Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc
“Còn điều chi em mải miết đi tìm?”. Ong ong trong
đầu Thu Đông những câu hát chị vẫn hát hàng đêm. Chị hồi tưởng lại
sự việc xảy ra trước đó. Từ lúc chị đứng bên bờ hồ Than Thở nhớ chuyện ngày
xưa. Gần hai mươi năm rồi, đúng ra là chị có rất nhiều dịp về đây trình diễn
nhưng chị từ chối, không muốn trở về một nơi đã để lại cho chị quá nhiều vết cắt
như thân cây cao su người ta lấy nhựa mỗi ngày. Chiều nay, “Đồi thông lao xao”
vẫn lao xao như ngày nào. Một chút đầm ấm, một chút dịu dàng len vào trong chị
như sợi nắng luồn qua kẽ lá. Cô nữ sinh Thu Đông thích đạp vịt trên hồ với người
bạn học cùng lớp Trần Thưởng Cảnh để nghe anh hát: “Phố núi cao phố núi đầy
sương. Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn. Anh khách lạ đi lên đi xuống. May
mà có em đời còn dễ thương”. Rồi chị xuống hồ đạp vịt để làm sống lại cảm giác
ngày nào. Mơ màng chị nhớ câu chuyện “Đồi thông hai mộ” và trong ánh sáng chập
choạng của buổi hoàng hôn, ảo giác cho chị thấy cô gái đáng thương đã trầm dưới
hồ từ từ trồi lên mặt nước, tóc phủ gần kín mặt. Nhìn kỹ, hóa ra lại là chính
chị. Ngay lúc ấy, chị bất chợt trông thấy Cảnh trong bộ quân phục màu xanh đang
đứng ở bờ hồ. Chị đứng bật lên quên phắt là mình đang ở đâu rồi một cơn đau thắt
nơi ngực trái vụt đến khiến chị ngã nhào xuống nước.
Cuối cùng hai người xa nhau mà không có buổi tiệc chia tay
nào, không một lời tạm biệt. Thu Đông vào Sài Gòn thi diễn còn Cảnh lặng lẽ vào
quân đội. “Em muốn được như Lê Uyên - Phương”. “Thì em cứ đi tìm một “Phương”
cho mình”. Lúc đó cả hai vừa tốt nghiệp trung học phổ thông. Đầy mơ ước và hiếu
thắng, lòng sôi nổi và cuồng nhiệt, tính tự mãn kiêu căng đẩy hai người rời
nhau không cần một sân ga đèn vàng hiu hắt, không cần một sân bay nhàn nhạt nắng
cuối thu. Trời Đà Lạt vẫn đầy sương mù và mưa bụi bay, Cảnh một mình che chiếc
ô to lùi lũi trên mặt đường loang loáng nước trong khi Thu Đông tắm mình trong
nắng ấm, vùng vẫy trong vũng âm thanh rộn rã, ngây ngất với những bản tình ca rồi
trở mình trên mớ tro tàn mà người ta vẫn gọi là kỷ niệm trong bếp lò quá khứ.
Từ bé Thu Đông đã thể hiện khả năng ca hát đặc biệt. Một giọng
hát đục, trầm, đầy lôi cuốn. Cô đi thi cho trường, cho địa phương, cho một cơ
quan đơn vị nào đó. Lần nào cô cũng đậu cao với nhiều huy chương vàng. Những
chiếc huy chương vàng ấy dẫn dắt Thu Đông tiến xa hơn nữa trên con đường nghệ
thuật. Cô thích những giờ đi tập hát, cô thích đứng trên sân khấu dưới những
ánh đèn đủ màu sắc để nhìn xuống khán giả. Cô say sưa hát quên cả đất trời,
quên cả thế giới xung quanh. “Em là một nửa của đất trời và là một nửa của
riêng anh”. Cảnh đã nói một câu rất tầm thường nhưng vẫn ám ảnh theo chị mãi đến
bây giờ. Đã hơn nửa đời thăng trầm sôi nổi Thu Đông vẫn không tìm được một
“Phương” cho mình để cùng đứng trên sân khấu cất tiếng hát làm đẹp cho đời. Chị
cũng vẫn cô đơn giữa một thành phố nhộn nhịp. Chị cũng vẫn khắc khoải hàng đêm
trong bóng đêm với nỗi kinh hoàng. Vì lúc ấy chỉ có chị với nỗi đau mà
bóng đêm là nhân chứng. Từ nhỏ, cô bé Thu Đông đã rất sợ bóng tối. Trong màn
đêm đen nghịt cô đã tưởng tượng ra bao nhiêu là điều đáng sợ. Mụ phù thủy có
chiếc mũi dài, ông chằng của “Đôi hia bảy dặm”, mãng xà tinh… Vậy là cô hét
toáng lên làm náo động cả nhà trong khi đứa em trai năm tuổi đang ngủ say sưa ở
căn phòng bên cạnh. Phù Thị Thu Đông! Cô gái có cái họ còn mang một chút hơi hướm
Trung Hoa xa vời vợi, không biết gì về Vạn Lý Trường Thành và cũng chẳng dính
líu gì đến nhà Mãn Thanh nhưng cô lại rất thích Kinh Kha. “Đưa người không đưa
sang sông. Sao nghe có tiếng sóng ở trong lòng”. Dưới mắt Thu Đông lúc ấy Cảnh
là một Kinh Kha thời thượng. Tính ít nói, lòng tốt, sự dũng cảm và còn vì Cảnh
thường làm bài thi hộ cô, mua thật nhiều hoa bất tử tặng cô. “Hoa bất từ nói
lên điều gì?”. Cảnh cười, mũi nhăn lên. “Tượng trưng tình yêu hai đứa!”.
“Tượng trưng tình yêu hai đứa!”. Thu Đông thường nhẩm lại câu nói
của Cảnh rồi chua chát nhìn những giỏ hoa treo lủng lẳng trong phòng. Vào
Sài Gòn, Thu Đông bỏ lại những chiếc áo len đủ màu sắc với nhiều kiểu dáng
khác nhau, hành trang mang theo là những giỏ hoa bất tử cũng đủ màu sắc. Sau
này nghe tin mẹ sắp vào thăm chị hớn hở: “Mẹ ơi! Nhớ mang thật nhiều hoa bất tử
mẹ nhé!”. Thỉnh thoảng chị có tổ chức một buổi tiệc nhỏ tại nhà để bạn bè gặp
nhau trao đổi, giúp nhau tiến bộ hơn. Một cô bé thò đầu vào phòng chị trầm trồ:
“Ôi! Hoa bất tử ở đâu nhiều thế? Chị Thu Đông! Chị cho em một giỏ nghen!”. “Ùm!
Ờ! Ờ!”. Rồi đến tối, nhìn cô ca sĩ trẻ đỏng đảnh xách giỏ hoa ra cửa chị như bị
lấy đi một thứ gì đó trong người. Giá mà nó nói “Chị tặng em bộ váy đẹp này”.
Có lẽ sẽ dễ chịu hơn. Hàng đêm, khi chị lên giường là ba giờ sáng,
chị được ngủ đến mười một giờ, đi tập dượt, tám giờ ra khỏi nhà đến với sân khấu.
Trải mái tóc dài đen óng mượt trên gối, chị mở mắt nhìn những giỏ hoa đung đưa
đung đưa đến khi mòn mỏi ngủ thiếp đi. Dĩ nhiên cho đến bây giờ khi ngủ chị vẫn
để đèn sáng mặc dù trong nhà còn có một người phụ nữ giúp việc.
“Vẫn biết ta giờ không trẻ nữa. Sao thương ai ở mãi cung hằng.
Lời nguyền cũ trên đầu như nguyệt quế. Đâu chịu nhòa khi tới giữa mùa trăng…”.
Chị vụt im bặt ngẩn người ra. Rõ ràng là Cảnh đang ngồi ở hàng ghế đầu với chiếc
áo sơ mi màu vàng nhạt. Thấy Thu Đông nhìn anh đưa bó hoa trong tay về phía trước
như thể nói lát nữa sau bài hát sẽ tặng chị. Tim chị nhói đau nhưng chị vẫn thấy
bình tĩnh. Chị bỏ dở bài hát nửa chừng vội vã quay vào trong rồi lặng lẽ rời
sân khấu, bỏ lại phía sau bao điều phiền toái. Sau gần mười năm lập gia đình,
không tin tức thư từ gì, Cảnh đã quay lưng về phía chị, quên thung lũng tình
yêu của những chiều nhạt nắng và những giỏ hoa bất tử nhẹ tênh nhưng trĩu nặng
ân tình. Giờ đây, Cảnh tự cho phép mình tìm gặp chị giữa đêm Sài Gòn vang tiếng
nhạc. Cuộc sống vẫn chảy trôi âm thầm như máu trong tim, tình yêu vẫn như hoa bất
tử nhưng chị không cho phép mình gặp Cảnh. Chị vào Sài Gòn chưa đầy ba năm Cảnh
đã lặng lẽ cưới vợ. Lần ra đi ngày ấy Thu Đông đâu ngờ sẽ chia tay Cảnh mãi
mãi. Chị không phải là Megi của đồng cỏ Australia, chị là ca sĩ Thu Đông!
Nếu có một ngày chị không còn khả năng ca hát nữa chị sẽ về bán hoa bất tử trước
thung lũng tình yêu và sẽ không bao giờ bán cho bất người đàn ông nào dù họ có
trả một giỏ hoa bằng cả cuộc đời. Cũng như, nếu có phải chết đêm nay vì nhớ
thương chị cũng không bao giờ gặp Cảnh.
Mười hai giờ đêm! Về gần đến nhà chị đã thấy Cảnh ngồi trên bậc
tam cấp trước cửa, đầu cúi thấp, kiên nhẫn chịu đựng, bó hoa hồng màu đỏ nằm cạnh
bên. Chẳng biết người đứng vác cả bầu trời trong truyện thần thoại
có nặng bằng chị vác nỗi đau chạy trốn. “Quay lại đi! Chúng mình đi
ăn tối!”. Thu Đông bảo Tường Linh, một nhạc sĩ đã viết rất nhiều bài hát cho
riêng chị hát và những bài hát tặng chị. Mỗi đêm, anh đưa chị về rôi quay về
trên con đường vắng ngắt tận ngoại ô thành phố. Gần năm mươi tuổi anh cũng
không màng lập gia đình, cái chuyện đơn giản bình thường của đời thường đối với
anh là một điều ràng buộc. Sao lại từ mình tròng vào cổ sợi dây thừng rồi để nó
kéo lê từ ngày này sang ngày khác. Anh thích tự do như những nốt nhạc bay trên
khuông, như những âm thanh tưng bừng bay trong không gian. Không phải chỉ có một
Tường Linh xuất hiện bên cạnh Thu Đông mà còn rất nhiều Tường Linh khác nữa.
Nhưng Tường Linh không phải là Cảnh. Mỗi người là một người khác. Và Cảnh chỉ
có thể là Cảnh mà thôi.
Sáu giờ sáng! Thu Đông về, thẫn thờ nhìn bó hoa hồng nằm chơ
vơ trên nền gạch vẫn còn đỏ thắm. Chị ngồi xuống chỗ Cảnh đã ngồi, cầm bó hoa
lên nâng niu từng cánh. “Ngay cả nếu âm thầm em hóa đá. Bầu trời lặng yên
cũng đã vỡ rồi. Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp. Khi thanh âm cũng bất lực
như lời. Sẽ chỉ còn quầng thu thuở ấy. Nỗi cô đơn vằng vặc giữa trời. Người đàn
bà giấu đêm vào trong tóc. Em tìm gì khi thất vọng về tôi”. Chị hát tiếp
bài hát đã bỏ dở dang. Không đàn, không trống, không sân khấu, không tiếng vỗ
tay. Hát một mình, để một mình mình nghe. Giá mà Cảnh có thể biến mất khỏi cuộc
đời chị như chiếc bong bóng bay bị đứt dây, như miếng nước đá bào xịt xirô đỏ của
ngày còn bé. Có một buổi sáng, Thu Đông giật mình tỉnh giấc vì tiếng quát tháo ầm
ỉ trong con hẻm bên cạnh. Chị ta đang xa xả chửi rủa chồng trong khi ông này
đang nằm vật dưới nền nhà ngáy như kéo gỗ. Không phải mấy mươi năm trước họ đã
từng ao ước nắm tay nhau và muốn được sống cùng nhau, họ đã từng
khao khác được đọa đày nhau trong ao tù hạnh phúc. Nhà bên kia thì chị nọ đang
cầm cây chổi quét hơ quét hất khi ông chồng đã dắt xe ra khỏi cửa. Cười buồn,
Thu Đông nghĩ thầm: Giá mà có cây chổi nào quét được Cảnh ra khỏi cuộc đời chị,
không vương lại chút bụi kỷ niệm nào. Những gì liên quan đến Cảnh đều lầm lì ở
lại trong chị như phù sa đắp bồi hai bên bờ nỗi nhớ. Lòng sông mỗi ngày một cạn
khi phù sa mỗi ngày một nhiều và chị, như con thuyền mắc cạn trên một dòng sông
không có nước.
Thu Đông vừa ngủ thiếp đi một chút thì chuông điện thoại reo
vang. Choàng tỉnh, mắt nhắm mắt mở chị với tay tìm điện thoại.
“Alô!”. “Chào em! Thu Đông!”. Chị bật dậy hét lên. “Cảnh! Anh Cảnh!”. “Anh
đang ở ngoài đảo. Ngày hôm qua đọc báo thấy đăng tin em đi trình diễn ở nước
ngoài. Chúc mừng em...”. Rất tiếc chị không nghe được giọng nói đầy xúc động của
Cảnh, chị đã ngất lịm. Sức khỏe ngày một yếu đi, bệnh tim ngày một trầm trọng.
Thu Đông biết một lúc nào đó chị sẽ như chiếc lá bàng cuối thu, chỉ
cần cơn gió nhẹ. Đời người có thế thôi! Chị cũng không có gì để ân hận. Chị đã
và đang sống theo con đường chị đã chọn. Chị biết vì sao Cảnh không chịu về đất
liền, vì sao Cảnh bỏ quên vợ con ở nhà ba mẹ. “Anh Cảnh có hai đứa con trai. Một
đứa là Xuân, một đứa là Hạ…”. Thỉnh thoảng gọi điện thoại ra cho Thu Đông, em
trai chị lại nhắc đến Cảnh ngoài ba mẹ. “Em là một nửa của đất trời…”. Vậy là
còn một nửa kia của trời đất Cảnh đã mang tặng cho con nhưng còn một nửa của
chính mình anh lại đành lòng đánh mất!
“Nghe tin em về Đà Lạt trình diễn anh vội về đây. Rất lâu rồi
chúng ta không gặp nhau…”. Thu Đông mở mắt, gương mặt Cảnh thật gần với hàng
ria mép đen và đôi mắt mỏi mệt đầy nước. Anh mặc quân phục và đeo quân hàm cấp
tá. Một gia đình truyền thống quân đội. Chắc hẳn Cảnh cũng không ân hận gì với
những gì đang có. Đứng quanh giường là ba mẹ, em trai chị, bác sĩ, Tường Linh
và nhiều người khác nữa. Tất cả cúi đầu và có người đang khóc. Chị bỗng dưng rất
muốn hát, thèm được hát và chị hát… “Ta đã yêu, đã yêu như chết là hạnh phúc.
Ta đã quên mình chỉ để nghĩ về em. Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc. Còn điều
chi em mãi miết đi tìm?”. Chị ngồi dậy bước xuống giường. Và chị trông thấy chị
mắt môi tái nhợt nằm xuôi tay theo người trên chiếc giường trải ra trắng toát,
không son phấn, không nữ trang. Thảng thốt, chị ôm chầm lấy Cảnh nhưng chỉ ôm
vào khoảng trống không. Quay sang mọi người chị gào lên: “Ba! Mẹ! Tường Linh!
anh Cảnh!”.
Mọi người vẫn bất động như mặc niệm. Yên lặng đến ngột ngạt
khó thở. Bác sĩ quay sang thì thầm với Tường Linh. “Tim đã ngừng đập trước khi
Thu Đông rơi xuống nước”.
28/4/2008 Trần Lệ Thường
28/4/2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét