Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Âm hưởng dân ca

Âm hưởng dân ca

Trong thời đại thông tin internet và toàn cầu hóa hiện nay, thế giới càng ngày càng như nhỏ bé lại. Khoảng cách không còn là trở ngại như xưa, sự liên đới, thông tin giữa con người càng chặc chẻ và hổ tương sâu đậm. Cũng không lạ gì, giới trẻ trên thế giới nhất là ở thành thị hầu như theo cùng một trào lưu văn hóa: cùng thời trang, cùng lối suy nghĩ, cùng sở thích trong các lãnh vực kỹ thuật, lối sống. 
Có thể nói trong lãnh vực âm nhạc, đủ các thể loại nhạc hiện đại từ rock đến rap thường chiếm lĩnh hầu hết trên các kênh thông tin, các đại hội âm nhạc, những buổi trình diễn văn nghệ... Trừ những trường hợp đặc biệt, ít khi chúng ta được nghe thưởng thức dân ca hay nhạc dân tộc. Sống ở thành phố Sydney, một trong những thành phố toàn cầu (global city) ở Australia trong nhiều năm, và cũng có dịp đi nhiều nơi khác, tôi (hay bất cứ ai) cũng có thể nhận thấy rõ điều này không khó khăn gì.  
Tôi có may mắn được tiếp cận với hệ thống giáo dục bậc tiểu học và trung học trong lãnh vực âm nhạc ở nước này qua một người bạn đang dạy học ở một trường trung học không xa nhà tôi. Trong số các môn học thì âm nhạc là một môn học bắt buộc phải có ở bậc tiểu học và các lớp trung học cho đến lớp 10. Vùng tôi ở là vùng có khá nhiều người di dân từ nhiều nơi trên thế giới định cư. Vì thế trong các trường học trong vùng, có rất nhiều các em học trò từ các gia đình Việt, Hoa, Ả rập, Âu châu, học ở trường. Một nước đa văn hóa như vậy thì chất keo gắn liền sự đa dạng khác nhau trong xã hội ngoài ngôn ngữ và luật pháp là những giá trị chung về xã hội công dân, dân chủ và văn hóa bao dung và bình đẳng phát xuất từ truyền thống của những người lưu dân đến một vùng đất xa lạ mở đường tạo dựng một nước mới cách đây hơn hai thế kỷ. 
Mỗi năm, Bộ giáo dục đều có chương trình tài trợ giúp các trường tổ chức một lễ hội (festival) nghệ thuật do các em trình diễn dưới sự hướng dẫn của các thầy cô. Từ trước đến giờ thì các các bài hát, kịch, múa nhạc... đều là các sáng tác chính thống, tiếng Anh mà đa số mọi người đều quen thuộc phản ảnh nếp suy nghĩ của xã hội. Nhưng năm nay là lần đầu tiên, một ca đoàn gồm gần 300 em có hát một bài dân ca Việt Nam: Lý con sáo. Đây cũng là một điều lý thú và ngạc nhiên. Lý thú là bài dân ca Nam bộ lại được các em đa số không phải là người Việt sẽ hát và ngạc nhiên là lý do gì mà bài dân ca Việt nam lại được chấp nhận trong buổi trình diễn liên hoan nghệ thuật. Từ trước giờ cũng chưa có bản dân ca của nước nào được trình diễn. 
Để có thể chứng kiến được làm cách nào mà đa số các em không biết tiếng Việt lại có thể được huấn luyện để trinh diễn hát chung, tôi được ban tổ chức mời đến xem một buổi tập dược các học sinh trong ca đoàn gồm 11 trường trung tiểu học. Trong số các thầy cô, có hai người là gốc Việt: cô Oanh và anh Tuyên. Người điều khiển chương trình âm nhạc (Musical director) là cô Chris Jones và cô Amanda Davis điều hành (producer) cho tôi biết là các em phần đông chưa dự buổi liên hoan nghệ thuật hàng năm lần nào. Trong hội trường thật đông, trên bục chính cô Chris Jones hướng dẫn các em ngồi phía dưới rất trật tự. Ngồi ở hàng ghế cuối tôi có thể quan sát rõ tất cả. 
Sau khi các bản nhạc “Stand by me” của Ben King, “Dancing queen” và “Mamma Mia” của ABBA được luyện tập dễ dàng với các em hát theo cô Chris theo điệu nhạc từ dĩa CD là đến phiên bài “Lý con sáo”. Không ai có có thể tìm được dĩa CD có bài này nên anh Tuyên người trong ban tổ chức trước đây đã đề nghị chọn bài này cho buổi liên hoan, đã cùng cô Oanh thay thế cô Chris đứng ra luyện tập cho các em hát. Anh Tuyên dùng đàn ghi ta đệm cho cô Oanh hát cho các em tập hát theo.
Không như tôi suy đoán là bài này sẽ mất thời gian lâu hơn để các em có thể phát âm và hát đúng cách. Nhưng chỉ sau một lần đầu cô Oanh hát trước, sau đó các em có thể theo sát từng câu hát theo sau cô Oanh theo nhịp điệu đàn ghi ta một cách dễ dàng và đúng giọng. Thật ngạc nhiên, đối với tôi thì ngay chính tôi cũng phải vài lần hát theo cô Oanh mới có thể tự tin hát được. Có thể tuổi nhỏ dễ dàng hấp thụ nhanh các bài hát hơn người lớn chăng. Có lẽ là như vậy. Và với giọng hát rất có hồn và đạt của cô Oanh, các cô giáo khác cũng rất ấn tượng. Các cô cho tôi biết là mới đầu họ không nghĩ là bài được nhiều người thích vì họ nghĩ bài chắc cũng giống như những bài ca cổ truyền phương Đông như Trung quốc với giọng cao chứ không như rất trầm và dễ nghe như vậy.
Được sự đồng ý và chứng kiến của cô Lorraine O‘ Brien (điều phối ca đoàn) và cô Amanda, tôi hỏi trực tiếp bốn em về cảm tưởng và suy nghĩ gì về bài hát dân ca Việt Nam. Các em Tallis (Australia), Grace (gốc Hoa), Lan (Việt) và Madison (Nam Âu) đều cho biết là bài hát rất dễ hát và thật sự rất thích bài này. Trừ em Lan, các em khác đều không hiểu nghĩa của bài hát nhưng sau khi được em Lan nói về ý nghĩa của bài hát, các em đều cảm thấy gần với bài hát hơn. Em Lan cho biết sở dĩ em hiểu về ý nghĩa của bài “Lý con sáo” vì em đã hát với mẹ ở nhà và được mẹ cho biết. Em Grace cho biết khi hát bài này, em cảm nhận hơn các bài hát khác.
Qua sự tiếp cận này, trên đường về tôi lại càng thấy ý nghĩa của cuộc sống trong một xã hội đa văn hóa. Con đường mà chúng ta có thể sống chung trong hòa hợp, sung túc trong tinh thần, hiểu và kính trọng lẫn nhau ở một xã hội là ngay từ tuổi trẻ ở môi trường học tập có sự khuyến khích và luyện tập cho lớp trẻ học hỏi lẫn nhau nếp sống, văn hóa và góc nhìn khác nhau của mọi thành phần và từ đó làm giàu cho tất cả. Như một câu nói thường được nhắc đến: tất cả đều lợi.
1/5/2010
Nguyễn Đức Hiệp
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...