Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

Sắc sắc không không

Sắc sắc không không

Tay run lẩy bẩy, lẩm nhẩm đọc bức điện: mẹ chết về ngay!… Vợ rên rỉ bảo, chết thật hay chết giả? Lại chết tiền thôi, trời ơi là trời!
Vợ chồng to tiếng cãi cọ. Cô quý mỗi tiền! Vậy chứ anh sống bằng nước lã? Nhưng tôi còn mẹ! Anh thương mẹ sao lấy vợ?… Lý sự cùn! Rõ vớ vẩn! Khốn nạn cái thân đời! 
Đêm xuống. Điện mất. Trăng sao cũng mất nốt. Tịnh không ngọn gió. Ngột ngạt !
Cửa bật mở. Mẹ bước vào chỉ mặt khóc, mẹ chết, đỡ tiền nuôi tháng rồi con ơi!  Mẹ đừng giận… cũng chỉ vì nghèo…! Cha bố anh chứ, nuôi lớn bằng sào, bằng gậy, giờ mẹ già không đáng đồng xu!… Bây giờ con kiếm đâu trăm ngàn tàu xe? Vậy hả? Tiền đây! Mẹ vạch vú bứt từng miếng thịt tươi nguyên nhét vào túi áo tôi. Sợ hãi, tôi lùi lại, từng xấp tiền rơi bình bịch xuống nền nhà. Mẹ cười đôn hậu bảo, con thấy chưa? Me có tiền, rất nhiều tiền… 
Tôi lẳng lặng theo mẹ ra khỏi phòng. Trời sáng dần. Mặt trời màu lam, cây cối màu lam, con đường hẹp ngoằn ngoèo. Nhà san sát, mái vòm thấp tè, trắng bềnh bệch. Yên tĩnh lạ lùng.
Dòng sông hiển hiện, nước xanh ngọc bích, không gợn sóng, không con đò. Mẹ thở dài thẫn thờ đi dọc bờ sông. 
Mẹ về ở với chúng con!
Cha bố anh chứ, mẹ thiết gì! Chẳng qua tiền kiếp tu chưa trọn! Mẹ tặc lưỡi chán chường. Đâu đó vẳng tới tiếng tụng kinh ảm đạm thê lương: “Nghiệp chướng bám giữ, luân hồi ngừng quay. Đức từ bi cứu khổ, cứu nạn... Niệm nam mô A di đà”. 
Mẹ lẩm bẩm, nam mô một bồ dao găm! Nước mắt mẹ rơi lã chã như những giọt mưa bàng bạc. Mà trời đổ mưa thật, mưa mỗi lúc nặng hạt, dầm dề, triền miên. Nước mưa có vị mặn như muối, tanh như máu. Mẹ bước vào căn nhà cô tịch, trống trải. Trong nhà, vài người mặc áo chùng thâm, vấn khăn mỏ quạ, xì xụp lạy một con dê già không mắt. Ơ, chị Hồng, chị làm gì vậy? Chị gái ngồi xổm thành kính rạp mình vái, gieo quẻ âm dương trên chiếc đĩa sứ. Tiếu! Chị run run kêu khẽ. Lại vái, lại cầu, lại gieo tiền. Sấp! Chị ngước nhìn tôi. Cậu Hùng đã về … Bà đang mong!
Mẹ đây!
Nghe tôi nói, chị bật cười. Mấy người ngồi quanh cùng cười tóa. Tôi ngạc nhiên quay lại, không thấy mẹ nữa. Mẹ đâu rồi? Tôi chạy khỏi nhà, lang thang giữa cánh đồng cỏ hoang. Có con nhện đen to bằng quả dừa, đung đưa tấm lưới trắng cản đường. Tôi khóc hu hu như đứa trẻ lạc mẹ.
Một đoàn tàu sình sịch lao tới, tôi cuống quýt nhảy lên. Nhân viên hỏa xa mặc áo gấm vàng, đội mũ cánh chuồn, gật đầu chào. Toa tàu vắng lặng. Một thiếu nữ nằm trên tấm thảm huyết dụ ngủ thiêm thiếp, bộ ngực non tơ quyến rũ nhấp nhô. Tôi thấy nôn nao, nghẹt thở. Đoàn tàu tăng tốc điên khùng lao vào cánh rừng đại ngàn, chồm lên nghiền nát những bầy hươu, nai, sư tử, vượn, báo, khủng long… Tôi hỏi, tàu chạy bằng năng lượng nguyên tử? Nhân viên hoả xa bảo, chạy bằng thịt người! Chân tay bủn rủn, tôi lê đến tấm thảm huyết dụ. Thiếu nữ phút chốc mềm nhũn, tan thành vũng nước sền sệt. Hình như thân thể tôi cũng đang tan rữa, đầu óc quay cuồng, mê man.
Ung, ùng, ùng... Oàng! ùng, ùng, ùng... Oàng!... Tôi bàng hoàng bật tỉnh giữa những tràng âm thanh dập dồn, cuồng bạo. Con tàu rú rít, va đập rùng rùng, khựng lại câm cứng.
Đồ gái điếm thối thây! Đồ chôm chỉa chó chết! Tiếng ai đó chửi rủa. Hành khách chen đạp, nhốn nháo ào ra các khoang cửa sổ. Phía dưới, ven theo các toa tàu hàng trăm người mặt mũi cục cằn, dữ tợn, tay súng, tay dao, tay cuốc vung lên, la hét: “Phải đền mạng! Không biên bản chi hết!”
Máu kéo thành vệt dài trên vạt cỏ cằn cỗi. Tiếng than khóc rỉ rả bên xác người chết… Mặt trời đỏ ối sà xuống. Nóng, nóng kinh khủng. Tôi ngơ ngác lủi thủi rời toa tàu đi bộ trên con đường rải đá gồ ghe, lòng trống trải cô đơn.
… Mẹ như cành củi khô nằm trên giường tre ọp ẹp. Một chậu nước lẫn phân lều bều đặt dưới gầm giường. Ngoài sân anh cả ngồi uống trà, tiếp khách. Ông chú họ râu đỏ nồng nặc mùi rượu, cất giọng oang oang:
- Bà này khôn! Chưa đủ mặt con chưa chịu về chầu tiên tổ.
Chị gái tóc uốn xù, tất bật bên anh cả thì thào:
- Tôi vừa xem quẻ, tốt lắm! Thánh đã cho bà đi, nhưng phải lễ tạ. Bà mắc nợ tiền kiếp.
Cụ hội trưởng các già góp ý:
- Tôi nói khí không phải, cụ nhà biếng đi chùa, nặng mình mẩy, khó ve lắm! Các bác kiếm mâm lễ chay, mời các già kể kinh đưa đường, chẳng tốn kém là bao.
Chú giở sách lẩm nhẩm: “Thân tý thìn, tỵ dậu sửu…”
Chị Hồng lo lắng hỏi gặng:
- Ông xem có chắc không?
Chú quắc mắt giận dữ: “Chị không tin sách thánh hiền?” Chị Hồng luống cuống bảo, việc đến nơi mà bác Cả vẫn bình chân như vại! Anh Cả rít thuốc, ngửa mặt nhả khói, lừ đừ bảo, việc đâu khắc đó!
Chú kẻ cả bảo, nghĩa tử là nghĩa tận. Họ mình tuy nhỏ dưng đừng để ai khinh. Nghèo cũng phải theo lệ làng! Chú tính, tiết kiệm thì tạ thịt, tạ nếp, chưa kể gia giảm, trà thuốc.
Chị Hồng phân bua, kim chỉ có đầu, bác cả phát bao nhiêu tôi cũng chấp! Cốt nhất sòng phẳng!
Anh Tư, cán bộ tỉnh, cười hề hề nửa đùa nửa thật bảo, tôi lương ba cọc, ba đồng, dành dụm trăm ngàn giắt lưng về. Thiếu chị Hồng đỡ nhé!
Chị Hồng bĩu môi  vùng vằng, tôi phận gái, con người ta! Ngày bà bán đất chia tiền, ai nhớ đến tôi?
Đúng lúc ấy cái Hải xồng xộc về, quần bò, áo chẽn, má phấn, môi son. Nó la con út vốn được mẹ chiều. Chẳng may lấy phải thằng chồng đần, hai mặt con vẫn bỏ chồng theo trai mất tăm. Nghe đâu đã trốn ra nước ngoài. Làm xấu mặt cả nhà, chẳng ai thèm tìm nó. Không hiểu sao dám vác mặt về? Mặt tỉnh bơ, Hải  bỗ bã tuyên bố:
- Thích ăn thì bỏ tiền! Tôi một xu cũng không góp!
Chị Hồng sấn sổ quát, đồ đĩ thỏa! Xéo ngay!
Hải lừ mắt gầm ghè bảo, im mồm đi! Bà hiếu thảo đức hạnh, tôi không tranh phần! Nhưng đừng hòng bắt nạt con đĩ này!
Mẹ rên hừ hừ. Hải gạt tay chị Hồng đến bên giường mẹ gọi khẽ :
- Mẹ ơi!... Hãy tha lỗi cho con… Rồi nó rút ví lấy xấp tiền nhét vào túi mẹ thủ thỉ bảo, con biếu tiền để mẹ đi đường! Sang thế giới bên kia mẹ nhớ phù hộ cho con thoát miệng cá mập… Tới chân trời mới con sẽ khói hương cúng mẹ.
Hải ngập ngừng đứng dậy. Mẹ nắm chặt tay nó, khóc. Hải quay mặt nghẹn ngào bảo, giá như mẹ đừng sinh ra con ở cõi đời này...! Nó hất mạnh mái tóc ngan, dứt khoát bước ra ngõ. Bật dù, nhảy lên phía sau chiếc xe cúp đỏ đang nổ máy chờ. Không ai kịp nhìn rõ mặt gã đàn ông cùng đi với Hải .
Buổi chiều, khi ba mâm rượu dọn ra, không khí vui vẻ huyên náo trở lại.
Chú khật khưởng nhắm món tiết canh vịt, khen tài cô cháu dâu giỏi nghề bếp núc. Rồi chuyện đám ma cụ Tiên Chỉ sang nhất làng, cỗ trăm mâm, tế ba ngày, ca kèn ba đêm, con cháu đủ loại khăn tang trắng, vàng, đỏ. Ô tô con, vòng hoa rợp đường… Chết thế sướng bằng tiên!
Chị Hồng bảo, khóc với ca kèn bây giờ không khó, ấn nút cátxét, xong ngay, muốn bi thương thế nào cũng được. Nhưng tế thì phức tạp, mấy cụ khốt non tế như diễn hề.
Câu chuyện bị ngắt quãng vì hai anh thợ đóng áo quan say rượu. Họ gân cổ tranh luận về thơ trạng đoán số đề. Không ai chịu ai, tức khí chửi nhau kịch liệt. “Tháng chín mà thiếu hai cu”, tao giải là số hăm tám đấy! Địt mẹ đồ ngu! Tao cuộc cái tủ ly! Ông đút cặc vào cái tủ ly nhà mày! A, thằng đểu, ông vặn cổ . Choang! Chiếc bát sứ bay vèo, đập vào tường vỡ toang. Cả hai lao vào đấm đá, máu loang trên mặt, trên ngực. Anh Tư nhảy ra can, giảng về chủ nghĩa duy vật. Hú vía, suýt ăn cú đá hậu chính giữa hai đùi. Chú lè nhè chửi, đéo mẹ quân vô học!... Quá khẩu thành tàn!
Tối, các già đến kể kinh cạnh giường mẹ. “Lên chùa thấy tiểu mười ba/ Thấy sư mười bốn, vãi già mười lăm… A, niệm nam mô a di đà”. Khói hương nghi ngút, trầu nhai bỏm bẻm. Này, lên chùa mười ba gặp tiểu, ngày mười bốn gặp sư, ngày mười lăm gặp vãi!... Bà Khán quyệt nước trầu bên mép thong thả giảng kinh nghĩa. Các già chuyện trò rôm rả việc đạo, việc đời. Trẻ con quây lại xem.
Ở sân bày mâm quả, có chuối, trứng, gạo muối, vàng, hương. Chị Hồng ngồi bệt khấn vái lầm bầm, tung hai đồng tiền kẽm, gieo quẻ. Trời về khuya, chú nằm trên tấm tràng kỹ kê giữa nhà ngáy o o. Muỗi vo ve kiếm mồi. Mẹ trên giường trở mình thở dài thườn thượt. Tiếng chị Hồng thẽ thọt nói với anh Cả:
- Đến giờ Sửu chưa?
- Mười hai giờ, đang Tý!
- Cụ Từ đền Tàm xem tiền định hay lắm? Cụ bảo, bà mất giờ Sửu con cháu sẽ kém lộc. Giá bà đi sớm hơn!
- Thì đã là cái số!
- Cụ Từ có bày cách, rất chi thần tình! Với lại… bà đi sớm càng đỡ khổ!
Mẹ ngồi dậy, khẽ lay vai tôi. Con buồn vì mẹ chết vào giờ xấu phải không?  Mẹ cười nhăn nhóm. Đừng lo, mẹ sẽ chọn giờ tốt để các con kiếm thật nhiều tiền! Rồi mẹ lững thững đi khỏi nhà… Tôi bơ vơ chạy theo. Tiếng kèn tò te tí te ai oán nấc lên từng hồi lê thê. Tiếng con tàu sình sịch sình sịch, rú rít. Dòng sông xanh đổi thành màu đỏ, đặc quánh. Mẹ bước thong thả như những buổi đi chợ về. Mái tóc mẹ bay bay mờ ảo như áng mây phiêu giạt buổi hoàng hôn. 
Vũng Tàu, 12/1991
Trần Quang Vinh
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc, là một nhà thơ nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam, là một nhà ngoại giao, ...