Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

Tất cả các giòng sông đều chảy

Tất cả các giòng sông đều chảy

Trong lúc này ba tôi lại nằm bệnh viện, tôi tới lui được vài ngày rồi biến luôn để mặc má và vợ chồng đứa em trai chăm sóc.
Tôi xin nghỉ phép rồi nằm mẹp trong phòng như người ốm lâu năm. Nằm chứ không phải ngủ. Mắt có quầng đen còn da dẻ thì thâm xì khô khốc. Qua một đêm đầu tóc như Ngũ Tử Tư. Con Trúc đang học lớp mười một, đi học về ghé chợ mua thức ăn, làm cơm. Thằng Trân chiều chiều không đi đá banh mà ngồi xem tivi với khuôn mặt chảy dài. Chốc chốc tụi nó lại đi qua phòng nhìn vào thở dài thườn thượt. Tụi nhỏ tưởng mình có thể ngủ một giấc rồi đi luôn hay sao? Nếu mà có thể được như vậy thì cũng tốt. Tôi càu nhàu thầm dụi mặt xuống gối, tay vô tình quờ quạng nhằm chiếc gối nằm trống không bên cạnh. Tôi túm lấy ném mạnh vào cánh cửa. Tiếng động khiến cho con Trúc, thằng Trân hốt hoảng chạy vào phòng. Trong khi con Trúc ra vẻ người lớn ngồi yên lặng bên giường thì thằng Trân cúi xuống cố tìm gương tôi, nó thở phì phì trên tóc tôi. “Mẹ! Mẹ ơi!” Nước mắt tôi bỗng ứa ra. Tôi đang làm gì đây? Trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn tôi tự hỏi, tự thán rồi trách. Một không khí buồn tẻ phủ chụp lên ngôi nhà xinh xắn đã từng có một thời hạnh phúc. “Ôi! Hạnh phúc! Một đời hay một thuở. Vẫn miệt mài cuống quýt sợi tơ vương”. 
“Alô! Mày đang làm gì đó?” Giọng thánh thót của Kim vang trong máy khi tôi uể oải nhấc máy lên. “Tụi tao đang kéo nhau ra quán bún riêu của bà Năm mập. Mày ra đi, tao chờ!”. Tôi rên rỉ ca cẩm một hồi lâu, cuối cùng khi đặt máy xuống chỉ nhớ nó nói sẽ đến sau giờ làm việc. Kim lớn hơn tôi vài tuổi, lập gia đình sau tôi nên đứa con gái lớn chỉ bằng thằng Trân. Người mập thấp nhưng nhanh nhẹn tháo vác. Đặc biệt có giọng nói trong trẻo hát rất hay. Nghe tiếng nói mà chưa thấy người không ai có thể hình dung ra được nó. Gần mười năm làm bạn với nhau, Kim luôn săn sóc quan tâm đến tôi như một người chị mà lúc nào nó cũng làm ra vẻ chị cả tôi. Nhưng gọi Kim bằng chị thì tôi không gọi được.
Chẳng hiểu tại sao nữa. Thỉnh thoảng Kim đưa tôi về quê nội chơi khi có dịp gì đó. Buổi trưa, hai đứa đứng bên bờ sông trước nhà dưới bóng một cây dừa xanh um râm mát. Bóng cây như tán dù to rộng che lấy hai chúng tôi. Nơi nào cũng có một dòng sông dù lớn hay bé và dòng sông nào cũng chảy dù nước lớn hay ròng. Con sông nào cũng đẹp, cũng đổ ra biển. Rồi Kim vụt cười lớn. “Và cũng mang theo ít nhiều rác rưởi.” Tôi nhìn theo những chiếc lá vàng đang trôi lững lờ trên dòng nước. “Văn chương của mày nghe mùi câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An quá!” Tôi nhặt một nắm đất ném xuống sông, Kim kêu oai oái khi bị nước văng lên người. Không có chồng, không cả con, giờ phút này chúng tôi thấy thoải mái làm sao, tâm tư quay về thời đi học trên đôi guốc vong quay trắng. Ba con Trúc thường hay nhặt bông sao tặng tôi. Anh ấy thích hàng cây sao cao ngất và những chiếc bông sao rơi như bông vụ trong gió. Tôi nhớ nhà vườn của ba má tôi. Mảnh vườn mãng cầu được má tôi, một cô gái phố thị về làm dâu chăm sóc. Ngày còn bé tôi và đứa em trai mê mải suốt ngày bên những gốc cây, ném đất xuống ao nuôi cá.
Tôi lập gia đình về thị xã cách xa hơn mười cây số. Thỉnh thoảng ngày nghỉ lễ, chủ nhật tôi cùng chồng con về thăm ông bà. Cũng như tôi ngày đó, vừa đến chúng đã chạy ra vườn mất dạng. Cả hai đứa chạy tìm ông ngoại. Từ ngày nghỉ hưu ba lúc nào hầu như cũng ở ngoài vườn. Sùm sụp trên đầu chiếc nón lá, chân đất, quần xắn đến gối ông miệt mài ngoài vườn với khuôn mặt đỏ lửng bắt nắng. “Ba mày dành hết phần việc của má.” Nói thế thôi chứ má còn cả chuồng lợn, bầy gà thêm đàn vịt ta đang cho trứng làm gì còn có thời gian ra vườn. Vợ chồng đứa em trai đều đi làm ngày hai buổi, đứa cháu nội lên tám đi học. Rất ít khi nào tôi thấy ba má to tiếng với nhau. Chẳng biết có phải vì má là một người phụ nữ khéo chiều chồng hay ba là một người đàn ông thương vợ. Từ ngày lập gia đình lúc nào tôi cũng ao ước được như ba má tôi. “Con cá làm nên con mắm. Vợ chồng già thương lắm ai ơi!” Đứa em dâu thường trêu, đôi mắt đong đưa. 
Mười mấy năm rồi, chúng tôi cũng có nhiều lần to tiếng với nhau nhưng là chuyện sinh hoạt gia đình, nuôi dạy con cái. Gần năm mươi tuổi, anh ấy có nhiều thay đổi rõ rệt. Ít quan tâm đến việc học hành của con cái, không ngó ngàng gì đến nhà cửa. Trong ngoài, sau trước chỉ có một mình tôi. Đi làm việc, đi hội họp, đi công tác,... đi đêm. Hai ba giờ sáng về kêu cửa. Con Trúc mắt nhắm mắt mở đi lấy chìa khóa, miệng càu nhàu như bà già nhai trầu. Chẳng hiểu sao, hứa hẹn gì mà sau này thằng Trân dành phần đi mở cửa. Nó ngủ say con Trúc cũng gọi nó. Thằng Trân lãnh việc này con Trúc rất mừng. Tôi thì nằm im trong phòng nghe ngóng. Vật xuống giường, anh ấy ngáy như ống khói lò rèn bên tai tôi. Mọi tức uất tôi đều cố nuốt xuống bụng nhưng tất cả không chịu xuống cứ nằm lại nơi ngực tôi nhức nhối. “Nhậu nhẹt với bạn bè.” Buổi sáng, chuẩn bị đi làm anh giải thích. Chuyện bồ bịch của anh tôi đã nghe người ta xì xào từ lâu rồi. Nhiều ngày liền tôi không nói gì đến anh, về nhà anh vả lả nói chuyện với mấy đứa nhỏ. Tôi gọi điện thoại cho má để nhận được lời khuyên: “Không nên có thái độ như vậy.” Tôi biết là má sẽ khuyên tôi câu đó. Nhưng tôi khác má cũng như anh ấy không làm sao với tới ba. Vậy đó, đàn ông thì vẫn gọi đàn ông như nhau nhưng mỗi người là một thế giới riêng tư khác biệt. Nhưng tìm hiểu họ làm gì kia chứ?. Trời chưa sáng rõ mặt người, hơi sương còn lành lạnh, anh ấy về với khuôn mặt mất ngủ, lén lút quay mặt đi che miệng ngáp. “Sao không đi luôn?” Câu này tất cả các bà vợ đều sẽ nói nếu ở vào hoàn cảnh của tôi. Anh không nói gì chỉ đưa mắt nhìn tôi như biết lỗi rồi đi vào phòng. Sự im lặng như một lời thách thức, tôi lao theo vào mở tủ tuôn quần áo của anh ra giường. Sự nín nhịn chịu đựng ở trong tôi đã bùng nổ. Con sông nào cũng có sóng ở đáy sông. Những con sóng ngầm sẽ chồm lên bất cứ lúc nào không lường trước. Cho dù anh có là cái gì ngoài xã hội thì trong gia đình anh cũng chỉ là một người chồng, một người cha. Rằng là anh chà đạp hạnh phúc gia đình, phản bội vợ. Rằng là lòng chung thủy anh đã cầm ở quán nào rồi. Rằng là anh một người cha vô trách nhiệm, một người đàn ông không ra gì... Tôi nắm lấy ngực áo anh gào lên, rít lên. Hai cái đầu thò vào phòng với bốn con mắt mở to. “Thôi mà! Các con nghe thấy.” Anh xuống nước năn nỉ. “Nghe thấy, nghe thấy... tôi muốn các con phải nhìn, phải thấy, phải biết ba nó một người sa ngã bê tha. Giọng nói đục trầm của tôi hôm nay sao cứ the thé nghe chói tai. Anh tái mặt rồi bỗng gạt mạnh tay khiến tôi ngã chúi xuống giường. “Ba! Ba!” Các con tôi xô vào phòng kêu toáng lên vì tưởng ba nó đánh tôi. Anh hằn hộc lôi chiếc vali trong tủ ra cho quần áo vào...
“Mày làm tao tưởng trời đã sập hay sắp sữa có sóng thần. Chuyện bình thường.” Kim đến như đã hứa. Sau khi nghe tôi vừa khóc lóc vừa kể lể, một mình độc diễn mấy lớp, nó dựng tôi dậy, lôi xuống giường lấy lược chảy tóc cho tôi “Trời! tóc bạc!” Kim kêu như cháy nhà, như người thợ hớt tóc khi phát hiện hai lỗ tai lừa của vua phải chạy vào rừng gào lên. Bà muốn mất chồng luôn rồi hay sao mà bỏ ăn bỏ uống nằm mẹp như người hấp hối chứ. Phải đẹp, phải tươi tắn, phải dịu dàng để lôi ông ấy về... Kim đẩy tôi vào nhà tắm rồi phấn sáp, rồi chảy matcara cho mắt đen mướt, rồi son môi thật ướt thật mềm. Đi nhuộm tóc, đi mátxa, mua mấy bộ đồ ngủ mỏng dính bằng loại vải thật mềm. Mười hai giờ! Khi lên giường được rồi tôi nằm rã rời buồn thê thiết. Giường sao rộng mênh mông, gối chăn sao lạnh lẽo quá .Anh ấy bỏ đi đã mấy ngày rồi. Mấy ngày như mấy thế kỷ trôi qua, thoắt cái tôi thấy mình già như mụ phù thuỷ sống đến mấy trăm tuổi với chiếc lỗ mũi thật dài. Thật hãi hùng! Chắc là anh ấy vẫn đến cơ quan làm việc. Tôi mà đến đó thì sự thể không biết sẽ xảy ra như thế nào nữa. Ừ! Bể rồi cho vỡ luôn. Li dị! Đi thì cho đi luôn. Tôi sẽ lấy chồng khác sau ba tháng. Tôi tuyên bố thầm trong lúc lơ mơ ngủ thiếp đi. Tiếng gõ cửa khiến tôi choàng tỉnh. Nhảy xuống với đôi chân trần lạnh băng tôi hối hả mở cửa. Hai hòn bi xanh lè, màu xanh ngọc bích đang chiếu thẳng vào tôi thứ ánh sáng ma quái. Con mèo mun! Tôi hét lên đóng sập cửa phòng quay lại thí đã thấy anh đang nằm trên giường nhìn tôi cười, đôi tay dang rộng. Lao vào vòng tay anh, tôi khóc nấc lên. Nỗi sợ hãi vừa rồi khiến tôi thấy tôi cần anh biết chừng nào. Vai tôi bị lắc mạnh khiến tôi choàng tỉnh. Gương mặt con Trúc đang cúi xuống tôi thật gần lo lắng. “Mẹ mơ thấy gì mà khóc?” Tôi đưa tay lau vội má, những giọt nước còn nóng hổi trong lòng bàn tay tôi. Thở hắt ra tôi vuốt tóc con gái. “Mẹ không sao, các con về ngủ đi!” Thằng Trân ngồi phịch xuống giường. “Con sẽ đi tìm ba”. Tôi muốn phì cười khi trông thấy gương mặt nghiêm trọng của nó. “Để làm gì?” Con Trúc trả lời hướt.“ Xin tiền đi cắm trại đó mẹ.” Thằng Trân sừng sộ. “Chị biết gì, chị xem thường người ta quá. Lúc trước ba hứa sẽ cho tiền em đi cắm trại nhưng bây giờ em không đi nữa, em không muốn đi. Vui vẻ gì mà đi. Em chỉ muốn hỏi ba: Tại sao làm khổ mẹ?” Tôi lịm người đi chua xót. Thằng con trai học lớp tám của tôi không còn vô tư trong vòng tay hạnh phúc của gia đình nữa. Tôi đã lôi kéo các con tôi vào vòng tròn u ám mà đúng chỉ một mình tôi ở trong ấy. Tôi nhớ ba ,giá mà ba đang khỏe mạnh tôi sẽ gục đầu lên vai ông mà khóc cho hả hê, cho vơi bớt nỗi đau đang ăn mòn tôi từng giờ từng phút. Một phần đời sống trong đan bom khói lửa, phần còn lại sống với gia đình. Ba là đóm lửa trong đêm tối để chị em tôi soi đường. Mùa này, trong vườn mãng cầu sai trái lắm. Những trái to hình bầu dục treo lủng lẳng nặng oằn nhánh cây. Ba tôi nằm bệnh, mãng cầu chín cả trên cây không ai buồn ngó tới. Tôi ngồi lên, dang tay ôm cả hai đứa vào lòng. “Ngày mai mẹ con mình đi thăm ông ngoại. Mẹ sẽ không buồn nữa.” Hôn nhẹ lên tóc thằng Trân tôi nói: “Con cứ đi cắm trại, mẹ sẽ cho tiền.” 
Chưa đến ngày thằng Trân đi cắm trại thì ba tôi mất. Chuyện gì đến thì sẽ phải đến thôi. Trời buồn u ám, không phải mùa đông, không phải trời cao nguyên mà mưa bụi cứ bay lất phất. Trời lúc nào cũng như hoàng hôn. Hay hoàng hôn chỉ trong mắt tôi? Tôi thẫn thờ đứng bên bờ ao nhìn những con cá ngoi lên hớp không khí mà hình dung ra ba tôi đang rải thức ăn xuống với những tiếng chắc lưỡi quen thuộc. Dưới gốc mấy cây mãng cầu gần đó, trưa nào ba cũng ngồi nghỉ rồi ăn chén chè thưng nóng hay uống ly nước trái cây do má tôi mang ra. Lúc này, má gầy đi hốc hác, hai má lỏm vào bày chiếc mũi cao và đôi mắt sâu thăm thẳm nhưng đầy nghị lực. Bà vẫn đi ra đi vào thu xếp các thứ. Kim theo tôi về, lẩn quẩn bên tôi với những lời ca cẩm. “Mày yếu đuối quá!” Tôi không phản đối. Mắt tôi sưng đỏ lên. Tôi đang có đến hai điều mất mát. Ba và chồng tôi! Dù hai người bằng hai cách khác nhau đã bỏ tôi.
Tôi quay vào nhà, bỗng dưng tôi thấy đứng cạnh quan tài là một người đàn ông hao hao đứa em trai đang nói chuyện với má. Mất mấy giây sau tôi mới biết không phải giống em tôi mà thật ra là giống ba. Giống ba hơn cả chị em tôi. Tay tôi lạnh toát, mắt hoa lên, người tôi chao đi tưởng sắp gục xuống. Má vụt bất chợt quay lại, bà vội vã đến bên tôi. “Anh con, về chịu tang... trong chiến tranh... thất lạc...” Má nói khẽ đứt quảng từng câu ngắn. Bấy nhiêu thôi cũng đủ cho tôi hình dung ra được tấn bi kịch ngày ấy. Tôi chạy vào phòng má tôi ngã vật lên giường, úp mặt xuống gối. Người tôi giãn ra từ từ, mềm nhũn đi rồi tôi chợt cảm thấy nhe nhõm. Cái khối đá ngàn cân đè lên ngực tôi lâu nay bỗng tan biến.
Một bàn tay đập nhè nhẹ lên vai tôi. “Ba con Trúc đã về, đang thắp hương.” Tôi quay người lại nhìn Kim. Anh mắt nhìn tôi cho biết Kim hiểu tôi đang nghĩ gì. “Tất cả các dòng sông đều chảy mày ạ!” Tôi mếu máo tiếp lời Kim. “Và có mang theo ít nhiều rác rưởi phải không?”.
11/5/2006 
Trần Lệ Thường
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc, là một nhà thơ nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam, là một nhà ngoại giao, ...