Lời hẹn thiên đường
Buổi trưa mùa hè thật mát mẻ. Cơn mưa vừa rồi làm chảy trôi bụi
đường, rác rưởi. Giá mà có cơn mưa nào làm chảy trôi những gì còn đang mắc cạn
trong vũng lầy quá khứ để dòng sông trong xanh hơn đưa những con thuyền về nơi
bến đợi. Mặt trời còn trốn đâu đó trong đám mây nên trời mát và xam xám như một
buổi hoàng hôn. Hoàng hôn đến sớm dù chỉ mới hơn ba giờ trưa. Có những cuộc đời
hoàng hôn đến sớm. Có những đời người tàn lụi quá nhanh. Người đàn ông thờ thẩn
nghĩ lan man bên ly nước đã cạn. Dáng điệu mệt mỏi, anh ho khan vài tiếng rồi
ngã người ra lưng ghế. Hơn một giờ đồng hồ anh ngồi nhìn sang ngôi nhà đối diện.
Hai cánh cổng đóng im lìm, màu sơn xanh sáng lên sau cơn mưa. Giàn Tigôn đã
không còn nữa. Mọi thứ đều đã thay đổi.
Ngôi nhà đó được mua sau sự thành công của cuốn tiểu thuyết
“lời hẹn thiên đường”. Một sự thành công ngoài sức tưởng tượng của anh và Thảo
Nguyên. “Bút pháp tuyệt vời, nội dung sâu sắc”. Báo chí đã nói về cuốn tiểu
thuyết như vậy. Anh và Thảo Nguyên cùng dạy chung trường. Cũng như bao người
yêu nhau khác, mối tình thơ mộng dẫn đến một cuộc hôn nhân. Lúc ấy anh mới có
vài truyện ngắn đăng trên báo, tạp chí. Đam mê viết văn anh nghỉ dạy để có thời
gian viết nhiều hơn. Anh cặm cụi bên bàn viết đến gần sáng thì Thảo Nguyên cũng
quấn quít bên anh chăm sóc. Một gói mì ăn đêm, một tách trà nóng và một nụ cười
đưa anh đến thiên đường hạnh phúc khiến anh cảm hứng viết “lời hẹn thiên đường”.
Cả hai sống trong một ngôi nhà nhỏ tận hẻm sâu, chen chúc giữa những người lao
động, buôn gánh bán bưng.
Cánh cổng mở rồi một chiếc xe gắn máy mang hai người đàn ông
chạy ra đường. Hai người hoàn toàn xa lạ đối với anh. Thảo Nguyên đã lập gia
đình rồi sao? Anh hơi buồn khi nghĩ vậy mặc dù biết đó là chuyện hiển nhiên.
Người đàn ông đốt một điếu thuốc. Anh bật ra vài tiếng ho sau khi rít một hơi.
Những nếp nhăn trên trán và ở đuôi mắt hằn rõ một gương mặt đầy suy tư khắc khoải.
Vài sợi tóc bạc điểm trắng trên đầu. Có một thời gian anh đã bỏ thuốc, bỏ đứt
không hề bịn rịn. Ngồi trước máy tính với một ly cà phê anh có thể viết cả
ngày. Thời gian đó anh đang nổi danh và có một gia đình mới. “Lời hẹn thiên đường”
được nhiều giải thưởng, có ít nhất bốn nước ngoài dịch sách của anh. Anh được mời
sang Úc, Hàn Quốc giao lưu với độc giả. Sách bán chạy chưa từng có từ trước đến
nay khiến anh càng say mê viết suốt ngày đêm. Có một phụ nữ đến với anh vào thời
điểm đó. Mỵ là Việt kiều hồi hương, thích văn của anh. Lưới tình cô ấy
giăng ngày càng thắt chặt, thắt chặt khiến anh không thể ngọ nguậy được. Cuối
cùng anh phải cố gắng nói với Thảo Nguyên. “Chúng mình chia tay đi”. Thảo
Nguyên im lặng dật dờ cả tháng trời. Từ khi nói câu đó anh không vào phòng ngủ
nhưng anh biết đêm nào Thảo Nguyên cũng khóc vì đôi mắt sưng mọng, tiếng nói
khàn đục, da mặt xám xì vì mất ngủ. Một cuộc ly hôn nhanh chóng, anh đi thành
phố chỉ mang theo đồ dùng riêng tư, ngôi nhà to lớn để lại cho Thảo Nguyên. Đó
là những gì anh để lại cho cô ấy sau gần ba năm chung sống. Có mấy đưa cháu thỉnh
thoảng vẫn thường ghé qua, lại còn học trò nữa. Anh nghĩ đến những điều ấy cho
lòng bớt ray rứt.
Thấy chị chủ quán đi ra mang nước cho khách, anh nhân cơ hội
hỏi thăm. “Cô giáo bán nhà đi nhiều năm rồi. Tôi mới về đây sống, nghe mọi người
nói cô bị chồng bỏ”. Chị chủ quán hồ hởi trả lời như mọi phụ nữ bình dân khác
mà người ta vẫn thường gọi là “bà tám”. Chị kể trơn tru rành rọt về gia đình cô
giáo. Ngày còn sống đạm bạc ở đâu đó rồi mua ngôi biệt thự đẹp đẽ này với những
cuộc vui và bạn bè… Cuối cùng thì tất cả cũng nghe người khác nói lại. Chị kể
thao thao như một người thuyết trình, lại còn diễn biến trên gương mặt. Thật buồn
cười với những chi tiết mà chính anh không biết. “Đánh đập, đày ải cô giáo dữ lắm”.
Qua giọng kể của chị, người chồng là một kể tệ bạc xấu xa hàng đầu trên thế giới.
Rồi không thấy vẻ mặt sượng ngắt của người đàn ông chị trở vào tiếp tục công việc.
Cảnh và người đều đã thay đổi. Không ai biết anh là ai. Anh nổi tiếng và đã từng
giàu có. Biệt thự đó là một số tiền rất lớn. Thảo Nguyên túng quẩn nên bán đi
hay không muốn giữ kỷ niệm cũ? Cuộc sống muôn ngàn khó khăn vất vả, anh thông
cảm được nên chẳng bận tâm. Với Thảo Nguyên, anh đã lỗi “lời hẹn thiên đường”.
Quãng đời còn lại nếu có thể làm được gì để bù đắp anh sẽ sẵn sàng. Vài năm sau
tiếng vang “lời hẹn thiên đường” sách của anh bắt đầu bán chậm lại. Anh không
có đề tài hay, bút pháp không còn sắc sảo lôi cuốn. Nguồn cảm hứng tưởng như vô
tận bỗng dưng tắt nghẽn. Không có nhà xuất bản nào ký hợp đồng trước với anh nữa.
Buồn bã, chán nản anh hút thuốc trở lại và nhậu nhẹt liên miên. Mỵ chán bộ dạng
của anh, thường vắng nhà, nhìn anh như thể chưa từng có thời gian say đắm nhau.
Lúc này anh da diết nhớ những ngày mưa rả rích trong con hẻm nhỏ. Những bong
bóng nước dưới hiên nhà luôn gợi niềm cảm hứng nơi anh. Những lần chở Thảo
Nguyên trên chiếc xe gắn máy cổ lỗ sỉ, trùm áo mưa đi ăn tối, anh nghe tiếng cười
khúc khích đàng sau lưng. Tiếng cười trong như pha lê đã đi vào trong các tác
phẩm của anh.
Bỗng dưng từ lúc nào anh cũng không biết sách bắt đầu bán chạy
trở lại. Sách mới ra không đầy nửa tháng không còn một cuốn nào, phóng viên
tìm đến nhà phỏng vấn, báo chí lại nói về anh sau thời gian im lặng. Các nhà xuất
bản lại tới tấp tìm đến anh ký hợp đồng. Trước cơn sốt này anh vô cùng bình
tĩnh cũng như cười nhạt khi Mỵ có mặt ở nhà nhiều hơn, ấu yếm nhìn anh hay làm
một vài cử chỉ săn sóc. Qua rồi thời sôi nổi với “lời hẹn thiên đường”. Viết
xong anh đọc lại nhiều lần và nhìn nhận viết tệ hơn lúc trước. Sách vẫn bán được
với con số đáng nể. Có những quyển tái bản lần thứ ba vẫn bán hết.
Nhưng cho dù bán được đến đâu anh cũng không còn viết thâu đêm suốt sáng được nữa.
Không phải vì Mỵ không đem đến một tô mì ăn đêm hay một tách trà nóng, không phải
vì gương mặt ngáy ngủ và những tiếng ngáp dài của Mỵ khi phải thức dậy lúc nửa
đêm để làm một việc gì đó cho anh mà vì anh không còn sức khỏe nữa. Thời gian
buồn phiền chán nản nhậu nhẹt say sưa đã khiến sức khỏe hao tổn nhiều. Sự suy sụp
tinh thần đem đến bệnh tật. Mệt mỏi kiệt sức anh muốn được về nơi chốn cũ, gặp
lại người xưa một lần để nói một lời tạ lỗi. Anh thầm cầu mong Thảo
Nguyên đang sống hạnh phúc bên cạnh chồng. Vừa xuất viện sau một cơn đau phổi
anh quyết định phải về để không còn cơ hội.
Ngần ngại một lúc anh bước đến bên quầy nước trả tiền để được
dịp hỏi thăm nơi ở mới của Thảo Nguyên. “Anh đừng nói là chồng của cô giáo
nghen!”. Chị chủ quán ranh mãnh soi mói nhìn anh sau khi đã trả lời. Người đàn
ông bước ra khỏi quán như chạy trốn. Anh có cảm tưởng chị ta biết rõ anh là ai.
Thành phố đã thay đổi nhiều, tuy nhiên những con đường anh đã từng qua lại nhiều
lần trong suốt hơn ba mươi năm không có gì khác lắm. Vẫn nằm ở đó, rộng hơn và
đẹp hơn. Anh là một kẻ tha hương, ra đi mười mấy năm rồi. Thị xã bây giờ đã là
thành phố với nhà cao tầng, siêu thị… Anh dễ dàng tìm ra nhà của Thảo Nguyên.
Đó là một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô. Nơi này ngày xưa hẻo lánh vắng vẻ, bây giờ
nhà cửa đã đông đúc. Nhà không có rào để trồng hoa Tigôn. Thảo Nguyên thích hoa
Tigôn. Đó là điều nhận xét đầu tiên của anh khi đến nơi. Ngôi nhà cho thấy chủ
nhân có cuộc sống không sung túc lắm. Có sợi dây nào thắt trái tim anh lại đau
nhức.
Còn ngập ngừng không biết có nên lên tiếng gọi hay không thì
Thảo Nguyên từ trong nhà đi ra nhìn anh ngạc nhiên đến sững sờ. Tuy già đi nhiều
theo năm tháng nhưng cô ấy vẫn đẹp, vẫn dịu dàng. Trong mắt anh muôn đời Thảo
Nguyên vẫn đẹp. Vẻ tự tin ban đầu biến mất, anh hơi luống cuống. “Anh có thể gặp
em giây lát được không?”. Thảo Nguyên cười buồn. “Đã đến đây rồi sao lại còn có
thể và không thể”. Hai người nói chuyện với nhau lịch sự đến khách sáo. Thảo
Nguyên mang trà đãi khách. Cũng cái tách bằng sứ trắng có in vài cái bông mua
tím. Người đàn ông khóc trong lòng, tim lại nhói lên. Cô ấy nói về cuộc sống hiện
tại, vẫn khỏe mạnh, đi dạy thường xuyên, có một đứa cháu gái đến sống chung… Thảo
Nguyên không có chồng. Cô ấy không lập gia đình nữa. Anh bật ra vài tiếng ho rồi
lấy khăn lau tay lau miệng. Thèm được cô ấy tát cho vài cái hay mắng chửi thậm
tệ, nắm áo léo lôi như bao phụ nữ đã làm khi ông chồng có lỗi. Cô ấy vẫn dịu
dàng đến lạnh lùng. Anh nói đang nghỉ ở khách sạn gần đây, thật ra thì cách xa
cũng sáu, bảy cây số. Muốn cho Thảo nguyên hiểu là nhân tiện nên anh đến thăm.
Khi anh nói về gia đình, cô ấy cười nhẹ. “Em biết rồi”. Hóa ra Thảo Nguyên vẫn
hằng theo dõi anh qua báo chí. “Tha thứ cho anh!”. Người đàn ông rên xiết trong
lòng, những cơn đau thắt nơi tim khiến anh bật ho rũ rượi. Nước mắt lăn dài
trên má. Ho đến chảy nước mắt hay vì khóc anh cũng không biết. Anh để mặc nước
mắt chảy trước ánh mắt lo lắng của Thảo Nguyên. Anh nói qua về bệnh tình, đã
vài lần nhập viện vì viêm phổi, lại còn tim mạch hỗn loạn. “Anh không biết tự
chăm sóc sức khỏe”. Cô ấy chỉ buông một câu nhẹ nhàng. Anh không biết mình còn
đòi hỏi gì hơn khi cả hai không còn liên quan gì đến nhau, anh là nỗi căm hận,
là cơn đau thỉnh thoảng dấy lên trong quãng đời thầm lặng êm ả của cô ấy.
Trời đã tối hẳn, bịn rịn không muốn chia tay nhưng cuối cùng
anh cũng phải từ giã ra về. Thảo Nguyên vụt nói. “Em muốn cho anh biết một chuyện”.
Tim anh bỗng đập mạnh, linh cảm có một điều gì đó nghiêm trọng mà Thảo Nguyên
đã che giấu bao lâu nay. Có lẽ nào khi chia tay nhau cô ấy đã có mang? Lúc trước
cả hai đồng ý chầm chậm hãy sinh con, vì sự nghiệp của anh. Mỵ thì không chịu
sinh con vì sợ thân thể sẽ xấu đi, lại bận bịu vất vả. Anh theo chân Thảo
Nguyên đến trước một căn phòng, cứ nghĩ đó là phòng ngủ. Thảo Nguyên đẩy cửa
vào rồi bật đèn. Hơn nửa căn phòng là sách. Những quyển sách chồng chất
lên nhau gần đụng trần nhà, có những quyển còn đóng gói trong các tờ giấy dầu. Tay chân
run lẩy bẩy anh chệnh choạng như người say rượu bước vào phòng. “Sách của anh,
em đã mua lần hồi bằng tiền bán ngôi biệt thự”. Người đàn ông bật ra một tiếng
ho lớn. Một dòng máu đỏ phún ra tưới lên các chồng sách. Anh chới với đưa tay
ra phía trước nhưng trước khi người phụ nữ có phản ứng thì anh đã ngã sấp xuống
úp mặt vào các quyển sách còn thơm mùi giấy mới. Anh đã đi! Không biết là anh
lên thiên đường hay qua một lối nào khác?.
25/8/2008 Trần Lệ Thường
25/8/2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét