Đợi hoài không thấy mưa ngâu
Không biết từ lúc nào, năm lên mấy tuổi, Thảo đã biết mình là con nuôi của ba. Hồi nhỏ Thảo ốm yếu, bệnh tật liên miên. Bao nhiêu người hiếm muộn muốn xin con nuôi đều lắc đầu không nhận. Cô Hai và ba đã không chê Thảo, nhận lấy một chút hạnh phúc mỏng manh mà người khác vứt bỏ! cái danh từ trừu tượng không hình dạng, không màu sắc vẫn tồn tại giữa cuộc sống đầy dẫy chông gai. Là đứa con sinh ra ngoài ý muốn trong một gia đình nông dân quá nghèo khổ, Thảo chỉ là một sinh vật biết khóc oe oe, nặng hơn hai kilôgam bị đem cho khi mở mắt chào đời chưa được ba ngày. Thảo được nhận về nhà khi vừa biết đi, biết nói bập bẹ vào một ngày tháng bảy mưa ngâu gắn liền với mối tình bi thương và đẹp như một bài thơ. Bên ngoài trời mưa tầm tã, trong nhà Thảo khóc ngất từng cơn vì lạ cảnh lạ người. Cô hai ẵm Thảo đứng bên cửa sổ trông ra màn mưa mờ mịt cố dỗ cho Thảo nín. Ba Thảo vụng về đi mắc võng, pha sữa. Rồi con bé ngủ lịm đi mòn mỏi với giọt sữa còn động trên môi, trời tháng bảy mưa liên miên, cỏ lên thật mau. Trong vòng tay săn sóc thương yêu của người cha, đứa bé lớn thật nhanh, biết nhận ra cỏ gà, cỏ lác… Mảnh đất đầy cỏ đó bây giờ ba đã đào ao thả cá, làm rẫy, chăn nuôi. Trúc không còn nữa sau lần bị ba đốn sạch, nhưng cỏ thì cứ phải nhổ và nhiệm vụ đó là của Thảo. Đứa bé ba tuổi đã bắt đầu cuộc đời mới trên mảnh đất nhỏ nhoi đầy cỏ ấy.
Rồi cô Hai Thảo về Sài Gòn với gia đình của cô, bỏ lại hai
cha con Thảo trong ngôi nhà không có bàn tay người phụ nữ. Bên kia con đường hẹp,
sau dãy nhà là biển và những cây mắm nhiều vô kể. Thảo có thể nghe được tiếng
sóng vỗ vào bờ trong những đêm thanh vắng. Ấy là con đường của những năm trước,
còn bây giờ nhà đông đường hẹp, tiếng xe gắn máy nổ suốt ngày đêm làm gì còn
nghe được tiếng sóng vỗ mà háo hức chờ sáng. Ngày còn nhỏ, Thảo thường lén ba
theo bọn trẻ xuống mé biển chơi. Ba rất lo nên đi đâu thường gởi Thảo cho bác
Ba Tam nhà bên cạnh. Bác Ba người miền bắc nhưng rất thích nói tiếng miền nam,
nhất là những từ nói đớt. “ăn cơm gồi!”. Rồi ông cười sặc sụa. Thuyên, con trai
bác ba kể cho Thảo nghe về chuyện tình của bác với một cô gái miền Nam quê ở Thứ
Mười Một trong thời chiến chống Mỹ. Trước khi đi bộ đội, bác Ba cũng đã ngồi ở
ghế đại học hai năm, cô này biết đọc biết viết, đánh giặc rất giỏi vẫn thường
“Bắt con cá gô bỏ trong gổ” Không làm sao hiểu hết những lá thư mà khó khăn lắm
từ chiến trường bác mới gởi về được. Cuối cùng, chẳng hiểu vì sao họ chia tay
nên Thuyên không phải là kết quả của mối tình lãng mạn đó. Nhưng bác ba vẫn còn
giữ chiếc kẹp ba lá bằng nhôm dù đã rỉ sét. Nhất là sau ngày mẹ Thuyên qua đời,
thỉnh thoảng bác lại đem chiếc kẹp ra nhìn ngắm. Đôi lần Thuyên tự hỏi, chẳng
biết cô gái nọ hay người đàn bà kia bây giờ có còn đủ tóc để kẹp chiếc kẹp này
hay không? Tối tối, bác ba cùng với ba Thảo tâm sự chuyện tình yêu thời trai trẻ.
Cái chuyện mà với ba Thảo như một điều xa xỉ. ông chỉ có Thảo thôi, Thảo là tài
sản vô giá cho nên sau này ai muốn cưới con gái “rượu” của ông phải chịu ở rể
và cam kết không bao giờ hiếp đáp con gái ông, dù Thảo còi như con búp bê lại
có chiếc mũi hếch hay hắt hơi mỗi khi trở trời. “Ba!” “Cha mày!”. Mỗi khi đi đâu về Thảo rón rén đến sau lưng
ba hù thật to. Nếu không “Cha mày” thì đó hổng phải ba. Vậy mà bây giờ ba im lặng
rồi từ từ quay sang nhìn Thảo với ánh mắt buồn bã. Người đàn ông hơn năm mươi
tuổi với những sợi tóc bạc lóm đóm ở trên đầu mà đôi lần Thảo đã trêu: “Tóc ba
muối nhiều hơn tiêu”. Người đàn ông chưa có một mảnh tình vắt vai, chưa một lần
lập gia đình bị Thảo và mấy đứa bạn gọi là Đông – Gioăn. Người đàn ông có bàn
tay thương tật rúm ró như gương mặt người phụ nữ bị tạt a-xit chống lưỡi cuốc
xuống đất rồi gục đầu khóc. Những giọt nước mắt rơi xuống đôi bàn chân to bè
dính đầy bùn đất. Sau chiến tranh, ông về từ chiến trường nào đó Thảo không rõ
lắm. Dĩ nhiên ở đó có bom đạn, có chết chóc; có người đi không trở lại, có kẻ về
không nguyên vẹn. Ba về, không còn nguyên vẹn. Ba Thảo vẫn sống với chính sách
đãi ngộ thương binh của Nhà nước. Thượng đế làm ra lúa gạo nhưng con người làm
ra rượu. “Hạnh phúc đâu tự có”. Một chúc hạnh phúc tự ba tìm thấy giờ đây có
người tới nhìn nhận. Tuy ông ta không có ý giành giựt nhưng sự xuất hiện đột ngột
này khiến ba khó chịu và làm Thảo đau đớn. Đứa con gái yếu đuối trưởng thành
trong trường học và trong sự chăm sóc quá chu đáo của người cha không thể nào
chấp nhận được một sự thật đã dành riêng cho mình, là của mình. Thảo không muốn!
Sao Thảo không được sinh ra từ một gia đình nào đó khác hơn? Ông ta khoảng chừng
hơn sáu mươi tuổi, tóc bạc gần hết, cằm tua tủa những sợi râu trắng đen lẫn lộn
trong thật nham nhở, đôi mắt hấp háy với đôi tròng mắt đỏ ngầu của một người
nát rượu, lếch thếch trong bộ quần áo xác xơ và đôi giép nhựa đã mòn vẹt. “Ba
ơi! Có thể nào… có sự nhầm lẫn”. Thảo nghi ngờ hay đúng ra không dám tin, người
cứ run như lên cơn sốt. “Con giống ông ta nhất là chiếc mũi”. Thảo khóc ngất.
Người đàn ông sau gần mười năm tù vì tội ngộ sát có dịp đi thị xã mới sực nhớ,
hơn mười tám năm trước có bỏ lại nơi nuôi trẻ mồi côi đứa con mà ông ta đã
không muốn nó ra đời. “Má nó bị bệnh mấy năm nay rồi. Mấy đứa lớn có vợ chồng hết.
Tui rầu nhất là thằng Sáu trộm cắp hoài nói không được, vào tù ra khám như cơm
bữa. hai con chị kế nó bỏ nhà đi hai, ba năm nay nghe nói bán bia ôm ở trên này
mấy bữa rày tui kiếm chưa gặp…”.Thảo thoát ra khỏi nhà trong màn đêm đen nghịt. Không có cơn
mưa nào đuổi theo Thảo, không có cơn mưa nào đổ ập xuống người Thảo để làm dịu
bớt đi cơn bỏng cháy. Ở đây, không có mùa thu cũng chẳng có mùa đông, đơn giản
chỉ có hai mùa mưa nắng. Thảo nhớ Thuyên hay hát “xin gởi cho em một chút nắng
vàng” để nhớ về Hà Nội mặc dù nơi ấy đối với anh chỉ tồn tại trong ký ức tuổi
thơ. Trời đang làm hạn, tháng ba rồi mà vẫn chưa có hạt mưa nào để làm lắng đi
lớp bụi đường dày mịt. Thảo thích mưa, Thảo chờ mưa như ruộng cày nứt nẻ, như đứa
trẻ mong mẹ đi chợ về với món quà nó ưa thích, Thảo vẫn đợi… mà chiều vẫn chưa
mưa. Bao nhiêu thông minh lanh lợi, những gì tốt đẹp người đi trước đã hưởng hết,
đã tước đoạt hết. Thảo là chút gì còn có được sau khi vắt đến cạn kiệt sức lực
của một người phụ nữ quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà vẫn cày
thuê cuốc mướn. Người phụ nữ mà quanh năm suốt tháng cứ phải giặt giũ phơi
phóng quần áo trẻ con và chăn chúng nó như chăn vịt. Người phụ nữ mà quần lúc
nào cũng ống thấp ống cao với mười ngón chân cáu bẩn cắp cái rỗ tre thủng đi
hái rau dại ở bờ đê. Người phụ nữ mà cái thời tuổi trẻ quá ngắn ngủi đã bỏ phí
biết bao cuộc vui. Thảo không muốn biết gì về những người đó. Thảo chỉ là con của ba.
Một chút mong manh này xin đừng ai giành lấy. Cô nữ sinh hiền như rau mồng tơi
leo ở bên rào thường mơ mộng với mấy vần thơ, rồi có khi
mất ngủ mấy đêm liền chỉ vì lời khen vu vơ của ai đó được ba cưng yêu như vàng
như ngọc.Thảo cứ đi, tay quệt nước mắt như đứa trẻ. Cơm chiều còn chưa
ăn, không biết ba có biết lọ ớt Thảo để trong góc tủ, keo rượu ngâm chuối hột
Thảo đã dời vô nhà trong. Thảo tuyệt đối không muốn nhìn mặt ông ta một lần nào
nữa. Thảo thở dài khi nghĩ trời đã sinh ra ba sao còn sinh ra một người như ông
ấy. Không biết đến bao giờ ông ta mới tìm ra các con trong hàng chục quán bia ở
thị xã này khi không có địa chỉ chính xác. Những con thiêu thân đã bỏ những
cánh đồng lúa vàng để lao vào ánh đèn đô thị. họ đang rửa đôi chân đang dính đầy
bùn đất phèn chua bằng thứ nước thải thị thành. Hồi chiều, Thảo nghe
ông ta nài ba mua rượu rồi ép ba uống trong khi ba đang bị cao huyết
áp. Thảo nhớ ba, không có Thảo ai sẽ giũ chiếu giăng mùng, cho ba ngủ, ai sẽ nấu
nước pha trà để ba với bác Ba Tam tâm sự đến khuya. Cũng vẫn chuyện chiếc kẹp
ba lá thời chiến tranh ấy. Nếu có cơ hội Thuyên lại sẽ đứng bên lắng nghe để chờ
kịp kể cho Thảo. Người đàn ông cứ một điều “con tui” hai điều “má nó” khiến ba
Thảo khó chịu. “Trời! tui nói bữa sinh nó mưa sao tối trời tối đất. Nóng ruột mấy
đứa kia ở nhà tui với má nó đón xe ôm đi dưới trời mưa. Từ bệnh viện thị xã vô
tới Mong Thọ, tới nơi nó như con mèo ướt…”. Không biết ông ta sẽ còn quấy nhiễu
ba đến bao giờ.Thảo nhớ đến cô Hai, Thảo muốn được gục đầu vào lòng cô mà
khóc cho hả hê. Không suy tính gì nữa, Thảo lên chuyến xe đêm tốc hành đi Sài
Gòn. Nghỉ học vài ngày trong học kỳ hai này Thảo cũng ngại lắm. Năm nay thi tốt
nghiệp phổ thông trung học, nếu đậu Thảo cũng sẽ vào Đại học ở thành phố. Xa
ba, nhưng nếu Thảo rớt ba sẽ buồn vô cùng. Chỉ vài ngày thôi mà rồi
ông ta cũng sẽ đi. Thảo ngã đầu vào lưng ghế lan man nghĩ. Đến nơi gọi điện về
cho ba biết. Có lẽ cũng nên gọi điẹn cho bác ba Tam sang chơi chứ ba ở nhà một
mình với ông ta Thảo lo lắm bởi ông ta từng ngồi tù vì tội ngộ sát. Thật chua
xót! Đó là kẻ đã tạo ra Thảo dù không muốn. Còn mấy luống rau thơm cỏ đã lên
nhiều đi về Thảo sẽ làm. Chắc là ba sẽ phát hiện ra sau mấy cây ớt là lõm cỏ gà
Thảo đã giấu không làm sạch để chơi . Thuở nhỏ, Thảo hay rủ bọn trẻ hàng xóm
sang chơi “đá gà’. Có lần “đá gà” với Thuyên, gà của Thảo bị gãy cổ. Vậy là Thảo
khóc, Thuyên phải dỗ bằng cả hai que kem. Nhớ lại còn tiếc! kem ăn ngon nhưng
mau tan! Như tuổi thơ đẹp nhưng qua rất nhanh. Lần đó, Thuyên bấm bụng nhìn Thảo
ăn luôn que kem của mình. Thảo chợt mỉm cười một mình. Vậy mà sau ngần ấy năm
Thảo chưa một lần hối hận vì chuyện đó. Lần này về có lẽ Thảo sẽ hỏi lại Thuyên
vì sao bác Ba còn giữ chiếc kẹp lâu đến vậy mà không một lần “di hành” về An
Minh tìm người xưa xem bây giờ ra sao. Sẽ thú vị lắm đây nếu như cô gái đó vẫn
còn ở vậy đợi bác. Thảo sẽ phải dặn ba không cuốc đất suốt ngày ở ngoài nắng nữa,
đang mùa nắng nóng rất dể bị cảm. chiếc áo ba vẫn mặc để làm rẫy đã bị rách ở
khuỷu tay, Thảo chưa vá, ba phải lấy áo mới mà mặc, để dành làm gì, Thảo biết
tánh ba không bao giờ thích mặc đồ mới, áo mới phải giặt năm, bảy lần cho bạc
nhớt, cũ bớt ba mới chịu mặc. có dịp đi đâu đóng bộ quần áo mới toanh được Thảo
ủi cẩn thận ba lóng ngóng ngượng nghịu như diễn viên sắp bước ra sân khấu, Thảo
khác với ba, quần áo mới may về Thảo mặc ngay, còn cả lằn phấn đỏ. Mùi vải mới,
mùi chỉ sợi thật mê như miếng kem lạnh ngọt lịm của ngày còn nhỏ…Thảo sẽ tính toán dặn ba nhiều hơn nữa nếu như không có một sự
va chạm thật mạnh bắn Thảo lên, đầu va vào trần xe. Thảo chưa nghiệp cảm nhận
được điều gì. sự hoảng loạn trong xe, những tiếng thét hãi hùng, sự đau đớn… Thảo
chưa kịp cảm nhận được điều gì… chỉ thấy cỏ úa hết, tàn hết… cả một vạt cỏ
vàng khè giữa trời nắng hạn… Đợi hoài sao không thấy mưa ngâu. 2/8/2007 Trần Lệ Thường
2/8/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét