anh sẽ hát cho đời, cho muôn kiếp
Cho cuộc tình trên khắp nẻo đường xa
Thế giới bao la
Thôi thì em đi vào mộng mơ
Anh còn đây anh soạn lời ca
Cho người tình không quen biết.
Đó là tư tưởng Phạm Duy, qua một bài hát về con dế. Đó là ý nghĩ của nhạc sĩ về
cuộc đời hát rong của mình. Đứng trước cuộc đời, không lúc nào Phạm Duy ngưng
suy tư.
Chương IX. Hỡi Ôi! Thân Phận Làm Người
Trời kia bắt phải làm người (Nguyễn Du)
Nực cười hai chữ nhơn tình éo le (Nguyễn Đình Chiểu)
Vi nhân nan vi nhân nan (Lão Tử)
L'homme n'est qu'un roseau mais un roseau pensant = Con người chỉ là cây sậy
nhưng cây sậy biết suy nghĩ (Blaise Pascal)
Con người, hai tiếng nghe vang vang kiêu hãnh (Gorki)
L'homme, cet inconnu! (Ôi! Con người, kẻ vô danh ấy)
Hỡi, hỡi ơi thân phận làm người! (Phạm Duy)
Ở chương này tôi xin đề cập tới những tư tưởng và tình cảm của Phạm Duy đối với
con người nói chung.
Giữa đêm tịch mịch, ngồi một mình giở cuốn NGÀN LỜI CA ra đọc, thấy Phạm Duy với
trăm dòng tư tưởng chảy miên man bất tận. Thấy Phạm Duy cho ta thấy con người lớn
quá mà cũng nhỏ bé quá, mạnh mẽ quá mà cũng yếu đuối quá. Con người cao thượng
quá mà cũng hèn kém quá, thật đáng ca ngợi mà cũng đáng nguyền rủa. Bạn còn nhớ
ông Thiện và ông Ác đứng ở hai bên cửa chùa không? Trong con người có đầy đủ
thiện, ác. Phạm Duy mô tả con người ấy dùm chúng ta, qua bài:
Một ngày cho người sống, một ngày cho người chết
Một ngày cho người thương, một ngày cho người ghét
Một ngày cho cuộc chiến, một ngày cho lười biếng
Một ngày cho bình yên, một ngày lại cho điên
Một ngày cho khẩu súng, một ngày cho ngòi viết
Một ngày đi mà giết, một ngày đi mà hát
Một ngày đang cười ngất, một ngày ôm mặt khóc
Một ngày bạn bè đông, một ngày lại cô đơn
Một ngày cho Tổ Quốc, một ngày quên nợ nước
Một ngày cho vợ con, một ngày cho tình nhân
Một ngày đi làm lính, một ngày đi đảo chính
Một ngày đi cầu kinh, một ngày về quyên sinh
Một ngày mang phận sống, một đời đeo cùm gông
Một đời đi ruổi rong, một đời vẫn chờ mong
Một đời không còn mới, một đời không từ chối
Một đời vẫn thường nói: một đời người, than ôi!
Hỡi, hỡi ôi! thân phận làm người!
Hỡi, hỡi ôi! thân phận làm người!
Cái lằn ranh của thiện và ác không rạch bằng mũi dao nhưng nó oẹo ọ khi cong
khi queo, và cái cong này nó như con đê trong cơn nước lũ, nó rung rinh, nao
núng về phía bên này, về phía bên kia. Hãy nhìn ngoài đời thì ta thấy con đê
đó, nhất là ở thời đại nguyên tử này, thương và ghét thay đổi ngả nghiêng liên
tục. Anh có job ngon, em yêu anh dễ dàng, anh chia tay, em dám tự tử. Nhưng anh
mất job hôm nay, ngày mai cơm sẽ chẳng lành, canh chẳng ngọt ngay. Bản mặt đáng
yêu của anh hôm qua sao hôm nay khó trông thế! Anh giúp tôi súng trường, đại
bác để ăn cướp thành công, tôi cầu chúc anh sống muôn năm, tôi bái lạy anh,
nhưng đó là chuyện hôm qua, hôm nay tôi có bồ mới, tôi chẳng cần anh, tôi gọi
anh là thằng bành trướng, anh đánh tôi, tôi đánh trả, vỡ đầu.
Khóc và Cười
Anh nẫng tiền của công bỏ túi áo nhỏ đầy phè, còn lại lớp giấu, lớp cho vợ. Anh
ăn tiệc, anh cười hí hởn. Nhưng rồi anh bị nắm đầu vì tội ăn cắp. Anh bị truy tố
, bị còng tay. Anh gục mặt khóc, không dám ngó lên. Nhưng pháp luật giây thun
hoặc nhờ gốc bự, anh được móc ra khỏi nhà lao, anh lại tiếp tục quịt gốc công
quỹ. Anh lại cười. Hôm qua anh ngất nghểu trên chín bệ, anh coi thiên hạ là rác
rưởi, anh cười toe toét, đùng một cái anh bị lật nhào, anh trở thành rác rưởi.
Anh mếu máo, không dám khóc to, sợ người ta trông thấy rác khóc.
Súng và Bút
Anh tưởng khẩu súng diệt được ngòi bút, ai dè anh lầm. Anh dẹp súng, ve vãn để
bẻ cong. Anh cũng lầm nốt. Anh vứt súng anh cầm bút, anh viết chẳng ra chữ. Anh
cố viết, có chữ mà chẳng ai thèm đọc, vì đó toàn là chỉ thị rỏm.
Nhớ tổ quốc và Quên nợ nước
Hôm nay anh kêu gào yêu tổ quốc giết giặc, cứu nước. Anh là anh hùng cứu nước.
Bia đá tượng đồng dựng lên cho người đời biết tên biết mặt anh. Mai kia giặc
thua chạy, anh dâng Tổ Quốc anh cho kẻ khác để cầu vinh hay xin sự sống còn,
anh quên nợ nước, anh trở thành kẻ phản quốc mà không hay. Hôm nay anh và bạn
anh chung sức đấu cật chống ngoại xâm, nhưng thằngbạn anh bảo phải đánh thế này
thì mới thắng được, anh lại bảo đánh theo kiểu anh mới ăn nhanh. Thằng bạn anh
không nghe. Anh mạnh hơn, anh đuổi nó ra khỏi nước. Hai thằng cùng yêu nước,
nhưng bây giờ một thằng vỗ ngực tự khen ái quốc, và kết tội thằng kia là phản
quốc.
Làm lính và Đảo chính
Hôm nay anh làm tổng thống hoặc chủ tịch chủ tiếc gì đó. Anh gắn mề đay trên ngực
tôi, anh thêm sao trên mũ tôi. Tôi tôn vinh anh là lãnh tụ anh minh. Nhưng Đó
là trò hề diễn ra hằng ngày ở trong hẽm tối ở thương trường và ở các cung điện
các ông to bà lớn và mãi mãi về sau cũng như đã từng diễn ra ngàn xưa.
