Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022
Những người đàn bà gánh tro
Con người có khả năng vượt thời gian không? Có lẽ có! Bằng chứng
là mình đang ngồi trên chiếc xe về lại nơi của quá khứ, một thứ gì
đó chợt kéo trào lên, nấc nghẹn nơi cổ, nơi tim, cả cơ thể cứ dờn dợn từng hồi
làm như có những cơn sóng điện nối nhau trườn trên da thịt; rồi mình lại trộn lẫn
những mơ ước, lo lắng cho tương lai, tất cả như đang hiện hữu theo thứ tự một
chương trình cuộc đời giản đơn mà kì bí. Quá khứ! Quê hương! Lễ mơ màng nghĩ về
những điều thiêng liêng đó, anh phân vân chẳng biết chuyến về thăm này ra sao:
có sự quay về, cái chạm tay làm những sợi dây đàn tâm hồn rung ngân giai điệu hạnh
phúc nhưng cũng có cái chạm tay làm cây đàn ấy im tiếng vĩnh viễn… Lễ miên man
trong dòng suy tư từ lúc xe chuyển bánh rời bến Miền Đông. Lễ là người bỏ quê
nhà mà đi, trước kia anh đã từng mang một lời hứa: không bao giờ trở về quê
hương khi chưa thành đạt; sống lâu rồi anh mới thấu hiểu: tiền bạc nhiều, danh
phận cao mà trơ ra như đá chưa chắc là thành đạt, phó dân bình dị mà
thấu lẽ đau đời cũng chưa chắc là thất bại. Anh đọc trong sách của
vua Trần Nhân Tông có nói: “Người quay đầu liền đến quê nhà”, anh lấy bút gạch
dưới câu đó; đêm, ngủ mơ lại nghe tiếng nói từ trời vọng xuống: -“Ngàn năm nữa
mọi chuyện vẫn thế!”. Lễ chưa hiểu hết ý câu đó ám chỉ điều gì, có lẽ trong vô
thức của anh có tiếng nói của quy luật chuyển biến, chứ không phải là phát triển,
nhất là chuyện nhân tình thế thái… Nhưng sao sáng ngủ dậy lại thấy bần thần cả
người làm như có ai dần xương dần cốt anh vậy? Qua hai ngày nghỉ việc, Lễ quyết
định về quê. Những hàng cây chạy ngược về phía sau, những căn nhà lợp lá lấp ló
trong lùm cây xanh giúp Lễ hình dung rõ mồn một nơi ấy, nơi thời
gian không thay đổi, nơi chôn nhao cắt rốn của anh, vùng đất tam giác trước núi
thiêng liêng và đầy kỷ niệm, nơi ấy là con đường hai chiều: lối xanh xuôi hạnh
phúc, nẻo nâu ngược thương đau. Núi Tà Cú, Mũi điện Kê Gà, Hòn Bà đã tạo một
tam giác hữu hình: núi non, cát cháy, biển bờ và một tam giác vô hình: ngoại,
má và em; hai tam giác đó là kỷ niệm, Lễ không thể giết chết được kỷ niệm,
nhưng hai vành tam giác lồng thành một đó là nỗi dằn vặt, buồn tủi, thương đau
thường nhật quật ngã Lễ, chiếm trọn Lễ, anh như bị hút bởi một thứ
thần lực không cưỡng được. Con người ta có thể tách mình ra khỏi đất mẹ nhưng
không thể tách đất mẹ ra khỏi mình được. Ngoại ơi, Má ơi và em nữa! Chẳng có ai
còn sống mà đón thằng Lễ bạc tình, vô đạo trở về!. Chẳng ai còn trên
cõi đời này để Lễ về đứng yên trên đầu cầu Khóm Một mà lặng lẽ nhìn hình ảnh
thân thuộc: dáng cò ngoại, dáng cò mẹ, dáng cò em… tựa câu hát ru thấm đẫm cái
chất một nắng hai sương, oằn lưng, tối mặt gánh tro bán cho làng “lagim” trồng
rau cải? Những gánh tro trấu đen đủi, những gánh tro tình duyên mang nặng từ đời
này qua đời khác, như hậu quả bí ẩn của một việc làm vô tâm động đến
quỷ thần. Làm sao để hạnh phúc muộn màng buông cánh đậu xuống vai những người
đàn bà đã ra đi vĩnh viễn của Lễ?… Nỗi buồn từ trong máu buồn ra, từ khởi
nguyên lòng mẹ đắng cay, vùi dập, từ à ơi câu hát ru êm
êm, não nề, nhoi nhói tim can suốt cả đời người.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Cái còn lại hóa cái không
Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét