Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

Đọc lại Hoàng Cầm

Đọc lại Hoàng Cầm

Thơ Hoàng Cầm cao quý. Thơ ông tưởng xa mà gần. Tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng tìm cách trò chuyện với người đọc, ngay cả khi đó không phải là ý định của người viết. Không phải nhà thơ nào cũng chủ trương mời gọi người đọc đi vào bài thơ của mình. Các nhà thơ siêu thực ở phương Tây có ngôn ngữ khó hiểu, cánh cửa vào bài thơ của họ không mở rộng. Bài thơ của Hoàng Cầm không nói với chúng ta, người đọc, mà trò chuyện với nhân vật của mình, trong thế giới riêng lẻ của mình. Một bài thơ thành công là khi những xúc cảm, thông qua ngôn ngữ, thiết lập được mối quan hệ với người đọc, khiến cho họ có thể tham dự vào quá trình sáng tạo. Việc đọc ngày càng nâng cao thì một ngôn ngữ chất phác trong thơ ngày càng bị loại bỏ. Những bài thơ của Hoàng Cầm viết sau Về Kinh Bắc rơi vào tình trạng hiện thực mộc mạc ấy. Cái còn lại của ông, cao điểm nhất của tài năng Hoàng Cầm, vẫn nằm ở tập Về Kinh Bắc, và cả Mưa Thuận Thành, một ngôn ngữ bàng hoàng siêu thực, mặc dù nhà thơ có thể không có chủ ý. Đó là chủ nghĩa siêu thực tự phát, hay như Hoàng Cầm nói, có tính tâm linh, từ giấc mơ. Khác với Thanh Tâm Tuyền ở miền Nam, có ý thức, cùng thời, nhưng xuất bản công khai, với sự tiếp nhận dè dặt của công chúng. Cố gắng của ông không phải là làm mới ngôn ngữ, và về phương diện này Hoàng Cầm đi sau Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, nhưng trong các nhà thơ thuộc nhóm Nhân Văn và Giai Phẩm, thành tựu trước mắt của ông có lẽ lớn nhất, không phải chỉ vì thơ ông phổ biến, được nhiều người yêu mến, mà vì Hoàng Cầm thực sự làm mới những xúc cảm của sự đọc. Ngay từ trước tập Về Kinh Bắc:
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
Là ẩn dụ mới. Và do đó, câu thơ mới, đặc trưng của Hoàng Cầm, một ngôn ngữ hình ảnh. Hình ảnh trong thơ Hoàng Cầm có thể xuất hiện như ẩn dụ trong một câu thơ, cũng có thể là hình ảnh trung tâm của toàn bài thơ. Những hình ảnh ấy không phải chỉ là sự trang trí, có thì đẹp lên, không có thì câu thơ vẫn tồn tại, trái lại hình ảnh trung tâm ấy, cái mà người xưa gọi là tứ thơ, quyết định toàn bộ giá trị hay phần lớn giá trị của một bài.
Chị đưa Em đến bến này
Cheo leo mỏm đá
Trước vực, sau khe
Thòng lọng tơ gì cuốn gót
Đó có thể là câu chuyện có thực của đứa con trai tám chín tuổi; yếu tố tiểu sử chỉ là nguyên cớ, cội nguồn sáng tạo, nhưng chúng không phải là bản thân sự sáng tạo. Hình ảnh ấy là toàn bộ ý nghĩa của bài thơ, sự mạo hiểm của tình đầu, tình cảnh cheo leo khốn khổ, bi kịch của tình yêu. Sự chấm dứt một cõi đời thực và sự bắt đầu một cõi mơ mộng lâu dài, suốt đời mình. Những bài thơ của Hoàng Cầm xâu chuỗi lại thành câu chuyện, mỗi bài thơ là chuyện nhỏ hay một khía cạnh của chuyện lớn, vừa độc lập vừa liên kết với bài khác. Hình ảnh của Hoàng Cầm bao giờ cũng mở, không dừng lại ở một chi tiết.
Đầu mẹ cao bằng mây
Chân con vần trái đất
Giơ thẳng lên trời hay cánh tay
Hai nắm đấm
Là những hình ảnh cũ kỹ, ẩn dụ hẹp, mặc dù sự vật được đề cập lớn lao, không mở rộng được. Trong khi:
Ta con chào mào khát nước
Về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm
Là một ẩn dụ mở, vì các hình ảnh vận động một cách mới mẻ, trở thành tượng trưng cho những thay đổi được dự báo. Trong thơ Hoàng Cầm có rất nhiều các dấu hiệu (signs) và các biểu trưng. Dấu hiệu là tĩnh, biểu trưng là động. Chính sự mở rộng của các hình ảnh, các ẩn dụ làm cho thơ có tính bí ẩn, huyền thoại. Vẫn biết rằng nhiều bài thơ xuất sắc được Hoàng Cầm kể lại là viết trong trạng thái nửa mơ nửa tỉnh, như lời người nữ đọc cho ông viết bài Lá diêu bông trong một giấc mơ, nhưng có hai sự việc khác nhau, có người nhầm lẫn. Các chi tiết thú vị trong tâm lý học sáng tạo, sự vận động của trí nhớ, sự chi phối của vô thức nhiều hay ít, thay đổi theo các tác giả, có thể rất quan trọng đối với công việc sáng tác của một nhà thơ, thực ra không có vai trò gì đối với người đọc. Bạn thích một bài thơ của Hoàng Cầm mà không hề biết tác giả làm bài thơ ấy khi ông đang thức hay ngủ, người đọc lời cho ông viết là giọng nữ hay nam, cũng vậy, cầu bà Sấm, bến cô Mưa là có thực hay không, lá Diêu bông là có thực hay không. Bởi vậy, Bùi Minh Quốc mới có thể viết:
Thôi ta chẳng thèm tìm lá Diêu bông
Cái lá vu vơ cái lá phiêu bồng
Một chiếc lá không có thực sao làm chấn động làng thơ được thế? Vì đó là một ẩn dụ mở rộng, khởi đi từ hình ảnh đẹp, tượng trưng cho tình yêu. Một tình yêu ngây thơ, khốn khổ, có thật và không có thật.
Đứa nào tìm được lá Diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng
Chữ ta thật hay. Gọi là chồng, chứ không hẳn là lấy làm chồng. Đứa nào, chứ không phải là người nào, chàng nào, thằng nào. Chữ đứa hay. Nhân loại ngàn đời đi tìm tình yêu thơ mộng, mà không bao giờ tìm được. Lá Diêu bông không phải chỉ là tình yêu ấy mà còn là giấc mơ về tình yêu ấy. Ẩn dụ và biểu tượng là những yếu tố nghệ thuật quan trọng bậc nhất trong thơ Hoàng Cầm. Thực ra đối với con người thời nguyên thủy, không chịu áp lực của truyền thống, mọi vật đều tồn tại như nhau, con người và muông thú có thể trò chuyện cùng nhau, chim chóc, đất đá cỏ cây thuộc về một thế giới. Sự nối kết giữa con người và thế giới chung quanh có tính mật thiết, tương thông, nhờ thế tình yêu bao trùm vạn vật, sự mê nhau, sự dâng hiến là tự nhiên; phồn thực, truyền sinh là đạo của đất trời. Sự phân biệt giữa người sống và người chết, hiện tại và quá khứ, giữa quá khứ và tương lai trở nên mờ nhạt, đôi khi biến mất.
Chị đi một chuyến chơi xanh cỏ
Quay bánh linh xa miết triệu vòng
Nhưng niềm tin có tính nguyên sơ, những liên kết văn hóa của chúng, chỉ tồn tại trong điều kiện nhất định, trong một thế giới phần nào đóng kín, văn minh kỹ thuật chưa chạm tới những ước thúc làng xã. Thơ Hoàng Cầm vừa là cố gắng vượt ra ngoài lễ giáo, với mối tình của đứa con trai nhỏ tuổi với thiếu nữ lớn hơn gấp đôi, phạm cấm kỵ cộng đồng, vừa là sự phát triển dựa trên những lề thói văn hóa phóng túng của vùng quan họ, những mối tình thầm kín ngoài hôn nhân giữa các liền anh, liền chị. Tập thơ Về Kinh Bắc dành riêng một chương về lễ hội. Nhờ mối quan hệ mật thiết giữa ngôn ngữ và huyền thoại, Hoàng Cầm trở thành người phát ngôn của xã hội gần nguyên thủy, người kể chuyện của bộ lạc, vừa là kẻ hát rong vừa là bậc tiên tri. Những điển lễ văn hóa là nguồn gốc của chữ, tiếng nói, sự biến đổi của chúng, sự phát sinh tiếng nói mới. Chữ không có ý nghĩa, sẽ không được sử dụng nếu sinh ra không có nguyên cớ, bởi ý chí chủ quan của cá nhân; chúng chỉ được tạo ra trong hoàn cảnh đặc biệt, bởi các nhà thơ. Vì vậy các nhà thơ có vai trò lớn trong việc tạo ra chữ hoàn toàn mới hoặc chữ cũ dùng kiểu mới: váy Đình bảng, cây tam cúc, lá Diêu bông, cỏ bồng thi là những chữ sẽ ở lại lâu dài với tiếng Việt sau khi Hoàng Cầm đã ra đi. Tương tự như vậy với Đinh Hùng: Ý Liên, tiếng ca bộ lạc, với Quang Dũng: Tây Tiến, Sơn Tây, kiều thơm, Phạm Thiên Thư: Động hoa vàng, Hoàng thị Ngọ, Nguyên Sa: Áo lụa Hà đông...Theo các nghiên cứu nhân chủng học, trong một số bộ lạc biệt lập, ngôn ngữ của họ hoàn toàn không có các tiếng để chỉ hoặc sa mạc, hoặc biển, hoặc núi, vì trong đời sống của họ không hiện hữu những sự vật ấy. Hình ảnh sinh ra ngôn ngữ. Không có hình ảnh, mọi sự truyền đạt ý tưởng và cảm xúc đều ngưng lại.
Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Vừa là một vật có thực, quan sát tinh tế, vừa là một ẩn dụ, mô tả điều gì xinh xắn, thân mật, thậm chí có tình dục, để mở đầu một bài thơ là phép tương thông tuyệt vời của thi sĩ. Câu thơ chấm dứt ở đó nhưng âm hưởng của nó kéo dài, đẩy câu chuyện đi xa, sâu, thuyết phục. Công việc của Hoàng Cầm, đời sống của một thi sĩ, nỗi ám ảnh suốt đời của ông là tạo ra các hình ảnh, theo đuổi chúng, bị ám ảnh bởi chúng, để cho cuộc đời mình chi phối bởi chúng. Trong một câu chuyện với người viết bài này, Hoàng Cầm nhấn mạnh ý riêng của ông sau đây: "nhà thơ hãy sống rất thơ cuộc đời mình". Tôi nhớ ông nói thế khi nhắc đến trường hợp nhà thơ Chế Lan Viên. Hoàng Cầm đánh cược đời mình vào thơ, không tính toán. Thơ siêu thực của ông chính là cuộc đời có thật của Hoàng Cầm, một cuộc đời cũng siêu thực không kém.
Nếu chủ nghĩa hiện thực xem thơ là bản tường trình gồm những thông tin, tin tức, các phản ánh đối với đời sống, thì chủ nghĩa siêu thực thăm dò một đời sống khác, qua giấc mơ, và trong trường hợp Hoàng Cầm đó là một ngôn ngữ nặng về cầu nguyện. Nhưng thơ không hướng tới người đọc, cuộc đối thoại không xảy ra ở bên ngoài mà là cuộc đối thoại nội tâm, tác giả tự chia làm hai nửa, một nửa của trần gian, một nửa của cõi linh thiêng, một nửa của thân xác, của ham muốn tình dục, một nửa của tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh. Thơ là lời thú tội đối với chính mình của nhà thơ, và chúng ta, người đọc chỉ là người tình cờ nghe được. Yeats có một câu nói nổi tiếng : Khi chúng ta tranh cãi với người khác, đó là phép hùng biện, khi chúng ta tranh cãi với chính mình, đó là thơ. Sự thật trong thơ Hoàng Cầm không đúng cũng không sai, không có thật cũng không - không - có thật. Em và Chị, cây tam cúc, vườn ổi, mối tình vụng dại nổi tiếng của ông đều hoàn toàn có thể có thật, cũng có thể hoàn toàn tưởng tượng. Toàn bộ cõi thơ ấy là một hiện thực kiểu khác, một tồn tại phi vật thể, sinh ra từ một vùng văn hóa có thật của dân tộc, một lịch sử có thật, một cái đẹp đang tan có thật. Nhưng cái đẹp ấy khi vào thơ Hoàng Cầm trở thành cái đẹp khác, không còn là chính nó nữa, đã trở thành âm nhạc và lời cầu nguyện, bài hát và giấc mơ.
Sau Về Kinh Bắc và Mưa Thuận Thành, Hoàng Cầm còn viết nhiều bài thơ khác nhưng không sánh được với đỉnh cao nói trên, có lẽ ông đã ra khỏi cõi mơ hồ Kinh Bắc, ra khỏi một hoàn cảnh dị thường, ở đó là sự phối hợp giữa chật hẹp tù túng của thời chiến tranh và sau Nhân văn Giai phẩm và một thiên nhiên lộng lẫy vẫn còn khá nguyên vẹn, một vùng văn hóa gần với nguyên thủy, cả hai thứ ấy, rất tình cờ tạo ra khung cảnh thơ mộng bát ngát không bao giờ có thể lặp lại được nữa, như Bùi Giáng ngày lên núi đi chăn dê, trong lịch sử đất nước và trong tiểu sử Hoàng Cầm. Ra khỏi cõi Kinh Bắc, Hoàng Cầm bớt dần những đối thoại nội tâm, bớt cô đơn, ông tỏ ra xông xáo hơn với cuộc đời, giao tiếp nhiều hơn, nghĩ về xã hội nhiều hơn, khuynh hướng ấy làm ông gần trở lại với chủ nghĩa hiện thực. Sự khó hiểu của Hoàng Cầm không phải bắt nguồn từ ý định của nhà thơ mà từ những chất liệu mờ ảo, những mẫu đối thoại mơ hồ, lối nói chuyện ngắn và gián tiếp, đứt đoạn, những bước nhảy (leap links), tư duy nặng về hình ảnh của đời sống đồng quê, của một vùng châu thổ sông Hồng diễm lệ.
Sự kiện Nhân văn Giai phẩm tất nhiên là một sự kiện đáng tiếc trong văn học, nhưng lại tạo ra một môi trường kỳ lạ, vô cùng độc đáo, cho những tài năng bắt đầu chín tới, ngoài ba mươi của các thi sĩ Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Văn Cao, Dương Tường, và nhiều người khác, cô lập họ ra khỏi đời sống xã hội, và do đó miễn trừ cho họ khỏi một số bổn phận của người cầm bút trong xã hội ấy, ví dụ các bài thơ viết theo đơn đặt hàng, ví dụ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, làm khánh kiệt những yếu tố phi thơ và làm nảy nở những chồi non văn chương thuần túy, nguyên sơ, nhất là khi chúng được gieo xuống mảnh đất phì nhiêu văn hóa thổ nhưỡng.
Thơ nói cho cùng là mối tương thông giữa người viết và người đọc. Ẩn dụ là phương tiện quan trọng bậc nhất trong mối liên lạc ấy. Qua thơ mà chúng ta nhìn thấy cuộc đời trọn vẹn hơn, sâu sắc hơn, đẹp hơn hay phiền muộn hơn. Chính vì thế mà những câu thơ không thể sắp xếp lại được như văn xuôi, mỗi trật tự tạo ra một ý nghĩa khác. Thơ không có một quyền lực nào đối với các thế lực thế tục, nhưng chính vì vậy mà nó được tự do để thực hiện một công việc khác, đó là nhắc nhở lại về một thời kỳ tươi đẹp của con người, về một tình yêu nửa có thực nửa như mơ, về cái đẹp đã từng tồn tại trong một xã hội nhất định, và vì vậy thách thức những cố gắng xoá bỏ chúng, nhân danh các lực lượng thế tục mới, cố gắng chống lại các giá trị của xã hội ấy, dù có vẻ cũ xưa tù túng lạc hậu đến đâu. Có vẻ thế thôi, mà chưa chắc?
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu, về đâu?
Những thiết chế xã hội nào nâng đỡ cái đẹp ấy? Tại sao chúng ta hoài niệm chúng?
Lịch sử người Việt là lịch sử của mất mát và tiếc nuối. Giấc mơ của Hoàng Cầm thể hiện rõ trong những hình ảnh cụ thể, khắc họa rõ nét, không phải là lối nói mơ hồ. Mối quan hệ giữa sự vật cụ thể, các đối tượng, và phép ẩn dụ về chúng là quan hệ được xác lập.
Em vắt quả cam vàng đầu ngọn sông Thương
Mắt trong cối xay
Có bao giờ ngủ trước sao mai 
Ngày Chị bảo Em quên
Tranh tố nữ long hồ gián nhấm
Người đọc có thể không hiểu vì sao có quả cam vàng, mắt trong cối xay là mắt gì, sao bỗng dưng có tranh tố nữ, nhưng những hình ảnh mà tác giả trình bày, chúng ta tin có một nguồn gốc riêng biệt, trong hoàn cảnh độc đáo. Nếu chúng ta loại bỏ chữ "Em quên" trong những câu thơ viết trên, người đọc tha hồ đoán nghĩa của chúng, việc đoán mò ấy không dẫn tới đâu. Nhưng vì có chữ quên nên bạn tin rằng tất cả những hình ảnh, sông Thương, mắt trong cối xay, tranh tố nữ, đều nằm trong diễn tiến của một câu chuyện. Các chi tiết giác quan mài sắc cảm giác chúng ta. Huyền thoại không phải là thứ không thể hiểu được, ngược lại những bí ẩn sâu xa trong thơ mời gọi chúng ta đi tìm ý nghĩa của chúng.
Hoàng Cầm là một trong những người đầu tiên làm thơ tự do, xuất hiện trong khoảng thời gian ngay sau Thơ mới, và trong kháng chiến chống Pháp, như Hữu Loan với Đèo Cả, Nguyễn Đình Thi với Đất nước, nhưng ngôn ngữ tự do của ông đằm thắm hơn, thường trực hơn, mà tách ra khỏi Thơ mới. Hãy so sánh với Đinh Hùng, sinh cùng thời, tài hoa tương tự, chỉ làm thơ có vần:
Lửa hạ lên rồi ôi Ý Liên
Bạn những muốn ngâm nó lên.
Nhưng:
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng
Là một câu bạn không ngâm được, bạn không có ý định ấy. Đọc hay hơn. Câu thơ ấy không hát lên được, nhưng chúng dịu dàng, mềm mại trầm tư như chính bóng dáng thi sĩ. Nhạc điệu ấy chứa đựng sức mạnh của kẻ khiêm tốn, tự xóa mình, đứng lùi lại để nâng đỡ một nhân vật khác, xuất hiện rỡ ràng trước mặt: những hình ảnh sâu. Bài thơ có những ý tưởng đột ngột, diễn đạt tình tứ ý nhị, nhưng chúng chỉ xuất hiện một lần, trong một hai câu ngắn ngủi.
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi
Là ý tưởng hay lạ thường. Vừa ngây thơ vừa đẫm tình, lập tức được nâng đỡ bởi hình ảnh tiếp theo:
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm động tuổi đương thì
Thực ra Hoàng Cầm ít sử dụng tu từ pháp, nhưng khi ông dùng đến chúng thì ngôn ngữ biến hóa thần kỳ: đỏ đen, chui sấp ngửa, rơm thơm, động tuổi, chữ nào cũng đắt, hình ảnh nào cũng xốn xang, gay cấn, căng mọng. Hoàng Cầm không phải là không có ý thức khi trau chuốt chữ của mình. Ví dụ dưới bài Cây tam cúc, trong cuốn "Hoàng Cầm tác phẩm", do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, sau câu thơ cuối:
Em đứng nhìn theo em gọi đôi
Có ghi chú như sau:
"Bài thơ này còn có một câu kết khác:
Một chiếc xa đen đi chân trời
Tác giả phân vân. Xin tùy lòng bạn đọc."
Tôi thấy may mắn là tác giả đã chọn câu thơ thứ nhất, nếu ông chọn câu hai thì đó là một hình ảnh chết, một ẩn dụ không còn chức năng, không hoạt động, cùng lắm chỉ làm người đọc nhớ tới câu thơ của Nguyễn Du "một xe trong cõi hồng trần như bay". Chính vì em đứng nhìn theo em gọi đôi là một ẩn dụ mở rộng mà bài thơ mời sự trở lại. Có nhà phê bình cho rằng hình ảnh là tất cả bài thơ, nhưng đó là một quan điểm cực đoan. Tôi nghĩ rằng các hình ảnh thường xuyên phải được nâng đỡ bởi hai cánh, một bên là nhạc tính, một bên là ngôn ngữ. Sống trong một vùng văn hóa lừng lẫy với những truyền thống âm nhạc, những tập tục mỹ lệ, các hội hè đình đám, nhà thơ Hoàng Cầm dù vô tình hay cố ý đã sử dụng hình ảnh quen thuộc, một phần xuất phát từ các nguyên mẫu văn hóa, một phần có ý nghĩa biểu trưng. Nhiều ẩn dụ của ông là các biểu trưng. Biểu trưng khác với ẩn dụ ở chỗ chúng tượng trưng cho những giá trị, các truyền thống rộng lớn, có ý nghĩa về văn hóa và cộng đồng.
Vườn ổi là một ẩn dụ của Hoàng Cầm, lá Diêu Bông cũng vậy, nhưng cầu bà Sấm, bến cô Mưa, váy Đình Bảng, sông Thương, hội Lim, Mưa Thuận Thành, bến Luy Lâu chính là các biểu trưng văn hóa. Cái đẹp mà chúng ta tìm thấy trong thơ Hoàng Cầm là cái đẹp được kỳ vọng trong ta, những phẩm chất mà chúng ta yêu mến và thán phục ở một vùng đất nước cũng là những phẩm chất có sẵn tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, trong mỗi vùng văn hóa của người Việt, dù Nam hay Bắc, bởi vì dân tộc là một. Khi chúng ta khóc, chúng ta là một. Khi chúng ta cười, chúng ta là một. Khi người đọc gặp một so sánh trong thơ, tâm trí liền đặt ra câu hỏi về mối liên hệ của chúng.
Quà gửi con chùm nhãn Hưng Yên
Đừng gặm hết ngày thơ trẻ
Chùm nhãn dùng để so sánh với ngày thơ trẻ. Câu thơ làm bạn đi ngược đi xuôi giữa chùm nhãn và ngày thơ trẻ của mình, nó làm bạn nhớ lại mùa hè cũ, bạn tám hay mười tuổi, cầm tay mẹ đi dưới hàng nhãn bên sông, có tiếng chim cu gáy ngoài xa, tiếng gà heo trong xóm, nắng rát mặt ánh mùa kim loại. Sự so sánh ấy nâng trí tưởng tượng của bạn lên. Như thế, một hình ảnh trong hiện tại làm phát sinh một hình ảnh trong quá khứ, nối chúng với nhau. Sự so sánh càng bất ngờ, càng xa thì sự ngạc nhiên càng lớn. Giữa chùm nhãn và ngày thơ trẻ, sự liên hệ khá mật thiết, thơ mộng, nhưng không làm bạn gạc nhiên. Nó thú vị nhưng không huyền bí.
Ta soi
chỉ còn ta đạp lùi tinh tú
Ngủ say rồi đôi cá đòng đong
Bất ngờ chứ?
Mối liên hệ giữa đạp lùi tinh tú và đôi cá đòng đong rất lãng đãng, khi gần khi xa, khi gần như nước ao bèo, khi xa như vũ trụ. Sự bất ngờ hay ngạc nhiên của người đọc là một khía cạnh của lối viết, càng xa tính huyền bí càng cao, nhưng xa quá thì đứt đoạn, tư duy thơ gãy đổ. Như vậy sức mạnh của một ẩn dụ vừa nằm ở tính ngạc nhiên vừa ở sự hợp lý. Đây là sự hợp lý trong tâm trí của người đọc, quen với một thế giới như đã tồn tại, thích hợp với những kiến thức khoa học và văn chương mà người đọc tiếp cận. Những tưởng tượng quá vô lý, những so sánh không thuyết phục, làm bài thơ gãy đổ. Đây là điểm chết phong cách học, người làm thơ cần biết để tránh.
Tính âm nhạc là sự tổ chức các âm thanh tạo ra nhịp, các mẫu câu, các lặp lại, chính cách phát âm các chữ quyết định câu thơ của Hoàng Cầm, chữ đi trước nghĩa, làm cho sự thấu hiểu đến chậm hơn lời nói.
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thẫm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh
Chữ mê, không ai viết được ngoài Hoàng Cầm.
Có những câu thơ dài hơn một mệnh đề và những câu thơ ngắn hơn một mệnh đề. Trong mỗi bài thơ của Hoàng Cầm thường có cấu trúc song song.
Cách nhau ba bước vào vườn ổi
Chị xoạc cành ngang
Em gốc cây
- Xin chị một quả chín!
- Quả chín..
quá tầm tay 
- Xin chị một quả ương
- Quả ương
chim khoét thủng
Lẽo đẽo Em đi vườn mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng
Ngoài cấu trúc song song, các câu thơ của Hoàng Cầm cũng có lối cấu trúc tương tự song song, nhưng thực ra hơi khác, có thể xem như nan quạt xòe ra. Bên ngoài, nhìn như sự giải thích một ý tưởng, mà bề sâu đó là một câu chuyện kể theo lối khác.
Ngày chị bảo em quên 
Tranh Tố Nữ long hồ gián nhấm
Ngày chị bảo em quên
Con bạc má lại về cành chanh
Ngày chị bảo em quên
Tắm sông Hương không mát
Theo lý thuyết cấu trúc của Freud, 1923, thơ chuyển từ cái đó (id) thành cái tôi (ego), từ cái tôi thành siêu ngã (superego). Tư duy thơ Hoàng Cầm vẫn là tư duy tuyến tính nhưng nhiều lần bị bẻ gãy, thoắt biến thoắt hiện như trong giấc mơ rời rạc. Các câu dài ngắn là hơi thở của nhà thơ. Không phải tình cờ mà Hoàng Cầm chia các phần trong tập thơ Về Kinh Bắc ra làm tám nhịp tự sự. Nhịp một: khấn nguyện. Nhịp hai: kiếp trước. Nhịp ba: rủ bụi gia phả. Nhịp bốn: rồi cùng đi tất cả. Nhịp năm: còn em. Nhịp sáu: điểm trang. Nhịp bảy: rồi lại đi. Nhịp cuối: về với ta. Cách chọn điểm nhìn (point of view) là quan trọng bậc nhất trong phép tự sự này. Tình yêu của Hoàng Cầm không đi một mình, bao giờ cũng kèm theo tình dục, hôn nhân, tình dục của một đứa bé mới lớn, ngây thơ và đắm đuối và hôn nhân là quy ước xã hội giúp cho các quan hệ trở thành được chấp nhận. Em là một nhân vật được chọn lựa cẩn thận, được phân vai, nhưng chưa chắc đã xảy ra một cách tự nhiên.
Chị gọi đôi cây
Trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa chị đến quê Em
Cây là cây tam cúc, chị đến quê em từ một vùng quê khác, rồi chị lại đi, sau một mùa giặc giã, sau cuộc hôn nhân không tình yêu, gần như Thúy Kiều lên xe của Mã Giám Sinh:
Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ
Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi
Trong tu từ học, phép so sánh hình ảnh được chia làm hai loại, loại so sánh đơn giản và loại so sánh ẩn dụ (metaphor).
So sánh đơn giản: em cười như lá mỏng
So sánh ẩn dụ: ta con chào mào khát nước
Không cần phải: ta "là" con chào mào khát nước. Bỏ chữ "là" đi, phép ẩn dụ sâu hơn một bước, hóa thân hơn. Nghệ thuật của Hoàng Cầm là nghệ thuật hóa thân vào đối tượng. Thực ra không có hiện thực nào là mới cả, chỉ có một tâm trí đối với hiện thực là mới, sinh ra dưới những áp lực. Trong thơ Hoàng Cầm có tình trạng áp lực giữa ước muốn trong tình yêu và thất bại, giữ tham muốn nhục dục và sợ hãi, cấm đoán. Áp lực giữa cái đẹp và phai tàn, giữa tính cao cả của người phụ nữ và sự đày đọa, sự toàn vẹn của một quê hương và sự phá hủy, hoặc do chiến tranh, hoặc do những biến động xã hội, các tội ác của con người. Có một áp lực giữa các thể thơ và nhu cầu thể hiện phóng túng, giữa kỳ vọng (expectations) của độc giả và quyết đoán tự do của người viết.
Chị đi một chuyến chơi xanh cỏ
Cuốn chiếu xa rồi thơ thẩn giấc chiêm bao
Ngoài một vài ngoại lệ có thể xảy ra như trường hợp bài thơ Lá Diêu bông, hầu hết những bài thơ khác đều được tác giả tạo dựng một cách ý thức. Không có một ngôn từ đẹp đẽ nào bước ra khỏi ý nghĩa mà có thể tồn tại được. Không có một chữ nào chỉ là chữ mà tồn tại. Chúng buộc phải có nội dung, ý nghĩa, chức năng, nhưng tài năng của nhà thơ ở chỗ cho phép các chữ ấy tác động lẫn nhau và nhờ tương tác mà chúng di chuyển khỏi các biên giới của chúng.
Em cười như lá mỏng
Đó là một so sánh vượt ra ngoài các quy ước. Tôi tin chắc rằng trước Hoàng Cầm chưa ai nói thế, nhưng sự bất ngờ ấy không đi quá xa, ông buộc người đọc chấp nhận. Thơ là tiếng nói của tâm hồn Hoàng Cầm, những mất mát của riêng ông, ước vọng và tâm lý học của Hoàng Cầm. Theo quan điểm phân tâm học topo, thơ chuyển từ vô thức (unconscious portion) thành tiềm thức (preconscious portion), từ tiềm thức hoặc vô thức thành ý thức (conscious). Tư duy thơ như thế trước hết là quá trình nguyên thủy. Cuộc đời Hoàng Cầm có ít nhất hai chấn thương tâm lý lớn: thời bé dại, giữa những người phụ nữ, tình yêu đầu, thất vọng, trong phương trận của những luyến ái ngoài hôn nhân, có lẽ phổ biến trong vùng quan họ Kinh Bắc, và thời kỳ Nhân Văn và Giai Phẩm, giữa lý tưởng và dung tục.
Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc
Chiều xưa giẻ quạt voi lồng
Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc
Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông
Hoàng Cầm, cũng như Ralph Waldo Emerson, như Thạch Lam, như Vũ Hoàng Chương, chống lại dung tục.
Đâu có cần quê bạn phải là Kinh Bắc, mới nhớ giây phút bạn mang ba lô về trước cửa nhà, nhìn gương mặt già nua trong nắng chiều, một làng quê ở miền Nam, miền Trung, cũng giống nhau thôi, khi bạn trở về từ cuộc chiến tranh như người lính thoát chết, hay như người tù vừa được tha, thì những chữ "cúi lạy mẹ", "con đấy ư" cũng là một. Đó là khoảnh khắc mà khả năng tự sự của nhà thơ cần đến nhất, được gọi đến nhiều nhất, lúc này chính khả năng tự sự ấy tạo ra khoảnh khắc của thơ trữ tình.
Cúi lạy Mẹ
Con trở về Kinh Bắc
Là một câu thơ tự sự, hay lời cầu xin? Chúng ta đừng quên rằng Hoàng Cầm từng viết kịch thơ từ những năm trẻ tuổi, là một người rất giỏi về đối thoại và nghệ thuật mô tả. Hãy xem ông viết Vĩ Thanh, chương văn xuôi duy nhất trong tập thơ Về Kinh Bắc, viết năm 1992, thì đủ rõ tài năng văn xuôi của ông, một khía cạnh chúng ta chưa bàn tới ở đây.
Ký ức là một phần quan trọng của thơ ca, đôi khi là một thế giới vô thức, đôi khi không phải thế. Những mặc cảm tình dục ấu thơ của Hoàng Cầm, theo lý thuyết phân tâm học, có thể đóng những vai trò rất quan trọng trong sáng tạo của ông, nhưng đối với một tác phẩm văn học, sự tiếp nhận của người đọc là yếu tố cốt lõi. Người đọc có thể không cần biết cậu bé Hoàng Cầm đã từng yêu cô Vinh hay không, họ rung động trực tiếp trên chính những chữ của Hoàng Cầm, chúng gợi lại trong tâm trí người đọc về thế giới của chính người ấy, hoài niệm, ký ức và cả vô thức. Sức mạnh của hình ảnh Hoàng Cầm xuất phát từ việc chúng đem chúng ta tới một thế giới bí ẩn, kích thích sự xuất hiện trở lại của vô thức, dẫn ta đi qua cõi mờ ảo, đi thật xa tới bến bờ chưa từng có ai dẫn ta đi. Thơ ấy làm rung động toàn thân một người, kỷ niệm, lòng tiếc thương, ước mơ đầu đời, những điều không hề được nói ra. Bạn thích một bài thơ của Hoàng Cầm trước khi bạn hiểu bài thơ ấy, chính vì vậy mà bạn trở lại. Sự tiếp nhận về mặt ngôn ngữ và phi ngôn ngữ bổ sung nhau làm thế giới trở nên giàu có, sự hoan lạc và đau khổ trở nên vô cùng tận. Tôi ít thấy nhà thơ nào có tâm sự thân mật với tôi hơn, mặc dù tôi chỉ nghe ông đọc thơ một bận, bên người nữ đẹp não nùng. Đó là một thế giới khác, nguyên thủy, chưa hề được văn minh hóa, càng chưa hề được chính trị hóa. Thế giới nguyên thủy ấy, tầng sâu vô thức ấy có thật trong mỗi chúng ta, không lừa dối chúng ta, không mang lại ảo tưởng. Chính thế giới thực mới đem lại ảo tưởng. Không có gì ngạc nhiên là trong đời, Hoàng Cầm sống thành thật, nửa ngây thơ nửa mê dại.
VỀ VỚI TA
Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh
Đi mãi tìm sim chẳng chín
Ta lên đồi thông nằm miếu Hai Cô
Gặm cỏ mưa phùn
Dóng dả gọi về đồng sương
Đôi ba người lận đận
Đêm nay mẹ chẳng về chuồng 
Ta con chào mào khát nước
Về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm
Cây ổi giơ xương
Chống đỡ mùa đông xập về
Đánh úp
Ô này tám đỏ ra hoa
Ta con chim cu
Về gù dặng tre
Đưa nắng ấu thơ
Về sân đất trắng
Đưa mây lành những phương trời lạ
Về tụ nóc cây rơm
Ta ru em
Lớn lên em đừng tìm mẹ
Phía cơn mưa
Ta con phù du ao trời chật chội
Đứng cánh bèo đo gió lặng tìm sao
Uống nước mắt con vành khuyên nhớ tổ
Vừa rụng chiều nay
Dềnh mặt nước hương sen
Ta soi
Chỉ còn ta đạp lùi tinh tú
Ngủ say rồi đôi cá đòng đong.
Sự đọc lại thơ Hoàng Cầm đối với tôi không phải chỉ là sự đọc lại, hai lần hay ba lần, năm này hay năm khác, mà đó là sự trở lại những câu chữ tuy vẫn là chúng mà không còn là chúng nữa, và bài thơ cho phép bạn đi xa hơn, dẫn bạn lần mò vượt qua tường vách chiêm bao. Sự đọc lại ấy chính là ngẫm nghĩ, nghiền ngẫm, sự trở lại trong tâm trí. Sự trở lại ấy chỉ có ý nghĩa nếu chúng dẫn tới hiểu biết mới hơn, những hiểu biết sinh ra từ các mối quan hệ, và từ các sự vật và hình ảnh phóng chiếu của chúng. Tất nhiên bất kỳ một nhà thơ nào cũng phải làm việc với các yếu tố của ngôn ngữ, hình ảnh, âm nhạc, các câu thơ dài ngắn khác nhau. Dù sở hữu một tài năng dùng tiếng Việt đến mức điêu luyện, Hoàng Cầm không xem ngôn ngữ là đối tượng của ông, như trường hợp Trần Dần, sức mạnh của thơ Hoàng Cầm nằm trước hết ở nhạc điệu và hình ảnh, chúng bổ sung cho nhau, nương tựa nhau. Vần điệu của Hoàng Cầm phóng túng, gần với văn xuôi, vì vậy có tính hiện đại, mới, trước đó chưa ai viết, như hoàn toàn sinh ra để phục vụ các hình ảnh.
Em nhớ thương ai
Ta làm mưa đưa chậm lại
Cải ngàn xanh về hàn đắp hồn đau
Sớm đã da non hồng phấn dậy thì
Thơ Hoàng Cầm là sự thăng hoa từ cuộc đời thực thành giấc mộng, từ tình dục thành tình yêu. Sự thăng hoa ấy đạt được là nhờ những hình ảnh như công cụ của thơ ca. Nhưng hình ảnh chỉ hoạt động trong mối quan hệ với những yếu tố khác. Những bài thơ thành công của Hoàng Cầm, như Bên kia sông Đuống hay trong Về Kinh Bắc, như Về với ta, trong Nhịp cuối, Cây tam cúc, Lá diêu bông, Quả vườn ổi, trong Nhịp năm, vượt qua thời gian, kêu gọi sự đọc lại vì chúng ta nhìn thấy ở đó không phải chỉ một giai đoạn của dân tộc, cái đẹp dường như vĩnh hằng mà vẫn phai tàn một vùng non nước, mà còn nhìn thấy ở đó khuôn mặt của chính người đọc hôm nay, một người đọc mắc kẹt giữa những ràng buộc xã hội luân lý, cơm áo gạo tiền, những lý thuyết cứu đời lôi thôi lừa gạt, khuôn mặt tươi ròng của chính mình, một đứa trẻ không cần sinh ra ở Kinh Bắc như Hoàng Cầm vẫn có thể nhận ra ngôi nhà cũ trở về, dòng suối mát yêu thương khi tắm gội trở lại. Ở trong sự khác biệt riêng biệt của một vùng quê, từ trong sự độc đáo của một tài năng, mỗi người đều tìm được cho mình cái bóng của mình, một mảnh của tâm hồn mình, tìm được điều mà chúng ta tưởng đã mất, nhưng chưa hề mất, điều chung nhất của mỗi người Việt và đôi khi, của mỗi con người nhân loại, như kẻ cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng. 
Nguồn tham khảo:
- Hoàng Cầm, hồn thơ độc đáo, Lại Nguyên Ân biên soạn, NXN Hội nhà văn, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2011.
Quà tặng tác giả của học giả Đoàn Tử Huyến.
- David Orr, Beautiful and pointless, a guide to modern poetry,  Harper Collins, 2011.
- Nhiều tác giả, Thơ Việt Nam thế kỷ XX, thơ trữ tình, NXB Giáo dục, 2005.
- Hoàng Cầm tác phẩm, NXB Hội nhà văn, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2003. 
21/2/2022
Nguyễn Đức Tùng
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...