Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

Huy Tưởng, lục bát

Huy Tưởng, lục bát

FINAL VERSION:
Thơ làm cho thời gian trôi chậm lại.
Bạn ngồi xuống, lắng nghe tiếng nói vang lên từ một người chưa hề gặp mặt. Từ khoảng cách lớn lao, chúng ta nghe được tiếng nói ấy, thì thào hay mạnh mẽ. Tôi ngồi yên lặng, sự tưởng tượng mang tôi lại gần tác giả, vượt qua thế giới đầy tiếng động. Gần hai trăm bài thơ lục bát ngắn của Huy Tưởng trong tập “Đêm vang hình tiếng chuông” liên tiếp nhắc nhở ta về sự yên tĩnh, sự ngồi lại, về những khoảng cách rút ngắn. Kiên nhẫn và chờ đợi. Thơ anh gợi ý về khung cảnh thanh bình đẹp đẽ đã từng có hay sẽ có, nhắc nhớ lại. Âm nhạc, ngôn ngữ, những khoảng trống im lặng làm thay đổi dòng chảy suy tưởng, uốn cong chúng, kéo thẳng chúng, tạo ra những màu sắc khác nhau, có khả năng mang chúng ta đi xa, sẽ mang chúng ta trở lại, thăm dò những thế giới khác nhau, như cuộc ra đi và trở về, tán rồi tụ, mất rồi được.
Huy Tưởng để cho nhân vật của thơ anh thiết lập mối quan hệ với người đọc một cách thân mật, dễ dàng: 
TRỜI CAO KHÔNG NỠ LÊN XANH MỘT MÌNH
ngoài vườn cải mới lên ngồng
chim bay đánh tiếng cõi lòng vắng tanh
nghe từ lá cỏ mỏng manh
trời cao không nỡ lên xanh một mình 
Huy Tưởng viết đã lâu nhưng vẫn là khuôn mặt của đời sống đương đại. Anh đứng giữa những người làm thơ các thế hệ sau, nhìn tương lai không chớp mắt. Thi sĩ đi một đoạn đường dài, qua những thăng trầm của số phận, bây giờ anh chọn một thứ khó chơi, là thơ lục bát.
‘Đêm vang hình tiếng chuông’ là tập thơ in đẹp, trình bày sang trọng, do nhà xuất bản Văn học press xuất bản, 2020. Thơ lục bát của Huy Tưởng, hội họa của Trương Đình Uyên, thiết kế của Trịnh Y Thư, bìa Đinh Thường Chinh, gồm 197 bài thơ ngắn.
Tập thơ chia làm năm phần:
Phần Một: Vách đêm rêu quạnh
Phần Hai: Tiếng rằm lênh đênh
Phần Ba: Tiếng đêm tách hạt
Phần Bốn: Cỏ hoa ướm lời
Phần Năm: trĩu nặng tà dương
Tôi thích những bức vẽ của họa sĩ Trương Đình Uyên, thủ bút của Huy Tưởng.
Thơ lục bát, viết cho hay đã khó, viết cho mới, còn khó hơn. Tập thơ này là một cố gắng làm mới. Anh không thay đổi nhịp điệu câu thơ, mà thay đổi cách ngắt câu, cách dừng, bằng các dấu chấm và dấu phẩy. Ghi nhận: hiện tượng làm mới các dấu chấm, dấu phẩy và dấu khác hình như phổ biến hơn ở các nhà thơ miền Nam và hải ngoại, so với miền Bắc. Như thế ngôn ngữ đã được đưa vào phép thử nghiệm.
“Đêm vang hình tiếng chuông” hầu hết là lục bát, hay biến thể, vì có những bài ra ngoài luật sáu tám, ví dụ bài “Lận đận cả mùa xanh”:
này chuồn chuồn kim đuôi đỏ
về chi lận đận cả mùa xanh
lời em trắc ẩn nhánh cành
đêm vùi tro bụi lòng anh mất rồi! 
Huy Tưởng là sự liên tục giữa chiến tranh và hòa bình, giữa trong nước và hải ngoại, giữa một xã hội tự do thất bại và một xã hội hòa bình đầy hỗn loạn, sự hỗn loạn chứa đựng ở đó sự thay đổi, tất nhiên. Chúng ta thấp thoáng nhìn thấy hoài vọng thay đổi ấy trong thơ anh, nhưng không nhiều. Nhà thơ tập trung ý tưởng hơn vào những thời gian cụ thể của đời sống, sự kiện, nhân vật, làm phát sinh những liên kết một cách cố ý hay vô thức. Những giấc mơ, sự mơ màng (revery) hay mơ mộng, sự tổng hợp các hình ảnh, sự phân ly và hòa hợp của chúng, tạo ra hình ảnh đặc trưng trong thơ Huy Tưởng. Một phần do nhu cầu viết ngắn gọn trong những bài thơ mà số lượng chữ bị kiểm soát, có thể thấy bộc lộ khuynh hướng của thơ hình ảnh (imagism). Đó là một khuynh hướng nặng về hiện tượng, tập trung vào giây phút hiện tại, loại bỏ các mô tả trữ tình đôi khi rườm rà. Về mặt bút pháp đó là khuynh hướng tìm cách tránh sự mòn sáo.
Khi về trú dưới hiên chùa
Nhặt được chiếc bóng ai vừa bỏ quên
Chữ thứ hai của câu tám có vần trắc.
Tôi ít khi thấy lục bát gieo vần trắc ở chữ thứ hai, câu sáu hay câu tám. Trong Kiều hình như cũng không thấy. Những thay đổi tinh tế như thế của Huy Tưởng còn xảy ra ở những bài khác, chi tiết khác, như chấm câu: 
chiều buông lận đận tinh khôi
một thoáng hồng xế trên môi người tình 
Trong khuôn khổ của những câu sáu tám gọn ghẽ, xưa nay không mấy ai vượt qua được luật bằng trắc và sự hợp vận của nó.
ngày rơi
chầm chậm ngày rơi
chiều lăn theo tiếng núi đồi lạnh căm 
Câu sáu đầu tiên trên đây được chia làm hai câu, 2 và 4. Câu thứ hai của câu lục lại được chia hai lần nữa bởi một dấu chấm. Đây là điều có thể được gây tranh cãi. Câu thơ viết một mạch:
ngày rơi chầm chậm ngày rơi
Có giống với câu của tác giả?
ngày rơi
chầm chậm ngày rơi
Tùy theo bạn nghiệm ra rằng chúng giống nhau hay khác nhau mà bạn chọn đứng về một phía trong quan niệm đối với những cố gắng làm mới theo kiểu này. Riêng tôi cho rằng khi đọc câu thơ được tác giả tách biệt như thế, quả thật không giống với câu thơ được viết một mạch, kiểu cổ điển. Thế thì tại sao nó lại khác, hay ít nhất là nó lại khác đối với một số người?
Trước hết vì tác động thị giác của nó. Thơ ngày nay ngày càng trở nên một nghệ thuật của mắt, không phải của tai, thơ không phải để ngâm mà để đọc. Thơ ngày mỗi nhường dần ánh đèn sân khấu, ngọn lửa đêm khuya, lời kể chuyện tĩnh mịch, cho những nghệ thuật khác: ca khúc, nghệ thuật sắp xếp, nhạc rap, slam. Nhà thơ ngày càng trở nên im lặng và cô độc, không còn là người hát rong. Huy Tưởng là một người như vậy, anh lùi dần vào khoảng nửa sáng nửa tối của lịch sử, cất tiếng nói dịu dàng, riêng tư. Tuy không kém phần say mê nhưng nhiều thương xót, tuy ngọt ngào nhưng buông bỏ. 
