Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Ông nông dân đi ra phố

Ông nông dân đi ra phố

1. Không biết đời kỵ lão làm gì nhưng hai đời gần đây thì ông lão, bố lão đến lão đều làm nghề nông. Ngay cái tên mà bố lão đặt cho lão là Dỉm kế liền tên của ông cụ là Dủm gắn đời lão hơn sáu chục năm trời, vậy mà khi có tiền, có của thỉnh thoảng cũng làm lão bực ông cụ lắm bố lắm. Tên với chả tuổi. Nghe quê mùa, mách qué quá đặc mùi thợ cầy chẳng sang trọng, tỉnh thành chút nào. Nhưng thôi đấy là chuyện đã rồi, đành vậy. Ông lão, bố lão cổ cầy vai bừa thời lạc hậu. Chấp làm gì. Đã mang thân phận suốt ngày cắm mặt xuống ruộng thì làm gì có chữ nghĩa, học hành mà có gia phả để biết chuyện những đời cao tằng tổ tỉ nào. Ở cái làng Chiện nay thành xã Tân Phong bây giờ hoạ chỉ có nhà ông giáo Tư đồng lứa với lão là có thứ sách ấy. Chỉ hiềm một nỗi hồi cải cách ruộng đất, bố ông giáo Tư bị đem ra đấu tố vì ông này làm thông phán tức là có dính dáng đến chính quyền thực dân đô hộ, bị xếp vào cường hào, địa chủ gì đấy sau sửa sai mới yên. Người đã bị đấu tố thì chả cứ của nả bị xung làm quả thực mà mọi thứ giấy má cũng đều bị thiêu hủy cả. Từ đó chuyện giấy tờ của làng xem ra cá đối bằng đầu. Dân làng Chiện từ thượng cổ đến cách đây dăm năm đều theo nghề nông, hệt nhà lão Dỉm Người thiên hạ ở đâu đến nhìn đồng làng Chiện cũng phải thốt lên. Ruộng đất làng này tốt thật. Đúng là bờ xôi ruộng mật. Nhìn thớ đất bờ vừa lộ ra bởi nhát mai xắn đã thấy tứa cả nước bọt. Đất đâu mà cứ như miếng dò lụa ấy. Vào mùa lúa chín nhìn con chiền chiện chờn vờn đậu trên thảm lúa, ngọn nào ngọn ấy cong vút, vàng rực thấy sướng con mắt, no cõi lòng. Vài năm gần đây thấy bảo đổi mới gì đấy nên trên cho máy xúc máy ủi hết bờ rồi ô tô ào ào đến đổ cát lên mặt ruộng, rồi xây tường bê tông bao quanh. Sau đó là trùng trùng sắt thép, ống khói, nhà xưởng loa lóa tiếng tây, tiếng tàu. Thấy bảo bây giờ phải đổi mới, công nghiệp hóa, tăng trưởng chứ cứ tuần tự trông vào cây lúa cây ngô thì bao giờ nước ta tiến bằng thiên hạ được. Dĩ nhiên nông dân làng Chiện cũng theo đó mà thay đổi. Ruộng nhà nào nhà nấy bán. Cơ man, núc nỉu những tiền là tiền. Nhà mái rạ, mái rơm, lợp ngói tây, ngói ta vẩy xộp dần dần phá đi để thay vào nhà ống bê tông. Khiến làng Chiện trước đây bình bình yên ả giờ nhấp nhô, khấp khểnh như những cái nhọt, cái u. Trên nóc nhà nào nhà nấy lấp lánh bồn đựng nước nom như phố xá. Giếng, ao làng lấp hết rồi chả có bồn chứa thì lấy đâu nước ăn, nước tắm. Nếu xét về việc phá nhà cổ để xây nhà giống phố thì nhà lão Dỉm có thể coi là đầu tiên. Bởi lẽ, ở làng Chiện này thằng Dím con cả của lão thuộc lứa đi xuất khẩu đầu tiên. Đâu như nó sang bên Liên xô hay Tiệp gì đấy. Thằng Dím là đứa tháo vát nên nghe nói nó sang đấy làm công nhân là phụ mà đi buôn lậu là chính. Khi về thằng này có hai cái thay đổi. Một là tên là Dím nay thành Hùng Cường. Hai là chân lúc đi bình thường về bị tập tễnh. Nó bảo là bị kẹt vào tàu điện ngầm gì đấy. Nhưng mấy đứa cùng làng đi xuất khẩu cùng đận thì bảo. Trong một vụ mang hàng lậu nó bị công an nước ấy đuổi rồi bắn phải. Về nước một cái là nó bắt bố phá căn nhà mái rạ cũ, xây nhà mái bằng ngay. Việc tiếp liền là nó ra thành phố. Nó tính rồi. Ra phố người ta chỉ biết nó là Hùng Cường chứ ai biết nó là thằng Dím con lão Dỉm quê mùa. Cái chân khập khễnh dứt khoát chỉ là bị tàu điện ngầm tức là mê trô đụng phải. Hơn nữa ra phố mới có cơ làm ăn khá giả được chứ ru rú ở cái làng Chiện  thì không sớm thì muộn cũng lụn bại đi. Dân làng thấy lão Dỉm khoe bây giờ thằng Dím là TGĐ của cái hạn hạn, trách nhiệm gì đấy. Lão còn kể. Trông thằng Dím à quên thằng Hùng Cường thế thôi nhưng nó đã ở bên tây nên bạn bè của nó toàn là tây. Khi cần nó có thể lấy cả tiền của những người mũi lõ ấy để làm ăn. Thế có oai không. Vì vậy dạo này, những người tinh mắt trong làng nhận thấy lão Dỉm đúng là người biết thay đổi theo thời thế. Theo như lão tự nhận, về sự am hiểu, lão vào loại nhất làng. Có thể vì ảnh hưởng thằng con trai Tổng giám đốc và mấy cô, cậu phát thanh viên trên truyền hình nên dạo này lão thích uốn éo mồm và luôn mồm lặp đi lặp lại mấy tiếng thay đổi, văn minh và tăng trưởng.        
2. Kể từ khi con trai làm tổng giám đốc lão Dím có thói quen chiều chiều ra hàng nhà Lãng béo uống bia. Lão bảo giống tây nó sành thật. Uống bia vừa mát ruột lại bổ. Chứ nốc lắm cái anh cuốc lủi dễ sinh bệnh nọ tật kia lắm, nhất là anh gan. Bia ngon như thế mà hồi đầu thằng Hùng Cường mang về mời bố, lão cứ bảo đắng như bồ kết. May mà nó tập cho nên lão quen dần thứ nước cao sang, văn minh này. Bây giờ chiều nào không được một, hai chai trước khi ăn cơm là lão lại thấy chống chếnh. Mà phải là người giàu có mới uống bia chai, bia lon. Lão ưa nhất bia chai Hà Nội, chứ uống bia hơi nhạt thèo. Còn uống cuốc lủi thì đáng bao tiền. Chiều này, không hiểu sao. Có thể vì lão Dỉm uống hơi nhiều hơn mọi khi. Thằng Lãng béo xem chừng có vẻ phởn chí. Nó cứ nhắc đi nhắc lại rằng nhà lão bây giờ là nhất làng Chiện. Thằng Lãng đã mấy lần tận mắt trông thấy cái ôtô của TGĐ Hùng Cường. Riêng cái ôtô ấy quy ra tiền đủ sức mua nửa làng này chứ bỡn. Nghe mà mát lòng mát dạ. Thế cho chiều nay lão Dỉm mới quên ngữ uống hai, ba chai mọi khi. Sáu lần bật nắp chứ ít đâu. Không kể một lần Lãng béo tự tay mở ra mời khi nó bảo tài làm ăn của thằng Hùng Cường thật xứng mấy lần sư phụ của nó. “Ông đã ra nhà anh ấy bao giờ chưa?”. ”Nó có bảo mấy lần, nếu tao thích thì điện một câu nó sẽ cho tài xế về đưa tao ra. Khổ nỗi bà nhà tao số kiếp chả ra gì nên cứ động lên xe là y như rằng nôn hốc nôn tháo. Thành ra. Thôi được. Hôm nào tao sẽ ra. Tao lạ quái gì Hà Nội. Hồi năm 56 tao đã đến tận chợ hàng Da xem triển lãm cải cách ruộng đất. Gớm bó cật nứa mà con mụ địa chủ Năm Phú Thọ bắt tá điền phạm tội leo lên leo xuống máu me lễ loại nom ghê cả người“. ”Ông đã ra tận chợ hàng Da kia à. Ông tài thật đấy“. ”Chứ sao Ở cái làng này chỉ có tao là đi nhiều, thế cho nên thằng con tao giờ mới khá được chứ. Rũ rú ở làng thì làm sao văn minh, tăng trưởng được“. ”Quả có thế Bố tài thì con mới giỏi”. Lão Dím vừa đi vừa nhớ lại câu chuyện với Lãng béo. Lão uốn môi nhẹ, ngẩng mặt lên. Nhận ra cái ngõ có hàng rào ruối măng dô của nhà ông giáo Tư. Lão Dỉm cười khẽ. Thời thế bây giờ mà cái thằng cha có tiếng là học hành, chữ nghĩa giỏi giang nhất làng mà lạc hậu quá. Trong khi cả làng xây nhà ống mái bằng. Nấu cơm, canh bằng than tổ ong. Hố xí trong nhà gần hết tự hoại. Bĩnh xong, giật dây một cái sạch veo. Thế mà nhà tay giáo Tư này vẫn giữ nguyên thói thời xửa thời xưa hồi cải cách. Nhà này hồi ấy là có lẽ chỉ thua nhà địa chủ Vạn bị bắn ở cánh đồng Cửa Trạm. Nhà ông Phán Tự to có tiếng cả tổng này chứ đâu chỉ làng này. May sau cải cách sửa sang nên mới lấy lại được. Vậy mà từ đận ấy đến nay y xì như cũ chả có gì thay đổi. Vẫn nếp nhà ngói ba gian hai trái. Tấm dại nứa trước hiên nhà. Mảnh sân lát gạch bát với hàng cau liên phòng kề liền dẫy tường hoa với mảnh vườn con nhấp nhô mấy cành hồng bạch. Khoảnh ao có mấy súng bèo tấm được khuôn lại bằng mấy cây nứa ba dập dờn. Trên mặt ao lác đác xác lá vối già rụng. Lão Dỉm dụi mắt, loang loáng suy nghĩ trong đầu.
- Kìa ông Dỉm. Hôm nay dỗi thế. Mời ông vào uống nước. May quá trà vừa pha đang ngấm.
Ông giáo Tư đang ngồi trên chiếc chõng tre cũ kỹ, chân, khung và kể cả bộ giát của nó bóng lên màu vàng ngà. Mái tóc hoa dâm của ông giáo rung rung. Đứa con dâu đang quét sân dừng lại chào lão Dỉm rồi đi vào bếp. Mùi hoa cau thoang thoảng.
- Y như ngày xưa ấy nhỉ. Lão Dỉm hơi nhếch mép nói
- Vâng. Ông hôm nay đi đâu mà lại quá bộ rẽ vào thăm tôi thế này
- Chiều nào tôi cũng phải ra hàng làm vài chai bia. Quen lệ mất rồi. Cái giống bia nó mát mà lại bổ
- Ông tân tiến thật đấy.
- À, thì cũng theo thời thế cả. Thời buổi thay đổi, văn minh, tăng trưởng thiên hạ ra sao mình làm vậy. Không lại mang tiếng lạc hậu. À, này tôi thấy thằng Hùng Cường nhà tôi bảo thằng lớn nhà ông đâu như đi dạy học bên tây. Nước nào nhỉ. Ờ, ờ. Pháp hay Đức gì cơ mà.
- Thì vẫn là nghề từ đời cha ông truyền các cháu chứ có gì lạ đâu. Mời ông xơi nước. Hôm qua bố hai nó về biếu nửa cân chè Thái. Chứ mọi hôm nhà tôi thuần chỉ uống nụ vối ủ. Năm nay nụ ra sai quá. 
- Dậy học bên tây thấy bảo cũng tốt tiền ra phết.
- Việc của các cháu.Tôi không tường lắm  
Lão Dỉm nén cái ợ to. Đầu  lâng lâng. Cặp môi dầy hơi uốn.    
- Ối dào bây giờ đổi mới, văn minh, tăng trưởng. Tôi biết tiền của nhà ông không thiếu. Tội gì mà không phá cái nhà cổ lỗ này đi xây cái nhà mới, rồi lắp đặt máy móc vào mà ở cho nó sướng. Tội gì. Già rồi sống được mấy mà không hưởng.
- Vâng. Cũng biết vậy. Khổ nỗi tôi ở thế này nó quen rồi. Các cháu nhà tôi cũng thích thế. Chúng nó bảo ở đâu thì ở nhưng về đến nhà thấy nhà cửa thế này thấy thân quen, đầm ấm. Ở nước nọ, nước kia, hay ngoài phố xá thì chả nói làm gì chứ làng xóm, đồng trên ao dưới mà nhà cửa toàn bê tông với xi măng cốt thép quả cũng không hợp lắm.
- Mỗi thời một khác. Mới lại mình phải quyết chứ nghe chúng nó làm gì. Thằng Hùng Cường nhà tôi làm tổng giám đốc hôm nọ về còn bảo mấy cậu con nhà ông nói tiếng tây thạo thế mà chỉ dùng để dạy học thì phí quá.  
- Nó cũng là cái tạng người ta cả thôi. Hợp cái gì thì làm cái ấy. Chứ có phải thấy người ta làm mà lại đi bắt chiếc. Thiện ha ăn héc mình cũng vác mai đi đào. Chả biết có được gì không, hay lại đâm vào chân mình... Bác cả nhà ông tài thật đấy. Làm đến tận tổng giám đốc.           
Lão Dỉm nghe ông giáo Tư nói đảo mắt nhìn lên ngọn cây vối. Thoáng một phút lơ mơ. Bất chợt ông nhớ ra hình ảnh trên truyền hình, bèn nhuềnh môi, cao giọng. 
- Thời này đổi mới, văn minh, tăng trưởng. Cứ như Thằng Hùng Cường nhà tôi bảo. Nếu con ông thạo tiếng tây như thế mà làm kinh tế thì chóng giầu lắm. Người làng với nhau tôi nói thật. Mấy đứa con nhà ông mà thích thì bảo chúng nó thôi dậy học đi. Vào công ty chỗ thằng Hùng Cường nhà tôi làm thì ít nhất cũng là phó tổng giám đốc. Chẳng gì cũng là người làng với nhau. Dễ cất nhắc.
- Vâng cám ơn ông. Nhưng xem nhà các cháu nhà tôi chỉ quen nghề gõ đầu trẻ thôi. Biết là thiệt đấy nhưng đành chịu. Chứ giầu có ai mà chả thích.
Khi rời nhà giáo Tư rồi, trong cái đầu đang bừng bừng của mình, lão Dỉm nhận ra sự đồn của làng về sự sáng dạ, thông thái của giáo Tư chẳng đúng chút nào. Sự ấy trên vô tuyến bảo là bảo thủ thì phải. Đúng là cánh nhà giáo có khác. Thời buổi văn minh,tăng trưởng, đổi mới thế này người chậm hiểu thì số sướng cũng không biết hưởng cũng nên. 
3. Loay hoay mãi, rút lại cũng đến khi lão Dỉm có dịp đi phố mặc dù vợ lão dứt khoát không chịu ra. Bà còn khăng khăng. Nếu vợ chồng nó quý bà thì bảo con nó hay chính thằng Dím đi xe máy về lai bà ra, chứ đi ô tô trông oai thì oai thật. Làng nước xanh mắt lè lưỡi vì ghen, vì phục, bà vẫn xin kiếu. Chỉ ngửi thấy cái mùi đệm trong xe trộn mùi nước hoa đã thấy ruột gan bà lộn phèo cả rồi. Thế là mặc dù không bằng lòng với vợ, mấy lần định to tiếng vì sự quê mùa của bà ấy nhưng lão Dỉm vẫn cố nhịn cho yên cửa yên nhà. Ai ngờ dịp đến thật bất ngờ. Buổi chiều hôm ấy lão vừa lững thững ra hàng bia nhà Lãng béo theo lệ thường thì một chiếc xe máy mầu nâu phanh kít ngay trước mặt. Lão Dỉm vừa định trợn mắt quát to thì thằng đi xe máy cười hì hì. Khuôn mặt bóng láng,non choẹt của nó nhăn nhở:
- Ông đi đâu mà nhanh thế?
- Thế hóa ra là mày. Lão Dỉm ngớ ra nhìn thằng cháu đích tôn. Sao hôm nay lại về một mình thế con?
- Ông ra uống bia đúng không? Cháu cũng đang khát đây.       
Hôm ấy cả lão Dỉm và tay Lãng béo chủ quán bia cũng phải công nhận. Thằng Dũng đích tôn của ông mới chưa đầy mười lăm tuổi mà uống bia ghê thật. Chẳng cần đá, cũng chẳng cần mồi gì mà nó cứ tì tì hết chai này đến chai khác. Khiến tay Lãng và mấy khách quen trong làng nhấm nháy nhau khen rối rít thật to khiến ông Dỉm nở từng khúc ruột “con trai thành phố có khác”. Thằng Dũng lờ đi liên tiếp giơ chai chạm vào cốc của ông nội bảo khẽ “kệ người ta, ông uống đi”. Chưa đầy nửa tiếng đống vỏ bia đã ngổn ngang. Nó phẩy tay bảo tay Lãng chủ bia thanh toán. Dúi nắm tiền loăn xoăn dầy cộp vào tay Lãng béo, kéo tay ông nó đứng dậy. Thấy tay Lãng định đếm lại. Giọng thằng Dũng liên liến “chỗ ấy không thiếu đâu. Còn thừa thì mai trả bia cho ông tôi“. Tíếng trầm trồ của khách lại cất lên làm lão Dỉm lại càng thấy sướng “đúng là con ông tổng giám đốc có khác. Tiền nhiều như nước mà cái xe lại đẹp thế không biết. Bét nhất xe này phải trăm triệu. Kém thằng này trả lại tiền“. Lão Dỉm thấy thằng đích tôn cong môi. Nó dục ông nội lên xe, rồi nhấn ga vụt đi.
- Kìa. Rẽ lối này về nhà mình kia mà.
- Làm sao cháu lại không nhớ.Nhưng hôm nay cháu đưa ông đi chiêu đãi. Ông thích thịt chó hay hải sản.
- Thôi thịt chó cho nó gần.
- Ông hợp tính cháu đấy. Phải rồi giải đen luôn thể. Vừa ăn cháu vừa nói với ông chuyện này hay lắm cơ. Rồi ông ra bảo bố cháu chứ không có thì… Bố cháu chán thật đấy.          
Thế là sau bữa thịt chó ấy lão Dỉm quyết định ra thành phố để một là xem thằng Hùng Cường dạo này làm ăn khấm khá như vậy thì nhà cửa có xắm thêm được thứ gì hay ho để lão còn về khoe với làng với nước. Thôi thì đời lão chả nói làm gì nhưng đời con lão thì đúng là nhất làng Chiện này rồi. Còn điều thứ hai là để dàn hòa bố con nó. Muốn nói gì thì gì cho dù thời buổi này là đổi mới, văn minh, tăng trưởng nhưng tính đến nay thằng Dũng vẫn là đứa cháu đích tôn duy nhất của lão. Tuy chưa tường đầu cua tai nheo ra sao nhưng để hai bố con nó trục trặc với nhau lão không đành lòng. Thằng bé mới mười lăm tuổi, bởi thế nó có làm gì thì vẫn là đứa trẻ con. Không nên không phải thì bảo ban, nói hết nhẽ cho nó biết chứ không thể thờ ơ, mặt nặng mặt nhẹ với nó như thế. Thằng bé trông to xác chứ đã khôn ngoan, lọc lõi gì đâu. Nhỡ một cái rồi bố mẹ nó, và ngay cả lão cũng ân hận. Xem ti vi đấy. Bây giờ trẻ con chúng nó liều lắm. Nhỡ một cái thì hận suốt đời. Phải bảo nó. Con cái, máu mủ của mình chứ có phải người thiên hạ đâu mà hắt hủi, bỏ đầy bỏ liều được. 
4. Lão Dỉm vừa thấy con bé nhà hàng mang ra lão đã làm ra vẻ thành thạo hô to “được vốt ca này đi với thịt chó là nhất”. Khiến thằng cháu nội cũng phải gật gù khen ông nội nó tuy ở nhà quê mà sành sỏi không kém dân thành phố. Nghe thằng đích tôn tán thưởng, lão Dỉm thích lắm bảo luôn “chả cứ món rượu mà khối cái ngoài phố ông còn thạo không kém người sống ở ngoài ấy”. Hai ông cháu chuyện trò như pháo ran lại tì tì, vừa rượu cho đậm vừa bia cho mát nên thằng cháu nội về đến nhà là nằm vật ra ngủ một mạch cho đến sáng hôm sau. Vì thế nên ngay đến khi hai ông cháu đi lão Dỉm vẫn chưa biết cụ thể điều gì làm cho hai bố con nó không bằng lòng nhau đến độ nó phải về cầu cứu ông nội. Quá chín giờ sáng hôm sau thằng Dũng mới lật mình dậy. Vừa mở mắt nó đã giục ông nội ngay.
- Thôi cháu với ông đi luôn. Ra ngoài kia ăn sáng ông ạ. Ông có thích phở gầu nạm không?
Nghe thằng cháu nhắc đến món hình như lão đã được ăn một lần nhưng chưa nhớ ra. Lão Dỉm vờ như không để ý:
- Thôi được rồi. Ra phố ăn gì thì ăn.
Suốt dọc đường ngồi sau xe thằng cháu nội, hình như không cần biết thằng Dũng có nghe mình không nhưng lão Dỉm nói thật nhiều. Cứ mỗi lần nhận ra một phố nào ông Dỉm đã từng đến,hay nhìn thấy một vật gì đã biết là lão lại kể lể dông dài khiến thằng Dũng ngạc nhiên lắm.
- Hóa ra ông cũng ra thành phố nhiều đấy chứ.
- Chứ sao. Ở làng này chỉ có ông là người hay ra phố nhất.Hồi bố mày còn nhỏ. Ông đã mấy lần ra chợ hàng Da xem triển lãm cải cách ruộng đất rồi. Khiếp cái bó nữa cật mà con mụ địa chủ Năm trên Phú Thọ dùng để bắt tá điền có tội leo lên còn đầy vết máu nom ghê chết.
Điều đáng tiếc là ra đến nhà thằng Dũng thì bố mẹ nó lại đi làm cả. Thằng Dũng cong mồm lên nhìn ông nội rồi bảo:
- Đã thế thì ông phải ở lại đây chờ bố cháu về đã. À không ông cứ ra phố chơi đi. Cháu đèo ông ra chợ hàng Da. Ông vào chợ xem đợi, cháu có việc đi một lát.            
- Đựợc được. Lão Dỉm cố làm ra vẻ thông thạo đường phố mặc dù trong bụng hơi lo.
- Con đi có nhanh không?
- Không lâu đâu. Nhưng ông đúng là vào chợ một mình được chứ?
- Con bận việc thì cứ đi đi.
- Thôi được rồi.
Nói chưa dứt lời thằng Dũng chạy huỳnh huỵch lên gác làm một điều mà sau này lão lấy làm ân hận khi biết thằng đích tôn của lão nó đã tính toán đến thế nào để khiến lão trở thành người đồng lõa với nó. Vợ chồng thằng Hùng Cường còn bảo lão già rồi mà còn mắc hợm trẻ con. Có tiếng mở hòm gì đấy rồi lại thấy thằng đích tôn xầm xập chạy xuống. Nó vung vẩy xấp tiền mầu xanh nhạt khá dầy. Lão Dỉm chưa kịp ngạc nhiên nhận ra tập tiền 500 nghìn thì thằng Dũng đã dúi vào tay ông Dỉm một nửa. Một nửa nó cho vào túi quần sau. Mắt nó đánh ra cửa, giọng hơi vội.
- Ông cầm chỗ tiền này ra phố. Ông muốn mua gì thì mua. Ông để cẩn thận đấy. Ngoài này bọn ăn cắp hay để ý người ở nhà quê ra lắm.
- Cái thằng này. Ông ra phố nhiều, ông lạ gì nữa .
- Thế thì ông ra đi để cháu khóa cửa luôn. Lúc nào chán không xem chợ nữa thì ông cứ đi loanh quanh ở phố ấy. Ông đừng đi đâu xa, cháu không tìm được đâu. Cháu đi một lát thôi. 
- Yên tâm.Không phải lo cho ông. Lúc nào xong việc về đón ông là được.  
Lão Dỉm khẽ nắn vào tập tiền lão đút sâu vào túi áo khâu phía trong ngực áo, nghĩ thầm “Ừ thằng dích tôn thế mà chu đáo”
5. Khi xe đứa cháu đích tôn đã khuất vào chỗ ngoặt của đường phố nơi có cái biển vẽ mặt người trông dữ tợn bôi đầy son phấn thì lão Dỉm lại đưa tay chạm vào tập tiền rồi thầm nhẩm “chưa đếm, nhưng chỗ này cũng không dưới chục triệu”. Vừa nhẩm trong óc lão Dỉm cố tạo ra vẻ thành thạo bước trên hè phố.                
Đường phố thời buổi đổi mới, hiện đại, tăng trưởng quả là nhộn nhịp gấp hàng chục lần so với những lần lão ra trước đây và hàng trăm lần so với hồi lão còn trẻ đi ra xem triển làm cải cách ruộng đất có bó nứa cật mà con mẹ Năm trên Phú Thọ dùng để trị tá điền. Cửa hàng san sát nhau. Cái gì nom cũng làm lão lạ mắt, khiến lão cứ muốn rẽ vào xem rồi mua mấy thứ mang về Lão cố kìm làm bộ phớt lờ. Hàng hoa quả kìa. Quả gì bây dàn dạt kia nhỉ. A, phải rồi lê táo tây chứ gì nữa. Nước mình làm gì có của này. Toàn đồ tây cả đấy. Trước kia có bao giờ nom thấy. Ngay ngoài phố, phải thật giầu cỡ tư sản mà phải khi có người ốm mới bấm bụng bỏ tiền ra mua một hai quả. Còn bây giờ, thì ngay chợ làng Chiện cũng đầy. Nhưng phải nói những cửa hàng rượu ở cổng chợ mới đúng hàng ở phố. Toàn rượu tây. Đủ kiểu chai,đủ màu rượu nhưng xem ra mầu nâu đỏ, nâu đen là nhiều nhất. Mỗi chai rượu trông thế thôi nhưng chắc phải vài trăm có khi hàng triệu đồng một chai không bỡn. Bụng bảo dạ, lão Dỉm rất muốn vào xem tận nơi quầy rượu để về làng khi ngồi uống bia buổi chiều còn kể cho cánh bia bọt ở làng. Nghĩ vậy nhưng rồi lão Dỉm không rẽ vào một cửa hàng nào hết. Lão sợ chủ hàng nhận ra lão là dân quê. Tây với đầm dạo này cũng lắm. Đủ thứ da trắng, da đen, kể cả mấy người mặt mũi lão biết thừa là dân Nhật Bản. Người mình độ này đã quá quen với tây đầm đi trên phố nên kể cả mấy chị gánh gồng rau cỏ, hàng đống nát ở nhà quê ra cũng chẳng ai để ý đến họ. Đang đi lão chợt thấy trước một cửa hàng người lố nhố khá đông, cả tây lẫn ta. Tây, đầm còn vào huống hồ mình. Thế nên chả sợ người ta nhận ra mình là người nhà quê. Lão Dỉm đứng bên hè đối diện tính toán. Tự nhiên lão cảm thấy như có ai đó nhìn mình. Lão Dỉm nghếch mắt lên cố làm ra vẻ lơ đãng, rồi đảo mắt một vòng. Tay lão chạm vào tập tiền thằng cháu vừa đưa. Tự nhiên lão hua tay trước mặt. Ôi dào thần hồn nát thần tính. Quen thói sợ hão ở quê chứ có ma nào theo dõi đâu. Lão đỏ mặt tự ngượng. Cố tạo vẻ thản nhiên đi mấy bước trên hè. Những hàng may treo đầy những bộ quần áo bò. Những cửa hàng không biết bán gì mà bầy ràn rạt đủ thứ lóng lánh.Nom những thứ đó chắc là làm bằng vàng chứ không sai. Đấy ngay như hình người nhỏ nhỏ, xinh xinh đang đứng trông giống như tượng phật, bàn tay đưa đi đưa lại. Cá một ăn mười tượng ấy làm bằng vàng. Chệch làm sao được. Mình là dân sành nhất làng thì có bao giờ sai. Thế mới biết dân ngoài phố giầu thật. Đồ bầy, vật trang trí mà cũng là vàng thì quả là… Cái tượng con con ấy xoàng nhất cũng phải ba bốn cây. Bây giờ cứ tính một chỉ là triệu tám, triệu chín đi. Thôi thì cứ cho là mười tám. Một cây thành mười tám triệu. Bốn cây vị chi là bẩy mươi hai triệu. Đúng là giàu nhà quê không bằng ngồi lê hàng tỉnh là thế. À mà… Lão Dỉm hơi lần chần tính toán một lát, đoạn lão chợt thấy mình như phát hiện ra điều gì đấy. Mà cái điều phát hiện ấy phải là những người tuy ở quê nhưng đã nhiều lần ra phố, mà lại sáng dạ chứ như đám thuần nông, từ bé đến lớn chỉ như lũ ốc vặn đậu quanh nhà bố mẹ thì làm sao biết được. Tượng người giống như Phật trị giá 72 triệu. Nghĩa là nếu một con trâu nhỡ là sáu triệu thì tượng đó bằng tiền mua được mười hai con trâu. Một gia tài lớn như thế mà họ chỉ để trang trí cho cửa hàng. Tất nhiên phải là cửa hàng vàng. Ô, phố này nhiều cửa hàng thế mà sao cửa hàng nào cũng đông khách ra vào. À ở Hà Nội người ta giầu có nên việc mua bán vàng cũng chả khác việc mua mớ rau, mớ tép ở làng. Lão nông dân thông thái nhất làng Chiện thích thú bởi nhận xét ngầm của mình. Lão ngẫm, chuyến này về khối chuyện mà kể. Khách bia bọt nhà Lãng béo tha hồ tròn mắt. Lâng lâng trong đầu, lão Dỉm đi chừng dăm bước thì lão lại nhận ra thêm một điều nữa. Ấy là bức tượng người mặt phật mà cánh tay đu đưa không chỉ ở các cửa hàng vàng mà ở những cửa hàng bán các mặt hàng khác cũng có. Ô nhưng mà… Cửa hàng khách ra vào đông thật. Nhưng rõ ràng đâu phải chỉ để mua vàng,mà thấy mấy đứa con gái ngồi sau quầy tủ kính còn nhận tiền ta, đếm xoàn soạt rồi đưa tiền tây cho họ. À. Đích thị đấy là khách mua, bán tiền nước ngoài. Đúng rồi. Tiền ấy gọi là gì nhỉ. Im, im. Lão nhớ ra rồi. Bố Hùng Cường gọi là đô la Mỹ. Lão Dỉm thích chí thiếu một chút là bật thành tiếng tên tiền tây. Phải rồi. Ngoài số người mua, bán đô la còn có những người kể cả tây, đầm, ta thủng thẳng vào cửa hàng ngắm nghĩa một lát rồi ra. Vậy tức là họ vào xem. Tây, ta ở thành phố vào xem được thì mình cũng có thể vào chứ. Lão Dỉm đứng im, tĩnh tâm lại, rồi nhìn trước nhìn sau một lát đoạn lão qua đường. Hình như vẫn có ai đó nhìn lão thì phải. Đứng trước cửa hàng vàng biển đề Phúc Lộc. Lão lén đưa mắt nhìn quanh. Có ai đâu. Toàn lo hão. Lão chạm  nhẹ vào xếp tiền trong túi áo ngực. Tự nhiên lão mỉm cười, nhủ thầm. Biết đâu chỗ tiền đứa cháu đích tôn đưa cho chả mua được ít nhất ba, bốn chỉ cũng nên. Chỗ vàng này, lão sẽ dấu riêng, không thể để cho bà ấy và mấy đứa em thằng Hùng Cường biết. Mình có việc thì sao. À phải rồi. Lão Dỉm ngước mắt lên nhìn hàng chữ số nhấp nháy màu vàng trên tấm bảng màu hồng. Ông nhíu mắt ra điều chăm chú đọc. Có tiếng nói khàn khàn bất ngờ bên cạnh.
- Bác đọc giá vàng hôm nay phải không ạ?
Không quay lại mà làm vẻ sành sỏi lão đáp:
- Chà. Vừa ở ngoài vào nên hơi khó xem.
- Vâng. Thưa bác hôm nay là 18 năm mua, còn bán thì... Nhưng cháu xin lỗi bác… Giọng khàn khàn lại hỏi tiếp:
- Chẹp. Tiện thì mua một ít. Ông Dỉm không ngờ giọng mình lại có vẻ thành thạo hệt người ở phố.
- Thế thì. Cháu xin lỗi bác. Vâng thật là tuyệt vời. Bác đúng là như thế thật. Vận của bác…
Nghe câu nói này thì lão Dỉm quay lại.Trước mặt lão là một gã đàn ông không già cũng không trẻ. Khuôn mặt bầu bầu loáng thoáng vài chấm rỗ hoa. Đuôi mắt một mí hiện ra những rải chân chim vì gã đang nở nụ cười vẻ cởi mở. Ông Dỉm hơi cau mặt, gã đàn ông càng mở rộng đôi môi dày màu nâu xẫm.
- Cháu. Cháu. đúng là cháu chỉ là người thiên hạ, không mảy may biết bác. Nhưng nhìn vào bác cháu không thể dừng được mà muốn báo cho bác một việc hệ trọng… Cháu chỉ mong bác.
Gã đàn ông trung niên ngập ngừng khiến lão Dỉm càng ngạc nhiên Lão bị hút vào những tiếng nói thì thầm nhưng rất rõ của gã. Nhưng trong đầu lão lại đang loang loáng những ý nghĩ về sự cảnh giác. Lão đảo mắt nhìn quanh. Cửa hàng vẫn tấp nập người ra vào. Đông thế này sợ gì. Nghĩ vậy mà môi lão nhà quê bật lên hai tiếng cũng khẽ nhưng rành rọt:
- Vớ vẩn.
Lão đi ra đường.Gã đàn ông lẽo đẽo đi theo khiến lão muốn hét to cầu cứu, nhưng lão vẫn im lặng, lão sợ người ta biết lão là nhà quê chưa có gì đã sợ. Lão quay đâu nhìn gã đàn ông.  
- Cháu chỉ xin nói với bác một câu. Bác đừng ngại gì hết. Bởi vì cháu biết bác là người thông thạo, tinh tường.
Câu nói này của gã làm lão Dỉm tĩnh lại. Lão mỉm cười. Thấy mình sợ một cách vô lý.
- Nào có gì anh cứ nói đi .
- Vâng. Cháu xin nói luôn. Bác sắp có lộc thật to.
- Tôi có lộc? Anh cứ đùa.
- Vâng. Mặt bác đang hiện ra điều đó. Quả thật cháu chưa bao giờ thấy người nào lại có điềm báo rõ như ở bác.
- Thật thế sao? Lão Dỉm bắt dầu bị hút vào câu chuyện của gã đàn ông. 
- Vâng. Nếu bác muốn biết thì xin bác uống với cháu chén nước ở quán chè chén kia. Ngay chỗ hè phố kia. Nếu bác nghi ngại thì thôi.
- Không sao. Không sao. Lão Dỉm vừa ngồi xuống chiếc ghế đẩu ông chủ gầy quắt đưa cho.
- Bây giờ gần đến ngọ. Chà, trán bác hiện lên rõ ràng điềm trời cho. Nhưng thôi để cho chắc chắn, bác ngửa bàn tay đây cho cháu.
Lão Dỉm cố giữ vẻ thoải mái chài bàn tay ra cho gã đàn ông. Gã này xem một lát rồi gật gù.
- Đúng thật. Đúng thật. Lòng bàn tay bác đang có chữ tài rất rõ. Đây này. Đây này. Tuyệt thật, tuyệt thật. Cháu đoán chậm nhất là năm ngày nữa, điềm này sẽ báo ứng. Bác tin hay không thì tùy. Nếu đúng thế thì ngày thứ sáu bác ra chỗ này, bác cho cháu bao nhiêu cũng được. Mà không cho cũng chẳng sao. Thôi cháu đi đã. Tiền nước cháu trả rồi.
Không đợi lão Dỉm nói điều gì gã đàn ông đã bước đi thật nhanh Lão nông dân sành sỏi nhất làng Chiện uống nốt chén trà cho khỏi phí rồi đứng dậy. Cố làm vẻ bình thản mặc dù đầu óc lão đang mông lung vì lời tiên đoán của gã đàn ông lạ. Đúng chỗ này là chợ hàng Da ngày xưa bầy triển lãm cải cách ruộng đất. Bó nứa của mụ chủ tịch Năm ở Phú Thọ còn vết máu tá điền Vậy mà bây giờ thay đổi khác hẳn xưa kia. Đúng là đổi mới, hiện đại, tăng trưởng có khác. Cái cái điềm kia…Lão Dỉm lẩm bẩm. Vừa lúc đó tiếng xe máy rú lên thật to rồi tắt lịm.
- Ông. Ông xem được nhiều chưa?
Đứa cháu đích tôn đứng trước mặt lão Dỉm. Giọng nó nghe lạ lạ.
- Cũng tạm được.
- Ông có mua được gì không ?
Nghe đứa cháu hỏi, lão Dỉm giật mình nhớ ra điều gì. Lão đưa tay lên túi áo ngực và giật mình thật mạnh như có đứa nào vừa đập mạnh vào gáy. Túi áo ngực khâu bên trong phẳng lì, trống trơn. Mặt lão tái đi. Hơi thở lão gấp gáp. Miệng lão ú ớ không ra hơi ”Không, không“.
- Nếu không mua gì thì cháu đèo ông về luôn. Hình như bây giờ bố mẹ cháu nghe tin ông ra đã về cả rồi.
Lão Dỉm cố nén tiếng thở hổn hển, khập khễnh đi lại phái chiếc xe của thằng đích tôn. Miệng lão muốn gào thật to. Tao vừa bị lừa nên bị mất sạch cả tiền rồi.
Tháng 4/2008 
Nguyễn Hiếu
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...