Tiếng gõ cửa
Cọc... Cọc... Cọc...
Ai gõ cửa đó? Có ai đâu nào. Tiếng gõ cửa nhà kế bên đó mà.
Tiếng cửa nhà mình thế nào nhỉ? Lâu lắm rồi chẳng được nghe.
Ngày xưa, ngày nào chẳng có tiếng gõ cửa. Sau đó là bạn bè ùa
vào nhà. Nào hoa. Nào bánh, kẹo, nào tiếng cười râm ran... những ngày đó, với
Hạnh, giống như đang sống trên thiên đường. Hạnh có một chiếc máy nghe nhạc loại
tốt. Bạn bè đến là mở nhạc ra nhảy. Những điệu nhảy rung chuyển sàn nhà.
Thế mà đã nhiều năm rồi, bẵng đi...
Kể từ hôm có tiếng gõ cửa, mà người đến không phải bạn bè. Đó
là một người đàn ông hào hoa, phong nhã, có tài. Anh ấy ngồi ở cái ghế sa lông
kia, cái miệng có cặp môi mỏng, mái tóc bạc sớm, đượm phong sương. Anh ấy thả
mình ra với những câu thơ đứt đoạn. Những câu thơ ngắn, như ném vào trời đất những
tuyên ngôn. Đó là những người bạn từ thủa học trò, cái thủa ngồi gần nhau một
chút là đã nóng rang người. Còn bây giờ, cả hai chỉ còn lại một chút nghĩa xưa.
Anh ấy đến và thơ đến. Anh ấy bảo, chẳng ai hiểu thơ anh ấy cả, kể cả người làm
thơ gần anh ấy nhất. Ơ kìa, có gì đâu mà khó hiểu. Hạnh có thấy gì khó hiểu
đâu. Ngày xưa Adam và Eva chỉ phạm tội với Chúa chứ đâu phạm tội với người. Bây
giờ con cháu người người lớp lớp cũng phạm tội như tổ tông thì có gì đâu mà khó
hiểu?
Anh ấy đã gõ cửa bước vào nhà. Anh ấy ngồi ở ghế và đọc thơ.
Những vần thơ cô đơn đang ráng tìm nơi đồng điệu. Hạnh nghe. Không bình, không
bàn, không khen, không chê, mặc anh muốn đọc đến bao giờ thì đọc. Cảm xúc cồn
lên song Hạnh chẳng thể làm gì hơn. Sao lạ thế nhỉ? Người ta bảo khi hai tâm hồn
đồng điệu thì không biết sẽ có chuyện gì xảy ra. Đằng này nó chẳng xảy ra cái
gì hết. Hạnh cứ nghe và anh ấy cứ đọc. Rồi đi...
Rồi đi. Anh ấy đi thực. Lâu lắm rồi không trở lại! Nghe nói,
anh không làm thơ nữa thì phải. Là nghe vậy. Có ai quan tâm gì đến anh đâu. Có
lẽ kể cả Hạnh cũng chẳng quan tâm. Nhưng Hạnh biết, anh đã ngồi trên cái ghế sa
lông kia đọc thơ suốt năm năm trời. Năm năm trời đủ để lũ bạn nồng nhiệt của Hạnh
tạo ra những căn nhà riêng với trăm thứ trách nhiệm trong một gia đình. Nên với
họ, Hạnh cũng thành lãng quên...
Anh ấy đi thực, không quay trở lại. Chẳng còn ai gõ cửa nhà Hạnh
vào buổi tối nữa. Hạnh quên ngay tiếng kêu cánh cửa nhà mình. Nhưng có một điều
hạnh rất rõ đó là: chiều nào vào giờ đó, Hạnh cũng mường tượng thấy tiếng gõ cửa.
Tiếng gõ cửa của người làm thơ bao giờ cũng thế, nhẹ thôi, như giọt mưa xuân rớt
xuống mái nhà, như ngọn gió đơn côi thoáng qua ô cửa...
Cọc... Cọc... Cọc...
Ai gõ cửa đó. Nao có ai đâu? Nhưng xin anh, đừng mang những vần
thơ cô đơn đi gõ cửa nơi nào.
8/4/2007 Nguyễn Đức Thiện
8/4/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét