Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

"Thơ đến từ đâu" - Cuộc truy tìm bất thành đáng trọng

"Thơ đến từ đâu"
Cuộc truy tìm bất thành đáng trọng

VĂN GIÁ Trong vòng vài năm trở lại đây, đọc trên các trang Website của một số người Việt sống và viết ở hải ngoại chủ trương, tôi thường hay bắt gặp các bài phỏng vấn, trò chuyện với các nhà thơ trong nước và hải ngoại của anh Nguyễn Đức Tùng. Lúc đầu đọc bởi sự tò mò. Dần dần, thấy các câu chuyện thơ ca, rộng ra là văn chương nói chung được đặt ra một cách rất nghiêm túc, có không ít điều bổ ích và thú vị.

Tôi đã theo dõi từ đó, ít bỏ sót. Và bây giờ thật may mắn, tuyển tập những bài trò chuyện này đã ra mắt dưới hình thức quyển sách. Đọc lại một cách có hệ thống, hiểu được nhiều điều, nhất là hiểu được tấm lòng của một trí thức, một người con nước Việt xa xứ mà vẫn nặng lòng với văn chương, văn hóa dân tộc, với sự tiến bộ dân tộc.
1. Tôi nhận thấy, có hai vấn đề lớn làm cọc tiêu tư tưởng chỉ đạo tất cả các cuộc trò chuyện của Nguyễn Đức Tùng về thơ ca, đó là: tinh thần tự tình dân tộc và lao động viết thơ. Hai vấn đề này có lúc được triển khai đồng thời, có lúc được tạm thời tách ra để tiện đào sâu vào các ý tưởng đang theo đuổi. Tuy nhiên, về cơ bản, chúng không tách rời. Bởi như một số nhà thơ đã nói, và Nguyễn Đức Tùng cũng rất chia sẻ: những nhà thơ (rộng ra là các nhà văn, nhà nghệ sĩ) phải là những người đi đầu trong việc thực hiện cuộc “giao hòa”, “hòa giải”, “hòa hợp”… dân tộc bằng con đường thơ ca; và ngược lại, qua thơ ca, nhờ thơ ca mà công cuộc hòa giải này trở nên sâu sắc hơn, trí thức hơn, nhân ái hơn.
Tinh thần tự tình dân tộc của Nguyễn Đức Tùng được quán triệt thường trực và sâu sắc trong mỗi bài trò chuyện, ứng với từng nhà thơ ở mỗi nơi, với một sự kiên định, thông suốt, không bị định kiến từ chính mình hoặc bị tác động từ bên ngoài. Tôi quý trọng tinh thần này của Nguyễn Đức Tùng. Thực ra tư tưởng hòa hợp dân tộc đã từng có ở nhiều người, nhưng không phải ai cũng có tâm huyết để triển khai nó một cách chuyên đề, chuyên tâm như thế này, dẫu biết trước rằng nó chứa chấp ít nhiều hệ lụy.
Để đạt được mục đích ấy, với tinh thần của Nguyễn Đức Tùng, có thể quy gọn về hai bước: bước một - hóa giải, bước hai - hòa giải. Bước hóa giải tức là cần phải thấu hiểu nhau, thấu hiểu quá khứ, hiện tại, dân tộc, thân phận… Làm tốt được bước này thì bước hòa giải sẽ nhanh hơn và có hiệu quả hơn. Dĩ nhiên đời sống là một phức hợp vô cùng bề bộn, phức tạp, nên không thể tuần tự xong bước này mới sang bước khác, mà cả hai bước ấy thường đan xen nhau. Tuy nhiên, về mặt nhận thức của mỗi cá nhân, rất cần phải thấy như vậy. Không qua bước chịu hiểu nhau, thì làm sao có thể nói tới bước cảm thông, chấp nhận, chia sẻ, tha thứ, và hòa đồng được.
Điều vừa nói đến, trong tinh thần của Nguyễn Đức Tùng, trước hết dành cho các nhà thơ, và sau là cho tất cả mọi người Việt nói chung, không phân biệt một ai.
Câu chuyện này thực ra không phải đến nỗi khó hiểu, cái quan trọng là mỗi người bước đầu cần có thiện chí, một khi có thiện chí thì sẽ có được nhiều điều mà ta mong muốn tiếp theo.
Tôi xin tạm dừng lại chuyện này. Bởi cái đối tượng chính mà Nguyễn Đức Tùng theo đuổi chẳng phải là “Thơ đến từ đâu” đó sao!
2. Tôi nhận thấy Nguyễn Đức Tùng đã tập trung ráo riết vào các vấn đề lao động thơ với một hệ câu hỏi khá tập trung.
Trước hết, các câu hỏi xoáy vào những vấn đề cốt tử của thi ca: quan niệm của các nhà thơ về thơ, về người làm thơ, về công dụng của thơ. Đó là những câu hỏi như: Thơ là gì? Cái gì làm nên một bài thơ? Cái gì quan trọng nhất trong thơ? Thơ cần thiết cho ai và có thể làm được gì cho con người? Vào những phút im lặng sâu sa nhất, được sống với chính tâm hồn mình, bài thơ nào của mình mà anh/chị nhớ đến, hay muốn đọc cho mình nghe? Anh /chị thường đọc những nhà thơ nào và có chịu ảnh hưởng của ai? Anh/chị không làm thơ nữa có được không (Cái gì làm cho anh có quyết tâm suốt đời làm thơ như thế)?... Những câu hỏi như thế được trở đi trở lại đối với hầu hết các nhà thơ được hỏi.
Khi đặt ra những câu hỏi như thế này, khiến người làm thơ phải đối diện với những vấn đề muôn thuở có tính nguyên lý và không dễ gì trả lời ngay được. Tôi nhận thấy ở đây, hầu hết các nhà thơ được hỏi đều có một cách trả lời khá thận trọng. Đó là một thái độ đáng quý. Người đã đến được cõi thơ chắc chắn không thể chấp nhận một thái độ dễ dãi và dung tục về thơ. Tôi vẫn cho rằng, một nhà thơ chân chính là người luôn duy trì trong mình một thức nhận tưởng như đối nghịch, nhưng lại rất thống nhất, đó là: vừa có nỗ lực vượt thoát khỏi mô thức thi ca đã có sẵn trong lịch sử để xác lập được mô thức mới của mình lại vừa biết khiêm cung trước sự bí ẩn lớn lao của thi ca nói chung. Tôi không thấy những trả lời dễ dãi ở đây. Điều đó làm thức dậy trong tôi một mối thiện cảm thực sự đối với cả người đặt ra các câu hỏi và người trả lời chúng.
Dĩ nhiên tác giả Nguyễn Đức Tùng vừa trong vai trò hỏi, vừa trong vai trò dẫn gợi, tổ chức các cuộc thoại với nhiều đối tượng khác nhau nên đã nhận được nhiều câu trả lời khác nhau. Thực ra người hỏi không mong có sự thống nhất ở những câu trả lời, và cũng không nhất thiết phải thống nhất. Do đó, cả câu hỏi lẫn câu trả lời phần nhiều có ý nghĩa khơi gợi, xới xáo, đặt vấn đề, kéo người đọc tham gia vào các ý tưởng có tính đối thoại. Đây là một trong những điểm làm nên cái hay của các cuộc trò chuyện. Gợi mở, chia sẻ bao giờ cũng thú vị hơn là quyết định luận- một cách làm rất gần với sự áp đặt mang màu sắc tôn ti.
Thứ hai, các câu hỏi liên quan đến lao động viết thơ - phương diện kỹ thuật của việc làm thơ, nghĩa là đi vào bếp núc của sáng tạo thơ ca. Đó là những câu hỏi như: Bài thơ của anh bắt đầu ra sao? Anh cho rằng Chế Lan Viên là người làm thơ theo ý định sẵn? Làm thế nào để biết một tác phẩm là một bài thơ mà không phải là một cái gì khác? Khi đọc thơ, anh làm cách nào để nhận ra một bài thơ dở (để khỏi phải mất thì giờ cho nó nữa)? Làm cách nào anh nhận ra một bài thơ hay? Cách dùng chữ có phải là nhu cầu nội tai? Thơ có vần và thơ không vần với những ưu thế và hạn chế của chúng như thế nào? … Người đưa ra những câu hỏi này đã đi vào bản thể của lao động nghệ thuật thơ. Nhìn vào những phần trả lời của các nhà thơ, người đọc bắt gặp nhiều kinh nghiệm và tri thức phong phú, thú vị, và không hẳn lúc nào cũng gặp gỡ nhau. Tôi thấy không cần thiết phải dẫn ra những ví dụ cụ thể. Điều mà tôi tâm đắc là, có thể tìm thấy ở đây nhiều kiến thức chuyên môn bổ ích, nhất là đối với những người trẻ mới làm thơ, hoặc những nhà thơ không tự cho mình là đã đủ (tri túc). Đặc biệt, ngay cả giới làm phê bình cũng rất cần biết loại tri thức này. Có hiểu mới có thể đồng cảm được nỗi khổ ải và hạnh phúc của lao động ngôn từ, hiểu được những vẻ đẹp sâu sa và nhiều khi bí ẩn của sáng tạo thơ. Trong tập sách này, nhiều bài đối thoại có hàm lượng trí tuệ cao như trường hợp với Hoàng Cầm, Nam Dao, Dương Tường, Lê Đạt và một số trường đoạn ở một vài bài khác.
Thứ ba, loại câu hỏi tập trung vào những người làm thơ trẻ. Các nhà thơ được trò chuyện trong tập sách này chỉ duy nhất có một người viết trẻ là Nguyễn Thế Hoàng Linh, còn lại đều là các nhà thơ đã không còn trẻ nữa, hoặc một số đã lớn tuổi. Trong số này, có một số nhà thơ đã trực tiếp phát hiện và nồng nhiệt ủng hộ sự xuất hiện của các cây bút trẻ (mà tiêu biểu là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo), số còn lại, họ đều nhiệt thành lắng nghe và trân trọng, chia sẻ với những tìm tòi, thể nghiệm cũng như thành tựu bước đầu của các cây bút trẻ. Tuy nhiên, hầu hết các tác giả cũng đã chỉ ra một số điểm rất đáng tham khảo đối với những người viết trẻ. Nhà thơ Lê Đạt cho rằng “các nhà thơ trẻ hiện nay thích nổi tiếng quá(…). Thích nổi tiếng không phải là một tội. Nổi tiếng cũng thú vị lắm chứ, nhưng không nên lấy đó làm mục đích của đời mình. Cái thiếu sót chính của thế hệ trẻ hiện nay là vốn văn hóa. Trong văn chương không có trình độ, không có vốn văn hóa thì anh khó đi xa được”. Nhà thơ Dương Tường cũng khẳng định tương tự: “người làm văn học cần có cái culture generale, tức là cái nền văn hóa chung. Không có cái nền văn hóa như thế thì anh chỉ viết một thời gian rồi hết vốn liếng, không đi xa được”. Ông còn cho rằng các nhà thơ trẻ rất “cần sự tinh luyện” ở chỗ “không được thỏa mãn với chính mình”, và cần phải đạt đến độ “tinh chất” trong việc sử dụng từ vựng, sử dụng chữ, tránh phung phí, dễ dãi…
3. Một vấn đề quan trọng nữa mà tác giả Nguyễn Đức Tùng đặt ra trong sáng tạo thơ ca đó là sự thành thực (tôi mượn chữ của Hoài Thanh). Các nhà thơ đều thống nhất với nhau ở điểm căn cốt này. Nếu không bắt đầu từ sự thành thực với chính tâm hồn mình sẽ không có gì hết. Thành thực chính là máu của thơ ca, rộng ra là của văn chương, nghệ thuật.
Tôi rất tâm đắc với ý kiến của nhà thơ Nam Dao. Ông nói: “… Vì thế, thơ trước hết phải thật. Thật tâm. Thật lòng. Thật như khi cởi quần lột yếm trần mình múa trước nhân gian. Nhưng không phải trưng ra cái xác, mà là phần hồn của kẻ làm thơ”. Nguyễn Đức Tùng trong bài Mừng vui còn có hôm nay đã đẩy ý tưởng này xa thêm bước nữa rằng có thể trong thơ thấy “một ý tưởng chân thật. Nhưng ý tưởng thơ không thì chưa đủ để thành thơ. Mặt khác, cái gì không làm tôi xúc động, thì nó không thật đối với tôi”.
Đó là trong thơ. Còn trong thái độ sống, thái độ ứng xử của mỗi một nghệ sĩ trước cuộc đời, trước dân tộc cũng không thể xem nhẹ sự thành thực (trung thực, thành thật, thật lòng).
Từ sự thành thực với chính mình, với cuộc đời mới có sự thành thực trong nghệ thuật. Có sự thành thực này sẽ có sự thật, tự do, sáng tạo. Tôi xin chia sẻ với phát biểu của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Điều quan trọng là nhà thơ phải nói ra sự thật. Nói ra được sự thật là nhà thơ đã tìm được tự do. Tôi nghĩ, tự do đối với văn nghệ sĩ chẳng ở đâu xa. Tự do chính là lúc anh ta nói ra sự thật”. Tôi thấy không cần bình luận gì thêm về ý kiến này.
4. Điều cuối cùng tôi muốn nói về tác giả của tập sách: nhà thơ, nhà nghiên cứu - phê bình văn học Nguyễn Đức Tùng.
Trong các bài trò chuyện, đối thoại, Nguyễn Đức Tùng thực hiện một số thao tác: chọn người đối thoại, xác định chủ đề trọng tâm, dựng các câu hỏi, dẫn dắt hoặc luân chuyển chủ đề cuộc thoại, đối thoại với người đang thoại, điều tiết nhịp điệu và nhiệt độ cuộc thoại, và cuối cùng là dựng bài. Về cơ bản, các vai trò đó anh tiến hành khá linh hoạt và hiệu quả. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng như ý muốn. Cũng có đôi lúc do vai trò điều tiết bị buông lỏng, anh đã để cho câu chuyện rơi vào tình trạng bông phèng hơi dài, hơi quá liều lượng. Tuy những người tham gia cuộc thoại được quyền làm vậy, và cũng có tác dụng nhất định với chính họ, nhưng người đọc không được hưởng lợi gì từ đó.
Có thể nói, câu hỏi “Thơ đến từ đâu” lấy làm tựa cho tập sách này đã được các nhà thơ và chính tác giả lý giải theo những cách rất phong phú khác nhau, và không ai tự cho mình là tiếng nói cuối cùng. Cho nên, câu hỏi ấy vẫn còn bỏ ngỏ. Cuộc truy tầm thật nồng nhiệt, ráo riết, nhưng là một cuộc truy tầm bất thành. Nó cũng bất thành như chính việc đi tìm một định nghĩa cho thơ như lời “tự thú’ của Nguyễn Đức Tùng sau khi anh kê cứu hàng loạt các định nghĩa này khác. Điều đó càng chứng tỏ về một hiện tồn vĩnh cửu của thơ như một nghịch lý: thơ do chính con người sáng tạo ra nhưng lại luôn thách đố con người. Thơ mãi mãi là một thế giới bao la và bí ẩn. Các kinh nghiệm và tri thức của mỗi nhà thơ, qua mỗi thời đại sẽ ngày càng làm giàu có cho sự hiểu biết về thế giới “bất khả giải” ấy.
Để tiến hành tốt các thao tác trên, người “đầu trò” phải là người tinh thông nghề nghiệp. Nghề nghiệp mà tôi muốn nói ở đây là: chuyên tâm công việc làm thơ, có tri thức sâu rộng về lý thuyết sáng tạo thơ ca và thực tiễn sáng tạo thơ ca trên thế giới cũng như trong nước. Thêm nữa anh còn phải hiểu biết thấu tình đạt lý trạng thái tinh thần của người trong giới cũng như xã hội, phải có phẩm chất liên tài, và trên hết cần có một tấm lòng to lớn đối với thơ ca, với tiếng Việt, với dân tộc. Nguyễn Đức Tùng đã hiện ra trong trang viết với một tư thế ấy, một tấc lòng ấy.
Trong thời buổi thơ ca nói riêng, văn chương văn hóa nói chung đang bị tha hóa bởi nhiều thứ, Thơ đến từ đâu xuất hiện như một tiếng nói trong lành, thành tâm, tin cậy.
Hà Nội 1.10.2010
Văn Giá

12/8/2020
Nguyễn Đức Tùng
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...