Vài cảm nhận về văn phê bình của Xuân Diệu
qua "Các nhà thơ
cổ điển Việt Nam"
Xuân Diệu là một tài năng lớn không chỉ ở lĩnh vực thi ca mà
cả ở lĩnh vực phê bình. Với hai tập các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Xuân Diệu đã
xếp chỗ ngồi trang trọng và phù hợp cho các nhà thơ tiền bối mà tên
tuổi họ mỗi khi nhắc đến đều làm sống dậy trong lòng người Việt Nam một tình cảm
yêu mến và tự hào. Đó là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến,
Trần Tế Xương, Cao Bá Quát…
Qua những trang bình thơ của Xuân Diệu, ta được tiếp cận với
một lối lý luận khúc chiết, sắc sảo, một cách thưởng thức và thẩm định đầy
trách nhiệm đối với di sản văn học của tiền nhân. Và ta bị lôi cuốn bởi chất
văn dào dạt thấm đẫm phong cách Xuân Diệu, khiến ông không lẫn với một ai khác
- dù là những người cùng nghiên cứu về cùng một đề tài cùng một tác giả văn chương.
Chất văn trong văn phê bình, không phải nhà phê bình nào cũng có được. Chính vì
thiếu chất văn nên một số bài phê bình lọt thỏm trên văn đàn và nhanh chóng rơi
vào quên lãng. Nhưng Xuân Diệu không thể, văn phê bình của ông là một thứ văn đầy
hình tượng và thanh sắc. Đọc Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Xuân Diệu bị ám ảnh
bởi những câu thơ bạc tóc. “tuổi cao tóc bạc, cái râu bạc/ Nhà ngặt đèn xanh,
con mắt xanh”. Mỗi một câu thơ Nguyễn Trãi gieo vào lòng Xuân Diệu bao khua động:
“đôi mắt Ức Trai sâu vời vợi cùng thức với ngọn đèn xanh, đồng thời mắt xanh
cũng có nghĩa là mắt đợi chờ người tri kỷ…, mãnh lực của thơ Nguyễn Trãi đã dựng
lên cái điển hình, cái không khí của người thức đêm”.
Xuân Diệu là một nhà thơ, trước khi cầm bút bình thơ. Vì thế
mà ông rất chú ý đến âm điệu, nhạc điệu, nghệ thuật ngôn từ. Sánh cách láy tiếng
của Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm, Xuân Diệu lựa ra hai câu thơ:
Khát uống chè mai hơi ngọt ngọt
Sốt kề hiên nguyệt gió thiu thiu
(Nguyễn
Bỉnh Khiêm)
Và:
Hương cách gác vân thu lạnh lạnh
Thuyền kề bãi nguyệt tuyết chênh chênh
(Nguyễn
Trãi)
rồi nhận xét: “Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà đạo đức làm thơ. Nguyễn Trãi chính
cống là một tâm hồn thi sĩ”. Tưởng không cần bình luận gì thêm.
Trong số các nhà thơ cổ điển mà Xuân Diệu đề cập đến, ông chỉ
gọi mỗi Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài. Trong bài “Nhà thơ thiên tài dân tộc
Nguyễn Du”, Xuân Diệu bình về cơn tam bành và những lời mắng mỏ của Tú Bà khi
biết Mã Giám Sinh đã chơi trên cơ mụ: “Trời đất ơi! Tú Bà nói không đầy nửa
phút, mà bọt mép của mụ văng mãi đến ngàn năm! Tưởng như mụ đã xé xác người ra
rồi, cái con hổ cái! Tưởng như mụ nói, rách cả trang giấy Truyện Kiều”. Dường
như không phải Xuân Diệu kiện diện ở thế kỷ XX đọc Nguyễn Du mà Xuân Diệu hiện
diện ở thế kỷ XVIII, chứng kiến tận mắt cảnh Tú Bà xắn tay áo xỉa xói nàng Kiều.
Và Xuân Diệu không chịu nổi, kêu lên: “Trời đất ơi! Con hổ cái!”, quên mất rằng
mình đang ngồi trước một áng “cảo thơm”. Đọc mà như thấy, là một sự nhập thần
ghê gớm. Viết như thật, để người ta đọc như thấy, là thần bút. Nguyễn Du quả đã
không phí công viết. Xuân Diệu đọc Nguyễn Du như thế, khác nào Tử Kỳ nghe Bá
Nha đàn?
Về bút pháp miêu tả người của Nguyễn Du, Xuân Diệu cho rằng với
Hoạn Thư, sở khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh v.v…thì “Nguyễn Du dùng hiện thực phê bình
dựng những nhân vật phản phái, vẽ bọn chúng rất xấu”, nhưng với nhân vật chính
diện thì Nguyễn Du “dùng ngòi bút vừa hiện thực vừa lãng mạn. Cái bút pháp này
- Xuân Diệu viết - chúng ta đã thấy Nguyễn Du dùng cho Kim Trọng là một nhân vật
Nguyễn Du quý mến nhưng chưa phải đã gửi tâm sự của mình vào”. Phân tích như thế,
bất quá Xuân Diệu cũng chỉ giống như các nhà nghiên cứu phê bình đương thời, có
gì đáng nói? Thế mà có đấy. Sau chữ “nhưng”, ông đã dùng lối phục bút, để nấp sẵn
ở đây một ý. Đã phục thì phải khai, Xuân Diệu khai như thế nào? “Những nhân vật
Nguyễn Du gửi tâm sự của mình vào là Thúy Kiều và Từ Hải”. Nguyễn Du yêu mến họ
như xương thịt mình, đem hết bút lực tài tình mà vẽ họ. Và Xuân Diệu lý luận rằng
các nhân vật như Kim Trọng, Thúy Vân, Tú Bà, Sở Khanh v.v… người ta đều có thể
lấy tên mà gán cho người trong đời thường chẳng hạn cô nào đẹp phúc hậu thì gọi
là Thúy Vân, mụ chủ nhà chứa thì gọi là Tú Bà, tay nào đểu cáng lừa phỉnh người
nhẹ dạ cả tin thì đích là một tay Sở Khanh; nhưng chẳng có thể gọi ai trong đời
thường là Thúy Kiều hay Từ Hải. Xuân Diệu viết: “Với Kiều, với Từ, đã là ngòi
bút lãng mạn, phượng múa rồng bay, đã là mở cửa cho mộng tưởng, cho lý tưởng xa
xăm về hòa thành sự sống. Thúy Kiều là kết tinh của tài hoa, Từ Hải là kết tinh
của khí phách. Thúy Kiều là tiếng hạc bay qua, là hoa trôi man mác, là tay tiên
gió táp mưa sa,…bao nhiêu cái gì ước mơ, xinh đẹp mà chưa có là thành Thúy Kiều.
Từ Hải gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo, là dọc ngang nào biết trên đầu có
ai, những phường giá áo túi cơm sá gì - bao nhiêu đạp phá, sảng khoái vẫy vùng
là thành Từ Hải”. Sau đoạn này Xuân Diệu còn phân tích nữa, nhưng tôi xin tạm đặt
dấu ngoặc kép ở đấy để đưa ra một mối liên hệ nhỏ. Nguyễn Du muốn nói Thúy Kiều
đẹp, nhà thơ không tả trực diện, mà tả Thúy Vân đầy đủ các vẻ đẹp, tưởng không
còn có thể thêm gì nữa, rồi bất ngờ: “Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So bề tài sắc lại
là phần hơn”. Xuân Diệu bàn về phép tả người của Nguyễn Du như trên, chính là
dùng cái lối bàn đạp ấy của Tố Như tiên sinh. Ban đầu, Xuân Diệu phân tích cái
giỏi cái tinh của Nguyễn khi tả một loạt các nhân vật điển hình giỏi và tinh đến
mức không chê vào đâu được. Thế là lấy đà vút một cái, người ta thấy Xuân Diệu
đã rời khỏi không gian của Thúy Vân, Kim Trọng, Thúc Sinh, Sở Khanh, Hoạn Thư…
bước sang cõi của Kiều và Từ Hải mà chiêm ngưỡng một cách ngẩn ngơ say đắm. Tả
những nhân vật kia Nguyễn Du đã giỏi đã tinh thật, nhưng tả Kiều, tả Từ mới là
chỗ diệu bút của người. Có điều, Xuân Diệu không so sánh Nguyễn Du với ai khác,
mà với chính Nguyễn Du. Như vậy, nhà thơ đã giúp cho bạn đọc cảm nhận độ sâu thẳm
của tâm hồn và tài năng Nguyễn Du, không chỉ một vài lần đọc mà thấm ngay được,
bởi nó tầng tầng lớp lớp, và điều Xuân Diệu bàn đến ở đấy cũng mới là một trong
muôn vàn tầng lớp biểu hiện thiên tài Nguyễn Du. Chính vì thế mà sau này Xuân
Diệu còn tìm đến với tác phẩm Nguyễn Du nhiều lần nữa. Nào là “Chung quanh từ
ngữ Truyện Kiều”, “Con người Nguyễn Du trong thơ chữ Hán”, “Đọc văn chiêu hồn”,
“Bản cáo trạng cuối cùng trong truyện Kiều”, “Đọc lại Nguyễn Du”, Xuân Diệu đã
kiên trì để hiểu Nguyễn Du, và đã đi được đến cùng.
Nói đến kiên trì và thận trọng, thì Xuân Diệu là người có đủ
các đức tính ấy. Trong câu thơ Nguyễn Trãi đã dẫn ở đầu, Xuân Diệu có lần mạo
muội đổi “cái râu bạc” thành “chòm râu bạc”. Tưởng đổi xong, in vào sách hẳn
hoi là yên, nào ngờ cứ đeo đẳng ngẫm ngợi mãi, cuối cùng phải đính chính lại
câu thơ như lúc ban đầu vì “cái râu bạc” có linh hồn hơn, có thần sắc hơn. Theo
một chữ “cái” của Nguyễn Trãi, Xuân Diệu mất 23 năm (1957-1980). Để hiểu thấu
đáo Nguyễn Du, nhà thơ mất biết bao năm? Xuân Diệu tâm sự: “Riêng tôi vài chục
năm nay đọc đi, đọc lại đoạn Kim - Kiều gặp nhau, Kim tương tư Kiều, kể có trăm
lần, thế mà mãi gần đây, mới nghiên cứu lại, mới gọi là sơ bộ nhận thấy những tầng
lớp trong đó thật tài tình”. Tương tự như thế, Xuân Diệu cũng bền bỉ cùng hai
chữ “chấp rượu” của Hồ Xuân Hương nữ sĩ để cuối cùng có được sự lý thú của kẻ
khám phá “chấp” là “thách” là “cóc cần” - say chấp rượu là say không cần rượu,
say chấp cả rượu. Quả là khi dấn vào lĩnh vực nghiên cứu phê bình, Xuân Diệu đã
cầm theo câu ca “Mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội…”
Trước văn chương, Xuân Diệu viết, không phải chỉ như một người
thưởng thức hoặc phê bình, mà bằng nổ lực hội nhập vào quá trình sáng tạo của
người xưa, lấy hồn mình để cảm lắng thơ người. Điều này trong giới phê bình nước
ta, ngoài ông ra, còn có Hoài Thanh tác giả “Thi nhân Việt Nam”. Văn phê bình của
Hoài Thanh trầm tĩnh, duyên dáng, của Xuân Diệu mãnh liệt và say sưa; nhưng cả
hai người đều chạm đến được miền sâu thắm của thi ca, bằng con đường từ trái
tim đến trái tim, từ tâm hồn đến tâm hồn. Có lẽ vì vậy mà văn phê bình của Xuân
Diệu - cũng như Hoài Thanh - cuốn hút và thuyết phục chúng ta ở những nét riêng
của kiểu phê bình không bao giờ cũ.
6/7/2006Trần Thị Huyền Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét