Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

Hẹn hò trong thinh không

Hẹn hò trong thinh không

Không phải dòng sông cũng không phải con đò; không là bến cũng không là thuyền; không là cây đa cũ với bến đò xưa. Ấy vậy mà chúng tôi đã gặp nhau và cùng đúng trước bàn thờ tổ tiên mà thề hẹn, sau hai mươi năm không một lần nào nghĩ tới nhau. Cái lẽ đời vẫn vậy, không có điều gì mình mong muốn mà nó đến và có những điều mình không hề nghĩ đến nhưng tự nó đã tới với mình. Bình thản tự nhiên như khi sáng ra thức dậy đứa học trò thấy hoa phượng đỏ cả một gốc phố thì nhận biết đó là mùa thi, mùa nghĩ hè và tự nhiên và chia tay, là những quyển lưu bút truyền đi như bươm bướm bay. 
Hồi đó, tôi không ưa Diễn mặc dầu cả tôi và Diễn đều bị bạn bè cho là “gàn gàn… dỡ dỡ”. Nhà tôi ở gần cuối con ngõ cục, còn nhà Diễn ở ngoài đầu ngõ cạnh hai hàng bông bụp. Tôi không ưa Diễn vì Diễn thường ra đầu ngõ bẻ bông. Chẳng hiểu vì có gì vui khi đứng nhìn người qua lại trên đường còn tay thì ngắt bông, không có bông thì ngắt lá. Có lúc, tôi từ trên đường đạp xe vù vào giữa hai hàng bông bụp suýt nữa đâm vào Diễn. Thằng con trai học lớp chín quắc mắt lên muốn gây sự với đứa con gái học cùng lớp, ngụ cùng ngõ và cùng tuổi với nó. Tôi lúc lắc mái tóc lưa thưa của mình, mắt lườm thằng con trai mà cái lưỡi thì thè ngạo nghễ. Chiếc xe đạp chạy tuốt vào trong, tôi nghe loáng thoáng “đồ gì!” ấy.  Đồ chết tiệt chứ có đồ gì chứ có đồ gì! Tôi rủa thầm. Tên này ưa không nỗi. Không biết galăng và cũng chẳng dịu dàng với phái đẹp. Thật sự thì tôi không biết mình có đẹp hay không nữa. Tóc thưa hoe vàng cháy nắng, nước da bánh ít vì đạp xe rong ngoài phố, mắt to có đuôi rất phù hợp với chiếc miệng rộng. Người gầy như cái que cà rem khi mà các thứ phụ tùng trên người chưa phát triển kịp và chưa được trang bị bằng hàng ngoại nhập. Nhưng cho dù có xấu đến đâu tôi cũng được liệt vào phái đẹp. Cũng như Diễn dầu gầy nhôm người ta vẫn gọi là phái khỏe.
Làm sao có thể ưa được một kẻ chỉ nhìn mình có một con mắt. Trong lớp tôi có tiếng là ngâm thơ rất hay, rất truyền cảm. Cái lừng khừng ở trong tôi mà bạn bè đôi khi gọi là “té giếng” ấy nó tôi ngâm thơ rất đạt, cho nên dầu lem luốc như ma tôi cũng có người “trồng cây”. Cây si thì bốn mùa luôn xanh lá. Tôi cảnh giác mình. Người thích giọng ngâm thơ của mình thôi. Nhớ! Nếu qua một cơn viêm họng hoặc sợi dây thần kinh trong đầu “mát” hẳn luôn thì mình “té giếng” thật sẽ không có con ma nào trồng cây mình nữa. Sẽ không còn thiệp noel, sẽ không còn thiệp chúc xuân, sẽ không còn ai đóng hộ chiếc quai guốc đứt và sẽ không còn những ly chè đá lạnh trong những chiều mưa thầy chủ nhiệm bị đau nặng. Sẽ không còn tất cả, tất cả... Và tất cả những thứ ấy không từ Diễn. Đã thế, khi mà cả lớp phát hiện ra giọng ngâm thơ tuyệt vời của Diễn thì tôi càng khó chịu hơn. Đương kim vô địch không còn là tôi mà là Rômaniô, xin lỗi là Huỳnh Diễn. Tàn rồi giấc mộng huy hoàng trên đất khách, à không, trong lớp chín một với bốn mươi chín học sinh và một giáo sư hướng dẫn thường xuyên bị đau nặng. “Áo lụa Hà Đông” của Nguyên Sa khiến cho mọi người ngưỡng mộ Diễn bao nhiêu thì lòng tôi càng ấm ách bấy nhiêu. 
Có một lần lớp tôi tổ chức đi cắm trại ở bên kia sông. Có nghĩa phải qua đò. Từng chuyến một qua sông với nồi niêu xoong chảo rộn ràng. Ba mươi con người qua đò làm ba chuyến. Những ba chuyến đò qua sông mà tôi phải đi cùng chuyến đò với Diễn. Cái tình cờ ác nghiệt đấy ở trong tôi nghĩ về “đồ gì” mà sôi máu. Bởi thế, khi đò cặp bến chỉ có Diễn và tôi lên sau cùng. Tôi xô vội đò ra trong khi phía sau tôi Diễn đang sửa soạn bước lên. Vậy là Diễn rơi tòm xuống nước. Mọi người đứng trên bờ được dịp cười ầm ĩ. Tuấn đang cầm máy ảnh bấm liền tức thì cảnh hiếm có. Sau đó đoàn cắm trại đi từ từ vô địa điểm. Chỉ cách một con sông mà ở đây như một vùng nông thôn chính hiệu. Chúng tôi sẽ đi qua cầu khỉ chênh vênh. Từ từ, lần lượt. Tôi, dép cầm tay mà vẫn run lên mỗi khi nhích được một bước. Sợ bạn bè cười, cố lắm tôi đi được nửa cây cầu trong khi trống ngực đập liên hồi. Tôi dừng lại và ngập ngừng quay qua phía sau. Trời! Diễn đang lù lù ở sau tôi từ lúc nào. Không qua khỏi mắt Diễn, Diễn đưa tay ra. “Sợ hả? Nè! Vịn đi!” Không! Không bao giờ! Không đời nào! Không thể!... Trong tôi gào lên thảm thiết. Nhưng nước dưới kênh đen đặc và bạn bè ở phía sau Diễn cũng nhiều. Nhất là Tuấn với máy ảnh trong tay lăm lăm rình cơ hội. Tự trọng là gì nhỉ? Là không vịn vào cánh tay đang chờ đợi kia để rơi tòm xuống nước hay tự trọng là vịn vào đấy để yên tâm mà qua cầu? Dẹp quách cái tự trọng vào trong túi du lịch cho rồi khi mà đôi chân đang run lên như người bị cảm cúm. Tôi bèn... thở dài, không nhìn Diễn và cũng không buồn tự hỏi tại sao cái gã bẻ bông bụp này hôm nay học được bài học galăng ở đâu mà lịch sự quá. Tôi vịn vào cánh tay của Diễn... thật chặt. 
Vậy đó, chúng tôi - gồm có tôi và Diễn - qua cầu bình yên. Tôn Ngộ Không phò Tam Tạng qua cầu. Tôi nghĩ thầm. Dẫu sao, thì Tuấn cũng đâu có bỏ qua mấy cảnh gay go đó. Khi những tắm ảnh của ngày cắm trại được công bố, và những cái đầu đang châu vào nhau tìm kiếm mình thì tôi thấy mình đang trịnh trọng vịn vào cách tay Diễn với vẻ mặt cực kỳ nghiêm trang, còn Diễn ngước cái mặt Tôn Ngộ Không lên tự mãn. Trời! Giá mà lúc đó mình cứ kéo rẹt các phẹc-ma-tuya túi du lịch ra, rồi ôm cái tự trọng cùng cái túi du lịch mà pờ-lông-nhông xuống kênh để làm con chuột ướt cho rồi. 
Dĩ vãng thì cứ chạy giật lùi, tôi thề không bao giờ nhớ cái ơn qua cầu đó. Cuối năm, quyển lưu bút của tôi chuyền đi vù vù không thấy bóng, mãi đến khi phượng không còn đỏ nữa mới thấy quyển sổ màu xanh tái ngộ chủ nhân của nó.Bính lớp trưởng chúc tôi học giỏi.Tôi bỗng bật ngửa khi thấy nét chữ xấu như ma của Diễn ngoằn ngoèo trên giấy. Anh ta còn làm một bài thơ chia tay. Rằng là sẽ đi xa xa lắm, tận đâu đâu; rằng là trong đời Diễn đến lúc này, một học sinh lớp chín trường phổ thông trung học tổng hợp Nguyễn Trung Trực chỉ có một lần làm việc thiện duy nhất, đó là hôm đi cắm trại... Tôi hùng hổ rứt mạnh trang giấy ra khỏi quyển sổ và xé nát vụn. Ai đã đưa quyển lưu bút cho anh ta. Tuấn này chứ chẳng ai! Nhưng Tuấn chối bai bải và chuồn mất khi thấy mặt tôi tối sầm như đêm ba mươi - và điện bị cúp. Diễn khôn hồn chiều hôm đó không ra hàng bông bụp bẻ bông nữa. Tôi đạp xe vù qua nhà Diễn mà không thèm nhìn dù bằng cái đuôi con mắt. 