Cô đơn và Bạn bè đông
Bạn đừng sợ cô đơn. Cô đơn sẽ giúp bạn trở thành vĩ nhân. Tổ tiên ta đã chẳng dạy
ta bằng câu thơ sau đây là gì:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Nhưng với hai tiếng trên đây có lẽ Phạm Duy muốn nói về nhân tình thế thái hơn
là trạng thái tâm hồn. Bạn bè đông khi bạn có chức phận có danh có thế. Mất những
thứ đó rồi, chẳng ma nào thèm tới. Danh hề Văn Chung đã chế diễu:
Bần cưa ván ngựa đôi ba tấm
Cú tại bàng tang đứng chết trâng
Trong cõi đời này con người sống như chiếc lá cuốn theo dòng nước. Nước chảy,
lá phải trôi theo. Nhưng lá có hai mặt. Nước trôi êm lá nằm im. Nước xoáy nước
cuốn lá lộn mèo, lá lật bề kia lên con người phải sống. Giữa Phải và Trái, giữa
Thương và Ghét, giữa Khóc và Cười, giữa Súng và Bút, giữa Tổ Quốc và Phản Quốc,
giữa Làm Lính và Đảo Chính, giữa Cô Đơn và Bạn Bè Đông, giữa Hy Vọng và Thất Vọng,
giữa Tiên và Tục của chính mình.
Ông Thiện và Ác luôn luôn có trong một người. Hai vị này luôn luôn tìm cách lấn
nhau để cưởi lên lưng nhau, nếu có thể diệt nhau. Ông nào cũng mánh và có thủ
đoạn cả, và tai hại thay, cái con người, cơ sở của sự tồn tại của Thiện và Ác lắm
khi lại là một anh ba phải, khi nghe theo bên này khi gật với bên kia.
Đó, con người mà Phạm Duy phải bày cho chúng ta thấy, cho nên Phạm Duy kêu: Hỡi,
Hỡi ôi thân phận làm người ! Một dấu chấm than như mũi tên từ trời rơi cắm phập
xuống đất trần gian hay xuống tìm nhân thế. Mũi tên làm ta đau buốt, nhưng nó
thức tỉnh ta. Hỡi, Hỡi ôi thân phận làm người ! Nghe sao mà buồn vậy?
Không sao, muốn hết buồn hãy gia nhập "Đảng Đừng Buồn". Đảng này dễ lắm,
vô không cần tuyên thệ, ra không cần cho hay. Đảng này thành lập lâu rồi, không
biết ai làm tổng bí thư. Cứ ra đường hát bài đảng ca Sức Mấy Mà Buồn, hát xong
sẽ có người đến xin bạn làm đồng chí.
Sức mấy mà buồn, phải vui để sống còn! Cuộc đời chỉ dài có trăm năm -- ngắn lắm
-- thì hãy vui lên, kẻo nắng chiều lê thê sắp đến. Cuộc đời này, ta phải sống,
một vai mang phận sống, một vai mang cùm gông, nặng nề như con vật mang ách
trên cổ, kéo cày sau đuôi, đầu gục, chân bước trên ruộng khô cằn, lưng cháy mặt
trời sôi máu miệng cầu kinh, bụng đầy ý nghĩ quyên sinh, mới cười ngất đó, lại
ôm mặt khóc, mới vừa giết xong lại quay ra hát om xòm. Đó có phải là cuộc sống
chúng ta đang sống? Cái con người mà Phạm Duy khắc họa với những nét đan thanh
kỳ thú đó, có phải là chúng ta chăng?
Con người vô danh. Con người, hai tiếng vang vang như kiêu hãnh. Thế nhưng trời
sanh bắt phải làm người, làm người trong nhân tình éo le, đáng nực cười, con
người giữa những trận bão đời chỉ là cây sậy, nhưng là cây sậy biết suy nghĩ,
biết khóc, biết cười, biết buồn, biết vui, và biết phấn đấu để sống còn, biết
đòi lại nước khi mất nước.
Ở Một Ngày Môt Đời, Phạm Duy mô tả một con người y như thật với thương, ghét,
khóc cười, nhưng ở bài Lữ Hành con người lại là một cái gì khác, một con người
trong đó có ma quỉ lẫn thánh thần, một con người đi trên dương gian mà không có
thật trên dương gian, một con người đi và tự nhủ:
Đi, đi mau rồi tới nơi
rồi lại tự hỏi:
Đi, đi đâu mà tới nơi? Đi phương nao mà tới đây?
tuy vậy vẫn thấy mình:
Đi sâu muôn nơi
và thấy mình:
Đi, đi không thôi...
Bài này có thể được hiểu ra là sự khao khát xê dịch của một con người, ý chí
quyết tiến mãnh liệt của một con người hầu như bất lực trước vũ trụ mênh mông
và tàn bạo.
Bước nhanh vượt chân đời. Cũng có thể hiểu ra là một người đẩy lùi dĩ vãng và
hiện tại, đi tìm tương lai trong bàn tay để đến ngày thế giới lên nguồn vui
(thì) sẽ lên đường trở về. Một con người với những tâm tư lạ lùng.
Thiên thu trong lòng này
Nhịp xe uốn vòng tử sinh
Chiếc nôi trong vòng hoa
Bánh xe tang ngoại ô
Anh trong em một ngày
Chung vai vơi thù ai...
Một con người có thực như ta đã gặp ở đâu đây hay chưa gặp bao giờ, nhưng con
người ấy lại cũng có những tình cảm rất thực: nhìn thấy, sờ mó được những gì một
người bình thường, sờ mó nhìn thấy:
Tà áo rách cô hàng xóm
Sức tuôn trên cánh đồng
Lúa thương vạt nâu sồng
Đã thấy mặt trời soi
Áo chăn che tổ uyên
Miếng cơm vui tình duyên
(Lữ Hành)
Như một sự bực bội với hiện tại, gã lữ hành muốn phá bỏ, tung hê đi tìm cái gì
khác, nhưng cái gì khác đó là cái gì và gã phải đi đâu, tới đâu gã cũng không
rõ. Gã chỉ biết là phải đi, không thể ở được trong cái hiện tại. Bước chân gã rất
nhanh, nhưng rất trúc trắc, gay cấn, đau đớn, giận dữ. Như một bức tranh trừu
tượng của một họa sĩ lập thể hoặc siêu hình, vẽ một người đàn bà có một mắt ở rốn
như một bức tranh của Picasso, mấy ai hiểu? Thực hay mơ? Giả hay thiệt? Con người
vẫn cứ luôn luôn là cet inconnu! Đó là ý định mô tả con người của Phạm Duy
chăng?
Chương X. Những Giấc Mộng
Bể sầu không nhiều
Nhưng cũng đủ yêu
Phạm Duy
Ở chương này tôi cũng nêu lên những tình cảm của Phạm Duy về con người nhưng bị
mang màu sắc tôn giáo. Cái "bể sầu" trên đây gợi ta nhớ những câu biển
sầu khổ vơi vơi trời nước trong Kinh Cao Đài và tu là cõi phúc tình là dây oan
của truyện Kiều. Phạm Duy là nghệ sĩ đi vào nỗi buồn thấm thía của con người
trong nhạc Việt Nam. Tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần Phạm Duy với tình yêu
ở sau. Bây giờ xin nói về những giấc mộng và màu sắc tôn giáo trong nhạc Phạm
Duy.
Đêm đêm người mở lòng ra
Ôm ta trong cõi mơ hồ
Giã từ đời bằng hơi gió
Hoá hồn theo cánh mây xa
Ta đi b bằng một sợi tơ
Lung linh luồn trong khói mờ
Ta treo hồn vào tình Thu
Thấy mình trôi loãng trăng loà
Ta rơi bằng một đời hoa
Tan theo với ngàn cánh uá
Không ngờ hồn hoà
Vào làn phấn bướm xanh lờ
Ta bay bằng một giọng ca
Tuôn ra thế giới mịt mù
Ta về bao la, trôi suôi theo dòng tinh tú
(Mộng Du)
Đây là tình cảm của một con người đi vào cõi mộng, nhưng giấc mộng này khác mộng
thường. Đã là mộng thì phải mơ hồ, nhưng mộng du là siêu mơ hồ. Ở bài Mộng Du
linh hồn thay người, sự "có" hay "không" lẫn lộn, sự tan hợp
nối liền, cái chết và sống không có ranh giới, con người và tinh tú không có sự
ngăn cách, sắc sắc không không, hư hư thực thực, như một sơi tơ lung linh luồn
trong khói mờ, thấy đó mà níu không được vì nó đã hòa vào phấn bướm xanh lờ,
trôi theo dòng tinh tú...
Cũng là mộng, nhưng giấc mộng du khác với giấc mộng dài. Mộng dài rất thực, như
thực:
Tôi đang mơ giấc mộng dài.
Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh.
Tôi đang nhìn thấy mầu xanh
Ở trên cây cành trôi xuống thân mình...
Với màu xanh, màu hồng, với cây cành, với chim chóc, giấc mộng dài là giấc mộng
của một người thường, còn mộng du là mộng của một linh hồn đạo giáo, nhưng đạo
nào? Ta không rõ.
Cũng như tất cả những nghệ sĩ ở trên đời này, Phạm Duy là một người luôn luôn
mơ mộng. Có đặc biệt chăng là ở chỗ Phạm Duy là một nghệ sĩ phải sinh sống
trong một nước có khá nhiều ác mộng. Cho nên, nghệ sĩ lúc nào cũng mơ những giấc
mộng lành, mộng ngoan. Hãy coi Phạm Duy nói tới mộng lúc nào? và ở đâu?
* Đêm năm xưa tương tư người hò khoan ôm ấp bao mộng vàng - Mộng tình trăm năm
nằm trong đáy ly gương (Khối Tình Trương Chi)
* Tàn mộng Bích Câu (Tiếng Bước Trên Đường Khuya)
* Mộng về đêm đêm khát vừng trán ngây thơ - Mộng đời phiêu lãng giang hồ - Mộng
bền năm xưa chỉ là mơ qua (Bên Cầu Biên Giới)
* Đêm qua say tiếng đàn - Đôi chim uyên tới giường - Chim báo tin Xuân đã về
trong giấc mộng (Đêm Xuân)
* Rồi cả đêm ngủ với giấc mơ - Con chim mộng đã ru riêng đời ta (Mùa Xuân Du
Ca)
* Những con trâu lành nằm mộng trên đồi (Tình Hoài Hương)
* Chớ để mộng vỡ mơ tàn, dịu dàng, đừng cho không gian đụng thời gian (Thương
Tình Ca)
* Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời, và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi (Ngày
Đó Chúng Mình)
* Đừng thoát giấc mộng đầu, dù cho đêm có không bền lâu (Đừng Xa Nhau)
* Chia sông Gianh phân tranh mộng đồ vương (Những Dòng Sông Chia Rẽ)
* Tôi còn lẽo đẽo mang nhiều mộng nghèo - Và mộng đắng cay đi về, đìu hiu (Tôi
Còn Yêu, Tôi Cứ Yêu)
* Trong giấc mộng xâm chiếm nhau (Kẻ Thù Ta)
* Đồi êm êm, cỏ im im, ngủ yên yên, mộng rất hiền (Cỏ Hồng)
* Giết người trong mộng
* Tôi mơ thành thi sĩ, đem thơ dệt mộng hờ (Kỷ Niệm)
* Ù ơ tiếng hát võng đưa, lời ca dao đó ấm như mộng đời - Mẹ năm mươi tuổi thiếu
mơ, con hai mươi tuổi nằm chờ mộng xanh. Từ nay giấc ngủ thanh bình, con chia
cho mẹ mộng lành, mộng ngoan (Ru Mẹ)
* Giấc mơ tiên, giấc mơ hoa, giấc mơ xinh, giấc mơ ngoan (Tuổi Mộng Mơ)
* Xin cho em một mớ tóc nồng, êm như nhung, để em gối mộng (Tuổi Ngọc)
* Chưa ai đưa lối hoa mộng đường dài - Em chưa nghe thiên tình ca êm ái, nhưng
em đã bước chân vào huyền thoại (Tuổi Hồng)
* Làm cho úa vàng từng mộng ước tươi hồng (Tuổi Biết Buồn)
* Mười ngàn đêm đau thương, ôi trường thiên ác mộng (Xin Tình Yêu Giáng Sinh)
* Đôi ta đã mất cả mộng mơ, chỉ còn xác xơ, hình bóng xưa, dĩ vãng mịt mù, buồn
như chiếc lá rụng, mùa Thu (Chỉ Còn Nhau)
* Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi, vững tin vào mộng đẹp ngày mai (Tình Ca)
* Cười vui trong giấc mộng, yêu đời tự do (Vợ Chồng Quê)
* Thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới (Viễn Du)
* Em có hay chăng anh về ? Thoạt nhìn người yêu ngỡ trong mộng mê (Ngày Về)
* Mưa lên tiếng hát ru cơn mộng lành (Phố Buồn)
* Mộng nghìn xưa, mộng vàng tơi tả (Xin Hãy Giữ Dùm Anh)
* Đêm tình nhân huyễn mộng (Nghìn Năm Vẫn Không Quên)
* Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ (Tìm Nhau)
* Một con ốc nằm yên giấc ở đồi hoang, bỏ mộng ngoan, từ vỏ, vươn chào đón Xuân
(Trên Đồi Xuân)
* Nào người yêu, giã từ ác mộng, ta đưa nhau tới cõi địa đàng (Giã Từ Ác Mộng)
Phạm Duy đã đi từ những giấc mộng nghìn xưa tới những giấc mộng ngày mai, trong
đó mộng lành, mộng ngoan, mộng vàng, mộng xanh, mộng hồng... nằm cạnh những cơn
mộng hờ, mộng dữ, những cơn huyễn mộng, ác mộng. Trong nhạc Phạm Duy, con chim
hay nụ hoa cũng biết mộng mơ, và kể cả con trâu xanh cũng biết nằm mộng. Và,
qua bài Mộng Du đã đan kể ở trên, những giấc mộng của Phạm Duy thường mang linh
hồn đạo giáo.
Màu sắc tôn giáo càng được thấy rõ hơn Hẹn Hò (lời ca đã trích ở trước). Đọc lời
ca này ta có cảm tưởng đọc một truyện tình oan trái rút ngắn. Không có danh từ
tôn giáo nào được thấy ở đây, nhưng toàn bộ câu chuyện toát ra một nỗi nghẹn
ngào oan nghiệt đến đỗi hai người yêu nhau phải hứa gặp nhau ở đời sau, vì số
kiếp chúng ta như vậy.
Yêu nhau chẳng đặng cùng nhau trọn
Xin hẹn cùng nhau kiếp tái sinh
Kiếp tái sinh có gặp nhau chăng
Kiếp này đành phụ nợ ba sinh.
(Thơ Cổ Vịnh Thúy Kiều)
Cái nhìn của Phạm Duy ở đây soi thẳng vào khía cạnh oan nghiệt của thân phận
con người, nỗi éo le của hoàn cảnh, dù yêu nhau đến đâu cũng không vượt nổi số
kiếp và chỉ có thể gặp nhau ở thiên thu mà thôi!
Trong các bài có màu sắc tôn giáo của Phạm Duy, còn có thêm bài Đường Chiều Lá
Rụng (cũng đã trích ở trước) là bài đậm màu sắc ấy nhất, lại vừa có tính chất
siêu thực, bí hiểm:
Chiều tan trên đường tối, có ta như rã rời
Hồn ta như gò mối đang chờ phút đầu thai.
Ta có cảm tưởng như tác giả mô tả buổi chiều tận thế. Mỗi một chi tiết trong buổi
chiều này đều được tác giả gắn cho một hành động, một tình cảm, một linh hồn bất
thường. Victor Hugo cũng có một bức tranh Ngày Tận Thế Của Loài Người (Le
Dernier Jour Du Monde), viết khi ông còn trẻ. Ngày tận thế của Hugo vô cùng hãi
hùng (tạm dịch):
Mặt trời tắt
Những vì sao xám nhợt
Miệng hố mở toang
Núi bốc khói và hộc ra những lời lửa
Sỏi đá bốc cháy, và trái đất sụp đổ vào đêm đen
Những lâu đài tráng lệ cũng rụi tàn
Nước hòa với lửa, ánh sáng lẫn cùng bóng tối
Ầm vang, thác sắt chảy tràn lan
Cuốn phăng vũ trụ hoàn toàn
Mỗi một nét ông vẽ lên đều là một sự hãi hùng do một bàn tay có vô cùng quyền lực
gây nên. Mỗi một biến chuyển đều là một núi lở, biển cạn, nguyệt rụng, nhật
tan. Ngược lại, Chiều Tận Thế của Phạm Duy rất êm ả, nhẹ nhàng, chỉ như một chiếc
lá vàng rơi ở một góc trời nhỏ bé vào một buổi chiều vô danh không biết ở thế kỷ
nào.
Ở nhà thơ Victor Hugo thì Ngọc Hoàng với quyền vô biên đã chấm dứt cuộc sống ở
trái đất. Ở Phạm Duy, thì quyền lực đó chỉ là tâm tư của một con người:
Lá vàng bay
Lá vàng êm
Lá vàng khô
Lá xào xạc bay
Khói rừng khô
Hồn thuyền lướt trôi
Gò mối chờ phút đầu thai.
Hỡi, hỡi ôi, thân phận làm người! Thân phận nào rồi cuối cùng sẽ đến đây. Cái
kiếp phù sinh ba vạn sáu nghìn ngày này trông thế mà ngắn ngủi. Bình minh chẳng
mấy chốc mà chiều và đời người như chiếc lá trên cành. Xanh tươi chẳng bao lâu
mà vàng, rồi rụng. Có luyến tiếc cành cây bao nhiêu cũng không bám lại được. Rụng
và vun thành ngôi mộ úa. Và đi đầu thai để trở lộn về dương thế, để lại rụng và
đầu thai. Cứ theo luật luân hồi. Ta thấy như tác giả chán chường với cuộc sống,
tê tái với nhân tình, nhìn mọi vật đều xác xơ rã rời như chính mình, cho đến cửa
tình duyên cũng muốn khâu kín để:
... lên đường về cõi chết
Rồi mai đây hóa kiếp
Rồi mai đây sẽ chết
Trên đường về cõi Niết.
(Những Gì Sẽ Đem Theo Về Cõi Chết)
Cái lá rụng đường chiều đã rơi trên mặt đất. Trên mặt đất nằm lăn lóc một cái
lá vàng. Đó là một kiếp người đã đi đến bước tận cùng của nó, nhưng còn muốn vụt
bay lên đời tiên. Đấy là cái nhìn từ bi và siêu thoát của Phạm Duy đối với con
người cũng như Victor Hugo, một người già nhìn mặt trời lặn, le vieillard
regardait le soleil qui se couche.
Đó cũng chính là giấc mộng đời của Phạm Duy vậy.
Chương XI. Những Giọt Mưa
Mưa là hiện tượng khoa học nhưng mưa xuống mặt đất thì mưa
hóa thành niềm vui lẫn nỗi buồn của con người, thành nhạc và thơ.
Thằng cu đẫm mưa trong ngõ
khác với
Mưa đem sầu thiên thu đến cho ta
khác với
Chiều mưa biên giới anh đi về đâu của một đoàn chiến sĩ nào đó...
Nói chung, mua gợi nỗi buồn cho thi nhân nghệ sĩ. Trong chương này tôi sẽ nêu
lên những giọt mưa thần kỳ trong âm nhạc Việt Nam: Giọt Mưa Thu của Đặng Thế
Phong, Phố Buồn, Mưa Rơi, Giọt Mưa Trên Lá của Phạm Duy. Ta hãy hát lại vài đoạn
giọt mưa rơi của nhà nghệ sĩ họ Đặng tài hoa qua đời còn quá trẻ:
Ngoài hiên, giọt mưa thu thảnh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Dương thế bao la sầu
Buồn quá! Tôi đàn hát bài này từ thuở thiếu thời cùng với các bài Hòn Vọng Phu,
Thiên Thai, Suối Mơ, Tiếng Đàn Tôi... Hồi đó hát không thấy buồn gì cả, trái lại
còn vui. Bây giờ mới thấy buồn, có lẽ vì thế nên không hát nữa, nhưng ai hát
cho nghe thì vẫn thích. Cũng là buồn, nhưng Phố Buồn của Phạm Duy lại khác.
