Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Thi pháp hiện đại

Thi pháp hiện đại

Nhân đọc “Phải khác” của Lê Huy Quang (NXB Hội Nhà văn - 2009).
Mấu chốt của thơ là thi pháp 
Thơ là một trong những thể loại đặc biệt của văn học. Do đặc trưng của  ngôn ngữ đầy âm tiết với sáu âm sắc của tiếng Việt, nên ngay trong lời nói giao đãi bình thường đã hàm chứa nhiều ngữ điệu về mặt hình thức giống như thơ. Thể thơ có thể xếp vào quốc thi là lục bát, thể hiện rất rõ đặc trưng ngôn ngữ này. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên hiện tượng nói vần trong dân gian, cùng dòng ca dao khi biểu hiện thuần túy bằng ngôn ngữ nói hoặc được thể hiện qua các làn dân ca các miền như Quan họ, một số làn điệu chủ chốt trong Chèo ở miền bắc, hát Ví dặm vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, điệu hò Mái nhì ở Huế, bài Chòi ở miền trung… đều dựa trên âm vận của lục bát. Đặc điểm của ngôn ngữ tiếng Việt đã tạo ra hiện tượng quá dễ, để trở thành người làm văn vần. Và khi việc in ấn bằng tiền của tác giả được chấp nhận và khuyến khích; thì sự bùng nổ số lượng tác phẩm thơ và nhà thơ gần đây đã đạt sự gia tăng ghê gớm, đến độ trong giới đã đề nghị vui “cần một trung tâm cai nghiện thơ“ để tránh sự lãng phí về giấy in và sự lạm dụng thơ”. Nhưng nếu nói một cách lý luận thì việc nói vần, viết vần thậm chí cố tình viết tùy hứng theo kiểu xuống dòng, chấm, phẩy câu theo ý mình để làm khác việc viết văn xuôi cũng chưa thể gọi đó là tác phẩm thơ và càng không thể gọi người có cách viết đó là nhà thơ một cách tùy tiện, như hiện nay chúng ta đang dùng một cách lãng phí và thiếu chuẩn xác danh hiệu cao quý này. Thơ đúng nghĩa, thì ngoài yếu tố đặc trưng là sự chắt lọc của ngôn ngữ, sự phô diễn trình bày bằng phương thức đặc biệt những cảm xúc trước cuộc đời, nhân thế, sự vật thì thơ có thể coi là thể loại đầu tiên, khởi thủy và mở đầu cho mọi thể loại của văn học. Ngay từ thời cổ đại, người ta đã dùng thơ để viết anh hùng ca (một loại tiểu thuyết sơ khai theo dạng thần thoại mà tiêu biểu là tác phẩm của Hô me), viết kịch. Kịch - thể loại khó nhất trong các thể loại sáng tác trong văn học này, được ra đời đầu tiên dưới dạng thơ. Kịch của Xôlôphốc, Ét Sin thời cổ Hy - La, rồi cả bi kịch và hài kịch của Sếcxpia thế kỷ 15 vẫn viết bằng thơ, sau này đến thế kỷ 16, 17 với các tác gia lớn như nhà hài kịch Môlie, Gớt, Sin le; cũng vẫn chuộng thơ để viết kịch và đến đầu thế kỷ 18 thì kịch các nhà viết kịch mới bắt đầu dùng văn xuôi để sáng tác kịch bản. Tuy vậy, kịch thơ vẫn tồn tại như một thể loại độc lập và bình đẳng đối với các thể loại khác. Bằng chứng này hiển hiện ở việc các loại kịch dân ca ở Việt nam đang tồn tại với sức sống mãnh liệt, hay việc kịch được viết bằng thơ vẫn đang tồn tại, mặc dù số lượng kịch thơ ở ta hiếm hơn so với kịch viết bằng văn xuôi và các nhà viết kịch dùng thơ viết kịch hiện nay ở ta đếm chưa hết ngón một bàn tay. Ở Việt nam, khi chưa du nhập văn hóa phương tây mà tiêu biểu là văn học Pháp, thì thơ vẫn thống trị và được ưa chuộng với vị trí độc tôn khi các tác giả dùng nó để viết các truyện nôm khuyết danh và có danh. Nói như vậy để thấy rằng, thơ là thể loại đầu tiên của văn học và giữ vai trò để mở đầu và triển khai các thể loại khác. Chính vì thế nên ngay từ thủa sơ khai, và trong suốt quá trình lịch sử văn học của nhân loại cũng như ở nước ta, thơ luôn luôn đứng ở vị trí trung tâm của sự nghiên cứu của các nhà lý luận. Arixtốt, triết gia hàng đầu của nền triết học cổ đại đã có hẳn một công trình nghiên cứu cốt lõi về thơ với nhan đề “Thi pháp”. Đến Boa Lô, nhà phê bình lừng danh thời cận đại của Pháp đã dùng chính thơ để viết một chuyên luận về thơ, hay Bêlinxki của Nga đều có những tác phẩm lý luận, phê bình cắt nghĩa tính hấp dẫn, thần kỳ của thơ. Ở ta, Hoài Thanh cũng có việc làm tương tự khi cho ra tác phẩm “Thi nhân Việt Nam” để tuyển những bài thơ hay của những tác giả tiêu biểu cho phong trào thơ mới cùng những lời bình khúc triết, tinh tường. Dường như tất cả mọi tác giả khi bàn về thơ đều có khuynh hướng tìm ra thi pháp - xương sống của thể loại thơ - của các trường phái, của các dòng tác giả, hay một tác giả. 
Sự tiệm cận của thi pháp hiện đại 
Như trên đã nói, hiện tượng lạm phát thơ ngày càng nhiều của nước ta đến độ có người bi quan đã cho rằng thơ Việt nam đang đi vào sự bế tắc. Lý do của sự bi quan này, là trong hàng nghìn bài thơ liên tục sòn sòn được đẻ ra, trong hàng vài trăm tập thơ được in hàng năm; chưa thấy một bài thơ nào hay, một tập thơ nào có ấn tượng đến độ ngay một cuộc thi thơ của một tạp chí văn nghệ lớn như VNQĐ; cũng buộc phải trao giải cao cho những bài thơ “thường thường bậc trung”được phiếm chỉ là những bài thơ hay. Một nhà thơ vừa khuất là Lê Đạt thì “ngay từ nhỏ… đã ôm ấp mộng cách tân thơ Việt“, nhưng xét cho đến cùng thơ của Lê Đạt cũng chỉ là một phong cách thơ. Gần đây, với cách dùng từ, dùng chữ mang nặng phong cách ít nhiều cùng dòng với Lê Đạt trong tập thơ “Phải khác”của Lê Huy Quang; cũng bộc lộ một cách manh nha thi pháp thơ khác hẳn thi pháp thơ quen thuộc ngự trị gần một thế kỉ, kể từ khi thơ mới ra đời. Thi pháp này tạm gọi là thi pháp hiện đại. Nếu sự xuất hiện của thơ mới bắt đầu từ bài thơ “Tình già” của Phan Khôi, rồi sau đó với các đại diện kiệt xuất như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận… Được xem như một cuộc cách mạng của thi ca Việt nam, thì sự le lói của thi pháp hiện đại với Lê Đạt và trong chừng mực nhất định trong “Phải khác“ của Lê Huy Quang, vẫn dừng ở sự thể hiện một sự tìm tòi để đi đến một dòng thi pháp. Có lẽ cũng cần nhắc thêm một tên tuổi nữa cũng rất sáng giá để nói về thi pháp hiện đại. Đó là Trịnh Công Sơn. Trong di sản của dòng nhạc ghi đậm tên mình, thì Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ vĩ đại, nổi danh không chỉ trong nước mà cả thế giới; nhưng chỉ xét riêng về ca từ thì hầu hết các ca từ trong hơn 500 ca khúc của ông đều có thể đứng biệt lập với tư cách là những bài thơ biểu hiện thi pháp hiện đại. Hãy bắt đầu từ những câu thơ tiêu biểu của ba tác giả. 
Của Trịnh Công Sơn 
Màu nắng hay là màu mắt em
Mùa thu mưa bay cho tay mềm
 Rồi có hôm nào mây bay lên
(Nắng thủy tinh) 
Của Lê Đạt
Áo gió buồn lên thấu biển đông
Lưng thuyền chành sóng ngực cồn trăng 
(Phong cảnh) 
Thêm câu nữa 
Xuân sớm liễu rờn hoa thể dục
Ngó đèn hơi ngực phố đầy em
Của Lê Huy Quang
Anh lang thang em
Anh xanh xao em
Anh mi ni em
Đêm về
Anh
tiết canh
Em…
(Chân dung)
Những câu thơ này, nếu được tung ra vào những năm giữa và cuối của thập kỉ 50 của thế kỷ XX; thì người ta sẽ nhao nhao lên kết tội tắc tị vì nó cùng dòng và hao hao với câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Xuân Sanh “đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”. Đứng về mặt cú pháp thông thường, và nếu từ góc độ nhìn của các nhà ngữ pháp học sư phạm, thì câu thơ của Nguyễn Xuân Sanh và đoạn ca từ (cùng tồn tại độc lập) như các đoạn thơ trích trên của ba tác giả, đều phạm luật và không thể chấp nhận về mặt ngữ pháp, nhưng khi nó ngân lên bằng nhạc và được đọc bằng ngữ điệu của thơ thì ngay lập tức chúng tạo ra sức mạnh của sự rung cảm và sức nặng của sự rung động mà chỉ có thơ mới tạo ra; để sau đó là ngân ba trong lòng và trong trí của người đọc, người nghe. Câu thơ “song song gờn gợn em“ của Lê Huy Quang trong bài “Sương”, có thể coi là một ví dụ điển hình của dòng thi pháp này. Đấy chính là tác động đầy ấn tượng của các thi phẩm theo thi pháp hiện đại. Chỉ có điều, nếu chỉ xét từ các đoạn trích trên thì của Trịnh Công Sơn, của Lê Đạt nhuyễn hơn của Lê Huy Quang. Đoạn trích trong bài thơ “Chân dung“ của nhà thơ họ Lê xứ Nghệ, vừa nêu lộ rõ sự làm dáng cố ý trong bút pháp. Vết đẽo trong nghệ thuật “làm mới thơ” của Lê Huy Quang hơi rõ. Điều này khó tránh khỏi, khi bài “Chân dung” khá tiểu biểu cho thi pháp hiện đại của LHQ được viết vào năm 1969, khi ông mới 25 tuổi. Còn đọc toàn bộ 108 bài thơ, nằm trong hai phần của “Phải khác”; mà chủ ý của tác giả như một sự sơ khởi tổng kết sự nghiệp 40 năm làm thơ của mình từ 1968 đến 2008; thì nổi lên hai điều mà người đọc dễ cảm thấy. Một là, tập thơ “Phải khác“ là một tập thơ hiếm hoi, trong hàng trăm tập thơ in ra trong năm 2009 hấp dẫn được người đọc. Hai là, “Phải khác” là tập thơ dễ trở thành một chủ thể cần bàn, vì tính độc đáo, cách tân chủ yếu trong giọng điệu của nó. Sự hấp dẫn và tính độc đáo của tập thơ này, đa phần nổi lên từ những bài thơ mà Lê Huy Quang dày công và có chủ ý trong sự làm đổi mới phong cách thơ của mình. Tính hiện đại trong thi pháp của “Phải khác“, đã mang lại thành công trong tập thơ này. Người đọc sành, có thể nhận ra trong thi phẩm này có hai dòng thơ biệt lập với nhau. Một dòng thơ mà dù viết đề tài nào, Lê Huy Quang cũng rất chủ động tìm tòi bằng cách dùng chữ, các kết cấu câu, đổi trật tự từ để từ đó mang lại những hiệu quả tác động của thơ bởi tính bất ngờ và khác biệt. (Đó là tôi không tính đến sự hấp dẫn từ sự cắt câu, cắt nhịp mang tính hình thức mà họa sĩ trang trí sân khấu Lê huy Quang, tỏ ra rất sành điệu khi viết và in thơ của ông). Những câu thơ viết từ khi chưa đầy 30 tuổi, đã lộ rõ ý thức cần tìm đến một sự cách tân trong thơ (Nguyễn Đình Chính tỏ ra khá tinh tường trong thẩm thơ, đã nói “Hồi đó mà Quang đã viết thế thì cũng vào loại ghê đấy). 
Đầu ô nào
riêng gió
dẫn đưa anh
(Đầu ô chuyển gió) 
Hơn chục năm sau, khi đã chớm tuổi 40, sự gắng tìm, sự thể hiện mới này, vẫn tiếp tục: 
Ngước tìm xuôi ngược
Lăn phăn đan ngực gầy mưa
Và khi làm thơ đã gần đến năm thứ 40
Tôi bập bềnh trôi nổi
Và ngã xuống mùi nước hoa suông
Không phải bỗng nhiên, tôi đặt Lê Đạt và Lê Huy Quang trong sự song trùng về ý thức cách tân thơ, để tạo ra một dòng thơ có thi pháp hiện đại. Cả hai ông đều thích dùng nhiều từ lặp đi lặp lại nhiều lần, một cách đột ngột. Một trong những từ đó phải kể đến từ “em”. Ở Lê Đạt là” em về trăng đầy cong thương nhớ” (Bóng chữ), hay “ngó đèn hơi ngực phố đầy em” (Hồ sớm); thì ở “Phải khác”, tôi bắt gặp không dưới chục lần nhà thơ xứ Nghệ này dùng từ “em” một cách tài ba. ”Mùa xuân này tôi đi suốt em” (Nước mắt chiều). ”Tôi ký sinh trùng dọc thể xác em“ (Nguyện cầu). ”Tóc nhòa bóng nước cội nguồn là em”( Về đi thôi gió). ”Cho đời sạch sẽ lối em buông… (Chân dung hai mươi mốt)… Bên cạnh dòng thơ đầy ý thức cách tân này (từ chủ đề đến cách biểu hiện), thì trong Phải khác, còn một dòng thơ tạm gọi là thơ thế sự, thể hiện ý thức công dân của nhà thơ, với những nôn nao mang chức phận báo chí như “Phác thảo màu da cam”, “Phải khác”, “Một năm”, ”Phố huyện“,”Ánh đèn giữa trưa”… thì Lê huy Quang tỏ ra hiền lành hơn, và dường như ông lại trở về thi pháp bình thường với những câu thơ bình dân và đại chúng. 
Thử truy tìm sự khác biệt của thi pháp phổ thông và thi pháp hiện đại 
Tôi đã đọc không dưới 100 tập thơ của bạn bè gửi tặng và tự mua trong năm qua, kể cả một vài bản thảo thơ của bè bạn, mới chợt nhận ra rằng - Không kể số ít các người làm thơ có tính a dua thời thượng, thích coi thơ như một sự trang trí cao quý trong cuộc sống no nê, viên mãn (trong số này có người đã được gọi là nhà thơ Hội viên hẳn hoi, nhưng ngay cả luật bằng trắc cũng chưa nắm được); thì với thi pháp cũ, các tác giả thường bắt đầu bài thơ bằng một cảm hứng được chắt lọc ra từ kinh nghiệm, kỷ niệm và cả trình độ sống của mình. Như cha ông ta thường nói “tức cảnh sinh tình“, để rồi từ cảm hứng đó viết nên những dòng thơ thể hiện lại cảm hứng của mình, bằng những câu thơ thuần túy tả đơn giản y hệt như người ta nhìn thấy bức tường nhẵn lỳ, mà biết chắc sau đó không có một mạch ngầm nào. Những bài thơ kiểu này thường tả cảm xúc của mình, bằng những vật liệu kết cấu ngôn từ, cú pháp phổ thông, được chắt lọc, làm duyên qua mạng lưới của thơ kiểu như “sao em lại buồn?. Khi anh như chiếc thùng săng/ Sôi sùng sục/ yêu em cháy bỏng/ Không chút nào nguôi”… Hay “anh đã đi qua nhiều vùng hoa trái/ Sao vẫn nhớ hoài hương vị lòn bon”... Từ sự dễ hiểu đến sự đơn nghĩa cực kỳ đó, thì cho dù nhà thơ và cả những người bạn của nhà thơ khéo mồm và dầy kiến thức đến đâu, cũng tạo ra sự nhàm chán của những văn xuôi xuống dòng cố ý mang hình thức thơ đó. Còn ở thi pháp hiện đại, đằng sau sự cảm nhận cuộc đời đến thế nào, thì đôi khi thơ chỉ chợt đến và được bắt đầu bằng một từ hay một câu có kết cấu lạ, nhưng mang đầy sự cảm nhận và đủ sức hàm chứa độ nặng của những trải nghiệm cuộc sống của tác giả, để sau đó là sự tiếp tục của những sự sáng tạo, đắp điếm để tạo ra một thi phẩm hoàn chỉnh. Trong cấu trúc ngữ pháp theo dòng thi pháp hiện đại này, có nhiều sự thay đổi làm các nhà ngữ pháp học đau đầu, nhưng lại ít nhiều làm người nghe, người đọc cảm thấy thú vị, bị hấp dẫn bởi sự đảo từ, thay công dụng của các loại từ một cách thú vị. Ở ba tác giả trên, nhất là ở ca từ của Trịnh Công Sơn, thì danh từ có thể làm công việc của động từ. Chủ ngữ giữ vai trò của tân ngữ hoặc bổ ngữ. Tôi đồ bài “Bóng chữ” của Lê Đạt có thể chỉ bắt đầu từ sự vụt lóe của câu thơ bất chợt nẩy ra trong đầu ”vườn thức một mùi hoa đi vắng“. Bài “Hương nắng“ của Lê Huy Quang, có thể cũng được hình thành tương tự từ câu thơ lạ bất ngờ đến ”rung cánh ong đàn ngọt mật“…
Gần đây trong làng văn, cũng có một vài vị cổ súy cho dòng thơ mà các vị đó cho là tân hiện đại, tân hậu hiện đại… nhưng quả thật tôi không biết sự cách tân của các vị đến đâu, nhưng trong các bản thảo thơ đó có khá nhiều ngôn từ được dùng trong chửi nhau, văng tục…hoàn toàn không phù hợp thể loại thơ. Mặc dù trong những bản thảo đó, không ít tứ mang nặng chất thơ hiện đại. Nhìn rộng ra như vậy, để thấy sự cách tân trong thi ca là công việc rất cần nhiều đến tấm lòng và tài năng của nhà thơ. ”Phải khác” của Lê Huy Quang là một thi phẩm đáng quý cũng vì nhẽ đó. 
Quỳnh Mai, mấy ngày tết Canh Dần 
Tháng 2/2010
Nguyễn Hiếu
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...