Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

Hữu Loan: Nếu chiều mưa một cây đàn ghi ta

Hữu Loan: Nếu chiều mưa
một cây đàn ghi ta

Nếu chiều mưa một cây đàn ghi-ta có ai cầm lên, ngân vài nốt nhạc, thời gian sẽ chậm lại, mọi người ngồi gần vào nhau, im lặng chờ nghe. Đó là ký ức của tôi về một buổi chiều năm 1975, đầu thu, nhà tôi có người khách lạ, bạn của anh tôi. Anh mang theo cây đàn ghi-ta, gói trong vải bọc. Anh cho biết ngày mai trình diện theo lệnh tập trung cải tạo đợt cuối, trễ, dành cho sĩ quan cấp úy, không biết khi nào về. Anh bảo, mình sẽ hát một bản cuối cùng, không bao giờ chạm tới cây đàn nữa. Ngày ấy “nhạc vàng” bị cấm gắt gao. Đổi đời, chấm dứt lãng mạn. Tôi đề nghị anh hát Ngày Xưa Hoàng Thị. Trời sắp tối, cả bọn lưu luyến ngồi thêm một lúc. Sau lưng anh, cửa sổ mở ra nền trời mây đục, man mác trước cơn mưa, cảm giác chia biệt. Anh muốn hát một bài trước khi ra về, dặn tôi, là đứa trẻ nhất, nghe kỹ. Đó là bài Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, Phạm Duy phổ nhạc Màu Tím Hoa Sim. Lần đầu tiên tôi nghe trọn vẹn bài hát này.

Chiều hành quân qua những đồi sim những đồi sim những đồi sim đồi tím hoa sim tím cả chiều hoang biền biệt
Thật ra lúc chín, mười tuổi tôi đã nghe Phương Dung hát Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh, từ một chiếc máy quay đĩa của hãng Asia. Trên các tạp chí cuối những năm sáu mươi, tôi cũng đọc một số tác giả viết về Hữu Loan. Đang hát thì trời mưa, rào rào trên mái, trận mưa đầu mùa. Nhạc Dzũng Chinh đơn giản, xúc động, nhạc Phạm Duy bi thương, hùng tráng. Có lẽ người bình dân thích điệu rumba lãng đãng của Dzũng Chinh, người tâm sự buồn thích cái phức tạp, biến điệu, sang trọng của Phạm Duy. Thế là từ sớm, đầu những năm sáu mươi, nhiều người đã biết bài thơ của Hữu Loan là do các ca khúc. Theo nhiều tài liệu, bài thơ này được công bố lần đầu trên báo Trăm Hoa của Nguyễn Bính năm 1956 ở Hà Nội, nhưng ấn bản hạn chế. Tôi chưa từng được đọc bài thơ ấy in trên giấy trắng mực đen mãi cho đến sau này. Tôi nghĩ nhiều người cũng vậy. Năm 1978, đi lao động tập trung trên công trường Nam Thạch Hãn, trong một đêm lửa trại, tôi nghe vài thanh niên và bộ đội tham gia công tác thủy lợi hát bài Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà xen giữa những bài Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Dáng Đứng Bến Tre, Người Đi Xây Hồ Kẻ Gỗ.
Các nhạc sĩ khi phổ thơ phần nào sửa đổi, lược bớt, không giữ nguyên bản. Nhưng bài thơ vẫn chinh phục lòng người. Vì sao? Trước hết là vì câu chuyện được kể từ bài hát. Xưa nay trong tình yêu sự chia ly nào cũng xúc động. Chia ly tột cùng là cái chết. Chúng ta đề cập đến câu chuyện, bởi vì bài thơ của Hữu Loan là một trong những bài thơ trữ tình - tự sự đầu tiên của thơ Việt Nam nửa sau thế kỷ hai mươi. Tôi nghiệm thấy một tác phẩm càng nổi tiếng, nó càng được ít đọc một cách cẩn thận.
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Trong thơ, câu mở đầu là câu đặc biệt. Thơ trữ tình là tiếng nói cá nhân, là tâm sự của mình với chính mình. Thơ tự sự là nói cho người khác nghe.
Bảy năm về trước em mười bảy
(Vũ Cao) 
Là trữ tình mà không trực tiếp. 
Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
(Nguyễn Văn Bình)
Trữ tình hơn, nói với người yêu.
Còn:
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Là một câu thơ tự sự, nói cho thiên hạ nghe.
Bài thơ tự sự càng có tính trữ tình thì câu mở đầu càng quan trọng, và ngược lại. Hữu Loan đã chọn phương pháp dẫn vào chuyện với nhân vật chính (nàng) mà vẫn giới thiệu được gia đình. Hiệu ứng của ba câu đầu:
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
nằm ở chỗ sự khác lạ của trường hợp: người vợ trẻ có đến ba người anh đi bộ đội, nhưng các em lại còn nhỏ vừa sinh ra đời. Trong văn chương, sự thật chinh phục chúng ta nếu nó xuất hiện một cách không quen thuộc. Tôi phân vân về khoảng cách quá dài giữa các con đầu và các con sau trong một gia đình, chuyện có đến ba người anh đi bộ đội và những người em chưa biết nói, nửa tin nửa ngờ. Đến nay tôi vẫn còn nhớ nỗi thắc mắc về việc người vợ trẻ có một đứa em hay nhiều hơn một đứa em. Cách đây năm mươi năm những sự thực về đời sống riêng của Hữu Loan chưa được tiết lộ. 
Câu chuyện gồm các nhân vật. Những người anh, người em, người vợ trẻ, người mẹ, người chồng, người kể chuyện. Có hai câu hỏi: vì sao ta biết người kể chuyện là nhân vật? Vì người kể chuyện ở ngôi thứ nhất và cũng tham dự vào câu chuyện như một nhân vật. Vì sao ta biết người kể chuyện chính là tác giả? Có hai cách để biết như thế: văn bản và ngoài văn bản. Tiểu sử Hữu Loan. Vào những năm 1960 không ai biết rõ tiểu sử ấy cả, nhưng tôi cho rằng hầu hết người nghe đều tin tác giả đang kể chuyện của đời mình. Đó là nhờ giọng trữ tình mạnh của bài thơ tự sự.  Một so sánh: 
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
(Giang Nam) 
Có ấn tượng rằng “tôi” cũng chính là tác giả, nhưng mối liên kết này không mạnh bằng trường hợp Màu Tím Hoa Sim (MTHS). Mức độ trữ tình càng mạnh thì mối liên kết càng chặt. Nhưng mặt khác, có người có thể nghĩ rằng tự sự và trữ tình trái ngược nhau, tính tự sự mạnh thì tính trữ tình giảm bớt và ngược lại. Điều đó không đúng. MTHS vừa mạnh về trữ tình vừa rất mạnh về tự sự, chúng không loại bỏ nhau. Giả thiết rằng nếu sự thật Hữu Loan không phải là nhân vật tôi trong bài thơ, cũng như Giang Nam không phải là nhân vật tôi trong bài Quê Hương, sự “thất vọng” ở người đọc sẽ lớn hơn trong trường hợp Hữu Loan, vì liên kết càng mạnh, bẻ gãy càng chấn thương. Chúng ta có thể “thở phào nhẹ nhõm” về trường hợp Hữu Loan. Nhưng cho đến nay tôi vẫn chưa thấy có bằng chứng nào cho biết Giang Nam ngày xưa có đi chăn trâu không, mà nếu ông có đi chăn trâu thì cũng chưa chắc đó là nguyên nhân dẫn đến việc đi làm “cách mạng”. Bởi vì: ai bảo chăn trâu là khổ? 
Trong thơ Việt Nam, giữa những bài thơ khác nói về nỗi bi thương sau cái chết của người thân: Gửi Người Dưới Mộ của Đinh Hùng, Đám Tang Nguyễn Duy Diễn của Nguyên Sa, Quê Hương của Giang Nam, Núi Đôi của Vũ Cao… bài Màu Tím Hoa Sim nhắc đến nhiều nhân vật hơn cả. Tôi nói nhắc nhưng thật ra với nghĩa là các nhân vật đó có tham gia hành động, tức là trong cấu trúc của câu chuyện. Những người anh: 
Một chiều rừng mưa
Ba người anh
Từ chiến trường Đông Bắc
Là một hình ảnh, không chỉ là sự đưa đẩy của cốt truyện. Lúc đọc, người ta nghĩ về một thời ly loạn, một vùng chiến khu rừng núi âm u, rét mướt, mưa rừng bao phủ, mặc dù có thể chẳng biết Đông Bắc là đâu. Những người em không chỉ là nhân vật hậu trường: họ có đời sống riêng của mình.
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị 
Nhỏ quá nên không biết khóc, chưa biết đau thương.
Hình ảnh người mẹ: 
Má tôi ngồi bên mộ con
Đầy bóng tối 
Má là thật, mặc dù tôi chẳng biết tại sao Hữu Loan gọi mẹ bằng má. Là một người đọc, tôi tin như thế. Đó là sức mạnh của sự thuyết phục. Chi tiết chiếc bình hoa ngày cưới/ thành bình hương là một chi tiết đắt trong chuyện kể, dễ gây xúc động ban đầu, nhưng tôi không hoàn toàn tin như thế. Tôi nghĩ nó là một ẩn dụ. Tài năng của Hữu Loan là ở chỗ đã kết hợp được tính nghệ thuật cao và tính công chúng về ngôn ngữ, hình ảnh, nhạc điệu. Thơ trữ tình là tiếng khóc và tiếng cười, là khổ đau và hạnh phúc, tình yêu của Hữu Loan với người vợ vui ít buồn nhiều, sum họp ngắn, chia ly dài, nhưng không phải không có những ngày vui ngắn ngủi. 
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo
Tiếng khóc làm nên khúc bi ai, hạnh phúc làm nên thơ tình. MTHS vừa là thơ tình vừa là khúc ca ai oán. Một khúc ca bi ai, than khóc về cái chết hay về sự chia biệt, thường tĩnh lặng, hình ảnh của nó ít khi có chuyển biến, ít khi vận động. 
Trăng của nhà ai trăng một phương
Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường
(Vũ Hoàng Chương)
Nhưng MTHS là một bài thơ buồn mà vận động, thay đổi. Điều đó trước hết là do sự vận động của cảm xúc. Đến lượt, cảm xúc vận động là thông qua các hình ảnh. Hữu Loan giới thiệu màu hoa sim như thế nào? Đầu tiên là hồi tưởng của người kể chuyện:
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Nhà thơ đã cẩn thận khắc sâu hình ảnh này một lần nữa:
Áo nàng màu tím hoa sim
Đây là một trong những hình ảnh mang tính tượng trưng hiếm hoi của bài thơ. Áo màu tím là tượng trưng. Nhưng mặt khác, hình ảnh ít khi thay đổi, trong trữ tình lại càng rất khó vận động. Nhờ phương pháp tự sự, chuyển từ kể chuyện thành mô tả:
Những đồi sim dài trong chiều không hết
Nhìn áo rách vai tôi hát trong màu hoa
mà Hữu Loan đã làm cho hình ảnh trở nên sống động, cảm xúc có đời sống riêng. Khúc bi ai về cái chết của người thân trở thành một khúc hát cho chính mình, tiễn biệt mình. Trong các màu sắc: đỏ, xanh, vàng, lục, lam… thì màu tím là màu bâng khuâng hơn cả, rộng dài hơn cả, lưu luyến hơn cả đối với người Việt Nam. Sim không phải là loài hoa vương giả, mọc từng cánh không có gì đặc biệt, nhưng khi chúng tụ lại thành chùm, thành cây, thành rừng thì mênh mông, dào dạt, xúc động cả đất trời.
Nhiều chữ mới trong vỏ thân thuộc. Ví dụ: biền biệt không phải là một chữ lạ nhưng cách dùng mới. Biền biệt là gì? Xa cách, không gian, thời gian. Chiều hoang là gì? Chiều hoang dã, hoang dại, chiều mồ côi, bầu trời của người cô độc sau cái chết người thân. Chữ Hữu Loan sáng tạo. Bao nhiêu năm người ta hát hoài mà không cũ vì nó sáng tạo. Làm sao chống lại cái chết? Chỉ là bằng sự sống, bằng tình yêu đối với cuộc đời còn lại. Và với thiên nhiên, đồng ruộng, núi đồi. Bài thơ MTHS không phải là bài thơ viết về thiên nhiên nhưng câu chuyện buồn thương mà nó kể lại nhuộm đẫm mùi hoa cỏ. Thiên nhiên là tái tạo, mùa màng là trở đi trở lại: sự khổ đau cũng trở đi trở lại. Không có gì ngạc nhiên khi Hữu Loan dùng nhiều phương pháp điệp âm, điệp ngữ.
Hoa sim tím/ màu tím hoa sim/ những đồi hoa sim/ những đồi hoa sim dài/ màu tím hoa sim/ tím chiều hoang
Các nhạc sĩ cũng rất trung thành với phương pháp lập đi lập lại này của nhà thơ, vì họ nắm vững hiệu ứng lập lại trong âm nhạc.
những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím tóc thề đang chấm vai (Dzũng Chinh)
tôi mới từ xa nơi đơn vị về tôi mới từ xa nơi đơn vị về thời loạn ly có ai đòi áo cưới cưới vừa xong là tôi đi cưới vừa xong là tôi đi (Phạm Duy)
Lập lại điều gì là hình thức giản đơn nhất của âm nhạc. Sự lập lại gợi ra sự chú ý, tức tính hấp dẫn. Vì vậy các nhạc sĩ thường dùng kỹ thuật này. Lắng nghe một ngôn ngữ lạ, bạn sẽ ghi nhớ nhiều các mẫu lập lại trong câu. Trẻ con trong đồng dao cũng lập lại. Trong thơ sự lập lại tạo cảm giác thích thú, đồng điệu, thỏa mãn, nương nhờ:
Mai chị về em gửi gì không
Mai chị về nhớ má em hồng
(Nguyễn Đình Tiên)
Có khi tạo cảm giác căng thẳng:
Chúng tôi nhảy múa hò reo
Thế là nó thoát thế là nó thoát
(Nguyên Sa)
Lập lại không những là một yếu tố về tiết điệu mà còn có ý nghĩa cấu trúc đối với bài thơ. Hữu Loan cũng chọn từ rất kỹ; và trong nhiều đoạn đã cố tình làm nhòa ngôn ngữ. Thay vì viết:
Thì thương/ người vợ bé bỏng/ chờ chiều quê
Thì ông viết:
Thì thương
Người vợ chờ
Bé bỏng chiều quê
Nhờ thế, cả buổi chiều quê cũng trở nên bé bỏng. Người chết rồi được tự do trở lại với thiên nhiên, đất trời, vũ trụ, an bình, vĩnh cửu đời đời, trong khi người sống sót, người ở lại, sống trong thương tiếc bàng hoàng, ngậm ngùi, tự trách, trên cõi trần tạm bợ. Một bài thơ tình viết về cái chết, viết về người thân qua đời, sẽ thành công nếu nó truyền cho ta cảm giác trộn lẫn của đời sống và cái chết, về khung cảnh, trong trường hợp này là đất nước chiến chinh, và về ý nghĩa của sự mất mát, về hứa hẹn của một kết nối tâm linh. 
Tôi nghe nói rằng Hữu Loan viết bài thơ một mạch, trong mấy tiếng đồng hồ, viết một lần là xong. Chi tiết này, dù đúng, có thể gây ra ngộ nhận đối với quá trình sáng tạo. Đọc kỹ bài thơ, quan sát Hữu Loan dùng chữ, tôi tin rằng ông đã cân nhắc nghiền ngẫm rất lâu khi hạ những chữ ngỡ ngàng, bé bỏng, biền biệt và rất nhiều chữ khác. Ông làm bài thơ bảy tháng sau khi được tin người vợ mất: bảy tháng là thời gian dài đối với nỗi tiếc thương, đủ để nung nấu một trong những bài thơ lừng lẫy.
William Wordsworth: 
Poetry is the spontaneous overflow of powerful feelings: it takes its origin from emotion recollected in tranquillity
(Lyrical Ballads)
Thơ ca chảy trào xúc động lớn: nó phải vọt lên từ cảm xúc được lai rai hồi tưởng trong tháng ngày tịch mịch. 
Hữu Loan không chỉ có bảy tháng chuẩn bị cho bài thơ của mình. Ông còn “chuẩn bị” trước đó bằng bài Đèo Cả nổi tiếng, viết năm 1946, lấp lánh tài năng của một nhà thơ mới. 
Núi cao ngút!
Mây trời Ai Lao
Sầu đại dương!
Về bên suối đánh cờ
Người hái cam rừng ăn nheo mắt
Người vá áo thiếu kim mài sắt
Người đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu
Cái nheo mắt của Hữu Loan đóng đinh bài thơ vào huyền thoại kháng chiến, không gian tình tự dân tộc. Thơ tự do của Hữu Loan có hai đặc tính: sử dụng nhiều vần điệu và tính đối xứng trong cấu trúc. Hai tính chất này cũng chi phối nền thơ Việt tự do thời kỳ vừa ra khỏi thơ cổ điển có vần của Thơ Mới, phản ảnh sự thay đổi về thẩm mỹ của các nhà thơ, tuy mới nhưng chưa hoàn toàn từ bỏ xúc động mỹ học cũ. Thơ ông vì vậy dễ đọc, dễ ngâm, được công chúng rộng rãi đồng điệu yêu mến.
Thơ dĩ nhiên là chữ nhưng các ý tưởng và cảm xúc mà thơ mang lại bao giờ cũng, hoặc hầu hết là, thông qua hình ảnh, trước tiên là hình ảnh. Cũng như ngôn ngữ, hình ảnh trong thơ có ít nhất hai loại nghĩa: nghĩa hẹp và nghĩa rộng hay nghĩa đen và nghĩa bóng. Sim vốn là một hình ảnh quen thuộc trong đời sống, nhưng người dân quê thường nói đến trái sim nhiều hơn. Thời chiến tranh chưa lan rộng, những ngày nghỉ học tôi cũng thường cùng bạn bè lang thang trên đồi hoang Cam lộ, Gio linh hái những trái sim có vị chát, ngọt bùi. Theo tôi biết Hữu Loan là người đầu tiên nhắc đến hoa sim trong văn học và nhắc một lần thì không ai quên được. Sở dĩ như thế là vì hoa sim trong bài thơ vừa là hình ảnh có thật, một hình ảnh đơn giản, vừa có vai trò như một ẩn dụ lớn. 
Má tôi ngồi bên mộ con
Mộ là hình ảnh, nhưng chưa phải là ẩn dụ.
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương
Bình hoa là hình ảnh, bình hương là ẩn dụ.
Không những thế, với sự phổ biến sâu rộng, phần lớn nhờ các ca khúc, hoa sim tím đã trở thành một biểu tượng. Sự khác nhau giữa ẩn dụ và biểu tượng hoa sim là: ẩn dụ có tính đặc trưng, cá nhân, nặng về cảm giác, trong khi biểu tượng có tính khái quát, tập thể, nặng về khái niệm. Người đọc và người nghe hôm nay đã phát hiện trở lại cho mình một biểu tượng tâm hồn. Thật an ủi biết bao. Người Việt cần đến chúng biết nhường nào trong giai đoạn hiện nay, một giai đoạn mà các ký ức văn hóa, các giá trị tinh thần đã bị tẩy sạch bởi chiến tranh và bạo lực tinh thần. Hoa sim được nhắc lại ba lần trong suốt bài thơ.
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Được nhắc lại: 
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Đừng quên rằng nhan đề của bài thơ là lần nhắc đến đầu tiên: vai trò của nhan đề đã được Hữu Loan sử dụng sớm trong thơ Việt Nam cận đại. Không phải cái nhan đề nào cũng quan trọng như thế. Nhờ sự lập đi lập lại này, mỗi lần lập lại là một lần biến đổi, lật qua một khúc quanh của câu chuyện, hình ảnh trong bài thơ trở nên vận động, có đời sống riêng, chuyển hóa thành một cái gì lớn lao hơn là một màu hoa: 
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Thiên nhiên, trong khi vô tình tàn nhẫn, cướp đi một người thân yêu, thì lại mang khuôn mặt dịu dàng nữ tính, trở thành nơi nuôi dưỡng của người sống sót, chốn trở về của chàng trai mồ côi tình yêu, của người lính đau thương nhưng chung thủy hào hùng. Tôi chú ý đến chữ hát trong câu thơ của Hữu Loan: câu ca dao áo anh sứt chỉ đường tà đã được ông hát lên trước cả Phạm Duy, trước người khách của nhà tôi một chiều đầu thu năm 1975. Cái chết bao giờ cũng tìm cách đến giữa hai người yêu nhau. Nhà thơ có hai công việc: thông báo nó đến người đọc và kết thúc nó ngay trong bài thơ. Hữu Loan đã không chọn cách mô tả cái chết. Khác với các nhà thơ phương Tây, từ xưa đến nay, các nhà thơ Việt thường không có thói quen làm điều này: họ chỉ thông báo. Và, hệt như trong đời sống, đây là công việc khó khăn. Hữu Loan chọn phương pháp chuẩn bị tâm lý: 
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
Mấy người đi trở lại 
Số phận ba lần cay đắng: cái chết đã chọn không phải người đàn ông mà người phụ nữ; không phải người lớn tuổi mà người trẻ tuổi; không phải người trai khói lửa mà người gái hậu phương. Khuyết điểm của phương pháp tâm lý này là người đọc không biết được nguyên nhân cái chết của người vợ trẻ. Tôi còn nhớ thuở nhỏ đã có lúc ngờ rằng cô chết vì chiến tranh, cụ thể là vì bom đạn của Pháp. Tôi không chắc rằng cảm giác nghi ngờ ấy đã làm tăng lên hay làm giảm đi xúc động của mình như một người đọc, chỉ dựa vào văn bản thuần túy. 
Một bài thơ tự sự cần “kết thúc”, nghĩa là sự kết thúc cụ thể, trong khi với thơ trữ tình điều này mơ hồ hơn. Có nhiều cách. Thông thường tác giả tìm cách tóm tắt câu chuyện và rút ra những “bài học”. Khuôn mẫu này được áp dụng nhiều ở các bài thơ của các nhà thơ nặng về luân lý đạo đức hay chính trị. 
Anh đi bộ đội, sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.
(Núi Đôi, Vũ Cao) 
Kết rất chặt. Cách này điển hình, nặng về ý, nhẹ về tứ, mặc dù vẫn đầy đủ hình ảnh, nhưng nếu nhà thơ không có tài dễ rơi vào sự sáo rỗng như có thể thấy ở nhiều bài thơ khác. 
Hữu Loan chọn cách kết thúc phóng khoáng, trung thành với không khí u buồn hoài niệm của bài thơ mà vẫn mở ra: 
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà 
Nếu sự xuống dòng bậc thang của bài Đèo Cả có thể được xem là thủ pháp nghệ thuật gây cảm giác chênh vênh hiểm trở, thăm thẳm của một vùng rừng núi, cuộc kháng chiến gian khổ, hùng tráng, thì việc ngắt nhiều câu thành những câu ngắn, thậm chí chia ra làm nhiều đoạn ngắn của bài MTHS là vì một tác dụng khác. Đó là sự nới rộng không gian và thời gian. Nới rộng thời gian có nghĩa là làm chậm lại một giây phút, kéo dãn nó ra, buộc thời gian chậm lại. Tốc độ tình cảm càng nhanh, thời gian tâm lý càng chậm. Đó là phương thức trầm tư, tập trung, trong đó nhà thơ không quan tâm lắm đến diễn tiến thời gian từ quá khứ sang hiện tại đến tương lai, mà quan tâm nhiều hơn đến một quãng ngắn, nơi quá khứ, hiện tại, tương lai chập chồng thành một. 
Một bài thơ viết về cái chết, sự mất mát, sẽ thành công nếu nó đạt được một trong hai điều sau đây: sự mặc khải huyền nhiệm đối với cái chết. Và thứ hai, quan trọng không kém: tính chất liệu pháp đối với vết thương tâm hồn. Chỉ khi nào bài thơ có những hiệu ứng này đối với tác giả thì bài thơ ấy mới mong có tác dụng tương tự lên người đọc. Cấu trúc ngôn ngữ của bài MTHS có độ dung nạp cao đối với các biến thể về nhịp điệu. Có một tác giả mà tôi không nhớ tên mới đây đã nêu nhận xét thú vị rằng, bài thơ có nhiều phiên bản khác nhau, nhiều cách ngắt câu phân đoạn khác nhau; ngay chính bản thân Hữu Loan khi được yêu cầu ghi lại, thì mỗi lúc, cách ngắt câu xuống hàng cũng hơi khác.
Theo tôi, một lý do là bài thơ này dễ thuộc, có thể ngâm được, trong khi hầu hết các bài thơ tự do khác chỉ có thể đọc trên giấy, khó nhớ, không thể ngâm. Khi ngâm, người đọc sử dụng trí nhớ. Khi sử dụng trí nhớ, người ngâm trở thành người sáng tạo, vô tình hay cố ý truyền cho bài thơ cảm xúc và suy nghĩ riêng của mình vào chính thời điểm ấy đối với câu chuyện. Thử so sánh một khía cạnh của ba bài thơ thuộc vào loại hay nhất của thời kỳ kháng chiến chống Pháp: tính tổ chức âm nhạc của bài Màu Tím Hoa Sim thấp hơn bài Tây Tiến của Quang Dũng nhưng cao hơn bài Bên Kia Sông Đuống của Hoàng Cầm. Như thế là ba yếu tố: kể chuyện - ngâm thơ - hát lên đã hòa vào nhau, khắc bài thơ vào trí nhớ của người đọc. Trong ba yếu tố ấy, nhịp điệu giữ vai trò quan trọng nhất, dù là khi kể, khi ngâm, hay khi hát, vì nhịp điệu và nói rộng ra là âm nhạc có khả năng tạo ra những trường tương tác vô thức mà các phương tiện ngôn ngữ không làm được. Hữu Loan mất đi, để lại thương tiếc cho nhiều người, vì nhiều lý do: số phận nghiệt ngã, quan điểm tự do, nhân cách hùng tráng, nhưng trước hết là vì ông đã nhuộm tím không gian văn hoá bằng tiếng khóc mối tình đầu. Suốt hai mươi năm của miền Nam, các ca khúc đã góp phần nuôi giữ tiếng khóc ấy, làm nó thêm lừng lẫy.
Hình tượng trong thơ, gồm những hình ảnh đơn giản, ẩn dụ, biểu tượng, tạo lập nên cái mà phân tâm học Jung gọi là vô thức cộng đồng. Ngay khi không thể chứng minh sự tồn tại của khái niệm này, màu tím hoa sim cũng đã trở thành một hình tượng của ý thức cộng đồng. Sự xúc động của công chúng là sự xúc động nhân đôi: thương hương tiếc ngọc hai lần.
Mỗi người đọc yêu mến một nhà thơ nào đó thường có những kỉ niệm về người ấy, khi này khi khác, dài lâu, như với một người bạn không bao giờ biết mặt. Tôi lai rai nhớ về Hữu Loan như thế. Không phải là hiện tượng làm thơ một bài, vì dù làm thơ ít, ông còn có những bài hay khác, mặc dù không quan trọng bằng Màu Tím Hoa Sim, như Đèo Cả hay Tình Thủ Đô (do nhà thơ Dương Tường ghi lại). Đầu những năm chín mươi, tôi tình cờ đọc một tập thơ Hữu Loan xuất bản tại Hoa Kỳ, gồm nhiều bài thơ thời sự chính trị mới viết, nhân một giải thưởng, hình như chưa thấy công bố bao giờ, nhưng trong đó không có bài MTHS. Tôi không giữ tài liệu này nên nhân đây ghi lại theo trí nhớ. Tôi cũng may mắn được nghe Thái Thanh hát Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà lúc người ca sĩ này cùng Phạm Duy đến trình diễn ở Calgary nhiều năm về trước. Chính giọng hát trong như xé lụa, mỏng như tơ trời của Thái Thanh làm cho bài ca trở nên bất tử. Hoàng, ngồi bên cạnh tôi, quay lại hỏi: Hoa sim là hoa gì hả anh? Tôi trả lời nàng cho qua chuyện: khi nào đưa em về Việt Nam, anh sẽ chỉ cho. Mới đó mà đã hai mươi năm. Nhưng tôi lo lắng: nước mình bây giờ có còn cây sim nữa không? Để những người yêu nhau:
Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương.
Nguyễn Đức Tùng
Phụ Lục: MÀU TÍM HOA SIM
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh.
Tôi người Vệ quốc quân
Xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
Nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh
Bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Lỡ khi mình không về
Thì thương
Người vợ chờ
Bé bỏng chiều quê
Nhưng không chết
Người trai khói lửa
Mà chết
Người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
Không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương
Tàn lạnh vây quanh.
Tóc nàng xanh xanh
Ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được nhìn nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
Một mình
Đèn khuya
Bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
Ngày xưa…
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng,
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi sim
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai
Tôi hát
Trong màu hoa
(Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...).
20/4/2010
Nguyễn Đức Tùng
Nguồn: Trích từ tuyển tập Thơ Việt Nam 
thế kỷ XX, NXB Giáo Dục, 2004   
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...