Tiếng hát lúc nửa đêm
Ngân giật mình tỉnh giấc vì chuông điện thoại réo
vang. Cô uể oải ngồi dậy, liếc nhìn đồng hồ thấy đã quá nửa
đêm. Sự tĩnh lặng như đóng băng khắp căn phòng. Cái tĩnh lặng lạnh lẽo
ấy như sâu hun hút, biền biệt... Ngân vói tay lấy chiếc điện thoại trên bàn và
áp vào tai, một giọng đàn ông lạ ở đầu dây bên kia: “Nam có phải
không? Anh Đức nhắn cậu về quê gấp, mẹ đau rất nặng”. Ngân biết là ai đó đã nhầm
số máy, cô cảm thấy một chút bực mình, tuy vậy cô vẫn nhã nhặn đáp: “Xin lỗi, chắc
là anh nhầm máy rồi, không có ai tên Nam ở đây cả!”. Giọng
người đàn ông bên kia bối rối nói lời xin lỗi.
Ngân đặt ống nghe vào máy - thầm nghĩ: “Vậy là một người nữa
sắp đi xa, chấm dứt mọi nỗi vui buồn của cuộc sống... Và cậu Nam nào
đó sẽ như thế nào khi biết tin mẹ mình đang gần kề cõi chết?”. Ngân
cảm thấy một chút ngậm ngùi, xen lẫn với chút chua xót thương cảm xa xôi.
Bụng của Ngân vẫn đau âm ỉ, và mỗi lúc càng đau nhiều hơn.
Cơn đau dấy lên từ trưa, cô đã uống một viên Alaxan từ xẩm tối, vì vậy cô mới
ngủ gà ngủ gật tới bây giờ. Cô chập choạng rời giường, lấy chiếc cặp da để trên
đầu tủ sách, lôi ra một viên Alaxan nữa. Cô không thể chịu đựng được cái đau mỗi
lúc một tăng dần, căng thẳng, và quặn thắt như đứt từng khúc ruột. Uống xong
viên thuốc, Ngân xuống bếp lấy một trái bắp nếp nấu, gắng gặm từng hạt nhai nhẹ
nhàng, vì theo kinh nghiệm bấy lâu, nếu không làm vậy bao tử sẽ cồn cào đến
nghẹt thở. Mỗi tháng, Ngân chỉ được tạm an bình khoảng 20 ngày, 10 ngày còn lại
cô luôn bị cái đau như xé ruột này hành hạ. Do vậy, Ngân luôn bị thiếu máu nặng,
hồng cầu rất thấp, lại bị máu loãng. Vì vậy cô không thể nào mất máu thêm nữa,
chỉ cần mất máu nữa là cô sẽ không gượng nổi. Nhưng làm sao có thể khi cô là một
cô gái trong độ tuổi sinh nở.
Uống xong viên thuốc, Ngân nằm lại xuống giường hi vọng có thể
ngủ thiếp đi cho quên hết cái đau, nhưng không hiểu sao lần này cô lại không thể
ngủ được. Tiếng chuông điện thoại lúc nãy đã gợi cho cô hình bóng của người xưa
- một hình bóng mà cô giấu chặt trong tim từ thuở nào... Cô thèm nghe lại một lần
giọng hát thiết tha, êm ái kia, nhưng đó chỉ là một mơ ước xa vời. Đã hơn 15
năm rồi. Vậy mà những hình ảnh cũ như mới xảy ra hôm kia hay hôm qua thôi. Cuộc
đời vốn không có bản nháp, và cô cũng không bao giờ đem cuộc đời mình, hay cuộc
đời của bất cứ ai ra nháp cả, Ngân không hiểu là những gì cô làm có đúng không
nữa nhưng cô chưa từng cảm thấy hối hận mà chỉ thấy tâm mình se thắt, nhói đau
như đang mềm ra từng mảnh!
Ngân đi thư viện về, thì thấy mấy đúa bạn cùng phòng của cô
đang cải nhau với một người bạn nam. Liễu, Hồng và Huệ la lớn “Ông
mà là nam sao? Ông tính như đàn bà vậy, chúng tôi ca hát thì mặc chúng tôi, ông
không chịu được thì lên thư viện mà học. Chúng tôi có bắt ông nghe đâu? Sao ông
chạnh chọe quá vậy?”. Cậu ta mặt dần đỏ lên - quát: “Mấy người có
ngon thì hát to, quậy phá lần nữa xem? Tôi sẽ dạy cho mấy người chừa. Con gái
gì mà không có ý tứ gì trọi. Con gái mất nết!“. Mấy đứa bạn của cô nhìn thấy
cậu ta quá tức giận, ai cũng len lén rút lui vào phòng và lầm bầm nguyền rủa. Ngân
nghe xong câu ấy, cảm thấy xấu hổ, vì cô ở chung với các bạn, mà cậu ta “quơ
đũa cả nắm vậy” làm sao cô ngồi yên được?. Vốn tính ngang như cua từ thuở bé,
không biết sợ ai, cô rời lan can, vội xuống thang lầu, tiến lại đứng chắn ngang
trước mặt cậu ta - lúc này dường như cậu ta có ý định quay về phòng mình. Cô
nhìn đứng lên khuôn mặt dài dài, xương xương của anh - gằn giọng: “Anh bảo muốn
“dạy cho bài học” phải không? Tôi đã ra đây này, đang đứng trước mặt
anh đây. Anh hãy dạy đi! Nam nhi nói được là làm được, không có
người nam nào mà đi cải nhau với phụ nữ cả?”. Im lặng một lát, Ngân nói tiếp:
“Anh không dám “dạy“ sao? Anh hèn nhát vậy?“. Cậu ta nhìn sững vào mặt
Ngân, vừa ngạc nhiên, vừa thích thú. Anh ta mỉm cười: “Cho tôi xin lỗi, tôi
không cố ý!”. Cậu ta lại nhìn dán vào mặt cô một cái thật chặt, rồi bỏ đi thẳng
về phòng mình trước sự ngỡ ngàng của Ngân.
Về lại phòng nghe bạn kể lại, Ngân mới biết cậu ta tên là Phi
- nổi tiếng nóng tính và khó chịu, vì vậy bạn cùng cư xá, hoặc cùng lớp toán
năm ba hay gọi anh ta là Trương Phi. Họ tỏ ra rất ngạc nhiên, cũng
không hiểu sao, với thái độ ngang tàng của Ngân mà anh ta chỉ cười rồi bỏ về
phòng? Nỗi lo ngại đã qua, lũ bạn cùng phòng lại vây lấy Ngân mà
trêu mà đùa. Chúng gọi Ngân là “Trương Phi phu nhân.” Chỉ
có “phu nhân “mới dám“ trị “được“ đấng lang quân khó tính thôi!“.
Cơn đau đã bắt đầu dịu dần, nhưng trái tim Ngân lại thổn thức,
đập rộn ràng hơn bao giờ. Mạch tim đập gấp gáp, khiến đôi lúc cô cảm
thấy khó thở. Và những kỉ niệm xưa cũ một thời thương yêu khắc khoải tràn ngập
trong đầu. Ngân lại nghĩ đến anh. Bóng dáng anh dường như hiện lên trong tâm
trí cô ngày một rõ dần, réo gọi và day dứt hơn. Như bao lần, Ngân luôn tự hỏi
mình câu hỏi xa xôi không thể trả lời: ”Bây giờ không biết anh đang ở
đâu? Và làm gì? Chắc là đã có vợ - một cô vợ xinh xắn, hiền
từ đáng yêu chứ không phải “ngang“ như cua giống mình…”
Khúc phim của chặng đời quá khứ bắt đầu quay chầm chậm trở lại
trong nỗi nhớ thương và cô độc của Ngân như bao lần: “… Mấy ngày sau đó, Phi
qua phòng xin lỗi mấy đứa bạn của cô, và đem cho phòng cô mỗi đứa một cái bánh
“táp lô“ (một loại bánh làm bằng bột bánh in nhưng không có nhân bên trong,
khô cứng) - đó là món quà đặc sản của miền quê anh. Riêng
Ngân, anh dành cho một cái bánh gói bằng giấy đỏ rất đẹp.
Ngân nhận thấy mình không sợ lúc anh giận dữ đòi “dạy cho bài học”, mà chỉ sợ
ánh mắt dịu dàng của anh dành cho cô khi ấy. Tia nhìn thẳm sâu và tha thiết đến
nỗi bất giác khiến Ngân rùng mình, đỏ mặt.
Những ngày sau đó, những đứa bạn trong phòng cô ngày càng mến
anh, còn Ngân thì chỉ có cảm giác sờ sợ, và tức giận khi mấy đứa bạn ghép đôi
cô với Phi. Cô cũng không hiểu sao lúc đó cô không có một chút cảm tình riêng lẻ
nào với anh, Ngân chỉ thấy anh thật kỳ lạ, đáng ghét, thật phiền phức. Dầu vậy
Phi ngày càng tìm cách tiếp cận Ngân, trong lúc cô cố né tránh, hờ hửng. Ngân
không hiểu trái tim mình đã mách bảo thế nào, hay có lẽ vì lòng cô còn đang
hoang mang, xa lạ, rối bời nên không kịp nhận ra chăng?
Cô còn nhớ “… Có một hôm Phi đi dạy thêm về mua
cho phòng cô mỗi đứa một ổ bánh mì, đứa nào củng vui mừng nhận lãnh quà, còn
Ngân đã không nhận mà còn nói một câu thật cay nghiệt: “Ngân không dám nhận
đâu, vì người ta thường nói: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ“,
anh giữ lấy mà cho người khác”. Nói xong cô ôm sách vở vội lên thư viện, Anh
nhìn theo với đôi mắt vừa lạ lẫm, vừa buồn. Một lần khác, lớp Phi có liên hoan,
anh đem về cho Ngân một gói bánh, kẹo. Anh không dám trực tiếp đưa cô nên nhờ Hồng
- bạn cùng phòng của cô đưa giúp. Ngân không nhớ rõ lúc đó đang bực mình chuyện
gì, chỉ nhớ là cô đã đem gói bánh, kẹo chạy ra lan can và ném xuống đất. Anh đứng
ở lan can dãy lầu bên kia chắc là nhìn thấy. Phi bỏ phòng đi tìm rượu,
suốt đêm say mèm, gần một tuần không dậy nổi. Nghe đám bạn thuật lại,
Ngân vẫn tỉnh bơ, không thấy mình có lỗi hay quan hệ gì. Cô vẫn đi học.
Đến thư viện. Như không có gì xảy ra.
Lũ bạn cùng phòng không để cho Ngân yên, chúng bảo anh đau rất
nặng, ép buộc cô sang thăm anh. Nể lời các bạn, Ngân đành ngập ngừng, phân vân
bước sang phòng anh. Cô nhớ đã hỏi thăm Phi vài lời xả giao bình thường cho phải
phép, như với một người bạn cùng trường khác - mà vẻ mặt anh tươi tỉnh, sinh động
hẳn lên.
Mấy người bạn cùng phòng cho Ngân biết Phi đã không ăn được
gì hai ngày rồi, rồi nhờ Ngân nấu giúp tô cháo hành cho anh để giải cảm. Ngân
không thể từ chối, phải gật đầu. Và sau vụ nấu cháo hành đó cho Phi, mọi người
trêu chọc, gọi cô và Phi là “ mối tình Chí Phèo – Thị Nở.”
Lần nhớ đến đây, Ngân bất giác mỉm cười. Đến lúc
này - cô mới cảm nhận được sự hạnh phúc, yêu thương trong mối tình
giữa “người đẹp đêm trăng và con quỷ dữ của Làng Vũ Đại”. Giá mà lúc đó cô dịu
dàng, ân cần hơn thì mọi chuyện đã khác rồi?
Sau ngày Phi khỏe lại, mối quan hệ của cô và Phi tốt lên,
nhưng chỉ là cô không còn cảm thấy ghét anh, hay tránh mặt anh nữa, mà xem anh
như một người anh trai vậy thôi. Ngày đêm, Ngân lao đầu vào chuyện học thi, và
không nghĩ đến việc gì khác nữa. Phi vẫn đến bên Ngân - cô vẫn nhận sự chăm sóc
ngọt ngào của anh nhưng chưa lần nào cô chấp nhận là người yêu của anh. Ngân vẫn thường
đau yếu. Cuộc sống mong manh như sợi tơ trời…
Thời gian lần lữa trôi qua rồi cũng đến ngày Ngân và Phi cùng
ra trường: Đêm cuối cùng ở kí túc xá anh và Ngân chọn ngồi dưới gốc một cây Sứ
trắng phía cuối dãy phòng. Đêm ấy Phi rất buồn, anh làm như đang sắp bị vuột mất
một cái gì rất quý báu không thể tìm lại được. Anh nói nhiều, nhiều lắm. Ngân
không nhớ rõ hết được. Dường như anh đã lập đi lại nhiều lần câu này: “Anh rất yêu quý em, Ngân ạ! Anh mong được cùng em đi đến cuối
quảng đường của cuộc đời này!”.
Lúc đó Ngân nghe rõ tim mình xao xuyến, rộn ràng nhịp thở
thương yêu, muốn ôm anh, giụi đầu vào ngực anh tìm chút hơi ấm của tình yêu đầu
đời. Nhưng - liền ngay đó, cái đầu của Ngân không để cho cô được làm
vậy. Một nỗi hoang mang, lo sợ. Một niềm hối tiếc day dứt không nguôi: Cô
không thể tự giết đi cuộc đời mình, và vô tình chôn vùi luôn cả cuộc đời người
mình thương yêu nữa.
Nghĩ vậy, Ngân cố nén bật lên tiếng khóc. Bóp nghẹt trái tim
mình thêm một lần cuối cùng nữa. Ngân đã bỗng cười - bằng giọng tỉnh
khô: “Cảm ơn tình cảm yêu thương mà anh đã dành cho em, nhưng em mãi mãi
chỉ xem anh như là một người anh trai, em không yêu anh thì làm sao em về
với anh được?”.
Ngân dằn tay mình ra khỏi tay Phi, lạnh lùng đứng lên - nói
khẽ: “Khuya quá rồi, chúng ta về phòng đi anh! Ngày mai còn lo thu dọn mà về
quê sớm. Em gởi theo anh chúc: “Mãi mãi cầu mong anh an lành, may mắn
trong cuộc sống!”. Không chờ tiếng Phi đáp lại, Ngân vội vã bước đi, như
đang chạy trốn một điều gì vô cùng bất hạnh. Ngân về phòng. Âm thầm mở chốt cửa.
Nhẹ nhàng lên giường nằm, đắp mền kín cả đầu và, những giọt nước mắt chảy ào ra
ràn rụa.
Ngân về lại quê nhà và xin dạy ở một trường Phổ thông trong
huyện. Ngày qua ngày, cô gắng hòa nhập cùng niềm vui với đồng nghiệp, bạn bè;
vui với đám học sinh quê mùa, chất phác thân yêu. Thời gian đã che phủ lên những
hình ảnh của Phi một màn sương mù, hay lớp bụi mờ dĩ vảng, còn lại chăng là một
mớ hình ảnh lẫn lộn, mờ nhạt, đứt quảng trong trái tim trống trải, giá lạnh của
Ngân.
Nhưng hình ảnh của Phi không phai dần đi như Ngân tưởng nghĩ,
mà một lần nữa sống dậy trong tim làm cô se thắt nhớ, quắt quay buồn. Một đêm
cũng như đêm nay, vào lúc nửa đêm, điện thoại của cô reo vang, và anh một lần nữa
lại xuất hiện. Anh bảo qua một người bạn anh xin được số điện thoại của cô, anh
muốn gọi hỏi thăm “em gái”. Anh hỏi cô rất nhiều, rất nhiều điều về cuộc sống,
và tâm sự với cô về cuộc sống của anh. Cuối cùng Phi đề nghị sẽ không nói nữa,
và sẽ hát cho Ngân nghe, trước khi ngủ! Thế là anh say sưa, đắm chìm vào những
bài ca viết về những mối tình tình. Những cuộc tình trái ngang, xa cách, thơ mộng. Giọng
anh êm êm, réo rắt - mà như than, như khóc. Ngân nghe mà nước mắt cứ tự nhiên
lăn dài, ướt đẫm gối, dường như không bao giờ có thể dừng lại...
Và kể từ đêm “gặp lại“ ấy, hằng đêm cứ vào nửa
đêm Phi lại gọi điện và hát cho cô nghe. Dầu lần nào cũng ướt đẫm nước mắt buồn
vương, khắt khoải - nhưng thời gian đó là thời gian hạnh phúc nhất của cuộc đời
Ngân. Ngân không nghĩ xa xôi gì đến những bất hạnh mà cô sẽ đem đến
cho anh. Chỉ nghĩ đơn giản là hãy cứ tận hưởng những giờ phút mầu
nhiệm của hiện tai, vui bên anh như bao ước mong thầm kín bấy lâu
thôi. Và Ngân bắt đầu nói những lời thương yêu say đắm bên tai anh sau mỗi bài
hát với giòng nước mắt không dấu giếm. Cô có cảm nhận bên kia chiếc
diện thoại, anh cũng đang nở nụ cười rất tươi trong niềm hạnh phúc
vô bờ.
Một buổi sáng khi Ngân vừa mở cửa phòng trọ thì đã thấy anh ở
ngay trước cửa rồi. Cô chợt thấy lòng rộn rã niềm vui, nghe nghe tim
mình đang trổi lên một khúc nhạc tình yêu đắm say, diệu vợi. Ngân nhờ một đồng
nghiệp dạy giúp bốn tiết buổi sáng, nao nức đưa anh đến quán café Thủy
Tiên nghe nhạc, cùng nhau đi vòng vòng quanh thị trấn, ghé thăm Tổ Đình Thiên
Lương vừa được khánh thành.
Ngân và anh đã có một ngày thật hạnh phúc bên nhau. Cuối
ngày, lúc cùng Phi ngồi bên bờ sông Nhược Thủy, hóng gió - nhìn hoàng hôn đang
xuống trên sông nước lặng lẽ; anh đã vô tình kể với Ngân về dự định của anh
trong tương lai: Mẹ anh bắt anh cưới vợ, sinh con cho vui cửa, vui
nhà vì anh cũng đã trên 30, lại là trưởng nam trong gia đình đến 4 người con
gái. Đột nhiên Phi nắm chặt lấy tay Ngân, nhìn sâu vào mắt cô - thì
thào “Em làm vợ anh nhé, đừng từ chối anh lần nữa, hãy để anh được chăm sóc em!”. Ngân nghe lòng bàng hoàng, đau đớn, như có người khoét sâu thêm vết thương
trong tim cô đã yên ngủ bao năm dài. Cô thấy mình như đứng trước một
ngã ba đường, nhưng tuyệt nhiên không có con đường nào dành cho cô cả. Ngân
không trả lời được câu nào, đứng phắt dậy - quay đầu chạy một mạch về phía cuối
sông. Một thoáng ngạc nhiên, sửng sốt - Phi vụt chạy
theo. Như chợt hiểu ra điều gì, giọng anh vang lên phía
sau: “Anh không ép em, Ngân ơi! Khi nào có câu trả lời thì gọi ngay cho anh
nhé? Anh luôn đợi em mà…”.
Hạnh phúc đến với cô vừa chớm nụ, nhưng những cơn gió trái
mùa đã làm cho nó mãi không thể nào nở hoa được nữa, mà sớm héo tàn và rơi rụng.
Ngân yêu anh, yêu nhiều lắm - nhưng làm sao cô có thể trở thành vợ của anh, con
dâu duy nhất của dòng họ nhà anh được?. Ngân đã mở máy nhắn tin cho anh sau mấy
đêm dài mất ngủ: “Em đã nói rồi, em chỉ xem anh như một người anh trai
thôi, lúc xưa cũng vậy và bây giờ cũng vậy? Em có người yêu khác rồi mà
anh chưa được biết đó thôi!, Anh đừng làm phiền em nữa…”. Nhắn xong tin này,
Ngân tháo sim điện thoại bỏ vào chiếc hộp trang điểm, cô đã quyết định rồi, cô
không dùng Sim cũ này một lần nào nữa.
Thời gian quả là liều thuốc nhiệm mầu, nó đã dần dần xoa dịu
mọi vết thương đau trong lòng Ngân. Cô cũng dần nguôi ngoai ray rứt
vì nỗi nhớ thương anh. Sức khỏe của Ngân ngày càng suy yếu hơn, đồng
thời cô cũng nhận ra đời sống của mình ngày càng mong manh, vàng võ.
Vậy mà tối nay, bỗng dưng Ngân lại nhớ Phi vô cùng. Nhớ những
bài hát anh đã bao lần thì thầm bên tai cô lúc nửa đêm. Bất giác,
Ngân nhẩm lại những bài hát anh đã ru cô trước giờ ngủ: “… Lạnh
lùng ánh trăng khuyết mờ xa, buồn sẽ đi vào hồn ta. Đàn lòng buông rơi tiếng tơ
lòng, ai đã quên lời ta. Tình yêu, mộng mà chi, Đừng mơ hái sao trên trời, tình
chẳng chung đôi, còn gì đâu cũng vậy mà thôi.”…Ngân hát đi hát lại, nho nhỏ,
say sưa - như Phi đã từng hát cho cô nghe hằng đêm trong một tuần lễ.
Ngân bất chợt chuyễn sang đoạn bài hát khác dã khiến cô bật
lên tiếng khóc: “Tiếng đàn ai buông lơi, tiếng đàn nghe chơi vơi, Nghe từng
tiếng tơ não lòng ai oán… khiến hồn tôi thổn thức, khiến lòng tôi day dứt, muôn
mặn đắng nước mắt thương cuộc đời...”
Ngân cứ hát, cứ hát - và để mặc cho dòng nước mắt cứ tuôn dài
trên má. Ngân thầm nghĩ, cô sẽ khóc hết đêm nay và ngày mai cô sẽ để cho quá khứ
ngủ yên mãi mãi…
2/5/2011 Trần Minh Nguyệt
2/5/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét