Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

Thời gian

Thời gian

(Mình đã cho nhau điều khó nhất trên đời: thời gian)
Hồi còn bé, cha tôi thường chở tôi bằng xe đạp ra bãi biển, chiều chủ nhật. Khi tôi nghịch cát, hoặc lon ton nhặt ốc, bắt dã tràng, hay đờ người ra ngắm những con sứa to bằng cái mâm vật vờ dạt trôi, cha tôi ngồi trên một mô cát xa xa, dưới rặng thông, hút thuốc. Nhiều chiều chủ nhật của tuổi thơ tôi, đã trôi qua trong tiếng sóng biển ì oạp dội về, trong tiếng gió vi vu của rặng thông, trong ánh mắt xa xăm rõi về nơi vô định của cha, trong sự thỏa thuận, không cần lên tiếng, êm đềm giữa hai tâm hồn. Lúc khác, cha đưa tôi ra công viên chơi. Khi tôi mải miết vồ châu chấu, hoặc kiên nhẫn theo chân lũ kiến tha mồi về tận hang, dưới một gốc xà cừ óng ánh dòng nhựa chảy, cha tôi ngồi trên ghế đá, lặng lẽ thả tâm hồn vào khói thuốc. Khi tôi nghịch chán, hay chiều đã tà, cha đưa tôi về nhà, tôi sung sướng vì đã hưởng cùng cha một buổi chiều êm ả như thế.
Lớn hơn một chút, tôi được ông cho về làng quê. Tôi có thể ra ao ngồi ngắm bèo trôi, xem chuồn chuồn nhào lượn cả buổi chiều, hoặc thiu thiu ngủ, trong tiếng kẽo kẹt của bụi tre, khi nằm lăn ra chõng của bà cụ bán nước vối đầu làng, lúc cha tôi đi làm công việc của ông.
Lại có lúc, cha có vẻ giả tảng không biết tôi trốn trong tủ sách, cửa tủ luôn khép hờ, một cái tủ đặt trong góc nhà tối nhất, sau một cánh cửa phòng, ai có thể nhìn thấy cái gì trong đó, nếu không mở toang nó ra mà lục lọi? Tôi ngồi trong đó, và đọc từ ánh sáng hắt qua khe cửa, đọc tất cả những gì mình nhìn thấy trong tủ, miệt mài với tình yêu sách của cha, trong những ngày thơ bé.
Nếu với những đứa con khác trong gia đình, cha tôi là hiện thân của nỗi tưng bừng khi cùng tham gia các trò chơi, hoặc đưa chúng đến những nơi náo nhiệt trong thành phố, thì tôi dường như là đứa con duy nhất ông không cần phải chiều chuộng hoặc chăm sóc nhiều, bởi trong im lặng, ông cũng biết là tôi thích gì, muốn gì.
Điều này chỉ khi lớn lên ta mới vỡ lẽ. 
Tôi đã từng tin tưởng rất lâu, mình là đứa con không được cha yêu trong ngần ấy anh chị em. Vì cha rất nghiêm khắc với tôi, và rất ít khi nhân nhượng, với mỗi một mình tôi. Em tôi có thể trì hoãn bài tập về nhà, nhưng tôi phải làm ngay. Đứa em khác có thể bỏ một buổi học, còn tôi không. Tôi luôn luôn phải cố gắng, ép mình vào những chuẩn mực rất cao - đối với một đứa trẻ lúc ấy - để được nhìn thấy nụ cười hài lòng của cha, tuy ít ỏi, nhưng dành cho mình. Như thế nào đấy, ký ức tôi luôn luôn ghi đọng lại sự buồn bã bơ vơ của mình, vì hình như cha - người mà sau này tôi mới hiểu - có ảnh hưởng lớn nhất với mình, lại xa xôi với mình hơn bất kỳ ai trong gia đình. Thậm chí, theo một quy luật tất yếu vô hình nào đó, tôi ngả sang yêu và bênh mẹ công khai, chống lại cha. 
Chỉ sau này lớn lên, ta mới vỡ lẽ: kích thước thời gian - kích thước cuộc đời của một đứa con gái trong gia đình, chính do bề dày trí tuệ, tâm hồn, cảm xúc của một người cha mang lại. Trí tuệ của người cha, mở đường cho tự do phát triển nhân cách của những đứa con. Và đặc biệt đối với đứa con gái nhỏ, thật là một điều may mắn, khi nó được yêu một người đàn ông uyên bác, ngay từ trong vô thức. 
Cha biết, tôi quan sát ông trong suy tư lặng lẽ của một đứa trẻ.
Một chiều, tôi nghe mách có người hỏi cha mình ngoài ngõ. Cái gì đó xui khiến tôi chạy phăng ra cửa, thay vì vào gọi mẹ. Tôi áp sát mặt mình vào mặt một người đàn bà trẻ xinh đẹp đang giật mình lùi lại, và thì thầm:
- Này cô, đây là lần cuối cùng cháu nhìn thấy cô tìm bố cháu đấy! Cô nghe rõ chưa?
Rồi một lần, giữa một cơn sốt cao, tôi nghe tiếng lào xào trên đầu giường mình, như những tiếng vọng về từ một đám sương mù: "đúng con bé có đôi mắt đẹp tuyệt nhà anh đây, nó đã đuổi em dữ tợn như một con mèo hoang…”
Từ đằng xa, tôi bơ vơ ngắm những mối tình tuyệt vọng của cha. Nhưng không chấp nhận nỗi giận giữ và căm hờn của mẹ. Trong câm lặng của những tình cảm tan tác này, thấp thoáng một nỗi đau thời thế nào đó của cha, mà chỉ khi hoàn toàn trưởng thành, tôi mới hiểu linh cảm của mình là đúng.
Vì tình yêu với mẹ, tôi gắng thể hiện tất cả thiên tài sớm sủa của mình vào các giải thưởng có thể giành giật được, để đưa về cho mẹ vui lòng. Tận sau này đi xa, kiếm tiền gửi cho mẹ, tôi vẫn còn nhìn thấy sự giận giữ nực cười của mình với cha, dù trong sâu thẳm của tâm hồn, tôi luôn xót xa cho nỗi bất lực trước thời cuộc và đời sống của ông, dù chỉ bằng linh cảm, điều suốt đời, đến tận khi ông mất, tôi vẫn không diễn đạt được, dù chỉ một lần, cho ông biết.
Khi cha tôi mất, tôi trở về nhà, chỉ đủ thời gian để nhấm nháp nỗi ngạc nhiên của chính mình: hình như mọi người đang than khóc cho thói quen luôn luôn có cha bên cạnh, đã bỏ họ đi xa, chứ không phải vì nỗi đau mất mát, vì ít lâu sau, họ yên ổn trở lại với thói quen mới là ông luôn vắng mặt. Để kiểm chứng nỗi ngạc nhiên này là có thật, tôi đã nắm chặt tay cha, trước khi người ta đặt ông vào quan tài, đôi tay buốt như đá, sẽ không bao giờ còn đưa tôi đi bất kỳ chốn nào nữa. 
Tôi thức nhiều đêm sau đó, trước lúc lên đường, để đọc tất cả mọi giấy tờ, ghi chép cha để lại, trong một cái cặp đen rách nát, mà những người khác không để ý. Tôi ngồi đọc thu lu trong một góc gác xép, như xưa kia ngồi trong tủ sách, trong trạng thái không liên quan đến bất kỳ ai, và bất kỳ điều gì trên trần thế, chỉ liên quan đến hai thứ: linh hồn cha và chữ.
Tôi đọc những vần thơ chưa bao giờ tôi biết, cha viết cho tôi, về tôi, và về những tuyệt vọng thời thế của ông, ẩn náu sau những mối tình lang bang vơ vẩn, mà đúng là tôi đã mơ hồ linh cảm, ngay khi còn bé. Giờ đây, tôi còn nhận rõ hơn nữa, nỗi tuyệt vọng thời thế này chỉ có ở những tâm hồn đàn ông có tri thức. Một trí tuệ đàn ông đau lặng lẽ - bao nhiêu người thân, sống quanh ông hiểu được?
Từ linh hồn cha, giờ đây tôi biết rõ, chữ, sách, chính là trí tuệ, là sự uyên bác cha đã dùng để yêu tôi, để nghiêm khắc bắt tôi học tập, bắt tôi tự nâng mình lên một kích thước sống trong đời.
Tôi đã khóc xót xa rất lâu, câm lặng, không một tiếng động, chỉ nước mắt chảy không ngừng trên mặt, trong tim, trong lòng. Tôi không thể nức nở như mọi người khác, có lẽ vì sống với cha, tôi đã biết không gian đích thực dành cho con người là sự câm lặng.
Chỉ sau khi cha mất, tôi mới nhìn thật rõ cuộc sống mơ hồ từ trước tới nay của mình.
Ai cũng đều trải qua một thời kỳ như thế: lưỡng lự giữa ngã ba đường, khi sợi dây quá khứ đã đứt, và tương lai là một bức tranh mờ mịt sương mù.
Với con người, tia sáng dẫn đường le lói duy nhất, có lẽ chỉ phụ thuộc duy nhất vào tình yêu của họ. Người ta sẽ nhận ra đường, nếu một ngày nhận ra cái mình yêu.
Từ khi gặp anh, tôi đã nhận ra điều mà tôi yêu quý: tri thức
Từ khi gặp anh, tôi mới nhìn rõ, giấc mơ mà suốt đời mình muốn gặp: sự uyên bác của người đàn ông.
Nếu không gặp anh, tôi sẽ suốt đời ngộ nhận, rằng cha, hình như không yêu mình.
Nếu không gặp anh, tôi sẽ suốt đời bơ vơ trong cảm giác vươn tới một điều gì không vươn tới được.
Nếu không gặp anh, tôi sẽ suốt đời sống trong cảm giác không được thể hiện, cái mình muốn thể hiện.
Bởi vì tuổi ấu thơ vô thức, làm sao ta nhận ra hình dáng, bản chất sự hiện hữu của chính mình?
Người đàn ông uyên bác thứ hai trong đời sau cha, tôi gặp, giống như một mặt hồ phẳng lặng. Anh giống cha tôi, để tôi tự điều chỉnh, tự vươn lên, tự nhận thức.
Anh để những đợt sóng cuồng điên của tôi tự xô dạt ào ạt, và lắng xuống, cũng tự thân.
Để bỗng những ngày ấu thơ của tôi dàn trải trước mắt, như một cuộn phim.
Để tôi nhìn thấy tôi là ai, sống trên quả đất này làm gì? Tại sao cho đến tận ngày hôm nay, mình vẫn không ngừng bị xuyên tạc, bị dối lừa, bị ngơ ngác mình đã làm gì ai? 
Từ mặt hồ phẳng như gương soi của anh, tôi đã nhìn ra bản chất sự hiện hữu của mình: một hạt cát, không hơn không kém. Một hạt cát dự phần xây những lâu đài mộng ảo trên cát. Một hạt cát bám vào gót chân trần nàng tiên cá, khi nhảy vũ điệu tình yêu rớm máu trong lâu đài con người, nhưng bình minh lên, hạt cát sẽ cùng nàng tan vào bọt biển, trở về với đại dương. Một hạt cát không tưởng, những muốn hướng về cái bất tử, bởi vậy loay hoay giữa đời thường, những mong kiếm tìm bình yên.
Trong tĩnh lặng, trong cô đơn, trong tri thức, hạt cát mượn một kiếp người này, sau cùng, cũng đã hiểu ra thời gian của nó.
Còn anh, cũng như cha, tôi muốn biết: họ từ đâu đến? Trong hình hài gì, trước khi mượn một kiếp sống của người để thể hiện ý muốn của mình? Bởi con người chỉ là sự hiện hữu của những biến thái vũ trụ, biến thái thiên nhiên đang tràn ngập quanh ta.
Tôi ước hiểu được hình hài thời gian, của những người đàn ông uyên bác - những người, một kiếp, tôi đã được yêu.
9/7/2009
Nguyễn Hồng Nhung
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...