Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

Chiếc áo màu mận chín

Chiếc áo màu mận chín

1- Cúc Phương mở cửa rồi bước vào bật đèn. Căn phòng quét vôi xanh sáng lóa trong ánh điện néon, như một khối hình chữ nhật trống không rổng tuếch. Nào tranh vẽ, nào bột màu, nào quầo áo cả đến vỏ hộp thức ăn, vỏ lon bia... hàng ngày ngổn ngang dưới con mắt quan sát lén lút của Phương bây giờ tất cả đã biến mất, sạch bóng như có bà tiên cầm cây đũa thần vừa đi qua đây. "Từ đó trong vườn khuya ôi áo xưa còn là một chút mây phù du đã thoáng qua đời ta…" Phương ngồi bệt xuống nền nhà còn vương vải một ít bột màu, sơn vẽ chưa lau sạch. Tay ôm lấy gối Phương mơ màng nghe tiếng hát từ căn hộ kế bên vọng sang nhè nhẹ ray rứt... Chân Phương bước ngập trong cát. Cát nóng bỏng rát đôi chân trần nhưng Phương vẫn cố bước đi và ra sức gọi to: "Chú Chiêu! Chú Chiêu! Đợi cháu với !dừng lại cho cháu hỏi chú một điều thôi!" Phương vừa cố nhấc chân ra khỏi cát vừa cố sức gào lên. Gió thổi dữ dội, Phương kinh hoàng vì đã từng nghe nói đến những cơn bão cát ở sa mạc. Thôi còn mong gì trở về để gặp lại ba má, chị Thanh Tâm. Gió từ phía sau thổi tới nên cát trùm lên đầu lên vai Phương. Có lẽ nhờ gió đưa nên tiếng gào của Phương đã đến tai người đàn ông mặc áo màu mận chín thấp thoáng phía trước. Nào túi đeo, tranh vẽ, giá vẽ, người đàn ông cứ chập choạng bước. Có lẽ nghe tiếng gọi cũng muốn quay người lại nhưng không thể vì cát sẽ quất vào mặt. Phương tuyệt vọng gào to hơn nữa rồi cát và cát đổ xuống người Phương như mưa. Trước khi không còn mở mắt ra được nữa Phương kịp trông thấy một điểm nhỏ màu mận chín ẩn hiện chập chờn trong cơn bão mịt mùng... Tiếng hát đột ngột im bặt như sợi dây đàn bị đứt khiến Phương bừng tỉnh ngơ ngác nhìn quanh. Chú Chiêu đã đi rồi! 
2- Ai giới thiệu chú Chiêu đến thuê nhà Phương cũng không biết. Năm căn phòng cất một dãy san sát nhau liền vách. Căn đầu của hai vợ chồng anh Sử chị Hà, cả hai cùng làm việc trong một công ty. Họ mới cưới nhau nên  ra thuê nhà cho tự do. Đặc biệt họ rất thích nhạc Trịnh Công Sơn. Đi thì thôi nếu có ở nhà mọi người sẽ nghe tiếng hát lúc to lúc nhỏ tùy hứng. Chú Chiêu thuê căn số hai, lúc nào cửa cũng đóng im ỉm dù chú có nhà hay không. Ba căn kia họ buôn gánh bán bưng, từ đâu đến thuê nhà Phương không biết. Sáng ra họ đi, chiều tối về tắm giặt nấu ăn, chuyện trò đánh thức bộ mặt im lìm của mấy căn hộ mới toanh. Thỉnh thoảng Phương đúng trước nhà trông sang góp lời. Có hôm Phương đứng bên ngoài cửa sổ căn số hai nhìn vào lúc chú Chiêu không có ở nhà. Phương thấy có nhiều tranh, tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật, lại có một bức chân dung thật đẹp. Chị Tâm nói: "Vợ ổng". "Vẽ không cần người mẫu à!". "Trời ơi! Vợ ổng thì ở trong đầu ổng chứ đâu". Với cặp kính gọng đen và mái tóc hớt ngắn chú trông giống một ông giáo già hơn là một nghệ sĩ. Tuy nhiên đôi giày "mọi" bạc thếch và chiếc quần jean cũng giống như vậy đem lại cho chú một chút gì hay hay. Sự xuất hiện của chú ở nơi nửa chợ nửa quê này gây không ít hiếu kỳ. Một vùng ven thị xã đang từ từ đổi mới, giống một đứa con gái mới lớn đang tập tành son phấn, như nét chì kẻ vụng trên đôi chân mày vòng nguyệt. Chú thì ít tiếp xúc với ai. Bí mật như một câu chuyện cổ tích của An-Det-Xen dĩ nhiên không kém phần hấp dẫn. Thường thì sáng nào chú cũng ra hồ nước ở cuối dãy giặt giũ phơi phóng quần áo. Có ai đó hỏi chuyện thì chú cũng lịch sự trả lời nhưng không vồn vã. Có nghĩa là không muốn câu chuyện kéo dài lâu hơn nữa. Không phải vì chú là nghệ sĩ mà vì tánh chú là như vậy, như cái tánh bừa bộn, lượm thượm, cẩu thả của chú. Có hôm trời mưa, chú đi vắng Phương lấy hộ chú bộ đồ phơi ngoài sân. Chiếc áo sơmi có màu của trái mận chín trông thật hay bị sứt chỉ ở vai trái, lại còn bốn chiếc cúc áo không giống nhau, ba chiếc màu tráng trong sáng, một chiếc màu tráng đục. Tối, Phương nhờ chị Tâm đưa đồ cho chú. "Ông nói cám ơn rồi biểu tao bỏ vô cửa sổ." "Chị kêu ổng bằng gì?" "Bằng anh!" "Ông gần bằng tuổi ba đó. Chị kêu bằng anh thì em cũng kêu ổng bằng anh luôn". Chị Tâm cười dữ dội như có ai cù vào người. "Mày mới có hai mươi tuổi, tao hai mươi chín rồi nghen. Mày tưởng tao nói thật à!. Nhỏ khờ!. Ê nè! Tao thấy có một bức tranh vẽ đứa con gái mặc đồ dài, tóc dài trên chiếc xe đạp. Chắc là mày." "Hứ! Miễn tóc dài thì là em. Nếu ổng vẽ tóc ngắn chắc chị cho là chị." 
Gia đình chú ở đâu gần sài gòn, một biệt thự to lộng lẫy với ba gia đình sống chung và một mức sinh hoạt không bình thường. An chơi, tiệc tùng sắm sửa... mọi thứ trông chờ từ tiền nước ngoài. Vợ chú lúc trước làm việc ở một công ty sau cũng nghỉ, đứa con gái bỏ học lêu lổng chờ ông bà bảo lãnh đi còn ngấp nghé lấy chồng Đài Loan. Chú chui rúc trong cái giang san dành riêng cho vợ chồng chú mà vẫn không chạy trốn được tiếng ồn ào từ bên ngoài vọng vào. Đôi lần chú đề nghị ra ở riêng nhưng vợ chú không đồng ý. Đi là mất quyền lợi, mất luôn cả ngôi nhà. Còn cho là chú dở hơi. Thỉnh thoảng buổi tối ba sang chơi, hỏi chuyện gia đình, chú có tâm sự. Chú buồn ngao ngán bỏ đi, sống bằng tiền bán tranh và minh họa cho các tạp chí. 
Buổi tối Phương nằm trên giường nhìn chị Tâm đứng trước gương chảy tóc. "Tháng này lĩnh lương mua cho em hộp kem nghe chị". Phương nài nĩ. "Mày còn nhỏ xài mỹ phẩm làm gì, tao già rồi nên mới sửa soạn". "Xời! Nhỏ gì! Em sắp thành cô giáo rồi". Chị Tâm nhìn Phương trong gương bằng đôi mắt soi mói. "Họa sĩ người ta thích cái gì tự nhiên". "Nói với em làm gì?" Phương cáu trở mình quay mặt vào trong. Phương thấy trong ánh mắt chị có cái gì không thật. Cũng như tối đó hai chị em ra hàng ba ngồi, thấy căn số hai tối om là biết chú Chiêu chưa về. Phương gợi ý chị cho tay qua cửa sổ bật đèn hộ chú. "Bậy mầy!. Người ta tưởng tao để ý ổng. Ế gì thì ế chứ họa sĩ tao hổng ưa". Lát sau chú về, tay xách nào tranh nào giá vẽ lại còn một túi xách trái thanh trà". Muốn vẽ xe bán thanh trà phải mua một ký." Vẻ mặt chú không nói lên buồn hay vui khi dừng lại trước hai chi em .Không đứa nào đưa tay lấy bọc thanh trà chú đưa. Chú nhướng mày đặt lên băng đá rồi bước qua mở cửa. Đèn bật lên rồi cánh cửa đóng liền sau đó. Chị Tâm chỉ chờ có vậy. "Chua quá!" "Họa sĩ chị không ưa mà!" "Họa sĩ chị không ưa nhưng thanh trà chị ưa nhất". Mỗi người đều có một nơi sâu thẳm của tâm hồn mình không muốn ai nhìn thấy, không cho ai hay biết. Những đau đớn khắc khoải, những dằn vặt riêng tư, nhũng cơn đau không thể gọi tên và cũng không nói bằng lời. Ở chị Tâm Phương thấy những điều ấy quá sâu kín .Nhưng mà tại sao lại phải che dấu đến vậy. Chị nhìn đòi hững hờ lãnh đạm. Chị có phần hồn nghiệt ngã cô đơn trong đôi mắt to đen láy não nùng. Đó là cửa sổ của một trái tim màu xanh. Chị thường tự hào. "Tao là Thanh Tâm vì lúc đó ba má mới cưới nhau, còn mày là Cúc Phương vì năm đó ba đi làm việc trên rừng". "Trái tim màu xanh hay rừng Cúc Phương thì cũng là con gái như nhau." Ba giảng hòa như vậy đó. Nói công bằng hồi còn đi học, bạn trai quanh chị đếm không xuể. Những tấm thiệp xuân, những tấm thiệp giáng sinh rồi còn những lá thư được viết trên những tờ pơ-luya thật mỏng màu hồng kèm theo những lời tỏ tình vụng dại. Nhưng lòng chị dửng dưng, không mảy may xúc động. Rồi khách đến chơi nhà bắt gặp những tấm thiệp, những lá thư nằm lăn lốc trên nền nhà hay dưới bàn giấy thế là từ từ họ biến mất như bị bốc hơi. Một người bà con thấy chị đã lớn tuổi nên muốn làm mối mai, giới thiệu chị cho một người đàn ông gần bốn mươi tuổi, chưa lập gia đình lần nào. Anh ta lúng túng chùi giày trên tấm thảm trước cửa, đôi giày bóng lộn có thể soi gương. Khi Phương mang nước ra thì anh ta đang ngó quanh quất khắp phòng khách. Cây đàn piano bao nhiêu tiền? Chiếc bình hoa kiểu cổ đang có mấy nhánh huệ trắng này bao nhiêu? Còn dàn máy vi tính... Thỉnh thoảng anh ta rút khăn tay trong túi quần ra lau trán còn chị Tâm thì khoanh tay ngồi bật ngữa trên ghế nhìn anh ta như nhìn đứa học trò trả bài lấp vấp. Anh ta lại như miếng bông gòn bị gió thổi bay vù đi mất tăm mất tích. Chị lại đốp chát "Tao ế rồi!. Tao sắp ba muơi!". Rồi chị cắt tóc ngắn hơn nữa, mặc áo ngắn hơn nữa.
Chị Tâm đến nằm cạnh gác một chân qua người Phương. "Hồi sáng má sai tao đem tô chè biếu ổng. Tao đứng ngoài cửa sổ gọi: Chú ơi! Má cháu cho chè. Ông đang lúi húi vẽ đưa lưng ra, biểu bỏ vô cửa sổ đi. Trời ơi! Chú ơi! Bể tô còn gì. Ông mới quay ra cười ngất". Chị Tâm nói bằng giọng cố hữu của chị rồi cười ròn rã. "Nhờ trời ổng không có gọi tao mua dùm cục nước đá, gói thuốc." Phương ức ghê! Mọi lần má biểu Phương còn nạnh chị Tâm vậy mà chú sai Phương như đứa trẻ. Sao không giỏi kêu chị Tâm? Mà lúc này chị hay thức khuya nghe nhạc. Nghe đi nghe lại bài "Big big world"không biết chán. Thế giới quả vô cùng rộng lớn, từ nơi chân trời góc bể nào chú trôi dạt về đây đánh thức mùa đông muôn năm ở trong chị .Có một buổi sáng, hai chị em thấy chú vừa giặt đồ vừa đàn miệng theo bài "Big big world". Chị cười ngất. "Bà Hà ra rả như cuốc kêu bên lỗ tai mà ổng đâu có ưa họ Trịnh. "Vẻ đắc ý của chị cho Phương thấy một điều dù không rõ lắm vì nó ở tận trong sâu thẳm của tâm hồn chị. 
Có một tối chú không về nhà. Ba cứ thắc thỏm không yên vì từ ngày về ở đây chú chưa có khi nào như vậy .Sáng ba dậy sớm uống trà thì thấy chú về mở cửa. "Gặp một người bạn cũ, lôi kéo ở lại nhà nhậu, say quá không về được". Chú nằm suốt hai ba ngày, tối chị Tâm ngồi làm việc thỉnh thoảng giật mình vì tiếng ho từ bên kia vọng sang. Sau này nghe ba nói Phương mới biết người ta nói với chú là gặp vợ chú ở Nha Trang với một người đàn ông trong bộ đồ tắm hai mảnh. Vậy rồi vài ngày sau chú trở dậy ra hồ nước giặt đồ. Chị Tâm đợi đúng lúc chú phơi xong quần áo dắt xe gắn máy ra đi làm, còn đạp hoài không nổ. "Xe mới sao không nổ?" Chú vừa đi tới thì máy xe nổ rền lên. "Chú khỏe rồi hả?" "Có bệnh gì mà khỏe, làm biếng thì nằm vài ngày". Giọng nói này là của chị Tâm đã ảnh hưởng sang chú tự lúc nào.Buổi sáng với không khí bao trùm lên vạn vật trong khi bầu trời còn chưa vén hết lớp mây mờ ảo. Chị Tâm rạng rỡ làm sao trong một ngày mới với màu áo đỏ như màu son môi. Chị cười rực rỡ như hoa nắng rơi ở hiên nhà. Rất tiếc chú Chiêu đã quay lại hồ nước nên không thấy nụ cười của chị .Anh mắt của chú nhìn chị khiến Phương nhớ đến ánh mắt của người bạn ngày nào cũng đạp xe cùng với Phương về đến nhà. Đi chơi uống nước, chuyện trò vui vẻ, Phương đọc thấy trong mắt anh ta có cái gì khan khác. Nửa năm rồi Phương không nghe nói gì cũng chẳng thấy một tờ pơ-luya mỏng màu hồng nào. Anh ta vẫn cứ lẳng lặng bên cạnh Phương như chiếc xe đạp màu xanh mỗi ngày Phương đi học.
Vừa dắt xe vào cổng Phương đã thấy chị Tâm ngồi buồn bã ở băng đá. Đêm ba mươi chưa tối như mặt chị. "Chú Chiêu đi rồi!" Chị nói ngay khi vừa thấy Phương như chị chờ đợi đã quá lâu rồi. Phương choáng một cái suýt nữa buông rơi cổ xe. "Người ta cho chú biết vợ chú tự tử, đang cấp cứu ở bệnh viện thành phố". "Chú còn về làm gì?" Chị trề môi. "Để ký giấy ly hôn. Dĩ nhiên bà ta chưa chết. Bị gạt tình lẫn tiền nên bà ấy chán đời. Chú muốn giải thoát cho cả hai người". "Từ em tôi đã đắp bồi có tôi trong dáng em ngồi trước sân...". Chị chợt nổi cáu: "Trời ơi! Bà Hà sao mở nhạc lớn quá vậy. Nhỏ nhỏ chút đi!. Nè! Bức tranh này chú bỏ quên hay vì bị rách mà chú bỏ lại không biết nữa. Tao se dán lại". 
Thay vì nghỉ trưa để lát nữa đi làm chị ngồi lúi húi cắt băng keo dán chỗ tranh bị rách rồi loay hoay tìm chỗ treo. "Kỷ niệm của chú!". Chị nói mà không nhìn Phương, như nói với chính mình. Phương biết, từ bây giờ nỗi cô đơn ở trong chị càng dày như lá mùa thu. 
3- "Ngồi làm gì đó Phương?" Chị Tâm đứng trước cửa phòng lên tiếng cắt đứt dòng suy tưởng của Phương. Chị đưa mắt nhìn quanh. "Ủa!". Chị kêu khẻ rồi đến kẹt cửa nhặt lên chiếc cúc áo màu tráng trong .Phương nhận ra ngay đó là chiếc cúc áo của chiếc áo màu mận chín. Chị bỏ chiếc cúc áo vào lòng bàn tay lẩm bẩm: "Không biết là chú có biết chiếc áo màu mận chín có một chiếc cúc áo không cùng màu?". Chị quay đi quên hẳn Phương, miệng bật ra những câu hát không phải là bài hát chị vẫn thường ưa thích. "Từ đó em là sương rụng mát trong bình minh. Từ đó ta là đêm nở đóa hoa vô thường". Phương bỗng muốn khóc. Trong Phương cũng có một nơi sâu kín âm thầm thăm thẳm như đáy mắt chị Tâm. Ở đó Phương dấu một điều muốn hỏi chú Chiêu. Chiếc áo màu mận chín bị sứt chỉ ở bả vai trái Phương đã lén may lại chú có biết hay không?.
15/4/2006 
Trần Lệ Thường
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ám ảnh nỗi đau chiến tranh trong tác phẩm của nhà văn Kiều Vượng Một buổi chiều xuân muộn, chúng tôi gặp nhà văn Kiều Vượng trên chiếc x...