Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Nửa thế kỷ Phạm Duy - Phần 3

Nửa thế kỷ Phạm Duy - Phần 3

PHẦN BA
NGƯỜI TÌNH

Chương XIII. Tình Yêu Chớm Nở

Một Con Tim Bé Bao Nhiêu Là Tình

Bây giờ xin đi vào dòng nhạc tình của Phạm Duy. Đây là một dòng lớn trong con sông nhạc mênh mông của Phạm Duy đã làm say đắm cả Sàigòn, cả miền Nam, và nếu không có bức tường sắt ở vĩ tuyến 17, cả Việt Nam, sẽ có một cuộn phim tên là Toute La Nation Chante. Ở đây, có thể nói toàn dân hát Phạm Duy.
Tôi thử chia dòng nhạc tình này ra thành nhiều nhánh nhỏ nữa để tiện việc phân tích hoặc phát biểu ý kiến: Tình Yêu Chớm nở, Hạnh Phúc, Tình Yêu Đau khổ lẫn Hạnh phúc, Tình Yêu Đau khổ tuyệt vời, Tình Yêu có tính cách tôn giáo...
Phạm Duy là nhạc sĩ của mọi lứa tuổi, trước hết là của tuổi vừa lớn lên, mang tính chất: Tuổi bâng khuâng, tuổi hồng, tuổi mộng mơ, tuổi ngọc, tuổi sợ ma, tuổi thần tiên, tuổi vu vơ rồi tuổi biết buồn...
Tuổi của cô gái vừa bước qua tuổi dậy thì, cái gạch nối vô cùng đáng yêu giữa tuổi thơ và tuổi trưởng thành. Và cô bỗng dưng yêu đời:
Mây xanh mây xanh chiều nay đi vắng
Nhưng em chắp cánh bay lượn ngoài đồng...
Nhưng em phơi phới bay vào trời quang
Chưa ai cho em một câu ân ái
Nhưng em đã bước chân vào thần thoại...
(Tuổi Hồng)
Phạm Duy mô tả rất đúng tâm tình cô gái mới lớn lên. Thực tế lẫn chút mơ màng, như hoa chưa ra hoa nụ hoa chưa hé
Nhưng em thơm mát hương mạ chiều hè
Thơm như bông lau đồi non xanh lá
Thơm như hơi ấm miếng trầu đỏ hoe
Sao em thơm như sầu riêng quê cũ
Sao em man mác như ruộng ngày mùa
Thơm như tay ôm của cha yêu quý
Thơm như mái tóc nơi mẹ hiền từ
(Tuổi Hồng)
Những cảm xúc khi man mác, khi rào rạt, khi trào dâng như cơn bão trên ngọn rừng già. Khi lại lắng đọng, không nghe chim bay và không nghe gió. Nhưng rồi lại vi vút em bay mịt mù... Phải chăng đó là trái tim mơ mộng của cô gái, ngỡ ngàng trước thiên nhiên, trước mọi âm thanh của cuộc đời, cho nên cô vui lia lía theo nhịp sống. Đó là nụ hoa chuyển mình sắp nở to ra để đón giọt sương đầu tiên trinh trắng cùng với chú bướm giang hồ. Một sáng mai hồng, nằm trong chăn mơ màng ngó ra khung cửa, thấy:
Mây trắng bay trên nền trời
Mây trắng bay ngoài khơi
Bỗng dưng yêu đời, bỗng dưng yêu đời
Bỗng dưng mơ màng, bỗng dưng mơ màng
Tình yêu chất chứa ôi trong buồng tim
Một con tim bé nhỏ bao nhiêu là tình
Chỉ lo nó vỡ con tim đẹp xinh
Tuy nhiên:
Em không ngại con tim mình vỡ toang
Em ca hát, em vui rộn ràng
(Tuổi Xuân)
Người con gái đã thấy cảm xúc rõ rệt, mạnh mẽ hơn. Trái tim nghe chừng đầy, sợ vỡ mất. Nàng vẫn mơ màng nhưng nghĩ đến những điều thực tế, và đã nghĩ đến cái tiếng vừa êm đềm vừa khủng khiếp: YÊU !
Em nết na yêu kiều
Nên nhiều người đi theo
Yêu sẽ cho gặp nhiều.
(Tuổi Xuân)
Rồi nhiều lúc chính nàng cũng không hiểu tại sao mình hay tủi thân, hay khóc và hay tủi hờn...
Đang náo nức bỗng dưng thoáng buồn
Sống trong nhiệt cuồng, yêu ghét liên miên.
(Tuổi Bâng Khuâng)
Nàng đâu còn chỉ nhìn mây trăng trắng bay ra ngoài khơi mà vui buồn, tim nàng đâu chỉ còn chợt vui, chợt buồn nữa. Nàng đã yêu. Đã nhận được những phong thư tình. Đã ngồi viết thư tình... Nhưng nàng:
Viết hay đọc hoài không hết phong thơ...
Cuộc đời thay đổi màu, mây thay đổi hướng bay liên miên, trái tim nhỏ bé cũng bị thương, khi:
Buồn đã tới rồi, một buổi tối không trăng
Tình len lén vào cửa mở lớn tim nàng Ôi những phút say sưa những phút dịu dàng
Nụ hôn ban đầu, thần tiên dẫn ta vào.
(Tuổi Biết Buồn)
Nàng đã yêu, đã hôn và đã nhận những chiếc hôn. Ôi chao, ghê gớm thay, và cũng sung sướng thay. Trái tim bé kia đã vỡ toang vì hạnh phúc. Môi trinh tiết nở hoa... Nàng chợt nhớ ra mình đã:
... hai mươi tuổi
Tay cắt mái tóc thề
Giã từ niềm vui nhé
Buồn ơi hãy chào mi!
Chưa biết nhớ nhung gì
Trên nụ cười mới hé
Niềm thương đã tràn mi.
. . . . . . . . . .
Buồn đã tới rồi, cả một trắng đêm khơi
Tình đã hoen màu vàng cả vùng tóc mây ngời
Ôi những dây tơ đã rối mù rồi...
Người con gái đã yêu, và cũng đã buồn. Nàng đã bước qua tuổi hồng, tuổi bâng khuâng, tuổi thần tiên, tuổi biết buồn. Biết buồn là đã biết yêu. Nàng đã bước qua những nhịp cầu phơi phới để bắt đầu yêu, hoặc trong hạnh phúc, hoặc trong đau khổ.
Ta tiếp tục bơi trong dòng nhạc tình chói lọi muôn màu như mặt trời rọi xuống gốc vườn thượng uyển và cũng đau đớn như tiếng ai rên rĩ khi mang vết thương, vì Em đã chớm yêu người...
Cây đàn bỏ quên là một nét đau khổ, nhưng chỉ mới đau khổ ban đầu, lâng lâng, vết thương lòng chưa sâu vì tình chưa đậm giống như một thứ hạnh phúc. Trái tim chỉ mới lên cơn sốt nhẹ, nhiệt độ lên cao hơn bình thường một tí thôi và tim mới đập sai vài nhịp syncope nhẹ nhàng.
Hôm xưa anh đến nhà em
Ra về mới nhớ rằng quên cây đàn
Đêm khuya thao thức mơ màng
Chờ mai tìm đến cô nàng ngây thơ.
(Cây Đàn Bỏ Quên)
Cái chàng trai này đến nhà em không phải là chuyện ngẫu nhiên, mà là "tìm đến". Tìm đến để nói câu gì chứ không chỉ đến để đến. Nhưng bao nhiêu câu sắp sẵn ở nhà, đến đó rồi vụt quên hết, hoặc ấp úng những câu vô nghĩa. Đến khi về đến nhà thì sực nhớ ra rằng mình đã bỏ quên cây đàn là cái vật bất ly thân.
Cây đàn nằm đó, nhưng em đâu rồi
Bông hoa trên phím tươi cười
Người tiên tặng đóa hoa đời xinh xinh.
Chàng ôm đàn ra về với nỗi buồn man mác, với đóa hoa cài trên phím đàn. Nàng đã lẩn tránh, vì sao? Vì nàng cũng ấp úng không nói được lời trong tim nên để hoa nói thay mình. Hoa sẽ không ấp úng. Hay là vì một nghịch cảnh nào, nàng cãng đã yêu chàng mà biết rằng tình yêu sẽ không thành nên thà lẫn tránh trước để cho tình hôm nay chỉ là sự nối tiếp của tiếng đàn hôm qua, hương hoa lạ hôm nay chính là dư hương của bông hoa trên phím đàn hôm trước.
Thuở ấy em vừa thôi kẹp tóc
Thuở ấy anh vừa thôi học xong
Yêu anh, em làm thơ
Yêu em, anh soạn nhạc
. . . . . . .
Thuở ấy thơ còn non mùi sữa
Thuở ấy tiếng đàn nghe vụng quá
Cho nên không khoe nhau bài thơ
Cho nên không khoe nhau bài nhạc
Ở nhà mẹ dạy câu ca
Mang ra cho nhau nghe nhé...
(Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài)
Nhưng rồi gặp trắc trở, hai người (chỉ) thành đôi tình nhân. Rồi...
Từ đó em làm dâu người ta
Từ đó anh thành nghệ sĩ
Em thôi không làm thơ
. . . . . . .
Đàn ơi! Thôi cứ lên tiếng than
Hay cứ reo nỗi hoan
Trên đường lên viễn phương
Người ôi! Tôi thường hay muốn biết
Với tình hoa thắm thiết
Yêu tôi hay yêu đàn
Nàng chẳng còn bao giờ trả lời được câu hỏi của chàng. Mỗi lần chàng tự hỏi mình: (Ta) nhớ người hay nhớ hương?
Đó, ta thấy tình yêu đã chớm nở trong nhạc Phạm Duy ra sao. Quả là tình bâng khuâng, rất đúng tâm trạng tuổi đôi tám, đôi mươi. Bây giờ ta bước qua vườn tình hạnh phúc của Phạm Duy.
Chương XIV. Nhạc Tình Hạnh Phúc
Có Đàn Đêm Ấy Ru Trái Tim Này
Tình yêu hạnh phúc không mấy khi đi vào tác phẩm, có đi vào thì cũng mờ nhạt, không có mấy tác phẩm nói về tình yêu hạnh phúc. Trong lúc đó có rất nhiều tác phẩm nói về tình yêu đau khổ.
Nhạc tình của Phạm Duy chiếm gần 1/3 tổng số. Tác phẩm của anh dẫn giải hết, chỉ xin trích dẫn mấy bài. Với nhận xét tổng quát sau đây: Phạm Duy chẳng những tả tâm tình người yêu mà còn tả tâm lý của người yêu như viết tiểu thuyết. Lời ca của Phạm Duy có những chi tiết như truyện.
Tình yêu hạnh phúc nảy nở rực rỡ muôn màu như những kỳ hoa dị thảo nhưng Phạm Duy đi vào những khía cạnh rất độc đáo, không bao giờ trùng vào những lối mòn. Đi lại từ đầu, ta thấy bài đăng trước nhất trên dòng nhạc hạnh phúc là bài Đêm Xuân:
Đêm qua say tiếng đàn
Đôi chim uyên tới giường
Chim báo tin Xuân đã về trong giấc mộng
Em yêu câu hát buồn
Lả lướt trong màn trăng
Yêu trời thanh vắng đã đưa em tới chàng.
Bài hát này, như tác giả chú thích, soạn ra cho Thái Hằng. Đó là bài tác giả tặng người yêu để một năm sau hai người trở thành chồng vợ. Tất cả những bài nhạc tình khác đều không có lời đề tặng bất cứ ai.
Mải mê đi theo cách mạng, kháng chiến, rồi chiến đấu với đời sống hằng ngày khi phải di chuyển cả gia đình từ Bắc vào Nam... mãi gần 10 năm sau, Phạm Duy mới viết thêm một bản tình ca, bài Tình Ca Mùa Thu:
Đêm nay sương mờ bao phủ, như lòng thương nữ
Nhớ mấy cung đàn, thương nhớ đường tơ
. . . . . . . . .
Có hương gây mùi nhớ
Ngỡ hương là tình duyên trong cõi bao la
Có trăng treo tình gió
Mây quên đường xưa
Hoa thu nở trong tiếng tơ...
Lời ý nhẹ nhàng mơ màng, không mang một tình cảm đắm đuối như Đêm Xuân, một loại hạnh phúc như mây như khói, như hương như gió. Trái hẳn với Hạ Hồng, một cuộc tình say đắm và mãnh liệt hơn mà bối cảnh là mùa hè lửa thiêu trái đất. Nguyễn Du mô tả mùa hè:
Đầu đường lửa lựu lặp lòe.
Nguyễn Khuyến cảm tác mùa hè:
Cái nóng nung người nóng nóng ghê.
Pham Duy thì:
Mùa hè trong ta đã đỏ hoe
Mùa hè đôi ta bốc lửa cháy...
Tôi chưa thấy bài hát nào tả tình táo bạo, dữ dội và dị kỳ như Hạ Hồng:
Lửa thiêu trái đất này
Mùa hè con tim đã tỏa nắng
Mặt trời trong ta đã ngồi cao
Mùa hè mưa rơi cũng đỏ máu
Và nhuộm hồng trăng sao
Đôi ta chỉ có một mùa Hè thôi
Đôi ta chỉ có một cuộc tình thôi
Đôi ta chỉ có một lần đời vui...
Mùa hè nhuộm sắc đêm hồng
Mùa hè làm sáng tim đen
Mùa hè đưa ta tới hồng hoang
Trần truồng yêu nhau trong trời đất...
Một cuộc tình khác cũng có bối cảnh mùa hè, nhưng ở đây là một Phạm Duy khác, cũng vẫn là triết nhân, nhưng một triết nhân mềm mỏng ôn hòa, tình vẫn nở trong mùa hạ, nhưng không hiếu chiến như trong Hạ Hồng:
Ngày tháng hạ mênh mông buồn
Lòng vắng vẻ như sân trường
Ngày tháng hạ lê thê dài
Lòng nín lặng như khung trời
Trời cao ngất vươn lên hoài
Nhà nghiêng xuống muốn khóc ai
Bờ dốc mòn theo tưởng nhớ.
. . . . . .
Bờ sông vắng neo con thuyền
Dòng nước đứng trong êm đềm
Ngày tháng hạ mưa gieo buồn
Nơi phố nhỏ hai linh hồn.
Nằm nghe tiếng tương lai rồn
Rồi bỗng thấy biết tiếc thương !
Ở mùa Hạ trước gã lữ hành là một hòn sắt nung đỏ rực đang trèo dốc núi quyết trèo lên tận đỉnh để hái bông hoa rừng, còn mùa Hạ này buồn tênh với bờ sông vắng neo con thuyền. Hai tình cảm hoàn toàn khác.
Nhưng mùa Hạ buồn mưa gieo không kéo dài. Thu thương nhớ đường tơ đã trở lại ngay, cũng như tình yêu. Yêu say đắm đó, rồi say đắm hơn cả lần trước. Yêu là một thứ bệnh, người yêu là con bệnh. Khỏi bệnh rồi lại bệnh. Đêm xuân, yêu chị Hằng, chim uyên tới bên giường. Hoa Thu có trăng treo tình gió, mây quên đường xưa, Hạ hồng, trần truồng yêu nhau trong trời đất, chiều Đông, như con giun ngước lên trời, yêu trăng sao vời vợi.
Một cuộc tình khác, khác hẳn hai cuộc tình trước vì cách diễn đạt rất độc đáo, theo lối nói ngược mà Phạm Duy thường dùng.
Yêu người như lá đổ chiều đông
Như mây hồng chưa tím
Như con chim khóc trong lồng
Như cơn giông đêm hè
Tình ta nức nở canh khuya.
Yêu người như suối cuộn rừng sâu
Như con tầu say gió
Như con giun ngước lên trời
Yêu trăng sao vời vợi
Làm sao sao nói được tình tôi?
Yêu người ! Yêu Phượng !
Yêu hoa đầu mùa
Yêu mầu rực rỡ yêu em mù loà
Yêu bằng tiếng nói đơn sơ
Yêu người, yêu cả cơn mơ dụt dè
Yêu bằng gió núi qua khe gập gềnh
Yêu bằng tiếng hát yêu tinh.
Yêu người xong, chết được ngày mai !
Yêu như loài ma quái
Đi theo ai tới chân trời
Đi không ngơi kêu gào
Làm sao tránh được tình yêu ?
Yêu người, yêu có một lần thôi !
Xin yêu, dù gian dối
Xin yêu tôi, dẫu nghi ngờ !
Khi bơ vơ còn nhiều
Thì đâu chối bỏ tình yêu ?
(Phượng Yêu)
Mỗi một lần yêu, Phạm Duy có một trái tim khác hay Phạm Duy cho ta một trái tim khác. Phạm Duy có tài nói ngược:
Em trắng như bông vì dãi nắng dầm sương trên đồng ruộng...
Nếu nói da em rám nắng thì đã có lắm người nói rồi, có gì lạ đâu? Vả lại có ở đồng quê miền Mam mới thấy thôn nữ thường chùm khăn kín đầu che nắng nên da mặt vẫn trắng như bông.
Xe lam lắc rung rinh đường quê...
Đường quê đâu có rung vì xe lam. Xe lam rung lắc vì đường quê lởm chởm thì có.
Lạnh lùng cơn gió đêm hè...
Cơn gió đêm hè mát mẻ vô cùng, nhưng đối với người chinh phụ cô đơn thì cả cơn gió đêm hè cũng lạnh, và mùa đông thì lạnh đến nỗi nào? Ngược mà xuôi.
Tiếp tục bơi trong dòng Hạnh Phúc Tình Yêu, ta sẽ gặp Cỏ Hồng. Cỏ Hồng là một loại hạnh phúc không đơn điệu một chút nào. Cỏ gì lại hồng? Và đây cũng là một cách nói ngược:
Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối
Rước em lên đồi, hẹn với bình minh
Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép
Hãy vứt chiếc dép, bước đi ôm cỏ mềm
. . . . . .
Níu em trên đồi, cỏ thơm mùi sữa
Níu em yêu ngồi trên bãi cỏ non
Giương đôi tay ôm thân tròn ơn mưa móc
Hãy xoã mái tóc, rũ trên vai anh mòn
. . . . . .
Cỏ non đổi sắc theo nhân tình
Mặt trời cũng đứng soi tia lành.
Cỏ hoang xao xuyến trên ngọn ngành
Đỏ như trong giấc mơ lung linh.
Em ngoan như tình nồng
Em bao la mịt mùng
Em thơm như cỏ hồng em ơi !
Bạn thấy không, nhân vật "cỏ" ở khắp nơi, nhưng cỏ ở đây đã thành cỏ có hồng, cỏ biết ôm chân đôi nhân tình, cỏ đa tình lóng lánh đeo giọt sương tinh nguyên, rồi cỏ vươn lên (khi ta yêu nàng) cỏ cũng biết xao xuyến tận ngọn ngành, cỏ cũng yêu, và cỏ hóa thành cỏ hồng, đỏ như trong giấc mơ. Phạm Duy đặc tả cỏ, nhưng không dùng màu xanh thiên nhiên của nó. Phạm Duy cho cỏ mọi tính chất non, mềm, hoang v.v.... cho cỏ cảm xúc và cả hành động như lung linh, ngoan, ôm thân, vươn lên v.v... và cuối cùng, cao điểm chót vót của hạnh phúc là khi đồi run lên vì ta yêu nàng thì cỏ xanh vụt biến thành cỏ hồng như mơ. Cái hạnh phúc ta yêu nàng đã truyền sang cỏ, làm cho cỏ xanh hóa hồng? Đó là một qui luật phủ nhận hoàn toàn duy vật biện chứng pháp. Cỏ xanh, cỏ vàng, cỏ úa, cỏ gì thì cỏ, chứ không có cỏ hồng, thế mà cỏ hồng lại là một hiện tượng ta chấp nhận hoàn toàn, thỏa thích, như thời trẻ con, ta chấp nhận những phép thuật của tiên thánh (mà ta chưa bao giờ trông thấy) là một sự thực.
Nghệ thuật trở thành siêu đẳng ở Cỏ Hồng là vì thế. Xin lấy câu này kết thúc dòng Nhạc Tình Hạnh Phúc để bơi tiếp sang ngành Nhạc Tình Đau Khổ, một ngành lớn trong con sông nhạc tình Phạm Duy.
Chương XV. Tình Yêu Hạnh phúc Khổ Đau
Tìm Cho Ra Mái Tóc Ngây Thơ Đó
Dòng nhạc này vừa mênh mông lại vừa sâu thẳm, e bơi không xuể, chỉ xin đi một quãng thôi: 1957-1969. Nhưng quãng này lại cũng phải chia ra nhiều chặng để vừa bơi vừa nhìn ngó cảnh vật đôi bờ và nghe nước mát mơn man da, thấm vào thịt, nếu không người bơi sẽ hụt hơi mất.
Tình yêu, chính thực là sự đau khổ. Giáo đầu (prélude) của nó là đau khổ. Khi chưa đạt đến cái hôn thì mong chờ, bứt rứt, thổn thức. Phải chăng đó là đau khổ. Khi được đôi môi trói buộc đời nhau rồi, đã chắc gì hạnh phúc? Đến đôi môi xé rách nụ cười, thì đó, cái vị thanh (postlude) lại cũng là đau khổ. Phần chính của bản nhạc tình, hạnh phúc rất ngắn ngủi. Nó luôn luôn dạo nhạc và kết thúc bằng niềm đau.
Đó là tình yêu thiên thu, tình yêu đi vào nghệ thuật. Từ Cléopatre đến Roméo Juliette, từ Kiều đến Tố Tâm, từ Cỏ Hồng đến Nghìn Trùng Xa Cách ta thấy nét chính của tình yêu là đau khổ, có lắm khi hạnh phúc hiện ra nhưng rất yểu, hạnh phúc vĩnh viễn chỉ tìm thấy trong cái chết. Nguyễn Du đã viết: Tu là cội phúc, tình là dây oan. Ta thử xem cái sợi "dây oan" nghiệt này được Phạm Duy mô tả ra sao.
Nhạc tình của Phạm Duy được thấy nở rộ như vườn hoa muôn màu là những bản viết từ 1957 đến 1969. Để hiểu sự thai nghén những nhạc phẩm ấy, tưởng không gì nói rõ hơn lời được ghi lại trong cuốn Ngàn Lời Ca:
"...Trong một cuộc phỏng vấn của người phụ trách chương trình phát thanh VĂN HỌC NGHỆ THUẬT của Đài Sài Gòn là Nguyễn Đình Toàn, tôi có nói là -- vào lúc đó -- đối với tôi chỉ có ba điều quan trọng: TÌNH YÊU, SỰ ĐAU KHỔ và CÁI CHẾT. Tôi đã thể hiện ra cả ba vấn đề đó trong những ca khúc, như bài Nước Mắt Rơi chẳng hạn. Giọt nước mắt là ngọt bùi của đôi lứa, là mặn đắng của khổ đau, là tình trinh nữ, là hồn thơ, là đời hoa sớm nở tối tàn, là suối lệ nhỏ nhoi hay biển nước mắt của chúng ta. Có cả nước mắt không mùi và cả nước mắt khô trong một ca khúc ngắn ngủi..."
Ở những bản nhạc tình đầu tay viết năm 1945-46, Phạm Duy đã xuất hiện với bóng dáng của một nhạc sĩ trẻ đầy suy tư qua những bài Chinh Phụ Ca, Nợ Xương Máu, Thu Chiến Trường, Tiếng Đàn Tôi... để sau đó, sự suy tư về mọi khía cạnh của cuộc tình, cuộc sống được biểu hiện nhiều và mang nhiều ý tưởng triết học. Phạm Duy đã dần dà trở thành một người vừa yêu vừa ngẫm nghĩ về tình yêu để thể hiện tình yêu với những khuôn mặt mới chứ không chỉ biểu hiện nó bằng những nét mòn. Ở giai đoạn này Phạm Duy đã làm nhiều người say sưa và ngẫm nghĩ theo nếp nghĩ của anh. Ví dụ bài Tìm Nhau:
Tìm nhau trong hoa nở
Tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ
Tìm nhau khi nắng đổ
Tìm nhau khi trăng tỏ
Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ.
Tìm trong câu thơ cổ
Tìm qua tranh Tố Nữ
Tìm trên môi đương ca câu thương nhớ
Tìm sâu trong muôn thuở
Tìm sau lưng bốn mùa
Tìm nhau như Thiên Cổ tìm Ngàn Thu.
Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời, người ơi !
Gặp nhau, hãy nép hơi im trong hương mới
Gặp nhau trong Nhân Tình đầy Bác Ái, ơi người !
Gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông.
Tìm nhau trong bom lửa
Tìm nhau trong mưa bão
Tìm nhau trên kinh đô xây trong xương máu
Tìm nhau trong thống khổ
Tìm nghe câu than thở
Tìm nhau như goá phụ tìm mộ bia.
Tìm đâu môi em đỏ ?
Tìm đâu mây trong mắt ?
Tìm cho ra mái tóc ngây thơ đó.
Tìm xem trong kinh sử
Tìm tương lai sáng tỏ
Tìm nhau khi nhân loại được trùng tu...
Đây là một bản nhạc lấy cảm hứng từ hơi thở của cuộc đời, trong gió mưa của thiên nhiên, trong lửa đạn của chiến tranh. Nhưng qua sự ngẫm nghĩ của nhà nghệ sĩ thì hơi thở, gió mưa, lửa đạn đó không phải là gió mưa, hơi thở bom lửa mà ta thấy, ta sống. Đó là sản phẩm của tưởng tượng, những nét cụ thể nhưng cũng rất trừu tượng. Những nơi "tìm nhau" ở đây đều là những nơi mà con người thật không bước chân tới được. Đó là vẻ đẹp của tranh, của mộng, của câu thơ, của môi đương ca câu thương nhớ, của muôn thuở, của sau lưng bốn mùa (chứ không phải bốn mùa) v.v... Những nơi chốn không đến được bằng chân mà chỉ đến được bằng tiếng kinh cầu hay một hồi chuông.
Ta thấy sự tìm nhau rất sầu não, rất cháy bỏng. Nhưng tìm gì? Tìm mây trong mắt, tìm mái tóc ngây thơ (chỉ mái tóc đó thôi), tìm tương lai sáng tỏ... Rồi gặp nhau ở đâu? Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời, trong vinh dự của đời người, trong cơ khổ của Thế giới, trong nhân tình đầy Bác Ái, trong kinh cầu một hồi chuông... Phạm Duy cứ mãi mãi là kẻ đi tìm cho nên ta vẫn còn thấy những câu hát tìm nhau:
Xưa ta hẹn với nhau
Tìm nhau giữa vô thường
(Đạo Ca số 2)
Lời như tơ như tóc tìm nhau
Giường thơm tho chăn gối tươi mầu
Mảnh gương to rơi vỡ ngày nào
Còn lại bao nhiêu vẫn soi rõ mặt nhau.
(Tâm Ca số 2)
Bây giờ tìm đâu cầu tre lắt lẻo
Qua khúc sông đào tới nẻo người yêu
Câu hát trong chiều, giọng hát tìm nhau.
Bên bờ sông Seine ta ngồi ta khóc
(Tị Nạn Ca)
Trong Phạm Duy, sự đi tìm và gặp nhau, không cứ phải là của hai con người mà là của đôi tâm hồn. Nhưng người ta không thể chỉ yêu nhau bằng tâm hồn. Tâm hồn chỉ là một phần lớn hay nhỏ của tình yêu. Nhưng dù lớn hay nhỏ, tâm hồn vẫn không thể thiếu được trong bất cứ một tình yêu nào.
Dìu nhau đi trên phố vắng
Dìu nhau đi trong ánh sáng
Dắt hồn về giấc mơ vàng, nhẹ nhàng
Dìu nhau đi chung một niềm thương.
Nhịp chân êm êm thánh thót
Đừng cho trăng tan dưới gót
Chớ để mộng vỡ mơ tàn, dịu dàng
Đừng cho không gian đụng thời gian.
Đưa nhau vào cõi vô biên
Có chim uyên tình thiêng
Hát ru êm triền miên.
Đưa nhau vào chốn không tên
Mặc đời quên
Không bến, không thuyền, hết câu nguyền.
Dìu nhau sang bên kia thế giới
Dìu nhau nương thân ven chín suối
Dắt dìu về tới xa vời, đời đời
Dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu.
(Thương Tình Ca)
Đây là đôi tâm hồn dìu nhau đi trên đường vắng, không phải đôi tình nhân dắt nhau đi dưới hàng dương hay trên bờ sông Seine. Đôi tâm hồn ấy dìu nhau đi trên những nơi siêu phàm. Phố vắng ở đây không phải là phố phường mà là sự hoang vắng của lòng người, ánh sáng ở đây không phải là ánh mặt trời hay ánh đèn mà là sự cao đẹp. Đôi tâm hồn dắt nhau về giấc mơ vàng, đi trong niềm thương, đi vào cõi vô biên, vào chốn không tên, sang bên kia thế giới, đến ven chín suối để cuối cùng đến tận ngàn thu.
Bước đi của họ rất êm, rất thánh thót, mỗi bước đi như một dấu nhạc gieo. Vậy đâu là bước chân trần tục. Nhẹ đến đỗi không làm trăng tan dưới gót, đến đỗi thời gian không đụng không gian. Họ dìu nhau đi vào cõi vô biên, có tình thiêng của những đôi chim uyên, có lẽ tác giả muốn nói đó là nơi dành cho những người thanh cao, những mối tình đẹp đã hiển thánh.
Dìu nhau vào những chốn không tên, những bờ sông ngọn suối không thuyền, vào tận cả nơi từ xưa tới nay chưa thấy kinh sử nào nói đến là "ven chín suối". Nơi này vừa tìm ra được bởi nhà thần học Phạm Duy. Đó là một vùng đêm nhỏ nhoi như sợi tóc mai mà lại cũng rộng như trùng dương, nằm giữa sống và chết, giữa tiên và qủy, giữa âm và dương, giữa phước và oan, giữa thanh và tục.
Đôi tâm hồn yêu nhau đã khám phá ra được vùng đất lý tưởng này. Ở đây họ có thể nghiêng tai liếc mắt về cõi Tiên để nghe nhạc Nghê Thường, coi những bầy tiên nữ ca múa. Hay có thể phóng mắt xuống địa ngục để nhìn những đám người rớt khỏi cầu Nại Hà bị quỉ ăn thịt sống kêu la thảm thương. Ở đây đôi tâm hồn sẽ được "nghỉ ngơi", tha hồ nhìn mây trong mắt em, nghe trong tiếng đàn của anh hoặc trần truồng yêu nhau giữa trời đất.
Tuy rằng ven chín suối ít ngựa xe, ít bụi bặm nhưng vẫn không vui thích bằng trần gian. Tiên nữ ở trên Thiên đường còn trốn xuống trần để được hưởng mùi tục lụy, ta đang ở trần gian sao lại bỏ đi? Thế là cặp tâm hồn kia trở lại trần gian, nơi có một mùa hạ, một đồi cỏ hồng. Nơi hằng đêm có em đang đi:
Đường em có đi
Hằng đêm gót hoa
Nở những đoá thơ, ôi dị kỳ
Đường êm có khi
Chờ em bước qua
Là nghiêng giấc mơ ước thề.
Ngàn sao sáng xa nhìn em thướt tha
Rụng rơi vướng mây tóc ngà
Đường thơm bóng gầy
Nhạc run lá bay
Hàng cây thiết tha đắm say.
Đường dìu ngang bao ngõ đắng cay
Dừng chân phút dây xong, chia lìa
Đường dài thêm bao nỗi éo le
Dài thêm nắng mưa, thêm ê chề !
Đường em cứ đi
Tình ta cứ xây
Chờ em thoát thai quay đường về
Đường quanh khúc co
Nhịp chân trói vo
Đường duyên ấm vui
Đường mơ !
(Đường Em Đi)
Khi đọc lời ca trên đây, ở ngay mấy hàng đầu, tôi đã cười thầm: Cái ông này lại muốn giành Dương Quý Phi của vua Đường Minh Hoàng và Tây Thi của Ngô Phù Sai đây. Dương Quý Phi đi mỗi bước gót chân nở một đóa hoa sen hồng cho nên có tiếng "gót sen thoăn thoắt". Còn Ngô Phù Sai thì muốn ngắm dáng đi của Tây Thi và còn muốn nghe cả bước chân của người ngọc, cho nên cho thợ tìm gỗ quý, đem về lót sàn trong cung điện, để mỗi lần Tây Thi bước đi thì nghe tiếng chân như nhạc, gọi là "điệp hưởng lang". Hãy đọc thêm vài câu thơ trong Cung Õán Ngâm Khúc nói về những nét đẹp, để thấy trong Đường Em Đi, Phạm Duy tả cái đẹp nội tâm chứ không chỉ cái đẹp hình thể. Cũng như Tìm Nhau, Dìu Nhau, Đường Em Đi là một bài luận về tình yêu đầy suy tư. Chân em bước, đường thơm, lá run, đất nở hoa, nhưng gót chân ấy, đâu chỉ bước trên đường trơn, gỗ quí mà còn phải trải qua những con đường thật trên cõi trần gian. Chúng ta đã bơi một quãng suối tiên khá xa, bây giờ xin trở lại đường ở Sàigòn thân yêu, với khung trời Đại Học:
Trả lại em yêu, khung trời Đại Học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt
Trả lại em yêu, khung trời mùa Hạ
Ngọn đèn hiu hiu nỗi buồn cư xá
Vài giọt mưa sa hôn mềm trên má
Tóc em thơm nồng, dáng em hiền hoà.
Anh sẽ ra đi về miền cát trắng
Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng
Anh sẽ ra đi về miền mênh mông
Cơn gió Cao Nguyên, từng đêm lạnh lùng
Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó
Đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ
Đem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ
Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về.
Trả lại em yêu con đường học trò
Những ngày Thủ Đô tưng bừng phố xá
Chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó
Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt...
Trả lại em yêu mối tình vời vợi
Ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới
Đường buồn anh đi bao giờ cho tới ?
Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài
Trả lại em yêu ! Trả lại em yêu !
Mây trời xanh ngát.
Đây là bài hát của người Saigon hôm qua hôm qua. Nó là bài hát của người Sàigòn hôm nay và mãi mãi còn là bài hát của người Sàigòn, hơn nữa, là bài hát của người Việt Nam. Văn nghệ có giá trị lớn là văn nghệ không có biên cương, không có không gian giới hạn. Bài hát này làm môi gái Sàigòn tươi thắm làm tim trai Sàigòn đầy ứ và vỡ toang như... suối tiên. Bài hát này đã biến các cô hàng nước của Sàigòn thành những tiên nữ với bàn tay ngà có phép vì trong ly nước chanh đường, có môi em ngọt.
Khi đã yêu nhau, người ta không chỉ uống môi em ngọt. Người ta còn cho nhau tất cả.
Cho nhau chẳng tiếc gì nhau
Cho nhau gửi đã từ lâu
Cho nhau cho lúc sơ sinh ngày đầu
Cho những hoa niên nhịp cầu
Đưa tuổi thơ đến về đâu ?
Cho nhau nào có gì đâu !
