Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

Du Tử Lê, mẹ về biển đông

Du Tử Lê, mẹ về biển đông

Tôi đọc trường khúc Mẹ Về Biển Đông của Du Tử Lê lần đầu giữa một mùa hè khô hạn, mặt đất nắng cháy nứt nẻ thoảng mùi hoa hồng dại, thứ cây mọc nhiều ở Alberta. Bài thơ của anh thời ấy, đầu những năm chín mươi thế kỷ trước, làm tôi nhớ mẹ, nhớ quê hương đã mất. Thực ra, cũng không có gì biến mất. Thế giới của Du Tử Lê đầy tiếng động vì đã có một người đàn bà hoàn toàn im lặng. Thế giới ấy đầy ắp hình ảnh, vì có một khuôn mặt mờ dần đi dưới lớp đất mà anh vừa ném xuống.
Không phải thế sao?
tôi tìm ra nhà quàn dễ hơn mình tưởng
ngôi nhà trắng. Những chiếc ghế sắt cũng mầu trắng
đường xe chạy uốn cong hình móng ngựa khoảng sân trong có nhà bán
hoa,
mấy tháng trước còn xanh những cây phong
nay lốm đốm đỏ
vòi nước từ chiếc bồn trước cửa tòa nhà chính
phun hoài như thế chẳng biết đã bao năm 
Mẹ Về Biển Đông (MVBĐ) là trường ca duy nhất của Du Tử Lê, hình như cũng là trường ca duy nhất viết về mẹ trong thơ Việt Nam cho đến nay. Thực ra giữa các nhà thơ cùng thời, anh là một trong những người nhắc đến mẹ nhiều, rải rác trong nhiều bài thơ ngắn.
Mẹ nằm thế chỗ cho con
Thịt xương cõi khác. Biển vàng sau lưng
Anh cũng thường nói đến cái chết, đến huyệt mộ.
em theo mẹ vào quê-hương-nín-lặng
áo thôi phơi hàng dậu dấy âm u
ta đáy huyệt nói gì thêm cũng vậy
em đi đi! Nhớ lấy buổi chia lìa
Nhưng với trường khúc (*) MVBĐ sáng tác năm 1990, Du Tử Lê đã làm một cuộc cách tân, trên ba phương diện: ngôn ngữ, thể loại, phong cách mô tả hiện thực. Ngày trước, chỉ những người thân trong gia đình mới nói chuyện về người chết, mới mở những chiếc rương gỗ đựng di vật người quá cố, đọc những bí mật trong nhật ký của họ. Đến thời chúng ta, cùng với Du Tử Lê, mọi người chia sẻ với nhau gánh nặng cái chết của người thân trên trang giấy. Nỗi đau khổ bởi sự mất mát có thể vì vậy mà giảm nhẹ đi hay không, sự ám ảnh có dễ chịu hơn hay không, tôi không biết, nhưng tôi tin rằng nhờ sự chia sẻ này, con người có thể sống sâu xa hơn bi kịch của mình.
tôi tìm ra nhà quàn dễ dàng hơn mình tưởng
nơi đó không lâu
tôi đã tới thăm một người bạn bị cháy
mười năm sau cái chết của Ngạc
lần thứ hai tôi tìm tới một nhà quàn
lần này tới, không phải để nhìn xác con hay xác bạn
mà để nhìn xác mẹ tôi
Thơ anh dẫn người đọc đi theo lộ trình của xúc động, sự chiêm nghiệm, hơn là trình tự đời sống. Một bài thơ buồn nhưng có nhiều mô tả tinh tế, đôi khi tinh quái. Anh ca ngợi những phẩm chất trái ngược nhau, lòng chung thủy và sự thay đổi, sự định vị và mất tích. Bài thơ này là một quá trình tự ý thức, là bản tường trình lịch sử, là dự báo thời tiết, là mối quan hệ thân mật với người đọc. Du Tử Lê sinh ra trong một gia đình khá đông con, con trai út, cha mất khi anh ba tuổi, như vậy, người mẹ gây ấn tượng sâu xa lên tuổi thơ và cuộc đời anh.
người giám đốc nhà quàn nói: chúng tôi đã sẵn sàng
quý vị có thể mặc quần áo cho bà cụ
xin đi theo tôi.
tôi bước dọc dẫy hành lang có những gian phòng kính trong suốt
cũng bàn ghế mầu trắng
cánh cửa đẩy ra. Mẹ tôi nằm trên chiếc giường có bánh xe
dưới chân bà, người ta cột hai miếng vải nhựa
một ghi tên Mrs.Hoàng. Một ghi ngày giờ nhận xác
Vì vậy, sự mô tả lạnh lùng này trở nên đau đớn.
