Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

Mùa đông hoa trắng

Mùa đông hoa trắng

"Một là vào đại học-hai là đi khỏi nhà". Mẹ tôi đã từng rít lên như vậy nhiều lần, ngay cả trong giấc mơ. Vậy mà, buổi chiều biết tin thằng Ngạn thi trượt, mẹ tôi ở miết trong phòng, cửa đóng im ỉm cho đến tối. Mâm cơm bày sẵn trên bàn đến nguội lạnh. Tôi vào phòng ngồi trước máy vi tính, trong khi dượng Hoan lúi húi trước sân bên mấy chậu kiểng và những cây sứ đang cho hoa trắng cả khoảng không gian. 
Khi mẹ và chị em tôi về nhà vườn này thì mấy cây sứ chỉ cao bằng đứa trẻ lên năm. Dượng rất quý, chăm chút cẩn thận. Mấy trăm gốc ổi, cóc, mãng cầu, một bàn tay dượng vun bón từ khi ba của dượng qua đời. Nửa chợ, nửa quê, người đàn ông học hành dang dở trở thành ông chủ nhà vườn lúc ba mươi lăm tuổi, chưa một lần biết hò hẹn với ai. Đào ao, thả cá, chăn nuôi… dượng quần quật suốt ngày, lam lũ với áo quấn nhếch nhác và một màu da rám nắng, đen giòn. Dượng gặp mẹ tôi - một người phụ nữ bằng tuổi dượng, bán trái cây ở chợ, ly dị chồng, có hai con. Chúng tôi lớn dần như những cây sứ. Sứ ra hoa, từng chiếc chẳng ai kết mà tròn đẹp như túc cầu của các công chúa, tiểu thư ngày xưa gieo tìm chồng. 
Niềm đam mê của dượng lây lan sang chúng tôi. Chiều chiều, tôi và thằng Ngạn ra sân ngồi ngắm hoa, thấy hoa rụng mà tiếc ngẩn ngơ. Thuở nhỏ, chúng tôi thường nhặt hoa sứ rụng chơi bán hàng. Lúc ấy thằng Ngạn ghét dượng lắm. Đi học về, thấy mẹ và dượng đứng nói chuyện trong bếp, nó lườm, nguýt, giận dỗi bỏ cả cơm trưa.Nó sợ khuôn mặt lầm lì của dượng cũng như sợ cây sứ trần trụi lúc chưa ra lá, ra hoa.Thân cây sần sùi với những nhánh cụt mang hình thù kỳ dị, đêm tối bất chợt trông thấy giật mình. Lúc đó có ai mang cả núi thức ăn để trước mặt, nó cũng không dám ra ngoài ban đêm mặc dù nó là đứa háu đói.
Buổi tối, thỉnh thoảng nghe tiếng vịt kêu, chạy rần rần dượng thường ra vườn thăm chừng xem có chó, mèo không. Một lần, mẹ và tôi vắng nhà, nghe vịt rần rần nhảy xuống ao, dượng dợm đứng lên đi thì thắng Ngạn nắm áo dượng lại. Bởi vì trong nhà không còn ai, nó sợ…Dượng chần chừ một chút rồi ngồi xuống biểu nó leo lên lưng. Cầm cây sào, dượng cõng nó trên lưng đi ra vườn đuổi vịt lên bờ. Những lần sau đó có tôi và mẹ ở nhà nó vẫn đòi theo dượng. 
Bây giờ, hàng đêm dượng và nó cùng đi ra vườn. Bên cạnh dượng, mãi mãi nó vẫn là đứa bé con mặc dù nó đã cao bằng dượng. Thằng Ngạn thường nhắc, ngày đó ở trên lưng dượng, dượng chạy đuổi vịt thích lắm, như được cưỡi ngựa. Mẹ thấy vui, sự gắn bó giữa nó và dượng khiến mẹ yêu thương nó hơn, khi sự xung đột của ba mẹ tôi càng ngày càng gay gắt, mẹ tôi quyết định ly hôn. "Một sự lựa chọn sai lầm". Nghe mẹ ta thán, ngoại tôi lúc đó còn sống đã chì chiết. "Ai lựa chọn cho con?". Cãi nhau liên miên rồi đưa đến xô xát, không thể hàn gắn được ba mẹ tôi chia tay. Con cái mẹ tôi giành hết, cũng chẳng cần cấp dưỡng. "Mày, một con đàn bà hung dữ". Ngoại vẫn luôn trách mẹ tôi dù không đầy một năm sau ba tôi có vợ khác. Họ có một đứa con gái xinh đẹp, học giỏi, nổi tiếng đàn piano. Năm tuổi chưa vào lớp một đã đi học đàn. Mười tuổi đi thi đàn toàn quốc. Còn tôi, chỉ là đứa con gái tầm thường, mẹ không hy vọng gì ở tôi. Sau mấy năm học đại học, tôi về làm việc ở một công ty. Chẳng có gì đáng nói, nhan sắc hạng trung, ít nói, lặng lẽ, không bạn bè, quanh năm suốt tháng chẳng nghe ai gọi điện thoại tìm. "Tại ba mày không có đức". Mẹ rũa những lúc không có dượng, oái oăm ở chỗ tôi giống dượng điều này mà không giống ba tôi. Mới hơn một năm cưới nhau, ba đã "mèo chuột" tùm lum. Đếm khi ly dị, mẹ nói đếm trên đầu ngón tay vừa đủ. 
Bao nhiêu hy vọng mẹ đặt hết vào thằng Ngạn. Bắt ép nó đi học cờ vua, một thời gian sau không thấy tiến bộ, nó đâm chán. Mẹ đưa nó qua học mỹ thuật, cũng chẳng hơn gì, học mãi mà hoàng hôn với bình minh nó vẽ chẳng ai phân biệt được. Thấy nó thường đi đá banh với mấy đứa bạn mẹ ao ước nó trở thành cầu thủ nổi tiếng. Cuối cùng, mẹ nhận ra nó không có năng khiếu. Í ạch vất vả lắm nó mới tốt nghiệp trung học phổ thông. Mẹ đâm hoảng, mỗi ngày thúc bách, nhắc nhỡ rồi hăm dọa. Mẹ muốn thằng Ngạn phải hơn con gái của ba với người vợ kế. Nhưng mẹ đã sai lầm. Hoa mai không nở vào mùa thu. Mẹ dồn hết tâm trí vào nó, săn sóc, quan tâm từ miếng ăn đến giấc ngủ. Đưa nó lên thành phố, đón nó về… Dưới sức ép của mẹ và nỗi sợ hãi nếu thi trượt, nó thi trượt thật.
Đêm về khuya, mùa hè trời nóng bức nhưng không có ngọn gió nào. Qua cửa sổ tôi thấy từng chùm hoa trắng trong màn đêm. Ngày thường ở đây đã hoang vắng, bây giờ càng thấy tĩnh mịch, cô liêu hơn. Một sự im lặng đến rợn người. Có lẽ dượng đã vào nhà và đang an ủi mẹ. Tôi buồn không phải vì thằng Ngạn thi rớt mà vì thấy mẹ tôi thất vọng. Dượng nói cũng phải "Tại mẹ". Thời gian mẹ bắt nó theo học các lớp năng khiếu phải chi để nó học phổ thông. Mẹ điên cuồng nghĩ đến ba bằng lòng háo thắng, tự phụ. Trong gia đình, mẹ muốn giành quyền gia trưởng. Giờ giấc, công việc, con người ba và cả hai chị em tôi mẹ đều giành quyền sai khiến, xếp đặt. Ba không chịu được, nhưng trời còn đặt để cho dượng đến với mẹ tôi. Dượng mồ côi mẹ từ nhỏ, nên khao khát cháy bỏng có bàn tay người phụ nữ chăm sóc cho mình. Vậy là gặp mẹ, dượng cảm thấy hạnh phúc với mình vô cùng. Từ ngày ở với dượng, mẹ không còn ngồi bán ở chợ nữa mà ở nhà quán xuyến trong ngoài. Mẹ cũng quần xăn đến gối, lúc ngoài vườn khi trong chuồng lợn. Tôi hiểu tất cả chỉ vì chị em tôi. Với tôi, mẹ không đặt hoài bão nên không cảm thấy thất vọng. Còn thằng Ngạn… Tôi vụt nhớ đến nó, lúc chiều thấy nó vào phòng đến bây giờ…Tôi đẩy nhẹ cửa phòng nó, phòng trống không. Chiếc vali để trên đầu tủ đã biến mất. 
Mặc dù đã gần mười hai giờ đêm, tôi và dượng vẫn đi tìm thằng Ngạn. Với lứa tuổi đó, nó có thể làm những điều ngu ngốc. Tôi ra đến thị xã rồi quay về trong màn đêm, thỉnh thoảng có  những chiếc xe chạy vút qua, đánh động tâm hồn tôi một nỗi buồn cô đơn. Về đến cổng, tôi thấy mẹ đang cầm một thanh củi quất tuối buội vào thân cây sứ. Hoa rơi tơi tả trắng khắp sân. Tôi hối hả chạy vào "Mẹ! Mẹ làm gì vậy?". Mẹ càng tỏ ra hung hăng hơn đến khi tôi giật được thanh củi trên tay bà. Xơ xác hết! Lá và hoa như một tấm thảm lát đường đi. Mẹ ngồi phịch lên băng đá thẫn thờ không nói, không rằng hai tay bưng lấy mặt. Tôi rất muốn nói điều gì đó để an ủi mẹ, nhưng tôi không nói được. Là một đứa vụng về tôi biết mình không thể làm mẹ nguôi giận, chỉ mong mẹ bình tĩnh chấp nhận sự thực. 
Thật lâu, mẹ tôi ngẩng lên thì thầm: "Không gặp nó à?". Thấy tôi về một mình mẹ đã biết, nhưng vẫn hỏi. "Mẹ đừng lo, nó không dám đi đâu xa. Nó không có tiền". Tôi chợt nhớ, một chỗ thằng Ngạn có thể đến. "A! Để con đi chỗ này xem". Tôi chưa dứt lới đã thấy thằng Ngạn tay xách vali đứng tần ngần trước cổng, còn dượng đang dắt xe vào. "Vô đi mẹ mày chờ!". Dượng bảo thằng Ngạn bằng giọng gắt gỏng. Tôi chạy đến: "dượng gặp nó ở đâu?". Dượng nói vói: "Ở nhà ba nó". Tôi biết ngay mà. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp ba và ba thường cho nó tiền. Dĩ nhiên, mẹ không biết chuyện này. Tôi đẩy nhẹ vai nó: "mày nói gì với mẹ đi!". Nó đứng lặng người không nhúc nhích. Cầm lấy vali trên tay nó, tôi trách: "Khờ quá! Mẹ giận nói vậy, bỏ đi đâu". Dượng trở ra, ngồi xuống bên mẹ: "ba nó gọi điện cho tôi"…
Phải mất một thời gian khá lâu, mẹ tôi mới trở lại bình thường, nói cười vui vẻ.Thằng Ngạn không đi học nữa. Mẹ không ép, không nói gì, lặng lẽ đi ra đi vào như chiếc bóng. Một đêm tôi bắt gặp mẹ ngồi khóc một mình ngoài sân, dù trời mùa đông lành lạnh. Hôm ấy tôi còn thức làm việc, hơi lạnh lăn tăn thấm vào da thịt khiến tôi rùng mình .Tôi đứng lên khép cửa sổ lại. Dưới tàng cây sứ trắng, mẹ ngồi, đôi vai bà run nhè nhẹ, dáng thật buồn như chịu đựng. Thằng Ngạn bản thân nó không muốn làm mẹ buồn, nhưng nó không thể làm theo ý mẹ. Với những điều vượt quá khả năng nó không thể thực hiện được. Từ hôm đó, suốt ngày nó ở ngoài vườn với dượng. Đào thêm cái ao nuôi cá, chiết ổi trồng trên giồng đất mới, chặt bỏ những cây già… miệt mài, có hôm trời mưa tầm tã mà cả hai không chịu vào nhà. Đêm đó, thằng Ngạn bị sốt cao, nói mê toàn những chuyện ngoài vườn. Gần sáng, nó mới tỉnh, người đầy mồ hôi. Vừa mở mắt, như không thấy vẻ lo lắng của mẹ, nó nhìn dượng: "Mưa lớn quá, hàng ổi con mới chiết…"."Không sao! Dượng đậy cao su hết rồi, con yên tâm đi". Dượng run run lau mồ hôi trên trán nó. Từ lúc ấy, hai người càng ngày càng khắng khít với nhau. Tôi thường thấy mẹ đứng ở nhà sau trông ra vườn, nhìn theo dượng và thằng Ngạn đang đi dọc bờ ao nói nói cười cười. Mẹ tôi nở một nụ cười thật hạnh phúc.
Đêm đó, tôi đứng bất động nơi cửa sổ khi dượng mang chiếc áo ấm choàng lên vai mẹ. Có lẽ tỉnh giấc không thấy mẹ nên dượng đi tìm…Nhẹ nhàng, tôi khép cửa sổ lại, tắt đèn, lên giường quấn chăn. Lần đầu tiên tôi mới thấy mẹ khóc.Người đàn bà mạnh mẽ, rắn rỏi ấy đã khóc. Tôi không hiểu mẹ khóc vì dạy dỗ con thua ba hay buồn vì thằng Ngạn, hoặc vì mẹ đã nhận ra điều có thể và không thể trong đời người phụ nữ. Mặc cho đêm mùa đông lạnh lẽo, trong hơi ấm của chăn nệm tôi nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ. Tôi mơ thấy tuyết rơi dày sân nhà tôi, tuyết trắng xóa trên cây sứ. Tôi chạy chân trần không thấy lạnh, mùi hương hoa sứ thoang thoảng. Đột nhiên, tôi nhận ra dưới chân mình không phải tuyết. Đó là hoa sứ, cả trên cây không phải là tuyết phủ mà là hoa sứ nở trắng một góc trời. Tôi mê mải đi nhẹ nhàng trên lớp hoa êm ái và mịn như nhung.
Những hàng ổi mới trồng vừa cao khoảng một mét đã cho trái. Trái to gần nửa kí lô treo lủng lẳng oằn nhánh cây gầy đuột. Thằng Ngạn dùng dây cột lại rồi lấy cây chống cho nhánh thẳng đứng. Từng cây cách nhau thật đều, xa xa trông như những cây cảnh. Dượng tự hào: "Nó ghép cây ổi giống bưởi". Mẹ không nói gì trong bữa ăn, nhưng khi tôi đang rửa chén, mẹ đến thì thầm bên tai tôi: "Thằng Ngạn cũng có năng khiếu". 
Nó bắt đầu thay dượng trông nom nhà vườn khi tôi lấy chồng xa quê. Tệ làm sao! Chồng cũng không tự kiếm được, may là có người mai mối. Chẳng hơn gì tôi - anh, một bác sĩ ra trường đã lâu, nhưng đứng trước phụ nữ thì… anh vẫn lắp bắp như chàng trai mới lớn, trong khi tôi và anh đã hơn ba mươi.
Tôi về. Sân nhà trắng xóa màu hoa sứ. Trời lành lạnh. Trời mùa đông thường gợi thương gợi nhớ. Những kỷ niệm từ ngày còn cột tóc đuôi gà, đứng cao bằng cây sứ, còn rượt đuổi thằng Ngạn chạy vòng quanh bờ ao làm tôi buồn tê tái. Khung cảnh giống như trong giấc mơ năm nào khiến tôi ao ước, giá mà đang tỉnh giấc sẽ thấy dượng và thằng Ngạn đang tát ao bắt cá. Trên cây hoa vẫn trắng ngần kiêu sa với những quả túc cầu và vòng nguyệt quế. Đứa con gái mười lăm tuổi của tôi phải thảng thốt kêu lên khi bước chân vào sân nhà: "A! Đẹp quá!". Chồng tôi cũng ngẩng đầu nhìn, dù thỉnh thoảng anh có về thăm. Mẹ tôi sụp xuống thẫn thờ, mắt sưng mọng. Hai lần trong đời tôi thấy mẹ khóc. Lòng hiếu thắng đã từ giã mẹ tôi từ lúc nào. Dượng mất! Mẹ giờ như đứng trên một tấm ván chông chênh, chông chênh như chiếc cầu bập bênh.
Đêm đó, tôi ra sân nhặt đầy một giỏ hoa sứ, những bông còn tươi  mùi thơm thoang thoảng bay xa… 
28/2/2006 
Trần Lệ Thường
Theo https://vanchuongviet.org/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhân vật nữ trong tiểu thuyết Patrick Modiano Patrick Modiano là nhà văn lớn của văn học Pháp từ nửa sau thế kỷ XX đến nay. Ông là chủ n...