Cho nhau dù có là bao
Cho nhau cho phút yêu đương lần đầu
Cho rất luôn luôn cuộc sầu
Cho tình cho cả niềm đau.
Cho nhau làn tóc làn tơ
Cho nhau cả mắt trời cho
Cho nhau tiếng khóc hay câu vui đùa
Cho chiếc nôi cho nấm mồ
Cho rồi xin lại tự do.
Cho nhau ngòi bút cùn trơ
Cho nhau đàn đứt đường tơ
Cho nhau cho những câu thơ tàn mùa
Cho nốt đêm mơ về già
Cho cả nhan sắc Nàng Thơ.
Cho nhau tình nghĩa đỏ đen
Cho nhau thù oán hờn ghen
Cho nhau, xin nhớ cho nhau bạc tiền
Cho cõi âm ty một miền
Cho rồi cho cả đời tiên.
(Cho Nhau)
Phạm Duy -- như ta đã thấy -- đi trên con đường nghệ thuật của mình đã luôn luôn tránh những vết xe mòn. Thực vậy nhưng bài nhạc trên đã bộc lộ tâm tư và mơ ước của người tình, nhưng không hề dùng tiếng yêu đến một lần. Thế nhưng tình yêu đã được anh diễn tả đến mức tận cùng và gương mặt tình yêu ở mỗi bài một khác.
Ở Đường Em Đi, êm thướt tha, từng bước nở hoa, nhịp chân trói go, cố vượt bao ngõ đắng cay để vui. Ở Trả Lại Em Yêu thì tình yêu chia tay nhớ nhung từ cao nguyên gởi về khung trời đại học nơi uống ly chanh đường một cuộc tình là một bản tình ca khác cung khác nhịp. Nhạc tình của Phạm Duy có nhiều bài, không có bản nào điệp ý với bản nào. Mỗi bản nhạc tình của anh là một khám phá trái tim con người. Văn hào Elya Erhenbourg đã nói: Mỗi trái tim con người là một kho vàng của nhân loại. Mỗi bản nhạc tình của Phạm Duy là một kho vàng của mọi người.
Chương XVI. Tình Đau Khổ
Nước Mắt Rơi Cho Tình Ra Đời
Từ chặng này trở đi thì niềm đau thấm thiết đã thực sự lên ngôi trong lâu đài tình ái:
Nước mắt rơi cho tình ra đời
Nước mắt theo duyên về xa vời
Mùa Xuân ngời trôi dòng lệ vui nhỏ bé xanh tươi
Nước mắt suôi cho người gặp người
Nước mắt len sau từng nụ cười
Lệ ngọt bùi say đời rủ nhau tìm lối ra khơi.
Nước mắt rơi trên tình trinh nữ
Nước mắt đem hương vào hồn thơ
Cuốn gió theo con thuyền vượt qua những thác mơ
Nước mắt tuôn suốt một đời hoa
Cánh lá rơi, mặn mà tình ngơ
Suối níu sông ra biển bao la, nước mắt ta.
Nước mắt rơi trên đường đã dài
Nước mắt đưa chân về cội đời Giọt lệ vàng không mùi ngược trôi về với đơn côi
Nước mắt êm đi vào tuổi trời
Nước mắt khô âm thầm không lời
Vài giọt sầu lững lờ dựa nhau về chết trên môi !
(Nước Mắt Rơi)
Tình nào là tình không nước mắt? Cho nên nước mắt rơi đánh dấu cuộc tình bắt đầu. Buồn đau cũng khóc. Sung sướng vẫn khóc như thường. Người ta thường cho nước mắt màu hồng, Hồng Lệ, Phạm Duy ngược lại thấy nó màu xanh, hoặc màu vàng, Hoàng Lệ, Thanh Lệ. Dù Hồng, Thanh hay Hoàng, nước mắt cũng đều đẹp, Tú Lệ. Tú Lệ cũng là Lệ Sầu hay Lệ Vui. Hành trình của một giọt lệ, như tác giả nói, rất ngắn, chỉ từ khóe mắt đến làn môi, nhưng sức chứa đựng của nó thì vô biên, tác động của nó thì phi thường.
Bạn hãy đọc lại lời ca trên đây, đọc từng câu một thì sẽ thấy hai nét kể trên. Tôi xin nhặt ra một vài nét:
Nước mắt theo duyên, (cuốn) trôi mùa Xuân, xuôi cho gặp nhau, len sau từng nụ cười (vui thì vui vậy kẻo mà, ai tri âm đó mặn mà với ai), tìm lối ra khơi, rơi trên tình trinh nữ, đem hương vào hồn thơ v.v... để rồi ở cuối cuộc hành trình ngắn ngủi ấy, trở thành lặng câm, âm thầm không lời... vài giọt sầu dựa nhau về chết trên môi...
Giọt nước mắt này biết đâu chẳng là tiền kiếp của Giọt Mưa Trên Lá. Biết đâu chẳng phải là giọt nước mắt rơi cho giọt mưa ra đời? Vì chính giọt mưa cũng là nước mắt, nước mắt mẹ già, nước mắt vợ hiền sum họp và chia ly, nước mắt trẻ thơ oa oa khóc chào đời. Nước mắt và nước mưa len giữa u tình sầu, trôi ra biển bao la, tuôn suốt một đời hoa và cuốn gió theo con thuyền vượt qua những thác mơ cũng như đã từ lanh lùng trôi theo dòng nước mắt, đưa thuyền về đến bến Mê. Mênh mông lả ơi, đường về xa tắp mênh mông. Chia tay nhau nhé...
... Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
Đứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu
Sẽ có chẳng nhiều đớn đau
Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm mầu
Có lũ kỷ niệm trước sau
Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ
Rồi sẽ tan đi mịt mù
Vạt tóc nâu khô còn chút thơm tho
Thả gió bay đi mịt mù
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà giữ cho người.
Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời
Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui
Lời nói, lời cười
Chuyện ngắn chuyện dài
Trả hết cho người, cho người đi
Trả hết cho ai ngày tháng êm trôi
Đường em đi trời đất yên vui
Rừng vắng ban mai, đường phố trăng soi
Trả hết cho người, cho người đi
Trả hết cho ai cả những chua cay
Ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi
Một tiếng thương ôi, gửi đến cho người
Trả nốt đôi môi gượng cười
Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi
Còn lời trăn trối gửi đến cho người :
Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời
Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người...
Em cứ yên tâm, hãy lên xe hoa, đừng bận bịu. Đêm tân hôn hãy khóc với tân lang. Em chửa yêu ai, mới có mình (Nguyễn Bính). Dĩ vãng của chúng ta, dù ở trước mặt hay sau lưng đều cũng thế thôi. Nó sẽ nhạt màu. Em sẽ quên mau. Còn gì nữa đâu? Khóc dở mà cười cũng dở. Con đường hôm trước, mỗi bước em đi nở hoa dị kỳ nay hoa chẳng còn nở vì em đã rẽ ngang. Đường em đi tuy trời đất có vẻ yên vui trước mặt nhưng sau lưng có "lũ quỉ kỷ niệm" nối theo tiễn chân em không dứt. Trong cuộc tình tan vỡ này, bạn thấy không có nước mắt rơi, nhưng không phải là không có nước mắt. Nước mắt của người lên xe hoa và người đứng tiễn chân chảy ngược vào tim, nước mắt cay đắng, nước mắt hận tình. Nói gượng là không có nhiều đớn đau lắm đâu, thì chính là đau thấm tâm can. Nói là sẽ tan đi mịt mù nhưng không bao giờ tan. Nói là còn gì nữa đâu, nhưng chính là còn, còn tất cả! Nói là trả hết cho người nhưng chính là giữ lại hết những gì của người đi. Nói là buồn ít hơn vui nhưng chính thật vui ít hơn buồn, vì có buồn nào hơn cái buồn tình yêu tan vỡ. Trả nốt đôi môi gượng cười nhưng nụ cười tươi thuở nào thì còn đọng lại. Nói là cầu chúc cho người đường dài hạnh phúc, nhưng thực ra lời cầu chúc ấy chỉ gượng gạo lấy có, phủ lên niềm đau tâm can. Riêng người đi thì người chỉ đi phần xác, còn hồn thì ở lại. Chiếc xe hoa chở nàng đi tưởng trời đất yên vui, nhưng không, mưa đang rơi lặng lẽ, những giọt mưa hôn mềm trên má hay nước mắt ai rưng rưng. Chiếc xe cưới, tuy nó sang trọng thơm tho nhưng nàng lại không thấy lòng phơi phới như ngồi xe lam nghèo hèn lắc rung rinh đường quê thuở nào. Tuy xe chuyển đi tới mà nàng ngỡ bánh xe lăn ngược về quá khứ với lũ kỷ niệm đang mọc lên ba đầu sáu tay, hò hét và dằng co kéo níu nàng lui về, với vạt tóc nâu khô bay phất về dĩ vãng, làm cho những cánh xương hoa nằ m ép trong thơ, những lá thơ viết hoài không xong, đọc hoài không hết, nay cũng trở mình. Chính là hồn nàng đó.
Để tạm kết thúc chương này, tôi xin nêu ra một điểm đặc biệt trong lời ca của Phạm Duy, điểm "nhân cách hóa" sự vật. Thường thường người ta chỉ nhân cách hóa những vật cụ thể. Phạm Duy lại làm ngược tức là nhân cách hóa những vật trừu tượng như lũ kỷ niệm, tình chít khăn tang, dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai... Thường thường, một nét nhân cách hóa gây ấn tượng mạnh gấp ngàn lần đặc tả.
Chương XVII. Tình Yêu Đau Khổ Tuyệt Vời
Chương X.
Đôi Môi Đôi Môi Đã Quyết Trói Đời Người
Nếu ví nhạc tình Phạm Duy là một dòng sông lớn có nhiều nhánh con thì nhánh nào cũng tươi mát. Còn nếu ví nhạc tình của Phạm Duy là một bầy thiếu nữ thì cô nào cũng có một khuôn mặt đẹp, mười phân vẹn mười, nhưng mỗi khuôn mặt đều có những nét khác nhau: hồn nhiên, ưu tư, lãng mạn, mãnh liệt, trí tuệ xác thịt v.v.... Đây là một khuôn mặt đẹp khác trong nhạc tình Phạm Duy:
Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
Và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối
Ngày đó có anh mơ mơ lại mộng ngời
Và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi
Ngày đôi ta ca vui tiếng hát với đường dài
Ngâm khẽ tiếng thơ, khơi mạch sầu lơi
Ngày đôi môi đôi môi đã quyết trói đời người
Ôi những cánh tay đan vòng tình ái
Ngày đó có ta mơ được trọn đời
Tình vươn vai lên khơi tới chín trời mây khói.
Ngày đó có say duyên vượt biển ngoài
Trùng dương ơi, giữ kín cho lâu dài tình đôi
Ở đây Phạm Duy vẫn còn tiết kiệm chữ, dè sẻn không dùng tiếng "yêu". Phạm Duy nói bằng những tình cảm, chứ không dùng tiếng yêu. Cách diễn đạt tình yêu ở đây, không giống cách dùng ở các bài đã kể. Nếu Tìm Nhau, Cho Nhau, Thương Tình Ca, Đường Em Đi là sợi dây oan có quá nhiều gút mắc, thì Ngày Đó Chúng Mình là một sợi tơ trơn tru mềm mại, thắt lại mỗi lúc mỗi chặt. Ta chú ý cách đặt câu dài, câu nào dứt ý câu ấy, và mỗi một câu như một bước em đi, mỗi lúc mỗi sâu vào đời anh, cho đến khi đôi môi tìm gặp đôi môi. Nét yêu được Phạm Duy chạm trổ rất kỳ công ở:
Đôi môi đã quyết trói đời người
Những cánh tay đan vòng tình ái...
Ai mà không từng hôn đắm đuối cuồng nhiệt một lần? Ai mà không từng ôm tròn thân mưa móc một lần? Nhưng mấy ai mô tả nổi về cả thể xác lẫn tâm hồn, nói một cách đắm đuối cuồng nhiệt bằng Phạm Duy. Anh chỉ dùng có hai chữ "trói" và "đan". Trói đời người vào nhau, tình đan lẫn vào nhau, nét yêu được diễn tả mãnh liệt cả xác lẫn hồn. Các hình tượng dùng ở đây (trói và đan) rất tinh vi đã đành lại còn rất khoa học. Lạt mềm trói (buộc) chặt. Chữ trói mạnh hơn chữ buộc. Trói và đan là hai chữ bình dân, nhưng vào tay Phạm Duy nó trở thành thần ngữ. Đến đây, ta mới thấy thêm được một điều: Nghệ thuật cao không phải là nghệ thuật trúc trắc khó hiểu mà chính là cách dùng chữ, đúng chỗ để diễn đạt tối đa cái mình muốn diễn đạt.
Môi mềm, như dây buộc chặt. Động tác hôn say đắm "đôi môi đôi môi" còn cho ta thấy nuộc dây đã quấn vào rồi và thắt lại. Về cái hôn, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan có nhận định rằng trong văn xuôi chỉ có nhà văn Vũ Trọng Phụng là người mô tả cái hôn tài tình nhất cả thể chất lẫn tâm hồn mà chưa một văn sĩ Việt Nam nào tả đến thế:
Tân từ từ ôm chặt lấy em, hôn vào miệng em, không phải là cái hôn tầm thường nhưng mà một cái hôn đặc biệt, nhờ nó, em và chàng thấy cái ẩm ướt ở miệng nhau thì sung sướng, tựa hồ uống được linh hồn của nhau, một cái hôn đắc thắng của ái tình trước bổn phận mà tiếng trống ngực thình thình điểm khúc khải hoàn ca - một cái hôn nó giống của màn ảnh, do đó em tưởng chừng như đã phó thác cả thân thể em cho người ta vậy. Tờ giấy cam kết như vậy là đã có chữ ký của hai bên rồi. Một cái hôn như thế đã tổng công kích lần cuôi cùng để làm hại nốt một đời đàn bà chỉ còn một số tàn quân đạo đức trong lương tâm...
Nếu ông Vũ Ngọc Phan dám đi ra khỏi cái Viện Mạ Kền Văn Học của Hoài Thanh để nghe hát những câu tả cái hôn trong bài này của Phạm Duy thì không biết ông có còn giữ ý kiến đó nữa không?
Ngày đôi môi đôi môi đã quyết trói đời người
Ngày đôi môi thương môi đã xé nát nụ cười...
Chữ "trói" thật là tuyệt vời. Chữ "xé nát" càng tuyệt vời.
Ngày đó em ra khỏi đời rồi
Và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối
Ngày đó có anh mê mải tìm lời
Tìm trong đêm rách rưới cơn mơ nào lẻ loi?
Ngày đôi ta chôn vơi tiếng hát đã lạc loài
Chôn kín tiếng thơ rơi, ngậm ngùi rơi
Ngày đôi môi thương môi đã xé nát nụ cười
Ôi những cánh tay ngỡ ngàng tả tơi
Ngày đó có bơ vơ lạc về trời
Tìm trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới
Ngày đó có kêu lên, gọi hồn người
Trùng dương ơi! Có xót xa cũng hoài mà thôi
Sau đây là một gương mặt khác của tình yêu:
Đừng xa nhau ! Đừng quên nhau !
Đừng rẽ khúc tình nghèo
Đừng chia nhau nỗi vui, niềm đau
Đừng buông mau ! Đừng dứt áo !
Đừng thoát giấc mộng đầu
Dù cho đêm có không bền lâu.
Đời phai mau, người ghen nhau
Lòng vẫn vẫn cứ ngọt ngào,
Miệng ru nhau những ân tình sâu
Đừng xôn xao, đừng khóc dấu
Đừng oán trách phận bèo
Vì sông xa vẫn trung thành theo
Dù mai sau dắt nhau mà qua cầu
Mồ chôn sâu ánh trăng vàng mái lầu
Đừng xa nhau nhé !
Đừng quên nhau nhé !
Đừng chia nhau núi cao vực sâu.
Đừng xa nhau ! Đừng quên nhau
Đừng dứt tiếng ngậm sầu
Đừng im hơi đắng cay rời nhau
Đừng đi mau, để mãi mãi
Là chiếc bóng đậm mầu
Còn theo nhau tới muôn đời sau.
Dù bảo đừng xa nhau, nhưng đã xa nhau rồi. Dù bảo đừng buông mau nhưng đã buông rồi, ngỡ ngàng nào còn níu được nhau. Tình chúng ta chỉ có chừng đó thôi. Nếu chuyện tìm nhau, gặp nhau, yêu nhau, cho nhau là chuyện tự nhiên, thì chuyện xa nhau cũng là chuyện tất nhiên, vì:
Đời luôn là cơn gió
Thay áo cho tình ta
(và)
Làm rơi rụng cánh hoa.
Chương XVIII. Nhạc Tình Đượm Màu Sắc Tôn Giáo
Tình Âm Dương Chan Chứa Xoay Trong Vòng Tử Sinh
Trong chương này tôi sẽ nói tới màu sắc tôn giáo trong Nhạc Tình của Phạm Duy. Không chỉ riêng trong nhạc tình mà trong nhạc nói chung của Phạm Duy, ta nhận thấy rải rác cái màu sắc ấy. Bạn thấy ở ngay những bài đầu tay của chàng nhạc sĩ trẻ, trong Nợ Xương Máu có hình tượng xác chết cụt đầu về trời, trongTiếng Đàn Tôi có bến Mê, trong Đường Chiều Lá Rụng có đầu thai, v.v... Càng về sau ta càng nhận thấy nhiều về tôn giáo, như ở các bài Hẹn Hò, Tìm Nhau, Thương Tình Ca, Giết Người Trong Mộng, Giọt Mưa Trên Lá, Nguyên Vẹn Hình Hài v.v... Sau đây là một vài đoạn trong bài nhạc tình Chỉ Chừng Đó Thôi:
Khi xưa em gầy gò
Đi ngang qua nhà thờ
Trông như con mèo khờ
Ta yêu em mù lòa
Như Adam khù khờ
Yêu Eva khù khờ
Cuộc tình trinh tiết đó
Nhưng thiên tai còn chờ
Đôi uyên ưươ ng dật dờ
Chia nhau xong tội đồ
Đày đọa lâu mới tha
Hoặc trong Một Bàn Tay:
Một đêm kêu lên hơi thở tuyệt vời!
Bàn tay êm ái, ôi bàn tay khoan khoái
Nhạc ru tiếng khóc trần ai
Bàn tay đưa anh đi gặp cuộc đời
Một Xuân bao dung ai cũng là người
Bàn tay vun sơi, ôi bàn tay đưa lối
Dọc đời thơ hát đầy vơi.
Bàn tay nào có phép thần vậy? Bàn tay ma dắt lối quỉ đưa đường (Lại tìm những lối đoạn trường mà đi) hay bàn tay thánh thần đưa anh đi gặp cuộc đời, không phải tay phàm.
Trong cơn mưa hè
Tay nào khô héo bắt anh về?
Bàn tay che mắt, ôi còn ngăn câu hát
Bàn tay ám khí u mê
Nhưng tay em về, thơm mùi gỗ quí gỡ anh ra.
Bàn tay nắng lóa, ôi bàn tay khơi gió
Tình trong năm ngón nõn nà.
Bàn tay ám khí u mê là tay quỉ. Bàn tay thơm mùi gỗ quí là tay nàng tiên Giáng Hương. Nhưng khi nàng phá then vàng xuống trần gian nếm mùi tục lụy thì tay nàng năm ngón nõn nà vuốt ve anh, gãi lưng anh, bắt chấy cho anh là bàn tay bằng xương bằng thịt của trần tục:
Bàn tay ôm anh trong cuộc tình đầy
Một Thu sang, tim anh nở tròn ngày
Bàn tay ấm áp, ôi bàn tay bão táp
Bàn tay son vẽ đời đôi
Một mai đưa anh thăm thẳm lìa đời
Mùa Đông khăn tang, mây bỏ đường dài
Bàn tay thương nhớ, ôi gặp anh băng giá
Lạ lùng, tay khép làn mi...
Đây là bàn tay hư hư thực thực. Ta có thể cầm lấy hôn được nhưng có khi ta lại ngỡ đó chỉ là nắng lóa, là nhạc ru. Bàn tay đã đưa anh ra khỏi lòng người cũng là bàn tay đưa anh thăm thẳm lìa đời và khép làn mi cho anh. Không thấy Chúa và Phật ở đây nhưng ta lại sống trong không khí huyền ảo thường trực của bàn tay Phạm Duy tạo nên.
Màu sắc tôn giáo trội hẳn lên ở những bài nhạc tình trong vườn rong ca của anh vừa viết xong. Phạm Duy nói về Hóa Sinh, Cõi Hư Vô, Âm Dương trong năm bài liên tiếp: Người Tình Già Trên Đầu Non, Nắng Chiều Rực Rỡ, Vô Hư, Trăng Già, Rong Khúc...
Tại sao? Chẳng còn ai có thể cứu nổi ta ngoài Trời Phật, trong lúc đồng loại ta coi ta là kẻ thù, giết hại ta chưa đủ còn rước ngoại bang vào tàn sát ta, đày đọa ta chưa thỏa, còn đưa ta cho ngoại bang đày đọa. Chẳng còn ai cứu ta nổi ngoài Trời Phật trong lúc đồng minh phản bội ta mà coi đó như một việc hợp với lẽ Trời, nên họ dửng dưng như không hề biết, không nghĩ tới việc chuộc các tội tày trời ấy.
Những người cao niên xa xứ sống cũng buồn mà chết nơi xứ người lại còn buồn hơn, cho nên muốn sống lâu hoặc muốn tái sinh sống lại cuộc đời trước, cuộc tình trước, như Người Tình Già Trên Đầu Non. Đọc xong lời ca, tôi nghĩ đây là một truyện thần thoại. Truyện kể rằng ngày xửa ngày xưa có một chàng nhạc sĩ trẻ được Tiên ban cho một cây đàn thần, và bảo chàng rằng muốn ước gì được nấy: giàu sang phú quí, v.v.... nhưng chàng không ham. Chàng chỉ cầm đàn đi thẳng vào những nẻo đường trần để đàn cho người nghe. Chàng được mọi người yêu mến, được các cô gái ở trần gian lẫn những tiên cô Giáng Hương, Giáng Phượng, Giáng Thu và cả chị Hằng dâng tặng trái tim. Chàng dùng tiếng đàn như lời an ủi những mảnh đời đau buồn, u ám, bất hạnh. Khi đã về già, thành tiên lão, lên non cao để mai danh ẩn tích, nhưng bỗng một chiều, lão đứng trên đầu non, mái tóc bạc phơ ẩn hiện. Giữa đám mây xanh xao chập chờn, lão...
... nhìn mặt trời thoi thóp hoàng hôn
Muốn lãng quên trăm năm một đời
Nhưng thế gian mênh mông vời vợi
Người chợt nghe tiếng em chờ đợi
(gọi)
Người tình già trong lẻ loi
Có nhớ thương... ai.
Trái tim giá lạnh bỗng hồi sinh, người tình già bèn rời đỉnh non:
Lững thững đi trên con đường chiều
Xuống lũng sâu, leo qua ngọn đèo.
Về một miền phơn phớt cỏ nâu
Người tình còn nhớ tuổi son
Cúi xuống hôn bông hoa thật gần
Nghe suối vẫn reo trong hang rì rầm
Người tưởng nghe tiếng em thì thầm
Đợi người tình đã từ lâu
Vẫn khát khao nhau...
Tưởng đã chẳng còn nợ gì nhau nào dè đâu sợi tóc mai vẫn còn vướng vào tim. Người tình già nghe lời người yêu cũ, bỗng chốc hóa:
Thành người tình trẻ ngây
Sẽ đứng lên mê say từng ngày
(như)
Người từng là nắng mùa Xuân
Đã dắt em đi trên đường trần
Đã vuốt ve em trong Hạ mềm
Người tình già như:
Cành khô bỗng hoa nở tràn
(và)
Hẹn sẽ leo thế kỷ chơi.
Cuộc đời ngắn ngủi chỉ có hơn ba vạn ngày không chứa nổi mối tình của người già và nàng, cho nên:
Hẹn rằng sẽ về thăm
Lúc đã trăm năm
Sẽ từ khơi, xuống núi vui chơi
Rồi lại từng thế kỷ sau
Cứ hóa sinh theo.
Tư duy của Phạm Duy chống chọi hẳn với thuyết vô thần cho rằng cuộc đời sau cái chết là hết, và chẳng có Trời Phật và ơn trên thiêng liêng. Phạm Duy chẳng phải là tín đồ Phật Giáo hay Công Giáo nhưng sự suy nghĩ của anh đi vào nếp tôn giáo. Tôn giáo coi rất trọng cuộc sống tinh thần, trọng hơn cả cuộc đời hiện tại và cho rằng có cuộc sống sau cái chết.
Người tình già thật đáng yêu. Người đâu phải là một ông Tiên ông Thánh nào. Người là chúng ta, mỗi chúng ta. Đúng ra đó là nỗi ươc mơ tái sinh của con người, để sống tiếp cuộc sống trên thế gian. Thuyết nhà Phật là sống gửi thác về. Sống chỉ là cõi tạm, chết mới là thực sự... "về quê".
Phạm Duy nhìn đời bằng cặp kính vừa cận vừa viễn:
- Cận là: Cúi xống hôn bông hoa thật gần
- Viễn là: Về một miền phơn phớt cỏ nâu
Nửa thực nửa siêu thực:
- Thực là: Đầu cành khô bỗng hoa nở tràn
- Siêu thực là: Leo thế kỷ chơi...
Cặp kính đỏ là đôi mắt của Phạm Duy. Đôi mắt nhìn nắng chiều rực rỡ hơn nắng bình minh và nắng trưa. Đây lại cũng là một cách tư duy đặc biệt, thường thấy ở Phạm Duy
Nắng chiều hồng tươi hơn nắng trưa
Em có thấy không, nắng chiều rực rỡ
Nắng chiều đối với con người là tuổi già, là ngưỡng cửa của đêm, cũng như tuổi già là làn vạch khu phi quân sự giữa cuộc sống và cái chết:
Từng vạt nắng chói chan
Từng vạt nắng ấm êm
Nắng còn nắng bao la
... thì mình xin cứ coi
Là nghìn tia nắng rọi
Em có thấy không, nắng đẹp còn đó...
Nắng còn đó vì anh đã ngăn đêm về bằng bàn tay năm ngón nõn nà thơm mùi gỗ quý của em.
Trong chiều đời yêu nhau rất lâu
Đêm đã vì ước nguyện của chúng ta mà chưa đến vội. Hãy yêu nhau nữa. Ta còn yêu, ta cứ yêu. Đây là Thiên Đàng hay ven chín suối thì ta cứ yêu nhau. Ở buổi chiều đời, tình yêu đẹp hơn cả lúc đang trưa hay bình minh. Anh chỉ còn bên em giây phút thôi.
Nếu phải lià xa thế gian này
(dù chỉ) Còn một ngày (ta hãy) vui muôn nỗi vui
Chớ lịm người, nghe anh sắp qua đời
(dù chỉ)Còn giây phút thôi
(Anh vẫn) Muôn nỗi vui...
Cái khoảnh khắc âm dương giao hòa mong manh như làn tơ ấy, anh sẽ dùng bàn tay em kéo dài thành vô tận để:
Nghìn Thu, anh là suối trên ngàn
Thành sông anh đi xuống
Anh tuôn tràn biển mơ
Nghìn Thu, em là sóng xô bờ
Vào sông em đi mãi
Không bao giờ biển vơi...
Trong khoảnh khắc âm dương sắp giao hòa ấy:
Em là cõi trống
Cho tình đong vào
Anh là nơi vắng
Cho tình căng đầy
Em là cơn gió
Anh là mây dài.
Trong khoảnh khắc nghìn thu ấy:
Em lặng lẽ ươm mầm
Cành mai, không ai biết
Em âm thầm nở hoa.
Trong khoảnh khắc nghìn thu ấy:
Tình ta biến hóa
Trong từng sát na
Tình luôn lai vãng
Đi, về cõi chung
Tình hư vô đó
Nên gần với xa
Tình ra ánh sáng
Tình về tối đen
Nghìn Thu anh là đã em rồi
Và em trong muôn kiếp
Em đã ngồi ở anh
Nghìn Thu ta bù đắp không ngừng
Phạm Duy trong ba bài kể trên là một Phạm Duy khác với Phạm Duy trong giai đoạn nhạc tình 57-67 một Phạm Duy tái sinh. Ở đây Phạm Duy vẫn suy nghĩ về Tình Yêu nhưng bằng triết lý hay tôn giáo hoàn toàn, một thứ tình yêu chỉ có trong mơ ước trong hư vô, một thứ tình yêu đi vào cõi Thiên Thu, một thứ tình yêu biến hóa trong từng sát na, một thứ tình ra ánh sáng mà về thì tối đen, một thứ tình âm dương chan chứa và xoay trong vòng tử sinh, một thứ tình mà anh là nơi vắng còn em là cõi trống, một thứ tình già mà còn muốn trẻ lại, một thứ tình chiều mà lại đẹp hơn cả bình minh, một thứ tình không có ở thế gian này, chỉ có thể ở tư duy, trong kinh và trong HƯ VÔ.
Nhưng ở Người Tình Già, Nắng chiều, Hư Vô, bạn thấy chân những người tình còn dính một ít đất bụi của trần gian (đi trên con đường chiều, xuống lũng qua đèo) còn thấy giới hạn của thời gian (đời người trong tầm tay, ba vạn ngày), bạn còn thấy cảnh thiên nhiên (tre trúc lung lay, nắng trước hiên) bạn còn được nhìn cơn gió, mây dài, hoa nở, trăng sáng hay mờ, nghĩa là trần gian và vô hư còn ở bên nhau chưa bên nào thôn tính được bên nào, có lấn ranh nhau thì cũng chỉ qua lại, nhưng bên nào vẫn là bên ấy... rồi trở về cho hết cái đong đưa giữa âm và dương. Nhưng ở Rong Khúc, bài cuối cùng trong Mười Bản Rong Ca, ban thấy Người Tình Già chân đã phủi sạch bụi trần, người đã rong chơi những đâu đâu, người đến từ muôn vàn thế giới, không phải thế giới này, người tình già đã sống trên cuộc đời, ngoài cuộc đời, ngoài vòng sinh tử, ở ngoại càn khôn, vẫy tay:
Ta chào trái đất xinh xinh giữa trời...
Tất cả những gì có vẻ như là mọc lên từ mặt đất, có trên mặt đất trong khúc ca rong này - như tuyết, sa mạc, đường, rừng, lửa, mai, nẻo v.v... đều chỉ là trong thần thoại, vì Người Tình Già đến đây đã hóa sinh, không còn bằng xương thịt nữa.
Bạn thấy sau đây, người tình già không còn từ đỉnh núi leo qua đèo để đến với người yêu đang đợi nữa, chỉ biết là người đi nhưng không phải đi bằng chân vì người đi từ nắng trời vui, đi từ muôn ngàn thế giới, đi gặp bình minh, kia mà! Và còn đi thăm những thái dương nữa.
Người Tình Già đã không đi lại đường em đi, có nở những đoá hoa dị kỳ, không đi lên chín tầng mây khói nữa.
Ta sẽ quên như có mình nơi đó
Ta sẽ quên như có ta nơi này...
Nơi này là nơi nào? Chẳng ai biết được ngoài người tình già. Đó là đỉnh tình yêu hay cõi sinh mệnh buồn? Là ngàn mai hay ngàn xưa? Là nẻo hồng hay nẻo xanh?
Trong Vô Hư, bạn thấy có hai danh từ lạ : "đong đưa" và "sát na". Tôi đã đọc hết lời ca của Phạm Duy để hiểu xem cái đong đưa là cái gì thì thấy được hai "cái" đong đưa:
Chỉ một chiều lê thê
Ngồi co mình trên ghế
Nghe mất đi tuổi thơ
Chỉ một chiều bơ vơ
Chỉ là chuyện đong đưa
Đời luôn là cơn gió
Thay áo cho tình ta
Cái đong đưa này có thể hiểu được là chuyện tình chỉ là chuyện gió thoảng không có gì chắc chắn nay đổi mai thay như thay áo mơi, áo rách, áo đẹp, áo xấu cho ta. Tất cả như đều có thật, nhưng lại rất mơ hồ. Mơ hồ như lửa hoàng hôn đưa đón chân anh, như miền an tĩnh anh dẫn em vươn tơi, như buổi bình minh anh đã theo em đi gặp...
Cuộc rong chơi của Người Tình Già, tạm dừng ở khóm tre trúc này, cho người giã từ trái đất vì
Người đã nghe vang tiếng gọi càn khôn
Người sẽ quên như có người nơi đó
Người vứt sau lưng những nẻo đường trần
Người vút bay theo những nẻo đường tiên.
Nhưng - một chữ NHƯNG lớn
Nếu mai sau ai gọi người tình (già)
(Anh) sẽ quay lưng bước về nẻo xanh...
Nếu từ
Thế gian mông mênh vời vợi
Vang lên tiếng em gọi, thì
Anh sẽ quay lưng (bỏ đường tiên)
Bước về nẻo xanh (để cho)
Tình âm dương chan chứa
Xoay trong vùng tử sinh
(ở) nhịp trần gian
Quay cuồng.
Một cái "đong đưa" khác tìm được thấy trong bài Bên Bờ Sông Seine:
Nước chảy đôi dòng nhưng lòng ta vui
Ta hát say sưa tiếng hát đong đưa
Tiếng "đong đưa" đây cũng dễ hiểu. Có thể là khi hát, tác giả nhìn thấy buồm trên sông lắc lư nhè nhẹ mà ngỡ tiếng hát mình cũng bay ra theo nhịp đó, hoặc tiếng hát vờn trong gió, hoặc khi hát tác giả nhớ quê hương mà tưởng tượng ngày còn bé nằm trên võng mẹ ru v.v....
Lại thấy một sự "đong đưa" khác ở trong giấc mộng giết người:
Giết người trong mộng đã đi về
Giết người đi, giết người đi!
Giết người như loài bướm đong đưa.
Ở đây, đong đưa có thể được hiểu dễ dàng nhất vì nó đi với bướm. Nhưng trong Vô Hư thì cái đong đưa là cái gì?
Em là cơn gió
Đi về bên nớ
Đi về bên này
Rồi trở về cho hết cái đong đưa
Bên nớ là bên nào, bên này là bên nào, mà đi đi về về? Và sau khi đi, trở về là hết cái... đong đưa? Làm sao cắt nghĩa? Cũng như làm sao cắt nghĩa được tình yêu? Thôi thì xin cứ hiểu cái đong đưa là cái đong đưa. Cái gì đong đưa là cái đong đưa! Nhưng khi nó hết đong đưa, nó vẫn là cái đong đưa.
Còn một danh từ nữa, SÁT NA. Tôi có viết thư hỏi anh? Anh bảo đó là tiếng trong Kinh Phật. Có nghĩa là một thời gian ngắn bằng một phần tỷ tỷ của một giây. Anh đã đưa Kinh Phật vào Tình Yêu hoặc đem tình yêu nhuộm hương khói Niết Bàn. Không biết anh có phạm tội hay không?.
Xuân Vũ
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...