Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

Văn chương là cả cuộc đời

Văn chương là cả cuộc đời

Văn của Lê Văn Thảo đầy ắp tình người. Không to tát, giáo điều cũng không chính luận, lên lớp, văn chương của ông đi vào những câu chuyện nho nhỏ, những góc khuất tâm trạng, những trục trặc tình cảm. Nhưng trên hết vẫn là cái đẹp, dù nhỏ bé nhưng vẫn lung linh, có khả năng “cứu chuộc” đời sống vốn nhiều bất trắc
Trong năm 2006 này, nhà văn Lê Văn Thảo chưa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách nào mới, nhưng thay vào đó, ông lần lượt cho tái bản hai cuốn tiểu thuyết Cơn giông, Con đường xuyên rừng, và sắp tới đây là tập truyện ngắn Ô cửa màu xanh. Với Lê Văn Thảo, chuyện tái bản sách không theo nghĩa “tái sản xuất” với mục đích kinh doanh, hay đánh bóng tên tuổi, mà đấy là một niềm vui thầm lặng...
“Viết lại cho... có văn” (!) 
Ông bỏ hơn một năm trời để chỉnh sửa, viết lại hai cuốn tiểu thuyết Cơn giông, Con đường xuyên rừng trước khi mang “cậy nhờ” NXB Hội Nhà văn tái bản. Hỏi Lê Văn Thảo, ông viết lại có nhiều không, có bổ sung nhân vật hay cài đặt thêm tư tưởng nào hấp dẫn, mới lạ không thì ông cho biết gần như không có thay đổi gì nhiều. “Chủ yếu là viết lại cho... có văn” - Lê Văn Thảo bảo thế rồi tủm tỉm cười. Giải thích thêm cho cái chuyện viết lại cho có văn này, Lê Văn Thảo bảo, đó là một quá trình hoàn thiện không ngừng tác phẩm của mình. “Nhiều khi đọc lại thấy mình viết có chỗ vụng, có chỗ câu chữ lủng củng, rườm rà... Thật không ngoa khi nói văn chương là sáng tạo chữ. Sáng tạo cũng chẳng phải làm mới gì ghê gớm mà là đặt chữ vào đúng chỗ của nó...” - Lê Văn Thảo bộc bạch.
Đặt chữ vào đúng chỗ của nó, thoạt nghe tưởng dễ nhưng kỳ thực lại khó. Nó đòi hỏi người viết phải công phu và thành tâm. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói, chữ như những vỉa đá, được nhà văn vỡ ra, rồi đẽo gọt, nâng đặt... để trở thành ngôi nhà tác phẩm. Chữ là chất liệu nhưng chữ đồng thời cũng là hồn vía tác phẩm. Trong thực tế, Lê Văn Thảo không phải là người quá kỳ khu trong câu chữ, nhưng ông rất ý thức trong việc “lao động chữ”. Lê Văn Thảo tâm sự: “Tôi đang đọc cuốn Rừng Na Uy của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Theo tôi, nội dung cuốn sách cũng không có gì ghê gớm, yếu tố sex thì cũng bình thường. Nhưng phải công nhận văn phong đẹp quá, câu chữ đầy dư vị cảm xúc. Viết được như thế, tất nhiên là không dễ dàng gì” (!) 
Có thể nói, Lê Văn Thảo là một trong ít nhà văn Nam Bộ thể hiện hồn cốt tác phẩm thông qua bối cảnh câu chuyện, tâm trạng nhân vật, suy tư tác giả... chứ không dùng phương ngữ như một cứu cánh. Dù xuất thân từ vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng văn của ông hoàn toàn không có những: trớt huốt, hen, hông, mèn đéc, dữ hôn v.v... Lê Văn Thảo vận dụng một thứ ngôn ngữ phổ thông, nhưng qua đó người đọc vẫn cảm nhận được cái hồn cốt của người Nam Bộ. Đó chính là tính cách phóng khoáng trong từng nhân vật, lối suy nghĩ nhiều khi giản đơn, những hành động tiềm thức được gieo trên từng mảnh đất lạ lùng của xứ sở dọc ngang sông nước v.v...
Trong khi nhiều nhà văn Nam Bộ thường hay “nệ” chuyện thì Lê Văn Thảo lại đi tìm văn. Đấy cũng là một nét riêng(!).
Viết văn để được sống là mình
Văn của Lê Văn Thảo đầy ắp tình người. Không to tát, giáo điều cũng không chính luận, lên lớp, văn chương của ông đi vào những câu chuyện nho nhỏ, những góc khuất tâm trạng, những trục trặc tình cảm. Nhưng trên hết vẫn là cái đẹp, dù nhỏ bé nhưng vẫn lung linh, có khả năng “cứu chuộc” đời sống vốn nhiều bất trắc.
Mỗi khi bình luận về một tác phẩm, Lê Văn Thảo không bao giờ “bốc” lên, dù đó là cuốn sách mà ông thích. Theo ông, đánh giá một tác phẩm luôn cần độ lùi của thời gian. Thời gian sẽ trả lời tất cả, không việc gì phải vội vàng, quắn quýt cả. “Cái còn thì vẫn còn nguyên/Cái tan dẫu tưởng vững bền vẫn tan” - đó là hai câu “vần vè” mà những lúc trà dư tửu hậu cánh nhà văn vẫn thường “gút” lại. Lê Văn Thảo chưa bao giờ cao hứng để “xổ” thơ, nhưng luôn tán đồng điều đó bằng cái nheo mắt cười. Lê Văn Thảo từng nói đại ý rằng, đời ông không có ham muốn gì lớn hơn là được viết văn, tức được sống là mình. Văn là người; văn cũng là đời; văn chương là chuyện cả cuộc đời, biết nói gì hơn là... cặm cụi ngồi viết. Chưa bao giờ dừng lại, Lê Văn Thảo vẫn đang cặm cụi trên trang viết của mình, kể cả việc viết lại tác phẩm đã được đánh giá cao, như cuốn Cơn giông (Giải A - Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2003).
Suốt cả tháng 7-2006, nhà văn Lê Văn Thảo cùng với Phan Thị Vàng Anh ngao du nước Mỹ. Khi về, Lê Văn Thảo định ngồi viết một bài báo nhân chuyến đi, nhưng rồi... không viết. Thực ra, Lê Văn Thảo không có thói quen “gặt hái” bằng những bài báo sau mỗi chuyến đi, dù ông là người xê dịch liên tục, và cũng gặp khối chuyện hay ho để viết. Mà, cũng không mất đi đâu cả, ông để dành viết văn.
Lê Văn Thảo bảo tuổi già rất sợ ngồi “chông ngốc” một mình. Nhưng tôi tin là ông sẽ không buồn, vì bên ông luôn có những người bạn văn chân tình! 
Nhà văn Lê Văn Thảo tên thật là Dương Ngọc Huy, sinh năm 1939, quê Long An. Thuở học trò, Lê Văn Thảo học giỏi toán, đối với văn chương ông chỉ ham thích đọc sách chứ không có ý thức “làm văn”. Học dở dang khoa toán của Trường Đại học Khoa học Sài Gòn, Lê Văn Thảo vào chiến khu làm dân công tải đạn. Năm 1965, Lê Văn Thảo đã là một người lính chiến đấu thực sự. Cũng từ đây, ông bắt đầu khởi nghiệp văn chương với sự gợi ý của nhà văn Anh Đức. Các tác phẩm của ông được bạn đọc nhắc đến nhiều: Chuyện nhỏ tình yêu (tập truyện ngắn, 1995), Con đường xuyên rừng (tiểu thuyết, 1995), Ông cá Hô (tập truyện ngắn, 1995) v.v...
16/9/2006
Trần Nhã Thụy
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ám ảnh nỗi đau chiến tranh trong tác phẩm của nhà văn Kiều Vượng Một buổi chiều xuân muộn, chúng tôi gặp nhà văn Kiều Vượng trên chiếc x...