Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Đôi bạn 1

Đôi bạn 1

Chương 1
Phương quăng ba lô lên bậc cửa, thở dốc. Bà nội vén màn nhìn ra:
- Ai như con bé Phương?
Phương chạy đến:
- Cháu nè, bà nội.
- Trời đất, sao trưa trờ trưa trật vậy cháu? Đi sớm có mát mẻ hơn không.
Bà nội kéo Phương ngồi xuống đi văng, lấy khăn giấy lau mồ hôi trên trán Phương. Phương nũng nịu nép đầu vào vai nội:
- Cháu đi chuyến xe đầu tiên đó nội. Tại ông tài xế cà chớn, cứ dừng lại rước khách hoài. Ghét gì đâu.
Bà nội âu yếm vuốt tóc Phương:
- Thôi đừng bực mình nữa. Cháu bà đói bụng rồi phải không? Để bà lấy cơm cho ăn nhé.
- Cháu ăn với nội.
Bà nội nhìn đồng hồ, cười móm mém:
- Nội ăn rồi, cô Út cũng ăn xong đi dạy từ hồi một giờ kia.
- Ủa, các trường chưa khai giảng mà nội.
- Ừa, cô đi dạy kèm cho bọn trẻ ấy mà. Thôi cháu vào rửa mặt rồi ăn cơm cho mát. Hôm nay nội có nấu canh cá rô đồng, ngon lắm.
Phương bước ra sân, đến bên ảng nước. Gương nước trong veo soi bóng mảng trời cao lồng lộng, chợt dao động khi chiếc gáo dừa trên tay Phương vừa chạm tới. Nước thấm mát từng lỗ chân lông trên mặt Phương, xua tan bụi bặm cùng nỗi mệt nhọc suốt chặng đường dài gần trăm cây số. Từ hôm tết đến giờ, Phương mới có dịp về thăm quê nội, hòa mình vào thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành của khoảng đất sau nhà nội suốt bốn mùa xanh tươi hoa lá. Vườn nhà nội không lớn lắm, trồng nhiều mận dọc theo lối đi nhỏ dẫn đến cuối vườn. Thân cây chắc khỏe, không cao lắm, nhưng tán dày, sai quả. Những quả mận tròn trịa, vỏ mịn hồng, ruột đặc trắng ngọt ngào luôn thấp thoáng trong ký ức tuổi thơ Phương.
Phương thả dép, đi thơ thẩn giữa hai hàng mận đến cuối vườn, nơi đây có giàn mướp vừa nở những nụ hàm tiếu bên nhành lựu mảnh mai, rải rác một vài gốc khế, bưởi, chôm chôm, nhãn lồng… Làn mây nhẹ trôi qua che lấp mặt trời trưa, nắng trở nên dịu dàng soi qua tàng lá rậm, bừng sáng lên những sắc màu thiên nhiên trong không gian êm ả vườn nhà nội. Màu hoa mướp vàng, hoa khế tím, hoa lựu đỏ, hoa bưởi trắng… hòa quyện vào sắc lá non tơ của những chồi xanh vừa nhú. Cát mịn mơn man dưới chân Phương. Mận hồng đong đưa trên đầu Phương. Phương nhón gót, chùm mận cao hơn tầm với. Phương nhảy lên, nhưng chỉ ngắt được một nhánh lá.
- Phương ơi, cháu đâu rồi?
Phương quay lại, thấy dáng nội lóng ngóng bên ảng nước.
- Đôi dép của nó còn đây mà. Con nhỏ đi đâu vậy cà? Phương ơi!
Phương nhét nhánh lá vào túi quần, chạy ù về, ôm chầm lưng nội, cười khúc khích. Nội gỡ tay Phương ra, làm bộ trừng mắt:
- Con nhỏ này, vào ăn cơm đi chứ.
- Nội ơi, cháu thèm ăn mận hơn.
- Được rồi, lát nữa cô Út về hái cho ăn. Bây giờ phải ăn cơm trước, kẻo xót ruột.
- Mận nhiều quá, sao chưa ai đến mua vậy nội?
- Cô Út gọi người ta rồi.
- Dạo này cô Út khỏe không nội? Cháu viết thư cho cô nhưng không thấy cô trả lời.
Nội cười:
- Chắc cô cháu bị bệnh làm biếng. Thôi vào nhà đi cháu.
Bà nội giở nắp lồng bàn. Cá rô đồng hai món, canh và chiên. Dĩa rau sống xanh, chén nước mắm vàng sánh pha ớt đỏ kích thích vị giác Phương. Bà nội ngồi xuống bên Phương, ánh mắt hiền từ.
- Ăn đi cháu.
Lòng Phương rưng rưng. Thời gian trôi đi, như dòng sông phù sa bên lở bên bồi. Phương mau lớn sởn sơ thì nội dường như bé nhỏ lại, mắt mờ, răng yếu, mái tóc bạc trắng tơ sương. Thương nội quá!
Bà nội xới chén cơm để trước mặt Phương:
- Cháu làm sao vậy?
Phương bỗng no ngang:
- Nội vào nghỉ ngơi đi. Ăn xong, cháu dọn dẹp rồi rửa chén luôn.
- Ráng ăn nhiều nghe cháu, rồi vào phòng cô Út ngủ một giấc cho khỏe, có gì chiều hãy tính.
Phương mở cửa phòng, thấy bà nội ngồi trầm ngâm bên cửa sổ, ánh mắt xa xăm.
- Nội không ngủ trưa sao?
Nội quay lại:
- Tuổi già ít ngủ lắm cháu à.
Phương sà xuống bên nội:
- Nội ơi, nội đang nghĩ gì vậy?
Giọng Nội buồn buồn:
- Nội nghĩ lung tung ấy mà. Nội nghĩ về ông nội cháu, về các con cháu của nội. Nội thương mẹ cháu quá, đầu xanh tuổi trẻ đã sớm…
Phương để ngón tay lên môi nội:
- Đừng nói nữa nội ơi.
- Ừ thì không nói nữa. Nhưng nội hỏi nè, mẹ cháu sao rồi? Còn bị chóng mặt không? Có chịu nghe lời nội uống thuốc bắc không?
- Dạ có, mẹ cháu uống mười mấy thang thuốc, bây giờ khỏe re.
- Tốt lắm – Nội đứng dậy, thở một hơi dài nhẹ nhõm, nét mặt tươi lên – Phương à, cháu thấy phòng cô Út có gì lạ không?
Phương nhìn quanh, đồ đạc không thay đổi, vẫn chiếc giường bên trái cửa ra vào, tủ đứng bên phải, bàn viết và chiếc ghế mây dài đặt cạnh cửa sổ mở ra khoảng vườn râm mát. A, hình như căn phòng sáng hơn, tươi hơn nhờ những tấm màn cửa hoa văn màu xanh cốm, drap trải giường cùng màu, tất cả đều mới tinh khôi. Phương reo nhỏ:
- Cháu biết rồi – Phương ngồi xuống giường, đưa tay lướt nhẹ lên từng nét hoa văn – Đẹp quá nội ơi! Có phải là tác phẩm của cô Út không?
Nội mỉm cười:
- Ừa. Hè rảnh, cô Út cháu có đi học một khóa may áo quần phụ nữ trên thị trấn. Cô mới rút tiền tiết kiệm mua máy may, nên ham may lắm.
- Ủa, máy may đâu nội?
- Ở ngoài phòng khách, bộ cháu không thấy sao.
- Chắc hồi nãy cháu không để ý. Ôi, cái ba lô cháu còn ngoài phòng khách, có quà mẹ cháu gửi cho nội.
- Vội gì, cứ nằm xuống ngủ một lát đã, cháu ngoan.
Nội bước ra ngoài, khép cửa lại. Phương ngả người xuống nệm êm, nhắm mắt thư giãn. Gió nhẹ lùa qua khung cửa, lay động tấm màn hoa. Nhạc ve cuối hè còn sót lại, ngân nga trong vườn nhà, âm thanh ri ri ru Phương vào giấc trưa muộn. Phương trở mình, có cảm giác cồm cộm bên hông. Phương lơ mơ kéo nhánh lá mận bỏ quên gãy dập trong túi quần vứt ra giường, mùi hương quen thuộc phảng phất làm Phương tỉnh ngủ. Lòng Phương rộn ràng. Thời thơ ấu chợt trở về ngào ngạt hương thơm dịu dàng của những ngọn lá mận vò nát trong lòng bàn tay. Đó là trò chơi thú vị nhất khi Phương còn nhỏ xíu, mỗi lần theo mẹ về quê thăm nội, việc đầu tiên là cô bé chạy ra vườn hái vài ngọn lá mận vò nát rồi đưa lên mũi ngửi, thơm ơi là thơm. Lớn lên, Phương thưa về thăm nội, thói quen này chỉ còn là kỷ niệm theo năm tháng tàn phai. Phương ngồi dậy, vén màn cửa sổ nhìn ra vườn. Chiều xuống, nắng nhạt dần trên những tán lá cao. Thấp thoáng bóng bà nội sau giàn mướp cuối vườn. Phương gọi lớn:
- Nội ơi, nội ơi!
Nội không phản ứng gì, thản nhiên đưa tay sửa lại búi tóc. Phương bỗng lo cho sức khỏe nội. Trưa nội không muốn ngủ, cũng chẳng thèm nằm nghỉ ngơi, ra vườn trong buổi chiều nắng xế như thế này rất dễ bị bệnh. Phương hét:
- Nội ơi!
Lần này thì nội nhận ra cô cháu cưng rồi, bà đưa tay vẫy. Phương nhảy chân sáo đến bên nội, quàng tay ôm lấy lưng bà. Nội kí vào đầu Phương:
- Cháu hư quá, sao không chịu ngủ trưa, hả?
Phương siết mạnh:
- Tại cháu bắt chước bà.
- Con nhỏ này lanh quá – Bà gỡ tay Phương ra – Lại đây, lại đây nội cho coi nè.
- Gì vậy nội?
Nội kéo Phương đến bên giàn mướp:
- Cháu thấy có gì lạ không?
- Nội thiệt tình. Sao nội thích hỏi đố cháu hoài vậy. Để cháu xem nào… À, mướp ra hoa nhiều quá. Ý, có mấy quả nhỏ xíu, dễ thương quá nội ơi.
Nội cười sung sướng:
- Ừ, giàn mướp này tự tay cô Út trồng đó, biết mướp đã đậu quả, chắc là cô mừng lắm.
- Nội để cháu làm sứ giả cho.
- Sứ giả… cái gì?
- Sứ giả báo tin vui cho cô Út đó mà.
- Con nhỏ này, sao mà văn chương thế.
Ngôi vườn đã hết nắng, tối dần. Bà nội nóng ruột:
- Đáng lý giờ này, cô Út cháu đã về nhà từ lâu rồi.
Phương cũng lo theo:
- Hay là cô Út dạy thêm?
- Dạy thêm thì cũng phải cho nội biết chớ.
Có tiếng động ngoài cổng. Phương chạy ùa ra. Cô Út về, lỉnh kỉnh trên xe đạp nhiều gói to đùng. Cô reo:
- Phương, lâu ngày quá!
Phương đỡ xe giùm cô:
- Cô mua gì nhiều dữ thần vậy?
- Cô vừa ra thị trấn cùng người bạn, tiện thể mua một ít vải vóc. Hay quá, có cháu đây, cô sẽ trổ tài thiết kế cho cháu vài kiểu thời trang…
Bà nội bước ra, nhíu mày:
- Thôi đừng có ba hoa chích chòe nữa. Đi chơi với bạn sao không chịu nói trước, làm người ta lo muốn chết.
Cô Út ôm mấy gói hàng vào nhà, cười giả lả:
- Xin lỗi má, con quên – Cô nhìn Phương – Cháu xuống bếp giúp cô làm cơm coi.
Bà nội liếc:
- Khỏi, đồ ăn có rồi, nồi cơm cũng đã bắc rồi – Giọng bà dịu xuống –Hai cô cháu nói chuyện với nhau đi.
Được lời như cởi tấm lòng, cô Út hích vào vai Phương. Phương theo cô vào phòng. Cô để nguyên quần áo, nằm lăn ra giường:
- Ôi, mỏi lưng quá.
- Để cháu đấm bóp cho.
Cô cười vui vẻ:
- Cháu ngoan thiệt đó, nhưng thôi, cô không nỡ hành hạ cháu. Nào, nằm xuống đây với cô.
Phương ghé cạnh giường:
- Cô có mệt không? Nghỉ ngơi một lát đi.
- Mệt gì chớ. Cô muốn nói chuyện với cháu hơn. Sao? Năm nay cháu lên lớp 10 phải không? Hệ A hay B?
Phương xụ mặt:
- Dĩ nhiên là hệ A rồi, cô xem thường cháu thế?
- Đùa một tí thôi. Ai chả biết cháu của cô là học sinh giỏi.
Phương vênh mặt:
- Nói vậy mới có lý chớ.
Cô Út ngồi dậy, bẹo má Phương:
- Con nhỏ này đanh đá thiệt tình – Cô ngắm nghía Phương – Nhưng trông cũng đẹp gái quá chớ.
Cô với tay lấy mấy gói hàng xổ tung ra giường. Phương choáng ngợp trước những xấp vải sắc màu rực rỡ.
- Ghê nghe. Cô Út chơi sang quá.
Cô nhỏm dậy, mở hộc bàn lôi ra một cái thước dây, cây viết và cuốn sổ ghi chép. Cô đặt hai tay lên vai Phương, ghì chặt:
- Đứng yên nào.
- Cô làm gì vậy?
- Cô lấy số đo của cháu. Cô nói rồi, cô sẽ may cho cháu những bộ quần áo thời trang, sẽ...
Phương lắc đầu:
- Cháu không thích.
Cô Út mất đà, khựng lại, nhìn Phương chằm chằm. Phương nắm tay cô:
- Ý cháu nói là… cháu đi học chỉ mặc áo trắng mà thôi.
- Dễ quá – Cô mở tủ lấy ra xấp lụa hoa trắng – Cô sẽ may cho cháu một cái áo dài, OK?
Phương tròn mắt:
- Cô may được hả?
Cô Út bắt chước bộ dạng của Phương:
- Dĩ nhiên là được rồi. Cháu xem thường cô thế.
Phương ôm chầm lấy cô, dụi đầu vào ngực cô. Hai cô cháu cười ầm lên. Bà nội ló đầu vào phòng:
- Thôi đừng giỡn nữa. Ra ăn cơm.
Trời tối hẳn. Bà nội bật một lúc 3 ngọn đèn néon. Cô Út cười:
- Hôm nay có nhỏ Phương, má hào phóng quá – Rồi nhìn vào bàn ăn, nhăn mặt – Sao “vũ như cẩn” vậy má?
- Đừng có nhiều chuyện, ăn lẹ đi.
Cơm nước xong, Phương sực nhớ nhiệm vụ sứ giả của mình. Giúp cô Út rửa chén, lau dọn sạch sẽ bếp núc, Phương mới ghé vào tai cô:
- Cây mướp của cô đậu quả rồi.
Cô đánh rơi chiếc khăn xuống đất:
- Thiệt không?
Phương gật đầu.
- Chờ cô một lát.
Cô chạy biến vào phòng rồi nhanh chóng trở ra, tay cầm cây đèn pin. Trăng non bàng bạc thả xuống vườn nhà nội làn ánh sáng mỏng manh. Giàn mướp tối thui, cô Út soi lia lịa vào những góc lá:
- Đâu? Đâu? Phương ơi, chỉ cho cô nào.
- Từ từ, để cháu nhớ xem. Đây nè, cô ơi. Có ba, bốn quả gì đó, nhỏ tí tẹo à.
Cô Út chĩa đèn pin vào hướng tay Phương, cười sung sướng:
- Nhỏ trước rồi mới lớn sau chớ.
- Mướp cô trồng tốt thiệt đó, hoa quá trời đất, mai mốt quả ra trĩu giàn cho mà xem. Uổng quá, cháu không được dịp thưởng thức cây nhà lá vườn rồi.
- Nói cô mới nhớ, trường cháu sắp khai giảng rồi phải không?
- Dạ, còn một tuần nữa, nên cháu tranh thủ về thăm nội và cô. Nghe nói, chương trình cấp 3 nặng lắm, cháu sợ sau này không có thời gian.
- Cháu cứ lo học hành trước đã. Sao? Qua trường mới, lớp mới, cháu có gặp lại nhiều bạn cũ không?
- Bạn bè cháu phân tán nhiều trường, nhưng may quá cô à, cháu vẫn còn hai đứa bạn thân. Năm ngoái, chúng nó có xuống đây một lần, nhỏ Trang và nhỏ Hà đó, cô nhớ không?
Chương 2
Ánh nắng gay gắt rọi qua cửa sổ, vẽ lên sàn nhà, mặt bàn và cả trên lưng áo học sinh những đường nét lung linh, nóng bỏng. Phương nghiêng mình, ngồi dịch vào trong tránh nắng, đẩy mạnh vào người Trang. Hà ngồi ngoài cùng, níu chặt mép bàn, hét lên: “Té, té…”. Cô Nhung đang viết bảng, dừng tay, quay lại:
- Các em làm gì vậy, ồn ào quá!
Phương nhíu mắt nhìn ra cửa sổ rồi quay vào:
- Thưa cô, tại… nắng…
Cô trừng mắt:
- Thì đóng cửa sổ lại. Em không biết động não sao?
Lớp trưởng Nam đứng dậy, ra tay nghĩa hiệp. Những cánh cửa sổ khép lại, những bóng đèn néon được bật lên, lớp học trở nên ngột ngạt, nóng bức. Lại lao nhao:
- Nực quá, nực quá!
- Nam ơi, bật quạt lên.
- Tối quá, không thấy gì trên bảng hết, cô ơi.
Cô gõ thước lên bàn rầm rầm nhưng vẫn không át được tiếng xôn xao. Cô nhìn xuống lớp:
- Nam, mở cửa ra đi em – Rồi bảo học sinh – Các em chịu khó nhé, viết trong điều kiện thiếu ánh sáng dễ bị hư mắt lắm.
Im lặng trở lại. Những ánh mắt chăm chú nhìn lên bảng, những nét bút lướt đều trên trang giấy. Viết xong chữ cuối cùng, cô Nhung vẫn cầm viên phấn giữa hai ngón tay, quay lại âu yếm nhìn đám học sinh. Có tiếng gõ nhẹ trên cánh cửa. Thầy Tú xuất hiện, bóng đổ dài trên nền gạch hoa. Cả lớp đứng dậy. Thầy đưa tay cho phép ngồi, rồi nhìn cô:
- Xin chị vài phút.
Cô rời bục giảng, nói với thầy:
- Anh cứ tự nhiên.
Có tiếng xuýt xoa. Hôm nay, thầy ăn mặc thật diện. Quần tây xám đậm, áo sơ mi xám nhạt, cà vạt hoa văn cùng màu. Thầy bước đến giữa lớp, trừng mắt. Những cái miệng vừa mở ra định cười chợt nín bặt, những bàn tay đặt bút xuống, vòng lại ngay ngắn. Thầy tỏ vẻ hài lòng, ánh mắt trở nên thân thiện:
- Thầy vừa đi họp trên Sở về. Năm nay Sở tổ chức cuộc thi văn nghệ giữa các trường cấp 3 trong thành phố. Trường chúng ta đã đăng ký tham dự. Thời gian còn dài, trước mắt sẽ có cuộc tranh tài giữa các lớp để chọn ra những tiết mục đặc sắc nhất, có thể là đơn ca, song ca, tốp ca hoặc là kịch… Lớp trưởng đâu nhỉ?
Nam đứng dậy. Thầy nhìn bao quát lớp:
- Lát nữa lớp trưởng sẽ lên văn phòng đọc kỹ thông báo về cuộc thi, rồi phổ biến chi tiết cho các em – Thầy nói với Nam –Em nhớ động viên các bạn tham dự nhé.
Nam ngập ngừng:
- Thưa thầy, lớp em… lớp em thi… không nổi đâu ạ.
Thầy Tú trợn mắt:
- Em nói cái gì vậy? Chưa đánh đã đầu hàng. Tinh thần phấn đấu của em đâu? Em có xứng đáng làm lớp trưởng không? Hả?
Cô Nhung lắc đầu mỉm cười, rồi đến bên thầy, nói nhỏ:
- Anh bớt nóng, để tôi…
Thầy Tú bối rối, mặt thoáng đỏ:
- Ấy chết, xin lỗi chị. Tôi xin phép.
Thầy bỏ ra ngoài một nước. Nam vẫn đứng yên. Cô Nhung lừ mắt:
- Ngồi xuống, định đứng đây ăn vạ sao. Em phát ngôn bừa bãi làm cho cô mất mặt quá. Có gì vướng mắc cứ bàn với cô và bạn Phương. Phương là trưởng ban Văn Nghệ lớp, em quên rồi sao?
- Thưa cô, bạn Phương… đâu có làm được gì ạ.
- Im đi, lại nói sai nữa rồi. Sao em thiếu tự tin vậy?
Cô đưa tay xem đồng hồ:
- Thôi, chuyện này để bàn sau. Sắp hết tiết rồi, các em chép bài nhanh lên.
Chuông reng báo giờ ra chơi. Cô nhắc Nam lên văn phòng xem thông báo về cuộc thi. Một vài bạn tò mò chạy theo Nam, nói cười ầm ĩ. Vừa bước xuống cầu thang, Nam chựng lại vì một tiếng kêu chát chúa:
- Nam, đứng lại coi.
Tiếng chân dồn dập phía sau, rồi một gương mặt đằng đằng sát khí dí sát vào Nam:
- Nam lập lại một lần nữa xem.