Cũng là mưa nhưng mưa Phạm Duy lại khác.
Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên
Qua mấy gian không đèn
Những mái tranh im lìm
Đường về nhà em tối đen
Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen
Một ngày công lao không cho biết đến hương đêm
Em bước chân qua thềm
Mưa vẫn rơi êm đềm
Và chỉ làm phố buồn thêm
Hạt mưa, mưa rơi tí tách
Mưa tuôn dưới vách
Mưa xuyên qua mành
Hạt mưa, mưa qua mái rách
Mưa như muốn trách
Sao ta chạy quanh
Hạt mưa, mưa yêu áo rách
Yêu đôi sát nách
Mưa ngưng không đành
Hạt mưa, mưa gieo tí tách
Mưa lên tiếng hát
Ru cơn mộng lành
Đường về trong mơ đêm đêm phố lớn thênh thang
Ánh sáng kinh kỳ tràn lan
Đời nghèo không riêng thương yêu bóng dáng xuân sang,
Yêu phố vui, nhà gạch ngon
Đèn đêm không soi bóng vắng
Kinh đô thắc mắc
Im nghe phố buồn
Người đi trong đêm tối ám
Nghe mưa thức giấc
Khuyên nhau chờ mong
Bức tranh mưa tả chân đầy màu sắc này biểu hiện đôi mắt và trái tim của nhà nghệ
sĩ. Đó là cái nhìn tinh tế và sự rung động nhạy bén trước cuộc sống. Một khu phố
buồn đứng dưới trời mưa, chuyện đó ai trong đời mình mà không nhìn thấy một đôi
lần. Nhưng khi đọc những dòng chữ trên, phải chăng ta thấy khu phố sống hẳn lên
dưới mưa như ta chưa từng thấy bao giờ. Bạn thấy trong mưa đêm, trong ngõ hẹp
bùn lầy không tên, không đèn.
Xin nhớ lại bài Tiếng Bước Trên Đường Khuya. Trong những tiếng chân của chốn phồn
hoa sau những trận vui hương úa, có tiếng chân ê chề, tiếng chân nặng nề:
Bước chân nào rầu rầu chen tiếng mưa Ngâu
Ôi bước chân sầu vọng lời ai oán dân nghèo
Ôi tiếng cơ cầu lén với trời cao
. . . . . . . . .
Tiếng chân thẫn thờ đi vào hồn tôi ...
Ta thấy tâm hồn của nhà nghệ sĩ rung động khi nghiêng xuống cuộc đời chật vật.
Cậu bé nhỏ trong một gia đình trí thức ở thủ đô Hà Nội lớn lên trong cuộc sống
xa hoa của chốn kinh kỳ, và chính cậu ta cũng vùi vào cuộc sống đó nhưng lại
nghe ra bước chân ai oán dân nghèo... phải chăng nhờ ngủ ổ rơm, ăn khoai lùi bếp
tro của bà vú ở vùng Sơn Tây? Trái tim cậu đã sớm rung động với cảnh nghèo,
tình nghèo, quê nghèo, vợ chồng nghèo, em bé chăn trâu, anh thợ chài, bác nông
phu... một cách tự nhiên. Cũng như Nguyên Hồng trong truyện, không có một nhạc
sĩ đưa vào tác phẩm của mình nhiều nét nghèo bằng Phạm Duy. Con mắt của nhà nghệ
sĩ không bỏ xót một ai, từ những hạng người cao sang trong xã hội tới những o
nghèo, cô hàng bánh ế. Nhưng rõ ràng trái tim nghệ sĩ giành cho người nghèo nhiều
hơn.
Đời Đường, ở bên Tàu đã có cô gái tên Liễu Kim Huê yêu anh chàng ở đợ tên Tiết
Nhơn Quý, đã ném cho chàng cái áo bông đắt tiền giữa đêm đông rồi hai bên thành
vợ chồng.
Đời Tống bên Tàu có Bao Công đi chẩn bần cho dân đói. Và vị đại thần này đã
chui vào tận lò gạch để thăm nghèo hỏi khổ nhân dân. Phạm Duy là nhạc sĩ của mọi
lứa tuổi và là của riêng người nghèo. Phạm Duy đã thấy hoàn cầu mơ khúc đại đồng
ca mà không phải phá biên cương, không cần phanh thây uống máu ai, càng không cần
xâm lăng nước khác. Phạm Duy chỉ đàn hát vì con người. Tình yêu đây là khí giới,
đó là tư tưởng của Phạm Duy.
Sau đây là một giọt mưa thần kỳ khác nối tiếp giọt mưa tí tách từ Phố Buồn. Bài
"mưa" này là một cảm xúc tự nhiên, rất cá nhân chủ nghĩa, không có lập
trường vô sản (!) như Phố Buồn, nhưng tôi tin chắc rằng vô sản hay tư bản cũng
có thể đều thích như nhau. Bài hát nhan đề Mưa Rơi :
Mưa rơi từ nghìn xưa, mưa rơi về nẻo mơ
Mưa đem sầu thiên thu đến cho ta
Mưa đi từ tuổi thơ, mưa theo cuộc tình tơ
Mưa rơi bạc đầu ai mong nhớ mưa
Mưa rơi từ nguồn xa, mưa tuôn về bao la
Mưa chia dòng lệ ra chín con thơ
Mưa trôi về đời ta, mưa xây nhà âm u
Mưa giăng vải màn sô nuôi giấc mơ
Mưa rơi vào lòng ta, mưa rơi vào tình ta
Có hay chăng là mưa rơi vì chúng ta
Mưa rơi, và còn rơi, không bao giờ mưa ngơi
Không bao giờ ta nguôi yêu người ơi.
Mưa rơi ngoài đường đêm, đưa em về nhà em
Mưa vui mừng quấn quít dưới chân êm
Mưa rơi lạnh trời đen, mưa trong lòng lên men
Mưa cho lửa tình thêm chút yếu mềm
Mưa rơi ngoài hè đêm, như đôi bàn tay tiên
Ru nhè nhẹ một ca khúc không tên
Mưa to nhỏ trìn miên, mưa trên đầu vô biên
Mưa ấp ủ tình duyên thêm vững bền...
Mưa rơi, vẫn mưa buồn, nhưng giọt mưa ở đây biến động. Nghệ sĩ cho nó một chức
năng. Mưa biến hóa vô biên. Mưa chẳng những rơi vào đời ta, mưa rơi vào tình
ta, mưa còn làm ta bạc đầu, mưa còn nuôi giấc mơ ta, mưa chẳng những đưa em về
nhà, mưa còn xây nhà cho em, mưa lại làm men nồng cho tình ta, mưa ấp ủ tình
ta, mưa nhỏ to tâm sự với ta. Anh chàng mưa tị nạn này gets một mình đúng 10
cái jobs. Một mưa mà biến thành trăm tình, một mưa chia dòng lệ ra thành chín
con thơ. Giọt mưa thần kỳ. Không còn có thể cho mưa thêm một chức năng nào
khác. Với những rung cảm sâu xa, Phạm Duy cho ta sống với mưa đầy đủ nhất. Cảm
xúc mơ hồ bàng bạc nào về mưa mà ta chưa hoặc không nói được, Phạm Duy đã nói hết
dùm cho ta rồi. Phạm Duy làm cho ta thấy yêu mưa trong trời đất cả mưa trong
lòng ta hơn. Phạm Duy làm cho ta chợt nhớ ra rằng mưa từ ngàn xưa, và vì chúng
ta mà mưa rơi. Mưa không phải chỉ là sầu thiên thu như mưa của Đặng Thế Phong,
mưa đẹp, mưa làm ta không bao giờ nguôi yêu người tình, cũng như mưa không bao
giờ ngưng rơi cả.
Một giọt mưa, một trận mưa không là gì cả. Nhưng nhà nghệ sĩ đã làm mỗi giọt
mưa thành một dấu nhạc tình, tình người, tình yêu, tình vui, tình buồn, tình
mơ, tình thực... biến giọt mưa thành những ngón tay phàm, tay tiên. Giọt mưa vô
biên, từ trời buông xuống. Không có ai có thể thay trời làm mưa được. Giọt mưa
trong vũ trụ. Vũ trụ trong giọt mưa.
Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già
Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá
Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà
Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về
Giọt mưa trên lá tiếng khóc oa oa
Đứa bé chào đời cho chúng ta nụ cười
Tóc trắng đậm đà êm ái ru tình già
Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì
Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế
Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi
Lúc Chúa vào đời xin đóng đanh vì người
Giọt mưa trên lá tiếng khóc chơi vơi
Thế giới lạc loài chưa thoát ra phận người
Giọt mưa trên lá cố gắng nguôi ngoai
Nói với loài người: xin cứ nuôi dài mộng dài
Giọt mưa trên lá bối rối, bồi hồi
Ráo riết, miệt mài, em (anh) biết yêu lần cuối
Giọt mưa trên lá bỡ ngỡ, xôn xao
Cuống quít, dạt dào, anh (em) biết yêu lần đầu
Giọt mưa trên lá thấp thoáng, bơ vơ
Khép nép, đợi chờ, xa cách nhau vài giờ
Giọt mưa trên lá dĩ vãng xa xôi
Sớm tối bùi ngùi, xa cách nhau một đời...
Nếu giọt mưa rơi được nghệ sĩ cho nhiều chức năng như ta thấy ở trên thì ở đây,
giọt mưa trên lá chứa đựng cả vũ trụ, một giọt mưa có một không hai, sâu thẳm,
long lanh hơn cả giọt mưa của Verlaine mà người đời cho là bất hủ.
Giọt Mưa Trên Lá cho ta thấy cái thế giới mênh mông ấy trong một hạt mưa nhỏ
bé, nhưng không phải một thế giới lộn xộn lừa đảo, không phải một thế giới chợ
trời, không phải một thế giới xanh xanh xám xám, đỏ lộn đen... mà là một thế giới
tự do công bình bác ái. Một thế giới có nước mắt mẹ già, khóc con chết vì chiến
tranh phi lý, có nước mắt vợ trẻ mừng vì dứt chiến tranh chồng sống sót trở về,
có tiếng khóc của trẻ sơ sinh, có tiếng ru tình già, tình trẻ, có tiếng vui tiếng
buồn của sum họp chia ly, lâu mau, dài ngắn.
Giọt mưa hay trái đất? Trái đất hay giọt mưa? Giọt mưa hóa ra trái đất, cái
trái đất có Phật về, có Chúa ngự, giọt mưa như bàn tay nhiệm mầu xoa vết thương
trần thế, giọt mưa như giọt máu chảy từ tim Chúa bị đóng đinh trên thánh giá.
Giọt mưa là kiếp luân hồi vòng quanh tử sinh, hay là gạch nối liền hai cõi tử
sinh? Giọt Mưa Trên Lá là bài hát hay nhất thế giới mà tôi được biết. Phạm Duy
là nhạc sĩ duy nhất tả đến tận cùng một giọt mưa.
Chương XII. Tâm Ca: Tiếng Hát Trái Tim
Ở một chương trước tôi có nói rằng trong những bài hát đầu
tay của Phạm Duy đã thấy nhóm lên những ý tưởng triết học: Chinh Phụ Ca, Cây
Đàn Bỏ Quên, Tiếng Đàn Tôi, Nợ Xương Máu, Chiến Sĩ Vô Danh..
Ở chương này tôi muốn đề cập đến một số bản tâm ca ở đó Phạm Duy đã hiện rõ lên
là một nhà triết học. Nhưng triết học của Phạm Duy là triết học bình dân được
đúc kết từ cuộc sống, như những ca dao tục ngữ.
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay
Phạm Duy vừa chịu đắng cay vừa gào:
Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già.
Tâm Ca là triết học được âm nhạc hóa. Đó là những tư tuởng chính yếu trong một
giai đoạn dài 20 năm chiến tranh Việt Nam. Đây, bạn và tôi hãy coi kỹ một bài
tâm ca điển hình nhất:
Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già
Lời tôi ca, lời tôi ca xin lúa đừng lo
Lời tôi thay cho tiếng đạn bay
Lời tôi xây cho vững tay cầy
Rồi đêm đêm xua ác mộng đầy
Lời ca êm ru giấc ngủ say
Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ vơi dòng lệ nhòa
Một miền quê, một miền quê tim héo và khô
Lời tôi ca khâu vá tình thương
Lời hôm qua chắp nối Con Đường
Lời hôm nay vương tiếng Mẹ buồn
Lời mai đây cao ngút Trường Sơn.
Tôi định chỉ trích một đoạn hoặc một số câu của bài tâm ca số 2 Tiếng Hát To để
dẫn giải, nhưng tôi không thể bỏ các đoạn kia. Đối với tôi, đây là một bài hát
hay nhất Việt Nam từ xưa đến nay, Tôi đọc đi đọc lại, càng đọc càng thích thú,
từng chữ từng câu đều chứa đựng một nội dung nhân văn sâu sắc vô cùng. Còn tình
tiết thì càng đọc càng kinh ngạc.
Nếu bạn muốn nghe hát thì phải tìm băng do Phạm Duy hát thì mới hay. Tôi có cảm
giác rằng bài này chỉ Phạm Duy hát thì mới lột tả nổi ý nghĩa. Một bài hát như
thế này, rất tiếc là một nửa dân tộc bị cấm cản không được nghe, vì tác giả
đang ở bên phía Tự Do. Tôi nghe nhiều bài hát Liên Xô lời Việt Nam có tính nhân
bản như thế này được phổ biến ở Việt Nam. Công bình mà nói: hay thì cũng có
hay, nhưng thua Phạm Duy xa. Tại sao bài Tiếng Hát To này, từ nhạc và lời đến
Việt Nam đều hay hơn những bài Liên Xô mà dân Việt Nam lại không được nghe? Thiệt
là đáng tiếc. Xin chân thành mời bạn đọc tiếp các đoạn lời sau:
Tôi sẽ hát to hơn những kẻ khơi ngọn lửa thù
Lời tôi ca, lời tôi ca như suối rừng thu
Lửa âm u ai đốt từ lâu
Miền quê tôi khan tiếng kêu gào
Lời tôi ca như nướcnhiệm mầu
Thành mưa rơi cho dứt niềm đau
Tôi sẽ hát to hơn lũ quỷ đang tìm đường về
Lời tôi ca, lời tôi ca xua hãi hùng đi
Mùa xuân qua ai mất tuổi thơ
Lời tôi ca hôn má xuân già
Còn yêu nhau xin cứ mặn mà
Đừng cho ai ăn cướp tình ta.
Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang ngồi vỉa hè
Trẻ bơ vơ, trẻ bơ vơ đi giữa vườn hoa
Hỏi thăm em, em có mẹ cha
Hỏi thăm em, em có ông bà
Hỏi thăm em, em có cửa nhà
Một ngày qua em mất cả ba.
Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang tìm nụ cười
Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi, xin đến gần tôi
Cùng em côi tôi có bàn tay
Và đôi môi tôi hát ăn mày
Chia hạt cơm rơi hay bát gạo đầy
Cùng ngủ ven sông hay gối bụi cây.
Tôi sẽ khóc cho em gái nhỏ theo mụ chủ nhà
Một chiều mưa, một chiều mưa đi trong ngõ bùn nhơ
Từ vườn quê ra chốn phồn hoa
Người em xua dĩ vãng đen nhoà
Rồi đêm đêm son phấn nhạt mờ
Mới nhận của tôi dâng mấy lời thơ
Tôi hát tiễn đưa dăm thiếu phụ quay về đường nhà
Lời tôi ca, lời tôi ca hun bếp lạnh tro.
Lời như tơ như tóc tìm nhau
Giường thơm tho chăn gối tươi mầu
Mảnh gương to rơi vỡ ngày nào
Còn lại bao nhiêu vẫn soi rõ mặt nhau.
Tôi sẽ hát to hơn tiếng nhạc mơ hồ phòng trà
Nàng danh ca, nàng danh ca không có giọng ca
Nàng danh ca vo khúc tình ca
Thành vui điên hay khóc than vờ
Nồng hơi da hơn tiếng nhạc thừa
Ngh(c)n lời ca hay dứt đường tơ
Tôi muốn hát thay cho gánh cải lương gầy, một ngày
Về chợ quê, về chợ quê rung trống cầu may
Lời tôi thay anh kép già câm
Làm quân đi theo nữ anh hùng
Diệt loài gian hay giết nịnh thần
Và hoan hô ông lão hiền trung.
Tôi sẽ hát to nhưng hát nhỏ hơn lời mọi người
Một ngày nao, một ngày nao nghe bỗng đầy vơi
Toàn dân tôi ca hát niềm vui
Toàn dân tôi ca khúc yêu đời
Một ngày tan chinh chiến thật rồi
Toàn dân tôi vui sống thảnh thơi
Tôi sẽ hát to nhưng hát nhỏ như lời nguyện cầu
Lời yêu nhau, lời thương nhau cho đến dài lâu
Lời tôi ngoan như tiếng trùng kêu
Lời tôi vang như tiếng chuông chiều
Lời tôi cao như tiếng ngọn diều
Lời tôi sâu như tiếng tình yêu
Lời tôi sâu như tiếng... tình yêu.
Thật khó mà tưởng tượng được rằng một ca khúc lại có một nội dung phong phú như
thế. Đó là chiến tranh, là thù hận. là thống khổ, là ác mộng, là chia rẽ... đã
có mặt trong đời sống Việt Nam ở giữa thế kỷ 20 này. Bài ca ra đời giữa năm 1965,
ba năm trướcTết Mậu Thân. Tác giả đứng bên trên những mâu thuẫn giữa hai miền đất
nướcđể buông ra một tiếng hát to, mong cỏ cây lẫn người ở cả hai bờ Bến Hải đều
nghe. Lời ca muốn xua đuổi hãi hùng, muốn chắp nối con đường, muốn khâu vá tình
thương... Muốn tắt đi ngọn lửa hận thù. Mong sao lời ca như nướcnhiệm mầu,
thành mưa rơi cho dứt niềm đau. Lời ca tha thiết: Hãy chìa cho tôi đôi má Xuân
già để tôi hôn vào đó...
Nhưng không ai nghe lời tôi ca cho nên dân ta càng khổ sở. Em bé đi bơ vơ giữa
vườn hoa kia vừa mất cha mẹ ông bà và cửa nhà một lúc.
Em bé nào vậy? Không phải em bé nào cả, đó là dân tộc Việt Nam. Cả dân tộc đang
bị ngọn lửa hận thù thiêu mất hết gia tài tổ tiên lẫn tình thương. Đứa bé ấy
đang đi nhặt từng hạt cơm rơi và ngủ gối bụi cây. Cũng như em gái nhỏ lọt vào mụ
Tú Bà rồi đêm đêm son phấn nhạt mờ, nhận của tôi mấy lời thơ. Bên cạnh đó còn
có cả gánh cải lương nghèo về chợ quê rung trống cầu may...
Có phải Phạm Duy đã tiên đoán cái thảm cảnh ngày nay từ 1/4 thế kỷ trước. Gánh
hát cải lương gầy đó tên gì, hát tuồng gì mà anh kép già câm đang đóng vai gì,
anh ta đang múa gươm, cưỡi ngựa hay đang ngã ngựa nằm sấp nằm ngửa ở đâu? Cái
xã hội bát nháo đang tìm hơi nồng da thịt ở phòng trà hơn là giọng ca hay ho bởi
vì nàng danh ca thực ra không có giọng ca. Nàng danh ca tên gì đang hát ở phòng
trà nào vậy? Đọc lời ca, ta bật lên tiếng cười thương hại và tóe ra nướcmắt bi
thương.
Nhưng Phạm Duy không buông xuôi cho thảm cảnh cuốn trôi dân tộc. Một ngày kia
gương vỡ lại lành. Những mảnh vỡ chắp lại vẫn còn đủ để soi rõ mặt nhau.
Phạm Duy yêu đồng bào dân tộc đến mức độ nào mới viết nổi những lời ca như vậy,
những lời ca vang như chuông chiều, cao như sáo diều, sâu như tình yêu...
Khi đi học, đọc tiểu thuyết Pháp Les Misérables và Sans Famille, có những đoạn
tôi phải đổ lệ dầm chan. Bây giờ già rồi, nhưng đọc lời ca của bài Tiếng Hát
Tôi, tôi vẫn khóc.
Bài tâm ca thứ 3 là Ngồi Gần Nhau:
Ngồi gần ngồi gần nhau, vai sát vai nhau tựa đầu
Ngồi gần ngồi gần nhau, tay nắm tay cho thật lâu
Ngồi gần ngồi gần nhau, xin nói cho nhau một điều
Ngồi gần ngồi gần nhau cho nhiều
Ngồi vào đời nhỏ nhoi, trong kiếp sống đầy vơi
Ngồi gần người từ bi, bên lũ giết người kia
Ngồi gần loài giun dế, hay ác thú hùm beo
Mình vào ngồi đây với nhau.
Ngồi gần ngồi gần hơn, đôi mắt đôi mi lạ lùng
Ngồi gần ngồi gần hơn, đôi má đôi môi làm quen
Vào ngồi làm một đôi, trong tiếng than trong nụ cười
Vào ngồi làm đỏ đen cho đời
Ngồi gần loài ma quái, nghe tiếng nói lả lơi
Ngồi gần tình thương yêu, nghe rõ tiếng bụt kêu
Gần người hùng trong trắng, bên lũ cướp của công
Ngồi thở dài hay ước mong.
Vào ngồi vào ngồi chung,
Trong sót thương trong bạo cường
Vào ngồi vào ngồi chung,
Trong bão mưa trong lửa tuôn
Ngồi ở gần mộ hoang, trong đám tân hôn vội vàng
Ngồi vào, ngồi đôi bên vui buồn
Ngồi vào rừng gươm súng, hay đứng giữa vườn bông
Ngồi chờ đàn chim non, hay đón tiếng đạn bom
Ngồi vào niềm yêu dấu hay giữa mối thù sâu
Mình ngồi vào đây với nhau.
Ngồi gần ngồi gần nhau, đây đó chung quanh địa cầu
Ngồi gần ngồi gần nhau, trong kiếp xưa, trong đời sau
Ngồi gần ngồi thật lâu, cho đến khi hai ngọn đầu
Thành một người trong nhau nguyện cầu
Ngồi vào một thế giới, không xấu tốt buồn vui
Ngồi vào niềm chơi vơi, không có sắc mầu phai
Ngồi vào đời không mới, không rách nát tả tơi
Một mình ngồi trong cái TA.
Có phải chăng bài này kêu gọi đại đoàn kết dân tộc? Kêu gọi đôi mắt đôi mi lạ
lùng, đôi má đôi môi làm quen. Những đôi mắt đã từng nhìn nhau hằn học, những
đôi môi đã từng chửi bới nhau nửa thế kỷ chỉ đi đến kết quả là giết nhau để làm
lợi cho ngoại bang. Phạm Duy kêu gọi đoàn kết để một mình ngồi trong cái TA, tức
là tự chủ.
Bài Giọt Mưa Trên Lá khác hẳn với hai bài trên, mang tính chất nhân văn tổng
quát. Nó là kết tinh của các loại tình yêu của Chúa, của Phật đối với con người
trên trần thế. Hai đoạn lời ca rất ngắn ngủi mà bao trùm cả nhân gian.
Tâm Ca số 7 Kẻ thù Ta là một sự suy nghĩ khác với người đương thời, cả hai bên
đều chỉ xây vinh quang trên xác quân thù. Kẻ thù ta đâu có phải là người, mà nó
là sự gian ác, tính vô lương, là hờn câm, là hận thù, là vu khống, là vô minh,
là lòng tham, là tị hiềm, ghen ghét. Kẻ thù ta:
Mang lá bài Tự Do
Mang cái vỏ thật to
Mang cái rổ danh từ
Mang cái mầm chis rẽ.
Kẻ thù ta trong mắt thèm lơ láo
Kẻ thù ta trong góc đầu tự kiêu
Trong cõi lòng quạnh hiu
Trong óc hẹp tiêu điều
Trong giấc mộng xâm chiếm nhau.
Nhận diện kẻ thù xong, Phạm Duy chỉ cho ta nơi nó ẩn náu: Nó nằm đây nằm ngay ở
mỗi ai. Vì thế Phạm Duy không chủ trương giết người, không chủ trương phanh
thây uống máu kẻ thù vì, giết người rồi, ta ở với ai? mà chỉ cần diệt thói hư tật
xấu, mầm chia rẽ, hố hận thù. Nếu người cả hai bên nghe theo thì dân tộc đã
không rơi vào thảm họa ngày nay. Chính vì khoác áo chủ nghĩa này, lý thuyết nọ
mà đất nước oai linh hiển hách của ông cha ta để lại cho ta, nay:
Chỉ còn dư vang thần thánh
Để lại cho em hèn kém của anh.
Để lại cho em cuộc sống mệt nhoài
Để lại cho em hồn nước tả tơi
Đường đời quanh co kẹt lối
Vì một bọn người đang (mải miết) tranh nhau một đám bụi đen. Anh ân hận vô cùng
vì nếu chết đi, anh chỉ:
Để lại cho em một nước phân lìa
Để lại cho em một giống nòi chia
Hận thù nhân danh chủ nghĩa
Bạo tàn nhân danh bề thế
Để lại con tim nhỏ bé của anh.
Để lại cho em giọt máu dân lành
Để lại cho em từng nấm mộ xanh
Chập chờn bay trong bại thắng
Ngọn cờ khăn sô mầu trắng
Để lại cho em một bãi sa trường
Tuy vậy, nhà soạn nhạc vẫn lạc quan ở tiền đồ dân tộc. Anh vẫy tay mời tất cả
chúng ta:
Hát với tôi trong nỗi vui hay cơn buồn
Hát với tôi qua tiếng reo hay bằng lời than
Hát với nhau những lời của người Việt Nam
Hát với tôi khi mang thân phận bào thai
Hát với tôi trong cõi trời sâu xa tuyệt vời
Đừng thèm nhờ máy hát lạ tai
Đừng thèm nhờ ai hát hộ ai.
Để lòng mình dâng lên miệng hát đầy vơi!
Hãy hát lên. Hát tiếng lòng mình. Hát tiếng Việt Nam, đừng hát tiếng Nga, tiếng
Tàu, hay tiếng Mỹ. Cũng đừng nhờ máy hoặc người hát hay thay. Chỉ mười bài tâm
ca thôi cũng đủ làm nên danh vọng tột đỉnh của Phạm Duy. Chỉ cần hát một bài
tâm ca thôi, bài nào cũng được, bạn sẽ thấy trái tim nhỏ bé mà rất bao la của
nhà nghệ sĩ.
Xuân Vũ
Theo https://vietmessenger.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét