Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

Trở lại nhà xưa

Trở lại nhà xưa

Con thuyền du lịch đang ngược dòng sông Hậu từ từ quay mũi vào vàm rạch Ô Môn, phường Thới An của thành phố Cần Thơ. Từ xưa, nơi đây vẫn có tên gọi là chợ vàm để phân biệt với chợ huyện ở phía trong chừng bốn cây số. Lòng tôi nôn nao khó tả bởi xúc động dạt dào tràn lên khóe mắt: hơn sáu mươi năm trước, nhà cha mẹ tôi ở đây, tôi đã trải qua mấy năm tuổi thơ đầy kỷ niệm. Sông Hậu mênh mông, biết bao là nước đã chảy qua vàm mà giờ tôi mới trở lại "nhà" xưa… 
Từ sông Hậu nhìn lên, tôi thấy nhà cửa đông đúc, nhiều nhà cao tầng sơn nước màu xanh dịu lô nhô, xôn xao dưới nắng. Mấy mươi năm trước, tôi đã từng đi ghe xuồng ra vào vàm sông này mà ấn tượng đậm nhất là sự mênh mông bát ngát. Vâng, rạch Ô môn quê tôi là con rạch lớn đổ ra sông cái, con sông vào loại rộng nhất nước ta và cũng nổi tiếng là sông lớn và dài trên bản đồ thế giới: Mê Kông. Sông ở đây rộng đến vài cây số, đoạn chảy qua tỉnh Cần Thơ xưa còn có tên là sông Bassac và đổ ra biển qua các cửa Định An, Bát Xắc và Trần Đề. Ngày tôi còn bé, vàm rạch chi chít bần mọc dài theo mé sông, cao và dày đặc như một bức trường thành xanh rì; ban đêm, từng đàn đom đóm mở hội hoa đăng nhảy múa trong rừng bần khiến cho con tim trẻ thơ của tôi mê man run rẩy. Cái Vàm Bần trong truyện ngắn Lửa đêm của tôi chính là vàm sông này sáu mươi năm trước… Có một câu ca rất hay tả rừng bần sông Hậu: Trông xa chỉ thấy cao xanh/ Đến gần thủy liễu một thành giăng ngang (thủy liễu là "tên chữ" của cây bần). Chẳng vậy mà mấy trăm năm trước, khi mở cõi, cha ông ta đã chọn vàm sông này để đặt "hành dinh". Theo ông bà kể lại thì "hành dinh" ở vàm sông này có trước khi có huyện lỵ và cả tỉnh lỵ. Chứng tích là ngôi đình làng tôi xây cất xong từ 1832 và là di tích văn hóa được Nhà nước xếp hạng. Rừng bần bây giờ chỉ còn lơ thơ những cây mươi tuổi, suốt đoạn sông từ Cần Thơ lên Ô Môn, các khu công nghiệp như Trà Nóc, cảng Cần Thơ… đã thay thế, với nhịp sống công nghiệp đang dồn dập của một thành phố trẻ vừa mới "lên đời". Họa chăng ở đoạn sông Hậu chảy ngang tỉnh Trà Vinh, tôi mới nhìn thấy những cây bần cổ thụ, to cả vòng tay ôm…
Nhờ có đình cổ với dáng vẻ uy nghiêm của ông bà để lại, và cũng nhờ dân làng tôi có tầm nhìn văn hóa, nên vàm sông vẫn còn mênh mông trống trải như xưa, đất không bị nhà cửa lấn chiếm, thật là "đại hồng phúc". Tôi run run đặt chân lên bờ. Vẫn làn cát mịn thấm đẫm phù sa Cửu Long Giang ôm ấp bàn chân. Vẫn còn đây hai cây còng cổ thụ xòe bóng mát che chở dân làng, chỉ có điều là chúng cao hơn, to hơn, tán rộng hơn, xum xuê đầy sức sống. Có lẽ hai cây còng này còn có mặt ở vàm sông trước khi có đình. Ngày trước, lũ trẻ chúng tôi thường ra đây bắn đạn (bắn bi), thảy lỗ (đánh đáo) trong làn gió mát rượi những trưa hè. Tôi đưa tay vuốt ve làn da sần sùi nhưng rắn chắc và luôn mát hơi nước của hai cây còng như vuốt ve kỷ niệm tuổi thơ, lòng xúc động dạt dào, không ngăn nổi những giọt lệ tràn ra khóe mắt. 
Đình làng với con mắt tôi hôm nay dường như nhỏ hơn một chút, bớt thâm nghiêm u tịch hơn một chút, nhưng vẫn y nguyên những nét cổ kính, gần gũi với cuộc sống dân làng đang quây quần bên bến đò dưới nước và đội xe ôm trên bờ, nhắc nhở cháu con công lao của cha ông thời mở cõi… Chỉ có cái võ ca là xây mới, nơi đây, ngày còn bé, mỗi dịp cúng kỳ yên, tôi đều được xem hát bội, nhớ nhất là tuồng Phụng Nghi đình, với vai Đổng Trác bảo Lý Nhu và Lữ Bố "Nhu, mày coi chừng tao; Bố, tao coi chừng mày" làm tôi cười ré lên đến mức từ trên ghế rơi xuống đất. Lại có chuyện vui nói lên tính chất đặc biệt của đình làng tôi ngay cạnh vàm sông lớn: Một kép hát đang diễn tuồng bỗng đứng trơ ra nhìn đăm đắm vàm sông, hóa ra ông ta đang mải mê xem… cá nược (cá heo) xịt nước mà quên hát! Trên mặt trước đình đắp mấy chữ nho, đọc từ phải sang là Đình Thới An (theo ngữ pháp Hán Việt phải là Thới An đình), còn đọc từ trái sang lại là An Thới Đình. Không rõ dân làng tôi đã để ý chuyện này chưa, mấy chữ này được đắp về sau hay từ xưa, các cụ làng tôi đã viết chữ nho theo ngữ pháp tiếng Việt? Nếu vậy thì đây là một điều thú vị. Tuy nhiên, con số 1832 đã kéo về nó sự chú ý của khách tham quan. Tôi từng nghe nói đình làng thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, vị tướng có công lớn thời mở cõi phương Nam… Trường tiểu học nằm cạnh đình. Nhìn từ đình, nó vẫn nhỏ bé, với những mái tôn khiêm nhường, nhưng khi tôi vào cổng mới thấy nó được xây cất mới mẻ hơn, xưa năm ba lớp học, giờ đã là mươi lăm lớp rồi. Mùa nghỉ hè, sân trường vắng vẻ, các lớp đóng cửa, nhưng chiếc trống vẫn treo ở đó, trông mới hơn, to hơn và như sẵn sàng lên tiếng nhắc lại cho tôi những kỷ niệm đang vọng về từ sáu mươi năm trước… Hàng cây điệp vẫn như xưa, to hơn, da dẻ xù xì hơn, như những người bạn thân lâu ngày gặp lại, chỉ biết ôm lấy nhau mà chẳng nói nên lời…  
Có người hỏi: Giải phóng đã ba mươi năm, sao bây giờ anh mới trở lại làng quê? Cũng có lý do của nó. Quê gốc của tôi ở xã Thới Long, phía trên Thới An hơn chục cây số, thường gọi là làng Bằng Tăng vì có rạch Bằng Tăng chảy ngang. Ở đó có nhà của ông nội tôi, nay còn cháu chắt của bác Hai (bác cả) tôi. Các bác tôi đều có nhà đất ở đó. Tết 1976 ngay sau giải phóng, bác Tư tôi (ba anh Trần Bửu Kiếm) từ Sài Gòn đã dắt cả họ về quê, trong đó có tôi và vợ con tôi. Ba mươi năm rồi, tôi thỉnh thoảng cũng về Bằng Tăng quê nội. Ba tôi là con út, học cấp hai Pháp, ra trường làm thư ký ở quận đường, nhưng chán việc bỏ lên Sài Gòn làm thư ký hãng tàu buôn hơn hai mươi năm, dành dụm ít tiền về Thới An mua nhà và vài héc ta vườn (chắc cũng có liên quan đến chuyện học trường huyện của tôi). Gia đình tôi cũng chỉ ở Thới An có mấy năm, từ 1941 đến 1946, sau đó gặp biến cố nhà cửa tiêu tan nên đi biệt xứ. Vì vậy, người Thới An không biết tôi, may ra chỉ có những người ở đây lâu, tuổi trên bảy mươi. Về làng trong hoàn cảnh như vậy thì buồn lắm, tủi thân lắm. Vì vậy tuy rất muốn về Thới An, nhưng tôi phải chờ có dịp. Bây giờ dịp ấy mới tới: Trong thâm tâm, tôi rất biết ơn và đánh giá cao tầm nhìn văn hóa của Thành phố Cần Thơ khi lại nhận lời đón đoàn viết văn chúng tôi về đi thực tế sáng tác, và lần này thì kế hoạch đề ra có về phường Thới An để xem một xã đang chuyển thành phường khi Cần Thơ vừa được "lên" thành phố. Chuyến đi có bạn có bè, có chính quyền cấp trên cấp dưới đón tiếp, có nhà báo nhà đài quay phim, có cả băng rôn "chào mừng", khỏi phải tủi thân.  
Cái sân banh phía sau đình vẫn nằm y chỗ cũ, giữ y nguyên trạng với hai gôn gỗ, và bãi đất có chỗ đọng sình sau mưa. Còn nhà việc, nơi các ông hương chức hội tề nhóm họp đã biến mất, trụ sở Ủy ban Nhân dân phường mới xây bề thế khang trang, với lầu cao, sân rộng cách đó không xa. Một con lộ đá đã mở, chạy trước cửa Ủy ban xã lên tới Thới Long, ngày xưa tôi về nhà nội ở Thới Long phải đi đường thủy, qua rạch Đông Bà Hơi, giờ đã có cầu đúc bắc qua rạch này. Chủ tịch phường Thới An tên Nguyễn Văn Nhỏ trẻ tuổi, đẹp trai, làm tôi rất tự hào trước con mắt bè bạn, nhất là khi tôi đọc qua bản báo cáo 2004 và hướng 2005 của phường do anh ký tên. Trong khi chờ cuộc đón tiếp chính thức, tôi lân la trò chuyện với dân và xem cung cách làm việc của cán bộ phường. Công việc hành chính được giải quyết khá nhanh chóng, dân ung dung trò chuyện, khiến tôi nghĩ xã tôi mà lên phường thì điều quyết định cũng từ những con người này… Anh Hồ Quốc Quang, Bí thư Quận ủy Ô Môn cũng thu xếp thì giờ, chạy mấy cây số ra chợ vàm tiếp chúng tôi. Trong báo cáo của anh, có phác họa chương trình xây dựng một số trường học ở quận, trong đó có trường sẽ được đặt tên là trường Trần Bửu Kiếm… Ô Môn quê tôi có nhiều danh nhân, được biết nhiều nhất là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhà ở chợ trong, cách nhà tôi chừng bốn cây số. Anh Phước và anh Kiếm tôi là bạn học, từ cô-le Cần Thơ lên Pétrus Ký, rồi ra đại học Hà Nội, cùng hoạt động cách mạng với nhau trong phong trào sinh viên "xếp bút nghiên". Ba anh Phước và ba anh Kiếm (và sau này cả ba tôi trong kháng chiến) đều là thầy giáo. Chị anh Phước, chị Ba Lưu Hữu Hạnh (anh Phước thứ tư) là cô giáo lớp Moyen 2 của tôi ở trường huyện. Tôi học chung lớp với Lộc, em anh Phước và thường sang nhà anh Phước chơi, chúng tôi là những người đầu tiên hát những bài ca mới của anh Phước, diễn nhạc kịch Con thỏ ngọc của anh Phước…; đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những bài hát đó mà lúc ấy tôi rất hãnh diện vì được đóng vai Em bé tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ, còn ca sĩ Xuân Mai thì đóng Nàng tiên, bây giờ gặp tôi, chị Xuân Mai cứ nhắc hoài…     
Trong lúc cuộc đón tiếp chuyển sang phần liên hoan ca nhạc để chờ bữa chiêu đãi đoàn của Ủy ban phường, tôi xin phép về thăm nhà cũ. Leo lên một chiếc xe ôm đậu trước đình, chúng tôi chạy ngược con rạch Ô Môn. Nhà cửa san sát, chợ làng cũ đã có dáng dấp phố thị, đường lót đan xi măng khá rộng, cầu cũng đúc xi măng. Đường này ngày xưa đến mùa nước nổi ngập lênh láng, trẻ con đi học phải dò từng bước, những chỗ cầu khỉ mấy đứa con gái thường trượt chân té ùm, ướt cả áo quần, sách vở. Đến điểm có nhà máy xay lúa, nơi xưa kia là chỗ câu cá he vàng của lũ trẻ chúng tôi, tôi hơi ngờ ngợ, tưởng đây là nhà máy xay của anh Tư Phương, con ông Cả Giáo, nhưng không phải, nhà máy xay đó từ lâu đã biến mất rồi. Hỏi thăm năm lần bảy lượt cũng không ai nhớ vị trí nhà tôi, mặc dù tôi tả khá tỉ mỉ: nhà lầu, có hai cầu thang vòng cung đi lên ở bên ngoài theo kiến trúc Pháp, sân gạch rộng có thể đá banh, tường rào chạy dài… (trong tiểu thuyết Thời áo trắng, tôi có tả chi tiết nhà này, còn cuốn Một vùng sông nước, in ở Kim Đồng thì tư liệu về sinh hoạt tuổi thơ hoàn toàn lấy ở con rạch này). Có một ông già ngoài bảy mươi tuổi khẳng định ông có biết nhà đó, nhưng nó đã bị dở xuống cách bốn năm chục năm rồi. Tôi ngậm ngùi: ông nói đúng. Sau "biến cố" 1946, cả nhà tôi ly tán. Kháng chiến chống Pháp kết thúc, ba tôi về làng dở nhà xuống, rồi bán đi, tiếp tục về vùng giải phóng cũ làm thầy giáo. Hiện nay, nhiều cán bộ từng có trọng trách ở thành phố Hồ Chí Minh là học trò ông, vẫn nhắc tới ông… Ba mươi năm tôi chưa về làng cũng vì lẽ đó… Bây giờ trở lại, tôi được đón tiếp nhiệt tình với tư cách là nhà văn, được giới thiệu là "giám đốc trại sáng tác" nữa, chứ không ai biết tôi là con của những người đã từng mất nhà cửa ruộng vườn ở tại đây, chịu đánh đập, tù đày vì tham gia cách mạng và hiện không còn trên cõi đời này… Nhưng mất nhà cửa, ruộng vườn thì đã là gì so với hàng triệu người đã dâng tính mạng mình cho đất nước? Sau giải phóng, tôi về vẫn còn hạnh phúc là gặp lại má tôi, bà sống thêm mươi năm nữa nhưng tuyệt nhiên không khi nào nhắc tới nhà cửa ruộng vườn ở Thới An. Song tôi vẫn nhớ như  in "biến cố" đó của gia đình mình…
Vào khoảng đầu năm 1946, anh Trần Bửu Kiếm đưa báo Kèn gọi lính (tên sau ngày Nam bộ kháng chiến của báo Tiền phong do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch bảo trợ từ trước cách mạng, lúc này do anh Kiếm phụ trách) về nhà tôi ở tại đây, lúc đó là vùng đã bị Pháp tạm chiếm trở lại. Lúc học ở Trường Pétrus Ký, anh Kiếm ở nhà ba má tôi thuê, ở Cầu Kho, Sài Gòn, nên anh coi nhà tôi như nhà anh. Tôi nhớ hôm đó trời chạng vạng tối, tôi đang ngồi chơi trên bờ rạch trước cổng nhà thì thấy một chiếc ghe nhỏ mui tùm hum đang xuôi dòng nước ra vàm bỗng quay mũi vào bến. Ghe vừa cập cầu, có người mặc áo cài cúc vải kiểu người Hoa nhảy lên nhanh nhẹn đi vào nhà. Tôi nhìn kỹ rồi la lên: "Anh Ba!" Anh đưa một ngón tay lên môi lắc qua lắc lại. Tôi im ngay, níu tay anh chạy vào nhà. Sau đó, theo lời anh dặn, má tôi ra bờ sông đứng đón mấy chiếc ghe tam bảm chở nặng, rao bán dừa khô. Cũng hơi lạ, vì xưa nay nhà tôi chỉ có bán chứ có bao giờ mua dừa. Tuy nhiên, trời tối nên cũng không ai để ý. Sau khi lên hết một ít dừa thì "người bán" lại bê lên những chiếc hộp gỗ rất nặng. Về sau tôi mới biết đó là những hộp chữ chì để in báo theo kỹ thuật thời ấy. Các hộp chữ này ở trong nhà tôi không lâu. Chỉ ít hôm sau, chúng đã biến mất. Cũng về sau, tôi mới biết ba tôi và anh Kiếm đã tổ chức một xưởng in đâu đó trong vùng gần nhà, tôi là trẻ con nên không cần biết và cũng không được phép biết…  
Qua lại và ở trong nhà tôi chỉ có dăm ba người, chắc là "cán bộ". Họ chỉ nói chuyện và vui đùa với chị em tôi như những người thân, chẳng hé môi "tuyên truyền, vận động" gì cả. Có một chị người Bắc, có vẻ "trí thức" thường dạy tôi hát những bài như bài Đoàn quân ma (của Lưu Hữu Phước, sau đổi là Đoàn quân du kích). Chị nói giọng Bắc, tôi nghe không quen cứ phải hỏi đi hỏi lại, như câu: Vì nước suốt canh thâu trong đêm tàn chân lần đi, tôi cứ hát là dân lành đi, chị cười, sửa lại, mãi tôi mới hiểu ra… Sau này, mỗi lần nghe hát bài ấy, tôi lại nhớ đến chị, nhớ đến những buổi tối êm ấm nằm quây quần trên phản, dưới ánh đèn dầu trong mái nhà xưa…
Hàng ngày ngoài công việc, anh Kiếm thường dạy tôi học, chủ yếu là đại số, hình học theo chương trình cấp 2… mà vì chiến tranh tôi phải ở nhà, không xuống tỉnh học được… Lúc rảnh rỗi, anh đứng trên lầu, nhìn xuống dòng sông và hay ngâm thơ: … Thời lai đồ điếu thành công dị / Sự khứ anh hùng ẩm hận đa… Tôi thuộc bài thơ này từ đó (và sau mới biết là thơ của Đặng Dung). Thỉnh thoảng, anh cũng giao "công tác" cho tôi đi liên lạc với các cơ sở, chủ yếu là đi thị xã để lấy tiền dùng in báo. Có lần tôi đi đến nhà một cơ sở ở Cái Răng, cơ sở đã vỡ mà anh Kiếm không biết, người nhà đã bị bắt vừa được tha ra. May tôi là trẻ con nên bọn theo dõi không để ý và chị "cán bộ" cũng lanh trí hỏi chuyện tôi như em bà con tới chơi. Nhà chị ở nông thôn nhưng giàu có, rất sang, tối đó, tôi được chị cho ngủ giường đệm, lúc đó nhà phải giàu lắm mới có. Chị học cao, tôi nhìn thấy có bằng đíp-lôm tên chị treo trên vách. Chị gây cho tôi một ấn tượng là chị rất đẹp, rất thông minh…
Nhà tôi ở giữa làng quê nhưng có lầu, lúc đó cũng hiếm ở làng. Nhà rộng, lầu trên chừa hàng hiên xung quanh, anh Kiếm lấy một chiếc chiếu, cái mùng, ở ngoài hiên đó. Anh lại lấy một cái thang tre dựng bên hông lầu, chắc là để tiện thoát hiểm khi có biến. Thỉnh thoảng, anh lại chọc tức tôi rồi bỏ chạy. Tôi đuổi theo, quanh quất trong khu vườn nhà, có khi anh chạy mất hút, tôi không cách nào tìm ra. Sau nhớ lại, tôi đồ chừng là anh dùng tôi để "thực tập" chạy Tây, vì tôi thuộc vườn mình mà không tìm ra anh thì "bố Tây" cũng không tìm anh được.
Báo hoạt động được một thời gian, in, phát hành… nhưng trong nhà tôi, tuyệt nhiên không có tờ nào. Một buổi sáng, tôi đang phụ má tôi sấy chuối phía nhà sau thì anh Kiếm từ nhà trước đi nhanh vào nói: "Thím sáu, trước nhà có chuyện" Má tôi vội tốc ra. Một thằng Tây và mấy tên lính kín người Việt ập vào, có một anh "cán bộ" vẫn lui tới nhà tôi tay bị còng, chắc anh bị bắt chịu đòn không thấu nên khai ra, dẫn Tây đến bắt anh Kiếm… Thằng Tây túm chặt má tôi đánh liền mấy bạt tai nảy lửa: "Thằng Kiếm đâu?". Thấy có cái chổi lông gà quét phản thuận tay, thằng Tây cầm lấy quất vào khắp người má tôi, vẫn một câu hỏi: "Thằng Kiếm đâu?" Má tôi trước sau chỉ nói "không biết nó ở đâu". Thằng Tây quay sang chụp lấy tôi, hai tay nó tạt ập vào hai tai tôi tưởng muốn thủng màng nhĩ. Vẫn một câu hỏi. Tôi khóc ré lên. Nó lại quay sang đánh má tôi. Tôi muốn nó đừng đánh má tôi nữa nên nói: "Ảnh ở sau vườn." Thằng Tây ngưng đánh má tôi, lôi tôi đi. Tôi dắt nó loanh quanh trong vườn cây, bụng nghĩ: nãy giờ chắc anh Kiếm đã chạy mất rồi. Tìm không ra anh Kiếm, nó lại đánh tôi một trận nữa. Chẳng ai dạy mà sao lúc đó (khoảng 12 - 13 tuổi), tôi cứ lấy bài la khóc ra đối phó. Trong nhà, bọn lính kín đã bắt được anh Ấu, anh người miền Bắc làm giao liên. Chúng treo anh lên xà nhà, đánh anh hộc máu miệng nhưng anh nói "tôi chả biết gì…" Anh tôi cũng bị chúng bắt, đánh rất dã man, sau đó, chúng bắt anh khuân của hôi được ở nhà tôi xuống ghe, thừa lúc ấy, anh chạy thoát. Ba tôi lúc đó đang ở chợ, nghe tin vội bươn về, nhưng bà con kịp ngăn lại, rồi ông cũng đi luôn vào chiến khu. Sau đó, chúng bắt má tôi và chị tôi về nhốt ở khám Cần Thơ. Chúng chỉ cậy thế bắt người chứ tang vật thì không hề có thứ gì… Còn anh Ấu, nghe nói chúng đã đánh chết anh trong khám… Gia đình tôi bỏ nhà cửa ruộng vườn ở quê kể từ đó. Tôi và em gái được bà ngoại đón về Gò Công nuôi ăn học. Mãi nhiều tháng sau khi có hiệp ước 6-3, má và chị tôi mới được thả ra, đón anh em tôi về sống tại thị xã Cần Thơ. Tôi hoạt động nội thành cho đến sau phong trào Trần Văn Ơn thì thoát ly vào vùng giải phóng…
Hỏi thăm dân làng mãi không ra, tôi chỉ còn biết dựa vào trí nhớ. Tôi nhờ anh xe ôm quay trở lại Rạch Dầu, ranh giới đất vườn tôi, rồi trở ra vàm chừng vài trăm mét. Thấy một khoảnh đất rộng không nhà cửa bên đường, tôi hồi hộp bảo xe dừng lại, đứng ngắm nghía… Một ông già khoảng bảy mươi tuổi tên Sáu Cao hỏi tôi muốn tìm nhà ai. Tôi nói: Nhà ông già tôi. - Ổng tên gì? - Tên ông Sáu Tốt. - Ông Sáu Cao vọt miệng: - Thầy ký Tốt phải không? Trời đất ơi, còn có người nhớ thầy ký Tốt, tên thường gọi của cha tôi thời ông còn làm thầy ký huyện đường. Tôi la lên trong nước mắt, qua câu hỏi ngớ ngẩn: Đúng tên ông già tôi rồi! Sao anh biết hay vậy? - Thì người ta quen kêu vậy. Đó, nhà đó…
Tôi đứng ngắm khoảng đất trống theo tay ông Sáu Cao chỉ, nhưng có nhà đâu, hình như đây là cái sân, ngày trước lót gạch tàu mà chiều nào tôi cũng rủ bọn trẻ con trong xóm chơi đá banh quấn bằng lá chuối… Tôi đưa mắt vào trong sâu hơn: không còn vết tích gì của ngôi nhà êm ấm năm xưa… Tôi cũng không dám đi sâu vào nơi là vườn cũ: thời giờ tôi còn ít, và tôi cũng không muốn quấy quả bà con… Cuối cùng tôi quay nhìn ra rạch: cái bến sông ngày xưa có hai cây trứng cá, mỗi khi nước rút ròng, tôi trần truồng đặt mông trên bãi bùn mà trượt xuống, và trầm nghịch cho đến khi rét run, chân tay móp mó, mép mọc đầy râu vàng mịn do lớp phù sa của dòng Mê Kông hào phóng bám vào lông tơ, thành một kỷ niệm đặc quánh, gần trọn đời người lại sống dậy trong tim…
Tháng 7-2005
Trần Thanh Giao
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc, là một nhà thơ nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam, là một nhà ngoại giao, ...