Tôi cũng chưa bao giờ để ý là lần sau cùng tôi nhìn thấy Diễn ở đâu. Thời gian qua đi với bao điều thay đổi. Sau này, nhà Diễn được xây  cất lại quét vôi trắng và lắp toàn cửa kính. Còn nhà tôi vẫn vậy, tuy nhiên má tôi không còn bán bún nước trước cửa nhà nữa. Tôi thì là cô giáo, nhà văn, nhà thơ. Năm tháng qua đi, Tý Sửu Dần Mẹo... hơn hai mươi năm cứ lặng lẽ trôi qua, tôi vẫn một mình “ên” với văn với thơ học trò với giáo án và với cái ti vi trắng đen cổ lỗ sĩ cùng với một bà già thật già. Dĩ nhiên tôi cũng có phần hồn của riêng mình trong cái “ên” đó. Rồi một hôm trong lúc đang cặm cụi viết tôi nghe má tôi nói: “Thằng Diễn ở đầu ngõ mới về”. “Vậy hả má!” Tôi lơ đễnh lên tiếng. “Nghe nói nó về đây cưới vợ”. Má tôi lại nói trong tiếng nhai trầu bỏm bẻm. Chợt nhận ra điều gì đó, tôi ngẩng lên. “Ủa? Anh ta cũng lớn tuổi rồi, chưa lập gia đình à?” Má tôi chặc lưỡi. “Thì cũng như mày, ai mày cũng chê trần tục. Phải mà, tại vì mày không phải người phàm. Ai mày cũng chê không có tâm hồn. Có tâm hồn! Có tâm hồn là sao? Tao chỉ thấy mày có khi ngồi viết tới sáng mà ti vi màu đổi không nổi trong khi người ta bắt đầu có ti vi “mùi” rồi. Mày không thực tế con ạ! Dẹp ba cái tiểu thuyết lãng mạn ấy lại đi. Còn thơ với thẫn, còn tạp chí với tuần báo. Con ơi! Giá má lúc trước con nhận lời thằng Xại bán thịt heo... “Trời! Trời!” Tôi kêu lên vì cảm thấy bị tổn thương nặng nề. “Ông ta có sáu đứa con gái và ba đứa trên sáu mươi ký”. “Rồi sao? Vợ ông ta mất rồi, con cái ổng giỏi buôn bán đứa nào cũng được việc...” Má tôi nhổ trầu rồi ca tiếp bài ca tôi đã nghe đến một nghìn lẽ một lần. “Còn ông phó giám đốc công ty chăn nuôi gia súc gia cầm gì đó mày cũng chê nốt”. “Má ơi!” Tôi rên lên. “Ông ta đã ba vợ và mới ly dị vợ thứ ba có hai tháng”. “Xí! Vậy là ổng đang độc thân chứ gì?” Má tôi xỉ ngón tay trỏ vào trán tôi. “Mày già rồi mà không biết sao? Những người đàn ông đến tuổi đó thì cũng phải nhiều con nhiều vợ. Mày nên nghĩ đến thân mày con ạ! Má đâu có sống đời với con rồi con cũng sẽ già như má. Ai sẽ thắp nhang cho mày? Tao nói cái chuyện thằng Diễn ở bển bị đá lên đá xuống nên muốn về đây cưới vợ. Ối! con gái ở bển con cũng biết rồi đó. Có nghĩa là hiện giờ nó không có gia đình”. Tôi không để ý lắm tới lời của má tôi vì bà vẫn thường như vậy. Có dịp là lại ca cẩm tới chuyện lập gia đình của tôi. Mà tại sao tôi nhất thiết phải có gia đình chứ? 
