Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

Đọc Bảy trích đoạn mùa xuân màu cam của Bùi Hoằng Vị

Đọc Bảy trích đoạn mùa xuân
màu cam của Bùi Hoằng Vị

Mỗi tác giả nghiền đời ở một khía cạnh: nghiền cái đau, cái hận, cái vô nghĩa, cái buồn chán, cái hão huyền… của nó.
Bùi Hoằng Vị nghiền nỗi buồn thảng thốt của đời. Quả thật chưa có giọng văn nào làm tôi buồn đến thế!
Như thể một hôm ta bỗng cảm thấy mình thừa, vất vưởng, không thuộc về đâu, một hôm tự dưng chua xót, một hôm tự dưng ngơ ngẩn, nghĩ loanh quanh… như một con chó bị chủ xua ra hè trước bữa cỗ, như một con mèo bị đá văng lúc lẩn quẩn đòi một bàn tay vuốt lông… 
Bùi Hoằng Vị ám ảnh. Bởi một nỗi buồn từ giã - trong một giọng văn không hề ngày thường. Đọc Bùi Hoằng Vị lần đầu tiên, từ bình thản, ta chuyển sang chăm chú, rồi quên mất mình đang đọc, nghiền, vừa đọc vừa nghĩ, và bỗng nhiên gặp tâm trạng, một tâm trạng lúc nào đó đã bỏ ta ra đi, một tâm trạng từng đưa ta xuống mồ, quặt quẹo hồi tỉnh, để rồi giở sống giở chết, ta trở lại cõi trần, cứ lâu lâu lại như bị dìm vào một cái hố sũng nước, vật vờ giữa mơ và tỉnh, không hiểu ma nào ám, không biết rằng trạng thái này chỉ có đúng một tên gọi: tâm trạng
TÂM TRẠNG NGƯỜI 
Kẻ vô phúc nào từng nếm đi nếm lại trạng thái này, ngày sống của y sẽ không bao giờ bình yên nữa. Vóc dáng của y sẽ không bao giờ thẳng thớm nữa, y giống như thằng gù giữa những khoan thai duyệt binh hàng lối, y giống như kẻ mù màu ngơ ngẩn giữa đời thường trăm sắc khoe khoang. 
Chỉ khi y cất lời, người ta mới biết y vẫn đang còn thở, nhưng y nói gì không ai hiểu, họ tưởng y lên đồng một mình, tưởng y khát chữ nghĩa, tưởng y tập xiếc. Họ cười tham dự, những muốn bỏ đi thật nhanh, nhưng không được. Bởi nỗi ám ảnh câu từ. Toát lên từ tâm trạng. Toát lên từ những điều y tuyên bố. 
Y đã ràng buộc số phận mình vào số phận kẻ khác bằng những diễn tả tâm trạng của chính mình.
Đấy là sức mạnh của văn Bùi Hoằng Vị, là đẳng cấp của phong cách, là khẳng định loại vũ khí nhất định đã được chọn lựa, của tất cả những kẻ nào ước thông qua CHỮ nộp mạng sống của y cho thượng đế. 
Tôi đọc truyện ngắn: "Bảy trích đoạn mùa xuân màu cam”. Sửng sốt, rã rượi ngấm khi đọc ”Tầng trệt thiên đường” vứt sách đi, giấc ngủ đọng lại là những nhân vật của mùa Xuân màu cam. Có lẽ đối với tôi, đây là một truyện ngắn ấn tượng nhất của BHV. 
Trong truyện ngắn này có đủ các sắc tố tạo nên tâm trạng: màu sắc, mùi vị, không gian chung, thời gian riêng, tính cách nhân vật, yếu tố môi trường, và sau rốt, một giọng văn rất ngắn, đầy chất thơ (màu đen) rất… tâm trạng. 
Tác giả chọn mùa Xuân như thể ép các nhân vật của mình buộc phải là nó, trong cái mở màn của thiên nhiên, cũng là một quá trình sống sinh vật không thể thiếu được trước khi bày tỏ trạng thái người của đời. Bởi vậy, cái bắt đầu tưởng chừng bao giờ cũng êm ấm, đẹp đẽ, tất yếu, như thiên nhiên:
”Khi thiên hạ vừa kịp chui ra khỏi cơn mê của mùa Đông thì nó đã sừng sững đấy.” 
Nhân vật bố: một hy sinh thời đại. Theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, khi ảo lý tưởng chưa kịp tan theo khói pháo, sấm mê sảng hiện sinh của thánh thiện mô hình đã kịp nổ rền đùng đùng tiếp theo, với những sáo rỗng trên bề mặt sự vật: 
"Bố, vừa kịp hoàn tất phần nhập đề, đang gầm lên lần thứ nhất: Cuộc Xống là hài hòa, luôn luôn đi lên... Mùa Xuân, nói đại thể, là vui!...”
"Bố, đã bất tỉnh nhân sự, sau một trường đoạn hùng hồn nhất, đẹp nhất:... Mùa Xuân, thế, ai mà chả yêu? Nắng thì hồng này. Không khí thì ấm áp này. Cây cối thì đâm chồi nẩy lộc này. Hoa thì đua nở này. Phải, tôi nhắc lại, muôn hoa!... Đây, ong bay vù vù, kiếm mật. Đó, bướm nhởn nhơ khoe áo sặc sỡ thắm tươi. Mùa Xuân là mùa mọi người thương nhau, lo cho nhau,... cùng nắm tay nhau đi trẩy hội, đi phố,... Ăn thì ngon, nhá? Mặc thì đẹp, nhá?... Ai nỡ chẳng yêu Xuân? ... Và, cố nhiên, không thể bỏ qua không gầm lên cái phần quan trọng nhất: Cuộc Xống là hài hòa, luôn luôn đi lên, đi lên,... Mùa Xuân, nói đại thể, là vui!" 
Bố như hiện thân của thức ăn ngon lành dâng hiến trong đời vật chất, dù sau đó chỉ béo lũ côn trùng thử nghiệm những thăng hoa gây nấm, gây men dưới nấm mồ. 
Bố làm nền cho mẹ, một tính toán ấu trĩ rất hợp lý của tính cách người, luôn luôn chạy theo những lợi nhuận tức thì đã được thượng đế nhử sẵn trong cái mồi đời sống tinh thần tương thân tương ái, trong hoạt động chính trị - xã hội nhiệt huyết và náo nức như tiến triển của tuổi thanh xuân. Tuy bản chất của mẹ là sự ghẻ nhạt không thiết tha của một trái tim sống theo mùa: 
"Mẹ, vậy mà không tận tụy với Mùa bằng Bố, mặc dù luôn nói: Đi họp Xuân cứ vui như đi trẩy hội ấy. Mỗi ngày Mẹ ghé về hai bận. Thường thì câu đầu tiên: Ở nhà có khách chứ? Con gái lầu bầu: Không. Còn câu thứ nhì: Sao bà không ăn gì cả thế? Trông Mẹ chả mấy vui" 
Mẹ, đang ngồi cắt, dán, với con gái ở nhà ngoài, nãy giờ trông ra quảng trường, hết sức tự hào: Một tài năng, rõ ràng là lớn, lại thình lình đi ra từ ngôi trường, cũng không hề nhỏ, là cái giường còn nóng hổi của bà. Con gái! Mẹ xởi lởi. Từ mai con cũng phải đi họp với mẹ mới được. Nhà ta, ai cũng trông vào, phải làm gương, con ạ. Với lại, người ta tham gia vào Câu Lạc Bộ của mẹ ngày một đông; chỉ riêng hôm nay, con biết không, đã đăng ký thêm được bẩy người vào danh sách đấy! Song, con gái chả buồn ừ hử, nó còn đang bận ư ử một bài tình ca ẽo ợt nào đấy, của mùa Đông. 
Những tính toán của mẹ luôn bị cản trở bởi những tiên đoán không thể biết trước của ông giời: sự phá ngang của ông cậu "tà giáo” mất lòng tin, sự ngây thơ như cái khóa dây quần tự do lên xuống  của ông bố, sự nhẫn nhục như máy của cô con dửng dưng với hết thảy mọi sự trên đời, và đặc biệt, sự tỉnh táo của bà mẹ gần đất xa trời. 
Mẹ là tâm trạng hiện tại của thời đại Bùi Hoằng Vị, luôn bất bình vì luôn bất mãn, không thể yên lành đi hết chặng đường tiến hóa tất yếu của mình, vì mẹ luôn luôn không đuổi kịp nó. 
Nhân vật bà là những giọt nước mắt quệt ngang của Bùi Hoằng Vị. Tại sao cứ bắt người ta phải tâm trạng mãi thế, khi cứ lấy quá khứ làm câu hỏi cho hiện tại và hiện tại làm câu hỏi cho tương lai? 
Những câu văn viết về bà của Bùi Hoằng Vị là những câu văn buồn nhất, mặc dù người ta cứ phải bật cười vì lẽ đương nhiên của nó. Chẳng khác nào cái hiện thực chết mới xứng đáng đặt tên thay thế cho cái hiện thực sống cùng thời mà tác giả cứ phải bám vào. 
Bà: một hiện thực già cội của quá khứ sắp đi qua, ít nhất trong cái mơn mởn cập bến của Xuân, tại sao không lẳng lặng mà biến đi như đất, lại cứ tỉnh như gió đêm, đặt hết câu hỏi này đến câu hỏi khác cho kẻ tâm thần không biết ngủ đêm? 
"Mùng Ba.
Mùa Xuân đã đẩy Bà cùng cái chõng lùi xuống nhà dưới. Nó đi buôn thật, hử con? Nó có biết gì mà buôn? Mỗi bận đi nằm Bà lại đờ đẫn hỏi. Nom Bà càng nhọc và buồn. Tết nhất gì thật rủi. Mẹ bảo.”
"Bà vẫn sợ nhất mùa Xuân. Phải. Mà trên hết cả là cái quảng trường: Trông ra đấy, Bà chẳng thấy diễn giả nào, hay nhà hùng biện nào hết, cũng chẳng nghe bài diễn văn mà gió cứ bứt về từng trường đoạn một. Không. Bà chẳng thấy gì hết; trái lại, trước mắt Bà, ở chỗ ấy, chỉ độc một hình ảnh Ông ngày trước, treo đong đưa lơ lửng trên cái cột (chỗ cái loa bây giờ), mình phủ một tấm vải thậm thượt mầu cam, bên dưới là đôi ủng, đã ướt sũng phân cùng nước tiểu. Ấy là chuyện bẩy năm trước, vào một mùa Xuân hụt nọ. Chúa Xuân đã treo ông lên đấy. Bà vẫn bảo. Để thị uy, trước khi bỏ đi. Bẩy năm, Bà hầu quên; song lúc này, chả muốn cũng cứ nhớ lại. Mà tệ hơn, gió thốc lên từng đợt từ quảng trường, hôm nay, chỉ đem về cho Bà rặt cái mùi ướt sũng ấy của một mùa Xuân hụt. Giời ơi! Chúa Xuân! Bà thảng thốt, như rên. Mỗi bận thế, cháu gái lại chạy lên, từ bếp: Bà cần gì không? Bà nhợt nhạt: Sao ở đây cứ nghe cái mùi ấy, hử con? Cháu gái chép miệng: Vâng. Thôi để con thắp thêm hương bàn thờ ông. Phải một lát, Bà mới nhớ sang việc khác, và ngồi lên, đờ đẫn: Nó đi buôn thật, hử con?” 
Ông cậu của truyện Bùi Hoằng Vị giống như một cành ngang duy nhất chọc thủng cái màn sương dở người dở ngợm của bức tranh xuân huyền ảo này, tuy không mang lại chút niềm vui hy vọng nào, chỉ tổ làm quá khứ sâu đậm của bà cụ già tỉnh hơn như đêm thao thức, và ngày sống của nhân vật mẹ mỗi lúc thêm nhạt phèo như tuyệt vọng bơi tìm bến bờ của vô nghĩa vong thân.
Cô con gái là một tương lai hờ hững, hỏi gì cũng không biết, chỉ làm theo mệnh lệnh của người lớn, và trốn vào những bài ca ngán ngẩm của giải trí tự thân. Nhưng nhân vật của tương lai này ít nhất không làm người đọc bực bội, chỉ nén một chút thở dài và tự nhủ: cái gì cũng cần phải có thời gian.
Toàn bộ cái khung cảnh người tồn tại sát sạt cạnh nhau này cứ tức anh ách, như thể một cái dằm không được nhổ ra, như thể một bài thơ nhất định không chịu thu nạp câu kết toàn dấu chấm than đẹp đẽ, để sau rốt, chán nản vì mệt mỏi chịu đựng, thượng đế giơ hai tay lên đầu và phán: mặc xác chúng bay, lũ người! ráng mà chịu hậu quả những điều chúng bay tự gây ra cho nhau!
Nhưng sự sống là khách quan vũ trụ, mùa Xuân cứ đến như nó cần phải đến, mang theo tất cả những màu có thể của nó, cho dù Bùi Hoằng Vị cứ khăng khăng chỉ định nó là màu da cam, mùa Xuân vẫn cứ phải xảy ra, để lại duy nhất một con đường thoát hiểm cho tiến thoái  người: TÂM TRẠNG. 
Truyện ngắn này của Bùi Hoằng Vị là những nhát cắt tâm trạng người sống động. Sống động vì đấy chính là ta, là thời đại, là xã hội người của chính ta, là vũng bùn ngụp lặn, nhưng cùng lúc là hơi thở duy nhất giúp ta duy trì sự sống, để sống sót và vượt lên chính trạng thái hấp hối này.
BẨY TRÍCH ÐOẠN MÙA XUÂN MẦU CAM
Mùng Một.
Chưa bao giờ đã có, và cũng sẽ chẳng bao giờ nữa, một mùa như thế. Nó ập đến (hay là giáng xuống?) đột ngột, khối kẻ chưa kịp chuẩn bị đối phó. Đêm trước Bà đã vật vã, trở mình suốt, nhưng chỉ ngỡ già, khó ngủ, thế thôi; chẳng ai ngờ ấy là đêm cuối cùng của mùa Đông. Giao Thừa, người ta nghe tắc kè chép miệng bẩy lần, sau đấy, thoang thoảng một hương lạ; đúng hơn, một thứ gì đó tựa như pha trộn giữa mùi phân và nước tiểu, mùi nước hoa rẻ tiền, và mùi trăm thứ bà dằn thiu mốc lưu cữu. Rồi, khi thiên hạ vừa kịp chui ra khỏi cơn mê mùa Đông thì nó đã sừng sững đấy. Mùa! Vo dvore uzhe stoit Vesna. Stenoy. Vot tak! 
Bố, hóa ra vẫn là người mẫn cảm nhất. Chẳng hiểu ông ấy quan tâm đến mùa màng tự bao giờ; mãi đến quá nửa đêm trước còn ngáy như gào, sớm hôm sau đã bật dậy, mắt nhắm mắt mở: Cờ đâu? Ông gắt. Mẹ cuống quít bới trong tủ, trong rương, trong chạn, - mọi nơi. Hết đời cũng chưa bỏ được cái thói bừa bộn. Lại gắt. Thôi, đưa cái khăn ăn đây tôi. Ông giật phắt vuông giẻ mầu cam đầu chạn, tất tả bước ra đường. Mẹ không kịp cả nhắc với theo: Kìa, cái dây khoá quần! như bao lần. Ông ấy đến thẳng quảng trường, leo lên cái bục quen thuộc, buộc một góc cái vuông giẻ lên micro, rồi không để mất một giây, đi thẳng vào bài diễn văn chào Xuân. Chưa bao giờ đã có, và cũng sẽ chẳng bao giờ nữa, một bài như thế. Một bài ra bài. Mùa!
Pháo chửa dứt, tiếng nổ còn inh tai, khói còn khét lẹt, Mẹ đã bảo: Thôi, bà vào trong; ngoài này còn để khách khứa người ta đến bây giờ, bà nằm chả tiện đâu. Rồi gọi: Cậu đem chõng của bà vào giúp tôi, nhá. Bà dân dấn nước mắt, song vội lau ngay, vì Mẹ lại bảo: Mùa Xuân rồi, phải vui. Bà bỏ chõng, xuống đất ngồi, tựa lưng vào tường, thở: Xuân đến thật, hử con? Hai mắt Bà nhọc quá, và buồn quá. Bà trông ra quảng trường, nhợt nhạt; ở đấy, Bố, vừa kịp hoàn tất phần nhập đề, đang gầm lên lần thứ nhất: Cuộc Xống là hài hoà, luôn luôn đi lên... Mùa Xuân, nói đại thể, là vui!... Còn cái khoá dây kéo quần cũng vừa kịp trễ một quãng trên đường đi xuống, và đang rung lên bận rộn theo từng nhát chém điệu nghệ của diễn giả, vào không khí...
Mẹ cho khiêng tất cả các chậu cây ra đầu hè. Nu! Pust rastsetut vse tsvety Vesny! Nào! Hãy để cho tất cả các hoa Xuân nở ra xem nào! Bà run rẩy, lùi vào: Có lẽ tôi không qua khỏi mùa này. Mẹ lườm: Chỉ được cái nói gở.
Mùng Hai.
Gần trưa, Cậu đã khăn gói xong. Mẹ chặn lại ở cửa sau, cố khẽ giọng:
Cậu đi đâu?
Suỵt. Chị biết rồi, đừng hỏi. Để yên tôi đi.
Chả còn chỗ nào là mùa Đông nữa đâu. Đừng có mà xuẩn. Cậu muốn di họa cho cả cái nhà này chắc? 
Tôi chẳng muốn gì hết. Dù thế nào tôi cũng phải đi. Lần trước, bố đã không qua khỏi, chị biết rồi. Lần này, tôi cũng thế thôi. Xuân với chả xiếc. Để rồi xem, mấy chậu kiểng của chị sẽ nở ra cái gì.
Mặc xác tôi, cậu khỏi nhiều lời. Cậu chỉ biết cậu. Hèn lắm. Thôi, xéo đi đâu thì cứ việc. Nhưng phải hiểu, đừng có mà quay về cái nhà này, rõ chưa?
Đủ rồi, tôi đi. Chào mẹ giùm tôi. Bảo mẹ tôi đi buôn.
Mùng Ba.
Mùa Xuân đã đẩy Bà cùng cái chõng lùi xuống nhà dưới. Nó đi buôn thật, hử con? Nó có biết gì mà buôn? Mỗi bận đi nằm Bà lại đờ đẫn hỏi. Nom Bà càng nhọc và buồn. Tết nhất gì thật rủi. Mẹ bảo. Khách khứa chả có lấy một mống thế này. Mẹ thì khéo lo, chứ có ai đến thật, Mẹ cũng không thể tiếp: Câu Lạc Bộ Những Người Yêu Mùa Xuân (còn gọi là Hội Yêu Xuân) đã khẩn trương gửi giấy mời họp từ hôm qua; Mẹ chỉ kịp cắp cái nón lá, với cái cặp, rồi sấp ngửa đi. Ra cửa, còn dặn: Con gái lo cơm nước, nhá. Để phần bố, rồi bà cháu liệu mà ăn trước đi. Mẹ cũng lại khéo lo, chứ Bố nào có được thư thả lấy một chốc để ghé về uống ngụm nước? Đã hơn hai ngày đêm còn gì! Vâng, Bố, diễn giả, đã mặc nhiên gắn chặt tồn tại mình với cái bục lẫn cái micro ấy mất rồi, ở đấy, toàn thân đỏ gay, ông đang phùng mang trợn mắt, nện những nắm đấm quyết liệt vào không khí, trong lúc sửa soạn gầm lên lần nữa cái điệp khúc kinh khủng: Cuộc Xống là hài hòa, luôn luôn đi lên,... Mùa Xuân, nói đại thể, là vui!... còn cái khoá dây kéo quần thì, lẽ cố nhiên, vẫn chả biết làm sao hơn là tiếp tục nhích thêm một quãng, trên đường đi xuống, và cứ rung lên bận rộn...
Bà vẫn sợ nhất mùa Xuân. Phải. Mà trên hết cả là cái quảng trường: Trông ra đấy, Bà chẳng thấy diễn giả nào, hay nhà hùng biện nào hết, cũng chẳng nghe bài diễn văn mà gió cứ bứt về từng trường đoạn một. Không. Bà chẳng thấy gì hết; trái lại, trước mắt Bà, ở chỗ ấy, chỉ độc một hình ảnh Ông ngày trước, treo đong đưa lơ lửng trên cái cột (chỗ cái loa bây giờ), mình phủ một tấm vải thậm thượt mầu cam, bên dưới là đôi ủng, đã ướt sũng phân cùng nước tiểu. Ấy là chuyện bẩy năm trước, vào một mùa Xuân hụt nọ. Chúa Xuân đã treo ông lên đấy. Bà vẫn bảo. Để thị uy, trước khi bỏ đi. Bẩy năm, Bà hầu quên; song lúc này, chả muốn cũng cứ nhớ lại. Mà tệ hơn, gió thốc lên từng đợt từ quảng trường, hôm nay, chỉ đem về cho Bà rặt cái mùi ướt sũng ấy của một mùa Xuân hụt. Giời ơi! Chúa Xuân! Bà thảng thốt, như rên. Mỗi bận thế, cháu gái lại chạy lên, từ bếp: Bà cần gì không? Bà nhợt nhạt: Sao ở đây cứ nghe cái mùi ấy, hử con? Cháu gái chép miệng: Vâng. Thôi để con thắp thêm hương bàn thờ ông. Phải một lát, Bà mới nhớ sang việc khác, và ngồi lên, đờ đẫn: Nó đi buôn thật, hử con?
Mùng Bốn.
Mẹ, vậy mà không tận tụy với Mùa bằng Bố, mặc dù luôn nói: Đi họp Xuân cứ vui như đi trẩy hội ấy. Mỗi ngày Mẹ ghé về hai bận. Thường thì câu đầu tiên: Ở nhà có khách chứ? Con gái lầu bầu: Không. Còn câu thứ nhì: Sao bà không ăn gì cả thế? Trông Mẹ chả mấy vui.
Hôm nay, khác: Mẹ về, hào hứng: Cả một tủ lạnh to đùng, được khuân ì ạch theo về. Một cái tủ lạnh, thành quả của những mùa Đông nảo nào, mặc dù hơi cổ lỗ sĩ, cửa và một chân đã rụng rời bải hoải, đóng mở phải hết sức gượng nhẹ. Nhưng mà, không thể phủ nhận ý nghĩa trọng đại của nó: Công lao họp hành của Mẹ những ba hôm đấy, không đùa. Một cái họp ra họp. Vui cứ như đi trẩy hội ấy. Mẹ hào hứng, tiếp: Tôi sắp chính thức làm Thư Ký Câu Lạc Bộ đấy. Chả là người ta ai cũng tín nhiệm mình cả, không từ chối được. 
Cái tủ, sẽ kê ở nhà ngoài, chỗ hôm trước còn là chõng Bà. Sẽ chất chứa vào đấy đủ mọi báu vật: Gương lược kim chỉ phấn sáp xà phòng nước hoa dầu nóng dầu hôi hồ dán giấy vụn giẻ vụn bản thảo Bố tiêu tỏi ớt đường muối mắm dưa cà khô mẻ...: Non một nửa thế giới! (Cái chạn, thế là thất nghiệp) Từ nay, Mẹ phải ghé về ngày đến ba bận mất. Để chiêm ngưỡng. Bố mà nom thấy thì phải biết. Lại chẳng ngã ngửa ra ấy à?!
Mùng Năm.
Mãi đến mùng Năm các chậu cây của Mẹ mới khởi sự ra hoa. Song, không phải hoa thật, mà hoa giấy. Mẹ đã có sáng kiến bảo con gái lấy giấy, cắt, dán lên các cành. Cũng không biết làm sao hơn, bởi lẽ đã dăm hôm nay, chịu, khắp nơi chả đào đâu được một cái hoa thật. Mẹ đổ lỗi cho Cậu: Tại cậu mày. Mới mùng Hai đã khéo rủa. Chỉ nhọc con gái, phải cắt, dán luôn tay, Mẹ có nhà hay không có nhà. Mẹ nhớ mua thêm giấy mầu nào khác đi, nhá. Trước lúc Mẹ đi trẩy hội, con gái có dặn. Cứ ba mầu này mãi trông phát sốt được. Nhưng Mẹ bảo không cần. Dào, chỉ vẽ. Thế cũng tốt rồi. Bố thích thế. Mà thật, Bố (và có lý gì Mẹ thì lại không?) chỉ vừa mắt có ba mầu này: Đỏ, Cam, và Vàng. 
Đến trưa, tất cả các chậu kiểng của Mẹ đã rộ hoa mặc dù, cố nhiên, chỉ độc ba mầu nóng nhất, ba bước sóng dài nhất trong giải quang phổ của bức xạ mặt trời. Để cho thập phần hoàn hảo, Mẹ đem nước hoa rẩy lên hết thảy. Kết quả, là cả nhà đã nhanh chóng sực nức một mùi nước hoa rẻ tiền.
Từng này đã đủ chưa? Con gái hỏi. Chưa. Cứ dán nữa vào! Ý Mẹ muốn các cành phải chi chít hoa. Mà mày cứ hát cái gì thế, hả con điên? Cái nhà này phải ra ăn mày cả chỉ vì ba cái bài hát ấy của mày, mày mới vừa lòng, phỏng? Con gái xụ mặt, song vẫn không chịu thôi ư ử trong mồm. Nó thì cứ thế, chỉ thích mấy bài tình ca ẽo ợt của mùa Đông. Mẹ sắp là Thư Ký của Hội đến nơi, con cái trong nhà phải ý tứ chứ! Mẹ lại lườm một cái. 
Chiều tối, Bà vẫn không khỏe hơn. Bị mắc kẹt giữa hai thứ, - mùi ướt sũng từ một mùa Xuân hụt và mùi nước hoa rẻ tiền, Bà kiệt lực, có lẽ. Sao bà không chịu ăn gì cả thế? Mẹ hỏi, nhân khi ghé về bận thứ hai trong ngày. Nó có biết gì mà buôn? Bà lại trả lời một nẻo. Nó có bảo bao giờ về không, hử con? Lần này, rất tiếc, Mẹ không kiên nhẫn nữa: Thôi, bà đừng nhắc. Cậu ấy xem như không có trong cái nhà này. Trong khi bao nhiêu người khác đây, - con, nhà con, cháu, - sao bà chả hỏi? Có ai bỏ mặc bà? Còn cậu ấy, nói ra thì xấu hổ, chứ thật, có nuôi được bà lấy bữa nào không? Dù sao, Bà cũng chẳng nghe hết câu, chỉ run rẩy, lùi vào chõng, đờ đẫn nằm xuống. Thì đấy, Mùa!
Mùng Sáu.
Im lặng. Cái loa trên quảng trường bỗng ngưng bặt: Bố, đã bất tỉnh nhân sự, sau một trường đoạn hùng hồn nhất, đẹp nhất:... Mùa Xuân, thế, ai mà chả yêu? Nắng thì hồng này. Không khí thì ấm áp này. Cây cối thì đâm chồi nẩy lộc này. Hoa thì đua nở này. Phải, tôi nhắc lại, muôn hoa!... Đây, ong bay vù vù, kiếm mật. Đó, bướm nhởn nhơ khoe áo sặc sỡ thắm tươi. Mùa Xuân là mùa mọi người thương nhau, lo cho nhau,... cùng nắm tay nhau đi trẩy hội, đi phố,... Ăn thì ngon, nhá? Mặc thì đẹp, nhá?... Ai nỡ chẳng yêu Xuân?... Và, cố nhiên, không thể bỏ qua không gầm lên cái phần quan trọng nhất: Cuộc Xống là hài hòa, luôn luôn đi lên, đi lên,... Mùa Xuân, nói đại thể, là vui!