Chưa bao giờ Nam thấy Phương giận dữ như lúc này. Tim Nam đập mạnh:
- Lập lại… lập lại cái gì cơ?
Cô trưởng ban Văn Nghệ hét lớn:
- Thôi đừng giả nai nữa. Tại sao Nam nói tôi là “vô tích sự” hả? Hả?
Từ “hả” sao nghe quen quá. Đúng rồi, thầy Tú cũng vừa nạt vào mặt Nam đấy thôi. “Em có xứng đáng làm lớp trưởng không? Hả?”! Nam nghĩ là xứng đáng. Nam “đắc cử” chức vụ lớp trưởng 10A1 cũng nhờ các bạn thương mến, tin yêu. Từ đầu năm đến giờ, Nam đã giúp cô chủ nhiệm làm biết bao nhiêu việc, đạt khá nhiều thành tích. Nam đã không phụ lòng tín nhiệm của các bạn, như vậy, Nam đâu có lỗi gì. Nam thu hết can đảm:
- Tôi nói bạn vô tích sự hồi nào? Đừng vu khống à nghen.
Bạn bè hiếu kỳ đứng lại xem. Phương không thèm mắc cỡ, nắm lấy áo Nam:
- Nam nói tôi “không làm được gì” có nghĩa là “vô tích sự”, đúng chưa?
Nam giật mạnh tay áo:
- Chưa đúng.
Nam chạy thật nhanh về phía văn phòng. Phương tức tối nhìn theo. Bạn bè giãn ra, bàn tán theo hai chiều ngược nhau:
- Con gái gì mà chằn quá.
- Thằng Nam không có nghĩa khí gì cả. Nam nhi đại trượng phu, tại sao biết nói mà không biết nhận chứ.
- “Không làm gì được”, tức là “vô tích sự”, chớ còn gì nữa.
- Thằng Nam không có ý đó đâu.
Ban Văn nghệ họp trên chiếc ghế đá dưới gốc phượng, tán lá dày tỏa bóng mát một khoảng sân. Nét mặt Phương vẫn còn khó đăm đăm. Trang lên tiếng:
- Mày giận làm gì. Hãy chứng tỏ cho tên Nam biết thế nào là trưởng ban Văn nghệ chứ.
Hà uốn mình kêu răng rắc:
- Ôi mỏi quá – Rồi ngồi thẳng dậy, tựa lưng vào ghế – Đúng đó Phương, mày hát hay thấy mồ. Chỉ cần một tiết mục đơn ca chứ gì? Chuyện nhỏ!
Trang đập vào vai Hà:
- Mày đừng có mà huyên thuyên. Chờ tên Nam đi xem thông báo về phổ biến xem sao.
Phương đứng dậy:
- Không thèm chờ. Chúng mình cùng lên văn phòng đi.
Nội dung bản tin không khác lời thầy Tú bao nhiêu, nghĩa là mỗi lớp phải có ít nhất là một tiết mục văn nghệ, bắt buộc phải đăng ký trước ngày…
Giờ sinh hoạt, Nam phổ biến thông báo rồi nhìn về phía Phương:
- Bây giờ, xin mời trưởng ban Văn Nghệ cho ý kiến.
Cô Nhung nhìn Phương khích lệ. Phương cầm cây bút và tờ giấy trên tay, đứng dậy, bước ra, đi dọc theo hai dãy ghế:
- Các bạn ơi, mình có ý kiến là, bạn nào có khả năng ca hát, múa hoặc là biết đánh đàn, đóng kịch… hãy ghi tên. Chúng ta sẽ họp lại, chọn tiết mục rồi cùng nhau tập dượt.
Cả lớp im re. Những ánh mắt chiếu vào Phương như quan sát một sinh vật lạ từ ngoài hành tinh lạc vào lớp 10A1 này. Phương muốn khóc quá. Cô Nhung đến bên Phương, để tay lên vai Phương xoa nhè nhẹ. Cô nhìn đám học sinh:
- Các em lên tiếng đi chứ. Cô báo tin vui nè, em nào đăng ký tham gia văn nghệ sẽ được 10 điểm hạnh kiểm.
Bông hoa điểm mười có tác dụng đánh thức lòng nhiệt tình cống hiến, kích thích những cái đầu ngọ ngoạy, nghiêng qua nghiêng về nghe ngóng tình hình, xem bạn nào can đảm đăng ký đầu tiên. Một cánh tay, rồi nhiều cánh tay thi nhau đưa lên cao:
- Phương, ghi tên tui nè.
- Phương ơi, tui biết hát.
- Ngâm thơ được không Phương?
- Tui múa dân tộc nghe Phương.
Phương vui mừng, ghi lia lịa. Gần một nửa lớp bỗng trở thành nghệ sĩ. Cô Nhung gõ thước lên bảng:
- Các em phải thành thật, không được ghi tên ẩu đâu nhé.
Nam dội một gáo nước lạnh:
- Thưa cô, em đề nghị, trò nào nói xạo, cô sẽ cho số không hạnh kiểm…
Phương trừng mắt:
- Nam không được phá hoại.
- Phá hoại gì chứ. Ví dụ cho Phương nghe nè, bạn Phác một nốt nhạc bẻ đôi không biết mà hát hò gì, bạn Sa thì đọc thơ chua như giấm, bạn Hoa thì đầu đuôi như hột mít mà cũng đòi múa…
Phương hét:
- Nam im đi.
Cô Nhung nhìn Nam, lắc đầu:
- Em sai rồi, em không được xúc phạm đến Phác, Sa, Hoa. Quan trọng là nhiệt tình của các bạn. Bạn Phương sẽ biết mình phải làm gì, và trách nhiệm lớp trưởng của em là giúp đỡ cho Phương. Nào, Phương, em hãy làm việc đi nhé.
Danh sách dài thòng trên giấy làm lòng Phương không khỏi lo âu. Lời nhắc nhở và nhận xét của Nam chắc cũng… hơi đúng vì Phương chưa bao giờ nghe Phác hát, giọng Sa nói đã the thé rồi, ngâm thơ làm sao được? Riêng Hoa trông cũng nhỏ nhắn dễ thương, nhưng biểu diễn một bài múa theo điệu nhạc đâu có dễ? Thật ra, chúng có nhiệt tình không, hay chỉ vì điểm 10? Dù sao, cũng phải tỏ ra bản lãnh của một trưởng ban Văn nghệ, Phương tằng hắng:
- Các bạn đã ghi tên hãy cố gắng tập dượt. Chiều nay nhớ đến nhà tui họp nhé.
- Phương ơi, mấy giờ? Mấy giờ?
- Nhớ chờ tui nghe.
Phương cảm thấy vui. Xem ra chúng nó cũng nhiệt tình quá chứ.
Chương 3
Phương nghĩ vậy nhưng không phải vậy. Buổi họp tại nhà Phương thất bại hoàn toàn. Trong danh sách 23 bạn ghi tên, Phương hy vọng có được một vài tiết mục, nào ngờ, chúng nó đăng ký toàn hợp ca. Nhưng hợp ca hay thì cũng được đi, đằng này, toàn là bắt chước những nhóm nhạc trên Ti vi, nhảy nhót như giật kinh phong, giọng hát thì phô inh phô ỏi, làm sao chọn được chứ. Phác phán một câu làm mọi người giật mình:
- Phương, tui đăng ký đơn ca bài Em Về Tinh Khôi.
Trang suýt đánh rơi cây viết:
- Bạn suy nghĩ lại đi, bài này khó lắm, hát sao nổi.
- Bài ruột của tui mà.
Hà đề nghị:
- Vậy bạn hát thử xem.
- Có đàn tui mới hát được.
Phương nhìn Phác:
- Bạn hát đi, đừng làm khó tui chứ. Nếu đạt yêu cầu, tui sẽ đăng ký cho bạn tập cùng ban nhạc của trường.
- Cũng được.
Phác gật gù rồi đứng thẳng người, vươn vai… Bờ vai ơi đừng quá nghiêng nghiêng đánh rơi buổi chiều thơm ngát… (bài Em Về Tinh Khôi của NS Quốc Bảo)
Không biết Phác đang nói hay là đang hát, chỉ nghe giọng nó ngang phè chẳng có giai điệu gì cả …Vì biết đâu có đôi lúc em xa vời vợi, biết đâu…. Phương đưa tay ra:
- Thôi được rồi.
Mắt Phác sáng lên, rất tự tin:
- Bao giờ tập với ban nhạc, Phương nhớ cho tui biết sớm nghe. Bây giờ tui phải về đi công chuyện cho mẹ tui.
Phương nghe lạnh cả người nhưng phải gật đầu cho Phác yên tâm. Trang và Hà day vai Phương tới tấp:
- Sao? Mày có điên không? Sao lại đồng ý với nó?
- Chúng mày im đi. Bây giờ, đến phần ngâm thơ của bạn Sa.
Bài Đây Thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử trữ tình là thế, nên thơ là thế, vậy mà qua giọng ngân nga của Sa, Phương gần như bị sốc. Hà rùng mình. Trang thì không dằn được sự thất vọng, la lên:
- Sa, stop, stop…
Sa vẫn chìm đắm vào dòng thơ lãng mạn… Mơ khách đường xa khách đường xa…
Phương chấp hai tay lên ngực:
- Thôi Sa ơi, làm ơn làm phước, tui muốn nóng lạnh đây nè.
Sa tỉnh bơ, mắt tiếp tục lim dim, ngâm nốt câu thơ cuối… Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, ai biết tình ai có đậm đà… rồi thở một hơi dài khoan khoái, nhìn Phương:
- Tui đã hoàn thành nhiệm vụ. Tui không đòi hỏi có nhạc đệm như bạn Phác đâu, nhưng điểm 10 hạnh kiểm thì phải có đấy nhé. Thôi bai tất cả.
Sa nhảy phóc lên xe đạp, để lại sau lưng ba đôi mắt hãi hùng nhìn theo. Hà đập vào vai Phương:
- Thì ra, nó chỉ ham điểm 10. Đồ phi nghệ thuật, đồ…
Hoa lên tiếng:
- Bạn Hà vô duyên quá, điểm 10 ai mà chả ham. Có vậy tui mới đến đây chứ.
Phương nhìn thẳng vào mắt Hoa:
- Thôi đừng lý sự nữa. Bạn có tiết mục múa dân tộc chớ gì. Nào, nhanh lên.
Hoa mở giỏ xách, lấy ra một cái cassette nhỏ bằng cuốn vở đặt lên bàn, một cái dĩa lớn bằng giấy màu vàng, trên mặt gắn những đóa hoa sặc sỡ, dưới đáy dĩa có lớp keo dính chặt vào bàn tay Hoa. Hoa khởi động, uốn éo thân hình chim chích, trông cũng khá mềm mại, khiến Phương và Hà, Trang háo hức theo dõi từng động tác của Hoa.
- Bạn giới thiệu đi chứ.
- Đây là điệu múa “Mâm Vàng” chị tui dạy cho tui. Nói cho mấy bạn biết, chị tui học ở Nhạc Viện Thành Phố đó.
Hoa vênh mặt, bước đến bên cassette, bấm vào chỗ “play”. Máy phát ra một điệu nhạc réo rắt nhưng hơi bị rè. Hoa gật gù tỏ vẻ hài lòng và bắt đầu múa. Tiến lên, lùi xuống, ghé qua trái, nghiêng sang phải… chiếc mâm hoa trên tay cô bé quay cuồng lấp lánh trông rất vui mắt. Bài múa “Mâm Vàng” chấm dứt, Hoa nhìn Phương đầy tự tin:
- Bạn thấy được không?
- Để… tui suy nghĩ đã. Bạn về trước đi.
Hoa thu dọn đồ nghề vào giỏ xách, bĩu dài môi:
- Suy nghĩ cái gì chớ. Bày đặt.
Ban Văn nghệ trải chiếu họp dưới giàn hoa giấy nhà Phương, cùng với rổ mận hồng tươi và chén muối ớt. Hà cắn một miếng mận, mặt nhăn nhó vì chua:
- Trang ơi, mận này thua xa mận vườn nhà nội của nhỏ Phương. Đúng không?
Phương gắt:
- Đúng với chả sai gì chớ. Thôi, chúng ta vào đề đi.
Trang nằm dài, vừa nhai chóp chép, vừa nói:
- Tao thấy tiết mục của nhỏ Hoa là được nhất.
Phương lắc đầu:
- Bài múa Mâm Vàng không đến nỗi tệ, nhưng đem đi dự thi thì…
Hà tiếp lời:
- …thì tốn tiền mua mo cau che mặt lại. Tao đề nghị, cho biến tất cả.
Trang nhổm dậy:
- Đồng ý. Nhưng mà… còn điểm 10 của chúng nó…
- Tài năng không có, không được chọn mà điểm 10 gì.
- Coi chừng chúng nó phản ứng. Phương, tính sao đây?
- Sợ gì. Để cô Nhung quyết định, khỏi lo.
° ° °
Phương nói cứng vậy, chứ không lo làm sao được. Các bạn về rồi, suốt buổi tối, Phương thẫn thờ như kẻ mất hồn. Tình hình căng quá. Nhìn vào danh mục dự thi lớp Phương, quả là đầy đủ thể loại, đơn ca, hợp ca, ngâm thơ, múa… nhưng “lượng” thì nhiều, mà “chất” lại hiện hình một con zéro to tướng! Nhỏ Hà nói cũng đúng, để khỏi mắc cỡ, phải tìm cách khác thôi.
Phương ăn cơm uể oải. Dì Mai ngạc nhiên:
- Cháu làm sao vậy? Bệnh hả?
Dì đứng dậy, để tay lên trán Phương:
- Vẫn bình thường, đâu có sao – Dì nhìn thẳng vào mắt Phương – Cháu có điều gì lo nghĩ phải không? Nói đi, dì giúp cho.
- Dì ơi…
Phương kể hết cho dì nghe, từ chuyện đầu niên khóa, cô Nhung cho Phương làm Trưởng ban Văn nghệ, đến trách nhiệm thật nặng nề trước cuộc tranh tài giữa các lớp, cả chuyện lớp trưởng Nam làm khó dễ Phương, coi thường Phương, sau cùng là những tiết mục trời ơi đất hỡi của các bạn Phương.
- Dì Mai, cháu phải làm sao đây?
Dì Mai cười lớn:
- Cháu quên cháu rồi sao? Một ca sĩ nhí của nhà Thiếu Nhi Thành Phố năm xưa! Sao không trổ tài đi.
- Đó là chuyện xa xưa. Lâu rồi, cháu đâu có hát hò gì.
- Nhưng cô Nhung đã giao chức Trưởng ban Văn nghệ cho cháu, có nghĩa là cô đặt hy vọng vào cháu đấy.
Cô Nhung và dì Mai là bạn thân từ hồi còn là sinh viên Sư Phạm. Cô Nhung thường ghé chơi nhà và rất thích nhìn cháu bé Thanh Phương múa hát. Có lẽ vì vậy, mà khi tình cờ thấy Phương trong lớp chủ nhiệm của mình, cô Nhung nhất định giao cho Phương chức Trưởng ban Văn nghệ. Phương không muốn tí nào nhưng vì sợ cô Nhung buồn và cũng vì nghĩ đến dì Mai, Phương đành nhận lời. Từ khi tốt nghiệp, dì Mai và cô Nhung công tác tại hai trường khác nhau. Cô Nhung ít lại nhà nên không biết. Hồi đó, Phương có tham gia vào đội ca múa của nhà Thiếu Nhi Thành Phố thật, nhưng qua năm lớp 8, chương trình học bắt đầu nặng, Phương nghỉ sinh hoạt văn nghệ, tập trung vào việc học cho đến khi bước vào cấp 3. Dì Mai động viên:
- Bắt đầu từ bây giờ, cháu hãy chứng tỏ cho bạn bè biết tài năng của mình, nhất là anh chàng lớp trưởng… tên là gì nhỉ?
- Nam.
- Ừ, Nam, hãy đợi đấy.
Phương phì cười:
- Dì cũng tức giận giùm cháu sao?
- Không giận sao được. Anh ta xem thường cháu cưng của dì quá mà. Dì nghĩ là cháu sẽ làm cho anh ta sáng mắt ra.
Phương nghe lòng vui vui. Được rồi. Phương sẽ hát, Nam sẽ nghe và… mắt Nam sẽ trợn tròn lên vì kinh ngạc, không ngờ con nhỏ “vô tích sự” lại được việc đến thế. Phương đơm thêm một chén cơm, vừa ăn vừa mơ tiếp. Rồi tiết mục đơn ca của Phương được lọt vào chung khảo, được trình diễn trên sân khấu trước ánh mắt ngưỡng mộ của hàng ngàn học sinh đứng chật cả sân trường, sau đó, các thầy cô sẽ chọn Phương đại diện trường tham dự cuộc thi Văn Nghệ của Sở…
- Phương.
Phương giật mình. Dì Mai nhìn Phương chăm chú:
- Cháu ăn đi chứ, suy nghĩ vẩn vơ gì vậy?
- Cháu… không biết nên hát bài gì?
- Để dì lựa cho. Yên tâm.
Phương lên giường sớm nhưng không ngủ được. Lăn qua trở về một lúc, Phương ngồi bật dậy, đến bên tủ sách, lôi ra những tập nhạc cũ, lục tìm một số bài hát “tủ” ngày xưa. Đến bây giờ, Phương vẫn thích nhạc Trịnh Công Sơn nhất. Giai điệu đẹp và ca từ thì không có chỗ nào chê. Phương phân vân giữa hai bài Em Là Hoa Hồng Nhỏ và Tuổi Đời Mênh Mông, nên chọn bài nào? Cảm giác hào hứng ngày xưa khi còn sinh hoạt trong đội ca múa Nhà Thiếu Nhi Thành Phố chợt trở về, Phương ngả người ra giường, nghêu ngao… Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng, trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me… (bài Tuổi Đời Mênh Mông của NS Trịnh Công Sơn), rồi… Em sẽ là mùa xuân của mẹ, em sẽ là màu nắng của cha… (bài Em Là Hoa Hồng Nhỏ của NS Trịnh Công Sơn). Dì Mai ghé nằm cạnh Phương:
- Giọng cháu tốt lắm. Cố gắng lên nhé.
Phương áp đầu vào ngực dì Mai, cảm nhận một làn hơi ấm phả nhè nhẹ lên tóc, lên vai. Hương thơm của mẹ. Phương chợt nhớ mẹ quay quắt. Mẹ về quê thăm bà nội đã hơn một tuần, gọi điện lên nhờ dì Mai qua nhà chăm sóc Phương, vì nội còn mệt nên mẹ không thể về sớm được. Không biết nội bệnh gì mà dai dẳng như vậy? Hôm cuối hè, Phương về thăm thấy nội còn khỏe, còn nấu được cơm kia mà. Cô Út nói, nội bị bệnh già. Ai chẳng biết người già thường hay mắc bệnh, nhưng bệnh gì mới được chứ. Nói chung chung như vậy, Phương thấy khó chịu lắm. Nếu không bận học, Phương đã theo mẹ về thăm nội rồi.
Ba mất từ năm Phương vừa đủ tuổi vào mẫu giáo. Trong ký ức tuổi thơ, hình ảnh ba rất mờ nhạt. Phương không có dù chỉ một kỷ niệm bình thường bên ba. Sau này, trong những lần giỗ ba, bà con, xóm giềng quây quần bên mâm cơm thanh đạm, nhắc đến ba với tất cả lòng thân thương trìu mến, trái tim Phương dần khắc sâu hình ảnh người đàn ông nhân hậu, thương yêu vợ con, đối xử tốt và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Đó là ba. Trong câu chuyện thường ngày, mẹ hay nhắc đến ba. “Hôm nay mẹ nấu canh chua thơm, món này ba rất thích”, “Con phải chăm học, ba mới vui.”, “Lâu nay không rảnh về thăm nội, chắc ba buồn mẹ lắm”… Phương có cảm giác nơi cõi vĩnh hằng kia, ánh mắt ba vẫn dõi theo từng bước mẹ con Phương trên đường đời đầy bão tố chông gai.
Ba mất đi, lương giáo viên cấp một của mẹ không đủ nuôi Phương và bảo bọc bà nội. Mẹ đành nghỉ dạy, theo bạn bè đi buôn hàng chuyến, dành dụm tiền sang một sạp hàng bán đồ khô trong chợ Gò Vấp. Ai cũng khen mẹ Phương có giang buôn bán, nên sạp hàng càng ngày càng đông khách. Riêng Phương, Phương nghĩ khác. Chẳng qua là vì sạp của mẹ đầy đủ các loại hàng, giá đúng, khách khỏi mất công mặc cả, thêm vào đó là thái độ niềm nở của mẹ, đúng với phong cách “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Chủ nhật hoặc những buổi không có tiết học, Phương thường ra chợ giúp mẹ trông coi sạp, bán hàng và rất được lòng khách. Từ một cô bé nhút nhát hiền lành, Phương trở nên khôn ngoan dạn dĩ, miệng bằng tay, tay bằng miệng, xử lý công việc nhanh chóng gọn gàng. Môi trường xô bồ kẻ bán người mua không đổi thay bản chất lương thiện của Phương, nhưng vô tình làm lệch lạc cách nhìn của bạn bè đối với Phương. “Con gái gì mà chằn quá”. Cũng vì Nam, Phương bị mang tiếng là dữ dằn. Nghĩ mà ghét tên trưởng lớp vô trách nhiệm. Đáng lý, với chức vụ chóp bu trong lớp, Nam phải góp ý cho Phương để ban Văn nghệ hoạt động có hiệu quả hơn, đằng này, chưa đánh đã thua, chẳng khác chi con rùa rút cổ. Thầy Tú la Nam như vậy còn nhẹ quá, nếu Phương là thầy, Phương sẽ phạt Nam quét lớp cả tuần cho bỏ cái tội hèn nhát, lại còn nói những lời xúc phạm đến bạn bè.
Chương 4
Mới quét xong một đoạn hành lang, Phương cảm thấy mỏi lưng kinh khủng. Còn buồn ngủ nữa. Suốt đêm qua, loay hoay với mấy bài hát, không biết chọn bài nào bỏ bài nào, khiến Phương thức suốt. Đến khi mệt quá, vừa chợp mắt, đồng hồ báo thức đã reo inh ỏi, phải ngồi dậy sửa soạn đi học. Xui là chiều lớp Phương còn có buổi lao động trực nhật, không thể ngủ trưa, thế là cứ ngáp lên ngáp xuống, mí mắt nặng trĩu, các khớp xương rên siết, rã rời. Cô Nhung phân công tổ Phương làm vệ sinh các hành lang tầng trệt và nhổ cỏ vườn sinh vật. Thông cảm nhiệt tình của trưởng ban Văn nghệ, vì “đại nghĩa” phải hy sinh giấc ngủ, nhỏ Hà tổ trưởng nói nhỏ với Phương:
- Mày chịu khó quét phía trước phòng Hiệu trưởng, rồi nghỉ. Nghỉ thôi, chờ tất cả làm xong rồi cùng về, kẻo chúng nó ganh tị.
Trang xách chổi chạy đến:
- Mày khỏi lo, chúng nó ganh tị ầm ầm kia kìa.
- Ganh tị cái gì?
- Chúng nó bảo cô Nhung thiên vị, cho tổ mình quét tầng trệt, chúng nó làm vệ sinh các tầng trên, vừa dơ hơn, vừa mỏi cẳng, rồi còn cả một sân trường đầy lá và rác giấy tùm lum.
Hà la lớn:
- Tổ mình còn vườn sinh vật nữa chi. Đồ nhiều chuyện. Đứa nào nói? Coi chừng tao méc cô cho coi.
Phương nhăn mặt:
- Im đi. Méc cô mới là nhiều chuyện đó. Cứ mặc kệ chúng nó. Thôi, làm việc đi.
Phương vặn mình cho bớt mỏi. Cơn buồn ngủ lại ập đến, cây chổi chà trên tay Phương dường như tăng thêm trọng lượng. Phương ơi gắng lên, nhỏ Hà có lòng tốt ban cho Phương đặc ân thì ráng làm cho tốt. Phương cố mở to mắt, huơ mạnh tay đưa chổi xoèn xoẹt.
- Phương.
Phương nhìn lên. Nhỏ Hoa. Ủa, chiều nay ai cũng tất bật, sao nó rảnh rang vậy?
- Bạn mệt chưa? Đưa tui quét giùm cho.
Phương ngạc nhiên:
- Bạn đâu thuộc tổ của Hà, lo làm việc của tổ bạn đi, coi chừng cô Nhung la đó.
Hoa sốt sắng đỡ cây chổi trên tay Phương:
- Phương đừng sợ, cô Nhung không nhìn thấy đâu. Vả lại, tui đã quét xong phần sân của tui rồi, tui được phép nghỉ mà.
- Vậy thì bạn nghỉ ngơi cho khỏe. Tui cũng quét gần xong rồi.
Hoa cúi xuống, chăm chú quan sát nền gạch hoa, rồi lắc đầu ra dáng kẻ cả:
- Trời đất, còn nhiều bụi quá – Rồi giật phắt cây chổi, quét từ tốn –Không nôn nóng được đâu, phải làm như tui nè, thấy chưa, sạch sẽ chưa?
Phương trố mắt nhìn. Hoa lâu nay học cùng lớp nhưng không ngồi cùng bàn, cũng không cùng tổ, cùng ban Văn nghệ, hà cớ gì nó lại tử tế với Phương? Con nhỏ có âm mưu gì đây? Trông dáng nó cầm cây chổi lướt nhẹ trên sàn sao mềm mại dễ thương quá, Phương chợt nhớ đến bài múa Mâm Vàng của Hoa, sự thất vọng của Phương và quyết định dứt khoát của ban Văn nghệ. Thôi đúng rồi, Hoa đang lấy lòng Phương! Một hình thức “hối lộ” đầy sáng tạo! Và Phương đã mắc mưu. Không thể được. Phương chạy đến dành cây chổi:
- Đưa tui quét tiếp. Hoa về đi.
Hoa dừng tay, cười mãn nguyện:
- Tui quét xong rồi. Phương thấy có được không?
Phương ngớ người. Chưa biết tính sao, Hoa đã rủ:
- Chúng mình đi uống sinh tố nghe Phương.
Phương giật thót mình:
- Không, không.
- Không gì chớ, tui bao Phương mà.
- Tui… không thích sinh tố.
- Vậy Phương thích gì, tui chiều Phương.
Thôi đúng rồi. Không nghi ngờ gì nữa. Phương lắc đầu lia lịa. Hoa đặt cây chổi xuống sàn:
- Phương khó tính thiệt đó. Thôi chúng mình ngồi xuống đây nghỉ mệt một lát coi.
Không thể bị Hoa giật dây, Phương nói:
- Hoa nghỉ một mình đi, tui phải xuống vườn Sinh vật nhổ cỏ đây.
Hoa chạy theo:
- Phương ơi, cho tui hỏi nè. …Tiết mục Mâm Vàng của tui… có được chọn không?
Đúng là Phương đoán hay như thần. Nếu không vì “chức vụ” trưởng ban Văn nghệ, quyền lực đầy mình, liệu con nhỏ này có ân cần với Phương như vậy không?
- Phương, sao? Có được không?
Phương giả điếc, bước xăm xăm ra phía sân sau. Chiều ngả bóng xuống vườn Sinh vật khá rộng, nơi đây còn ngổn ngang đất đá, cỏ mọc tứ bề. Hôm cô Nhung báo tin, lớp Phương sẽ được chia một khoảng nhỏ ở vườn Sinh vật để tập tành trồng trọt, đứa nào cũng nôn nao, thắc mắc:
- Cô ơi, chúng ta trồng gì hở cô?
- Trồng cây ăn trái đi cô.
- Trồng bầu bí nấu canh đi cô.
- Trồng xà lách cà chua trộn dầu giấm đi cô.
Cô phán một câu vô cùng hợp lý:
- Trồng gì cũng được, nhưng các em phải làm vệ sinh đất trước đã.
Tổ của Phương có mặt đầy đủ trên khoảng đất được chia, lao động rất hăng say. Đứa nhặt sỏi, đứa lượm rác, đứa nhổ cỏ… Ủa, sao lại có mặt Phác và Sa? Chúng nó ở tổ khác kia mà. Phương đảo mắt tìm tổ trưởng Hà, thấy con nhỏ ngồi tréo chân trên ghế đá đằng xa, mơ màng nhìn lên hàng phượng, miệng nhai chewing gum. Phương chạy đến, hét:
- Hà!
Hà giật nảy mình:
- Quỉ sứ, làm tao hết hồn.
- Mày lao động kiểu gì vậy? Đúng là độc tài quân phiệt, bạn bè làm hết hơi, còn mình thì ra đây hưởng thụ.
Hà ngạc nhiên:
- Mày sao vậy Phương? Mày…
- Tao hiểu, mày đã ban đặc ân cho tao, tao cám ơn mày, nhưng thấy mày quá đáng như vậy, tao ngứa mắt lắm.
- Thôi được rồi – Hà đứng lên – Chúng mình cùng đi nhổ cỏ.
- Tao có chuyện muốn hỏi mày.
- Gì nữa đây, bà cụ non?
- Thằng Phác và thằng Sa…
Hà ngắt lời:
- Chúng nó không cùng tổ với mình chớ gì. Mày đi hỏi con Trang ấy.
Hà đưa tay ngoắc Trang. Trang bước tới nhìn Phương:
- Cái gì?
Phương nhìn Phác và Sa, rồi nhìn Trang dò hỏi. Trang nhún vai:
- Chúng nó muốn giúp tổ của mình, tao đã xin giùm và con Hà đã duyệt.
Phương giậm chân xuống đất:
- Trời ơi là trời, chúng nó đang… hối lộ tụi mình đó.
- Mày có khùng không Phương? Hối lộ cái gì chớ. Sao không có đồng xu cắc bạc nào vậy?
- Chúng nó đem sức lao động để đổi lấy… đổi lấy quyết định của ban Văn nghệ.
Trang reo:
- A, tao hiểu rồi, “ca sĩ” Phác và “ngâm sĩ” Sa muốn lấy lòng tụi mình chớ gì. Mặc kệ chúng.
Phương nhăn mặt:
- Không được. Coi chừng há miệng mắc quai bây giờ. Hà, mày bảo chúng nó thôi đi.
- Thôi gì chớ – Hà vênh mặt – Tổ mình thêm người càng tốt, càng mau xong công việc. Nhổ cỏ và ca hát là hai lãnh vực khác nhau, mày không nên lẫn lộn.
Trang phụ họa:
- Chúng nó cam tâm tình nguyện mà. Ai biểu ngu, ráng chịu.
Hà bảo Trang:
- Đúng là Phương thỏ đế.
Rồi cùng cười khanh khách. Phương trừng mắt:
- Để rồi xem. Chúng nó sẽ méc cô là tụi mình lợi dụng.
- Lợi dụng thì đã sao? Làm gì được nhau nào.
Phương sững người. Hai con nhỏ này thật là quá quắt. Không thèm bàn luận nữa, Phương chạy đến kéo Phác và Sa ra khỏi vườn Sinh vật:
- Hai bạn về đi.
- Tụi này nhổ cỏ xong rồi đó. Phương nhớ nghe.
- Nhớ gì?
- Thì… nhớ chiếu cố cho tụi này.
Phương vừa đi vừa chạy:
- Tui không hiểu gì cả.
Phương trốn lên tầng hai. Các học sinh lao động xong, lác đác rủ nhau về từng nhóm, tiếng dép khua sàn sạt trên bậc cấp, cô Nhung theo sau. Thấy Phương, cô ngạc nhiên:
- Em chưa về sao? À Phương nè – Cô đến gần Phương – Các tiết mục văn nghệ dự thi thế nào? Có được không?
- Dạ… chúng em chưa quyết định ạ.
- Nhanh lên em nhé. Có gì nhờ lớp trưởng góp ý cho.
“Cái tên lớp trưởng ấy mà nhờ vả được gì” Phương nghĩ, nhưng không dám nói với cô. Phương nhất định phải vượt qua được thử thách này. Không cần Nam.
Chương 5

Nam đứng trước cửa, sốt ruột nhìn ra hẻm. Cơn mưa rả rích từ chiều cho đến tối vừa ngơi hạt. Mặt đất loang loáng nước, soi bóng ngọn đèn đường hiu hắt nhạt nhòa, buồn bã như lòng Nam bây giờ. Mẹ trở bệnh từ lúc nào Nam không rõ. Buổi sáng Nam đi học, mẹ vẫn mở cửa hàng tạp hóa buôn bán bình thường, trưa về, Nam gặp bác Chu nơi thềm nhà:
- Nam, mẹ cháu đi đâu mà để cửa mở toang thế?
Nam ngạc nhiên:
- Mẹ cháu vẫn bán hàng mà.
- Bán buôn gì chớ. Bác sang mua gói bột ngọt, nhìn vô nhà không thấy mẹ cháu, gọi hoài chẳng có ai trả lời – Bác tặc lưỡi –Đi đâu cũng phải đóng cửa cẩn thận chứ. Thời buổi bây giờ, không tin ai được đâu.
Nam chạy vào phòng, thấy mẹ nằm thở dốc, hai tay ôm ngực, môi tái ngắt, da mặt xanh xao. Bệnh tim của mẹ trở nặng rồi. Nam cúi xuống:
- Mẹ ơi, ráng một chút, con ẵm mẹ đi bệnh viện.
Mẹ Nam mệt mỏi nhìn con, hé miệng nói nhưng tiếng không thoát ra được. Nam thương mẹ nhói lòng. Nước mắt Nam ứa ra. Bác Chu thấp thoáng bên ngoài:
- Nam ơi, mẹ cháu có sao không?
- Bác gọi giùm cháu chiếc taxi.
Con hẻm hẹp, ngoằn ngoèo dẫn ra đường cái, taxi không vào được. Nam lấy chiếc nón lá che tạm rồi ẵm mẹ ra cửa. Bác Chu chạy đến:
- Taxi đã tới, nhanh lên.
- Bác coi nhà giùm cháu.
- Yên tâm.
Bác bước đến, nhét một nắm tiền vào túi Nam:
- Cháu giữ lấy trả tiền taxi và bệnh viện, đừng ngại.
Nam sực nhớ là mình chỉ có vài ngàn mẹ cho dằn túi, nếu bác Chu không nhắc nhở, không biết Nam sẽ ăn nói sao với người tài xế taxi. Rồi còn tiền khám bệnh, tiền thuốc thang cho mẹ nữa. May quá, thôi thì cứ mượn bác, chờ ba về sẽ tính sau.
- Cháu cám ơn bác.
- Ơn nghĩa gì. Đi nhanh lên.
Bác Chu đã ngoài năm mươi nhưng trông dáng dấp còn nghệ sĩ lắm. Nghe nói hồi còn trẻ, bác chơi đàn trong các ban nhạc ở phòng trà, vũ trường… không tên tuổi, không tiếng tăm, nhưng cũng đủ sức sắm xe, mua nhà, đem đến cuộc sống an nhàn đầy đủ cho vợ con. Nhà của bác cạnh nhà Nam, không to lớn sang trọng gì nhưng so với con hẻm nghèo này, nhà bác nổi bật nhất nhờ giàn hoa giấy đủ màu trên vòm cổng, và phía sau cánh cửa gỗ sơn xanh là vuông đất nhỏ mọc đầy những loài hoa dại: hoa mười giờ, hoa dừa cạn, hoa tầm xuân, hoa chuồn chuồn… khiến sân nhà bác lúc nào cũng rực rỡ, lung linh màu sắc. Khi nhà Nam dọn đến, bác Chu đang làm công nhân cho một hãng nước ngọt ở ngoại ô thành phố. Bác gái đã mất, người con trai duy nhất của bác đang học cấp ba. Làm việc trong môi trường không được tốt, thể chất lại yếu, bác cứ ốm đau hoài. Đến khi người con tốt nghiệp Đại học, tìm được việc làm lương cao trong một công ty liên doanh với nước ngoài, anh khuyên bác làm đơn xin về hưu non, ở nhà nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già.
Bác sĩ nói:
- Mẹ cháu không sao, nên nghỉ ngơi nhiều một chút. Nhớ nhắc mẹ uống thuốc đều đặn nhé.
Nam bước vào hiệu thuốc tây rồi lại trở ra. Mắc quá, Nam không dám mua, phải hỏi ý kiến của ba đã. Vả lại, tiền bác Chu đưa chỉ còn đủ trả taxi lượt về. Dìu mẹ vào phòng, đỡ mẹ ngồi xuống, Nam với tay lấy chiếc gối tựa đầu giường:
- Mẹ dựa vào đây một lát, nằm hoài cũng mệt. Để con ra bắc nồi cháo.
- Mẹ khỏe rồi, để mẹ làm cho.
Bác Chu ghé mắt nhìn vào phòng:
- Chị nghỉ ngơi đi, tham công tiếc việc làm gì hổng biết.
Bác theo Nam xuống bếp:
- Sao? Bác sĩ cho thuốc gì? Cháu đã mua chưa?
Nam lục túi lấy toa thuốc đưa cho bác:
- Nặng tiền quá bác ạ, để ba cháu về rồi tính.
Bác la:
- Cháu không thương mẹ cháu sao? Có thiếu tiền thì nói với bác, cái thằng này…
Bác “hứ” một tiếng rồi giật toa thuốc đi thẳng ra cửa. Một lát, bác quay lại, trên tay cầm một túi xốp nhỏ:
- Thời buổi này không có bảo hiểm y tế thì người nghèo chết chắc.
Bác để gói thuốc trên bàn, dặn dò:
- Cháu đọc kỹ hướng dẫn của bác sĩ nhé.
- Cháu cám ơn bác. Ba cháu về sẽ trả…
- Ơn nghĩa gì, con trai sao nhiều chuyện quá. Ba cháu dạo này lu bu lắm, từ từ rồi tính.
Tình láng giềng lâu ngày còn thân thiết hơn ruột thịt. Ba Nam xem bác như người anh đáng kính và bác cũng vậy, đối xử rất tốt với gia đình Nam và sẵn lòng giúp đỡ trong tầm khả năng của bác. Ba Nam chạy xe ôm, hằng ngày thồ hàng, chở khách nhưng vẫn tranh thủ về nhà ăn cơm với mẹ con Nam. Từ ngày mẹ Nam bị bệnh tim, ba Nam đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về, làm việc cật lực kiếm thêm tiền thuốc thang nên không còn thời gian gần gũi gia đình như trước nữa.
Nam đi ra đi vào, sốt ruột nhìn chằm chằm chiếc đồng hồ cũ kỹ treo trên tường. Cây kim ngắn sắp qua số 12. Chưa bao giờ ba Nam về khuya như vậy. Không biết ba đã gặp chuyện gì? Dạo này báo chí thường loan tin tụi cướp xe ôm đang lộng hành khắp nơi, chúng không từ bỏ thủ đoạn tàn nhẫn nào, miễn sao đạt được mục đích đen tối. Lòng Nam như lửa đốt. Một cảm giác sợ hãi siết lấy tim Nam. Nam ngồi bệt xuống thềm nhà, đầu óc trống rỗng. Có tiếng xe quen thuộc văng vẳng từ xa rồi rõ dần. Mặt Nam tươi lên:
- Ba về.
Nam giúp ba đưa xe vào nhà, vừa kể cho ba nghe tình trạng của mẹ. Ba Nam hấp tấp bước vào phòng. Mẹ vẫn còn thức đợi ba. Ba đỡ mẹ nằm xuống:
- Anh đã nói rồi, dẹp hàng tạp hóa đi là vừa. Anh đủ sức nuôi hai mẹ con mà. Thôi ngủ đi em.
- Anh chưa về, em không ngủ được.
- Đừng lo cho anh. Hôm nay anh chở người khách quen đi Biên Hòa, nên mới về hơi khuya một chút.
Ba Nam lấy trong túi ra một xấp tiền dày, đưa hết cho Nam:
- Con giúp ba trả cho bác Chu nhé.
Nam leo lên căn gác xép. Giang sơn của Nam. Đó là một khoảng sàn ván, diện tích chưa tới bốn mét vuông được Nam lau chùi mỗi ngày sạch bóng, bày biện ngăn nắp. Tấm nệm cá nhân để sát tường, cạnh những ngăn tủ đựng quần áo và sách vở. Bàn học đặt sát cửa sổ, nhìn xuống những mái tôn cũ kỹ, nơi đây, ánh sáng và gió khó lọt vào bởi những nóc nhà cao tầng bên ngoài hẻm che mất không gian. Nam ngả người xuống nệm, nỗi lo âu đã nhẹ bớt đôi phần. Vậy là trước mắt, bệnh tim của mẹ tạm ổn. Nam sẽ cố thuyết phục mẹ sang hết hàng hóa cho người khác, dành thời gian nghỉ ngơi để hồi phục lại sức khỏe.
Nam nhắm mắt nhưng trí óc vẫn ráo hoảnh, Nam nghĩ linh tinh đủ thứ chuyện. Không biết Sở tổ chức văn nghệ văn gừng làm gì , khiến cho cả chùm sao quả tạ chiếu tướng Nam dồn dập. Hết thầy Tú nạt: “Em có xứng đáng làm lớp trưởng không? Hả?”, đến cô Nhung la: “Em phát ngôn bừa bãi làm cho cô mất mặt quá”, rồi nhỏ Phương vặn vẹo: “Tại sao Nam nói tôi là “vô tích sự” hả? Hả?”. Oan Thị Kính quá, Nam nói nhỏ “không làm được gì”, nhỏ lại suy ra: “Đồ vô tích sự”! Bị nhỏ túm áo trước mặt bạn bè khiến Nam mắc cỡ, muốn chui xuống đất cho xong. Nếu Phương là con trai, nhất định Nam phải đấm cho một cái mới hả tức.
Thật ra, có nên ấm ách nhỏ Phương nhiều như vậy không? Đăng ký các tiết mục văn nghệ kỳ này là nhiệm vụ chính của lớp trưởng mà, Nam không làm thì để yên cho ban Văn nghệ đảm trách, tại sao Nam cố tình thọc gậy bánh xe, chê bai đủ thứ. Bản thân Nam đã giúp ích được gì cho lớp chưa? Chắc cô Nhung buồn Nam lắm.
Nam ngồi dậy, đến bên bàn học. Đêm rất khuya. Không gian tĩnh lặng. Tiếng thằn lằn tắc lưỡi trên trần nhà nghe rõ mồn một. Làn gió thoáng qua cửa sổ mang theo hơi nước mát lạnh. Mây đen che khuất những vì sao hiếm hoi sau những mái nhà cao. Nam khép cửa sổ, về chỗ nằm. Lại nghĩ ngợi lan man. Chả biết nhỏ Phương làm ăn ra sao, các tiết mục văn nghệ có hy vọng gì không? Thấy các bạn đăng ký ào ào, chắc cũng không đến nỗi. Thế nào nhỏ Phương cũng chọn được vài tiết mục, nhưng chắc chắn người trình diễn không phải Sa và Phác rồi. Nam còn lạ gì “tài nghệ” của hai ông tướng này, thật là kinh dị, điếc không sợ súng.
Mẹ Nam bệnh lai rai cả tháng nay, nhưng vẫn tham công tiếc việc, không chịu nghe lời ba nghỉ bán hàng, khiến ba bực bội, sinh ra cãi cọ, không khí gia đình trở nên nặng nề. Nam cũng theo đó buồn lây, học hành giảm sút và dửng dưng với mọi sinh hoạt nhà trường. Bây giờ thì tình hình hơi sáng sủa một chút, mẹ đã chịu nghe lời ba, hy vọng sức khỏe sẽ khá hơn, Nam không còn lý do gì để chán nản nữa. Vì danh dự lớp, vì cô Nhung, và vì… con nhỏ trưởng ban Văn Nghệ nữa, Nam phải ra tay thôi.
° ° °
- Ra tay gì? Làm như ngon lắm. Cậu thử hát một bài, xem con nhỏ đó có “duyệt” không?
Nam nhìn nét mặt hằm hằm của Phác, giọng nói thì cứ gằn từng tiếng, nghe mắc cười quá. Nhưng Nam không nỡ cười, chỉ hỏi:
- Làm gì cay cú vậy? Nói thử xem.
Phác ngồi xuống ghế đá, dựa ngửa người, hai chân bắt chéo:
- Nó là cái thá gì chớ. Đồ ăn cháo đá bát.
Nam bật cười:
- Nó? Mà nó là ai?
- Con Ranh Phương chớ ai vào đây nữa. Đồ không biết nể mặt.
- Thì ra là nhỏ Thanh Phương. Nhưng sao cậu tùy tiện sửa tên người ta vậy? Thật không đáng mặt nam nhi chút nào.
Phác bật dậy, sửng cồ:
- Cậu nói gì? Chính cậu mới không đáng mặt nam nhi. Làm lớp trưởng mà vô trách nhiệm, chuyên viên bùi lan (bùi lan = bàn lui), thầy Tú la cậu thật đáng đời.
- Tớ đoán ra rồi. Cậu đang tức giận vì tiết mục đơn ca của cậu bị gạt ra, phải không?
Phác im lặng. Trúng tim đen của hắn rồi. Nam ngồi xuống cạnh, từ tốn:
- Tại cậu hát không đạt, nên mới…
Phác híc vào hông Nam đau điếng:
- Chung qui cũng tại cậu. Tại cậu nói tớ một nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết, nên con nhỏ ấy mới có thành kiến với tớ.
- Cậu đổi qua họ Đổ từ lúc nào vậy? Múa vụng còn bày đặt chê đất lệch.
- Cậu nói tớ đổ thừa chớ gì? Vểnh tai lên mà nghe nè. Con nhỏ Phương cho tất cả nốc ao hết. Nó không thèm chọn tiết mục nào cả.
- Sao kỳ vậy?
- Kỳ với chả cục. Tớ nhắc lại, cậu thử hát một bài, xem con nhỏ đó có “duyệt” không? Nói tóm tắt là nó chảnh quá, giờ sinh hoạt tới, chúng mình xin cô Nhung truất phế nó cho rồi. Trưởng ban Văn nghệ gì nó, đồ lợi dụng.
- Cậu nói xấu con gái hơi nhiều đó nha.
Phác không trả lời, vùng vằng bỏ đi. Nam nhìn theo lắc đầu. Cái thằng nóng còn hơn Trương Phi. Có nên tin hắn không? Phác hát dở đã đành, Sa ngâm thơ nghe cũng khó lọt tai… nhưng còn các bạn khác thì sao? Nam thấy chúng nó ghi tên đông lắm mà. Phải tìm Phương hỏi cho ra lẽ mới được.
Giờ ra chơi sân trường tràn ngập học sinh, chỗ này đá cầu, chỗ kia rượt đuổi nhau. Đám con gái tụ tập dưới bóng mát của những tàng phượng vĩ lác đác vài bông hoa cuối mùa khô héo. Nam đưa mắt tìm kiếm. Trên chiếc ghế đá, ba cô nhỏ trong ban Văn nghệ đang chụm đầu vào nhau xầm xì to nhỏ, chắc là đang bàn tán về cuộc thi sắp tới. Trước khi “đàm phán”, Nam hít sâu một hơi, rồi từ từ thở ra. Nam cần phải giữ bình tĩnh để đương đầu với “những làn sóng dữ”, có thể chúng sẽ đổ ập xuống Nam bất cứ lúc nào! Nam rón rén bước đến gần. Một mùi thơm thoáng qua mũi khiến Nam dừng lại. Thấy Nam, Trang vội vàng gom tất cả muối ớt và những miếng ổi còn lại cho vào túi xốp. Hà kéo tay Trang lại:
- Mày làm gì vậy? Chưa ăn xong mà.
Phương nhìn Nam, cảnh giác:
- Bạn muốn kiếm chuyện gì đây?
Nam đấu dịu:
- Phương đừng nghĩ xấu cho tôi. Tôi…
Chuông reo hết giờ chơi. Phương liếc Nam rồi kéo Trang, Hà đi nhanh về lớp. Nam chạy theo:
- Phương, tôi có ý kiến…
- Ý kiến gì chớ. Bạn đừng có phá đám, tui méc cô à.
- Lát nữa tan học, tôi muốn nói chuyện với Phương.
- Xin lỗi, tui không thích.
Chương 6
Không hiểu con rùa rút đầu này muốn gì? Đừng hòng Phương nói chuyện. Thấy mặt Nam, Phương càng bực mình thêm. Đồ vô trách nhiệm, thấy chết không cứu, giờ còn bày đặt ý kiến ý cò. Xui gì đâu. Lớp Phương đăng ký nhiều tiết mục, từ hợp ca cho đến đơn ca, ngâm thơ và múa… tưởng xôm tụ, không ngờ nhìn muốn té, nghe muốn bệnh, hỏi Phương làm sao chọn được? Cuộc tranh tài giữa các lớp chắc Phương đành bó tay thôi. Các bạn không thông cảm lại còn trách giận Phương thậm tệ. Nhỏ Hoa thì khóc lóc kể lể:
- Uổng công chị tui đi mượn đạo cụ cho tui, tập cho tui múa, bây giờ bạn không chọn, chị tui la tui chết… hu hu hu…
Nhóm hợp ca không nói gì, nhưng tất cả những đôi mắt chúng nhìn Phương đều mang hình viên đạn. Phác còn quá đáng hơn, la hét om sòm:
- Tại sao không cho tui tập với ban nhạc nhà trường? Phương đừng tưởng làm trưởng ban Văn nghệ thì có quyền ngăn bước tiến của bạn bè nhé. Giờ sinh hoạt tới, biết tay tui.
Phác nói như vậy là có ý gì? Đồ ngang ngược thấy ghét. Phương phải cho hắn biết thế nào là lễ độ. Chuột chù không biết mình hôi. Hát hỏng như vậy còn hơn tra tấn lỗ tai người ta, Phương cho rớt là phải. Thà hắn tỏ ra buồn bã khi không được chọn như nhỏ Hoa, trách cứ Phương tí chút thì còn thông cảm được, đằng này lại giở thói du côn, lên giọng hăm dọa. Giờ sinh hoạt tới, hắn sẽ làm gì Phương? Không sợ. Phương cứ việc làm đúng lương tâm mình. Phác không xứng đáng được điểm 10 hạnh kiểm.
Nghĩ đến giờ sinh hoạt cuối tuần, Phương càng lo. Những tiết mục văn nghệ, Phương không chọn được cái nào cả, biết ăn nói sao với cô Nhung đây. Hôm qua dì Mai đi siêu thị, tình cờ gặp cô Nhung. Cô nhắc dì khuyên Phương nên hát một bài để làm gương cho các bạn vì Phương là con chim đầu đàn của ban Văn nghệ lớp. Phương biết, cô nói vậy là để động viên Phương thôi, thật ra từ đầu năm đến giờ, Phương chưa làm gì cho lớp cả, lại còn xao lãng nhiệm vụ cô Nhung đã giao cho.
- Dì Mai ơi, dì đã chọn bài hát cho cháu chưa?
- Dì nghĩ là cháu nên hát bài tủ, như vậy sẽ thành công hơn.
- Nhưng… cháu có đến hai bài tủ, Em Là Hoa Hồng Nhỏ và Tuổi Đời Mênh Mông. Chọn bài nào bây giờ?
- Tuổi Đời Mênh Mông thích hợp với cháu hơn. Bài kia nhí quá.
Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng…. Phương líu lo suốt ngày, càng lúc càng nhuần nhuyễn. Dì Mai khen:
- Tuyệt. Dì tin là cháu sẽ được trường chọn tham dự liên hoan. Cháu đã đăng ký dự thi chưa?
- Cháu định giờ sinh hoạt tới, cháu sẽ hát cho cô Nhung nghe trước đã.
Nào ngờ, chưa tới giờ sinh hoạt, Trang đã chạy đến nhà báo tin:
- Phương ơi, đụng hàng rồi. Nhỏ Ngọc Quỳnh 10A3 và chị Xuân Lan 12A4 đều đã đăng ký bài Tuổi Đời Mênh Mông rồi, họ đang tập như điên.
Dì Mai khuyên:
- Vậy thì cháu phải chọn bài khác thôi. Trùng bài đến những hai người, mất công bị so sánh.
Phương thất vọng, biết hát bài gì bây giờ. Hay là… để hỏi ý kiến cô chủ nhiệm xem sao. Giờ sinh hoạt nhằm vào tiết cuối. Hai tiết Văn và hai tiết Toán trôi qua nặng nề, bây giờ là thời gian cho học sinh thư giãn. Cô Nhung ghé vào, bảo Nam:
- Em quản lớp giùm cô mười phút.
Học sinh vỗ tay ầm ầm. Nam chạy lên bục giảng, nhìn xuống đám ong vỡ tổ:
- Các bạn trật tự nào.
Tiếng Nam chìm vào bầu không khí hỗn loạn. Thôi thì kẻ đứng người ngồi, tụ tập từng nhóm, bàn bạc đủ thứ chuyện. Có nhóm leo lên bàn dùng giấy vo tròn liệng nhau loạn xạ, lại có nhóm nằm dài ra ghế hát hỏng om sòm, ồn ào chẳng khác gì chợ họp trong giờ cao điểm. Nam chạy lui chạy tới, xô bạn này đẩy bạn kia:
- Về chỗ đi, nhanh lên.
Vô ích thôi. Bực mình, Nam cầm thước đập rầm rầm lên bảng. Các bạn vẫn xem Nam như vô hình cho đến khi cô Nhung trở lại. Chỉ một loáng, trật tự được tái lập. Học sinh trở về chỗ ngồi, ngoan ngoãn vòng tay để lên bàn, mắt chăm chú nhìn cô hiền hậu như những con cừu non. Cô giở sổ ra, nhìn Nam:
- Có em nào bỏ về không?
Nam đứng dậy:
- Thưa cô không, nhưng các bạn mất trật tự lắm. Em đề nghị cô giảm điểm hạnh kiểm để làm gương ạ.