Cho tới một ngày Diễn bước vào nhà khi tôi vừa đi dạy về, chưa kịp thay chiếc áo dài. Không phải là Diễn gầy còm yếu ớt thường ra hàng bông bụp bẻ bông nữa. Chúng tôi hỏi thăm nhau theo cách thông thường của hai người bạn cũ gặp nhau. Nhắc chuyện cũ tôi và Diễn cười vui như tết. Tấm ảnh đen trắng hôm đi cắm trại tuy đã ố vàng tôi vẫn còn giữ. Tiếc cái trang lưu bút phải chi ngày đó tôi đừng xé. Còn cái ơn qua cầu tôi đã thề không nhớ lại chính tôi nhắc cho Diễn nghe. “Tôi nghe má tôi nói...” Diễn tự nhiên nói với tôi. “Chị chưa có chồng, chị là một cô giáo già rắc rối. Má tôi nói chứ không phải tôi nói nghe. Còn tôi thì thấy là bây giờ chị đẹp lắm. Chứ hồi đó... xin lỗi nghe!” A! rõ ràng Diễn đã hấp thụ nền văn minh Tây phương triệt để lắm. Cho dù tôi là một cô giáo lỡ thời, cho dù tôi là một nhà văn kiêm nhà thơ cũ kỹ như chiếc tivi nhà tôi thì tôi cũng là một phụ nữ, thế cho nên... “Mãi cho đến bây giờ chị cũng vẫn chưa gặp được ai à?” Nghe Diễn tò mò hỏi tôi liền hồ hởi tâm tình. “Anh biết rồi đó, hồi ấy tôi mê Ng.T.Nh lắm. Tôi cứ mơ ước sẽ có một ngày mình gặp được gặp ông ta. Nhưng sau này tôi đọc báo thấy đăng tin ông ta tự tử trong chiếc xe của ổng ở bển. Tôi buồn quá, bệnh luôn. Mơ ước của tôi muôn đời không thực hiện được. Tôi thất tình như điên, cũng muốn tìm một chỗ nào nương thân cho rồi nhưng không muốn “trao duyên cùng tướng giặc” nên cứ lần lựa mãi. Có đêm tôi mơ thấy mình biến thành “Cô bắc kỳ nho nhỏ” không thích xem cải lương và “xem như Hà Nội xứ hoang đường”. Tôi mơ thấy “Chúa cười run thánh giá” còn “đám đông” thì nhìn tôi cười ngạo nghễ. Anh tính xem, hơn hai mươi năm thì có bao nhiêu đêm. Có lẽ đường tình yêu của tôi lận đận lắm. Nè! “Có biết xem tử vi không xem dùm tôi một quẻ”. “Tôi nghĩ đó không phải là tình yêu. Chị si mê thần tượng của mình chứ không phải là tình yêu. Đúng ra chị chưa yêu ai vì chưa gặp người vừa ý. Còn thần tượng, chị yêu vì chị ở xa đó thôi, đến gần chán lắm, họ cũng tầm thường như bao người”. Diễn phân tích cái gọi là yêu với không phải yêu, rồi xởi lởi nói tiếp. Tôi cũng đã từng như chị, muốn chạy đến với thần tượng của mình. Giờ thì tôi quên hết rồi “Áo lụa Hà Đông”, nhưng không phải như vậy là tôi không còn thích nghe lại những bài thơ ấy. Tôi hồi hương, lập nghiệp, muốn có một gia đình ấm cúng bình dị. Tôi không thích một bộ cánh lòe loẹt mà rỗng tuếch. Nhưng năm tháng xa quê tôi da diết nhớ “Hà Nội ba sáu phố phường. Lòng chàng có để một tơ vương”. Rồi khao khát “Tháng sáu trời mưa trời mưa không ngớt. Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa”. Mấy bài chị đã ngâm trong lớp. Đang trò chuyện râm ran tôi bỗng dưng đâm ra bối rối. Tôi chưa thấy mình như vậy bao giờ. “Mấy bài đó lạc hậu rồi, bây giờ nếu có ngâm thơ tôi sẽ ngâm những bài thơ khác. Nhiều bài mới hay lắm... 
“Ờ được! Chị muốn ngâm bài nào cũng được... Tôi không biết xem tử vi,  nhưng tôi biết năm nay có đám cưới thì tốt lắm. Có lẽ đã đến lúc Thường không độc thân nữa”. Rồi Diễn thấp giọng hơn. “Bỏ Ng.T.Nh qua một bên và dẹp quách mấy bài thơ lãng mạn. Chuẩn bị may áo dài mới vì áo Thường mặc đã cũ rồi. Có lẽ ngày đó em nghĩ đến tôi nên mới chờ đợi tôi đến bây giờ”. Biết Diễn đã hiểu lầm nhưng tôi không thèm đính chánh. Trời! Ngày đó hả!... tôi ghét anh khỏi phải nói. 
Tối đó, tôi nói với má: “Diễn về đây cưới vợ đúng như má nói và sẽ cưới một cô giáo già “té giếng” má ạ!. 
22/6/2006 
Trần Lệ Thường
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ám ảnh nỗi đau chiến tranh trong tác phẩm của nhà văn Kiều Vượng Một buổi chiều xuân muộn, chúng tôi gặp nhà văn Kiều Vượng trên chiếc x...