THĂM MỘ EM TRAI 
mắt trũng bấc đèn ngái ngủ
từng hồi chuông vần vụ một đời đi
cùng theo cây lá xanh rì
mây trên đỉnh núi vừa ghi chép rằng… 
Bài thơ dẫn ta đến phần mép rìa, biên giới của ý thức, một khung cảnh đằng sau ngôn ngữ, chạm tới chỗ giao hòa của trời đất, quá khứ và tương lai. Huy Tưởng cũng là người có khuynh hướng kể chuyện và sân khấu, chứ không phải chỉ là một người hoàn toàn im lặng. Có khi anh cũng sôi nổi. Có khi thơ anh vui tươi. Thơ lục bát mà vui tươi là hiếm. Tôi có cảm giác trong mỗi đoạn thơ ngắn bốn câu anh đều có một câu chuyện đằng sau mà anh chưa muốn kể lại chi tiết, chỉ thoáng qua vắn tắt thế thôi, nhưng nếu bạn ngồi xuống, hỏi nữa, mời thi sĩ dùng trà, biết đâu anh ở lại, thong thả kể cho chúng ta nghe về câu chuyện đã vùi lấp năm tháng, không ai biết. Trong khi cố gắng của anh là một ngôn ngữ mới mẻ thì các hình cảnh của anh trong thơ vẫn còn nặng quy ước, đôi khi khá cũ, làm cho tập thơ lục bát của Huy Tưởng, trong khi là một thành công về nghệ thuật, thì sự bức phá cách tân vẫn còn chừng mực hay dè dặt. 
CÂU THƠ GÓA BỤA
khuya theo hoa nở trong vườn
đưa tay hứng một mùi hương sắp tàn
một mình trong nỗi bi hoan
câu thơ góa bụa trăng vàng thất thanh!
Nhạc điệu của bài thơ tác động đến người đọc, dù người ấy có ý thức về điều đó hay không. Khác với văn xuôi, việc đọc bằng mắt là chính, trong thơ, sáng tác và thưởng ngoạn chính yếu dựa vào tai nghe, nhạc điệu. Nhiều người nhầm tưởng chỉ khi đọc lớn lên, âm nhạc mới tác động đến bạn. Thực ra khi bạn đọc im lặng, tác động của bài thơ cũng vẫn là tác động về âm điệu. Chữ trước hết là lời nói, là âm thanh. Tất nhiên một bài thơ đọc lớn lên thì tác động ấy càng rõ. Những bài thơ của Huy Tưởng hầu hết đều có thể đọc lớn như thế cả. Hình thức của chúng là truyền thống, chặt chẽ, nếu bạn tôn trọng các dấu chấm dấu phẩy của tác giả, hình thức của bài thơ có thể thay đổi, nhạc điệu di chuyển. Bài thơ là một thông tin đã được làm đẹp, được tu từ hóa, được chọn lựa cẩn thận. Mỗi chữ, mỗi dấu chấm câu, ngắt dòng đều phải có một ý nghĩa xứng đáng. Đọc thơ, vì thế là khả năng thích ứng của người đọc, khả năng di chuyển vào vị trí của độc giả, khả năng tìm thấy bài thơ ấy. Nếu không, người đọc thất lạc. Hoặc bài thơ thất lạc.
khuya
nằm nghe gió mùa lên
câu thơ nẩy hạt bập bênh gió về
(NGHE ĐỜI XẾ LỤN)
Bất kỳ một việc đọc thơ nào cũng phản ánh không chỉ bài thơ mà chính độc giả. Tôi tin rằng Huy Tưởng ý thức rõ về điều này và chờ đợi độc giả của anh, tìm đến thơ anh tuy đầy cảm hứng nhưng không phải là không có một ít chuẩn bị. Chuẩn bị như thế nào? Mỗi người mỗi khác. Có lẽ là tâm trạng hay không khí. Bạn chờ đến một thời gian riêng tư, tương đối tự do, khá im lặng, một mình càng tốt, khi khả năng chú ý của bạn ở mức cao nhất. Tôi tin rằng vào lúc ấy những bài thơ lục bát của anh tuy nhìn bề ngoài khá ngắn và khá giống nhau, có khả năng kể lại những câu chuyện rất khác nhau, những lịch sử khác nhau về đất nước và tình yêu, về hạnh phúc và mất mát, về sự tìm thấy lại và sự phụ thuộc vào tự do. 