Cô cười:
- Em nói chung chung vậy làm sao cô xử lý được. Ai làm mất trật tự? Phải có tên rõ ràng chứ.
Các học sinh la lớn:
- Thằng Nam tà lọt, cô đừng tin nó, cô ơi.
Cô ra dấu Nam ngồi xuống, rồi nhíu mày:
- Các em phải tôn trọng trưởng lớp chứ. Lần sau cô sẽ trừ điểm hạnh kiểm đấy.
Cả lớp im phăng phắc. Cô rời ghế, bước xuống giữa hai dãy bàn:
- Giờ sinh hoạt hôm nay, chúng ta sẽ bàn về cuộc thi văn nghệ giữa các lớp. Thanh Phương đâu?
Phác đưa tay thật cao:
- Cô ơi, em có ý kiến.
Cô quay sang. Phác đứng lên:
- Thưa cô, em đề nghị truất phế bạn Phương ạ.
Các học sinh xôn xao. Cô dừng lại bên Phác:
- Em nói gì thế?
- Thưa cô, bạn Phương không xứng đáng làm trưởng ban Văn nghệ, em “không tâm phục khẩu phục” đâu ạ.
- Tại sao?
- Bạn ấy không đủ trình độ thẩm định giá trị nghệ thuật.
Cô bật cười:
- Thôi em đừng sáo rỗng nữa. Nói rõ cô nghe nào.
- Thưa cô, tụi em đăng ký với bạn Phương nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, vậy mà bạn ấy không chọn ai cả.
- Hôm nay, bạn Phương mới báo cáo kết quả. Cô còn chưa biết, thì tại sao em lại biết bạn ấy không chọn? Thôi, ngồi xuống. Thanh Phương đâu? Bắt đầu đi em.
Phương lên bục giảng, tay cầm tờ giấy xếp tư, nhìn xuống các bạn:
- Xin cám ơn các bạn đã đăng ký, nhưng…
Phương mở tờ giấy ra, quay sang cô Nhung:
- Thưa cô, em không chọn được tiết mục nào cả…
Các học sinh lao nhao:
- Sao kỳ vậy? Sao kỳ vậy?
Phác được thể, hét:
- Các bạn thấy chưa? Đả đảo Thanh Phương, đả đảo!!!
Học sinh sợ cô, không dám hưởng ứng. Phương liếc Phác:
- Thưa cô, các bạn tham dự văn nghệ như bạn Sa, bạn Hoa… đã tỏ ra rất nhiệt tình. Dù không đạt yêu cầu nhưng em vẫn xin cô giữ lời hứa. Riêng bạn Phác, bạn ấy chỉ đáng được điểm không hạnh kiểm thôi ạ.
Những gương mặt căng thẳng giãn ra. Những đôi môi nở nụ cười sảng khoái. Những ánh mắt nhìn Phương dịu dần. Dù không được chọn, nhưng con điểm10 là niềm an ủi hữu hiệu nhất. Chỉ còn một mình Phác điên cuồng la lối. Nam đến bên, để hai tay lên vai cố trấn tĩnh Phác. Phác vùng vằng một lát rồi ngồi yên. Cô Nhung bảo Phương:
- Em có thể cho cô và các bạn biết tại sao không?
- Thưa cô, bạn Phác đã hăm dọa em. Bạn ấy bảo giờ sinh hoạt sẽ biết tay bạn ấy ạ.
Cô Nhung nhìn Phác:
- Có đúng vậy không? Em định đánh bạn Phương sao?
Phác đứng lên:
- Không đâu ạ. Thưa cô, em chỉ muốn thay trưởng ban Văn nghệ khác thôi. Em đã bàn với lớp trưởng rồi ạ.
Thật là quá quắt. Phương trừng trừng nhìn Nam. Nam bị bất ngờ, lắp bắp:
- Thưa cô, em không có, em…
Phác ngắt lời:
- Đừng có chối nha. Hôm qua tớ đã bàn với cậu rồi.
Nam xua tay lia lịa:
- Nhưng tớ đâu có “duyệt”.
Học sinh được dịp cười nghiêng ngả, lại còn đập tay xuống bàn ầm ầm. Cô Nhung nhăn mặt. Phương tức tối hét lớn:
- Đừng làm phách. Hai người có quyền gì chớ.
Cô Nhung gõ thước lên bảng:
- Im lặng. – Cô tằng hắng – Cô thất vọng vì các em quá. Em nào cũng chỉ biết quyền lợi bản thân, không có tinh thần đoàn kết, thì làm sao nói đến chuyện thi đua với các lớp bạn? Trong chuyện này, Phác có lỗi hoàn toàn, nhưng Nam và Thanh Phương cũng không hơn gì. Một người là lớp trưởng, một người là trưởng ban Văn nghệ, vậy mà đến bây giờ, vẫn chưa có một tiết mục văn nghệ nào cả, hỏi cô biết ăn nói làm sao đây?
Phương ấp úng:
- Thưa cô, còn thời gian mà.
- Em không định nước đến chân mới nhảy chứ? Thật là… cô không hiểu nổi.
Nam đưa tay:
- Thưa cô, em xin đề nghị bạn Phương nới tay một chút, cứ chọn vài tiết mục… không tệ lắm là được chớ gì.
Cô Nhung lắc đầu:
- Không được, như vậy càng mất mặt thêm.
Phương đến bên cô:
- Thưa cô, em hứa là sẽ lo được ạ. Em xin lỗi đã làm cô buồn.
Nét mặt cô Nhung tươi lên:
- Cô tin em. Cố gắng lên nhé. Bây giờ em đưa danh sách các học sinh đã tham gia văn nghệ cho cô.
Cô giở sổ điểm. Cả lớp im phăng phắc. Kết quả, mỗi “nghệ sĩ” lớp Phương được một điểm 10 hạnh kiểm. Phác bị mất điểm nên dù được cô tha con số không như lời Phương yêu cầu nhưng vẫn không làm dịu bớt nỗi ấm ức trong lòng, hắn bực dọc dựa ngửa người, mắt trừng trừng nhìn lên trần nhà. Chờ cô Nhung quay lưng không để ý, thoắt một cái, Phác chạy vụt ra khỏi lớp.
Chuông reo tan học. Cô Nhung bảo Phương ở lại với cô một lát. Cô dắt Phương xuống căn tin, gọi hai ly cam vắt. Hai cô trò ngồi đối diện, cùng nhìn ngắm những giọt nước li ti đọng ngoài thành ly, mọi căng thẳng dần tan biến.
- Dì Mai có gặp cô, nói là em sẽ đơn ca một bài, sao cô không thấy em đăng ký?
- Dạ… em định đăng ký bài Tuổi Đời Mênh Mông của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
- Hay lắm, cô rất thích.
- Nhưng thưa cô, có hai bạn cùng đăng ký bài này. Dì Mai em nói nên chọn bài khác. Ý cô sao ạ?
- Phải chọn bài khác thôi. Nhanh lên em nhé, vì còn phải tập dượt nữa. Nếu em ngại, cô sẽ bảo Nam giúp đỡ em. Thôi chúng ta về.
Phương vừa đạp xe vừa nghĩ ngợi. Tên lớp trưởng này mà giúp đỡ được ai. Hắn không phá đám thì đã may cho Phương lắm rồi. Lại còn muốn đả đảo Phương nữa. Hồi nãy, tên Phác đã lật mặt nạ hắn, tố cáo hắn cùng âm mưu lật đổ Phương, nhưng hắn chối bay chối biến. Có nên tin hắn không? Thật là khó hiểu. Chính hắn đã thờ ơ với cuộc thi văn nghệ, xem thường khả năng của Phương, chê bai Phương đủ điều, rồi bỗng dưng hắn quay phắt 180 độ, đi tìm Phương để nói chuyện. Chuyện gì chứ. Đừng hòng.
Buổi trưa vắng vẻ. Đường về nhà Phương râm mát bóng cây. Bỗng sau thân cây to, một bóng người nhỏ bé nhảy ra, trên tay cầm một cây sào dài, lăm le thọc vào bánh trước xe Phương. Phương hốt hoảng, loạng choạng, không làm chủ được tay lái. Xe Phương đâm phải cục đá chao nghiêng. Tình thế bỗng thay đổi trong chớp mắt. Một bóng người khác, to cao, từ xa lao tới, đưa tay hất tung cây sào, tay kia nắm lấy cổ áo đối phương, xoắn lại rồi đẩy xuống lề đường. Phương nhận ra Phác đang ôm đầu gối, lăn lộn trên đất. Người vừa xuất hiện là Nam. Nam đang cúi xuống bên Phác:
- Cậu có sao không?
Phác sừng sộ:
- Mày làm tao gãy chân, còn bày đặt đạo đức giả.
Nam cười lớn:
- Xương cậu bằng bánh tráng chắc?
Nam nhìn sang cô bạn nhỏ. Phương không té, nhưng hai chân Phương run lẩy bẩy chưa thể đạp xe được. Nam nhấc xe Phương lên, săm soi:
- Xe bị trật sên rồi, để tôi giúp Phương nhé.
Bất ngờ, Phác nhỏm dậy phóng người lên lưng Nam, hai tay kẹp cứng cổ Nam, miệng rít lên căm giận:
- Đồ phản bội.
Cả hai cùng té ập lên chiếc xe đạp của Phương. Phương la lên:
- Trời ơi, hư xe của tui rồi.
Nam vùng dậy, xô Phác ra:
- Cậu điên rồi sao? Cậu muốn gì, hả?
- Ừ, tao điên, tao muốn đánh mày đó.
Nam chỉ tay vào mặt Phác:
- Tớ nhịn cậu nhiều rồi đấy nhé. Suy nghĩ đi, xem thử có đánh nổi tớ không?
Nhìn dáng người cao to của Nam, rồi lại nhìn vào thân hình bé tẹo của mình, Phác chùn lại:
- Tao không thèm đánh mày.
- Cám ơn.
- Đồ… hãy đợi đấy.
Phác bỏ đi. Nam đỡ xe Phương lên. Phương lo lắng:
- Xe tui sao rồi?
- Không hề gì. Để tôi sửa lại cho Phương.
Nhìn Nam cặm cụi gắn lại dây sên, mồ hôi lấm tấm trên gương mặt đỏ au vì nắng, Phương thấy tồi tội. Xem ra, tên lớp trưởng này cũng không đáng ghét lắm.
- Xong rồi.
Nam đứng dậy. Phương mở cặp lấy tờ khăn giấy ướt:
- Tay Nam dơ hết kìa. Lau đi.
- Cám ơn Phương. Nè Phương, tôi có chuyện muốn nói… Khi nào ban Văn nghệ của Phương họp, cho tôi tham gia ý kiến với.
Cũng tốt. Ban Văn nghệ càng đông người càng được việc, Phương đâu có mất gì. Phương gật đầu:
- Được. Nam cho tui số điện thoại. Có gì tui sẽ gọi.
 24/10/2005
Thùy An
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lời tạ lỗi muộn màng

Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...