Một cõi nhân gian
Tốt nghiệp đại học sư phạm, Tâm và Quý được phân bổ về dạy
trường bổ túc cán bộ tỉnh. Là bạn thân nhưng tính cách hai cô khác hẳn
nhau.Tâm chững chạc nhu mì, có người yêu là anh nhà báo đẹp trai nhưng
hơi mát tính. Quý xinh đẹp, sống buông thả, nói năng bỗ bã.
Chiều thứ bảy người yêu Tâm đến chơi. Cặp tình nhân bắc ghế
ngồi ngoài hiên chuyện trò. Quý dắt xe ra cửa, cười hơ hớ bảo, nhà quê một cục!
Tội gì không lôi nhau ra biển vần vò cho sướng! Khiếp! Cô giáo mà thô tục, sàm
sỡ. Tâm xấu hổ đỏ mặt. Anh nhà báo cười, khen, Quý hiện đại thật (!).
Tối ấy Quý đi chơi đến nửa đêm. Về đập cửa thình thình quát, ấp
nhau hả? Hết giờ rồi, mở cửa mau!
Tâm đã ngủ say, lồm cồm bò dậy bảo, mày chỉ nói bậy! Để người
ta nghỉ chứ! Quý cười giễu cợt bảo, lão nhà báo của mày hâm tỉ độ. Mỡ treo miệng
mèo mà chịu nhịn à (?) Đàn ông như hắn, tao vơ một cái được cả đống! Rồi
Quý kêu trời nóng, cởi hết quần áo, chui vào màn.
Tâm vừa thiu thiu ngủ bỗng nghe Quý khóc lóc la hét: “Đau bụng
quá! Tao chết mất Tâm ơi! Mau cứu với...!” Tâm cuống
quýt trở dậy, vội vàng lấy cao xoa. Quý quằn quại rên rỉ bảo, gọi
y sĩ nhanh lên!
Y sĩ Phú quê vùng đảo, bộ đội chuyển ngành, hiền lành ít nói.
Đến cửa phòng, thoáng thấy thân thể ngồn ngộn của Quý phơi dưới ánh điện, Phú
luống cuống… Tâm hoảng, mặc vội quần áo cho Quý. Phú xem nhiệt độ bảo, ba bảy độ,
không hề gì. Rồi cho uống viên thuốc giảm đau. Quý nằm yên một lúc,
đột ngột ngồi bật dậy, mắt long lên man dại, quát:
- Con Tâm, con Quý đâu?
Tâm sợ bủn rủn chân tay, hoảng hốt gặng hỏi, mày
làm sao thế hả Quý?
Chỉ một lúc sau căn phòng đã đông nghịt. Chị Ngọ, nhân viên
hành chính, ghé tai Tâm trợn mắt thì thầm bảo, nó bị ma nhập đấy!
Bằng giọng nói rờn rợn, Quý sụt sùi kể lể, chị tên Lan. Bị thằng
chồng mê gái nó đánh đập đầy đọa… uất quá chị thắt cổ tự tử (?)…
Y sĩ Phú ngồi ngay như pho tượng. Cô giáo Tâm, cô giáo Thanh,
cô giáo Hoa mặt mũi xanh xám. Chị Ngọ cuống cuồng giục kê bàn thờ, thắp hương
khấn vái lầm rầm. Quý đòi uống nước, đòi ăn hoa hồng bạch. Chị Ngọ sai chồng là
thầy giáo Hoạt đi kiếm chín bông hồng bạch. Thầy Hoạt chấp hành mệnh lệnh bà
xã, miệng càu nhàu, ma toi gì! Chẳng qua là bệnh đàn bà. Quý ăn ngốn ngấu
hết tám bông hoa, còn một bông đưa cho Phú bảo, em thương bác sĩ! Em
sẽ kiếm cho bác sĩ cô vợ xinh xỉnh xình xinh!
Cô Thảo kế toán, còn trẻ nhưng tỏ ra tinh ranh hơn các liền
chị. Cô chen lấn mọi người để tới gần Quý, chắp tay vái lia lịa, tranh
thủ hỏi:
- Thưa chị! Nhà em năm nay có lộc không ạ?
Quý mở to đôi mắt hoang dại gật đầu bảo, em có quý
nhân phù trợ, năm nay sẽ có bổng lộc đầy nhà…
Hiệu trưởng Quát bỗng xuất hiện ở cửa, lớn tiếng bảo, mê tín
dị đoan! Dẹp, dẹp ngay!
Quý nói tỉnh bơ:
- Chị bảo cho mà biết nhá, lão Quát ngu! Lộc đến nhà không hưởng,
đứa khác lấy mất (!) Còn bày đặt làm bộ liêm khiết (?) Chỉ vài tháng nữa là mất
ghế! Bấy giờ mới trắng mắt ra (!)…
Ông Quát tức lắm, nhưng chẳng lẽ cãi lộn với ma?
Đành nuốt giận lẳng lặng bỏ đi. Lúc sau ông chỉ thị riêng cho y sĩ Phú, cấm tụ
tập! Ai về nhà nấy. Tâm khẩn khoản bảo, em sợ… lắm! Anh ở đây theo dõi bệnh
tình của nó, để em sang nhà bên cạnh nghỉ một lúc. Phú cảm thấy bất tiện, muốn
từ chối. Quý lừ mắt ra mệnh lệnh:
- Bác sĩ không được về!
Là thày thuốc phải chiều ý bệnh nhân, Phú buộc phải ở lại để
mọi người về theo chỉ đạo của ông Quát. Quý nắm tay Phú khóc tức tưởi, em khổ lắm!
Buồn lắm! Phú dỗ dành, nằm xuống, ngủ đi. Người ta thương đấy! Quý nũng nịu, thế bác
sĩ thương không? Phú bảo, thương lắm! Quý lại kêu nóng đòi cởi quần áo.
Phú lúng túng. Quý giãy giụa, bứt tung quần áo rồi ôm lấy Phú mà hôn… Nằm xuống
đây với em! Nằm xuống đây…
Vừa lúc mất điện, trời tối om. Nếu những người ở phòng bên
chưa ngủ chắc phải nghe thấy tiếng rên ư ử của Quý lẫn tiếng cọt kẹt nhịp nhàng
của chiếc giường gỗ cũ.
Gần tháng sau đám cưới cô giáo Quý cùng y sĩ Phú được tổ chức
tại trường. Hiệu trưởng Quát tự nguyện đứng ra làm chủ hôn. Tính
cách ông vốn thế. Ông bảo, người cách mạng phải luôn giữ vững lập trường, mà cốt
lõi của lập trường là lợi ích giai cấp công nông. Ông không ưa Quý, nhưng bố cô
là liệt sĩ, thành phần cơ bản. Trách nhiệm của ông phải gây dựng hạnh phúc cho
đảng viên Phú với cô giáo Quý. Ông quyết định đưa vấn đề ra bàn ở buổi họp chi
bộ, coi đó là nhiệm vụ tập thể, chi bộ phải thống nhất lãnh đạo.
Đoàn thanh niên cùng công đoàn cơ quan được giao nhiệm vụ
trang trí hội hôn. Ông Quát trực tiếp chỉ đạo. Hội trường được trang hoàng lộng
lẫy. Giữa tấm phông màu xanh da trời nổi bật đôi chim bồ câu quấn quýt bên nhau
vỗ cánh. Phía trên là khẩu hiệu màu đỏ: ”VUI DUYÊN MỚI KHÔNG QUYÊN NHIỆM VỤ”.
Đám cưới diễn ra theo đúng nghi thức đời sống mới. Khách mời gồm toàn thể cán bộ
nhân viên của trường. Họ nhà trai có bố mẹ anh chị Phú từ vùng hải đảo về. Họ
nhà gái chỉ có mẹ Quý. Bà ngồi yên suốt buổi, khuôn mặt rầu rĩ, khắc khổ. Bà
như cái bóng ở cõi đời. Chồng đi bộ đội hy sinh năm sáu tám, lúc bà mới tuổi
băm. Bố mẹ chồng nặng đầu óc phong kiến, tìm mọi cách ngăn bà đi bước nữa. Quý
là con gái lớn, nhưng bố chồng bà bảo cho lên Hà Nội vừa học vừa giữ con cho
người chú làm ngành lương thực. Bà sống khắc khoải trong cái gia đình nông dân
đông người, vất vả quanh năm. Niềm an ủi của bà là hai đứa con, Quý với thằng
em trai tên Báu. Rồi Báu đi lao động xuất khẩu, trốn sang Tây Đức. Thế là đời
bà gần như mất tất cả. Bà thương con Quý, nhưng nó đã tuột khỏi tay bà từ lâu.
Bà không bao giờ biết nó làm gì, sống ra sao? Bà chỉ biết làm theo yêu cầu của
Quý, của bố mẹ chồng, của cả nhà. Việc tổ chức lễ cưới bà hoàn toàn
không hay biết gì. Trước đó Quý điện về bảo bà lên trường gấp. Đến nơi bà mới
biết chuyện cưới xin của Quý…
Hiệu trưởng Quát với vai trò chủ hôn, kiêm thủ trưởng cơ
quan, phát biểu hùng hồn về mối quan hệ giữ cá nhân và tập thể, nhiệm vụ cách mạng
và hạnh phúc gia đình. Rồi ông căn dặn cô dâu chú dể phải gương mẫu hoàn thành
nhiệm vụ được giao. Tiếp đó là tiết mục liên hoan văn nghệ kết hợp uống nước
trà, ăn bánh kẹo. Cô giáo Hoa, cây văn nghệ của trường, hát bài Con
mương ta đào không có nước chảy qua được hoan hô rầm rầm. Cô Thảo kế toán
hát Bài ca cây lúa, hay không kém… Cuối cùng là tiết mục hiệu trưởng
Quát bắt nhịp hát tập thể hai bài, Không cho chúng nó thoát, và Kết
đoàn, những bài hát mà ông vô cùng ưa thích, đã gắn bó với cuộc đời binh nghiệp
cũng như công tác lãnh đạo của ông.
Trong buổi họp rút kinh nghiệm ông Quát xoa tay hả hê bảo,
đám cưới vui, lành mạnh, tiết kiệm, đúng lập trường giai cấp! Kể cũng sáng danh
hiệu trưởng.
Đám cưới chưa được bao lâu thì xảy ra chuyện lớn. Hôm ấy ông
Quát vừa đến trường thì thấy một thanh niên mặc quần Jeans, áo
phông, tóc rậm, điệu bộ lớ ngớ đứng trước cửa phòng. Ông hạ cặp kính lão, quắc
mắt hỏi, anh cần gì? Cậu thanh niên lúng túng bảo, cháu là… Hoàng
Văn Thức… vợ cháu là… cô giáo… Phạm Thị Kim Q… úy. Ông Quát nhoài người trên mặt
bàn sửng sốt:
- Hứ! Anh bảo sao?
- Dạ, cháu muốn gặp vợ là… Phạm Thị Kim Quý. Để chứng minh lời
nói của mình, anh ta mở cặp, rút ra tờ giấy đăng ký kết hôn.
Ông Quát đập bàn đứng bật dậy thét:
- Cô Ngọ đâu? Gọi ngay cô giáo Quý lên đây gặp tôi!
Quý đã vác bụng. Bước vào phòng, nhìn thấy chàng thanh niên nọ,
tái mặt run lẩy bẩy. Có lẽ lần đầu tiên trong đời cô biết thế nào là nỗi sợ
hãi. Quý cứ đứng ngây như thế, mặt cúi gầm, im lặng nghe ông Quát giận dữ lên
án sự tha hóa lập trường… ăn phải bả tư bản đế quốc thực dân…
Mấy ngày liền ông Quát đi đi lại lại, hầm hầm tức tối. Ông
quyết định triệu tập năm buổi họp liên tiếp kiểm điểm cô giáo Quý và đảng viên
Phú. Thật ra, họp là để lên án tư tưởng đồi trụy của giai cấp tư sản đang ngóc
đầu dậy chứ mức kỷ luật thì ông đã quyết cả rồi. Ông luôn tự hào về thành phần
xuất thân, phẩm chất chính trị, cũng như tính chiến đấu trong tác phong làm việc
của mình.
Hiệu trưởng Quát 58 tuổi, là con một cố nông, gia nhập bộ đội
chống Pháp ở mặt trận đường 18, từng tham gia chiến dịch Điện Biên. Sau hiệp định
đình chiến ông được trưng dụng làm đội trưởng đội cải cách ruộng đất. Rồi chuyển
ngành làm cán bộ tổ chức trường trung cấp sư phạm. Sau khi học bổ túc hết cấp
hai, ông theo lớp chuyên tu lý luận hai năm, nhảy lên chức hiệu phó kiêm bí thư
đảng ủy. Mấy năm sau về phố mỏ làm trưởng ban tổ chức thị ủy. Ông Quát có thể
tiến xa nếu khôn ngoan mềm mỏng hơn. Nhưng tính ông thẳng ruột ngựa, nghĩ gì
sao nói vậy, không kiêng nể ai. Một lần ông kiên quyết đòi kỷ luật sa thải cô
nhân viên đánh máy, vợ liệt sĩ, vì tội quan hệ bồ bịch. Bí thư Hoàng bảo, phải
thông cảm hoàn cảnh cô đơn góa bụa của người ta. Giữa cuộc họp ông Quát lớn tiếng
phê bí thư hữu khuynh, dung túng kẻ hủ hóa, dọa báo cáo lên cấp trên. Hơn tháng
sau, ông Quát được lãnh đạo tỉnh gặp riêng. Đồng chí lãnh đạo bảo, anh có trình
độ học vấn (!), có năng khiếu sư phạm (!), anh phải ngồi vị trí xứng đáng
hơn. Rồi ông Quát nhận quyết định hiệu trưởng trường bổ túc
cán bộ tỉnh. Ông biết đó là cú đá hất lên. Uất mà phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Trường bổ túc được coi tương đương cấp ngành, nhưng là hữu
danh vô thực. Từ ngày xóa bỏ chế độ bao cấp, trường không có học viên, trở
thành nơi tồn đọng cán bộ khó sắp xếp công tác. Với tính cách hăng hái năng nổ,
ông Quát không ngồi chơi xơi nước như những kẻ thất sủng khác. Ông xin kinh phí
tu bổ hội trường, nhà ở, công trình vệ sinh, đưa cán bộ vào nền nếp sinh hoạt.
Chủ tịch tỉnh có dịp qua trường khen, trường ra trường, khá lắm! Anh ở đây
chúng tôi yên tâm. Chủ tịch đi khỏi, ông Quát bảo, để là cục đất, nặn thành ông
bụt! Hồi tớ làm trưởng ban, hắn làm thợ mỏ. Mỗi lần gặp lại xoa tay khúm núm…
Ông Quát thường than rằng, mình là bậc trung thần thất cơ, lỡ vận… Những lúc
tiệc tùng trà dư tửu hậu, cao hứng ông khoe tài điều binh khiển tướng, diệt ác
trừ tà (?) Chê tổng thống này ngu, thủ tướng kia dốt (!) Nếu vào tay ông, cả tỉnh,
cả nước, thậm chí cả thế giới tiến lên thiên đường.
Buổi họp kiểm điểm đảng viên Phú căng thẳng kéo dài suốt hai
ngày. Ông Quát lên lớp về tinh thần đấu tranh phê và tự phê, chống dĩ hòa vi
quý, hữu khuynh tiêu cực. Hưởng ứng lời kêu gọi của thủ trưởng, mọi người thay
nhau phát biểu, phân tích vòng vo trên trời dưới biển. Hết phẩm chất lập trường,
đến ý thức cảnh giác cách mạng. Rồi chống diễn biến hòa bình, đề phòng chiến
tranh phá hoại nhiều mặt của bọn phản động(?) Chốt lại buổi họp, ông Quát trịnh
trọng tuyên bố:
- Tôi đề nghị biểu quyết, kỷ luật sa thải quần chúng Quý, cảnh
cáo đảng viên Phú!
Để tăng tính thuyết phục, ông Quát nhấn mạnh rằng, đồng chí
Phú là đảng viên, nhưng thiếu tinh thần cảnh giác cách mạng. Còn biểu hiện lập
trường bấp bênh tiểu tư sản, cần phải gột rửa! Giả dụ quần chúng Quý là gián điệp
CIA thì sao? Tổn hại cho Đảng biết nhường nào?...
Nghe đến đấy, Phú sợ toát mồ hôi, mặt nhợt nhạt. Nhưng anh vẫn
cảm thấy áy náy. Có lẽ nào Quý lại lừa anh? Nhớ hôm ra tòa làm thủ tục tiêu
hôn, người ta xúm xít vây quanh, xì xào bàn tán, đùa cợt tục tĩu. Phú để ngoài
tai tất cả, anh day dứt bởi những lời thống thiết của Quý: “Em có tội với anh…
nhưng em yêu anh thật sự! Kẻ kia không phải là chồng em. Dù em có đăng ký kết
hôn với hắn. Em sẽ li dị hắn để sống với anh. Nếu anh không tha thứ, em sẽ ở
goá suốt đời!
Anh có tin lời em nói không? Hay coi em là đứa nhăng nhít, dối
trá?
Có người bảo, Quý thuộc loại bất trị. Thậm chí ông chú ruột
Quý còn chửi cô là con nhà vô giáo dục, không thể chấp nhận được! Họ có lý của
họ, anh có trái tim anh. Vả lại, Quý đang mang giọt máu của anh. Những ngày sống
chung anh đã cảm nhận sự nhân hậu bên trong những lời lẽ tưởng như thô lỗ, trơ
tráo của Quý. Anh không thể nào dứt tình với Quý. Nhưng còn tổ chức? Mà thủ
trưởng Quát là người đại diện cho tổ chức? Anh biết rằng ở trường
này không ai được phép trái ý ông…
Sau khi tiêu hôn với Phú, Quý dứt khoát ly hôn với Thức, người
mà chưa bao giờ chiếm được tình yêu của cô. Thức người cùng làng, bố là cán bộ
huyện. Thức say Quý đến mê cuồng. Còn Quý thì vừa khinh miệt vừa lợi dụng Thức,
ban phát tình yêu theo kiểu bán tôm, bán cá. Nghe cứ như chuyện bịa,
tỉ dụ những lần hắn vòi vĩnh, Quý bảo, tôi đặt giá, hôn một tháng ăn
quà sáng! Sờ..., gấp năm lần! Hắn mừng rơn, ấn vào tay Quý xấp giấy bạc loại
năm đồng. Quý cười hơ hớ bảo, anh là gã Thúc Sinh chính hiệu! Hắn tưởng bở mon
men đến điểm chót. Quý dứ dứ đầu ngón tay vào cái trán thấp tè của Thức mà
nói rằng, cái mã anh không đủ tiền dùng của ấy. Thức ngây mặt, Quý phá lên
cười hơ hơ… Cứ thế cô đùa cợt, nhạo báng, vét túi chàng công tử si tình dại gái.
Trong suốt mấy năm đại học nhờ túi tiền của Thức mà Quý sống thoải mái như bà
hoàng.
Nhưng ở đời cái gì cũng phải trả giá. Sự thông minh, phóng
túng, kiêu ngạo của Quý không cứu cô thoát khỏi nanh vuốt gia đình Thức. Hắn ngố
nhưng bố có quyền uy, mẹ lại là chủ nợ của ông nội Quý. Trước khi tốt nghiệp đại
học Quý nhận tối hậu thư của ông: “Tao báo cho mày biết, mau về nhà để đăng ký
kết hôn với thằng Thức. Bố nó hứa xin cho mày vào làm xuất nhập khẩu huyện.
Không về, coi như mày đã chết”! Quý chấp nhận đăng ký kết hôn. Quý chẳng sợ ông
nội, xưa nay có cũng như không, nhưng cô thấy món hàng trao đổi cũng hấp dẫn. Nếu
được vào công ty xuất nhập khẩu coi như đổi đời. Đã quen sống buông thả bất cần
đời, Quý chẳng đắn đo, cô nhắm mắt dấn thân. Họ khoái mua thì cô bán, cầm tiền
rồi bai, bai!
Nhưng rồi bố Thức nghỉ hưu, không thực hiện được lời hứa. Quý
tính bài chuồn, nhận quyết định về trường bổ túc cán bộ. Mẹ Thức bảo, con Quý
muốn chạy làng, phải nôn ra 5 cây vàng. Nếu không tao cho thành gái
già. Nghe chuyện Quý cười hơ hớ mà nói rằng dẫu thành gái già cũng phải làm cho
con trai mụ hóa rồ.
Một lần nữa Quý đánh bài liều, cô giấu chuyện đã đăng ký kết
hôn với Thức để lấy Phú. Bây giờ cô lại thua cuộc, trắng tay, bị đuổi việc
không nơi nương tựa. Phú thương Quý nhưng sợ ông Quát, sợ dư luận. Có người xúi
Quý nạo thai, vào Sài Gòn kiếm sống. Sau một đêm suy nghĩ, cô quyết định ở lại
sống ngay trước mặt ông Quát cùng lũ người dè bỉu cô. Vả lại, Quý vẫn hy vọng ở
đứa con, ở tình yêu của Phú.
Nhờ một người bạn cùng học có chồng là bộ đội biên giới, Quý
xin được chân bưng bàn cho hiệu phở Tư Béo. Từ ngày Quý làm việc, hiệu phở đông
khách hẳn lên. Phần vì cô xinh, nhưng chắc chắn bởi đám thanh niên tò mò muốn
xem mặt người đàn bà hai chồng nổi tiếng. Ông chủ khoái ngắm thân hình lồ lộ đầy
hấp dẫn của cô. Bà chủ thích vì đồng tiền sinh năm đẻ bảy.
Sáng hôm ấy ông Quát vừa ra khỏi cổng trường bỗng một người
đàn bà đầu bù tóc rối, mặt mũi bầm tím nhảy ra tóm lấy xe đạp ông kêu toáng:
“Trả con tao! Chính mày bắt con tao!” Ông Quát đẩy tay người đàn bà hốt hoảng gắt,
ơ… cái nhà chị này hay nhỉ! Người đàn bà lăn ra đường nức nở, ới con ơi! Chúng
ăn thịt con mất rồi con ơi!
Bà bán nước gần đó bảo, nghe đâu chị ta lăng nhăng bị đuổi việc.
Không có tiền mua thuốc nên con ốm chết. Rõ khổ, hóa điên hóa rồ!...
Ông Quát khó chịu lẳng lặng đạp xe đi. Sáng nay không có ôtô
đón, ông buộc phải đến cơ quan bằng xe đạp. Lúc dắt xe ra cổng vợ
ông bảo, ngày sát chủ, đừng đi! Ông tức giận lẩm bẩm, chủ với chiếc, nhố
nhăng! Không ngờ xúi quẩy gặp con mụ điên.
Đến trường ông thấy cậu lái xe đang cặm cụi chữa máy, mặt
nhăn như bị. Vừa thấy ông cậu ta kêu toáng, xe tã lắm thủ trưởng ơi! Vô tình chọc
đúng chỗ đau của ông. Mẹ, lũ đặc quyền đặc lợi khinh ông quá lắm! Ban giám hiệu
bốn người họ chỉ cấp một xe gát bẹp rúm. Trong khi đó bọn giám đốc
kinh tế mỗi thằng một xe mới toanh, chở vợ con lượn phố suốt ngày.
Người ta luôn háo hức bàn chuyện đổi mới, nhưng ông lại buồn, dù không nói
ra. Ông luôn tự hào về thành phần xuất thân, về lập trường kiên định, không thuộc
loại tiểu tư sản bấp bênh, hoài nghi đường lối. Tuy nhiên mỗi lần gặp thằng cha
giám đốc Nhâm lại cảm thấy ấm ức (?) Hồi ông là trưởng ban tổ chức thị uỷ, Nhâm
phụ trách phòng thương nghiệp. Thời bao cấp chức ấy tuy nhỏ mà thế lực, nhiều
người cầu cạnh. Có chữ ký của Nhâm người ta có thể mua giá rẻ các loại hàng cực
kỳ khan hiếm như xe đạp, quần áo, quạt điện, xà phòng, thuốc lá... Nhâm không
ít tai tiếng về chuyện trai gái lăng nhăng, nhưng vẫn chức tước đàng hoàng, chẳng
thua kém ai. Ông Quát chừa mặt hắn, cái thằng trai lơ, khôn ranh thực dụng! Đã
mấy phen ông ra tay mà không hất nổi.
Thật trớ trêu! vòng đời càng quay nhanh, ông Quát càng bị đẩy
ra rìa, còn Nhâm thì chuyển dịch vào trọng tâm. Hắn lên giám đốc cung ứng tàu
biển, kinh doanh buôn bán hàng ngoại đắt tiền. Thậm chí còn học đòi bọn tư bản
giãy chết, mở cửa hàng mát xa mát xiếc! Cái thứ chơi bời đĩ bợm ấy
ông ghét cay ghét đắng! Thế nhưng công ty hắn ngày càng phát đạt, nộp ngân sách
cao nhất tỉnh, lương tháng giám đốc cả triệu đồng, bí thư chủ tịch tỉnh cũng phải
nể (?)… Hắn xây biệt thự. Hắn ngồi Toyota đời mới mở nhạc oang oang.
Chung quanh là đám gái trẻ son phấn thơm nức, nói cười ríu rít. Con gái
ông làm kế toán bị hắn đưa xuống tạp vụ, suốt ngày dọn nhà vệ sinh,
khóc dở, mếu dở. Ông gặp Nhâm chất vấn, hắn cười bảo, bây giờ đổi mới, công ty
tự hạch toán kinh doanh, giám đốc có quyền! Ai đủ năng lực thì cất nhắc, ai bảo
thủ, dốt nát cứ việc đuổi. Láo toét! Loạn sì ngầu! Vậy sự lãnh đạo của Đảng ở
đâu? Ông tức sôi máu mà phải nín nhịn.
Ông Quát bâng khuâng nhớ tiếc cái thời đã qua. Ngày ấy những
người như ông tổ chức rất trọng! Mà mọi thứ đều rõ ràng minh bạch. Địch
là địch! Ta là ta! Ông buột thở dài. Sắp tới trường bổ túc sẽ giải tán, có thể
ông nghỉ hưu. Mấy chục năm công tác ông luôn là tấm gương về sự liêm khiết, tận
tụy, trung thành. Ông từng giữ các chức vụ quan trọng mà không tơ hào lợi dụng,
nhà ông vẫn nghèo. Lẽ ra ông có quyền sống thanh thản, vậy mà lòng luôn bứt rứt
không yên. Ông nghe bọn giáo viên xì xào chỉ trích rằng ông ác, ông độc đoán
gia trưởng, nghèo khổ cũng đáng đời! Láo, láo tuốt! Nếu ông không thẳng thắn
trung thực, không kiên quyết trừng trị bọn hủ hóa, vô đạo đức, vô kỷ luật, để
chúng phá cơ quan, phá đất nước này à? Việc ông sa thải con Quý dối trá, lăng
loàn đã đưa ra tập thể bàn bạc, biểu quyết hẳn hoi, độc đoán ở điểm nào? Trí nhớ
ông còn tốt lắm! Trong đời làm lãnh đạo, ông trực tiếp ký 61 quyết định kỷ luật,
trong đó có 15 vụ sa thải đuổi việc, không trường hợp nào kiện cáo, khiếu nại cả.
Nghĩa là rất đúng nguyên tắc, rất thỏa đáng.
Bất chợt ông nghĩ, hay mụ điên ấy là con Quý? Không phải, Quý
trẻ đẹp hơn nhiều. Nghe đồn nó đã vượt biên trốn theo bọn tư bản đế quốc. Cái
ngữ ấy trước sau rồi cũng hóa phản động thôi! Ông nhìn người tinh lắm.
Nhưng hình ảnh rũ rượi của mụ điên vẫn lởn vởn trong đầu ông. Quả thật, trông
cũng quen quen. Ông cố moi tìm trong ký ức rối rắm của mình, biết đâu chẳng phải
một trong 15 người ông ký quyết định đuổi việc? Ông vội gạt phắt ý nghĩ quái gở
ấy…
Quý sinh cậu con trai kháu khỉnh, giống Phú như lột. Nó như
dòng nước mát gột rửa nỗi bất hạnh của đời cô.
Từ ngày sinh nở tính tình Quý đổi khác, cô điềm đạm hơn. Ước
muốn duy nhất của Quý là một tổ ấm nho nhỏ, thằng bé được gọi bố. Quý sẽ tìm việc làm, chắt chiu, tu chí như vô
vàn cán bộ, công nhân nghèo khác. Với mong muốn ấy Quý kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng
thời gian trôi đi, những khó khăn đời thường tới tấp ập đến. Khoản tiền dự trữ
ít ỏi Quý làm thêm cho hiệu phở Tư Béo sắp hết. Cuối năm ấy chồng cô bạn ở bộ đội
xuất ngũ. Căn hộ chật chội của họ không đủ sức chứa thêm mẹ con Quý. Tâm thương
bạn bảo Phú để mẹ con Quý ở nhờ ít ngày, còn Phú thì sang ngủ phòng khác.
Sáng chủ nhật vợ chồng Tâm cùng Phú đón mẹ con Quý về căn hộ
của Phú. Tâm sửa soạn bữa ăn tươi có cá riêu, rau sống, hai chiếc bánh đa, nửa
chai quốc lủi. Riêng Quý được một đĩa thịt nạc kho dừa, ưu tiên bà đẻ.
Anh nhà báo đã thành chồng Tâm, rót rượu vào bốn chén con,
ngâm nga: “Trải qua một cuộc bể dâu/ Thiếp chàng lại được cùng
nhau xum vầy”.
Quý tỏ vẻ buồn. Tâm mắng chồng, bọn nhà báo các anh chỉ đủ chữ
nhại thơ. Anh nhà báo cười hề hề bảo, đó không phải là thơ, mà là hạnh
phúc.
Khoảng nửa đêm, mẹ con Quý đang ngủ ngon thì Phú chạy đến gõ
cửa hốt hoảng thông báo: “Ông Quát bắt phải đi khỏi trường ngay lập tức”. Quý
giận tái mặt. Anh ta là đồ hèn nhát, vô lương tâm! Giữa đêm đông gió rét mưa
phùn, vì sợ ông Quát nỡ đuổi mẹ con Quý ra đường ư? Với Quý là một lẽ, cứ coi
như đã hết tình. Đằng này còn đứa con bé bỏng của anh ta? Con tim như tan vỡ,
nước mắt trào tuôn, Quý chạy xộc vào nhà vơ quần áo, tã lót, bế con thất thểu
ra đường.
Mưa lâm thâm, gió rít từng cơn tê buốt. Thằng bé tỉnh ngủ
khóc oa oa. Quý tìm một hốc cây kín gió, trải miếng vải nhựa ngồi ôm con, khẽ
đu đưa ru con ngủ. Từ trong ký ức xa xăm lời ru của mẹ vọng về, cô lẩm nhẩm hát
theo: “Cái cò, cái diệc, cái nông/ Ba con cùng béo vặt lông con nào/ Vặt
lông cái diệc cho tao...”. Không biết vì thương cái diệc hay thương thân, nước
mắt cô lại ứa ra. Cô phải đi, đi thật xa, không hy vọng gì ở con người nhu nhược
ấy nữa. Nhưng đi về đâu?...
Gió táp vào mặt cô. Mưa nhòa nước mắt cô. Đêm tối mịt mùng.
Thỉnh thoảng một chiếc xe Kamát ầm ầm vụt qua, đó là những chuyến xe cuối cùng
của xí nghiệp than phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm.
Có tiếng gọi thảng thốt ớ ơi, nghe thật rùng rợn. Quý liên tưởng
đến tiếng gọi hồn ngày cô còn nhỏ. Hồi ấy thằng Báu ngã xuống ao. Lúc vớt lên
làm hô hấp mẹ cô đã leo lên mái nhà gọi hồn. Đêm đó cũng mưa phùn, gió bấc như
đêm nay. B... áu ơ..ơi! Tiếng gọi thống thiết của người mẹ đã kéo được
linh hồn thằng Báu từ âm phủ trở về. Nhưng giờ nó vẫn ở trần gian mà tiếng gọi
của mẹ không đến tai nó. Thế mới biết cõi trần mênh mông khủng khiếp!
- Quý... ơ...ơi! Quý nhận ra tiếng gọi của Tâm. Thằng bé bật
khóc thét. Vợ chồng Tâm mừng rỡ chạy ùa tới. Tâm ôm vai Quý rưng rưng bảo, mày
về ở chỗ tao! Ông Quát đuổi việc tao cũng không sợ!
Quý yên lặng. Tâm van vỉ, Quý ơi! Mày phải thương con chứ! Nó
có tội tình gì! Quý đứng dậy bảo, cám ơn vợ chồng mày! Nhưng tao không thể nhìn
mặt con người ấy nữa! Tâm định giằng lấy thằng bé, lôi Quý quay lại. Quý mếu
máo khóc, nếu mày thương mẹ con tao, mày hãy buông ra để tao đi…
Vợ chồng Tâm đứng mãi dưới mưa. Bóng Quý hòa vào đêm đen,
nhưng tiếng khóc của thằng bé vẫn vẳng lại oa oa, rền rĩ.
Tháng 7/1990 Trần Quang Vinh
Tháng 7/1990
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét