Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

Hương đêm

Hương đêm

Hôm nay Hường về muộn. Con hẻm đã vắng tanh vắng ngắt, mờ mờ sáng từ ánh đèn ở những khuôn bông của những nhà thức khuya hắt ra. Nhà nhà đều đã đóng cửa. Trời đã bớt oi bức nhờ những cơn gió nhẹ. Hường nghe như trong đêm có mùi thơm thoang thoảng ngọt ngào. Đáng lẽ dọn dẹp xong nó đã có thể ra về từ tám giờ nhưng bà chủ bảo nó ở lại chơi cho vui với mấy đứa nhỏ, hôm nay sinh nhật đứa con gái út của bà. Mấy năm rồi, Hường làm ở đây được bà chủ thương lắm. Xẻ cá, trở khô. Trong ngày thăm chừng trời mưa thì đem vô, trời nắng thì đem ra. Ăn uống ở đó, tối về nhà ngủ. Nhà chỉ có hai mẹ con. Thiếm tư mẹ nó đã ngoài bốn mươi, hàng ngày đi mua ve chai. Lúc nào thiếm cũng về nhà trước nó. Ngày còn nhỏ Hường đi theo thiếm tư khắp cùng thị xã, chân đất chạy lon ton phía sau vừa gặm một trái oåi hay một khúc bánh mì. Ba đâu Hường không biết, không bao giờ nghe thiếm Tư nói tới và lớn lên nó cũng không bao giờ hỏi.Thắc mắc mà làm gì bởi khi biết rồi có thay đñổi được gì không?. Hồi còn nhỏ nó tin, má nó một đêm bước nhằm lên dấu chân ông khổng lồ mà sinh ra nó. Lớn lên nghe lại câu chuyện đó nó cười. Dẫu sao nó cũng học hết lớp năm, thích đọc sách báo và nghe radio.
Gần tới nhà Hường thấy như có ai đó tựa vào vách nhà nó ngủ. Cửa đóng im ỉm, chắc là má nó đã ngủ. Cánh cửa bằng thiếc chỉ cần đụng nhẹ vào là kêu như báo động. Hồi nãy thấy khuya bà chủ kêu thằng Phi khiêng cá lấy xe gắn máy đưa Hường về. Thằng Phi đòi chạy vô tới nhà nhưng Hường sợ đêm khuya thanh vắng tiếng máy xe sẽ làm kinh động khiến mọi người thức giấc nên biểu nó ngừng ngay đầu ngỏ. Bây giờ Hường thấy sợ, nó ngập ngừng đi chậm lại rồi dừng chân trước nhà. Thằng con trai chừng mười lăm mười sáu tuổi như nó với mái tóc bù xù có vài mớ nâu nâu đỏ đang ngoẻo đầu vào vách giựt mình mở mắt ra. Bộ quần áo trên người nó tuy còn mới nhưng nhàu nát, gương mặt hơi lem luốc nhưng không che giấu được vẻ sáng rỡ. “Sao nằm đây?” Hường bình tỉnh lại hách dịch hỏi. “Ờ ờ! ngủ nhờ.” Thằng con trai đứng lên lúng túng “Bụi đời hả?” “Hổng có!” “Phố đêm hả?” “Hổng phải!” “Tao kêu mấy chú khu phố.” “Đừng!” Thằng con trai đưa một bàn tay ra phía trước, kêu khẻ “Ổng với bả choảng nhau rồi đưa ra tòa tao không biết ở với ai nên đi luôn.” “Sao không ra công viên ngủ?” Hường chằm chằm nhìn thằng con trai. Cái vẻ bụi đời mới toanh của nó khiến cho Hường tin nó nói thật. “Hồi nãy mấy thằng bạn kéo ra đó nhưng tao sợ bị bắt. Giờ này chàng ràng ngoài đường là bị hốt liền. Mày không cho thì tao qua đây.” “Mày nằm đây cũng được.” Hường lật đật nói vì nhà bên cạnh là nhà cô Sáu tổ trưởng, thấy nó cô ấy sẽ nắm cổ lên khu phố liền.   
Hường đẩy cửa vào nhà. Ngày nào cũng vậy, nó chưa về là thiếm Tư vẫn chờ cửa chưa gài chặt. “Hường về hả con?” Nghe cánh cửa kêu lèng xèng thiếm Tư nằm trong mùng lên tiếng. “Sinh nhật bé Bo vui lắm má!” “Ớ! Thôi đi tắm đi! Có mấy trái chuối nướng má dành phần con để trên bàn.” “Con quá no rồi!”. Tắm xong Hường ra ngồi trước quạt gió để hong tóc. Nó cứ  hít thật sâu rồi thở ra. Tắm, gội đầu thật kỷ bằng xà bông thơm vậy mà mùi cá tanh tanh vẫn phảng phất. Một lần đi chơi với tụi con Hén bán rau cải, con Hén kêu: “Mày hôi khô quá!” Hường tái mặt lặng người đi. Mùi cá khô như ăn sâu vào da thịt nó, thấm nẫm từng sợi chân lông, ý chừng chảy tràn trong huyết quản nó. Cởi bỏ bộ quần áo đi làm, mặc vào người bộ quần áo mới toanh thơm mùi vải mới cũng không làm bay mất mùi cá muối ương ương. Nhất là nếu mưa liên tiếp nhiều ngày liền thì cái mùi ấy càng nồng nặc hơn nữa .Tìm một công việc gì khác ư? Ở đây đồng lương tương đối khá, chủ nhà lại tốt bụng tử tế. Hường cũng giúp đỡ má nó được nhiều việc. Lam lủ cực nhọc từ nhỏ nên nó già cỗi ý thức được đói nghèo. Cái nhà chật hẹp ẩm thấp ở tít mù sâu trong con hẻm cụt đã bắt đầu rệu rã, chỉ còn lại mấy miếng tol đã rỉ sét trên mái nhà. Chỗ đất này lúc trước là đường đi cặp sát nhà cô sáu bán bún. Lúc bà ngoại Hường về che tạm một mái lá trú mưa tránh nắng thì người ta cất nhà bít lối đi. Ngoại nhiều lần bị chính quyền địa phương bắt dở nhà dời đi. Nhưng rồi năm này sang tháng nọ, người này cho mấy tấm tol cũ, người kia cho một ít xà bần, ngoại trở thành người dân cư trú hợp pháp.
Láp dáp vài ba câu chuyện rồi thiếm Tư mòn mõi ngủ thiếp đi. Hường cũng lên giường nằm cạnh thiếm nhưng nó không ngủ được mặc dù rất mệt mỏi. Nó nghĩ tới thằng con trai đang ở bên ngoài cánh cửa nhà nó. Có thật thằng kia không phải dân trộm cắp hút chích? Nó cũng không hiểu tại sao hồi nãy không nói thằng con trai sang hàng ba nhà cô Sáu ngủ. Có phải vì cái vẻ thật thà của thằng nọ? Ngay lúc ấy, nó nghe như là tiếng mấy đầu ngón tay gõ gõ vào cánh cửa. Nín thở, Hường nhìn qua thấy thiếm Tư vẫn nằm im quay mặt vào vách, nó nhè nhẹ bước xuống giường rón rén ra mở cửa. “Gì vậy?” Thấy nó thò đầu ra thì thào thằng con trai gãi gãi đầu cũng thều thào “Còn gì ăn không?” “Trời đất!” “Nhịn đói từ trưa tới bây giờ. Có chiếc cà rá bán xài mấy bửa nay hết rồi. Còn sợi dây chuyền thằng Bầu mượn chưa trả .” “Đứt luôn rồi chứ trả gì.” Hường lầm bầm rồi nó vụt nhớ. “Chuối nướng ăn đỡ được không?” “Được được!” Hường lại rón rén quay vào rồi nhè nhẹ trở ra “Cám ơn nghen! Tao là Mạnh! còn...” “Hường!” Hường quay vào giường trằn trọc đến gần sáng mới ngủ thiếp đi. Vậy mà nó cũng nằm chiêm bao. Nó thấy đi lạc vào một nơi đầy hoa thơm đủ sắc màu, mường tượng như công viên có đài phun nước và mây, mây trắng bay lững lờ ngang thân người nó như cõi tiên. Nó chạy tung tăng và cười hăng hắc. Đến khi thiếm Tư đánh thức nó thì đã bảy giờ. Thường ngày giờ này Hường đã đến chỗ làm. Lúc nào nó cũng ra khỏi nhà trước thiếm Tư vì thiếm chẳng vội gì phải đi sớm. Kiếm cái gì đó ăn cho chắc bụng rồi quảy đôi cần xé ra đi với chiếc kèn trên tay và đôi dép mòn vẹt, thiếm cười hớn hở cầu cho một ngày mới đầy may mắn. Cái ước muốn thật giản đơn, một hạnh phúc chẳng cầu kỳ.
Thật may, đêm qua về muộn nên sáng nay Hường lừ đừ ngáp vắn ngáp dài mà bà chủ cũng không mắng. Trưa nằm ở hàng ba trông mấy vĩ khô, gió thổi hiu hiu, Hường kéo sụp chiếc nón lá đậy mặt làm một giấc. Vừa giật mình nó lật đật ngồi dậy ngó ra ngoài trời. Trời vẫn nắng chang chang. Hú hồn !Nãy giờ mà mưa... Thằng Phi đưa cho nó một ly cà phê đá lớn. “Dì Hai biểu đưa cho mày”. Hường mở to mắt. “Tao hổng uống đâu. Tao uống đá lạnh.” “Uống vô tỉnh ngủ liền. Đêm qua mày làm gì mà không ngủ chứ?” Hường chối biến. “Sao hổng ngủ! Về tới nhà là tao lên giường làm một giấc tới sáng.” Thằng Phi làm ra vẻ không quan tâm. “Mắt mày chỏm lơ.” Mấy ngày sau mắt con Hường cũng vẫn chỏm lơ như vậy. Thằng Mạnh khuya thật khuya thì lại tới ngủ. Nó không mở cửa nhưng thỉnh thoảng nó nghe có tiếng đập muỗi nhè nhẹ. Có lần thiếm Tư vụt lên tiếng lo lắng. “Hình như có ai đó ngoài cửa.” “Chắc lại mấy con chó nhà cô Sáu.” Hường hồi hộp nói cho thiếm Tư yên tâm đến khi thiếm Tư thở đều nó mới thả người ra không căng thẳng nữa, nhắm mắt ngủ. 
Hường giật mình tỉnh giấc vì tiếng xe gắn máy rồ ga thật lớn và có tiếng chân chạy gấp rút. Nó chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra ngoài kia thì có tiếng đập cửa dồn dập và giọng thằng Mạnh. “Hường! Hường! Mở cửa cho tao!” Nó bật dậy như chiếc lò xo quên cả thiếm Tư cũng bật dậy như nó. Thằng Mạnh lách người vào liền rồi đóng ngay cửa lại. Nó tựa vào cánh cửa, mặt tái mét còn hằn nét kinh hoàng. “Tao không làm gì hết. Tao thề! Tao thề! Tao vừa đi tới đầu đường thì tụi nó đánh nhau ở đâu rượt tới đây.” “Mày...” Hường trân trối nhìn thằng Mạnh như quái vật . Bên ngoài tiếng xe gắn máy đảo lại hai ba lần nữa rồi im lặng. Con hẻm lại bắt đầu lặng yên. “Đứa nào vậy Hường?” Tới bây giờ Hường và thằng Mạnh mới nhận ra sự có mặt của thiếm Tư mặc dù thiếm đứng ở đó từ lúc con Hường nhảy cái rột xuống giường.
Thằng Mạnh không trở lại nữa, không biết có phải vì thiếm Tư la mắng đêm đó hay vì nó đánh lộn nên mắc cỡ với Hường. Con Hường cũng không biết thằng Mạnh có đánh nhau hay không nữa nhưng tối đó nó có vẻ sợ hãi dữ lắm. Áo ướt đẫm mồ hôi và cái vẻ thất kinh hồn vía của thằng Mạnh khiến cho Hường tin nó không dám đánh lộn. Đêm khuya lắm! Con Hường không ngủ được rón rén mở cửa bước ra sân. Trên nền trời đen thăm thẳm là những đóm sáng nhấp nháy đẹp vô cùng. Hường ưởn người hít thở. Trong đêm có mùi hương thật đằm thắm, dìu dịu. Hường không biết có phải mùi hương từ những giỏ hoa phong lan treo lủng lẳng trên gác nhà đối diện hay là mùi hương của đêm. Đêm ngọt ngào sâu lắng. Cả con hẻm chỉ còn nhà chú Nghĩa bán nước mía là sáng đèn vì có lẻ chú vừa lấy xe về, còn dọn dẹp. Chú góa vợ, có một người con trai đang học lớp mười một hay mười hai gì đó, tối tối phụ bán nước mía với chú ở ngoài đường. Có lần mua nước mía cho thiếm Tư, chú Nghĩa cười cười nói với nó: “Làm dâu tao nghen!”
Nghe chú đùa con Hường cũng cười. “Con dốt, hổng dám đâu. Anh Nhân làm gì ngó tới con.” “Bây con nhà giàu, ai dám chê.” “Chú ghẹo con hoài. Má con nghe chửi đó.” “Chửi gì tao ở đây từ khi chưa có bây với thằng Nhân. Hổng tin bửa nào mày ra cái nhà lầu ở ngoài đường cạnh cây xăng đó hỏi coi...” Có lần chú say rượu nói với nó, Ông Tư Sang một đêm cải nhau với vợ say khướt , bỏ nhà đi vô con hẻm tối mịt ngập ngụa nước vì trời mưa. Mười mấy năm trước nhà cửa còn thưa thớt vắng tanh. Đến trước nhà thiếm Tư ông ta té rồi ngủ khò... “Mấy tấm tol lợp nhà của ổng chứ của ai .” Nghe con Hường nói thiếm Tư cười ngất: “Thằng cha này tao phải chửi một bửa. Mày có tin không?” Hường cười theo. “Tin! Như chuyện dấu chân ông khổng lồ.” Hết thảy đối với Hường là những câu chuyện thần thoại. “Còn mấy tấm tấm tol...” “Thì oång cũng có cho nhiều người khác đâu phải một nhà mình. Ổng ở trong hội từ thiện.” Bất giác Hường mĩm cười một mình. Mong sao ông Bụt hiện ra để nó xin một điều ước thôi. Cho câu chuyện thần thoại trên trở thành sự thật. Nó ngữa mặt nhìn trời, muôn ngàn vì sao vẫn lấp lánh như hoa rải trên tấm thảm đen. Ngay lúc ấy, con Hường bất chợt trông thấy một đóm sáng dời chỗ, xẹt ngang. Sao đổi ngôi! Nó lập tức lầm thầm khấn vái cho má nó mạnh khỏe, cho chuyện ông Tư Sang... Vì nó vẫn mong một lần trong đời má nó được một ai đó yêu thương. Kiếp đời nghèo khổ vất vả nó chưa từng thấy má nó có một chút hạnh phúc riêng tư. Người đàn bà mỗi ngày hao mòn đi như đôi dép mang dưới chân. Tóc có sợi bạc và nụ cười héo úa. 
Vậy rồi nó trở vào giường ngủ say sưa, lòng thanh thản hớn hở. Một ngày mới lại bắt đầu, trời nắng gắt, chắc là chiều nay sẽ có mưa. Con Hường đội chiếc nón lá sùm sụp đứng trở khô . Nó chợt trông thấy một đôi xăng đan đen và đôi ống quần xám. Hường kéo chiếc nón lên ngước nhìn. Thằng Mạnh! Mái tóc bù xù có vài mớ nâu nâu được chảy bóng mượt ép sát đầu. Chiếc áo trắng mới tinh còn thơm mùi long nảo. Thằng Mạnh toe toét cười, hai tay cho ra sau lưng như giấu cái gì đó. “Tao về nhà rồi. Đi học lại. Ba má tao đã giảng hòa .” Hường trân trối nhìn thằng Mạnh, bỗng dưng lòng thấy nhẹ nhõm.“Kiếm được tao má khóc dữ lắm.” Thằng Mạnh vụt đưa hai tay ra “Nè! Tặng mày! Chai này gội đầu, chai này tắm.” Hai má Hường nóng bừng lên nhưng rồi sau đó tái đi. Có lẻ thằng Mạnh đã nghe được mùi cá khô từ nơi người nó. Tụi mình là bạn nghen!” Thằng Mạnh nói giọng chân thành rồi nó vụt cao giọng lên: “Bửa nào tao dắt mày theo thằng Bầu đi phố đêm một chuyến.” Dứt lời thằng Mạnh cười giòn tan vô tư. Con Hường cũng bật cười vui lây theo nó. Rõ ràng mấy ngày qua đã làm thằng Mạnh hết vía. Không đứa nào để ý, mấy người trong nhà đang nhìn tụi nó lom lom.
Buổi tối, tắm xong Hường đứng trước chiếc gương nhỏ chải tóc. Thiếm Tư đang lúi húi giủ mùng gối xuýt xoa: “Chà! thơm dữ vậy!” Hường không nói gì chỉ nhỏn nhẻn cười nhìn mình trong gương. Thế nào rồi thiếm Tư cũng sẽ thấy hai chai dầu trên đầu tủ. Thay vì ngồi trước quạt gió hong tóc như mọi khi nó bước ra ngoài. Còn sớm, con hẻm còn nhộn nhịp người qua lại. Nó lùa bàn tay vào trong tóc, cảm nhận được từng sợi tóc mượt mà chảy qua kẽo tay của nó. Theo thói quen, nó lại hít thở mạnh. Đêm chưa sâu, mùi hương có lẻ từ nơi người nó toát ra hay lại là mùi hoa phong lan từ căn gác nhà đối diện. Con Hường lại ngước nhìn trời. Giá mà lại có sao băng! Nhưng lần này có lẽo nó thầm cầu mong một điều mà không bao giờ nó dám nói ra. 
19/4/2006 
Trần Lệ Thường
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc, là một nhà thơ nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam, là một nhà ngoại giao, ...