Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Nửa thế kỷ Phạm Duy - Phần 4

Nửa thế kỷ Phạm Duy - Phần 4

PHẦN BỐN
NGƯỜI YÊU NƯỚC

Chương XIX. Trả Nợ Máu Xương

Đem Vinh Quang Tô Thắm Nước Nhà

Là con người, ai cũng yêu nước. Mỗi người yêu một cách, vì hoàn cảnh, vì trình độ, vì những điều kiện riêng sinh sống xã hội. Người thì cầm súng chống xâm lăng, bảo vệ đất nước, người thì làm thơ ca ngợi anh hùng, gây lòng căm thù đối với quân cướp nước, kẻ thì cày cấy nuôi quân v.v...

Ở Phạm Duy, anh đã thực hiện được cả hai việc: vừa cầm súng vừa cầm đàn, anh đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp thực dân. Một trong những bài nhạc hùng đầu tiên của anh là:
Ta là gươm tráng sĩ thời xưa
Bên mình chàng hiên ngang một thuở
Xưa nhớ tới người trai chí lớn
Xếp bút nghiên từ chốn thư phòng
Bàn tay xinh ai nhuốm máu hồng
Và nhuốm mầu non sông
Gươm tung lên như gió như mưa
Như muôn nghìn đấng linh hồn xưa
Như bao năm lòng dân đợi chờ
Chuyển sức chàng trai tráng gươm đưa
Ôi nhớ tới hồi thanh kiếm múa
Sức oai linh trừ hết quân thù
Đầu rơi trong muôn tiếng réo hò
Ghi dấu cùng ngàn thu
Đến nay gươm thần chưa hết bén
Ta mong chờ ai người nâng kiếm lên?
(Gươm Tráng Sĩ 1944)
Đó là một hình tượng về lòng ái quốc thời trước 1945 mà có lẽ các bạn trẻ bây giờ hơi khó hiểu bởi vì nó có vẻ phong kiến. Đúng vậy phong kiến đời Trần, đời Lê, đời Lý, nền phong kiến cứu non sông Việt Nam khỏi họa xâm lăng. Đọc lời ca trên, ta cứ tưởng nhạc sĩ là một ông già đi dự hội nghị Diên Hồng, nhưng không, lúc đó Phạm Duy chỉ mới có 23 tuổi đầu.
Trong bài Chinh Phụ Ca sau đây, ta lại thấy một Phạm Duy khác trẻ hơn:
Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y
Và hồn nương bóng quốc kỳ
Nàng ngừng con thoi, có khi nhớ chàng
Có muốn gì đâu? Lệ thấm tơ vàng
Chàng ngồi trên yên, mơ bóng dáng em
Mịt mù sau đám khói tên
Bâng khuâng mắt nhìn tay kiếm
Không sao dấu đôi lệ hiền
Từ hồi Thu đi, Đông tới, Xuân về
Lạnh lùng cơn gió đêm hè
Từng hồi canh tan thấy trăng xế tàn
Thao thức phòng loan, một tiếng tơ đàn
Nhạc ngoài biên cương nghe vắng khúc hoan
Bập bùng ba tiếng trống đêm
Không ngưng tiếng rừng xao xuyến
Vang trong tiếng ve kêu rền rền
Ngày nào bao xa em thấy bay về
Một đàn chim én không nhà
Về làn du phong với mây ráng hồng
Có tiếng diều trong đậu trước khuê phòng...
Ở đây, tình yêu nước và tình yêu lứa đôi quyện lại thành một khối trong tim cặp tình nhân. Với Phạm Duy ta thấy tình yêu tổ quốc là một hạt kim cương có trăm mặt nhỏ (facettes) chứ không phải chỉ có một hòn bi trơn tru láng bóng không có khía cạnh. Bài hát này đã làm rung động nhiều trái tim trẻ, nhất là sinh viên, tiểu trí thức. Tình yêu nước pha chút lãng mạn của họ đã được diễn tả rất đúng trong nhạc phẩm. Đã có rất nhiều học sinh kéo nhau ra bưng biền trong thời gian 1945-50. Chính tôi đã hát bài này và chép nó, chuyển về thành cho các bạn tôi để thúc giục họ ra đi chiến đấu cứu nước nhưng tôi không biết ai là tác giả. Mãi đến năm 1989, đọc cuốn Ngàn Lời Ca mới té ngửa ra.
Rồi nhìn qua song em thấy trước sông
Ngựa hồng âu yếm bước sang
Trên lưng có chàng trai tráng
Mang theo biết bao nhiêu ngày vàng.
(Chinh Phụ Ca 1945)
Nhưng chàng chinh phu của Phạm Duy không chỉ cưỡi ngựa hồng mà trong cuộc kháng chiến cứu nước anh ta đã vụt biến ngay thành một chiến sĩ xung phong bừng bừng sát khí.
Ngày bao hùng binh tiến lên!
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến!
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành
Đi là đi chiến đấu
Đi là đi chiến thắng
Đi là mang mối thù thiên thu.
Đi là đi chiến đấu
Đi là đi chiến thắng
Bước lên đây người Việt Nam
Kèn vang theo tiếng chân đang rồn rập xa xa
Tiếng gào thiết tha
Ngàn lời chính khí đưa
Ầm ầm tiếng thét hoà
Rầm rầm tiếng súng sa trường xa
Hồn say khi máu xương rơi tràn đầy, ngập biên khu
Oán thù khắp nơi
Từng bụi lốc cuốn rơi
Từng giọt máu sáng ngời
Một đường kiếm thép oai hùng đưa
(Xuất Quân 1945)
Và sau những cuộc chém giết tơi bời như vậy, chàng ta rã rời cả thân xác lẫn tâm hồn, ôm súng ngồi bên gốc cây, lắng nghe mùa Thu đang về trên chiến trường:
Chiều biên khu, vào mùa sang Thu
Không còn nghe tiếng oán thù
Rừng vi vu là lời thiên thu
Ru người chốn phiêu du
Như một nhà triết lý nhìn đời, nhìn chiến tranh từ một khu rừng, từ một góc độ khác với những chinh phu khác:
Ai chinh phu nghe mùa Thu tới
Âm vang trong trời, hồn quê đến với muôn đời
Hề Thu ơi ới
Hề Thu ơi ới
Nghe gió thu tơi bời trong góc trời chiến tranh
Nghe lá thu thương tình bao kiếp người mong manh.
Hề Thu ơi ới
Hề Thu ơi ới
Hương thắm xưa đã về với những người chiến chinh
Bao khúc ca thanh bình vang tới ngàn dâu xanh.
Ở đầu nguồn, dòng nhạc kháng chiến chảy theo dòng nhạc hùng kêu gọi toàn dân đứng lên tận diệt kẻ thù chung. Tôi không thấy có một tác giả nào có tư tưởng về mùa Thu cách mạng như Phạm Duy trên đây, một cái nhìn và một cảm nghĩ khác biệt, nếu không nói là ngược lại trào lưu chung, nếu kết tội nhẹ thì là tư tưởng tiêu cực. Kháng chiến chưa đầy một năm, đã mơ "câu thái hòa, ngàn dâu xanh" và "không còn oán thù".
Thu đã về với ta
Nhớ tiếc không oán thù
Ta nghe chăng một mùa ?
Thu bao la, vang tiếng bom cuối cùng
Còn đây mùa gươm súng
Khi lá hoa bừng sống với non sông
Nhớ tiếc không nát lòng
Ta nghe chăng một mùa ?
Thu muôn năm hoà bình
Hề Thu ơi ới
Hề Thu ơi ới
Thu ơi Thu ! Ta vỗ súng ca
Ca cho đời, cho Thu với ta
Nơi biên khu, mong nhớ khúc ca
Câu Thái Hoà cho muôn chúng ta
(Thu Chiến Trường 1946)
Dòng tư tưởng đảo ngược này còn được thấy rõ thêm lần nữa trong bài Chiến Sĩ Vô Danh:
Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng
Núi cây rừng
Lắng tiếng nghe hình dáng
Của người anh hùng
Lạnh lùng theo trống rồn
Trên khu đồi nương
Im trong chiều buông
Ra biên khu trong một chiều sương âm u
Âm thầm chen khói mù
Bao oan khiên đang về đây hú với gió
Là hồn người Nam nhớ thù.
Khi ra đi đã quyết chí nuôi căm hờn
Muôn lời thiêng còn vang
Hồn quật cường còn mang đến phút chiến thắng
Sầu hận đời lấp tan
Gươm anh linh đã bao lần vấy máu
Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình
Rừng trầm phai sắc
Thấp thoáng tàn canh
Ôi người chiến sĩ vô danh!
Ở đây, chàng trai 24 tuổi Phạm Duy có trái tim và cặp mắt của một ông già suy tư về cuộc chiến và về người chiến sĩ. Phạm Duy đã thấy cái số phận của những người bị khoác cho cái lốt anh hùng và bị đem ra làm vật hy sinh cho "những làn kiếm thép oai hùng đưa"... Để trở thành những viên gạch xây thành cho các ông tướng ngất nghểnh ngồi nhậu rượu Mao Đài gặm sườn chó và đùi mỹ nhân trong trướng gấm "mà thời gian luống vô tình"!
Cũng nên nhắc lại lúc đó nhạc hùng kêu gọi toàn dân vùng lên giành độc lập nở rộ như một vườn hoa lửa đỏ rực. Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao, Thượng Lộ Tiểu Khúc, Lên Đàng của Lưu Hữu Phước, Cách Mạng Tháng Tám của Việt Lang, Đời Sống Mới của Nguyễn Đức Toàn, Xuất Quân của Phạm Duy... Từ Nam Quan đến Cà Mau, lòng người là một biển lửa có thể thiêu rụi quân thù tức khắc. Không có gì khác ngoài tiến lên, phục thù, súng nổ vang, kiếm thép đưa... Phạm Duy đi lẫn trong đội ngũ nhạc sĩ yêu nước đó với điệu kèn đồng Xuất Quân, tay vung gươm tráng sĩ.
Nhưng phía sau một Phạm Duy đó, còn một Phạm Duy khác, một Phạm Duy của Thu Chiến Trường và của Chiến Sĩ Vô Danh. Cái hùng tráng của Văn Cao, của Lưu Hữu Phước, Phạm Duy có, nhưng cái bi ai của Phạm Duy, Văn Cao và Lưu Hữu Phước không có. Điều này làm cho Phạm Duy khác người, đó là tính chất triết học trong tác phẩm Phạm Duy. Anh chàng nhạc sĩ sớm mang kiếng cận thị này đã nhìn sự vật sâu hơn những đồng nghiệp không mang kiếng.
Đằng sau những cuộc chiến đấu cực kỳ say máu kia là gì? Là tro than, là xác xây thành, là những con người vô danh rồi đây đã chắc có ai buồn nhớ tới. Một chàng thanh niên ngồi ôm súng nhìn trời đất, mong thái bình, ước mơ một mùa thu nào khác.
Trong một tâm sự lạ lùng, vào thời đại của nhạc hùng đó, Phạm Duy còn vẽ nên một bức tranh hãi hùng Nợ Xương Máu chưa từng thấy trong văn học nghệ thuật Việt Nam. Và đây cũng là một "mặt nhỏ" khác của tình yêu Tổ Quốc:
Giờ đây xương máu đã phơi đầy đồng
Giờ đây máu hồng đã nhuốm non sông
Ai nghe không sa trường lên tiếng hú ?
Tiếng lầm than, những tiếng người đời quên
Đi lang thang, tiếng cười vang rú
Xác không đầu nào kia ?
Cười lên tiếng máu xé tan canh trường :
Nợ nần máu xương, ai đã trả xong ?
Lá rụng tơi bời
Đoàn quân tiến qua làng
Từng thanh kiếm đứt ngang
Từng lớp áo rách mướp
Từng cánh tay rụng rời.
Qua làn mây trắng
Đoàn quân tiến về trời
Ầm rung tiếng sa trường
Như nhắn nhủ người trai mài kiếm dưới trăng
Ai nghe không tiếng cười vang the thé ?
Tiếng người la, những tiếng rồn rập ca
Ai lang thang, tiếng cười lên chới với ?
Xác không đầu mà vui
Người đi chiến đấu, xác rơi ngoài đồng.
Nợ nần máu xương, ai nấy trả xong !
Một đoàn quân dị thường (toàn những chiến sĩ không đầu) trong một cuộc chiến đấu dị thường (tiến quân về trời) được nhìn và vẽ ra bằng đôi mắt đôi tay dị thường. Có thể nói Phạm Duy nhìn đời và diễn đạt lòng yêu nước từ mọi góc độ, không cứng ngắc, cố định, không theo lối mòn, không giống bất cứ ai. Bất cứ sự vật nào cũng có nội tâm, nếu chỉ diễn tả bên ngoài thì không thể tránh khỏi sai lầm.
Phạm Duy nhìn được sự đau khổ của chinh chiến núp ở đằng sau sự vinh quang của chiến đấu. Phạm Duy biết rõ hơn người khác những niềm vui nỗi khổ của nhân dân, vì đã từng biết từ sự ấm áp của ổ rơm, sự ngọt bùi của củ khoai vùi tro bếp, từ bông lúa, con trâu trở lên tiếng đàn của công chúa ở lầu vàng.
Triết học là từ dân gian. Tự nó đã có, người tinh mắt thì nhặt lấy và đúc thành chữ, người không tinh mắt thì cho nó qua. Thế thôi. Phạm Duy tinh mắt, đã đành. Phạm Duy còn có cả mắt nhìn xa ngàn dặm, nhìn thấu suốt lòng người. Do đó lắm khi ta thấy, như ở trên, Phạm Duy có những suy tư khác người, có khi còn ngược lại, nhưng cái ngược lại của Phạm Duy lại là cái xuôi, cái nghịch lý lại là thuận lý.
Một đoàn người trai hiên ngang
Đeo trên vai nợ máu xương
Một trời Việt yêu dấu
Một nền vinh quang bằng máu
. . . .
Ngày nào phơi xác nhớ không?
Thây rơi mênh mông trên khắp phố phường
Thân ôm tường đầu gục đâu
Thây rơi trong đêm khuya lấp chiến hào
(Khởi Hành 1947)
Để thấy sự khác biệt của Phạm Duy và các nhạc sĩ khác thời bấy giờ, tôi xin ghi lại mấy câu hát Mặc Niệm (không nhớ tác giả):
Đêm hôm nay người chiến sĩ thở hơi tàn
Trời u ám trăng mơ màng
Ngoài đồng vắng dế thở than
Chiến sĩ ơi, buồn khôn xiết
Người gọi lòng, ta mến tiếc...
Rằng hay thì cũng thật hay, nhưng tình cảm đó rất thường, còn nói về nghệ thuật thì nó hiền. Cho nên hôm nay chắc không mấy ai còn nhớ bài hát này nữa. Dưới mắt Phạm Duy, người chiến sĩ "đeo trên vai nợ xương máu" chứ không phải đeo cái ba lô và súng đạn! Và cái chết của chiến sĩ là "về trời", là hóa thành "bụi hồng tỏa khắp không gian". Không có một nhạc sĩ nào mô tả cảnh chiến trường, người chiến sĩ, cuộc chiến đấu như Phạm Duy kể từ 1945 cho tới ngày nay.
Ở trên kia bạn thấy chàng chinh phu, chiến sĩ xung phong, chiến binh ở góc rừng... Đó là những "mặt nhỏ" của viên hột xoàn yêu nước. Bây giờ thì xin nêu lên một "mặt nhỏ" khác. Những bạn cùng lứa tuổi tôi hoặc cao niên hơn có đi kháng chiến, ai cũng biết bài hát bất hủ này:
Một mùa thu năm qua cách mạng tiến ra đất Việt
Từng ngàn tiếng thanh niên tung gông phá xiềng...
Hào hùng oai võ biết bao nhiêu. Ta thấy lòng yêu nước bừng như lửa thiêng.
Đoàn người trai ra đi miệng hô lớn
Quyết chiến! Quyết chiến!
Chân oai nghiêm đều tiến
Một ngày qua thanh niên giã từ giấc mơ
Phất cờ hồng nhuộm máu đấu tranh cho muôn kiếp sầu
. . . . . . . . .
Quyết chiến, quyết chiến lúc chưa phai tuổi xanh
Tuổi xanh như lúa mai, đời thanh niên sáng tươi
. . . . . . . . . . .
Đường ta, ta cứ đi, nhà ta, ta cứ xây
Ruộng ta, ta cứ cày đợi ngày
Ngày mai bao ấm no, diệt tan quên Pháp kia
Cười vang ta hát câu Tự DO
(Nhạc Tuổi Xanh 1946)
Biết bao ý tưởng cao đẹp trong tim nguời thanh niên bật ra thành lời ca vừa hùng tráng vừa trữ tình, vừa thực lại vừa mộng tương lai. Người hát vừa ngẩng mặt vừa thét vang trời mây mà không lạc giọng và tưởng mình mọc cánh thành thiên thần.
Bạn đã từng hát nhạc tuổi xanh khi tuổi bạn còn xanh, bây giờ chắc tóc đã bạc, hãy hát lên, tóc bạn sẽ xanh trở lại, bản nhạc hay nhất thời kháng chiến chống Pháp. Nếu bạn chưa từng biết cuộc kháng chiến này, xin vẫn hát nó, bạn sẽ hiểu vì sao hồi ấy ta cướp được chính quyền bằng tay không? Bạn còn trẻ quá, càng khó hiểu kháng chiến chống Pháp, hãy hát nó, bạn sẽ thấy lớp cha chú hy sinh không phải là phí uổng. Phạm Duy đã sống với những ý tưởng cao đẹp, với tình yêu tổ quốc vô song của thời niên thiếu và đã diễn đạt nó ra để hiến dâng lại cho dân tộc.Mỗi một bài hát của Phạm Duy như một cột số trên con đường chiến đấu vinh quang giành độc lập cho tổ quốc. Phạm Duy đã đem vinh quang tô thấm nước nhà. Phạm Duy đã nung nấu lòng yêu nước và chí căm thù giặc cho chúng ta.
Nếu anh chết bởi quân thù
Súng kia hoen máu đợi chờ tay em
Nếu cha chết bởi quân thù
Súng kia hoen máu đợi chờ tay con
Nếu tôi chết bởi quân thù
Súng kia hoen máu đợi chờ tay anh
Ra chiến trường kia
Rửa thù, là rửa thù
(Dặn Dò 1947)
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời giặc Pháp có thương dân mình
Trách ai uốn lưỡi cầu vinh
Bán quê hương nỡ quên tình nước non
(Ru Con 1947)
Bạn đã thấy Phạm Duy diễn đạt Tình Yêu Tổ Quốc qua nhiều "mặt nhỏ", bây giờ lại xin nêu lên một "mặt nhỏ" khác nữa :
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người vợ hiền
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương đàn trẻ nhỏ
(Nhớ Người Ra Đi 1947)
Tình yêu Tổ Quốc nằm trong tình yêu gia đình. Và trong cả tình cảm đối với những ai không cùng chiến tuyến.
Bên tê là phía sầu u
Có người dân Việt gục đầu trên đất tù
. . . .
Anh ơi quay súng về đây
Máu người dân Việt còn cần cho luống cày
Tôi mong từng phút từng giây
Sống chẳng oán thù, để chờ anh tới đây
(Gọi Người Bên Kia 1947)
Nhà nghệ sĩ nhân danh luống cày, nhân danh tự do để gọi người bên kia (Phạm Duy đã không dùng chữ "lầm đường" như người bên kia vẫn thường dùng cho người bên này). Phải chăng đó là tiếng gọi của đất nước qua trái tim rung động của Phạm Duy mà thành nhạc? Phạm Duy chỉ khẽ gọi, nhưng tiếng khẽ ấy mạnh hơn súng đạn và cùm gông.
Sức người dân Việt còn cần cho luống cày
. . . . .
Bên kia là đất tù
Bên ni là phía Tự Do
Sống chẳng oán thù
Cái ý tưởng "sống chẳng oán thù" đã xảy ra từ Thu Chiến Trường để bùng nổ như mùa hoa bát ngát về sau. Đối với đất nước, Phạm Duy luôn luôn cầu nguyện một câu "thái hòa" và "xóa bỏ hận thù", "sống như anh em một nhà, biết thương nhau".
Các bài hát Hội Nghị Diên Hồng, Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước là những nhạc phẩm biểu hiện tuyệt vời lòng yêu nước Việt Nam. Những bài Việt Nam Việt Nam, Tình Ca của Phạm Duy cũng là sự biểu hiệu tuyệt vời đó, nhưng ngoài ra, Phạm Duy còn vô số "mặt nhỏ" khác mà có lẽ tôi không thể kể ra hết nổi. Trong chương này chỉ đề xuất một ít.
Tôi xin nhảy vọt một bước thời gian 20 năm để thấy rằng Phạm Duy diễn đạt Tình Yêu Tổ Quốc bằng một ngày hình tượng và tình cảm tinh vi. Phải chăng đây là sự đau đớn dằng dặc của Phạm Duy khi nói với các con các cháu sau một chuyến đi xa:
. . . . . . .
Cha muốn thưa rằng địa cầu xoay nhanh
Sao nước non mình còn nhiều điêu linh?
Ai đã cố tình gây cuộc đua tranh
Đem cháu con mình làm vật hy sinh
Đất nước hai miền, chật chội oan khiên
Người Việt, nước Việt đau thương
Thế giới là thủ phạm lâu năm.
(Kể Chuyện Đi Xa - 1970)
Đó là một sự tổng kết về một hiện tượng, hiện tượng Việt Nam lầm than Phạm Duy đã cảnh tỉnh cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc (xúi giục, kiếm chác) nhưng người ngoài không nghe đã đành vì họ có bao giờ vì nước vì dân mình, còn người trong cuộc lại cũng không nghe, đó mới lạ.
Họ chỉ thấy vinh quang trước mặt (đã chắc là vinh quang?) Họ không chịu nhìn tro than sau lưng (chắc chắn là tro than). Bây giờ thì càng rõ. Đã rõ, không có vinh quang, chỉ có lầm than.
Trong khi lửa bừng bừng, trong tiếng bom rung đất và đằng sau ánh lửa liên hoan mừng chiến thắng, Phạm Duy ngưng tiếng đàn, Phạm Duy nghiêng tai nghe trong màn đêm thôn xóm.
Cũng như trước kia,vào thời tiền chiến, sau những cuộc truy hoan, Phạm Duy nghe được tiếng chân lầm than trên đường khuya Hà Nội thì bây giờ Phạm Duy nghe ra :
Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai
Có tiếng o nghèo thở dài
... ở nơi
Quê cũ đã nghèo lắm rồi
Thêm đói thêm sầu mà thôi
(Quê Nghèo 1947)
Phạm Duy nhìn sâu vào khía cạnh tàn nhẫn của chiến chinh, dù đó là cuộc chiến chinh gì đi nữa thì tro than vẫn cứ là tro than chứ không là lúa gạo. Phạm Duy nâng đàn lên, nước mắt rưng rưng khi em bé mồ côi (cha bị giặc chặt đầu) giật mình trong giấc ngủ trẻ thơ, thấy được cảnh khăn tang cũng hoen tiếng cười trong buổi... chiều khô nước mắt rưng sầuTan thân thiếu phụ nát đầu hài nhi Phạm Duy nước mắt tràn đầy khi thấy người mẹ có con trai bị giặc chặt đầu bêu cao giữa chợ, tìm nguồn vui ở những chàng trai trẻ khác, trong đó có Phạm Duy:
Mẹ già đi nấu nồi khoai
Bưng lên khói hương mờ bay....
(Bà Mẹ Gio Linh 1948)
Và giữa cuộc chinh chiến mù trời, Phạm Duy chỉ mong mỏi sớm có ngày
Về đây với lúa với nàng
Thay bao nỗi khổ tiếng đàn tôi mừng reo!
(Về Miền Trung - 1948)
Đó là của tấm lòng một người yêu nước. Xin được trả nợ máu xương, đem vinh quang tô thắm nước nhà... nhưng không bao giờ chỉ cười đắc thắng trong vinh quang mà quên khóc ròng vì những nỗi khổ của người dân.
Chương XX. Mật Ngọt Quê Hương
Một Bản Tình Ca
Tôi yêu tiếng nước tôi nhưng không đợi tới tuổi trưởng thành mà ngay từ lúc oa oa khóc chào đời kia. Từ khi chưa biết gì mà đã yêu rồi. Tiếng khóc đó chính là biểu hiện một tình yêu, một tấm lòng yêu nước hồn nhiên của con người vừa sinh ra đã có. Tiếng khóc đó chính là một ngôn ngữ thiêng liêng của dân tộc.
Mẹ hiền ru những câu xa vời nghe man mác tình quê, nghe thổn thức gan vàng, nghe xốn xang tấc dạ.
Tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi, tiếng ru muôn đời... Có tiếng nào, có tiếng của ai sống muôn đời. Chỉ có tiếng ru của mẹ, tiếng nói của nước tôi là muôn đời thôi!
Mở đầu chương này, tôi xin được nêu ra một hai ý tưởng về bài Tình Ca bất hủ của nhạc sĩ như trên.
Câu chuyện trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư Lớp Đồng Ấu kể lại rằng: Một du khách đi xa lâu lắm mới về làng. Bà con xúm lại thăm. Có người hỏi: "Bác đi khắp nơi, xem cảnh, xem người theo Bác ở đâu đẹp hơn cả?" Du khách đáp ngay: "Cảnh đẹp tôi ngắm đã nhiều, nhưng không nơi nào bằng quê hương ta cả." Giờ đây sống trong cảnh nước mất nhà tan, phải thất thế ly hương, ta mới thấy câu truyện trên đây vô cùng thấm thía.
Câu chuyện đó làm cho ta nghĩ tới Phạm Duy. Hơn bất cứ ai, Phạm Duy đã rót vào lòng ta những giọt mật ngọt ngào của quê hương. Phạm Duy làm cho ta nhìn quê hương rõ hơn, làm cho ta yêu quê hương hơn lên. Phạm Duy đã tiêm những liều thuốc quê hương vào mạch máu của chúng ta. Lắm khi ta yêu nhưng ta không hiểu rõ vì sao, yêu bằng bản năng tự nhiên không có phân tích, như ta đói ta tìm ăn, ta khát ta tìm uống. Và cũng lắm khi ta thấy cái đẹp nhưng ta không mô tả được nó: tiếng sáo diều, câu hát nhỏ, đôi má xinh, làn môi hồng, tà áo trắng... Phạm Duy đã mô tả hoặc lý giải giùm cho ta. Nhờ thế mà ta yêu, ta gắn bó, ta sống chết với quê hương ta hơn. Và cũng vì thế mà khi ta mất quê hương, ta đau khổ không nguôi, ta không thiết sống nữa bởi ta không thấy đâu đẹp cho bằng quê hương ta!
Yêu quê hương là chuyện dễ. Ai mà chẳng yêu quê hương mình? Nhưng nói lên được tình yêu quê hương là chuyện không dễ. Và chỉ có nghệ sĩ mới làm được việc đó mà thôi. Những nghệ sĩ vô danh đã để lại cho ta vô số tác phẩm như tranh cổ, ca dao, truyện dân gian. Nào quan họ Bắc Ninh, hát cò lả, hát trống quân, hò mái nhì, hò mái đẩy, vọng cổ, kim tiền... Nào là tượng Phật trăm tay, chùa Hương, Tháp Rùa, chùa Thiên Mụ...
Ta kế thừa cái vốn cổ mênh mông và vô giá đó có khi có ý thức, có khi rất hồn nhiên như tiếng khóc chào đời, như nước trong suối, máu trong tim.
Người Việt Nam thường tự hào có bốn ngàn năm lịch sử, điều đó rất chính đáng. Mặc dù quê hương ta nghèo nàn và nhỏ bé, ta vẫn yêu quê hương nhỏ bé của ta, ta vẫn yêu cái đời sống nghèo nàn đó. Vì sao? Vì nó phong phú vô cùng. Đó là đất nước quê hương của ta. Nơi công dân nào cũng làm thơ (Nguyên Vẹn Hình Hài). Và vì chúng ta biết yêu câu hát truyện Kiều, lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta (Tình Ca).
Đôi khi, trong đời sống của chúng ta, phần tinh thần nâng đỡ phần vật chất rất nhiều. Khi lao động vất vả, bà con ta ngồi nghỉ dưới gốc đa, nói chuyện tiếu lâm hay đánh một ván cờ, cảm thấy mệt nhọc tiêu tan. Đêm khuya tát nước, thanh niên nam nữ hát đối đáp nhau, yêu nhau qua câu hò tình tứ, cho nên đôi chân đạp nước như vượt ngàn dặm không biết mỏi. Chính nhờ vào nền văn hóa lâu đời đó mà dân tộc ta sống hùng cuờng và bất khuất. Lịch sử nước ta là một lịch sử oanh liệt hào hùng, nhưng cũng là một lịch sử chất chứa đau thương.
Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi. (Tình Ca)
Ta tự hào về quê hương. Phạm Duy, bằng những tác phẩm của mình đã tô điểm cho quê hương thêm phần đẹp đẽ. Một phần lớn tác phẩm của anh dành cho quê hương. Nhưng Phạm Duy không chỉ đưa ta đi tới những gì hùng vĩ nhất của quê hương, anh dắt ta vào luôn những nét nhỏ bé nhất, cơ hồ không ai nhìn thấy.
Muốn mô tả tình yêu, trước hết phải yêu thực sự, yêu ghê gớm, yêu nốc cả máu tim, yêu từ lúc nằm nôi cho đến khi lìa đời, từ ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mâu. Cũng như máy điện cao thế, muốn truyền điện mạnh cho các nơi, trước hết phải có điện cực mạnh. Điện là Tình Yêu. Biến nó mạnh hơn là sáng tác. Rồi trả nó lại cho cuộc đời. Quê hương ta là nhà máy điện. Phạm Duy bắt điện từ đó chuyển thành luồng điện cao thế, phát trả lại cho quê hương, điện mạnh gấp trăm, ngàn lần. Nói đến sông nước Việt Nam, trong bài Tình Ca bất hủ, Phạm Duy có những câu này: Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong Biết ái tình ở dòng sông Hương Sống no đầy là nhờ Cửu Long...
Mỗi con sông tượng trưng cho một miền. Sông Hồng quanh năm nước từ nguồn đổ xuống đỏ ngầu. Đã có thi sĩ mô tả nước sông Hồng đỏ nặng phù sa. Hay đấy, nhưng Phạm Duy còn cho màu đỏ đó một tình cảm. Tình cảm chờ mong. Dữ dội hơn nhiều. Sông Hồng chờ mong người về, chờ mong lâu quá nên đỏ lên. Như ta thường nói: mẹ mong con, vợ mong chồng "đỏ" con mắt.
Sông Hương mà các vị khác như Nguyễn Văn Thương (Trên Sông Hương), Lưu Hữu Phước (Hương Giang Dạ Khúc), Dương Thiệu Tước (Đêm Tàn Bến Ngự) đã mô tả bằng cả một ca khúc, đến Phạm Duy thì chỉ cần một câu: Biết ái tình ở dòng sông Hương. Là đủ rồi.
Trong bài Tình Ca, ở đoạn giữa, Phạm Duy hát: Những câu hò giận hờn không nguôi Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi...
Chúng ta hiểu những câu hò giận hờn không nguôi đó là gì? Có thể là: Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay Hay là: Khăn bàng lông cắc mốt, nó tốt như sồng Anh muốn mua cho em đội, lại sợ chồng em ghen...
Những mối tình không thành nhưng không tan, cho nên "nhớ nhung hoài" không nguôi. Chữ ngoại quốc chắc không có chữ để dịch tiếng "hờn" và tiếng "nguôi". Còn tiếng "hoài" là tiếng người miền Nam hay dùng, người miền Bắc dùng chữ "luôn", nhưng ở đây Phạm Duy dùng chữ "hoài" hay vô tả. Nếu viết nhớ nhung luôn, hay nhớ nhung mãi (không kể chuyện ăn theo với dấu nhạc) thì không thể sánh với nhớ nhung hoài.
Trong một Điệp Khúc, anh hát: Một yêu câu hát truyện Kiều Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta.
Nối liền câu hát truyện Kiều vào tiếng sáo diều, còn cho cả hai thứ đó đều lẳng lơ như nhau. Nghe mãi cũng chẳng thể mòn, nói theo kiểu ca dao: Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn Chính chuyên cũng chẳng sơn son thếp vàng.
Xin tiếp tục hát điệp khúc của bài Tình Ca: Và yêu cô gái bên nhà Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên.
Ca dao Việt Nam có bài Mười Thương (hay Mười Yêu cũng thế): Một yêu tóc bỏ đuôi gà Hai yêu ăn nói mặn mà có duyên Ba yêu má lúm đồng tiền Bốn yêu răng lánh hạt huyền kém thua.
Trong mười nét đáng yêu đó, Phạm Duy chỉ yêu lấy một, lại là nét chính yếu. Thế cũng đủ rồi. Vì miệng đã xinh, ăn nói lại có duyên, và nói lên tiếng mẹ đẻ yêu quý... thì những nét còn lại cũng không quan trọng lắm.
Tôi đã mê mải đưa các bạn cùng đi vào quê hương (tên một ca khúc khác của Phạm Duy) không phải bằng xe traction chở mìn Claymore (lời ca trong bài đó) mà bằng bánh xe của trái tim. Chỉ bằng một bài hát nhỏ (so với hai bản Trường Ca) là bài Tình Ca, ta đã thấy tất cả Việt Nam nằm trọn trong đó, không sót một nét nào. Từ con sông, tiếng hát, giọng hò đến dãy núi, từ chiếc nôi đến lịch sử trôi, ròng rã tiếng cười tiếng khóc, từ tiếng sáo diều đến truyện Kiều, đến cô gái bên nhà, từ tấm áo nâu của em bé, của mẹ già đến bác nông phu, từ rừng cao đến mũi Cà Mau, từ những anh hùng Lý, Lê, Trần đến những anh hùng của mai sau v.v..... Đất Nước, Con Người, Tiếng Mẹ của Việt Nam đã được Phạm Duy thể hiện với đỉnh cao nhất của tình cảm quê hương.
Tác phẩm của anh, do đó không chỉ là để làm ngọt lỗ tai chúng ta. Lời ca, nét nhạc như là những giọt mật ứa ra từ lòng Tổ Quốc và Phạm Duy đã hứng lấy để âu yếm rót vào lòng ta, những khi chúng ta phải mang trong lòng một con tim khô héo.
Ca ngợi quê hương, không có gì hơn nhạc Phạm Duy.
Chương XXI. Con Đường Cái Quan
Khi Hiệp Định Geneve chia đôi nước Việt Nam vào năm 1954, Phạm Duy phản đối ngay lập tức sự chia cắt đó bằng âm thanh. Là một con người luôn luôn suy nghĩ tìm kiếm để sáng tạo cao hơn cái mình đã làm, Phạm Duy chẳng những là một nghệ sĩ cầu tiến mà còn là một người yêu nước. Thể hiện tình cảm của mình - cũng là của cả dân tộc - bằng lời ca tiếng nhạc, Phạm Duy đã đi tiên phong trong vấn đề thống nhất đất nước. Băng tình cảm, bằng thông cảm, bằng "ngồi gần ngồi gần nhau" (Tâm Ca số 3) và nếu cần phải dùng khí giới thì phải là "khí giới Tình Yêu".
Thống nhất những kẻ bất đồng ý kiến với nhau phải được giải quyết trên căn bản tình yêu đất nước. Yêu đất nước để có thể yêu nhau. Vì nếu đặt tình yêu đất nước thành cơ bản của mọi cuộc giàn xếp thì sẽ đi đến kết quả. Do sự trái ngược ý niệm cho nên đất nước ta đã bị chia cắt một lần dưới thời Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi bị chia cắt lần nữa vì ý muốn của các cường quốc. Nước ta với hai miền chung sông liền núi mà phải chịu cảnh chồng Bắc vợ Nam, ngày trông đêm đợi. Và sau 75 thống nhất được về mặt địa dư lãnh thổ rồi, thì tình cảm càng tả tơi ly tán hơn bao giờ hết. Đất nước như vậy còn bị chia cắt hơn xưa. Cho nên ta chỉ có và chỉ còn giữ được sự thống nhất trong tình cảm, trong mơ ước, trong ý niệm mà thôi.
Hãy nghe tác giả giới thiệu Trường Ca Con Đường Cái Quan:
"... Trường ca đưa ra một lữ khách đi trên con đường xuyên Việt, đi từ Ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mau, đi từ ngày lập quốc cho tới khi đã hoàn thành xứ sở, đi trong lịch sử và lòng dân, đi tới đâu cũng có tiếng dân chúng địa phương ca hát chúc tụng lữ khách đi nối liền được lòng người và đất nước...
Như vậy là ta khỏi phải đi tìm cái ý nghĩa hoặc cái thâm ý của tác giả. Như chúng ta đã biết, qua nhiều tác phẩm bất hủ, Phạm Duy đã từng biểu lộ tình yêu quê hương của mình một cách vô cùng sâu sắc. Nếu Trường Ca Mẹ Việt Nam là một bài thơ phong phú về vần điệu lẫn ý tứ và kiến trúc thì Con Đường Cái Quanlà một thiên truyện có nhiều nhân vật, có tính chất kịch và có kết luận hẳn hoi. Nó là một nhạc kịch vậy.
Tôi nói nó có kịch tính là vì nó mang nhiều loại tình cảm, khi buồn thì giận ghét oán thương lẫn lộn, khi vui thì bốc lửa, sảng khoái đê mê, chứ không vui vui buồn buồn chung chung. Nó có quá nhiều nhân vật và cảnh trí.
Mở đầu, ta thấy một cô cắt cỏ than thở cùng lữ khách. Rồi lữ khách cùng đi với hằng trăm người con của Mẹ Âu Cơ và gặp Nàng Tô Thị. Trên đường tiễn lữ khách về xuôi thì có một đám người Thượng du. Sau đó, lữ khách gặp cô lái đò miền Trung du. Rồi dân chúng Thủ Đô Thăng Long hát chào lữ khách. Suốt đoạn này, tình cảm nổi bật là ý chí lên đường khai sơn phá thạch của tổ tiên. Cảnh trí hùng vĩ và rất cổ phong như: biên ải quan san, chiến công chiến sử, núi Vọng Phu, nhà sàn bên đường hoang, thác đổ, quán mới dưới chân đèo, bến sông Thương nước đục, trăng tơ trên năm cửa ô Thăng Long thành, Tháp Rùa, Hồ Gươm, phố cổ mái rêu...
Đoạn giữa là lũ trẻ tung tăng, là mẹ ôm con ru ngủ, là dân làng giã gạo ngày xưa, là cô gái Huế, là chúa Trịnh dắt lính vào đàng trong... Sự xuất hiện của Công Chúa Huyền Trân là một kịch lớn vì nó gánh vác cả một thảm kịch tình yêu. Tình cảm của cả đoạn giữa này là tình yêu nước nhưng pha thêm mầu xót xa ai oán. Cảnh trí phù hợp với tình cảm: Truông nhà Hồ, Phá Tam Giang, đường xa sông rộng, Tháp Hời, canh khuya chùa Thiên Mụ, sông Hương lờ đờ, ruộng nghèo bên cồn cát dưới đèo Hải Vân, đèo Cù Mông...
Đoạn ba, đoạn chót của Trường Ca, có cô gái miền Nam mái tóc xuề xòa và hàm răng xít xa, có dân chúng Tiền Giang, Hậu Giang. Cuối cùng, có toàn thể nhân dân ba miền sum họp. Phù hợp với tình cảm hạnh phúc chan hòa, cảnh trí rực rỡ với nắng chói trong vườn cây trái chín, xóm chuối xóm dừa... Thôn ấp rộn ràng bên kênh đào có cá lội thướt tha, có tiếng chày giã gạo bên bờ ao ấm cúng. Ta có thể hình dung thêm đám cưới của lữ khách với cô gái miền Nam nữa.
Tuần tự từ đầu tới cuối, nhân vật mới, cảnh trí mới, sự việc mới... hiện dần ra như trong một đại nhạc kịch. Chúng ta phải vừa nghe, vừa xem lời trường ca thì mới thấy thích thú hơn. Tôi còn thấy ở trong trường ca này một bài học về lịch sử, học mãi không thấy chán, càng học càng thêm yêu đất nước, càng tự hào về dân tộc ta... Người già nghe để ngẫm nghĩ thêm, lớp trẻ nghe để nuôi chí tiến thủ, trẻ con nghe để biết quá trình chiến đấu sinh tồn của dân tộc, người ngoại quốc nghe để hiểu rõ lịch sử chúng ta. Đây là một công trình nghệ thuật lớn lao được hun đúc bằng tâm hồn dân tộc và sẽ còn sống mãi cho tới khi người Việt Nam thống nhất đươc đất nước bằng cả phương diện: tâm hồn.
Xin hãy theo chân lữ khách, đi lại bước đầu của con đường thống nhất con tim này. Ta thấy cô thôn nữ ngừng tay cắt cỏ, hát ví:
Hỡi anh đi đường Cái Quan
Dừng chân đứng lại
Cho em đây than đôi lời
Đi đâu vội mấy anh ơi ?
Lữ Khách trả lời:
Tôi đi từ ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ
Chia đôi một họ trăm con đã lên đường
Khi ta học bài học lịch sử đầu tiên, thầy giáo dạy ta rằng Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, sinh ra 100 trứng nở ra 100 con. 50 con theo Cha lên núi, 50 con theo Mẹ xuống biển. Thầy dạy truyện thần thoại ta là dòng giống Tiên Rồng. Phạm Duy đã thuộc truyện thần tiên đó nhưng khi đưa vào trường ca thì không phải chỉ làm chuyện sao chép:
Năm mươi người ngược núi rừng
Đã dựng vòng biên ải
Năm mươi người trẩy theo sông tới khơi chừng
Chữ "biên ải" mà Phạm Duy dùng, nghe có vẻ xa thăm thẳm, mờ mờ lớp khói sương của rừng, nhưng lại mang tính chất khai phá, lập quốc, dựng biên cương. Chữ "khơi chừng" thì không chỉ mang ý nghĩa sông nước chật hẹp, mà là vươn ra biển khơi, mở rộng biên cương.
Tôi theo người vượt quan san
Ơi người ơi ! Ơi người ơi !
Vẽ lối mòn gìn giữ quê hương ngăn dường giặc Hán
Tôi chưa về Ải Chi Lăng
Ơi người ơi ! Ơi người ơi !
Dưới chiến bào người thấy băn khoăn thương ai đầu nguồn.
Như vậy là lữ khách đã đồng hóa với người áo vải anh hùng đất Lam Sơn, xua đuổi giặc Hán xâm lăng và con đường ngắn ngủi từ Ải Nam Quan tới Ải Chi Lăng đã được xây bằng biết bao nhiêu xương máu rơi. Mới ra đi mà đã nhớ thương người đầu nguồn, là đồng bào ruột thịt cùng ta vừa dựng nước, là người chinh phụ Việt Nam thủy chung sắt đá, ở nơi địa đầu nước Việt Nam, tên gọi Đồng Đăng, Kỳ Lừa có chùa Tam Thanh. Tô Thị trong trường ca khuyến khích người chinh phụ ra đi, để mình được thành đá (ý này hay vô cùng):
Và khuyên người chẳng tái hồi
Cho (nàng) ngàn năm được sống đời vọng phu
Chinh phu hay lữ khách không còn bận tâm vì Nàng Tô Thị, nên rảo bước về miền xuôi (đoạn này thật bi tráng và trữ tình):
Người về miền suôi đem theo tình người miền núi
Nhà sàn lả lơi đứng bên đường hoang vắng soi
Đưa chân anh qua đồi
Cơm lam đem theo người Lên cao anh ôm trời
Để dòng suối lẻ loi...
Ta lại chợt nhớ tới "dòng suối tương tư" của bản Nương Chiều. Phạm Duy đã dùng những câu ca ngắn và nét nhạc đi lên từng cấp, từng cấp... để diễn tả con đường núi quanh co, ngập ngừng, khúc khuỷu để rồi khi lên tới đỉnh cao nhất, nhìn thấy bao la vùng xuôi thì bước chân lữ khách thong dong dễ dàng hơn với lời ca nét nhạc mở rộng.
Đường về ruộng dưới ngát hương củi rừng gạo núi
Vượt tầm đèo khơi thấy con đường lúa tươi cười.
Đường về miền xuôi biết bao đò bao quán mới
Đường dài mà vui hÀơi người bạn đường nặng vai...
Khi lênh đênh trên tàu để sang Paris du học, Phạm Duy được tin Hiệp Định Genève được ký kết. Phạm Duy vừa vui vừa buồn. Vui vì chiến tranh chấm dứt, dân tộc thoát khỏi cảnh chết chóc của đao binh, buồn là vì đất nước chia đôi, nhát dao chém ngang thân mình.
Phạm Duy phản đối việc chia cắt đất nước bằng Trường Ca Con Đường Cái Quan. Chúng ta thấy sự phản đối ấy còn tồn tại đến bây giờ trong lòng mỗi chúng ta: âm thanh của bản nhạc. Âm thanh không sờ mó được, nhưng nó dội vào tâm não con người, đánh thức nó dậy để nó nhận ra điều phải quấy hoặc làm cho nó nguội đi nếu nó đang bốc cháy, bốc đồng, hoặc làm cho nó ấm lên nếu nó đang lạnh lẽo.
Thật vậy, ta có thể tìm thấy Phạm Duy ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào, từ Nam Quan tới Cà Mâu, trong nắng sớm mưa chiều, trong chớp bể mưa nguồn, khi chiến thắng lúc chiến bại, trong niềm vui nỗi buồn. Phạm Duy tới với ta, trao cho ta "vũ khí tình yêu quê hương" để an ủi, thúc giục ta cùng tiến bước.
Trường Ca Con Đường Cái Quanlà một mảng nhỏ trong sự nghiệp vĩ đại của Phạm Duy nhưng lại là tác phẩm lớn của Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam trong đề tài ca ngợi Tổ Quốc. Phạm Duy thuộc truyện truyền kỳ lịch sử Việt Nam từ ngày còn đi học trường Nguyễn Du, truyện bố Rồng mẹ Tiên, truyện đẻ ra trăm trứng... những truyện ấy đã thấm sâu vào tâm hồn, có thể nói biến thành tế bào trong cơ thể của nhạc sĩ. Thêm vào đó những hoạt động nghệ thuật từ 21 tuổi tới giờ, nhạc sĩ có dịp đi khắp đất nước Việt Nam, trong hành trình lưu diễn của gánh hát Đức Huy (1943-44) rồi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khởi đầu từ 1945. Phạm Duy Nam Tiến. Phạm Duy trở ra Bắc rồi lại Nam Tiến lần thứ hai. Kháng chiến toàn quốc, Phạm Duy đi khắp vùng thượng du, trung du và đồng bằng Bắc Việt, rồi lại Nam Tiến lần thứ ba khi từ vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh vượt Trường Sơn vào tới Bình-Trị-Thiên. Chưa một nhạc sĩ nào nhìn thấy rừng núi sông biển, sống với đồng quê thành thị Việt Nam như Phạm Duy cả. Sự kết đọng đó đã đưa thành Con Đường Cái Quan. một con đường trên mặt đất và trong tâm hồn dân tộc Việt Nam. Người Bắc chưa từng vô Nam coi mặt trời khi nghe Con Đường Cái Quancũng có thể hình dung ra miền Nam với cảnh:
Về Cần Thơ khơi kinh, khơi nước ngòi
Về Hà Tiên ta tiễn Chúa ra đảo khơi
Về Cà Mâu ta đốt biết bao lửa vui
Về miền Nam ta theo cơn gió đưa
Về miền quê ta theo cơn gió về
Về miền sông ăn cá nướng thơm ngày mưa.
Về đồng dưa ta tắm nắng vui đời ta...
Con Đường Cái Quan là kết tinh của ý chí thống nhất sơn hà về mặt lãnh thổ và là kết tinh của dân ca Việt Nam. Phạm Duy dùng ca dao và truyện dân gian một phần lớn cho tác phẩm này. Nét nhạc rất giản dị nhưng rất sâu sắc. Hơi điệu bị ảnh hưởng dân ca quan họ, cò lả, trống quân nên dễ đi vào lòng người. Đặc biệt khi lữ khách vào tới miền Nam thì nét nhạc khoẻ hơn lên. Bài Nhờ Gió Đưa Về mô tả một miền Nam cường tráng, dồi dào tình cảm qua những hình tượng tuy hoang dã nhưng rất đẹp :
Chiến đấu với sình lầy
Với thú dữ ư tràn đầy
V.ới lũ muỗi đặc dầy như đám mây
Chiến đấu với rừng tràm
Ta như ong từng đàn
Lập cuộc đời trên đất rừng hoang.
Lữ khách cảm thấy một niềm vui lớn khi đến đất miền Nam :
Vào tới xóm dừa
Vào vườn chuối la đà
Ôi là mát lòng ta
Bầu vú sữa tròn
Và mảnh trái thơm ròn
Hương sầu riêng ngọt ngon.
Ngồi trước bài hát, những dòng nhạc hiện lên trước mắt, tôi nghe như cơn gió mát của Cưủ Long Giang, của sông rạch miền Nam, tôi thấy như những hạt phù sa ửng lên lấp lánh từ bờ sông Hồng, từ bến sông Hương, tới bãi sông Cửu Long. Quê hương mà nay đối với mình bỗng trở thành Cố Hương !
Năm 1949 Phạm Duy 28 tuổi, tôi 19 tuổi, cả hai đều đi kháng chiến chống Pháp. Kẻ ở Việt Bắc, người ở miền Tây. Thời đó, Phạm Duy đã là cột trụ của âm nhạc rồi. Tôi mới tập tễnh làm thơ. Nay ngồi viết những dòng này bỗng nhớ lại "cố" hương thời khói lửa :
Đây quê hương, đó quê hương
Đồng quê lúa chín, cây vườn trổ bông
Tre mành mấy ngọn uốn cong
Sông đầy uốn khúc chảy ôm đường làng
Cheo leo cầu khỉ ai sang
Lơ mơ giọng hát nhịp nhàng võng đưa
Não nùng một tiếng gà trưa
Trâu nằm tư lự, hàng dừa trầm ngâm
Bỗng đâu xuất hiện "Con đầm" 1
Rồi còng cọc đến ầm ầm thả bom
Ngang Dừa (Rạch Giá) 1948
Bây giờ, sau gần 40 năm 2 lặn lội từ Ải Nam Quan, lữ khách đã tới mũi Cà Mau. Đứng ở chót mũi đất nhọn mọc nhô ra biển, nơi nhạc sĩ bị Pháp bỏ tù năm 45, lữ khách nhìn suốt con đường xuyên Việt như một cuộc vạn lý vân trình :
Đường đi đã tới !
Lòng dân đã nối !
Người tạm dừng bước chân vui, người ơi !
Người mơ ước tới
Đường tan ranh giới
Để người được mãi đi trong một duyên tình dài.
Đó là tiếng lòng của nhạc sĩ. Cũng là của toàn dân Việt Nam. Đó là ý chí Việt Nam đời đời bất diệt.
--------------------------------

1

"đầm già" là loại máy bay thám thính

2

Phạm Duy khởi soạn trường ca này năm 1954 và hoàn thành năm 1960

Chương XXII. Mẹ Việt Nam Không Son Không Phấn
Bản Tình Ca hiện lên như một người đàn bà rực rỡ mà không lòe loẹt, khoẻ mạnh chứ không thô kệch và dồi dào tình cảm có thể chinh phục mọi trái tim. Người đàn bà ấy cũng hiện thân trong một trường khúc nhan đề Mẹ Việt Nam mà Phạm Duy đã dựng lên 10 năm sau bản Tình Ca.
Nếu Tình Ca là một ca khúc ba đoạn ba điệp khúc thì trường ca Mẹ Việt Nam là một bài hát dài bằng lịch sử nước Việt Nam hay bằng chiều dài của nước Việt Nam. Tình Ca chỉ tổng quát toàn bộ Việt Nam với những sắc thái đặc biệt của nó, thì Mẹ Việt Nam đi sâu vào một nhân vật. Đó là người mẹ Việt Nam và những đức tính của mẹ. Nếu Tình Ca làm ta xúc động với những nét đặc tả thần kỳ thì Mẹ Việt Nam vừa mang những nét ấy lại vừa tạc thêm những nét làm ta kinh ngạc và thán phục tác giả hơn. Điều này xảy ra đến cho tôi khi tôi được đọc lời ca lần đầu và ngay ở những câu đầu:
Mẹ Việt Nam, không son không phấn
Mẹ Việt Nam, chân lấm tay bùn
Mẹ Việt Nam, không mang nhung gấm
Mẹ Việt Nam, mang tấm nâu sồng...
Một thi sĩ Hy Lạp, Ludemit Meleanos, khi tới Việt Nam năm 1962 đã cảm tác một bài thơ cũng hay. Mấy câu đầu như sau:
Việt Nam đất nước biếc xanh
Và dài như một chiếc đàn bầu
Mà cái gảy đàn là cầu Bến Hải.
Lúc đó các thi sĩ miền Bắc mới giật mình vì mình không viết nỗi mấy câu thơ đó! Cũng hay, nhưng nó chỉ mô tả bằng thể ví (comparaison) và chỉ mô tả về hình thể chứ không có nội tâm, thành ra không có chiều sâu mấy. Ta không trách nhà thơ vì ông là người ngoại quốc.
Trần Văn Giầu viết quyển Lịch Sử Việt Nam năm 1946 thì ví đất nước ta hình dáng một cô gái, hai đầu đòn gánh là hai thúng lúa. Hình tượng đó cũng đẹp, cũng gần sát với hình thể nước Việt Nam, nhưng cả hai sự mô tả của Meleanos và Trần Văn Giầu đều không thể sánh với bốn câu mở đầu của Trường Ca Mẹ Việt Nam.
Tôi nhớ lúc tôi vừa đọc xong mấy câu mở đầu của trường ca, tôi buông bản lời ca. Tôi thở dài. Tôi xin chịu. Không có ai mô tả Mẹ Việt Nam nổi đến thế. Mà chỉ trong có 16 chữ! Như thế là quá tài tình vì tả thể chất mà người đọc nhận thấy cả tâm hồn. Tấm áo nâu, rướn mình đi từ núi rừng cao ở bản Tình Ca càng nổi bật ở đây, vì là tấm nâu sồng của Mẹ Việt Nam là tấm áo nâu mang hồn sông núi. Những ý tưởng cao đẹp tuôn trào ra ngón đàn.
Ở một chương trước của quyển sách này hay ở đâu đó tôi không nhớ nữa, tôi đã bình luận về trường ca bất hủ này, ở đây tôi chỉ xin nêu lên những tư tưởng của tác giả.
Mẹ Việt Nam là kết tinh của những đức tính cao quý có từ những thần thoại ly kỳ của dân tộc:
Mẹ chờ mong ngày trông tháng đợi
Đời thần Trai đội đá vá trời
Với hồn Nữ Oa, mẹ giơ tay đón
Với tình nước non mẹ còn chờ mong
. . . . . . . . . . . . . .
Mẹ yêu chồng, có khi Mẹ là Châu Long
Trả nợ thay lòng vẫn giữ lòng
Trắng ngần sạch trong
Mẹ là Tiểu Kính Tâm
Lên chùa giải oan
Ôi xót thương trẻ khóc trong vườn
Trẻ con hoang! Ôi Mẹ từ bi
Giọt máu rơi này, mẹ nhận là con...
Các con của Mẹ có nhớ chăng? Mẹ...
... chôn đáy sông mối hận yêu chồng...
Và Chàng Trương gốc miền Nam Xương...
... Có buồn thương khóc
Rước Mẹ lên nước thiêng sẽ giải oan...
Mẹ xưa...
... Mẹ xuống sông rửa nhục anh hùng
Mẹ trôi trên dòng sông Hát
Nước ngược xuôi đưa Mẹ đi muôn nơi...
Ta thấy tất cả đức tính cao quý đều kết tinh ở Mẹ Việt Nam :
Nữ Oa: chí lớn
Châu Long: đảm đang
Kính Tâm: nhân ái
Thiếu phụ Nam Xương: trinh tiết
Trưng Nữ Vương: anh hùng.
Với sự sáng tạo phi thường, Phạm Duy đã làm tim ta nồng nàn hơn lên với tình yêu Mẹ Việt Nam, một bà mẹ của thần thoại và của dân gian, một bà mẹ có nhiều đức tính cao quý nhất trong các bà mẹ thế giới.
Nước Pháp có Jean d'Arc nhưng không có Châu Long, Kính Tâm, Thiếu Phụ Nam Xương, càng không có Nữ Oa. Trung Hoa có Thiếu Phụ Nam Xương, có Nữ Õa nhưng không có Trưng Triệu. Nhờ Phạm Duy, ta thấy được những điều này. Nhờ Phạm Duy, ta hiểu rõ mẹ ta hơn.
Mẹ ta với những đức tính, những vui buồn của một đời lận đận và với những nỗi chua xót của một đàn con trăm đứa...
... Chia đôi dòng nước, chia lìa dòng sông
Chia đôi bờ bến lạnh lùng
Cho Ngưu Lang Chức Nữ ngại ngùng
Nước ân tình đổi thành ra nước căm hờn
Chia sông Gianh phân tranh mộng đồ vương.
Chúng ta hãy nghe Phạm Duy mô tả tiếp Mẹ Việt Nam:
Mẹ chờ mong
Ngày trông tháng đợi
Đợi Thần Trai
Đội đá vá trời
Với hồn Nữ Õa
Mẹ giơ tay đón
Với tình nước non
Mẹ còn chờ mong...
Phạm Duy đã vận dụng dân ca cổ truyền vào nhạc mới, vận dụng ngôn ngữ Việt Nam, hiện đại hóa truyện cổ tích, ca dao, đồng dao, làm hẳn công việc biến cải chứ không phải sao chép. Anh tài tình ở chỗ đồng hóa Mẹ Việt Nam vào Đất Nước Việt Nam. Mô tả Mẹ là một gái quê mang tấm nâu sồng, chân lấm tay bùn rồi lại biến đổi Mẹ thành những người Mẹ trong truyền kỳ lịch sử. Mẹ lại còn được biến hóa ra là lúa xanh rờn, lúa dậy thì, là núi non, là biển cả nữa. Sự chuyển hóa rất hợp lý, vì nghệ sĩ có quyền sáng tác theo ý thích của mình. Molière tạo ra một ông bệnh tưởng, Nguyễn Du tạo ra Nàng Kiều. Cả hai nhân vật của hai tác giả đều được cường điệu hóa (exagéres) nhưng sáng tạo của hai ông rất là hợp lý. Do đó cả hai nhân vật đều rất thực.
Phạm Duy đã nắm được quy luật sáng tạo, và đã sử dụng quyền năng của mình một cách hợp lý và phải chăng (logique et sobre). Lối chuyển hóa trong Mẹ thật là khoa học. Khi giới thiệu trường ca, tác giả viết:
"... Lúc trẻ tuổi, Mẹ Việt Nam được biểu tượng bằng đất mầu tươi tốt. Khi đứng tuổi, Mẹ hiện thân là núi non. Mẹ còn xót xa thương lũ con sông ngòi chia rẽ. Vào lúc tuổi già, Mẹ trở thành biển cả. Nước mắt Mẹ bốc lên trời cao làm mây bay đi, trong khi phù sa được Mẹ gửi vào đất cũ."
Tuy ví von như vậy, nhưng tất cả vật thể như đất, núi, sông, biển, mây, phù sa... đều chuyển hóa theo một trình tự quá sức hợp lý. Đất trở nên mầu mỡ mềm mại, lớn lên thành núi sắt son. Các con chia rẽ thành sông chảy đi mọi ngã. Về già, biển bạc đầu, nước biển bốc lên thành mây, phù sa thì bồi đắp... Cũng như Tản Đà đã lấy cảnh Sông Đà Núi Tản để hàm xúc nước non tổ quốc:
Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non.
Trường Ca Mẹ Việt Nam này, nghe lên chỉ thấy là oanh liệt, là tha thiết là đại lượng, là bao dung, là cao quý. Sau bài Tình Ca, với Mẹ Việt Nam, Phạm Duy lại rót thêm mật ngọt của quê hương vào lòng ta vậy.
Trong phần III của Trường Ca, phần SÔNG MẸ, Phạm Duy đã nói lên được nỗi bi đát, niềm đau thương của dân tộc ta sau những lúc vinh quang. Có những con sông lịch sử với chiến công oanh liệt như Bạch Đằng Giang thì cũng có những con sông ô nhục như sông Gianh, Bến Hải. Và có những con sông nhuộm màu chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ, tranh giành lẫn nhau:
Sông đỏ như máu tranh đấu sông nâu
Sông nghèo xanh yếu kêu cứu sông giầu
Sông nhuộm vàng mau
Chia nhau uốn khúc khoe mầu
Sông rồng lôi kéo sông rắn đi cắn sông đào.
Phạm Duy đã nhân cách hóa một cách tài tình những vật vô tri, vô giác. Đồng hóa vào Mẹ Việt Nam, những vật thể bỗng như có linh hồn, bỗng trở thành nhân vật.
Trong hoàn cảnh xót xa của chúng ta hiện nay, Phạm Duy đã nói hộ tiếng lòng của chúng ta, tiếng lòng đối với Mẹ Việt Nam. Khi viết bài này, tôi rất ngại phải dở những tập nhạc của Phạm Duy ra, dở những trường ca và vô số những bài khác, vì nó quá phong phú, không biết trích dẫn từ đâu, bài nào cũng có thể minh họa cho tình yêu quê hương cả!
Thật vậy, ta có thể tìm thấy Phạm Duy ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào, từ Nam Quan tới Cà Mâu, trong nắng sớm mưa chiều, trong chớp bể mưa nguồn, khi chiến thắng lúc chiến bại, trong niềm vui nỗi buồn. Phạm Duy tới với ta, trao cho ta "vũ khí tình yêu quê hương" để an ủi, thúc giục ta cùng tiến bước. Khi ta hát bài Mẹ Việt Nam là ta nghĩ tới một điều tốt đẹp. Ta muốn hứa hẹn với mọi người, với cả ta nữa, một điều gì rất cao cả:
Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Việt Nam ơi!
Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ
Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ.
Và ta cũng muốn hứa với Mẹ, hứa với ta là phải yêu thương nhau như con một nhà, con một mẹ, Mẹ Việt Nam:
Quê ta đẹp lắm Mẹ ơi!
Biển êm sóng lặng, nước nôi hiền lành.
Về đây xây đắp mối tình, tình Việt Nam
Yêu nhà, yêu nước và thương mọi người
Tình tính tang, tang tính tình
Yêu Mẹ già, thương Mẹ ta
Đàn con nhớ, nhớ yêu nhau
Đàn con nhớ, nhớ yêu nhau.
Trong lời tự truyện, tác giả bài Mẹ Việt Nam viết :
" Với Con Đường Cái Quan, tôi muốn đi vào chiều dài của dân tộc. Với Mẹ Việt Nam, tôi muốn đi vào chiều sâu của dân tộc. Và cũng trong cái tật làm bộ ba, tôi dự phóng soạn bản trường ca thứ ba nhan đề Trường Ca Trường Sơn, với ước muốn xưng tụng người Cha Việt Nam và đi lên chiều ca của dân tộc. Nhưng tôi tự nêu ra một điều kiện với tôi là chỉ khi nào đất nước được thật sự độc lập, tự do trong thống nhất thì tôi mới tung Trường ca Trường Sơn ra. Tới nay, trường ca này chưa ra đời được nhưng tôi đã tạm thay thế nó bằng tổ khúc (cũng là một thứ trường ca) Bầy Chim Bỏ Xứ trong đó tôi tới cả chiều cao lẫn chiều xa của dân tộc".
Đọc những lời trên đây, ta thấy Phạm Duy quả là một người sâu sắc. Tác phẩm của anh bao giờ cũng là kết tinh của sự cảm hứng và sự suy tư. Minh chứng cho điều này là những bài như Giọt Mưa Trên Lá, Đường Chiều Lá Rụng, Dạ Hành... mà tôi đã nói tới. Ở trường ca Mẹ Việt Nam này, sự suy tư của Phạm Duy đạt tới mực siêu. Chỉ đọc lời ca thôi, thì đối với riêng tôi, đã thấy tôi không với nổi.
Ở đoạn trên tôi đã nói Phạm Duy đã chung đúc tất cả những bà mẹ tuyệt vời : Mẹ Nữ Oa, mẹ Trưng Nữ Vương, mẹ Kính Tâm, Châu Long, kể cả bà mẹ vô danh ở Nam Xương nữa... để dựng nên người Mẹ Việt Nam, một người mẹ mà các dân tộc khác không có. Đó chẳng phải là niềm tự hào lớn của chúng ta chăng?
Phạm Duy đã cho đất là Mẹ: ĐẤT MẸ, cho lúa là Mẹ: LÚA MẸ, cho núi là Mẹ: NÚI MẸ, cho sông là Mẹ: SÔNG MẸ, cho biển là Mẹ: BIỂN MẸ. Tuy rất cụ thể mà lại trừu tượng. Tuy trừu tượng nhưng rất cụ thể. Mấy ai làm nổi? Chỉ có bàn tay của phù thủy Phạm Duy.
Đọc lời ca Mẹ Việt Nam, tôi say mê như đọc một bài thơ dài, một tiểu thuyết vừa hiện thực vừa giả tưởng. Sức lôi cuốn của chữ nghĩa Phạm Duy thật là mãnh liệt. Hình tượng khắc hoạ bởi bàn tay phù thủy thật là vô cùng độc đáo. Mẹ Xinh Đẹp:
Đôi má tươi hồng, má tươi hồng, với bàn tay trắng
Nhỏ người vai lẳn, vú căng tròn, tròn lưng ong
Mẹ nằm phơi gió trăng
Ôi! Mẹ Việt Nam!
Nghiêng mắt xanh chải tóc mây ngàn
Mẹ Việt Nam !Mẹ Xinh Đẹp
Bên bờ đại dương
Mẹ duỗi chân dài chờ mưa tuôn...
... Mẹ cười trong gió sương
Ôi ! Mẹ Việt Nam !
Dâng tấm thân nhuộm nắng nâu ròn
v.v và v.v...
Thực hư, cụ thể và trừu tượng lẫn lộn. Theo lời ca, một hoạ sĩ nào đó có thể vẽ bằng bút pháp hiện thực, cũng có thể vẽ bằng bút pháp siêu thực. Với ngọn bút của một hoạ sĩ tài hoa, cách nào cũng có thể đạt tới thành công cao độ cả.
Trong chương 4, LÚA MẸ, Phạm Duy cũng dùng một bút pháp tương tự :
Yêu nhau khi lúa chưa mòng
Thương nhau khi nắng khô đồng
Ôm nhau nghe nước mưa ròng
Chẩy vào lòng cập tình nhân.
Thật là phi thường. Bạn hiểu những câu này bằng cách nào? Cách nào cũng tuyệt diệu cả. Trong thời ấu thơ, ta thấy cậu bé mồ côi cha ở phố Hàng Dầu Hà Nội đã được mẹ yêu chiều hơn các anh chị, lại có thêm sự yêu chiều của chị vú. Đã được nằm trên đống lá sen thơm tho khi cả nhà ngồi bóc sen lấy nụ để bán cho người ướp trà... lại còn được nằm ngủ trên ổ rơm cũng thơm tho không kém tại quê nghèo của chị vú, đã ảnh hưởng tới tâm hồn cậu bé. Tình mẹ thắm thiết mà cậu bé thụ hướng ở mẹ đẻ, mẹ nuôi đó sau này sẽ được phả vào những bài hát như Bà Mẹ Quê, Bà Mẹ Gio Linh, Bà Mẹ Phù Sa...
Tình mẫu tử riêng của tác giả dễ dàng liên quan tới tình mẹ chung của dân tộc cho nên những bà Nữ Õa, Châu Long, Thiếu Phụ Nam Xương hiển hiện lồng lộng trong tác phẩm Phạm Duy với những đức tính căn bản như lòng từ bi, sự chung tình, chí kiên nhẫn. Mẹ cũng còn là Núi Vọng Phu, Mẹ hoá đá :
Tóc núi đã phơi xương
Máu nhuộm cả vai non
Ai làm dòng sữa cạn ?
Còn SÔNG MẸ ? Nghe câu ca dao phổ nhạc mà lòng quặn đau :
Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về quê Mẹ mà không có đò!
Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, sông Gianh là làn ranh chia cắt đất nước nhưng vẫn có đò. Dù không được tự do đi lại nhưng sự ngăn cách không tàn nhẫn như bây giờ. Bây giờ có đò, quê mẹ ngó thấy đó mà chúng ta không về được! Những người cũng biết yêu quê hương nhưng bị kết tội... nên "sông không có đường về":
Ai bảo là không có đò ngang?
. . . . . . . . .
Ai bảo là sông không chờ người sang ?
Xưa kia "mẹ xuống sông rửa nhục anh hùng" để các con ngày nay được ngẩng mặt lên nhìn trời mà nay thì ai quên lời khuyên của mẹ nên con sông vĩ đại đã rẽ thành trăm ngánh để trở thành Những Dòng Sông Chia Rẽ:
Chia đôi dòng nước chia lìa dòng sông
Chia đôi bên bờ bến lạnh lùng
Cho Ngưu Lang và Chức Nữ ngại ngùng
Chia đôi dòng sông Thương
Nước bên đục bên trong
Nước ân tình đổi thành ra nước căm hờn
Chia sông Gianh phân tranh mộng đồ vương
Chia con sông Bến Hải buồn thương
Nước yên vui từ nguồn
Bỗng gây nên điều buồn
Dòng lệ tuôn thành sông không có linh hồn
Chia anh em vì quên tiếng gia đình
Chia tay chân và cắt đứt ngang mình.
Vì lo âu và đau khổ cho sự chia rẽ của các nhánh sông, vì thời gian chồng chất, Sông Mẹ bạc đầu khi trở thành Biển Mẹ. Một sự ví von thơ mộng và rất khoa học. Phạm Duy không bắt sự vật phải uốn mình theo nét nhạc. Phạm Duy tùy theo sự vật mà nâng nó lên, hoặc xén bớt, hoặc tô thêm cho nó trở thành toàn bích và đúng theo ý muốn của anh.
Hãy đọc vài đoạn lời trong PHẦN IV: BIỂN MẸ để thấy cái tài biến hoá và nhân cách hoá của nhạc sĩ về Biển:
Sóng vỗ miên man như câu ru êm của Mẹ dịu dàng
Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của Mẹ trùng dương...
... Mẹ hiền không lên bão tố
Mẹ già không đem nỗi khó
Mẹ là mẹ nhà cho mưa với gió hiền khô...
... Sóng vỗ êm êm như khuyên con nên trở lại Mẹ hiền
Gió rít thông reo như kêu con mau trở về Mẹ yêu.
Và cảnh rộn ràng vui tươi:
Buồm căng lộng gió thênh thang thuyền về
Trên sóng trường giang, thênh thang thuyền về!
Thuyền về trên lớp sóng vui
Đàn con về với biển khơi Mẹ già
Mẹ già đang đón chờ ta
Có đàn chim én từ xa về rồi
Quê ta đẹp lắm Mẹ ơi!
Biển êm sóng lặng, nước nôi hiền lành
Mẹ mừng vui vì các con
đã biết yêu nhau.
Các con reo mừng bên Mẹ:
Mẹ Việt Nam ơi!
Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ.
Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ
Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới
Chỉ còn tình yêu của Mẹ mà thôi!
Chúng ta phải nhìn nhận rằng Phạm Duy đã dâng hiến trọn vẹn trái tim nghệ sĩ cho đất nước. Về mặt nghệ thuật, Phạm Duy đã sống trọn vẹn với đề tài Mẹ Việt Nam. Thuộc lịch sử Việt Nam chưa đủ để sáng tác. Chỉ yêu nước Việt Nam thôi cũng chưa đủ để tạo nên phần nghệ thuật. Phải có tài thể hiện. Đứng về mặt yêu nước thì có khi anh binh nhì yêu nước hơn anh tổng tư lệnh, người dân thường có thể yêu nước hơn nhà nghệ sĩ (đó cũng chỉ là ước lệ thôi) nhưng anh binh nhì không có tài quân sự bằng anh tổng tư lệnh (nếu là tổng tư lệnh đúng nghĩa) và người dân thường không thể diễn đạt tình cảm như nhà nghệ sĩ. Vậy yêu nước và diễn đạt lòng yêu nước thành nhạc để tiêm nó vào mạch máu người dân là hai điều kiện không thể thiếu một, để tạo thành tác phẩm.
Chung khúc VIỆT NAM VIỆT NAM là một khúc hát tuyệt vời về lời ca lẫn âm nhạc. Lời ca không những rất đẹp mà còn rất sâu sắc. Đó là một anh hùng ca bất hủ của dân tộc ta.
Việt Nam! Việt Nam! Nghe tự vào đời
Việt Nam, hai câu nói bên vành nôi...
... Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyền tranh đấu cho đời
Tình Yêu đây là khí giới
Tình Thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người!
Tiếng Việt Nam là sự rung động mãnh liệt đối với trái tim ta. Chung khúc VIỆT NAM VIỆT NAM như một trái tim hồng treo giữa Việt Nam, như một hạt cát, như một hòn đất thơm nồng, như một đỉnh núi của nghệ thuật ta hát chung khúc VIỆT NAM VIỆT NAM cả ngàn lần trong đời ta. Và mỗi lần hát ta thấy như ta lớn lên, khỏe hơn. Ta cảm thấy như ta uống một ngụm nước phù sa thỏa thuê. Ta nghe như có một mũi tên bắn trúng trái tim ta mà xạ thủ là Phạm Duy.
Phạm Duy kẻ khai sơn phá thạch trong nền âm nhạc Việt Nam, đặc biệt trong lãnh vực nhạc tình yêu, sau hơn nửa thế kỷ (1942-1994), cho đến nay vẫn là ngọn cờ tiên phong trong nền âm nhạc Việt Nam. Và có thể trong tương lai, không có ai giương được ngọn cờ ấy tới nơi cao tuyệt đỉnh như Phạm Duy.
Đóng. Phạm Duy Tạ Ơn Đời - Đời Tạ Ơn Phạm Duy
Phạm Duy tạ ơn đời trong một ca khúc:
Mang ơn đời chăn vỗ
Dâng cho người yêu góa
Dâng cây đàn bơ vơ
Mang ơn đời nâng đỡ
Dâng nấm mồ thô sơ...
Phạm Duy sống quá nửa cuộc đời trong lòng dân. Biết bao nhiêu chuyện ân tình. Nhưng đó là lòng Mẹ đối với con. Mẹ có bao giờ đòi? Dù vậy những người con có hiếu đều làm một cái gì để đền đáp lại đời. Phạm Duy đã tạ ơn Đời bằng Ngàn lời ca. Phạm Duy tạ ơn Đời bao nhiêu, Đời tạ ơn Phạm Duy bấy nhiêu. Thử nghĩ, nếu cuộc đời này không có Phạm Duy thì sẽ bớt vui hoặc buồn thêm bao nhiêu?
Không có Phạm Duy sẽ không có nhạc kháng chiến với Gươm Tráng Sĩ, Chinh Phụ Ca, không có Xuất Quân, không có Nhạc Tuổi Xanh không có Chiến Sĩ Vô Danh, không có cánh đồng xanh in bóng người thương binh, không có tiếng hát Sông Lô không có Nương Chiều, không có miền thùy dương bóng dừa ngàn thông, không có thuyền về bến Mê...
Không có Phạm Duy, đời mất mát biết bao nhiêu? Thử nghĩ vắng đi Phạm Duy trong kháng chiến thì nhạc kháng chiến sẽ nghèo đi đến mức nào. Ai là người không hát hoặc không nghe hát Phạm Duy? Phạm Duy có mặt ở hậu phương, Phạm Duy ra tiền tuyến, vào cả vùng địch chiếm... Phạm Duy bỏ Hà Nội ra chiến khu, hát cho Đài Phát Thanh kháng chiến đầu tiên ở Chùa Trầm, Phạm Duy vừa đàn hát vừa viết bài ca, ngâm thơ, diễn kịch... Phạm Duy đi Khu 3, Khu 4, lên Việt Bắc... Phạm Duy ra vào Nam Bộ hai lần, Phạm Duy đi như một chiến sĩ dùng đàn làm súng. Đêm khuya, một mình dở lại cuốn Ngàn lời Ca, đọc lại những bài ca kháng chiến Cách Mạng, thấy bóng chàng nhạc sĩ xông xáo khắp các vùng khói lửa và tôi thấy lại tôi trong cuộc kháng chiến vinh quang của dân tộc. Thiệt vui và cũng thiệt buồn! Phạm Duy đã ca ngợi cuộc kháng chiến đó bằng trái tim của một nghệ sĩ trẻ nhiệt thành, một đứa con yêu quý của nhân dân, của đất nước. Phạm Duy yêu và được yêu nửa thế kỷ qua. Bởi vì nếu không có Phạm Duy, nửa thế kỷ qua đã phải gầy còm trong trang sức và trong tâm hồn. Nếu không có Phạm Duy, thì đã không có tóc sương mẹ già yêu dấu. không có Tình Ca bốn nghìn năm ròng rã buồn vui, không có vườn rau xanh ngát một mầu của Bà Mẹ Quê, không có gạo Nam gạo Bắc và đòn miền Trung của Vợ Chồng Quê v.v... Không có Phạm Duy sẽ không có Tâm Ca, không có Bé Ca, Hoan Ca, Bình Ca, Vỉa Hè Ca, Tục Ca, không có Tìm Nhau, không có Ngày Đó Chúng Mình, không có khung trời Đại Học, không có Mưa Rơi, không có Giọt Mưa Trên Lá, không có Đường Chiều Lá Rụng...
Không có Phạm Duy, không gian sẽ không vang, tóc em sẽ không bay, môi em sẽ không đỏ, ly chanh đường sẽ kém vị ngọt. Và đời không có "nhạc kịch nhân gian". Thiếu Phạm Duy, lòng ta sẽ vắng đi ít nhiều tiếng hát trái tim, mất đi tiếng hát nhỏ, sẽ không có giọng ai khuyến khích những người đang xa nhau nhích lại gần nhau.
Có Phạm Duy ta nhớ mãi một người mang tên Quốc, ta sẽ không quên Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, ta sẽ nhớ mãi rằng ta phải về ôm lấy Quê Hương trong Tự Do. Có Phạm Duy tuổi trẻ tuổi già chúng ta lang thang hải ngoại hay u buồn quốc nội có mười khúc Rong Ca để ngâm nga, nghĩ ngợi về cuộc đời, về nắng sáng nắng trưa. Không có Phạm Duy ta mất nhiều quá.
Có Phạm Duy ta được nhiều quá. Với Phạm Duy ta có tất cả Âm Thanh và Trời Đất, niềm vui và nỗi buồn, thất vọng và hy vọng, hoang mang và tin tưởng. Có Phạm Duy ta có Ngàn Lời Ca, mấy vạn chữ nghĩa, những dấu hỏi, những chấm than và những chấm xuống dòng, những dòng nhạc nối liền những dòng chữ triền miên trôi chảy như trường giang để ra đại dương. Nhờ Phạm Duy thế giới hiểu biết ta hơn, nhờ Phạm Duy cây trúc xinh xinh và chiếc áo qua cầu gió bay đi ra làm quen với năm châu...
Đời đã nung đúc nên một Phạm Duy và Phạm Duy đã trả ơn Đời hằng ngày hằng năm hằng tháng bằng tiếng hát của mình. Đời cũng không quên tạ ơn Phạm Duy đã làm cho Đời đẹp hơn và đáng yêu hơn. Con giun nhìn lên trời, con dế ở gốc rạ, lá xanh, lá vàng, con chim con cá, cây tre cây trúc, mặt trăng mặt trời, bà mẹ Gio Linh, bà Mẹ Phù Sa, những anh hùng tuẫn tiết... tạ ơn Phạm Duy.
Những cây cột đèn, những ma quỉ, thần thánh, híppy, Sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long, sông Lô và nghìn con sông vô danh tạ ơn Phạm Duy. Những tên mù câm điếc, những người tình già tình trẻ, những ca sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, nhà xuất bản, những cô hàng sách bán băng nhạc cùng các cô bán nước rau má ở Sàigòn nhớ Phạm Duy...
Những đồng hương ở tận Tân Đảo hay Úc Châu, Bắc Âu băng giá không quên Phạm Duy, mỗi lần Phạm Duy đem tiếng hát lưu vong tới cho họ. Đồng bào quốc nội, dù biết cấm nghe nhạc Phạm Duy hai mươi năm ròng, vẫn nghe nhạc Phạm Duy qua những đợt sóng ngầm và lúc nào cũng coi Phạm Duy như một biểu tượng của Tự Do và lòng Yêu Nước.
Phạm Duy tạ ơn đời hay đời tạ ơn Phạm Duy?. Phạm Duy Tạ Ơn Đời - Đời Tạ Ơn Phạm Duy
Phạm Duy tạ ơn đời trong một ca khúc:
Mang ơn đời chăn vỗ
Dâng cho người yêu góa
Dâng cây đàn bơ vơ
Mang ơn đời nâng đỡ
Dâng nấm mồ thô sơ...
Phạm Duy sống quá nửa cuộc đời trong lòng dân. Biết bao nhiêu chuyện ân tình. Nhưng đó là lòng Mẹ đối với con. Mẹ có bao giờ đòi? Dù vậy những người con có hiếu đều làm một cái gì để đền đáp lại đời. Phạm Duy đã tạ ơn Đời bằng Ngàn lời ca. Phạm Duy tạ ơn Đời bao nhiêu, Đời tạ ơn Phạm Duy bấy nhiêu. Thử nghĩ, nếu cuộc đời này không có Phạm Duy thì sẽ bớt vui hoặc buồn thêm bao nhiêu?
Không có Phạm Duy sẽ không có nhạc kháng chiến với Gươm Tráng Sĩ, Chinh Phụ Ca, không có Xuất Quân, không có Nhạc Tuổi Xanh không có Chiến Sĩ Vô Danh, không có cánh đồng xanh in bóng người thương binh, không có tiếng hát Sông Lô không có Nương Chiều, không có miền thùy dương bóng dừa ngàn thông, không có thuyền về bến Mê...
Không có Phạm Duy, đời mất mát biết bao nhiêu? Thử nghĩ vắng đi Phạm Duy trong kháng chiến thì nhạc kháng chiến sẽ nghèo đi đến mức nào. Ai là người không hát hoặc không nghe hát Phạm Duy? Phạm Duy có mặt ở hậu phương, Phạm Duy ra tiền tuyến, vào cả vùng địch chiếm... Phạm Duy bỏ Hà Nội ra chiến khu, hát cho Đài Phát Thanh kháng chiến đầu tiên ở Chùa Trầm, Phạm Duy vừa đàn hát vừa viết bài ca, ngâm thơ, diễn kịch... Phạm Duy đi Khu 3, Khu 4, lên Việt Bắc... Phạm Duy ra vào Nam Bộ hai lần, Phạm Duy đi như một chiến sĩ dùng đàn làm súng. Đêm khuya, một mình dở lại cuốn Ngàn lời Ca, đọc lại những bài ca kháng chiến Cách Mạng, thấy bóng chàng nhạc sĩ xông xáo khắp các vùng khói lửa và tôi thấy lại tôi trong cuộc kháng chiến vinh quang của dân tộc. Thiệt vui và cũng thiệt buồn! Phạm Duy đã ca ngợi cuộc kháng chiến đó bằng trái tim của một nghệ sĩ trẻ nhiệt thành, một đứa con yêu quý của nhân dân, của đất nước. Phạm Duy yêu và được yêu nửa thế kỷ qua. Bởi vì nếu không có Phạm Duy, nửa thế kỷ qua đã phải gầy còm trong trang sức và trong tâm hồn. Nếu không có Phạm Duy, thì đã không có tóc sương mẹ già yêu dấu. không có Tình Ca bốn nghìn năm ròng rã buồn vui, không có vườn rau xanh ngát một mầu của Bà Mẹ Quê, không có gạo Nam gạo Bắc và đòn miền Trung của Vợ Chồng Quê v.v... Không có Phạm Duy sẽ không có Tâm Ca, không có Bé Ca, Hoan Ca, Bình Ca, Vỉa Hè Ca, Tục Ca, không có Tìm Nhau, không có Ngày Đó Chúng Mình, không có khung trời Đại Học, không có Mưa Rơi, không có Giọt Mưa Trên Lá, không có Đường Chiều Lá Rụng...
Không có Phạm Duy, không gian sẽ không vang, tóc em sẽ không bay, môi em sẽ không đỏ, ly chanh đường sẽ kém vị ngọt. Và đời không có "nhạc kịch nhân gian". Thiếu Phạm Duy, lòng ta sẽ vắng đi ít nhiều tiếng hát trái tim, mất đi tiếng hát nhỏ, sẽ không có giọng ai khuyến khích những người đang xa nhau nhích lại gần nhau.
Có Phạm Duy ta nhớ mãi một người mang tên Quốc, ta sẽ không quên Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, ta sẽ nhớ mãi rằng ta phải về ôm lấy Quê Hương trong Tự Do. Có Phạm Duy tuổi trẻ tuổi già chúng ta lang thang hải ngoại hay u buồn quốc nội có mười khúc Rong Ca để ngâm nga, nghĩ ngợi về cuộc đời, về nắng sáng nắng trưa. Không có Phạm Duy ta mất nhiều quá.
Có Phạm Duy ta được nhiều quá. Với Phạm Duy ta có tất cả Âm Thanh và Trời Đất, niềm vui và nỗi buồn, thất vọng và hy vọng, hoang mang và tin tưởng. Có Phạm Duy ta có Ngàn Lời Ca, mấy vạn chữ nghĩa, những dấu hỏi, những chấm than và những chấm xuống dòng, những dòng nhạc nối liền những dòng chữ triền miên trôi chảy như trường giang để ra đại dương. Nhờ Phạm Duy thế giới hiểu biết ta hơn, nhờ Phạm Duy cây trúc xinh xinh và chiếc áo qua cầu gió bay đi ra làm quen với năm châu...
Đời đã nung đúc nên một Phạm Duy và Phạm Duy đã trả ơn Đời hằng ngày hằng năm hằng tháng bằng tiếng hát của mình. Đời cũng không quên tạ ơn Phạm Duy đã làm cho Đời đẹp hơn và đáng yêu hơn. Con giun nhìn lên trời, con dế ở gốc rạ, lá xanh, lá vàng, con chim con cá, cây tre cây trúc, mặt trăng mặt trời, bà mẹ Gio Linh, bà Mẹ Phù Sa, những anh hùng tuẫn tiết... tạ ơn Phạm Duy.
Những cây cột đèn, những ma quỷ, thần thánh, híppy, Sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long, sông Lô và nghìn con sông vô danh tạ ơn Phạm Duy. Những tên mù câm điếc, những người tình già tình trẻ, những ca sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, nhà xuất bản, những cô hàng sách bán băng nhạc cùng các cô bán nước rau má ở Sàigòn nhớ Phạm Duy...
Những đồng hương ở tận Tân Đảo hay Úc Châu, Bắc Âu băng giá không quên Phạm Duy, mỗi lần Phạm Duy đem tiếng hát lưu vong tới cho họ. Đồng bào quốc nội, dù biết cấm nghe nhạc Phạm Duy hai mươi năm ròng, vẫn nghe nhạc Phạm Duy qua những đợt sóng ngầm và lúc nào cũng coi Phạm Duy như một biểu tượng của Tự Do và lòng Yêu Nước.
Phạm Duy tạ ơn đời hay đời tạ ơn Phạm Duy?.
Xuân Vũ
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...