Một bài ra bài! Tuy nhiên, diễn giả thì đã bất tỉnh rồi. (Dễ thường phải vậy: Từ trên đỉnh cao của nghệ thuật này, người ta sẽ vừa hoảng sợ, vừa tự thán phục sâu sắc đến độ có thể ngất đi được!) Vâng, Bố, nằm vật nửa người trên diễn đàn, cạnh cái micro, mắt trợn ngược, râu ria tua tủa (đã không cạo từ mùng Một), trên vành tai có một con ruồi đậu, đăm chiêu và láo xược, còn bên dưới thì, ô là la, cái khóa dây kéo quần đã đi gần hết lộ trình; lúc này nó tạm nghỉ ngơi, và bắt đầu để ngỏ trước gió Xuân một mảng quần đùi mầu cam (cái quần Mẹ mới may từ cùng một đoạn vải với vuông giẻ mà ông đã giật phắt ở đầu chạn và hiện thì đang phấp phới dưới cái micro). 
Mẹ, đang ngồi cắt, dán, với con gái ở nhà ngoài, nãy giờ trông ra quảng trường, hết sức tự hào: Một tài năng, rõ ràng là lớn, lại thình lình đi ra từ ngôi trường, cũng không hề nhỏ, là cái giường còn nóng hổi của bà. Con gái! Mẹ xởi lởi. Từ mai con cũng phải đi họp với mẹ mới được. Nhà ta, ai cũng trông vào, phải làm gương, con ạ. Với lại, người ta tham gia vào Câu Lạc Bộ của mẹ ngày một đông; chỉ riêng hôm nay, con biết không, đã đăng ký thêm được bẩy người vào danh sách đấy! Song, con gái chả buồn ừ hử, nó còn đang bận ư ử một bài tình ca ẽo ợt nào đấy, của mùa Đông. 
Giời ơi! Chúa Xuân! Cũng lúc này, Bà lên cơn mê sảng đầu tiên. Khi Mẹ và con gái chạy xuống nhà dưới, Bà đang trông lên xà nhà, nói một mình: Ông ấy vừa đến, bảo tôi sẽ không qua khỏi mùa này. Cháu gái nắm lấy tay Bà, lắc: Bà ơi! Bà nói gì thế? Song, Bà giật ra: Để yên tôi kể nào! Ông ấy nom cứ như Đông Phương Bất Bại vậy; diện xiêm y mầu cam và thêu thùa, công phu thì kinh người: Một tay khung thêu, tay kia cái kim bé tí, đương đầu với bao nhiêu là cao thủ. Ấy thế mà hôm nay, ông ấy bảo tôi phải chết. Giời ơi! Bà khóc. Mà tôi có phải là cao thủ gì đâu cơ chứ? Mẹ: Tại bà không chịu ăn uống gì cả đấy!
Mùng Bảy.
Mùa, thế là lại đẩy Bà cùng cái chõng lùi xuống tận một góc bếp: Bà tiêu, tiểu, không chủ động nữa. Mùi nước hoa rẻ tiền, nay phải tăng cường gấp đôi từ các chậu kiểng chi chít hoa ba mầu nóng, ba bước sóng dài nhất trong giải quang phổ bức xạ mặt trời của Mẹ, để hòng át đi cái mùi ướt sũng mà bây giờ chả riêng gì Bà mới cảm nhận được từ một mùa Xuân hụt, trái lại, cả nhà, - Mẹ và con gái , cũng có thể nghe ra rõ ràng hiện thực khách quan. Không chỉ thế. Cái tủ lạnh: Từ đầu hôm, non một nửa thế giới, chất chứa trong đó, được phủ đều một lớp mỏng trắng nhờ, và sáng nay, từ tờ mờ , cũng đã kịp đưa ra một mùi chẳng vừa: Mùi trăm thứ bà dằn thiu mốc lưu cữu. Mẹ, để cứu vãn, đã phải động não; thay vì gương lược kim chỉ phấn sáp xà phòng nước hoa dầu nóng dầu hôi hồ dán giấy vụn giẻ vụn bản thảo Bố tiêu tỏi ớt đường muối mắm dưa cà khô mẻ..., thì nay đổi lại: mẻ khô cà dưa mắm muối đường ớt tỏi tiêu bản thảo Bố giẻ vụn giấy vụn..., - chẳng hạn. Dù sao, chưa kết quả nào được ghi nhận hết. Thế, đành phải cho nó lánh tạm xuống bếp, ở một góc, đối diện chõng Bà. Kẻo nhỡ khách khứa có ai người ta đến. Bao giờ Mẹ cũng khéo lo, thế thôi. 
Bà, bây giờ, bị phong toả giữa ba cạnh của một tam giác mùi (các mùi đã tiên cảm được ngay từ khoảnh khắc thiêng liêng của Giao Thừa). Nhưng không khóc, cũng không rên lên thảng thốt nữa; chỉ thì thào (trước lúc Mẹ đi trẩy hội), mắt vẫn không rời xà nhà. Nó không về, hử con? Không bao giờ về nữa à? Mẹ lắc đầu, đi tìm cái nón lá với cái cặp. Ở nhà, mày phải cố ép bà ăn một tí gì đi. Rồi nhớ rẩy thêm nước hoa lên mấy cái chậu cho mẹ. Xong, đội nón, cắp cặp, xấp ngửa đi. Con gái xuống bếp: Bà phải chịu khó ăn lấy một miếng, bà nhá. Nhưng Bà vẫn chỉ trông cái xà nhà. Không. Bà không đói. Chỉ tội nghiệp nó. Nó không về nữa đâu, con ạ. Chúa Xuân đã bắt nốt nó rồi. Cháu gái ngồi thụp xuống cạnh Bà, sợ hãi: Bà ơi, bà nói ai thế? 
Chỉ mãi đến chiều, con gái mới hiểu. Mẹ về, quẳng một mẩu giấy lên bàn: Khốn nạn! Rồi ngồi phịch xuống ghế, hậm hực. Đúng là nó di hoạ cho cả cái nhà này chứ! Mẩu giấy, của một cha căng chú kiết nào không biết, vừa nhắn về. Tin Cậu: Đã chết. Cách xứ sở của mùa Đông bẩy dặm. Mẹ bảo: Đừng để bà biết. Nhưng con gái: Con nghĩ, bà biết rồi. Mẹ thừ người, một lát lại nhìn mẩu giấy: Thế là hết Thư hết Ký. Rõ công cốc. Ai người ta tín nhiệm nữa. Còn cái tủ lạnh, không khéo cũng phải đem trả đến nơi. Thì đấy, mùa Xuân (không như lời Bố): Người ta hay giận. Mà giận dai. 
Mẹ! Có phải đi gọi bố? Con gái hỏi. Không! Mẹ vẫn ngồi, thừ người. Để làm gì chứ? Bố chả cần đâu. Mà Mẹ lần này đúng: Bố, đã vùng dậy rồi, tự nảo nào, và đang trong tư thế sẵn sàng. Con ruồi thì đã hốt hoảng vụt bay, còn ông ấy, chỉ cần một cái dặng hắng, là xong, không để mất thêm một sát na, lao thẳng vào bài diễn văn đang bỏ dở. Vẫn một bài ra bài! Chỉ khác ở chỗ, cái khoá dây kéo quần giờ chả phải nhích đi đâu nữa hết: Nó đã rơi vào toạ độ chết, dưới mảng quần đùi mầu cam, mặc dù, lẽ cố nhiên, lại rung lên hết sức bận rộn ... 
Tối. Mẹ cắp cặp lầm lũi đi rồi, Bà mới tắt nghỉ. Ở góc bếp. Mùa, cuối cùng, đã đẩy Bà ra khỏi ranh giới của tồn tại. Mà cũng là ra khỏi vòng kiềm tỏa của cái tam giác ba mùi. Bà xin lỗi. Giọng Bà khẽ, cháu gái phải cúi gần sát. Hai mắt Bà nom nhọc quá và buồn quá: Bà có lỗi với tất cả. Xin lỗi tất cả. Rồi đi, lặng lẽ. Tiễn Bà, là cả một điệp khúc long trọng của Bố, vang dội trên quảng trường đã sẫm lại trong tối, lẫn với tiếng pháo Xuân bỗng rộ. Cuộc Xống là hài hoà, luôn luôn đi lên, đi lên ... Mùa Xuân, nói đại thể, là vui!... Và, cả tiếng con tắc kè, ở đâu đó, lại chép miệng bẩy lần, lạc lõng trong không... 
Vesna. Ni kogda ne bylo by, da i ni kogda ne budet odnoy drugoy, pokhozhey na etu zhe. Da! Vâng. Phải vậy không, chưa bao giờ đã có, và cũng sẽ chẳng bao giờ nữa, một Mùa như thế?!. 
Bùi Hoằng Vị
5/7/1995
Nguyễn Hồng Nhung
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...