Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

"Dòng sông mía" của Đào Thắng

"Dòng sông mía" của Đào Thắng

Trước khi xuất bản tiểu thuyết 500 trang “Dòng sông mía” (NXB Trẻ - 2004), Đào Thắng đã cho công bố nhiều cuốn truyện ngắn và tiểu thuyết viết về đủ loại đề tài: chiến tranh, người lính, hòa bình, nông thôn, đô thị… đủ cả, toàn là máu lửa hi sinh, quằn quại, đắng cay, nhưng đọc xong thì thấy cảm giác đọng lại toàn là hoành tráng, lạc quan, thiết tha, ngọt ngào, thương mến. Nay, anh viết hẳn một tiểu thuyết dày bằng hai cục gạch về cái làng mía của chính quê mình bên sông Châu Giang bờ xôi ruộng mật của đất Hà Nam, thì lạ thay, cảm giác đọng lại trong người đọc (cụ thể là TMH) than ôi, lại rất đắng chát, như thể mía của quê anh, văn anh toàn là mía đắng, văn đắng. Đọc xong cuốn tiểu thuyết viết về sự hoành tráng của cái ngọt ngào mà rất đắng đót này của Đào Thắng, tôi ngờ rằng phù sa của sông Châu Giang - linh hồn của đất Hà Nam - chảy qua văn anh, chảy qua tâm hồn anh e cũng là thứ phù sa đắng. Tôi đã đọc cuốn tiểu thuyết này của Đào Thắng trong ba ngày và nhược cả người, mệt đến rã rời vì tác giả đã đẩy tôi vào cái làng mía, bắt tôi nhập hồn vào tất cả các nhân vật: sống chết, điên cuồng, gian dâm, loạn luân, ức hiếp, ác nhân, mưu ma chước quỷ, nhảy sông tự tử, khóc than, thù hận, giết nhau, giả nhân giả nghĩa mà làm điều thất đức… Vào làng mía của Đào Thắng, trong ba ngày, tôi phải đóng bao nhiêu vai tuồng, bao nhiêu nhân vật trong sách bước vào sân khấu - hồn tôi và khuấy đảo, không để tôi yên tới tận lúc ngồi viết bài này. Khiếp quá, thằng Lẹp, rồi ông Lẹp bần cố nông nửa người nửa cá ghê hơn thú vật ơi, khiếp quá ông Quỹ Nhất đức cao vọng trọng mà cũng thích dan dâm ô trọc phải treo cổ vì cải cách ruộng đất ơi, khiếp quá bà Mến, chị Cả Thuần, những người tốt nhất làng mía chỉ còn nước nhảy xuống sông tự tử ơi…!. Phải nói là hấp dẫn từ đầu đến cuối (chỉ đoạn kết hơi bị khiên cưỡng); tôi quên mất mình đang đọc văn của ông bạn Đào Thắng để bị rừng chữ như rừng mía lúc rì rào, lúc quằn quại, lúc đổ rạp, lúc phất lên như cờ, lúc bị đốn ngã, bị nghiền nát bởi máy ép… lôi đi vào mọi ngõ ngách khổ đau, khốn cùng của phận người chết đắng trong phận mía ngọt ngào; nghĩa là tác giả đã MÍA HÓA được người đọc. Đọc văn hết mình (tất nhiên là văn hay, hấp dẫn), có khi còn nhọc hơn, rã người hơn cả người viết văn cũng không chừng.
Tôi vốn không ưa những bài điểm sách, những bài phê bình truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình kịch, phê bình phim… lại đi tóm tắt nội dung tác phẩm mình đang bàn. Làm như thế, người tìm đọc tác phẩm này do bài viết kia giới thiệu sẽ chẳng còn hứng thú gì hết. “Dòng sông mía” là chính cái làng quê trồng mía để bán và để nấu đường của tác giả hiện lên sinh động từ thời Tây thực dân, qua cách mạng, kháng chiến, hòa bình, cải cách ruộng đất, chống Mỹ, hoà bình, và cuối cùng đến chiến tranh biên giới với Trung Quốc. Bằng ấy cơn bão tràn qua làng Mía, lành ít dữ nhiều, dưới các chiêu bài hay ho cứu khổ cứu nạn là những màn độc diễn của dốt nát, ác độc, điêu toa, vu oan giá họa, dâm ô, loạn luân, tự tử… như thể cả làng mía của ông Quỹ Nhất cùng bị thời cuộc, Tây Tầu, cách mạng, bị các lý thuyết ngoại lai tầm bậy ném vào chảo nấu đường vĩ đại đang sôi sùng sục y như một thứ hỏa ngục trên mặt đất. Hãy nghe tiếng than lay động đất trời của bà mụ Mến trước cảnh thằng Lẹp-ông du kích-con hoang của bà với ông Quỹ Nhất - hãm hiếp chị Cả Thuần, chị dâu của hắn trong lúc chị bị trói một cách man rợ hơn thú vật, như sau:
“Bà Mến đánh hai tay vào nhau đen đét, rồi vỗ đánh đốp vào hai bên đùi: - Tao điên đây!Tao điên rồi! Đã đến nước này thì cái thân già tao đếch sợ thằng nào hết. Đến ông Nghĩa hiền lành, nhân đức người ta còn bắn vỡ óc ông ấy ra. Ông Quỹ Nhất đêm hôm qua quàng dây qua xà lò thắt cổ không chết được, chúng nó lôi xuống mang đi cùm. Tao thì là cái thá gì. Mang mà bắn tao đi để tao khỏi nhìn thấy quỷ sa tăng hiện hình. Sao nó ác thế không biết, sự ác trùm lên khắp gầm giời này. Người thôn quê chúng tao xưa nay có ác như thế bao giờ đâu. Chết một người, khóc một người, chết hai người khóc hai người, rách lành đùm bọc, no đói có nhau. Bảo thằng Tây, thằng Nhật ở gầm giời nào đến đây nó ác thì tao chịu. Đằng này hàng xóm láng giềng, ra vào nhìn thấy nhau, hết gạo vác rá sang nhà nhau vay một bát, hai bát, cho nhau củ đao, củ sắn, củ khoai, lúc đói lòng, còn họ hàng máu mủ ruột thịt với nhau sao bỗng dưng quay ra ác với nhau đến vậy? Chúng nó mang cái ác ở đâu về? Xui người ta ác? Chúng nó mang cái ác hoang hoại ở đâu về?”
Vâng, cái làng mía Thanh Khê vốn yên bình, chất phác, thuần hậu, dưới sông lắm cá, trên bờ mía tốt bạt ngàn nuôi các lò đường sung túc, dân tình tối lửa tắt đèn tình nghĩa có nhau, ới một tiếng là hoạn nạn, ma chay, cưới hỏi làng trên xóm dưới đông đủ an ủi, xẻ chia nhau từng nỗi niềm, bơ gạo. Nhưng rồi những cơn gió lạ từ đâu thổi tới: hết Tây Nhật rồi cách mạng, kháng chiến, cải cách ruộng đất, lại Mỹ Tầu bom đạn khôn nguôi… băm nát sự thanh bình làng mía, xáo trộn mọi tôn ti trật tự, đảo lộn mọi giá trị truyền thống, xúi bẩy những con người vốn chỉ biết lam làm, biết thân phận như lão Quýt râu đen, lão Bếp Rỗ bỗng trở mặt thành những tên lưu manh bịa chuyện đấu tố chủ, ăn cháo đá bát, lấy oán báo ân. Kháng chiến đánh Tây thì đúng rồi, ông Quỹ Nhất cùng cả làng Thanh Khê đi theo; nhưng cũng từ cái sự tốt đẹp này, lại nảy ra cái anh Đồi-đại đội trưởng của đơn vị bộ đội lợi dụng thân xác xinh đẹp của chị Cả Thuần, khi chị đang để tang chồng, không nói không rằng, bế thốc người đàn bà dân lành lên chiếc giường nơi chồng người ta vừa lâm chung, để làm cái chuyện giải quyết sinh lý với bao nhiêu lời đường mật hứa hẹn thiên đường hạnh phúc. Gieo vào bụng chị Cả Thuần một mầm sống, rồi ông Đồi đại đội trưởng ấy đi mãi, thăng quan tiến chức mãi, chẳng đoái hoài gì tới người đàn bà ông ta đã lợi dụng tình cảm, lợi dụng lòng tốt để được gia đình người ta nuôi giấu xưa. Chính niềm day dứt khổ đau về chuyện “gian dâm” với ông bộ đội đại đội trưởng này, với tin đứa con với ông Đồi -thằng Các - đã hi sinh trên biên giới đánh Tầu, đã đẩy bà Cả Thuần nhảy xuống sông Châu Giang mà chết. Hãy nhìn ông Đồi - hình ảnh của cuộc kháng chiến chống Pháp duy nhất lưu lại hậu quả ở làng Thanh Khê trong suy nghĩ của nhân vật Khuê (con trai trưởng bà Cả Thuần) về cái con người đã cướp đi tâm hồn bình an của mẹ anh, như sau: “Ông ta, một tâm hồn tật nguyền, cả đời mãi đi săn tìm danh vọng, tô vẽ cho sự nghiệp, mượn cớ sự nghiệp và những gì nữa mà lãng quên làm người…” 
Bao nhiêu người ở làng Thanh Khê, trong xã hội mía của Đào Thắng đã bị những ngọn gió lạ, những công cuộc này, những phong trào nọ, những cải cách kia cuốn đi vào những việc thất đức, những lấy chuyện làm khổ nhau, rình rập nhau, vu oan giá họa cho nhau, giết nhau, chiếm đoạt của cải, chiếm đoạt thân xác nhau, tâm hồn nhau làm lẽ sống mà quên chuyện làm người. Vâng, cả làng mía ấy, cả nước mía ấy, vì sao lại quên chuyện làm người? Sao họ chỉ thích làm tình làm tội nhau ? Họ điên cuồng lên theo dục vọng của thằng Lẹp. Cái thằng loạn luân với chị em ruột của nó là cô Bé mà cả hai không biết; rồi cả làng lại điên cuồng lên cũng vì chính thằng Lẹp con bà mụ Mến hãm hiếp chết cô Bê con, lại thừa cơ lên chức ông du kích xã mà hãm hiếp cả chị cả Thuần, lại chỉ mong cách mạng mãi, cải cách mãi, dốt nát bần cố nông muôn năm để nó hãm hiếp sạch sành sanh con gái đàn bà làng Thanh Khê! Mà thằng Lẹp lại chính là con của hai người đạo đức nhất trong xã hội mía của Đào Thắng: con hoang của ông Quỹ Nhất với bà mụ Mến. Ông Quỹ Nhất người tốt thế, nhân hậu thế, uy tín thế, cái thước đo của luân thường đạo lý ấy lại có lúc bị quỷ ám, dám đè phắt người đàn bà - người ăn kẻ ở trong nhà ra ngay trước mặt ông Chép, chồng bà Mến bị Cá Thần giết chết đang còn nằm đó chưa đi chôn, thì họa bắt đầu từ đó chứ còn đâu.
Thông điệp của “Dòng sông mía” của Đào Thắng vừa là câu hỏi hàm sự trả lời ngay trong đó: hãy cho những người tốt cơ hội tồn tại ! Tất cả những người tốt nhất làng mía hay có khả năng tốt điều bị giết, bị đấu tố, hoặc cùng đường nhảy xuống sông tự tử. Chỉ còn hai nhân vật, đôi tình nhân bi kịch Khuê và Mận, hai người tốt đẹp cuối cùng của làng mía Thanh Khê chừng như cũng không còn đất sống, không ai cho họ làm người đúng nghĩa, làm một người có hạnh phúc. Cả xã hội mía này, từ trào cách mạng đến giờ, hầu như không ai có hạnh phúc. Khuê và Mận, niềm hi vọng vào con người, niềm hi vọng của người đọc vào lẽ phải, rằng đôi tình nhân cuối cùng trên đời kia ơi, các bạn đừng chết, các bạn chết là Đào Thắng có tội, người đọc có tội, cả những người vô can chưa kịp đọc: “Dòng sông mía” cũng có tội! Rằng trời ơi, sao những người tốt lại không còn đất sống, lại phải đuổi nhau mà cùng nhảy xuống sông chỉ vì trót yêu nhau nhưng không lấy được nhau thế này:
“Người đàn bà đã biến vào trong đêm đen đang mưa tầm tã. Khuê chạy văng mạng, căn theo dòng sông hiện lên phía trái óng ánh bạc. Đôi mắt tinh tường của Khuê nhìn thấy Mận chạy về phía bến sông, anh dồn sức guồng nhanh đôi chân mong sao cho kịp Mận. Gắng lên, gắng nữa lên. Thân thể người đàn bà nhói trắng,in trên dòng sông bạc như đang nghiêng đi. Bóng Mận loang loáng nhòa mờ, như tan biến vào cõi vô cùng và rồi lại bất thần hiện ra lồ lộ trong giây chớp loằng ngoằng chói lóa. Mắt Khuê tối sầm, không kịp nữa, Mận đã lấy đà như bay lên, lao vút xuống dòng nước tối đen. Khuê hộc lên một tiếng bàng hoàng, rồi cứ thế để nguyên quần áo, cả đôi giày bà Nghĩa mua cho bắt phải đem theo về, rướn lên lấy đà quăng mình vào dòng nước. Thân người anh mất hút, chìm nghỉm trong dòng sông. Một loáng sau trong ánh chớp xa giống một đường vẽ rối trên bầu trời bỗng thấy hai cái đầu người nhấp nhô bơi đuổi nhau trên mặt sóng…”
Cuốn tiểu thuyết hầu như dừng lại ở đây, chỉ còn dăm ba dòng nữa là kết thúc. Tác giả tả con bò vô tình thấy đôi tình nhân lao mình xuống sông mà vẫn đứng ung dung gặm cỏ, rồi bò ngửa mặt lên có chiều “ngẫm nghĩ”. Tác giả viết tiếp: “Liệu hai người có sống, tìm thấy nhau để nói với nhau những lời đền đáp. Hoặc họ có thể cùng chết trong đêm nay nếu người đàn bà kia quyết trẫm mình, điều đó con bò dù tinh khôn đến đâu cũng không thể biết được…” 
Tác giả Đào Thắng đã tuân thủ lo-gic của đời sống, cái đời sống bất lực, bất minh, bất nhất, bất nhân kia đã đẩy đôi tình nhân Khuê-Mận xuống sông để đi theo Cá Thần như ông Chép, như bà Mến, bà Cả Thuần… Chỉ có người đọc mới có thể cứu được đôi tình nhân kia khỏi chết đuối trên sông Châu Giang. Vâng, Đốttôíepxki từng nói: “Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới”. Trong trường hợp khẩn cấp hơn lửa cháy cơm sôi này, lúc đêm đen đôi tình nhân Khuê-Mận-CÁI ĐẸP cuối cùng của làng mía Thanh Khê sắp chết đuối này, thì XIN THẾ GIỚI HÃY CỨU LẤY CÁI ĐẸP! Đó phải chăng là thông điệp cuối cùng Đào Thắng gửi người đọc, để chúng ta cùng hè nhau mà nhảy xuống dòng sông tinh thần của đất nước, đặng cứu lấy tâm hồn cha ông đang chới với trong vô biên xoáy nước mịt mù.
“Dòng sông mía” của Đào Thắng như tiếng nấc của con sông Châu Giang (Tắc Giang) vậy! Con sông này bị bóp cổ, bị chặn đứng dòng chảy, nó nấc lên âm thầm trong đất. Tiếng nấc ấy phả vào tâm hồn con người, rồi cất lên ở những trang văn của những người con đất Hà Nam. Tôi đã nghe tiếng con sông Châu Giang nấc lên rất đau đớn trong thơ Nguyễn Khuyến, trong văn Nam Cao, nay lại được nghe tiếng nấc của con sông này trong văn Đào Thắng. Mừng thay!.
Sài Gòn đêm 6-5-2005
Trần Mạnh Hảo
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khoá 7 Trường Viết...