Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

Vấn đề đã xác minh: Ai là tác giả bài thơ "Kỷ vật cho em"

Vấn đề đã xác minh:
Ai là tác giả bài thơ "Kỷ vật cho em"

VCV: Nhận nhiều thông tin quanh tác giả bài thơ “Kỷ vật cho em“. Có tác giả còn viết nguyên một bài về vấn đề này. Để làm rõ VCV đã nhờ các tác giả có quan hệ và biết rõ về Linh Phương và các sự kiện chung quanh bài thơ này. Và thật bất ngờ, tất cả anh em đều nhiệt tình viết cho VCV. Chúng tôi tôn trọng các tác giả nên xin đăng nguyên văn dù có rất nhiều đoạn trùng lắp. VCV cám ơn Nhà thơ Vũ Trọng Quang, Hội viên Hội nhà văn Tp.HCM, Nhà báo Lâm Quốc Trung hiện đang công tác tại báo Đất Mũi Cuối Tuần, Nhà thơ Nguyễn Mộng Hòa Bình hiện đang công tác tại HTX Giao Thông ở bên Thủ Thiêm Q.2. Tp.HCM, nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm dược sĩ, nhà ở hiện nay vẫn dưới chân cầu chữ Y. Tp.HCM, ký giả Thiện Mộc Lan, phóng viên báo Đuốc Nhà Nam đã viết nhiều bài về Linh Phương trước 1975, hiện về quê Sa Đéc sinh sống, cư ngụ tại 79 Phan Bội Châu. Tiến sĩ DS. Nguyễn Hữu Đức tức Họa sĩ biếm Đức. Nhà thơ Vũ Ngọc Đức. Về hình ảnh và tư liệu liên quan như carte visite, các bức ảnh chúng tôi thấy không cần thiết. Và như thế đã có đủ tư liệu về tác giả bài thơ “Kỷ vật cho em“. Một lần nữa cám ơn các bạn đã cung cấp tư liệu từ hai phía và  xin không trở lại vấn đề này. Nguyễn Hòa vcv. 
Linh Phương, Ngày ấy, Bạn tôi 
Chúng tôi cùng học trường Trung học Bồ Đề (trước đó có tên Trung học Nguyễn Văn Khuê, khi Ngô Đình Diệm bị đảo chánh trường được đổi tên như trên). Sau ngày 30.04.1975 Trường lại được đổi thành trường Trung học cơ sở Đồng Khởi tọa lạc ở số 80 Nguyễn Thái Học Q.1. Tp. HCM. Tôi vào học từ năm 1962, vài năm sau quen với Linh Phương lúc Linh Phương và Lâm Quốc Trung * học lớp đệ Tam C (tức là ban văn chương tương đương với lớp 10 bây giờ) tôi và Nguyễn Hữu Đức học lớp đệ Tam A, Đức (tức họa sĩ chuyên vẽ tranh biếm họa) hiện nay là tiến sĩ dược sĩ giảng dạy tại Đại Học Y Dược TP.HCM. Chúng tôi thân nhau hơn khi cùng làm báo tường cho lớp, Linh Phương và Lâm Quốc Trung thuộc nhóm văn nghệ Hoa Đông Phương, tôi trưởng nhóm Văn Đoàn Vùng Lên, sau khi Lâm Quốc Trung trốn quân dịch, hai chúng tôi hợp nhất lại cùng đồng chủ trương văn nghệ Động Đất Sài Gòn, lúc ấy ở Tây Ninh cũng có văn nghệ Động Đất do nhà thơ Sa Chi Lệ chủ trương, hồi tưởng lại tức cười, nhà thơ  Sa Chi Lệ thắc mắc tại sao Tây Ninh có Động Đất mà Sài Gòn cũng có Động Đất, bây giờ hiện thực vào năm 2005 Sài Gòn có những cơn địa chấn rung chuyển hết hồn người dân thành phố, không biết Tây Ninh có cảm giác bàng hoàng ấy chưa? Chúng tôi lấy nhà số 104/23 Yersin (nhà của mẹ tôi) làm trụ sở, nói trụ sở cho nó oai chứ thật ra đây là ngôi nhà gác gỗ nhỏ ở trong Khu Dân Sinh (tôi còn lưu giữ một danh thiếp ghi tên và địa chỉ nơi này cách đây hơn 35 năm). Chúng tôi in thơ của Linh Phương, của tôi và một số hội viên, Nguyễn Hữu Đức hồi ấy có hoa tay của một họa sĩ, nhiều tranh minh họa do Đức thực hiện. 
Linh Phương sau những đợt biểu tình, bị đẩy vào quân ngũ, tôi tiếp tục lên đại học. 
Tuy ở hai môi trường khác biệt, hai người vẫn liên hệ gặp nhau, ngoài những tập thơ in bằng cách quay ronéo, chúng tôi gửi thơ cho nhiều báo, khi bài được đăng thì đem ra khoe (trẻ tuổi mà). Bài thơ "Để trả lời một câu hỏi" của Linh Phương đăng trên nhật báo Độc Lập đem ra khoe là bài thơ làm để tặng một người con gái tên Hương (cùng học trường Trung học Bồ Đề) nhà ở số 25 Bến Nguyễn Duy Quận 8, Tp. HCM. Đây là một địa chỉ mà Linh Phương, tôi, nhà thơ Nguyễn Mộng Hòa Bình ** hay đến nhà chơi, Hương tên đầy đủ là Châu Thị Hương làm thơ thời học trò với bút hiệu Thu Hoài Hương, sau 1975 theo chồng về miền Trung: thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, Phú Yên. 
Bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy chuyển thành ca khúc Kỷ Vật Cho Em. Văn nghệ Động Đất ấn hành tập KVCE cho Linh Phương, tôi viết lời bạt cho tập thơ, bây giờ đọc lại những điều mình viết thời hai mươi tuổi thấy ngô nghê nhưng thực lòng (bài này trang web vannghesongcuulong.org có trích đăng lại). Sau này tập thơ Kỷ Vật Cho Em được Thư Quán tái bản.         
Lúc ấy có nhiều tờ báo làm ồn ào về quan hệ giữa thơ và nhạc của Linh Phương và Phạm Duy nhưng sự thực thì chuyện không ầm ĩ đến vậy, cả Phạm Duy và Linh Phương sau này đều vui vẻ, nhạc sĩ trả tiền tác quyền cho nhà thơ. Hôm sau bạn rủ tôi cùng một số bạn đi nhậu ngất trời. 
Trên báo Thanh Niên số ra ngày 6-2-2006 nơi trang 19 có viết về Linh Phương như sau: "... Nhà thơ có số phận gian nan và nhiều giai thoại nhất". Đúng vậy. Nhắc lại thời còn đi học, bạn tôi tham gia biểu tình, gián đoạn học vấn, bị đẩy vào lính, Linh Phương đào ngũ, rồi lại vào lính, rồi lại đào ngũ... tôi là người bới cơm thăm bạn qua nhiều trại quân lao giam giữ Phương. Sau nhiều lần đào ngũ LP bị đưa ra làm lao công đào binh, mà thời đó ai cũng biết lao công đào binh là tội phạm phải đi vác đạn trong lúc hai bên đang giao tranh, có nghĩa gần gũi với sự chết. Nhưng dù bị đưa đi lao công đào binh LP vẫn trốn và bị bắt lại, tòa án Mặt trận Vùng 3 Chiến Thuật kết án bạn tôi 5 năm cấm cố và bị đày ra Côn Đảo. Tới đây tôi xin mở ngoặc để kể về sự trốn tránh của LP: Một hôm tôi chở Linh Phương bằng xe Suzuki 50cc từ hướng Hưng Phú ngang qua nhà nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm lên cầu chữ Y thì bị lực lượng hỗn hợp quân cảnh cảnh sát đóng chốt ở trung tâm cầu chận xét, khi tôi trình giấy tờ tùy thân thì Linh Phương đang ngồi phía sau trườn tới trước quay đầu xe lại rồ máy chạy về phía Dạ Nam cầu chữ Y, quân cảnh cảnh sát bắn chỉ thiên theo, Phương vẫn rú ga chạy thoát theo về hướng cầu Rạch Ông, cảnh sát quay lại hỏi tôi : "tên kia là ai vậy", tôi trả lời "là một người lạ xin đi quá giang". Cảnh sát gằn giọng "người lạ xin quá giang sao lấy xe chạy không tri hô", tôi ú ớ cứng họng và bị bắt về bót, nhưng nhờ khi ấy là sinh viên có giấy hoãn dịch học vấn nên chiều tôi được thả ra. Khi về tới Khu Dân Sinh tôi thấy Linh Phương lù đù một đống trong nhà mình. 
Trong suốt hai thập niên 60-70, cuộc chiến vô cùng ác liệt giữa lằn tên mũi đạn chuyện sinh từ ai mà lường trước được, nhiều tin đồn về người này chết kẻ kia mất tích, báo chí miền Nam làm scandal giựt gân bán báo (hoặc có khi họ nhầm) loan tin Linh Phương đã chết, ôi thôi đủ mọi giai thoại, có người từ một câu thơ lo xa hư cấu ngày trở về "bại tướng cụt chân" lại cho rằng Linh Phương là thương phế binh khiếm khuyết tứ chi, mặc dầu cho tới nay bạn tôi còn lành lặn. 
Sau khi rời Côn Đảo, Linh Phương theo gia đình rời thành phố về sinh sống ở Cà Mau, rồi vì những va chạm nơi làm việc lại bỏ đất Mũi tới Rạch Giá viết lách kiếm sống cho đến nay. Hai chúng tôi vẫn là đôi bạn tri kỷ, thường xuyên liên hệ, khi thì thư từ, khi thì vượt mấy trăm cây số đến thăm nhau. Về việc xuất bản: tôi đã xin giấy phép in cho LP hai tập thơ và tập hợp in chung trong nhiều tuyển thơ khác. 
Tôi muốn nhắc đến nhà thơ Vũ Ngọc Đức, trưởng nhóm văn nghệ Hồn Trẻ Hai Mươi, một nhóm thơ văn gồm nhiều tên tuổi thành danh vẫn còn hiệu hữu: Phù Sa Lộc, Hà Thúc Sinh, Trần Kiêu Bạt v.v... Vũ Ngọc Đức viết báo sân khấu kịch trường vơi bút hiệu Phan Bảo Quân, Phan Linh: từng viết bài rất rõ về Linh Phương và những liên hệ với nhạc sĩ Phạm Duy, Phan Bảo Quân là phó đoàn cải lương Sài Gòn 3, hiện vẫn còn công tác tại trụ sở Đoàn tọa lạc ngã tư Trần Hưng Đạo - Huỳnh Mẫn Đạt, Tp. HCM. 
Tôi muốn nhắc thêm đến ký giả Thiện Mộc Lan, phóng viên báo Đuốc Nhà Nam cũng viết nhiều bài về Linh Phương, hiện về quê Sa Đéc sinh sống, cư ngụ tại 79 Phan Bội Châu. Tuy tuổi đã ngoài 70 ký giả lão thành Thiện Mộc Lan vẫn viết sách, ông là tác giả cuốn "Trần Tấn Quốc - 40 năm làm báo" Nxb Trẻ 12-2000 và viết chung với Thanh Việt Thanh cuốn "Nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh" Nxb Văn nghệ Tp HCM.
Tôi viết hơi nhiều về bạn mình, hoài niệm chi tiết lúc còn trẻ đam mê văn chương hợp tác cùng nhau. Tuổi trẻ rồi cũng qua đi, ngày tháng rồi cũng qua đi, nhưng sự thật không qua đi, sự thật cần thiết được lên tiếng, cái gì tốt thì sẽ thắng. 
Vũ Trọng Quang
* Lâm Quốc Trung: cũng là người biết rất rõ Linh Phương thời trẻ, hiện đang công tác tại báo Đất Mũi Cuối Tuần, cư trú tại Nguyễn Tri Phương, Q.5.
Đôi lời về người bạn Linh Phương 
Đến nay, tôi vẫn còn giữ được mối liên hệ với số rất ít bạn bè quen thân từ thời trung học, trong số đó có nhà thơ Linh Phương và nhà thơ Vũ Trọng Quang. 
Thời ấy vào cuối những năm 1962 và đầu những năm 1970, chúng tôi, bạn học cùng trường Trung học Bồ Đề Sài Gòn, thường xuyên gặp gỡ với nhau tại nhà của Vũ Trọng Quang tại Khu Dân Sinh trên đường Yersin, SG. Ở đó, chúng tôi cùng nhau đọc những bài thơ, những đoản văn do chúng tôi viết với sự sôi nổi của thời mới lớn, tràn đầy mộng mơ về mong muốn đạt được đỉnh cao trong nghiệp văn chương. Những bài thơ, những đoản văn ấy sau đó được viết lên báo tường để các học sinh khác cùng trường thưởng thức, được in thành các tập thơ in ronéo để chuyền tay nhau giữa chúng tôi và nhiều bạn bè khắp nơi đọc, để nhân lớn hơn ước mơ trở thành những nhà thơ, nhà văn đích thực. Sau đó, một số trong chúng tôi tiến thêm một bước là có thơ được đăng báo. Nổi đình nổi đám nhất là Linh Phương. 
Và một sự kiện đã xảy ra mà giới văn nghệ miền Nam đều biết là bài thơ "Kỷ vật cho em" của Linh Phương được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc nhưng lại chỉ ghi tên tác giả duy nhất là tên của nhạc sĩ. Là bạn thân của nhau nên chúng tôi biết rõ mọi chuyện, từ lúc Linh Phương đón nhận vụ việc với thái độ trầm tỉnh cho đến khi có sự thu xếp thỏa đáng về chuyện tác quyền của hai đồng tác giả. Sau sự kiện này, bạn bè thân của Linh Phương, trong đó có tôi, thường gọi anh bằng tên nhà thơ, tác giả của "Kỷ vật cho em" và gần như rất ít gọi cái tên trong khai sinh của anh là Đoàn Văn Nhơn. 
Sau khi thi đậu vào trường Đại học Dược Khoa SG, do bận việc học, tôi ít khi gặp. Sau đó, tôi được biết Linh Phương phải gia nhập quân đội chế độ cũ, đào ngũ, bị bắt và đi tù.
Sau 1975, tôi lại có dịp gặp lại Linh Phương. Sau những biến động của cuộc sống đầy ắp bất trắc, Linh Phương về cư ngụ ở Cà Mau và rồi, Kiên Giang. Thỉnh thoảng, anh lên Tp. HCM, thế là bạn bè cũ gặp nhau, uống vài ly rượu và hàn huyên đủ điều. Có điều đặc biệt cần được ghi nhận là mười mấy năm sau 1975, tôi luôn có dịp nhớ đến Linh Phương. Nguyên là sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại trường ĐH Dược làm công tác giảng dạy. Là giảng viên trẻ, tôi thường xuyên đưa sinh viên đi thực tập tại các tỉnh. Những lúc ấy, hàng trang  của tôi được gói gọn trong cái ba lô của chính Linh Phương. Đây là vật dụng mà quân đội chế độ cũ đã cấp cho khi anh khi anh bắt buộc phải nhập ngũ. Đến khi bị bắt vì tội đào ngũ và đi tù, cái ba lô ấy đã nằm lại tại nhà Vũ Trọng Quang và tôi đã mượn để đi công tác xa theo yêu cầu của nhà trường. Mỗi khi vác ba lô lên vai là tôi lại nhớ đến Linh Phương và bài thơ "Kỷ vật cho em". 
Tôi được biết Linh Phương vẫn tiếp tục theo nghiệp làm thơ. Thỉnh thoảng, tôi được đọc bài thơ đăng báo của anh (đặc biệt đăng trên báo Sài gòn Giải phóng), Rất gần đây, tôi nhìn thấy ảnh của anh hội ngộ với nhạc sĩ Phạm Duy đăng trên một tờ báo. Tôi đã buột miệng: "Đúng là quả đất tròn!" và cảm thấy vui vui. 
Gần đây, tôi nghe nói có người cho rằng Linh Phương, người bạn thân dễ chừng lâu đến gần 40 năm và vẫn còn liên hệ, là Linh Phương "giả". Tôi bật cười cho là chuyện đùa nhưng rồi lại hơi lo. Biết đâu có lúc tôi sẽ bị gán cho là Nguyễn Hữu Đức "giả". 
TSDS. Nguyễn Hữu Đức tức Họa sĩ biếm Đức. 
Gặp lại Linh Phương sau hơn 30 năm xa cách  
Linh Phương làm thơ rất nhiều, ngay từ những năm 70 của thế kỷ vừa qua. Nhưng "nổi đình nổi đám" nhất là bài thơ "Kỷ Vật Cho Em" lần đầu tiên xuất hiện trên nhật báo Độc Lập  tựa là "Để trả lời một câu hỏi" được đông đảo bạn đọc dành cho nhà thơ sự ái mộ cuồng nhiệt. 
Trong số bạn đọc đó, nhạc sĩ Phạm Duy có lẽ là người thấu hiểu "tiếng lòng" của cây viết trẻ Linh Phương sâu đậm hơn ai hết. Sau đó không lâu, nhạc phẩm "Kỷ Vật Cho Em" ra đời với nội dung chất chứa trọn vẹn nguyên văn bài thơ của Linh Phương. Làng tân nhạc Sài Gòn lại một phen sôi động với "Kỷ Vật Cho Em" qua "sự cố" Phạm Duy - Linh Phương mà bây giờ nhắc lại, một số anh em văn nghệ Sài Gòn chắc còn nhớ rõ. 
Tôi quen với nhà thơ Linh Phương từ năm 1971, lúc anh đang ở đỉnh cao danh vọng, và tôi là một ký giả của nhật báo Đuốc Nhà Nam tìm đến địa chỉ do nhạc sĩ Phạm Duy cung cấp để làm một loạt bài phỏng vấn Linh Phương. Riêng nhạc sĩ Phạm Duy, đã có lần tâm sự: "Với chiến tranh Việt Nam, tôi đã ba lần viết về hòa bình qua ba tác phẩm Nhớ Người Thương Binh, Ngày Trở Về và Kỷ Vật Cho Em".
Sau năm 1975, Linh Phương và tôi lạc mất nhau. Qua bao thăng trầm, mỗi người một số phận, anh em vẫn nhớ nhau nhưng không có cách nào biết được tin tức của nhau. Tôi thì từ giã làng báo Sài Gòn, trở về quê nhà ở Tỉnh Đồng Tháp hòa nhịp cùng cuộc sống mới. Trên 30 năm, tưởng không bao giờ còn gặp lại Linh Phương, nào ngờ… cuối năm 2005 nhờ ký giả Phan Bảo Quân báo Sân Khấu Truyền Hình (hiện ở Sài Gòn - người viết bài về nhà thơ Linh Phương tác giả Kỷ Vật Cho Em và việc nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ) chúng tôi đã liên lạc được nhau. 
Lá thư đầu tiên sau bao năm "bặt vô âm tín", nét chữ của Linh Phương vẫn đẹp và bay bướm như hồi năm 1971, anh viết tay bài thơ Kỷ Vật Cho Em tặng tôi - Thiện Mộc Lan. 
Từ thập niên 70, Linh Phương đã nổi tiếng là nhà thơ trẻ có nhiều "huyền thoại". Đông đảo các trang báo Sài Gòn lúc bấy giờ tốn khá nhiều giấy mực để viết về Linh Phương với những mảnh đời khá thú vị. Ba mươi mấy năm trước, Linh Phương là một đề tài sôi động, rồi ba mươi mấy năm sau Linh Phương vẫn sôi động. 
THIỆN MỘC LAN
(Ký giả báo Đuốc Nhà Nam - Quật Cường - Độc Lập trước năm 1975)
Linh Phương trong ký ức tôi
Nhà thơ Vũ Trọng Quang ghé thăm tôi khoảng 17 giờ chiều ngày 16/3/2006. Quang cho em bản in trên website http://vanchuongviet.org, ghi lại những thông tin chính thức của nhà thơ Linh Phương về những diễn biến về bài thơ Kỷ Vật Cho Em câu chuyện phức tạp xảy ra trước năm 1975 đến nay vẫn còn tồn đọng lại, do thời chiến khắc nghiệt với những tin đồn về cái chết của Linh Phương. 
Tôi nhớ thật rõ ràng, khoảng 70-75 của thế kỷ XX, văn học miền Nam bây giờ có những hiện tượng sáng chói, khiến người làm văn nghệ thật lưu tâm. Như hiện tượng thơ tình Nguyễn Tất Nhiên (ngoài tập Thiên Tai) bật sóng rực rỡ ở miền đông nam bộ, Trịnh Bửu Hoài với hai tập thơ tình ở miền tây nam bộ, Phạm Thiên Thư với Kinh ngọc - Kinh hiền và 10 bài thơ đạo ca phổ nhạc, Nguyễn Bắc Sơn với những bài thơ ngang tàng, phóng dật,... 
Thì hiện tượng Linh Phương cũng gây ra nhiều sóng gió trên văn đàn miền Nam lúc bấy giờ. Điển hình là bài thơ Kỷ Vật Cho Em được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và tức khắc hình thức phản chiến trong thơ được nhân rộng. 
Bên trong quần chúng hâm mộ,đến nổi đi đến đâu ngoài nhạc Trịnh Công Sơn, Nguyễn Tất Nhiên, thì Kỷ Vật Cho Em của Linh Phương được phổ biến rầm rộ trong các phòng trà quán càfê văn nghệ.
Khoảng năm 1970, lúc tôi và anh em Đồng Bằng Sông Cửu Long tập hợp làm tạp chí Khai Phá và nhà xuất bản Khai Phá nên sự liên lạc với các bằng hữu văn nghệ sĩ miền nam, thật mật thiết và cập nhật hàng ngày nhà thơ Vũ Ngọc Đức (tức ký giả kịch trường Phan Hảo Quân) đến báo tin vừa làm một bài viết trên sân khấu kịch trường về việc tác quyền của bài thơ Kỷ Vật Cho Em. Vũ Ngọc Đức cho hay, với nhiệt tình của nhạc sĩ Phạm Duy, mọi việc được ông giải quyết lịch lãm và phóng Khoáng, Linh Phương nhận được 40.000 đồng. (sau này đọc bản thông tin chính thức của Linh Phương, thì tác quyền nhận được chỉ là 50.000 đồng, gồm một séc pháp Á ngân hàng và 20.000 đồng tiền mặt). Lúc bấy giờ, nhà suất bản Khai Phá đã xuất bản và giới thiệu được nhiều tác phẩm của những anh em văn nghệ sĩ trẻ nổi tiếng như Lưu Nhữ Thụy, Nguyễn Thanh Xuân, Lâm Chương, Hà Thúc Sinh, Phạm Trích Tiên,Trịnh Bửu Hoài, Lâm Châu, Lâm Hảo Dũng, Thụy Miên… 
Nếu tôi nhờ Vũ Ngọc Đức sắp xếp gặp mặt Linh Phương để bàn bạc in cho Linh Phương một thi phẩm, cùng lúc với Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định, Trần Kiêu Bạt, Minh Nguyễn, Trần Mộng Hoàng… tuy nhiên, vì bản chất quá nghệ sĩ, Linh Phương cứ lăng ba vi bộ rày đây mai đó, nên đến 1975, Khai Phá vẫn chưa in được tập thơ cho anh như dự kiến. 
Trở lại vị trí địa dư: Linh Phương, họa sĩ biếm Nguyễn Hữu Đức (hiện là giảng viên khoa dược, Tp.Hồ Chí Minh, với học vị tiến sĩ dược khoa) và tôi, ở trên hai nhánh sông của cây cầu chữ y duyên nghiệp. Nguyễn Hữu Đức ở bên nhánh dạ nam, lúc đó là phường Rạch Ông, Quận 8. Tôi và Linh Phương lại cư ngụ bên nầy nhánh Hưng Phú, thuộc phường Chánh Hưng, cách đầu cầu Chữ Y nơi tôi ở khoảng hơn một cây số là nhà của gia đình linh phương. tuy mang tiếng hàng xóm, nhưng tính Linh Phương trầm lắng, phiêu bạt như cánh mây, lúc mờ lúc tỏ, nên chúng tôi càng rất ít hàn huyên gặp gỡ. 
Trong thời chiến bao nhiêu sự thế nổi trôi là bao nhiêu hình bóng được khắc họa. Đúng thì không nói làm gì, nhưng có lúc cũng lẫn lộn giữa thực ẫn có cái hư. Giai đoạn đó, mặc sức ai muốn thêu dệt, đồn đại thì cứ tung tin, đen trắng rối mù trên các trang nhật báo là cái để câu khách bình dân quá dễ dãi, ở một thời mà sáng sớm khi bình minh bừng dậy, soi gương mới biết mình hạnh phúc sống thêm một ngày mới, người ta cảm nhận cái sống và cái chết có gì đó pha lộn lẫn nhau, nên hỏa mù cứ việc tung hô. Hôm nay, tin đồn anh ngã xuống, ngày mai lại đính chính anh vừa uống cà phê tại Lapagod. Linh Phương cũng không thoát khỏi sự khắc nghiệt đó, có phải vì anh quá nổi tiếng nên phiêu bạt trên sự chú mục của mọi người. Người ta loan tin đồn Linh Phương vừa ngã gục ở chiến trận Hạ Lào. Tôi không hiểu cái ông Trần Tường Trình lấy tin ở đâu mà loan báo loạn xạ như vậy, gây nên một trận cáo phó cho Linh Phương ở các báo lúc đó. Trong lúc đó, Linh Phương vẫn còn sờ sờ cách nhà tôi khoảng hơn một cây số.
Thật ra, thời buổi nhiễu nhương đó người ta cũng có nhiều cách để lăng xê, hoặc thăm dò ý kiến quan tâm về mình, ở những người làm văn nghệ và yêu văn nghệ. Giả chết và đăng cáo phó, như trường hợp nhà thơ Trần Liên Lê Văn Tất (An Giang) và sự tự sát của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa ở Tây Ninh (1990). Nhưng cũng có những bằng hữu văn nghệ sĩ của chúng ta, giã từ anh em giữa lúc tài hoa đang phát triển như Tô Đình Sự tại xa lộ Biên Hòa (tháng 10/1970), Giang Tịch Nhiên ở Vũng Tàu (tháng 9/1970), Thụy Niên tại Sóc Trăng (tháng 7/1972), Thùy Linh Thụy Vũ (Mùa hè đỏ lửa 1972)… Và vẫn còn nhiều bằng hữu khác đã ngả xuống.
Sau những thập niên 80-90, có nhiều lúc họa sĩ biếm Nguyễn Hữu Đức, lúc đó đã là giảng viên trương đại học y dược Tp.HCM, ghé ngang tệ xá rủ tôi xuống nhà Linh Phương, hiện nay là phường 9, đường hưng phú, quận 8, thù tạc vài ly rượu nhạt. cuối năm 1995, Linh Phương đem tặng tôi tập thơ còn thơm mùi giấy lời tự tình phương đông, mà nhà xuất bản Đồng Nai vừa ấn hành. Hiện nay dù đã về trang trại Kiên Giang nhưng thỉnh thoảng Linh Phương cũng ghé thành phố thăm lại anh em thân tình, hoặc lâu lâu tôi cũng nhờ Trương Quang Vinh (là thành viên của Khai Phá) hiện thường trú tại thị xã Rạch Giá ghé tạt xem sức khỏe của Linh Phương. Và gần nhất, cận tết, cách đây gần 2 tháng, sau khi Linh Phương từ Sài Gòn trở về trại Kiên Giang, tôi có chuyển cho Phương hai tập thơ Linh Phương được bằng hữu ấn hành và trò chuyện bằng điện thoại di động, để có dịp trách cứ Linh Phương vài điều, dĩ nhiên qua máy cầm tay tôi lại được nghe giọng cười hào sảng của Linh Phương vang lên từ góc xứ biển miền Tây Nam Bộ.
PhảI chăng, tôi nên khép lại ở đây, gói ghém lại những gì ký ức tôi đã cho phép tất cả chắc chắn là lời thông tin xác thật nhất của Ngô Nguyên Nghiễm về nhà thơ nhiều sóng gió và đáng yêu Linh Phương, một tài hoa lớn của Đồng Bằng Sông Nước Cửu Long 
Ngô Nguyên Nhiễm
TP. HCM, 23 giờ ngày 19.3.2006
Thơ Tình Linh Phương và Nguyễn Mộng Hòa Bình 
Tôi lấy tựa tập thơ “Thơ Tình Linh Phương và Nguyễn Mộng Hòa Bình” làm tựa bài biết này vì đây là một trong những kỹ niệm sâu đậm giữa tôi và Linh Phương. Tôi họ Nguyễn, thời trẻ của tôi đất nước chiến tranh kéo dài liên miên, hỏa châu hằng đêm sáng rực bầu trời, khát khao sự bình yên nên làm  thơ lấy bút hiệu nghe rất “kêu” là Nguyễn Mộng Hòa Bình. Tập thơ quay ronéo in chung của hai người do Văn Nghệ Động Đất ấn hành năm 1970. 
Chúng tôi gồm Linh Phương + Vũ Trọng Quang + Nguyễn Hữu Đức + Lâm Quốc Trung + cùng học cùng trường trung học Bồ Đề (nay là Trường THCS Đồng Khởi): Linh Phương và Lâm Quốc Trung chung một lớp. Vũ Trọng Quang và Nguyễn Hữu Đức chung một lớp, tôi học dưới một lớp. Tuy khác bật nhưng tình yêu thi ca khiến chúng tôi gần với nhau, nhà tôi gần nhà Vũ Trọng Quang mấy căn. Tôi ở số 104/37, Quang ở số 104/23 Yersin, cả hai nhà đều tọa lạc trong khu dân sinh (thuộc quận 2 nay thuộc quận 1) vì lấy số 104/23 làm trụ sở nên chúng tôi thường tập hợp tại nhà Quang nhiều hơn, sau 1975 tất cả nhà trong khu Dân Sinh phải giải tỏa để nhà nước thành lập khu chợ tổng hợp thuần túy. Chúng tôi mỗi người mỗi ngã, làm nhiều nghề khác nhau, tôi nhớ câu thơ Vũ Trọng Quang thể hiện giống như thực trạng của mình: 
Tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác
Nhưng lại không được như bạn:
Làm thơ để được nhẹ lòng mình
Tôi còn “nặng“ chuyện áo cơm nên không lãng mạn đi theo thơ, tôi bỏ thơ, việc mưu sinh kiếm tiền lo cho vợ con đã chiếm hết ngày tháng của thi ca, đọc một câu thơ đã không thể huống hồ vơ vẩn làm thơ. Tôi từ nhà giáo: không đủ sống, chuyển qua đại lý vé số: không đủ sống v.v… còn bây giờ bằng lòng làm ông cán bộ HTX Giao thông chưa ổn định xăng nhớt gạo chợ.
Tôi cùng gia đình về chung cư 342 Nguyễn Công Trứ sinh sống cho đến nay. Linh Phương rời thành phố về Cà Mau, sau đó ngược dòng sông trôi về thành phố Rạch giá, vẫn thơ và mộng, Vũ Trọng Quang vẫn cư ngụ trong địa bàn quận 1 cũng làm đủ nghề, hiện là hội viên hội nhà văn Tp.HCM, cộng tác viên văn học cho một số báo trong thành phố, Nguyễn Hữu Đức trở thành tiến sĩ dược sĩ lại thêm nghề tay “phải” vẽ tranh biếm họa ký tên Đức, Lâm Quốc Trung muôn năm đam mê làm báo, hiện nội trợ cho Đất Mũi cuối tuần. 
Ngoài ký ức về tập thơ in ronéo chung với Linh Phương có số lượng hạn chế chỉ phổ biến trong thân hữu và trong đám học trò. Chúng tôi còn có một kỷ niệm vui là khi Linh Phương nhận được tiền bản quyền bài thơ Kỷ Vật Cho Em từ tay nhạc sĩ Phạm Duy, thời đó bọn tôi nghèo lắm, nên bạn nhận số tiền lớn thì mừng vô cùng, chúng tôi cũng được ăn theo: Linh Phương rủ cả đám đi nhậu quắc cần câu luôn. 
Bây giờ đứa nào cũng qua thời trai trẻ, qua thời trung niên, nay thì tuổi đã ngoài nửa thế kỷ, đầu đã bạc nhưng lòng không bạc, Tôi với Linh Phương vẫn thường xuyên liên lạc nhau, tôi không có điều kiện về Rạch Giá, chỉ đợi Linh Phương lên Sài Gòn, thì hú bạn bè cùng nhau thù tạc, thời điện thoại di dộng phổ biến, bấm bấm nhắn tin, hoặc ok, a-lô-a-lô, chúng tôi luôn gắn bó với nhau. 
Tuổi trẻ bạn bè văn nghệ chúng tôi đã đi qua như thế, vui lắm đẹp lắm,
Nguyễn Mộng Hòa Bình
Vài kỷ niệm với tác giả "KỶ VẬT CHO EM"
Trong thập niên 60, khi còn là học trò cấp hai, cấp ba trường tỉnh, tôi và Linh Phương đã quen nhau qua những bài thơ đăng báo.
Dạo đó, ở tuổi vào yêu, chúng tôi hăng say làm thơ đến nỗi xao lãng cả việc học hành. Tôi và một nhóm bạn bè đứng ra thành lập nhóm thơ Hồn Trẻ Hai Mươi (SócTrăng) hoạt động khá rôm rả. Ở Sài Gòn, Linh Phương cùng Vũ Trọng Quang thành lập nhóm Văn Nghệ Động Đất. Để có điều kiện hoạt động văn nghệ mạnh hơn: Linh Phương và Lâm Quốc Trung cùng hợp tác làm tờ Tinh Hoa, ra được bốn số thì ngưng vì... kiệt quệ tài chánh. Nhờ quen biết nhau, tôi thường có thơ đăng trên tạp chí này. 
Cuối 1966, nghe lời rủ rê của một số bạn bè văn nghệ, tôi quyết định bỏ quê lên Sài Gòn làm báo. Lần đầu tiên, tôi và Linh Phương gặp mặt nhau tại nhà Vũ Trọng Quang (trong Khu Dân Sinh), tay bắt mặt mừng, anh em tha hồ hàn huyên tâm sự.
Bẵng đi một thời gian, vì công việc mưu sinh, chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Tôi lạc lối vào sân khấu cải lương với những trang báo chuyên trách về kịch trường (ký bút danh Phan Bảo Quân, Phan Linh v.v...). Thi thoảng, có một vài chủ báo giao tôi phụ trách trang văn nghệ. Thế là anh em tôi lại có dịp tung hô nhau qua những bài thơ đăng báo.   
Cuối 1969, tôi bị bắt lình vì tội trốn quân dịch. Linh Phương cũng trải qua nhiều sắc lính, rồi lại đào ngũ, rồi bị vào lính, rồi lại đào ngũ v.v... Có rất nhiều huyền thoại về nhà thơ Linh Phương, trong đó đáng kể nhất là nguồn tin Linh Phương đã tử trận ở chiến trường Hạ Lào khiến cho bạn bè trong giới làm thơ một phen lên ruột...      
Về lại Sài Gòn những năm 70, tôi may mắn được anh em bè bạn giao cho phụ trách một vài trang báo kịch trường. Trong số báo đầu tiên ra mắt tuần báo Sân Khấu Truyền Hình, tôi đã thông tin qua bài báo: Phạm Duy, lấy thơ Linh Phương phổ nhạc... Nội dung bài báo viết về việc nhạc sĩ Phạm Duy đã lấy bài thơ Trả Lời Một Câu Hỏi của Linh Phương để chuyển thành ca khúc, và thế là nhạc phẩm Kỷ Vật Cho Em ra đời.       
Bài báo gây chấn động dư luận lúc bấy giờ.  Vụ việc rồi cũng được đôi bên thương lượng giải quyết êm xuôi.       
Kể từ đó, Linh Phương trở thành người nổi tiếng trong giới làm thơ. 
Vũ Ngọc Đức
4/4/2006
Nguyễn Hòa vcv
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...