Nhạt nắng sân trường
Sắp đến hè! Những cây phượng trong sân trường đã đỏ rực. Từng
chùm lá xanh như lá me non muốn trồi lên lấn đi màu hoa phượng. “Phượng như
mưa rơi rơi”. Mưa đỏ sân trường trong tiếng ve ra rả gọi hè.
Mùa hoa phượng bắt đầu! Anh ấy ngõ lời với tôi vào một buổi
tối trong quán nước ven đường ở một thị trấn đìu hiu. Ly nước vẫn còn đầy, lềnh
bềnh mấy viên đá trong chiếc ly thủy tinh. Màu cam vàng óng sóng sánh dưới ánh
điện không sáng lắm. tôi không trả lời nhưng để yên tay tôi trong bàn tay anh ấm
nóng. Hai mươi bảy tuổi, không phải lần đầu tôi nghe người khác đặt vấn đề
tình cảm với tôi. Có lẽ tôi chưa gặp đối tượng. Ra trường, về huyện dạy là ý
nguyện của tôi. Tôi muốn được thấy dòng sông mang những con đò về bến nước,
những bụi tre kẽo cà kẽo kịt trong trưa hè, những con đường bờ đê bên cánh đồng
lúa chín và những cánh cò bay lạc trong đêm. Cái tâm hồn bình dị của một người
yêu văn chương.
Đầu năm anh về trường với chức vụ hiệu phó. Dáng cao không gầy
lắm. Vầng trán rộng với đôi mắt sáng tinh anh. Ánh mắt ấy tôi đã thấy nhìn
tôi ngay buổi họp đầu tiên. Mỗi ngày ánh mắt ấy một mềm đi dịu dàng sau từng
tiết dự giờ tôi, bằng niềm say mê bất tận dẫn dắt học trò vào thế giới nội dung
bài giảng, sôi động lôi cuốn. Từ bé tôi đã mơ mộng làm giáo viên, thường
chơi trò dạy học. Đi theo con đường đã chọn tôi thấy sung sướng, hãnh diện.
Niềm kiêu hãnh trong tôi vụt tắt khi tôi được dự giờ toán của anh lên lớp thay
thầy Hoàn bị ốm. Phong cách đứng lớp , bàn tay thoăn thoắt đưa trên bảng, giọng
nói to đều từ tốn. Tôi cảm thấy như bị choáng váng mất hồn. Thảo nào lúc anh
mới về trong trường đã xì xào. “Thầy hiệu phó nổi tiếng rất giỏi”. Tôi cứ
nghĩ đó là những lời xu nịnh dành cho một hiệu phó chuyên môn. Quả thật tôi đã
lầm, mỗi một câu chữ, mỗi một con số đưa ra đều chính xác. Học sinh lớp mười
hai B là lớp thầy Hoàn chủ nhiệm rất thích anh thỉnh thoảng lại kéo
nhau đến nhà thầy quấy rối.
Nhưng giữa văn và toán có điều gì thích hợp? Không thích hợp
nhưng bao giờ văn và toán cũng đi đôi với nhau. Anh nói như thế còn nói tôi đẹp
và quá hiền lành, ngây thơ. Nhưng cuộc sống đời thường không phải là thiên đường
cũng không phải giáo đường mà cần có những cô tiên và ma soeur. Lòng tôi mềm đi
như những cánh phượng trên cành, anh là cơn gió ngọt ngào mơn trớn. Một lần
anh chợt hỏi: “Anh hai của em ở công an tỉnh phải không? Dĩ nhiên anh cũng có
tìm hiểu tôi và những thông tin anh có được là do những người trong trường cung
cấp. Cô Ngân dạy sử biết tôi rõ ràng nhất vì chồng cô là phó giám đốc ở công ty
ba tôi. Cô thường lên lớp trể giờ, đôi khi quên giáo án. Thầy hiệu trưởng sắp
sửa về hưu lờ đi, đôi mắt hấp hem sau cặp kính trắng như không thấy gì. Về
thăm nhà trở xuống trường bao giờ cô cũng sang nhà thầy gửi quà. Ở anh tôi thấy
có gì dường như là khoắc khoải trăn trở không yên, cho nên anh nói tôi yên phận. Tôi cười vui vẻ: “Em được sống theo mong ước”. “Ở đây một thị trấn nhỏ xa
xôi, em có thể hạnh phúc sao?” Thoạt đầu tôi hơi ngỡ ngàng nhưng sau đó tôi
nhận ra anh là người nhiều tham vọng. Gần anh, tôi được biết anh sử dụng vi
tính thành thạo và tiếng Anh rất giỏi. Cả một quá trình học tập gian khổ. Anh
cho là anh không có điều kiện, không có cơ hội.
Về trường cùng lượt với anh có cô Lý dạy anh văn. Cô Lý li dị
chồng, có đứa con gái năm tuổi gửi cho bà ngoại nó. Cô thường đi chơi tiệc
tùng, có đêm về rất khuya, đôi khi say khướt. Thị trấn bé xíu như bàn tay,
người ta xầm xì to nhỏ, chuyện bé xé to, chuyện không nói có. Hư và thật xen lẫn
tạo nên một thiên truyện dài nhiều kỳ không đoạn kết. Anh nói với tôi đã có bàn
với thầy hiệu trưởng họp nên đưa ra, chấn chỉnh lề lối làm việc, tác phong... nhưng thầy hiệu trưởng gạt đi bảo từ từ, trong trường còn nhiều việc. Anh
hậm hực cho là “Một con sâu làm rầu nồi canh”. Còn chưa kịp nói năng gì thì cô
Lý phải về tỉnh giải quyết việc nhà chồng cô đã tìm cách
bắt con bé lại. Nửa tháng cô về nhà anh phải dạy thay những tiết của
cô. Anh sùng sục như điên trước thái độ thờ ơ của thầy hiệu trưởng.
Thầy Hoàn đã hơn năm mươi tuổi, sức khỏe kém, đau ốm liên
miên, là dân địa phương dạy ở trường này lâu năm nhất. Vợ thầy trước kia ngồi
chợ bán, bây giờ nghỉ ở nhà săn sóc các cháu nội cho ba má nó đi làm. Thầy lại
ốm, tôi định sẽ đi thăm thầy cùng với mấy đứa học trò. Tôi nói với anh, anh
bảo cho công đoàn gửi đường sữa thăm thầy, ai cũng bận. Trong mắt anh tôi thấy
rõ vẻ thờ ơ lãnh đạm, cũng như khóe môi hằn sự rẻ rúng. Tôi ngập ngừng: “Hay
là anh đi với em”Anh gạt phắt: “Đau ốm mãi ai có thời gian đi.” “Nhưng lần này
thầy mệt lắm”. “Thì đi bệnh viện có bảo hiểm”.
Gần một năm học trôi qua, hai tháng sau ngày ngõ lời với
tôi, trong ngỏ ngách nào đó của tâm hồn tôi thấy anh vẫn còn xa lạ quá. Lạ lẫm
như đường ngôi mới rẻ trên tóc đứa con gái mới lớn, bở ngỡ như chú ve sầu bất
ngờ trong thấy phượng nở trên cành vội vàng lên tiếng. Xa rời mà thân quen, ngọt
ngào mà cay đắng. Anh như vì tinh tú cao xa toả ánh sáng lung linh huyền ảo
trên nền trời đen thăm thẳm. Tôi với đôi tay trần tục mãi mãi vẫn không nắm bắt
được thứ ánh sáng diệu kỳ ấy. Tôi cứ ngờ ngợ về những lời anh nói với tôi trơn
tru như được bật ra từ một chiếc đĩa. Về một thiếu nữ xinh đẹp có học thức về
một cô gái quá hiền lành, về một nụ hôn vội vàng trên tóc vào một đêm trăng.
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó. Có chở trăng về kịp tối nay.” Nhìn trăng tôi
nhớ đến thơ Hàn mặc Tử. Anh nói lời lẽ trong thơ không có thật, chỉ toàn ảo mộng. Sống làm gì trong cỏi mộng du đó, anh không sống. Tôi im lặng nhìn mặt trăng
bị che khuyết. Tôi mơ hồ nhận thấy giữa anh và tôi không có điểm chung.
Thầy Hoàn mất! Hôm đám tang tôi thấy anh buồn, đăm chiêu
hay là ray rứt cũng không rõ. Có một con đường cuối cùng ai cũng sẽ
phải đặt chân lên. Tất cả học sinh lớp mười hai B đều đi đưa thầy đến nghĩa
trang, một buổi sáng mùa hè rợp trời hoa phượng đỏ. Anh im lặng đi bên cạnh
tôi, đầu cuối thấp. Có một cái gì như thể xôn xao rung động trong ngăn tim đang
thổn thức của tôi. Chẳng biết một ngày nào đó anh là người đưa tôi hay tôi là
người đưa anh về đến nơi yên nghỉ sau cùng khi hai mái đầu đều đã bạc.
Trường tôi tổ chức đi tham quan Đà Lạt vào dịp nghỉ lễ. Xe
chạy trong đêm, mọi người sau một lúc ca hát vui vẻ mệt mỏi thiu thiu ngủ.
Khuôn mặt đăm chiêu, anh kể về quãng đời thơ ấu của anh. Ba mất sớm, năm anh
lên mười tuổi mẹ tái giá với một người nát rượu lỗ mãng. Cả hai đều làm thuê
làm mướn sống qua ngày. Bây giờ nhớ lại anh cũng không biết sức mạnh nào đã
giúp anh vượt qua được những tháng ngày nhọc nhằn đau khổ ấy trong sự ngược đãi
của ông dượng ghẻ. Mười tám tuổi anh rời khỏi nhà bắt đầu cuộc sống tự lập sau
một lần xô xát với ông ta. Năm rồi về thăm nhà, anh thấy mẹ già đi nhiều đôi
bàn tay phồng rộp vì làm việc vất vả. Ba dượng ngồi trên giường uống rượu lưng
trần bày những chiếc xương sườn khô đét. Ba đứa em cùng mẹ khác cha, đứa con
gái lớn có chồng đi xa, thằng con trai kế đi cải tạo vì đánh nhau còn cô em út
đi giúp việc nhà cho người luôn mơ về một cuộc đổi đời bằng một chuyến sang Đài
Loan dưới hình thức hôn nhân. Anh thở dài, tưởng chừng có thể khóc được. Anh
đi, thoát khỏi nơi chốn ấy tưởng đâu đã quên được cái quá khứ u buồn đầy
nước mắt. Nhưng không, bao nhiêu năm xa quê canh cánh bên lòng anh vẫn nhớ một
người mẹ lam lủ nhọc nhằn và ba đứa em, không đứa nào biết chữ... Bỗng nhiên rồi anh nói giọng ráo hoảnh: “Tụi mình cùng về thị xã đi!” “Về thị
xã à?” “Cậu em ở sở giáo dục đó”. “Mẹ em ngại nhờ vã lắm”. “Hay là
xin cho anh về công ty của ba em đi”. “Anh làm gì được ở đó?” “Thông dịch,
vi tính”. Tôi nhìn ra con đường trước mặt, đường từ từ sáng dần lên
rực rỡ. Cô Ngân đang thiu thiu ngủ giật mình mờ mắt nhìn ra chép miệng: “Xe
qua cầu Mỹ Thuận”. Tôi xuýt xoa khen đẹp dù đã qua lại nhiều lần.
Chẳng biết anh có nghe hay không chỉ thấy anh có vẻ bực bội. “Em có tờ giấy
thông hành là lý lịch đỏ mà không biết sử dụng”.
Mấy ngày ở Đà Lạt trời mưa liên miên, không mưa to thì cũng
mưa phùn mưa bụi. Sương mù như mây lững lờ vắt ngang qua phố núi. Tôi và anh
ít chuyện vãn với nhau vì xung quanh còn nhiều người khác. Chuyện của chúng
tôi có lẽ cả trường ai cũng biết nên đôi khi tôi bị trêu ghẹo bông đùa. Lúc
đang đứng bên bờ hồ Than Thở, trời đang mưa lất phất vụt đổ mưa to, từng hạt nặng
trĩu. Chúng tôi chạy trở lên còn thấy mặt hồ gờn gợn sóng. “Lạnh không?” Tôi
rùng mình không phải vì lạnh mà vì có một luồng hơi nóng chạy vào người. Anh
như một người khác với ánh mắt thiết tha, lời nói dịu dàng âu yếm. Cả đất trời
như thu lại trong ánh mắt tôi. Trời thấp thật thấp và rừng thông xanh ngắt.
Tôi muốn quên hết những gì anh đã nói khi xe qua cầu Mỹ Thuận. Về một lý lịch đỏ, một tấm
vé thông hành, một cuộc đổi đời. Gạt cánh tay đang choàng qua vai, tôi bỏ
chạy lên xe. Chưa có một ai! Ngồi một mình, tôi phủi những hạt nước bám trên tóc, trên áo, trên vai, nơi hơi ấm bàn tay anh còn đọng lại. Lạnh thật! Trời
Đà Lạt muôn đời vẫn thế!
Ban thanh tra về dự giờ ngay tiết dạy của cô Lý. Thầy hiệu
trưởng đã định đưa sang lớp khác nhưng đoàn muốn dự giờ sinh ngữ. Lúc ngồi lại
đánh giá xếp loại không ai nói gì nhiều chỉ có anh quyết liệt xếp loại yếu,
khoản nào cũng dưới trung bình. Sau một lúc lâu tranh cãi thầy hiệu trưởng buộc
lòng phải tham gia, cô Lý là cháu gái của bộ trưởng... và là con của... cùng một dây thân bằng quyến thuộc có chức quyền. Cuối cùng bảng đánh giá xếp
loại được ghi: “Khá!” Cô Lý bị gia đình đưa xuống đây sau một vụ xì căng đan
làm họ mất mặt. Cô ba mươi ba tuổi! lớn hơn anh ba tuổi.
Sau lần đi Đà Lạt về tôi và anh ít khi gặp nhau. Thỉnh thoảng
chạm mặt trên hành lang cũng chỉ trao đổi vài câu vội vã. Anh không hẹn đi
chơi tối nữa vì “bận quá!”. Tan học, anh cứ nấn ná trong văn phòng làm việc gì
đó như thề để không phải cùng tôi đi về dù trên một quãng đường ngắn. Ngày trước, anh đã từng ao ước đường về nhà dài mãi, dài mãi thêm ra để hai đứa đi không
bao giờ tới. Buổi tối, ngồi soạn giáo án, mấy đứa học trò lớp mười hai B chợt
kéo tới, nấu chè, ca hát. Tôi cũng vỗ tay theo hát bài “Thời hoa đỏ”. Con bé
lớp trưởng vụt nói cả bọn vừa ghé qua nhà thầy hiệu phó, cô Lý đang ở đó.
Hè sang! Sau buổi họp cuối năm tôi sẽ về nhà nghỉ hè. Lòng
thắt thỏm nôn nóng về nhà gặp người thân, làm nũng với mẹ để bà gội đầu cho bằng
trái bồ kết, lòng lại man mát buồn xa anh. Có lẽ anh sẽ về quê thăm mẹ anh với
một ít quà mà tôi và anh đã mua từ trước.
Tan họp, tôi nấn ná đứng dưới gốc phượng muốn chờ gặp anh.
Nói một điều gì đó, tạm biệt, đưa nhau về. Tôi chưa nghĩ ra được sẽ nói gì,
vơ vẩn nhìn lên tàng cây tôi thấy một màu đỏ thắm trong màu chiều sắp bắt đầu.
Trên sân trường, nắng đã nhạt. Cô Ngân dắt xe ra cổng vụt đến bên tôi. “Sang năm thầy hiệu phó sẽ về thị xã, có quyết định rồi”. Không phải thì thầm
nhưng cô nói tiếng được tiếng không. “Cả cô Lý nữa. Họ sẽ đi nghỉ hè với
nhau”. Có ai đó tạt vào mặt tôi gáo nước lạnh buốt. Tôi đưa tay vuốt mặt nhiều
lần dù không có giọt nước nào. Qua kẻ tay tôi thấy cô Ngân nhìn tôi ái ngại trước
khi bỏ đi. Trên sân trường nắng đã nhạt. Hè chưa đi sao màu hoa phượng đã nhạt
dần!.
25/3/2006 Trần Lệ Thường
25/3/2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét