Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Người "Sục tìm trong khoảng biếc" thi ca

Người "Sục tìm
trong khoảng biếc" thi ca

 Hồi ấy, tôi còn là học sinh cấp II Thụy Khuê, thường lượn ra hiệu sách Nhân dân để ngắm những bìa thơ trang nhã của các tên tuổi mới ấy, trong đó có tập thơ Tia nắng của Vân Long (NXB Văn Học, 1962, do Văn Cao trình bày bìa) được bầy bên cạnh những Tố Hữu, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung… là những vị đã hiện diện trong sách giáo khoa, lòng dậy lên những khao khát mơ hồ. Tôi đâu đã biết những cay đắng, thậm chí là hiểm nguy của nghề cầm bút! Độ ấy, văn đàn miền Bắc đang trải qua một cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt, nhiều kiện tướng của Thơ kháng chiến chống Pháp gặp phải tai nạn nghề nghiệp, ngậm ngùi thu mình, khép hồn mình lại. 
Nhưng cuộc sống không thể một ngày không có thi ca! Thế là một lớp người làm thơ mới, trong đó có Vân Long, hăng hái vào cuộc, vừa làm nền, vừa bổ sung  cho những “ông khổng lồ” thi ca đang vào mùa chín mới: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh… 
Với thế hệ bổ sung này, xã hội dường như đã “ra đề hạn vận” cho họ và điều quan trọng là chính họ tự nguyện gắn bó với những đòi hỏi của cuộc sống mới, của quần chúng lao động đang say sưa với sự đổi đời. Hai câu đề từ của Nguyễn Bao có thể coi là “tuyên ngôn” của lớp nhà thơ này:
Lý tưởng và Tình yêu
Đã chắp thành đôi cánh 
Đôi cánh ấy đã cho Bùi Minh Quốc Lên miền Tây, Thái Giang có Lửa sáng rừng, Lưu Trùng Dương có Vinh quang thay thế hệ Hồ Chí Minh… Vân Long không may mắn (hay là may mắn) được nổi tiếng, đưa vào sách giáo khoa, được giải thưởng sáng giá như các tác giả trên. “Cái thuở ban đầu yêu thơ ấy” của Vân Long là sự chắt chiu một giọng riêng thủ thỉ, nhỏ nhẹ. Trong chuyện riêng tư, đã đành:
Qua dải sân mưa tôi ngắm em
Màn mưa nhòa những nét thân quen
Tình yêu mới nở sao mà đẹp
Một thoáng nhìn nhau, mưa cũng ghen!
(Qua mưa, 1962) 
cả khi viết về đề tài thế sự “to đùng” như đấu tranh thống nhất nước nhà, Vân Long vẫn tìm ra những “góc nhỏ”:
Bầy ong bay lên theo mặt trời hồng
Chở nắng vàng tươi đôi cánh mỏng
Phải nắng kết tinh tấm lưng vàng óng
Hay mùa màng thịnh vượng cả không trung!...
Ong thi sĩ trở thành chiến sĩ
Khi bóng gấu hỗn hào in sậm nắng trưa
Đòn trừng phạt vút ra vàng loé
Rạng rỡ không gian, tối mặt kẻ thù.
(Bầy ong, 1966) 
Bài thơ này nằm trong Tuyển Thơ chống Mỹ, cứu nước đầu tiên, bài thơ duy nhất trong tuyển không nhắc gì trực tiếp đến thời sự: cuộc chiến đấu lần đầu bắn rơi máy bay Mỹ ở miền bắc hay cuộc kháng chiến miền Nam. Đây là một tuyển thơ quan trọng đánh dấu sự ra đời của lớp nhà thơ mới: lớp nhà thơ chống Mỹ. Rất tự nhiên, Vân Long được “kết nạp” vào lớp này (sau hơn thập kỷ quen tên vì có thơ in trên các báo, có sách xuất bản riêng) bên cạnh những Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Mỹ, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh… phần nhiều trẻ hơn anh. 
Thời điểm ấy, anh đang có mặt ở Hải Phòng, một thành phố của hậu phương lớn nhưng lại là một trong những trọng điểm ác liệt, phải hứng chịu những những trận bom Mỹ rải thảm, những loạt pháo từ hạm đội Mỹ bắn vào, những vòng vây Mỹ vây kín cửa biển. Chính ở nơi này, hồn thơ Vân Long được mới lại, được “trẻ hóa”. Không còn những câu thơ ngòn ngọt dễ dàng, đôi khi mấp mé sự dễ dãi nữa. 
Những tình huống quyết liệt, những cảnh tượng dữ dội, những con người từng trải bom đạn… ở một vùng đất rất đặc trưng, hiện diện trong thơ Vân Long. Thơ anh đậm chất tự sự hơn, gắn với văn xuôi hơn. Đó là khuynh hướng của cả một thời, dẫn đến bước ngoặt của thơ Việt Nam, tiêu biểu là Phạm Tiến Duật nổi lên một năm sau đó (1969) với những câu thơ “bay là là văn xuôi” trong Lửa đèn, Gửi em, cô thanh niên xung phong… 
Tôi yêu những “ký họa thơ” của Vân Long, giờ đây đã trở nên vô giá về những nét sinh hoạt Hải Phòng thời chiến: 
Còi báo yên khai mạc phòng triển lãm
Khách yêu tranh khoác cả súng vào xem
Cô gái nghiêng chiếc mũ rơm đỏm dáng
Di động giữa phòng một đốm sáng vàng chanh
(Thành phố trong tranh, 1968) 
Bài thơ dài Hải Phòng - đêm mùa thu 1967 cũng có những câu dung dị và chắc nặng… Những chuyện kể bằng thơ của Vân Long cũng trở thành một phần của ký ức lịch sử, ký ức văn học về Hải Phòng. Chuyện thuyền trưởng Việt Nam Đặng Văn Qua chiến thắng trong cuộc đua đường biển với Thuyền trưởng Kishni con sói biển bạc đầu/ Hướng cặp mắt xanh lè xa tít cửa Quỳnh Châu… (Đọ sức). Chuyện kể về một vùng biển nóng có người thuỷ thủ già, giọng nói mang âm khu trầm của những người đi biển, có Nước Giếng Cối ngọt lừ giữa lòng biển mặn/ Người dân đảo ân cần mời bát cháo khoai/ Người dân đảo tìm luồng, phát hiện thủy lôi… Tôi thích cách mở của của bài thơ Ở thành phố những con tàu: Ngay sau nhà tôi là bến Cảng/ Còi tàu rúc thay tiếng gà gọi sáng… Chỉ một nét ấy thôi là đã ra ngay cái “chất” Hải Phòng!
Khi đã rời xa thành phố, có dịp trở lại, câu chữ của anh lảo đảo: 
Hình như gió cũng có men như rượu
Hàng cây ven đường cũng ngả nghiêng say… 
Quả thật, Hải Phòng đã vào rất sâu trong hồn, trong thơ Vân Long!
Hành trang thơ của anh đã dầy dặn hơn nhưng cũng có nghĩa là nặng nề hơn. Anh phải rũ bỏ lối viết nghĩ đến lập tứ nhiều hơn là coi trọng câu và chữ. Nay rất nhiều bài thơ anh khởi sự từ một câu thơ hay vụt hiện. Nhưng vẫn có sự thống nhất trong con người cầm bút Vân Long: đó là sự nhập thế hết nình, sự gắn bó với đời sống với con người. Từ lâu, Vân Long đã có ý thức viết những câu thơ từ cuộc sống, tránh thói tư biện sách vở dễ ru ngủ người cầm bút. 
Sau “thời kỳ Hải Phòng”, Vân Long còn có một thòi kỳ đáng ghi nhận nữa, bắt đầu từ Vào thu (1990, giải thưởng 5 năm !986-1990 của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội), tiếp tục trong Những khối hình câm (1993), khá ấn tượng với Dưới lá xanh (1999, giải thưởng Hội LHVHNT Việt Nam). Đúng như nhận xét của Trịnh Thanh Sơn, rất có thể “đây là tập thơ hay nhất của nhà thơ Vân Long, mang lại cho người đọc một tâm trạng bất ổn… nỗi khắc khoải của rất nhiều hoài niệm, nỗi xao xuyến về một cảm thức thời gian”. 
Trong tập thơ này, tôi thích nhất một bài, đúng ra là một câu trong bài đầu tiên Ngọn cây mà tôi thuộc ngay từ khi nó được in trên báo Văn Nghệ: 
Rồi cũng đến tầm ấy thôi!
Vân Long nói về một ngọn cây cụ thể nào đấy, dù có gắng sức đến đâu Nỏn lá tủa ra quyết liệt cũng không thể nào vươn quá cái tầm mà thiên nhiên đã định cho mỗi loài cây. Tôi cứ vận vào đời mỗi thi sĩ: Dù anh có vùng vẫy đến đâu cũng không thể thoát cái vị trí định mệnh của anh trong văn chương. Như một cô gái đi thi sắc đẹp, đôi guốc cao gót có thêm cho cô 15 hoặc 20 phân nữa, nhưng chiều cao thực của cô cũng không vì thế mà tăng thêm, không giấu mãi được người đời, nhất là những ai gần gũi với mình! Trong làng văn cũng không hiếm những người giỏi chạy chọt, đi guốc cao, thậm chí… đi cà kheo trong đời và trong văn, cốt để lòe công chúng và cũng tự lòe mình, Vân Long không nằm trong số đó. Anh như ngọn cây kia, cũng vùng vẫy quyết liệt, năm lần lột xác, năm lần đổi mới như anh tự nhận xét, nhưng luôn tự biết mình Rồi cũng đến tầm ấy thôi! Tầm nào thì có lẽ chỉ hậu thế mới biết!
Đến chặng thơ này, thơ Vân Long đã bớt tự sự, bớt chất văn xuôi, đã ngắn lại, đã cô đúc từ cảm xúc đến câu chữ. Đấy là thơ của người đã từng trải, suy ngẫm về thời gian vô thuỷ vô chung, về cái hữu hạn của cuộc đời và nỗi mong manh của nghệ thuật. Đến một ga metro, trong mắt thi nhân cũng thấy như biểu tượng của kiếp người: 
Họ từ từ trôi xuống hầm sâu
Tôi từ từ trồi lên mặt đất
Như một dòng người đi dần vào cõi mất
Một dòng người lóp ngóp sinh ra… 
Tôi thú vị hai chữ lóp ngóp, vừa thực, vừa hài hước, thoáng một chút bi hài về cõi nhân sinh! Còn hai câu này trong Nỗi buồn nhà mới cũng một kiểu nhếch mép: 
Kiến chạy lụt, trú nhờ kệ sách
Chữ thừa như kiến, ngập trang in!
Còn con Đường một chiều này, phải đến một độ tuổi nào đó, người ta mới ngộ ra và bình thản chấp nhận: 
Tôi đi cùng chiều với màu cỏ
Xanh tươi rồi vàng úa…
Ngỡ đang tung tăng như cá
Đâu hay bị nước cầm tù
Chỉ đêm đêm mơ điều ngược lại
Nắm gọn trong tay những gì xa ngái 
Ngỡ trong giấc mơ là tự do nhất chăng? Không phải, tác giả bất ngờ cho ta
nhận thức:                  
Đâu hay…
Tôi vẫn cùng chiều
với những giấc mơ!
Có lẽ “chín” nhất của thời kỳ này là bài Dưới lá xanh:
Đêm dài quá, nằm không ngủ
Đời ngắn quá, yêu chưa đủ…
Loạt soạt nghìn trang gió thổi lạnh
Tay thì đã ngắn, mong chi cánh
Chữ nghĩa xạc xào thua lá xanh 
Mà bông hoa lạ cuối trời kia
Tới được, chắc chi hoa vẫn thắm! 
Dưới cái vẻ đùa đùa chơi chơi, là nỗi ngùi ngẫm mà nhà thơ Ngô Quân Miện, người bạn vong niên chí thân của Vân Long đã nhận ra và định danh là nỗi chua xót của người sáng tác. 
Nhà thơ Vân Long đã ra ngoài cõi thất thập, cho ông cái nhìn lão thực về vị thế khiêm tốn của mình: Tôi loài cá ăn chìm/ Thơ và đời lặng lẽ…
Vâng! lặng lẽ nhưng quyết liệt, như những ngọn cây cứ “Sục tìm trong khoảng biếc” thi ca!. Nhưng ông khiêm tốn thực hay có chút kiêu ngầm, bởi con cá ăn chìm thường không thể là con cá nhỏ!. 
Lời bạt Vân Long - Tác phẩm 
NXB Hội Nhà Văn, quý IV/2009.
23/7/2010
Nguyễn Hoàng Sơn
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...