Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Những niềm đau khuất lấp

Những niềm đau khuất lấp

Quảng Trị thời chiến đớn đau chịu đựng những tàn phá, huỷ diệt nặng nề bao nhiêu thì thời bình phải gánh vác những vấn đề “hậu chiến” cũng bề bộn và nặng nề bấy nhiêu. Từ việc kiến thiết lại làng quê, đô thị hoang tàn đến việc băng bó những vết thương chiến tranh. Tôi muốn nói đến những vết thương tưởng rằng ngủ vùi, “tưởng rằng đã quên”, không ồn ào, ầm ĩ như HIV, như AIDS, nhưng đeo đẳng dai dẳng và nguy nan không kém, đó là những vết thương màu da cam.
* Tìm và thấy nhưng mà chưa thấy hết 
Trước kỳ hội thảo quốc tế lần thứ II về chất diệt cỏ trong chiến tranh diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18-11-1993 với sự tham gia của 9 nước: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Úc, Đức, Anh, Nhật Bản và Việt Nam. Uỷ ban quốc gia điều tra hậu quả chất độc hoá học dùng trong chiến tranh Việt Nam (gọi tắt là Uỷ ban 10-80) đã cử một đoàn vào Quảng Trị làm việc. Đoàn dành cho Quảng Trị được lấy và gửi đi một số mẫu máu bằng 100 ml để xét nghiệm, phân tích. Sở Y tế tỉnh đã trực tiếp chọn địa bàn Hướng Hoá làm “trọng điểm” lấy máu vào tháng 9-1992 và đã lấy máu ở 50 người, mỗi người lấy 2 ml. Theo kết quả công bố sau đó của Uỷ ban 10-80 cho biết, hàm lượng chất đi-ô-xin (chất diệt cỏ, chất khai quang) trong máu của những người được xét nghiệm ở Quảng Trị là 9,5, trong khi đó, con số tương tự ở Huế là 11, ở Đà Nẵng là 18 v.v... Mặc dù hàm lượng đi-ô-xin theo kết quả điều tra ở Quảng Trị thấp hơn các nơi khác (còn theo thực tế có khi chưa hẳn như vậy, vấn đề này sẽ được bàn sau), Quảng Trị vẫn được lọt vào diện quan tâm đầu tư thường xuyên của Uỷ ban 10-80. Ủy ban này đã đầu tư 45.000 DM (tiền Đức) cho tỉnh xây dựng một trạm xá. Trạm xá được xây dựng hoàn thành đặt tại xã Cam Hiếu, Cam Lộ và đã đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả. Ủy ban 10-80 tiếp đó đã đưa vào kế hoạch tài trợ cho tỉnh một khoản 40.000 USD, gần gấp đôi khoản tài trợ đã giành cho xã Cam Hiếu, khoản này dành cho xã Gio An, Gio Linh. 
Bên cạnh những nạn nhân chiến tranh đã có cơ may nhận được nhiều nguồn giúp đỡ làm giảm nhẹ nỗi đau đeo đẳng, hỏi còn bao nhiêu con bệnh màu da cam hãy đang nằm ngoài kết quả điều tra, xét nghiệm và chưa hề nhận được một sự ủi an, bù đắp đúng mức? Về chuyện này, có lần tôi được một cán bộ y tế rỉ tai: “Sở Y tế chọn Hướng Hóa làm điểm lấy máu để gửi đi xét nghiệm, phân tích đi-ô-xin là đúng nhưng chưa đủ, đúng nhưng chưa trúng. Cả một vùng Cam Chính, Cam Nghĩa của Cam Lộ có mật độ trẻ em tàn tật ở mức tập trung, dày đặc như thế mà đã bị bỏ qua, trong lần Ủy ban 10-80 vào lấy máu. Nếu dạo đó vùng Cam Chính, Cam Nghĩa không bị bỏ qua, chắc chắn kết quả điều tra về đi-ô-xin ở Quảng Trị đạt được còn cao hơn”. Ở đây, tôi không chủ tâm bình luận gì về cách làm đã qua của Sở Y tế. Tôi chỉ dám chắc một điều rằng, kết quả điều tra này chưa phản ánh đầy đủ và bao quát tình hình thực tế. Trong một dịp đi theo đoàn của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam và Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh Quảng Trị kiểm tra tình hình phục hồi chức năng cho các em tàn tật ở hai xã Cam Chính, Cam Nghĩa, tôi có đến gia đình bà Nguyễn Thị Huyến ở Cam Nghĩa, một gia đình có đến 3 con bị tàn tật, bại liệt, đó là các em Lê Thị Hạnh 18 tuổi, Lê Thị Tèo 15 tuổi và Lê Văn Khanh 13 tuổi, thuộc diện “khả nghi” bị ảnh hưởng chất độc da cam. Sự “khả nghi” này không phải là vô cớ đâu nhé! Trong khi anh Lê Văn Liễn, anh ruột của 3 em này sinh ra trước năm 1968, cơ thể lành lặn, sức dài vai rộng, làm ruộng, chăn trâu cắt cỏ nuôi em thì 3 em sinh sau năm 1968 phải gánh chịu cơn đau tật nguyền biết bao giờ nguôi. Cái “mốc 1968” có “dự phần” tai ác nào vào những cơn đau dài của 3 em không? “Từ khi có đôi chân vào đời”, câu hát ấy đã thành xa xôi với Hạnh. Đôi chân em đã gầy, bàn chân lại bị thuỗn, phải nắn may ra đi được. Đôi chân anh Liễn dư sức “chân cứng đá mềm” nhưng vậy mà xem ra “vào đời” cũng chẳng dễ. Phải thế chăng mà anh Liễn hiện vẫn phải chịu cảnh độc thân, muộn vợ. Diện “khả nghi” về màu da cam không gói gọn ở vùng Cam Chính, Cam Nghĩa mà còn “nới rộng” đến Triệu Phong, đến... Xin trích ra đây nội dung lá đơn xin cứu trợ của bà Trương Thị Thái ở Gia Độ, Triệu Độ, Triệu Phong gửi Uỷ ban bảo vệ chăm sóc trẻ em Quảng Trị: “Tôi có sinh một đứa con thứ hai tên là Hồ Thị Hai ngày 10-7-1991 nay nó đang còn mắc bệnh đau thuỷ não do ảnh hưởng của chất độc màu da cam gây nên. Ngày qua tháng lại nó cứ nằm một chỗ, ngồi không được, đi không được, cái đầu cứ to dần, chân tay nhỏ xí”!
Ta đã tìm, đã thấy ra hậu quả màu da cam nhưng chắc chắn là chưa thấy hết. Vậy còn có những địa chỉ màu da cam nào cần được gọi đích xác ra mà khỏi phải khả nghi không?
Gọi ra rồi còn có cơ hội điều tra, cứu trợ nào nữa không? 
* Zum Walt đi tìm... đi-ô-xin - Tôi đi tìm niềm đau khuất lấp của Hoàng Thị Hiền 
Cần nói ngay rằng cơ hội điều tra, phát hiện đi-ô-xin đang còn được mở ra theo chiều hướng ngày càng thuận tiện cả về phía Việt Nam lẫn phía Mỹ. Đầu tháng 9-1994, ông E.R. Zum Walt, cựu đô đốc hải quân Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, nay là Chủ tịch Hội đồng phối hợp nghiên cứu chất độc màu da cam của các nhóm cựu chiến binh Mỹ đã sang Việt Nam để bàn bạc hợp tác nghiên cứu chung về hậu quả chất độc màu da cam và đã làm việc với Uỷ ban 10-80. Cái thời ông Zum Walt, vị đô đốc 3 sao trẻ nhất hải quân Mỹ chỉ huy hạm đội mệnh danh là “nước nâu” tăng cường chiến dịch “Ranch Hand” dùng chất da cam phát quang toàn bộ bán đảo Cà Mau và đất rừng, cái thời ấy qua lâu rồi nhưng còn đấy một nỗi đau cay nghiệt riêng tư cứ vò xé trái tim Zum Walt. Ông đã thổ lộ niềm đau sâu kín này khi trả lời phỏng vấn của báo Newsweek và báo Lao Động:
- Có lẽ các bạn đã biết, tôi cũng là người phải chịu đựng nỗi đau mất mát do tác hại của chất độc màu da cam. Con trai tôi đã từng phục vụ trong lực lượng hải quân Mỹ thời chiến tranh Việt Nam. Sau khi trở về nước, con tôi mắc bệnh ung thư và đã mất hồi năm 1987. Từ nỗi đau của chính mình, tôi muốn được chia sẻ cùng với các nạn nhân khác, tôi sẽ làm hết sức mình để tiếp tục chương trình nghiên cứu di hại của chất độc và bằng cách đó góp phần của mình vào việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. 
Theo ông Zum Walt cho biết, chính phủ Mỹ công bố có 9 căn bệnh liên quan đến chất độc màu da cam và cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ sẽ công bố một bản báo cáo mở rộng danh sách các loại bệnh tật do chất độc màu da cam gây ra, trong đó có thể công nhận tác hại của chất này đến việc tạo ra thai nhi dị dạng, giảm sức đề kháng của cơ thể và gây rối loạn tuyến thượng thận v.v... 
Việc Zum Walt trở lại Việt Nam sau 25 năm với “trái tim sám hối” trước cái chết của người con trai mình đã khiến cho tôi lây phần ăn năn khi nhận ra rằng mình đã “phát hiện” muộn màng ra em Hoàng Thị Hiền ở thôn Thượng Nghĩa, phường Đông Giang, Đông Hà, một con bệnh đích thực màu da cam hẳn hoi chứ không phải thuộc diện “khả nghi” như những trường hợp đã dẫn trên. Muộn là muộn với lòng mình thầm nhủ thôi, chứ chưa hề muộn với chương trình hợp tác nghiên cứu về hậu quả màu da cam mà ông Zum Walt mong mỏi. Tôi đọc được hồ sơ bệnh án “định mệnh” oan nghiệt của Hiền do Bệnh viện E, Bộ Y tế lập ngày 31-1-1972 có ghi: “Trẻ bị chất độc hoá học từ khi còn trong bụng mẹ, lúc mới đẻ ra đã bị dị tật: viêm tắc túi lệ và dị tật ở ngón chân, ngón tay. Trong suốt thời gian nằm viện ngày nào cũng ra rất nhiều mủ đặc ở mắt, có lúc xanh vàng, có lúc trắng”. Em Hiền giờ đã 25 tuổi tròn nhưng bao nhiêu xuân thì con gái “trời lấy mất” nên nhác trông cứ như một đứa con nít gầy gò bước lò cò chào tôi bằng mấy tiếng thảng thốt: “Ngứa! Đau!”. Cùng với sự xuất hiện của tôi, bao nhiêu hồi ức xót xa, bi tráng của bà Hoàng Thị Lý, mẹ Hiền trong cái thuở thai nghén Hiền ùa dậy nghẹn ngào. Dạo đó, trong một lần vụt ra khỏi hầm sau khi đợi ngớt tiếng máy bay để kiếm nước uống, bà Lý đột nhiên thấy toàn thân mình ướt đẫm, da nổi rận đỏ. Bà phải đa đoan chịu nhiều cơn ngất, cơn nôn, nôn hết dạ dày rồi nôn khan toàn máu. Trong xương như có muôn cây kim, con dao ai đang cứa vào. Toàn thân ngứa đau mà không sao gãi được, ngúc ngắc đầu, tóc rụng xuống hàng đống. Cơn đau màu da cam đeo đẳng cả đến đời con bà rành rành ra đấy nhưng hồi đó đâu dễ gì mau chóng được xác nhận từ phía người nước ngoài. Chả thế mà đã có những phóng viên phương Tây từng hỏi vặn bà để thử xem chuyện bà bị nhiễm da cam là “thật hay giả”:
- Bà bảo vùng bà bị chất độc hoá học nhiều, người, trâu, bò, chó chửa bị sẩy thai, bị nhiễm độc, vậy lợn chửa có bị sẩy thai không? 
Óc liên tưởng cực nhạy lúc đó của bà đã không phụ bà. Bà nhớ có lần một y sĩ ở Vĩnh Linh “mách” cho bà biết lợn chửa nằm úp trong chuồng lấy được “hơi âm” của đất truyền cho nên không bị nhiễm độc. Bà bèn đáp trả tức khắc với câu hỏi “gài bẫy” của những phóng viên phương Tây kia:
- Lợn chửa chưa thấy con nào bị cả!
Bệnh tình của Hiền ngày một trầm trọng. Những nốt sần đỏ ngày nào đã lan to ra thành nhiều khối u nhức nhối khắp mình mẩy em. Ông Hoàng Đức Trinh, ba Hiền buồn rầu bảo: “Các khối u đã ăn lan vào mông cháu, khiến cháu toàn nằm sấp. Sợ một ngày kia, các khối u ăn lên đến mặt cháu thì ai dám nhìn cháu nữa! Tôi đã từng đưa cháu vào Bệnh viện Đà Nẵng hỏi có thuốc gì chạy chữa cho cháu, họ bảo chịu, không có thuốc gì”. Bà Lý còn lo xa hơn một cách vô vọng: “Chúng tôi còn sống, no đói gì cũng gắng nuôi cháu được. Chỉ sợ khi chúng tôi chết đi mà cháu hãy còn sống, không biết rồi cháu sẽ sống ra làm sao đây”. 
Bao nhiêu tâm tư trĩu nặng, bao nhiêu nỗi niềm thống khổ, bao nhiêu câu hỏi bức xúc của gia đình ông Trinh bà Lý còn bị bỏ lửng ra đấy, như người ta đã từng dễ dãi bỏ lửng em Hiền, khiến cho em trở nên khuất lấp tội nghiệp trong những cuộc điều tra về đi-ô-xin ngày nào. Mong sao Ủy ban 10-80 ưu ái đền bù cho một miền quê chịu nhiều mất mát đau thương thời chiến như Quảng Trị được có thêm những cơ hội băng bó nhiều vết thương màu da cam còn lẩn quất đâu đây. Chiếc cầu nối nhân đạo giữa ông Zum Walt với Ủy ban 10-80 đã bắc rồi, chiếc cầu thông cảm nối từ “trái tim sám hối” Zum Walt đến cơn đau vô vọng của em Hiền chắc rồi cũng sẽ bắc được chứ? Cái thời của quan hệ đa phương đã đến, cái thuở đem con lợn chửa ra để thử nhau quanh chuyện hóa chất màu da cam qua đã lâu rồi. 
18/9/2008
Nguyễn Hoàn
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...