Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

"Mời trầu" hay "Mắng trầu"

"Mời trầu" hay "Mắng trầu"?

Tập văn mẫu dùng cho học sinh trung học "217 ĐỀ VÀ BÀI VĂN" của 4 đồng tác giả: GS. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), TS. Đỗ Ngọc Thống, TS. Hà Bình Trị, Chu Văn Sơn, dày 627 trang, do NXB Đại học quốc gia Hà Nội tái bản với số lượng lớn năm 2000, là một cuốn sách còn quá nhiều vấn đề phải bàn lại. Ngay việc tung ra hàng trăm bài văn mẫu cho học sinh, liệu có khiến triệt tiêu hết khả năng sáng tạo độc lập của các em khi tiếp nhận thẩm mỹ văn chương hay không, cũng là điều cần phải làm cho rõ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn trao đổi với các tác giả tập văn mẫu về bài: "Phân tích bài thơ mời trầu của Hồ Xuân Hương" từ trang 53 đến trang 59.
MỜI TRẦU
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi.
Trước khi phân tích bài thơ, tác giả bài văn mẫu mở bài quá dài, với một số khái quát về thơ Hồ Xuân Hương chưa chuẩn xác. Khi tác giả nói Hồ Xuân Hương tuyên chiến với thói trọng nam khinh nữ của xã hội phong kiến thì đúng. Nhưng khi tác giả bài văn mẫu viết như thế này về thơ Hồ Xuân Hương thì chưa đúng, không đúng: "... Hồ Xuân Hương tuyên chiến với một thứ khuôn phép, chuẩn mực của xã hội đẳng cấp phong kiến đã trở thành trái tự nhiên, phi đạo lý, bằng những vần thơ ngang ngược, oái oăm, bằng cái tôi ngông nghênh kiêu ngạo của mình: "Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ - Lại đây cho chị dạy làm thơ"; "Ghé mắt trông sang thấy bảng treo - Kìa đền thái thú đứng cheo leo - Ví đây đổi phận làm trai được - Thì sự anh hùng há bấy nhiêu"(chữ nghiêng đậm trong bài do TMH nhấn mạnh)... Mấy câu thơ trích dẫn trên không dính dáng gì đến kết luận của tác giả. Hai câu đầu là bài thơ nữ sĩ diễu đám học trò nhỏ học hành không ra sao, lại hay ghẹo gái; tuy là diễu nhưng vẫn thông cảm, ưu ái. Bốn câu thơ sau là bài thơ chê bai, thậm chí chửi xéo Sầm Nghi Đống, thái thú của quân xâm lược nhà Thanh là quân hèn nhát. Tác giả khái quát thơ Hồ Xuân Hương là "ngang ngược, oái oăm, ngông nghênh kiêu ngạo" là áp đặt, là chưa hiểu thơ bà. Ngay khi dẫn câu thơ trong bài "Dỗ người đàn bà khóc chồng": "Nín đi kẻo thẹn với non sông", tác giả bài văn mẫu tỏ ra không hiểu chính bài thơ và câu thơ này bằng một lời bình lạc lõng: "... Thậm chí thách thức với cả vũ trụ càn khôn".
Do chưa nắm được bản chất nghệ thuật thơ Hồ Xuân Hương như những đánh giá vừa dẫn, tác giả lại đưa ra những kết luận vừa suy diễn, vừa theo kiểu phê bình xã hội học dung tục, nâng tiếng thơ trào lộng trữ tình bi hài của cá nhân bà thành phong trào quần chúng và những ấm ức cần giải toả của lịch sử dân tộc, của xã hội, bằng những lời đao to búa lớn như sau: "Tuy nhiên, nếu Hồ Xuân Hương là tiếng nói đanh thép, dõng dạc của phong trào quần chúng hùng mạnh, quyết liệt nhất thì đồng thời cũng là sự thể hiện nỗi ấm ách, bực bội không giải toả được của lịch sử một dân tộc tuy khủng hoảng sâu sắc nhưng chưa tìm ra lối thoát". Viết như thế, hoá ra Hồ Xuân Hương bỗng trở thành biểu tượng giải phóng xã hội và dân tộc, thành nhà cải cách của quần chúng (!)
Phần mở bài đã được tác giả viết quá dài, quá linh tinh, gần một nửa bài viết, toàn đưa ra những kết luận không đúng về thơ Hồ Xuân Hương. Khi vào thân bài, tác giả lại lạc đề gần hết một trang, đưa ra nhiều nhận định không đúng khác, ví như kết luận rất sai về Thơ Đường như sau: "Thơ Đường thường thiên về tính trừu tượng khái quát, ít khi miêu tả chi tiết cụ thể. Do đó Thơ Đường cũng ít dùng đến những màu sắc cụ thể đập mạnh vào cảm giác người đọc. Thơ Đường thiên về trí tuệ nên thường chỉ gợi liên tưởng chứ ít miêu tả trực tiếp". Chỉ cần đọc ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, cũng đủ thấy kết luận trên về Thơ Đường của tác giả bài văn mẫu này là một kết luận không đúng.
Khi tác giả viết như như dưới đây thì có vẻ như đã thẩm được bài thơ "Mời trầu": "Cho nên đọc kỹ, lắng kỹ từng câu thơ Mời trầu mà xem, có phải đằng sau cái đanh đá, đáo để, vẫn còn một tấm lòng khát khao tha thiết và một giọng khiêm tốn nhún nhường (Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi - Này của Xuân Hương đã quệt rồi) và không phải không có một cái gì như xót xa cay đắng mà nhà thơ không hoàn toàn che dấu nổi (Có phải duyên nhau thì thắm lại - Đừng xanh như lá bạc như vôi)...
Bài thơ "Mời trầu" khá dễ hiểu, tình cảm và ý tưởng của nữ sĩ hầu như đã là một vỉa quặng lộ thiên. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi tác giả bài văn mẫu này tỏ ra không muốn hiểu bài thơ, lại đưa ra những lời phân tích áp đặt, sai lạc tinh thần bài thơ đến cỡ thế này là cùng: "... Mời trầu người ta, lẽ ra thì phải mềm mỏng, dịu dàng và phải bẽn lẽn một chút, Xuân Hương không thế, cái tôi dõng dạc xưng tên: "Này của Xuân Hương đã quệt rồi..."..."... Vậy mà nhà thơ nữ của chúng ta dõng dạc: "Này của Xuân Hương". Rõ ràng là một sự thách thức táo bạo trước dư luận xã hội. Đã thế lại còn đóng dấu ấn cá nhân vào miếng trầu đưa cho người một cách rất ít mềm mỏng: "Này của Xuân Hương đã quệt rồi". Quệt cũng như têm thôi (têm trầu), nhưng quệt tỏ ra suồng sã hơn, bướng bỉnh và ngang ngược hơn, không muốn khiêm tốn một chút nào. "Có phải duyên nhau thì thắm lại". Nhau tuy có giọng thân mật đấy nhưng hoàn toàn bình đẳng. Đến câu tiếp theo không còn là giọng mời chào nữa, mà là một lời mắng hẳn hoi. Mời ăn trầu mà cứ như mắng người ta, dù là mắng yêu đi nữa, thì cũng chỉ có Xuân Hương thôi: "đừng xanh như lá bạc như vôi!"
Tác giả bài văn mẫu sợ người đọc chưa tiếp nhận được "phát kiến" mới của mình trong việc giải mã câu cuối bài thơ, bèn tuyên bố một lần nữa, như muốn khép lại bài phân tích thơ một cách hùng hồn rằng: "Đừng xanh như lá bạc như vôi". Đúng thế, mời mà như mắng người ta". Viết như thế, tác giả bài luận văn trên quả là không hiểu bài thơ "Mời trầu", một bài thơ trữ tình dịu dàng và tình cảm nhất của Hồ Xuân Hương. Từ "Mời trầu", tác giả bài văn mẫu đã chuyển hệ cho Hồ Xuân Hương sang kênh "mắng trầu", có thể biến nữ sĩ trở thành hình ảnh của kẻ vô duyên, bỗ bã, nhố nhăng? Bình thơ như trên, phải chăng là mẫu mực của nghệ thuật giảng văn trong nhà trường trung học?.
Tp. HCM 10-2-2001
Trần Mạnh Hảo
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc, là một nhà thơ nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam, là một nhà ngoại giao, ...