nhánh cành tách hạt trong khuya
nơi thăm thẳm đã vẳng tia lục hồng
(VIẾT CÂU DIỆU NGỮ) 
Đúng vậy, trong những vần thơ có tính ràng buộc của lục bát, là sự tự do của chữ, của hình ảnh, của ý tưởng. Nghệ thuật ngôn từ không chỉ phản ánh ý định của tác giả, các ý tưởng, chính chúng làm thay đổi bài thơ, làm nên diện mạo của bài thơ ấy. Nếu làm thơ là một quá trình nửa ý thức nửa vô thức thì đọc thơ có lẽ cũng vậy, và đó là sự hòa hợp giữa người đọc và bài thơ, cuộc trò chuyện giữa người đọc và tác-giả-không-có-mặt. Sự liên kết ấy chỉ có thể bắt đầu bằng sự tiếp nhận của độc giả. Không có sự tiếp nhận rộng rãi, tinh tế, gần như bao dung, không một bài thơ nào có thể tìm đường đến với người đọc và mở đầu câu chuyện của một thi sĩ. Một tập hợp nhiều bài lục bát hầu hết gồm bốn câu, được viết dồn dập trong một thời gian khá ngắn, như thi sĩ có lần tâm sự, sẽ khó tránh khỏi sự lặp lại. Khi thì ở câu chữ, khi thì ở tứ thơ, hay một chi tiết, một hình ảnh. Ví dụ: 
làm sao dốc ngược trăng vàng dưới khe?
(DỐC NGƯỢC SUỐI KHE), và: 
nhiều khi vớt được trăng vàng dưới khe!
(GỬI BẠN THƠ)
Là khá giống nhau.
Công việc của nhà thơ giống như một người ra đi nhưng không biết chỗ đến cuối cùng. Sự ngẫu hứng, những tương tác bên ngoài ý muốn, hoàn cảnh lịch sử, các hoạt động vô thức, ảnh hưởng của các nhà thơ đi trước và cùng thời, làm cho con đường không thể tiên đoán được. Tuy vậy kỹ thuật ngôn ngữ, phương pháp sáng tác, ý thức làm mới vẫn có vai trò quan trọng. Sự chú ý của nhà thơ vẫn phải là sự chú ý thanh thản, mở rộng cánh cửa của tâm hồn cho những điều không chờ đợi, không tiên đoán, xa lạ, thậm chí thù địch. Một bài thơ có sức rung động thẩm mỹ chỉ xuất hiện khi nhà thơ hoàn toàn từ bỏ các cơ chế tự vệ, mối quan hệ giữa người viết và đối tượng đã được xác lập. Trong sự im lặng, sự nhìn lại, phản kháng, sự vong thân, chính ở đó mà thơ phát sinh. 
TIẾNG BIỆT TĂM 
đêm tôi khản giọng tru trăng
cuồng nư cắn vỡ miếng rằm chưa lên
đất trời cuồn cuộn mông mênh
tôi nghe vang tiếng biệt tăm đáy chiều… 
Cảm giác chúng ta bị vướng bận vào đời sống, vào những hệ lụy nhân gian làm con người khổ sở. Nếu một người không bị bỏ rơi, anh ta thuộc về đám đông, sống an toàn và sung sướng trong đám đông ấy. Đó là lý do vì sao ở những xã hội không có tự do, trong nhiều trường hợp những công dân ngoan ngoãn và đần độn sống khá là hạnh phúc. Cho đến khi họ bị bỏ rơi. Ai bỏ rơi họ? Thể chế, gia đình, kỷ luật, tuổi già, số phận. Cái chết. Chúng ta cần đối diện với sự thật không phải bởi những ảo tưởng chúng ta về sự thật. Chúng ta cần sức mạnh tình cảm, cần biết rằng con người ngày càng bị xã hội hóa một cách quá đáng, văn minh hóa một cách đáng sợ, ngày càng phụ thuộc vào công nghệ. Sống đơn độc, biệt lập, quay trở lại thiên nhiên, đi qua thung lũng mây trắng, là cách để tạo lập sự đơn độc vững vàng, hồi phục. Đó là cách chúng ta lấy lại sức mạnh nguyên thủy, dọn đường ra đi, dọn đường trở lại, để sống và để chết.
KHUYA IM RÓC RÁCH 
trăng lên lai láng vạn hình
khuya im róc rách lời thinh lặng tràn
nằm nghe mây vỡ sương tan
sao còn lận đận viết trang sơ đầu?! 
Phía sau một Huy Tưởng trầm tư là đời sống được xem xét thông suốt. Thực ra chúng ta không còn thì giờ để suy nghĩ, đời sống đầy biến động của sự kiện, đầy tiếng ồn, chúng ta chỉ sống mà không tham dự, chỉ nghe mà không lắng nghe, chỉ nhìn mà không ngắm, đi qua mà không nhớ lại. Sự yên tĩnh bên trong là lời kêu gọi của đạo Phật, Đông Phương, nhấn mạnh tính bất nhị của hiện thực. Ta với người, người với thiên nhiên là một. Trong khi ở phương Tây sự an tĩnh được xem như là đối lập với thế giới đầy hoạt động, là giới hạn với đời sống hoạt động của chúng ta. Chúng ta bị đuổi khỏi thiên đường vì ăn trái cấm. Thiên đường chính là sự yên tĩnh. Vô vi không có nghĩa là không làm gì, chính vì sợ hãi một đời sống không hoạt động mà con người ngày càng xa khái niệm vô vi. Chính vì sợ hãi cô đơn mà thế giới ngày càng nhiều tiếng động. Chính trong trạng thái yên tĩnh, vô hoạt động mà mối liên kết trở nên sâu sắc, bền vững. Nhưng sự an tĩnh bên trong cũng cần sự an tĩnh bên ngoài. Đó là vì sao Huy Tưởng đi tìm những khung cảnh thiên nhiên. Tâm hồn ông được tắm mát nơi đầu sông, trong ngọn suốt nhỏ, bên kia núi, dưới đám mây, bên kia rừng. 
ĐÊM NGỦ TRÊN THUYỀN 
một trời hiu quạnh dồn lên
sóng nghiêng lả ngọn trăng im nao lòng
cũng đành bỏ chuyến về không
nhớ thương bề bộn đêm chong mắt thuyền! 
Huy Tưởng ít nói về những vấn đề xã hội hôm nay, có lẽ chúng không xứng đáng, anh không quan tâm, hay chỉ giản dị là không đẹp để anh nhắc tới? Tôi tự hỏi trong một thời kỳ đều biến động như hôm nay việc tham dự vào đời sống xã hội của thơ ca có phải là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá tác phẩm, tôi không biết.
Đối với anh, có lẽ hiện hữu thuộc về một thế giới khác, chỉ có thể diễn đạt được bằng một ngôn ngữ riêng biệt, của thơ ca, loại mới. Anh nói nhiều đến tình yêu và thương tiếc. Sự đồng cảm là cần thiết cho sự phát triển của nhân loại, vì con người lớn lên trong cộng đồng. Tình cảnh thật khó khăn nếu chúng ta không thể hiểu được cảm xúc của người khác, đọc được ý định của họ. Sự đồng cảm là điều kiện của giao tiếp xã hội. Nó không làm thay đổi vấn đề mà con người đang đối diện nhưng thay đổi cái nhìn, cảm xúc của chúng ta. Sự đồng cảm và sự cô độc là hai gương mặt của một đời sống. Khi Huy Tưởng nói đến cô độc, anh nói đến cảnh vật, không gian tương ứng: thế giới chính là thế giới nhìn từ tâm hồn anh.
KHÚC THỨC CHIỀU TÀ
anh dắt buổi chiều xuống phố
đọt nắng tàn lần lựa cuối thềm hoa
chim kêu khúc thức lụa là
trăng theo vách dựng mộ xa xa dần...
anh đứng khuất lá phù vân
hai vai trĩu bóng thanh xuân bụi mờ
thôi đành thất lạc bài thơ!
Là một người chịu đựng vấn đề sức khỏe, trải qua nhiều năm vất vả để sống, anh là tấm gương can đảm của người làm thơ, và trước mặt trang giấy, cuộc chiến đấu có lẽ khó khăn không kém gì cuộc chiến đấu trong đời thực. Ngôn ngữ trở thành một hình thức để ca tụng và sửa chữa, để cứu rỗi. Thơ cứu rỗi bằng cách kết nối con người vào vũ trụ. Có một nhu cầu trong anh tìm tới, vươn tới.
khuya.
ngã vào lòng thiên nhiên
nghe mây xòe nguyệt huyên thuyên chưa từng
(BẬP BÙNG CỎ HOA) 
Sự vươn tới này không chỉ hướng tới tha nhân mà còn hướng vào bên trong, thế giới nội tâm bí ẩn. Thơ trở thành con đường hầu như duy nhất của Huy Tưởng để giành lấy chân dung của mình, căn cước của đời sống, cái tôi thực sự. Trong ý nghĩa ấy, đối với Huy Tưởng, lục bát là con đường. Anh tìm thấy cho mình một không gian riêng, một hiện thực kéo dài, phong phú, mở ngõ, những hành lang chiếu rọi ánh đèn mờ của quá khứ, tình yêu, hạnh phúc cũ, nỗi bàng hoàng hiện tại, tiếng thì thầm của tương lai.
Nhịp điệu lục bát chính là tiếng thì thầm ấy, thứ ánh sáng ấy, có thể dẫn một người đi xa trên hành lang, trên đường, với hy vọng dẫn về những ngã ba, ngã bảy, những nối kết của phận người đơn lẻ. Huy Tưởng tỏ ra ung dung với thể thơ truyền thống nhưng anh lại muốn làm mới nó. Đó là một xung đột làm phát sinh sự thể nghiệm. Những dấu chấm xuất hiện dày đặc trong thơ anh là một cố gắng để phản ánh hiện thực bị đứt gãy. Cố gắng ấy thành công hay không, thành công đến đâu, có lẽ quá sớm để trả lời. Người đọc và các nhà phê bình bao giờ cũng cần nhiều thời gian, thứ mà người viết không có. Cuộc đối thoại tưởng tượng ấy giữa người viết và người đọc, căng thẳng và thân mật, buồn rầu và rực rỡ, chắc chắn xảy ra một nơi nào đó, một nơi nào mà tác giả không thể biết, mà người viết dòng này cũng không biết, nhưng chúng ta tin là có.
Một trăm chín mươi bảy bài là một trong những thành tựu đặc biệt của Huy Tưởng. Những bài thơ bốn câu đứng bên nhau tạo nên chuỗi, nhiều chuỗi, gây ấn tượng như một trường thi hay một sequence, nhưng không phải là bản anh hùng ca hay trường ca tráng lệ, mà là lời tự tình sâu thẳm, mạnh mẽ, kín đáo.
Ở đó ta bắt gặp những hình ảnh thơ mộng của đời sống, tấm gương của tâm hồn chung thủy, sự suy tưởng triết học, phong cách của bậc thiền giả, một ngôn ngữ lặng lẽ, an bình. Huy Tưởng tạo ra thế giới khác cho mình và người đọc. Sự làm mới trong thi pháp ở một thể thơ rất khó làm mới, trong những trường hợp thành công đã tạo ra bước nhảy giữa hoàn cảnh khó khăn của đời sống và sức mạnh tâm linh. Mỗi bài thơ của Huy Tưởng trong "Đêm vang hình tiếng chuông" là một cửa sổ mở ra, một giây phút nơi bạn dừng lại khi đang đi tới, bất ngờ, hòa hợp. Tôi muốn nói đến sự tăng cường cảm giác, sức nhìn, mùi vị, va chạm. Động tác của bài thơ là ra dấu, dẫn đi, gợi ý. Như vậy bài thơ trước hết là sự mở đầu nhiều hơn là toàn bộ câu chuyện, là ngón tay chỉ mặt trăng. Mặt trăng ở đây vừa là hiện thực mà chúng ta đang sống vừa là một thế giới khác, thơ mộng, tuy khác biệt nhưng không hoàn toàn xa lạ. Bài thơ nhìn đăm đăm vào bức tường nơi có một bức tranh treo nhiều năm ở đó đã biến mất, nhìn vào chiếc lá mà ngày thanh xuân còn run rẩy nay đã vụt bay. 
vốn tôi
ít chữ vụng lời
trí tâm chưa đủ như người tài hoa
nuôi lòng
tát cạn bao la
lay thức tịch lặng âm ba đất trời!
(TIẾNG LỜI ÍT ỎI) 
Đó là sự tồn tại đầy đủ, sống với thực tại. Anh không ngớt tìm cách giữ lại giây phút như thế. Đôi khi anh làm được, trong thơ lục bát, đôi khi không.
Có một sự vui thú khó diễn tả khi đọc Huy Tưởng, ngọn đèn âm thầm, không tắt, chén trà sương, cuộc trò chuyện bên mái hiên chùa, tiếng vỗ một bàn tay. Đôi khi bài thơ của anh lớn như một ngọn núi, đôi khi chúng trở nên nhỏ bé như ngọn lửa tĩnh mịch trong đêm, chiếu lên khuôn mặt của những người ngồi chung quanh, khuôn mặt khắc khổ của một người từng trải, khuôn mặt diễm lệ thiếu nữ, khuôn mặt ngây thơ của đứa trẻ.
Người đọc thơ tham dự vào việc tạo ra các ý nghĩa của hình ảnh, ẩn dụ. Thơ Huy Tưởng mời gọi sự tham dự, đòi hỏi sự tưởng tượng như chính mình đi qua sáng tạo. Nhà thơ là người ca hát những vần điệu trong bóng tối, tạo lập những mối quan hệ gần gũi và tin cậy giữa người viết và người đọc. Thơ có những bí ẩn thiêng liêng không dễ mất, vươn lên từ nhạc điệu, lời hát. Không một bài thơ nào được đọc trong im lặng. Tất cả chúng đều vang lên trong tâm trí của bạn. Cũng đừng quên mối quan hệ giữa thơ ca và hội họa. Thị giác và thính giác đều quan trọng như nhau khi đọc. Một bài thơ lục bát chỉ ngắn bốn câu nhưng vì chúng được sắp xếp bên nhau có đánh số nên tựa như những làn sóng trên mặt hồ, sóng nhẹ thôi, không gầm gào trên biển cả, không dữ dội, chúng êm đềm tuôn chảy vào lòng người, mời gọi sự tham dự.
Huy Tưởng là người suy nghĩ bằng xúc cảm. Có một sự nối kết đối với hoài vọng, sự ngây thơ với vô thức. Thơ anh kêu gọi một điều gì đó ngủ quên trong chúng ta, gọi nó thức dậy, muốn được chia sẻ. Tất nhiên không một loại thơ nào hoàn toàn vô thức, dưới sự sắp xếp của nhà thơ, câu chữ phải phù hợp với thể thơ, các quy ước vần điệu. Nhưng thơ không phải chỉ là sự sắp xếp tốt nhất của các chữ, đó là một thứ ngôn ngữ được đè nén lại, nâng lên, được trao cho một quyền lực mới, chống lại sự tan vỡ, xa lìa, cái chết
TRONG VƯỜN QUÊN LÃNG
lá rơi xẻ bóng xô hình
bầy chim ngủ muộn giật mình bay lên
tròng trành cái nhớ cái quên
chẳng hay đời đã sang đêm chưa nào?
Thơ Huy Tưởng không có sự cay đắng, giận dữ, hoảng loạn, sự đau đớn cùng cực. Thơ anh đậm hương vị thiền, mặc dù anh không nói về Phật giáo hay tôn giáo, hương vị của sự tưởng tượng giàu có, im lặng sâu xa. Điều ấy trước hết thuộc về nhân cách xuyên suốt đời người. Bài thơ của anh không cố gắng, không tranh đấu để chuyển hóa, thay đổi, để chỉ hướng đi, để hướng tới hành động xã hội, nhưng đôi khi trong một vài giây phút, chúng cũng tựa như cánh bướm bay ra từ ngài, một chuyển thể sống động và êm ả, tự nhiên nhi nhiên. Tôi tin rằng mỗi cá nhân đều tự chọn cho mình tiếng nói rõ nhất, đẹp nhất trong một giai đoạn của đời sống, phù hợp với những hài kịch, bi kịch mà chỉ mình mình biết. Thơ là phần đẹp nhất mà một thi sĩ trình diện với cuộc đời, vào lúc ấy, vào tuổi ấy, trong hoàn cảnh ấy, từ cửa sổ ngôi nhà ấy, chàng thi sĩ thắp một ngọn đèn, chiếu một thứ ánh sáng, và chàng chỉ có ngọn đèn ấy, chỉ có ánh sáng ấy, và như vậy là quá đủ cho một đời người. Nếu hàng đêm, trên mặt đất, từ mỗi khung cửa sổ, có một ngọn đèn, có một ánh sáng chiếu ra như thế, nhân loại đã khác. 
25/8/2020 
Nguyễn Đức Tùng
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...