Anh làm tôi nhớ đến phong cách của  Alice Munro hay J. M. Coetzee trong tiểu thuyết. Bài thơ là bản mô tả đầy đủ về quang cảnh ngày tang lễ, lễ hạ huyệt, nhà quàn, và mô tả nghĩa trang như một khu vườn mà người đọc đến thăm thú, dạo chơi. Nhà thơ đứng đó chăm chú nhìn xuống đất, xuống những bông hoa nở đỏ ối, mô tả bầu trời, cơn mưa, cái bàn cái ghế. Bàng hoàng như trong một cơn mơ, mà vẫn đầy những quan sát góc cạnh. Có một kiến thức đầy đủ về ngoại giới, giữ một khoảng cách vừa phải để quan sát ngay cả với người thân, chính những điều này làm cho anh giữ được giọng điệu thản nhiên nhưng không vô tình. Buồn rầu nhưng không bi lụy. Khóc nhưng không có nước mắt.
lòng tôi khô ráo. Óc trắng lóa. Cạn kiệt
tựa con diều trên không. Thình lình đứt dây, mất hút
chẳng cảm xúc nào dấy lên, dù trước khi đi tôi e sợ mình sẽ khóc
các chị thay quần áo cho bà
đương khi tôi ngồi ngó mông qua khung cửa hé
hành lang tức thở tiếng giầy
Nghi Thụy xuất hiện. Mặt anh xám, má hóp, những cọng râu dựng
ngược
Sự dày đặc chi tiết và sự trống rỗng của tâm hồn. Thơ Du Tử Lê: tình yêu thương dồn dập và sự mệt lả. Về hình thức, thể thơ tự do không vần là chính yếu, nhưng xen kẽ đoạn thơ ngắn có vần, làm thay đổi giọng điệu như những quãng nghỉ trong âm nhạc. Anh dành cho bạn một giây phút để trầm tư:
khăn với áo thoảng mùi hương quá khứ
những con đường mòn trũng thương đau
người một thuở đã sống cùng nhang khói
chẳng ai không trở lại bước đầu
Khác với thơ có vần của Du Tử Lê, trường khúc này là một phối hợp tuyệt đẹp giữa thể tự do và thơ văn xuôi, trong khoảng một ngàn câu thơ, chia làm bốn phần, mỗi phần được gọi là một phân đoạn. Cấu trúc của tác phẩm cân đối, nhưng không theo diễn tiến thời gian mà đan xen nhiều cảnh hiện tại và quá khứ, chi phối bởi ký ức và suy nghĩ hiện tại của tác giả.
Nếu thơ ngắn của Du Tử Lê là thơ trữ tình thì trong MVBĐ yếu tố trữ tình xen kẽ tự sự. Sự mất đối xứng của các câu thơ dài ngắn, ngôn ngữ bình dân, đường phố, xen kẽ những chữ Hán Việt nghiêm trang, đằm thắm. Nhờ khuôn khổ lớn, anh có thể làm triển nở các cảm hứng đột ngột, buông thả, hoặc ngược lại có đủ thời gian để kiểm soát dòng chảy cảm xúc. Đó là thế mạnh của thể loại trường ca hay trường thi. Bằng nghệ thuật mô tả, giọng kể tự nhiên, trần trụi, bài thơ có tham vọng lược ghi cuộc đời một người đàn bà Việt Nam. Hầu hết các trường hợp, hình ảnh trong bài thơ đều xoay quanh mẹ, nhưng tác giả cũng mô tả thành công nhiều nhân vật khác nhau, các anh, các chị, bằng hữu, người giúp việc, chiến tranh ở những năm xa xôi và cuộc đời khốn khổ bây giờ.
trời đất lạ nỗi sầu tôi đóng váng
mặt hồ kia hắt lại điêu tàn
mảnh đất cũ không cùng tôi bầu bạn
thì linh hồn rồi cũng đến hoang mang
Con người suy tư về cái chết, nhờ đó mà đi tìm ý nghĩa của đời sống, hay sự vô nghĩa của nó. Ta hình dung thấy thời thơ ấu của tác giả, những hạnh ngộ và bất hạnh. Sự băng hoại, thể chất và tinh thần. Làm thế nào một người già chuẩn bị chờ đón cái chết? Điều ấy không được nói tới trong bài thơ. Chúng ta chỉ có thể đoán rằng người mẹ từ Việt Nam được con cái bảo lãnh sang Mỹ và mất ở đó sau hai năm. Bệnh tật của bà thế nào? Bà có phản ứng ra sao trước cái chết? chúng ta không rõ lắm. Ngay cả với người thân, chỉ sau khi một người qua đời, mọi thứ mới được phơi bày: an táng, nghĩa trang, tình thương yêu, quá khứ khổ đau của người quá cố. Một tác phẩm nói về cái chết làm cho người đọc và người viết tham gia thực sự vào đời sống. Thật an ủi nếu chúng ta được biết người thân của mình ra đi trong an lạc, đã chiến đấu hết sức của họ, và vì vậy đó là một sự thua cuộc hiển nhiên nhưng đẹp đẽ.
cây nhân thế đã đâm chồi thất lạc
nhân gian cùng chung một vết thương 
Có người muốn xem cái chết là cơ hội để nhìn lại, có người đau đớn tiếc nuối. Có người muốn chia sẻ, có người muốn giữ kín cho mình những bí ẩn. Niềm tin, tín ngưỡng, tạo ra không khí bàng bạc quanh một người đàn bà. Đôi khi tôi nghĩ, hay cái chết cũng như một công án mà các thiền sư thường nhắc tới? Chính sự tra vấn đối với niềm tin tôn giáo làm mới lại suy nghĩ của chúng ta về những điều huyền bí. Trong một thế giới không còn thượng đế, con người tin tưởng vào điều gì? chuyển hóa và thăng hoa ra sao? Những người cô đơn về tinh thần, không biết đi về đâu, không niết bàn, không thiên đường, sống khó khăn hơn những người khác chăng, bạn tự hỏi.
tôi khóc trên chiếc bàn ăn nhà anh chị Quỳnh buổi tối trở về chỗ
của mình.
tôi bảo Nam gọi cho Tưởng và Tú, báo tin bà chết
giấc ngủ nặng chộn rộn những thế đánh của Trương Thúy Sơn
Tạ Tốn, Hân Tố Tố
Du Tử Lê chọn nhiều chi tiết đắt. Vì rất thực. Như đoạn nhắc tới truyện võ hiệp Kim Dung, tạo ra không khí kỳ lạ, hơi buồn cười, có chút dí dỏm và châm biếm, một nửa có thật, một nửa như mơ. Tình trạng phân vân lưỡng lự, giữa một lần nhìn thấy chân dung của chính mình trong hình ảnh của người đã chết, và lòng ao ước được sống thêm một cuộc đời nữa, một cuộc đời không cần phải hạnh phúc hơn nhưng nhất thiết phải phong phú hơn.
những ngọn nến được thắp trên hai bàn thờ
(vốn là hai chiếc bàn bỏ không)
hương khói mịt mù không đủ sức tỏa mùi thơm khắp căn phòng
thuê với giá cắt cổ
từ khi người ta đem xác mẹ tôi về nhà quàn
tôi chỉ khóc một lần duy nhất
lúc người bạn gái hỏi:
- Bà đâu?
Sự bất lực của cơ thể trong việc giữ lại một linh hồn: chính là sự bất lực của một xứ sở giữ lại những đứa con của mình. Trường thi là một khúc bi ca (elegy). Du Tử Lê sử dụng lối nói giản dị, dũng cảm. Và đôi khi dữ dội. Cái chết như một chấn thương, không phải vì nó mang theo nước mắt mà vì chúng để lại gia sản tan vỡ, vắt kiệt tâm hồn, để lại chuỗi ngày lạc đường, trách cứ, nghi ngờ. Trò chuyện với người chết cũng là dự án lớn. Nguồn rung cảm của Du Tử Lê đến từ nhiều cội rễ, tình thương mẹ, sự quan sát khách quan từ thuở nhỏ, sự ngạc nhiên không ngớt về những điều tưởng tầm thường, tầm nhìn triết học của anh đối với tình yêu. Du Tử Lê đã có thể nhìn thấy cái chết của mẹ từ ngày rất sớm, trước cái chết thực sự của bà, nhìn thấy xương thịt ở một người còn sống là sự hủy hoại của nhan sắc.
Và của lịch sử: cái chết của bầy chó được người mẹ vuốt ve. Cái chết của người anh trai. Cuộc chiến tranh hung dữ tàn bạo, cuộc sống xơ xác ở vùng tề, những chọn lựa khó khăn, đầy chia rẽ của dân tộc. Bạn chọn đứng về phía nào?
em đã chẳng là tôi, chung một gốc
khóc hay cười, đều xiết chảy băng, băng
vai tôi gọi, tóc kia nào thức dậy
chân ta đi, sông nhức quặn bao tầng
Anh không ngại nhắc đến những bi kịch gia đình: theo tôi đối với người Việt Nam đây là một thái độ chân thực chưa từng có.
tôi nhẩm đếm những đứa con có mặt. Những đứa mất tăm
những đứa không được thông báo bà chúng chết
tôi chợt hiểu thì ra
con người hơn xa loài thú
ở chỗ có thể biến cả xác chết, thành vũ khí trả thù,
tấn công người ở lại
Ám ảnh về một thế giới đầy sinh nở và cái chết đã chuyển thành ám ảnh về ngôn ngữ, sự trở đi trở lại của chữ, sự lặp lại một hình ảnh:
Trí nhớ tôi là ngôi nhà có nhiều cửa sổ
Chúng ta từng nhìn thấy một Du Tử Lê tài hoa và hoang dại trong thơ tình, chúng ta sẽ nhìn thấy điều ấy một lần nữa trong khúc bi ca này, buồn rầu, đau xót, siêu thực, với một khung cảnh đầy những chi tiết lộn xộn nhưng không thừa, đầy những khuôn mặt lố nhố nhưng im lặng, như những linh hồn người sống và người chết trộn lẫn vào nhau, kỳ dị, mỗi lúc một thay đổi.
khi tôi tới, những bông hoa birdflower ngửa mặt nở, ối
cỏ trông xa như mấy vụng nước biển hình vuông
có phần hơi méo
những thân cây lá to, tựa lá bồ đề không lớn, xòe theo chiều rộng
đoàn xe dừng lại
tôi cầm chiếc gậy gỗ bước xuống
bầu trời thấp nhưng trong vắt
nghĩa địa dành cho người Việt Nam được quây bằng một lớp tường
vôi trắng, có dậm song sắt
"Nghĩa Trang Việt Nam"
Thơ Việt chưa có nhiều tác phẩm viết về quan hệ gia đình thân mật. Chúng ta cũng có thơ về tình mẹ con, tình cha con, anh chị em nhưng chúng ta ít có thơ đi sâu vào các mối quan hệ tinh tế và phức tạp này, rõ ràng không chỉ có tình yêu mà còn sự ghét bỏ, không phải chỉ còn cảm xúc mà còn sự phán đoán. Lạ lùng thay, một bài thơ than khóc mẹ trở thành một bài thơ viết về những mối quan hệ phức tạp trong gia đình. Về phương diện này, Du Tử Lê đến gần với thi pháp hiện đại, trong đó tác giả không chỉ than vãn mà còn nhận xét và phán đoán, mô tả và gợi ý, trò chuyện với người đã chết và người thân của họ, tìm kiếm tung tích của kẻ mất tích, chụp những bức ảnh thật gần, rõ nét của một hiện thực chuyển động.
Tình yêu nào đối với Du Tử Lê cũng sâu sắc, nhiều suy tưởng, như khi anh nghĩ đến đứa con đã mất:
nhớ đứa con mới thôi nôi, chôn trên ngọn đồi Newport Beach
xuất huyết não
bàn tay nhỏ xíu quàng qua lưng tôi. Vỗ nhẹ nhẹ
thời gian như một vết chim bay
bảy tám năm qua, tôi không trở lại
chắc chắn cỏ đã phủ lấp miếng mộ bia nằm ngang mặt đất
hôm nay, ở đất nước người
tôi làm chủ thêm một miếng đất nữa
miếng đất được phân đo chính xác
vừa đủ lọt một chiếc áo quan
chứa đựng xác một người đàn bà Việt Nam có tám mươi lăm năm
Việt Nam
chấm dứt.
Tính chất đơn giản trong lối viết chứng tỏ sự cần thiết của nội dung, ý tưởng, nhưng vẫn sẵn sàng đan xuyên vào một ngôn ngữ nhiều âm nhạc, buồn bã, réo rắt. Sự hồi phục từ sự than khóc một người thân vừa mất là một quá trình lâu dài, thường xuyên thay đổi. Sự trở lại khu nghĩa trang sau ngày chôn cất vừa là câu chuyện có thật vừa là ẩn dụ về việc cái chết sẽ ám ảnh chúng ta, sẽ trở lại gõ cửa chúng ta, mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày. Con người phải tập trò chuyện với sự khô cạn nguồn sống. Hình như Du Tử Lê cũng đi tìm phép lạ, nhưng anh không tự ý thức về điều ấy. Phép lạ là một nguyên mẫu văn hóa, một thứ vô thức cộng đồng, lời an ủi trước sự bất lực. Nghệ thuật là sự phản ứng đối với cái chết, tiếng kêu than trước mất mát, quá trình đi xuyên qua thương tiếc. Sự vắng mặt là một trong những chủ đề quan trọng nhất của thơ Du Tử Lê, người có khả năng sống bên trong một tình yêu và bên ngoài tình yêu ấy. Bên trong một cái chết và bên ngoài cái chết ấy.
mưa xầm xập
vài người Mỹ thập thò hỏi xác
tôi nói còn hai nữa. Một trong nhà quàn và một ở Chapel
họ đi ngay. Sợ tôi vồ, chụp?
mưa làm căn phòng đẫm tử khí đã lạnh, thêm buốt
chín giờ tối. Tôi bước ra. Mưa nhẹ hạt, bóng tối, vòi nước trong
bồn
vẫn phun không mệt mỏi những lượng nước cố định
trên mặt hồ, hàng trăm ngàn con tôm riu nhảy lên
nhảy lên, nhảy lên
Khi mẹ tôi mất trong ngôi vườn cũ, tôi đang ở một nơi xa. Khi tôi trở về, vừa kịp đưa bà đến nơi chôn cất. Các chị tôi đã cố giữ cho xác của bà không bị phân rã. Khung cảnh của chúng tôi khác với khung cảnh của Du Tử Lê, nhưng những ý nghĩ mà anh trải qua, tình cảm mà anh diễn tả có nhiều điểm tương đồng với kinh nghiệm của cá nhân tôi. Tôi tin rằng nhiều người khác cũng có những chia sẻ như thế. Khi một người thân mất đi chúng ta cố gắng làm theo những nghi lễ mà chúng ta học được, đã chứng kiến thời ấu thơ. Có những gia đình nặng về  phép cầu nguyện, như người da đen Thiên chúa giáo, người Hồi giáo, có những gia đình không thiên về nghi lễ ấy. Du Tử Lê có lẽ không phải là một tín đồ ngoan đạo, nhưng trong thơ anh có dấu ấn rất sâu của những tình cảm linh thiêng. Sau cái chết của mẹ, anh có nằm mơ thấy bà không, bao nhiêu lần, những giấc mơ nào, hay bóng tối, sự im lặng?
tôi đang đứng giữa hai đầu Nam Bắc
mà con đường xích đạo nối âm dương
mẹ tôi chết từ lâu hay mới chết
ai biết đời cháy đỏ mỗi đêm thâu?
Bài thơ của Du Tử Lê sử dụng nhiều hình ảnh và ẩn dụ. Bên cạnh chúng là lối bày tỏ tình cảm trực tiếp, một hình thức như nghị luận, nhận xét, phán đoán. Ẩn dụ trong một bài thơ không phải chỉ là trang sức, tô điểm mà là một phần của cấu trúc toàn thể, là rường cột của một căn nhà. Nghị luận, không phải chỉ là phần trang trí thêm vào có tính cước chú mà là những thành phần cấu trúc, như bậc thềm nhà, cánh cửa, của căn nhà.
tôi nghĩ
không một bà mẹ Việt Nam nào
muốn chết ngoài đất nước
Thế giới của anh nhiều màu sắc, hầu hết là khung cảnh ở thành phố, các thị trấn, khung cảnh của gia đình trung lưu thời loạn lạc. Anh thuộc từng góc phố, con đường, dòng sông, những con chó, tiếng sủa của chúng, cái chết của chúng. Tôi nghĩ anh cũng thuộc cả côn trùng, bướm, tên của những loài hoa dại. Những khoảng thời gian đặc biệt nhất của một người là nơi giàu có ký ức nhất. Cũng như những nếp gấp trên mặt đất trong thời chiến, những thung lũng, những hẻm núi: nơi người ta đánh xáp lá cà nhiều nhất và chết nhiều nhất.
em đâu biết tôi có những giấc mơ
buổi sáng, Camp Pendleton, xếp hàng, đợi bữa
nơi có rất nhiều chuyến xe buýt miễn phí
nối liền Processing Center với Trại Một
người con gái ốm o ngồi cùng băng ghế
hỏi có phải tôi là người mới tới, vài hôm
và, nàng muốn được nghe từ tôi, một bài thơ cũ
nàng đọc:
"mừng em sinh nhật mới này
"nến đau đớn thắp lên đầy cuộc vui".
Du Tử Lê sử dụng một bút pháp mau lẹ. Thơ tình của anh có nhịp điệu dồn dập, giàu hình ảnh, các ý tưởng biến đổi nhanh, trong một câu có nhiều hơn một ý tưởng, nhiều hơn một mệnh đề. Nhưng trong trường ca này, anh viết chậm lại, ngẫm nghĩ về sự chậm rãi, dùng cái chậm để đối diện với sự hủy hoại, ngắn ngủi của đời sống. Đó là một sự chú ý đầy tư lự, những chi tiết nhỏ bé được mang lại nhiều ý nghĩa, sự mô tả khéo léo, làm cho người đọc như đi qua những bàn ghế được sắp xếp gọn gàng, thân mật nhưng trang trọng, im lặng nhưng không lạnh lẽo. Cái "thường ngày" không phải là yếu tố nổi bật trong thơ Du Tử Lê,  thì nay đã trở thành yếu tố chủ đạo. Anh cũng tạm quên đi một số cách tân bị tranh cãi về chữ dùng nổi tiếng của anh, các dấu chấm, hỏi, ngã, các dấu slash.
anh tôi thắp hương, vun quén lại những bó hoa bị xô lệch
tôi nhớ buổi chiều trở lại căn phòng quàn xác
căn phòng đổi khác
tựa trước đó, xác mẹ tôi không hề ở đấy
tôi không thấy một vật dụng quen thuộc nào
bàn thờ đã dọn. Hoa cũng biến mất
chẳng thể lạnh lùng và mau chóng hơn.
tôi ngồi trước ngôi mộ cỏ và đất còn hăng mùi đào xới
hút thuốc.
Nghe anh tôi nói về sự tốt đẹp biết là chừng nào
của lô đất
nhà địa lý (người thầu khu nghĩa trang) nói thế
tôi muốn khóc, thấy anh tôi già thêm chục tuổi
Thời gian bị uốn cong lại ở những đoạn mô tả sự kiện, cách xa nhau về thời gian và không gian. Có một dừng lại hợp lý ở các phân đoạn, vì vậy khi đọc, bạn nhận ra ý nghĩa của câu chuyện kể. Phương pháp tự sự của anh nằm trọn vẹn trong trường hiện đại. Trong khi câu chuyện kể có những vận động nhanh, thì Du Tử Lê cũng sử dụng đồng thời một thức điệu trầm tư. Vì vậy mà trường ca này có hai tốc độ, tốc độ nhanh của lối kể chuyện và tốc độ chậm của suy tưởng thơ ca.
em đâu biết tôi có những giấc mơ
tỉnh dạy còn nhớ tới ngày chết trong bệnh viện
mẹ tôi chưa từng ăn một cọng bún
một tô phở, một tô bánh canh
một hột vịt lộn
một miếng cá chiên!
dù bây giờ mỗi ngày tôi vẫn ăn
như mùa xuân vẫn tới
như con đường Garden Grove
Mẹ đã đi qua cái chết của chồng con, qua cuộc chiến tranh, chạy giặc, di cư, bao nhiêu dời đổi là bấy nhiêu nước mắt. Sức hồi tưởng mạnh, không phải chỉ ghi nhớ mà còn tìm ra căn cơ của thảm kịch, làm cho lời kể của anh có cái hấp dẫn của sự buồn bã và hạnh phúc như đồng tiền kẽm từ quá khứ được nhặt lên, trở nên ấm nóng trong tay người về. Anh mô tả lịch sử một gia đình, những anh chị, những người bạn, những mối quan hệ xã hội. Chất giọng bi ca và chất hoài niệm quan hệ với nhau, cũng như cái chết và sự sống hòa quyện vào nhau. Không có gì được yêu thương sâu đậm cho bằng những thứ mất mát. Du Tử Lê vốn nổi tiếng về những cách tân trong ngôn ngữ thơ, chia tách các chữ ra làm đôi, xuống dòng, đánh dấu, nhưng trong trường ca này, anh chung thủy với lối thơ tự do gần truyền thống. Các câu thơ biểu hiện một kỹ thuật dùng chữ chính xác, có nhịp điệu khá nhịp nhàng trong những cấu trúc phân chia cân bằng. Nghệ thuật mô tả của Du Tử Lê là một phương cách đa hướng, lối kể chuyện không đơn tuyến, mặc dù vẫn sử dụng ngôi thứ nhất cho một nhân vật. Khả năng mô tả ấy, trong một thứ nhạc điệu thích hợp, khi đều đặn và đơn điệu, khi gấp rút và nhiều xúc cảm, dựa trên các hình tượng mịt mờ như khói sóng.
buổi sáng, ngồi nép trên chiếc ghế sắt, tôi nói với Sơn
về sự đổi mầu của lá phong
khu rừng đỏ. Những ngày học ở Indianapolis. 1969
ly cà phê. Điếu thuốc rút từ bao Winston của Sơn
mẹ tôi nằm trong chiếc quan tài mầu dưa úa. Các chị tôi nhắm mắt
chọn cho dù giá tiền khá đắt
Sự phối hợp giữa các loại nhịp điệu làm bài thơ dài trở thành một trường ca giàu có, vừa cực tả giây phút hiện tại ở nhà quàn và nghĩa trang, vừa kể chuyện. Một nghệ thuật backstory tinh tế. Do sử dụng thơ giàu văn xuôi, thích ứng với lối kể chuyện, tác giả đã dùng các khổ thơ có vần bốn câu để biến đổi cấu trúc và theo tôi đó là một cố gắng thành công. Các chi tiết trong thơ trực tiếp nhưng không phải là không siêu thực. Tôi nghe thấy một thứ âm nhạc huyền bí, nhìn thấy một thứ ánh sáng gần như đã từng đi qua trường hấp dẫn lớn của ký ức nơi tia sáng bị bẻ cong. Thực ra âm nhạc không phải là ý nghĩa, nhưng trong thơ không thể tìm được một ý nghĩa thuần khiết mà không có âm nhạc. Nhịp điệu của thơ và nhịp điệu của nhạc là hai thứ khác nhau. Trong âm nhạc, âm thanh kiểm soát cấu trúc ngữ pháp , trong thơ đó là một thứ âm nhạc nội tại của lời nói. Tôi nghĩ đó là lý do vì sao trường ca MVBĐ đã được viết với ngôn ngữ gần văn xuôi đến thế, khi nó muốn làm hai công việc một lúc: kể lại câu chuyện và ca hát về nỗi buồn, về sự sống và về cái chết, tình mẫu tử và tình đất nước. Nhớ lại, nghĩ về một sự kiện, không phải là hành động: hành động không đáng tin cậy, chính suy tưởng mới đáng tin cậy. Thơ ca hơn bất cứ một hình thức ngôn ngữ nào khác, như văn xuôi và kịch, hướng đến một thông tin bên dưới nhạc điệu. Có thể định nghĩa thơ là âm nhạc của ngôn ngữ được tổ chức theo đơn vị của câu thơ. Một trong những đặc điểm của Du Tử Lê là câu thơ hay. Những ch ữ bất an, lo lắng, cựa quậy, bàng hoàng:
khi tôi tới, những bông birdflower nở, ối
nghĩa trang kẹp giữa hai con lạch
anh tôi nói một trong hai con lạch có nước quanh năm
nhờ thế, đất sẽ nhuần nhị
riêng xác mẹ tôi không ai nói có được nhuần nhị?
chỉ biết mẹ tôi nằm sâu
rất sâu lòng đất.
buổi chiều tôi ngồi bên ngôi mộ mới
thấy đất thật gần
trời cũng gần
nhưng trời hay đất cũng đều bất nhân như nhau
tôi muốn chửi thề trời, đất
Anh sử dụng các kết hợp chữ như những chữ mới, hoặc phát hiện ra quy luật mới của tiếng Việt. Chỉ những người nào biết sử dụng thành thạo tiếng Việt, nắm vững cú pháp, văn phạm, mới có thể sử dụng câu chữ phóng túng mà vẫn đúng đắn, có thể bỏ qua một số quy luật mà vẫn thuyết phục. Chính là sự phân vân của một kiến thức được dồn nén lại, thay vì một sự vật mới mẻ mà người viết không có kiến thức. Đặc tính của văn xuôi so với thơ là chúng giản dị và có tính tuyên bố. Trong bài thơ, Du Tử Lê đã trộn lẫn giữa một ngôn ngữ thơ ca và một ngôn ngữ văn xuôi, đời thường, đến mức nó vừa là văn nói đối thoại, nhưng mặt khác ngôn ngữ ấy chỉ được sử dụng trong một khung cảnh nhất định, dồn nén đến mức gần như mỗi câu thơ hoặc mỗi khổ thơ đều chứa đựng thông điệp. tính nghiêm túc của nỗi buồn cọ xát với tính vô nghĩa của đời sống.
Cái chết là tuyệt đối. Sau bờ sinh tử, là bóng tối, là vô ơn. Du Tử Lê gọi là sự bất nhân của trời đất. Nhưng thông điệp của anh không trừu tượng, mà cụ thể, cay đắng, thẳng thắn, đôi khi nghiệt ngã. Cảm tưởng khi đọc của tôi là như đi trong bóng mờ, trong một hành lang dài hun hút. Bạn không thể tóm tắt nó trong một chữ, một câu, bạn chỉ có thể đi dọc theo hành lang ấy, với chút sợ hãi, buồn rầu và thích thú cùng một lúc. Chính giọng điệu của tác giả trong bài thơ tạo ra say đắm ở người đọc. Sự chân thành cần thiết cho tất cả thể loại văn chương nhưng đối với một khúc bi ca, đó là điều bắt buộc.
em đâu biết tôi có những giấc mơ
buổi sáng, Camp Pendleton, xếp hàng, đợi bữa
nơi có rất nhiều chuyến xe buýt miễn phí
nối liền Processing Center với Trại Một
người con gái ốm o ngồi cùng băng ghế
hỏi có phải tôi là người mới tới, vài hôm
và, nàng muốn được nghe từ tôi, một bài thơ cũ
nàng đọc:
"mừng em sinh nhật mới này
"nến đau đớn thắp lên đầy cuộc vui."
tiếng động cơ, tiếng gió, tiếng chim gõ kiến
tiếng cười, tiếng khóc
tiếng loa phóng thanh nhắn tin tìm thân nhân
và, hơi thở gấp gáp trong lồng ngực nhấp nhô mới nhú
của người con gái
tan trên miệng vực sâu
Cái chết là một trong những trường hợp cực đoan của con người (extremity) và thường được nhiều tác giả tránh né, nhưng sự mất mẹ là một trong những kinh nghiệm phổ biến.
Chiếc quan tài với giá cắt cổ
Các chị tôi cắn răng mua
Tôi cho đây là một cố gắng deconstruction, giải huyền thoại. Lòng yêu mến đối với một bài thơ hay một nhà thơ bắt nguồn từ cảm giác của một người đồng hành, người bạn, chia sẻ những cảm xúc, những đoạn ghi chép, những mẫu chuyện rời rạc của đời sống gần gũi. Hình như Du Tử Lê viết bài thơ dài này một mạch, tôi tin thế, mặc dù chưa tôi bao giờ hỏi anh. Trung thành với nguyên tắc của mình, tôi không mấy khi dò hỏi ở tiểu sử tác giả, trừ vài trường hợp đặc biệt, đặt cho chúng các câu hỏi mà chỉ vì lười biếng đọc văn bản, người ta không thể trả lời. Giữa những mô tả lạnh lùng, xa cách như ống kính nhiếp ảnh, là nỗi buồn phảng phất hay sầu điên dại. Lời tâm tình miên man, lối kể chuyện tùy ngẫu hứng, như bạn tình cờ gặp một người bạn cũ, tâm sự đôi điều về hoàn cảnh của nhau, khi ngắn, khi dài, hết chuyện thì đứng lên. Lối viết tự nhiên ấy, gần với văn nói, tạo ra toàn bộ cấu trúc của trường ca. Anh bước ra từ tang lễ, đứng nhìn từ bên trong nỗi mất mát, cái nhìn vẫn giữ được vẻ trẻ con và ngây thơ, trong một bài thơ khác:
chẻ đôi sông núi : đêm bưng mặt
mưa quấn khăn vào sâu ấu thơ
chẻ đôi thân thế: mù tăm tích
ta nghĩa trang nào chôn cất nhau
Trở ngại lớn nhất đối với những bài thơ dài là sự lặp lại, nhàm chán. Trở ngại đối với bài thơ viết về cái chết là sự đau buồn quá độ, như một diễn viên trên sân khấu không kiểm soát được mình, khóc quá nhiều nên không diễn được. Tất nhiên tác giả không phải hoàn toàn tránh được sự lặp lại:
Những bông hoa birdflower nở đỏ ối
Ngôi nhà có nhiều cửa sổ
Là những câu được lặp lại hơi quá mức cần thiết, là những nhược điểm. Người đọc khó tính cũng có thể tìm thấy rải rác đâu đó một số hình ảnh hoặc câu thơ gần giống nhau, nhưng nhìn chung trong trường ca này mỗi đoạn đều là một bước khai triển mới, con đường của nó đi tới phía trước, thay đổi sau mỗi khúc quanh. Một bài elegy không những chỉ than khóc về cái chết, gào thét về sự vắng mặt, mà còn giúp cho người đọc tự do vượt thoát. Vượt thoát điều gì? Khỏi sự cay đắng, nỗi buồn, cảm giác của bạn về sự bất hạnh. Bạn làm thế nào để trở nên tự do trong sự vắng mặt của người khác, trở nên tự do khi bước đi trên nền nhà cháy rụi, trở nên tự do khi bộc lộ những góc tối riêng tư nhất, có khi nhục nhã, của một gia đình?
Thêm nữa, bạn biết làm gì với nỗi cô độc? Khác với tiểu thuyết, thơ không tìm cách trả lời câu hỏi lịch sử. Nó chỉ mang đi những cảm xúc trước cái chết, nỗi sợ hãi, nó dẫn chúng ta đến trước một thế giới hoảng loạn, vô tri. Nhà thơ không đi tìm phép lạ, dù thơ là niềm hi vọng về ngọn lửa ấm bên kia cánh rừng, nơi chúng ta ngồi xuống giữa những người khác, kể câu chuyện của mình, khóc và nhảy múa. Thơ tạo ra huyền thoại, và ngược lại. Du Tử Lê thiên về chi tiết và cái cụ thể hơn là những ý tưởng trừu tượng, các nhận xét khái quát. Tuy vậy trong bài thơ dài này, anh đặc biệt sử dụng những độc thoại nội tâm. Anh mô tả một ngôi làng ở miền Bắc, phong tục một vùng đất, nỗi sầu muộn, cái nhìn bi quan bên cạnh lòng yêu đời tha thiết. Cảm giác mang ơn, sự ca ngợi đối với người đã mất, sự hi sinh của một đời tám mươi lăm năm là giọng điệu chủ đạo. Bạn cảm thấy an ủi, cảm thấy nhẹ lòng, khi bạn đứng trước lòng biết ơn của anh, trước ân huệ mà anh đã nhận. Đó là lý do căn bản của các phong tục thờ cúng và lễ bái. Con người cần thường xuyên được nhắc nhở: thời tiết lạnh nhắc nhở mùa hè, sự cô đơn nhắc đến người thân, bóng tối nhắc đến ánh sáng, bệnh tật nhắc đến sức khỏe. Nếu thời gian là đề tài của trường khúc MVBĐ, đó là một thời gian được lồng trong câu chuyện, không những dùng để xâu chuỗi các chi tiết, các sự kiện, nó còn chính là nội dung của câu chuyện ấy, tập hợp của các thay đổi. Chính áp lực của tự sự đã làm biến dạng thời gian trữ tình. 
em đâu biết, tôi có những giấc mơ
tỉnh ra còn ngỡ
như có chuyến xe lửa vừa mới khởi hành
về Hà Đông
nơi mẹ tôi được sinh ra, lớn lên,
rồi theo chồng đi miết.
quê ngoại với tôi tới giờ vẫn còn là niềm bí mật
như những sợi tơ giăng khắp bầu trời
tôi từng vói, mà, chưa lần nắm được
em đâu biết tôi có những giấc mơ
thấy rõ mẹ về
đắp lại tôi, tấm chăn
vuốt lại tôi, mái tóc
đã bao năm mất hút sau lưng,
mà, mẹ tôi vẫn không thể tin rằng mái tóc xanh của con bà đã bạc
những đường kẻ dọc, ngang vầng trán tối
đôi mắt nay đã mờ
Trường khúc MVBĐ kể lại câu chuyện về tình yêu của Du Tử Lê đối với mẹ, con đường bà đi qua từ thời còn là thiếu nữ, lập gia đình, sinh con đẻ cái, trở thành góa bụa, lặn lội một nắng hai sương, trôi nổi từ nơi này qua nơi khác, từ Bắc vào Nam, từ Việt nam đến Mỹ. Hầu hết là những hồi tưởng sống động về quá khứ xa xăm pha lẫn sự mô tả của cái chết vừa xảy ra, đám tang, nghĩa địa, khung cảnh của đời sống ở hải ngoại những năm ấy. Bài thơ bắt đầu bằng sự mô tả ngắn và sự dẫn nhập giản dị, trực tiếp gần như ngay lập tức bằng một ngôn ngữ nửa thơ ca nửa văn xuôi. Đoạn thơ mở đầu này lập tức tạo ra sự tương phản giữa cái chết, tình mẫu tử, nỗi đau buồn thương tiếc một bên và một bên là sự mô tả khách quan, gần như thản nhiên lạnh lùng. Tình yêu, tình mẫu tử được nén chặt lại giữa những câu thơ, chỉ thỉnh thoảng được lộ ra qua một vài chữ ngắn, còn hầu hết là lối kể chuyện trầm tĩnh của một người con đã trưởng thành, có vẻ đã nghiền ngẫm về sự sống và cái chết nhiều năm, đã buồn thương quá đỗi, nhiều cuộc đời, chiều sâu của cuộc đời ấy, chiều sâu của tình yêu ấy, sự va chạm khốc liệt của đời sống bên trong và đời sống bên ngoài, giữa tuổi thơ đẹp đẽ và tội nghiệp và một đất nước chiến tranh, cuộc chiến tranh tàn bạo, kéo dài. Có những chữ đã được nhặt lên một cách chính xác, đặt vào câu thơ không thể thay đổi được bởi kỹ thuật trác tuyệt chỉ có ở Du Tử Lê, có những câu hồn nhiên, tự nhiên, thẳng tuột, như văn nói, có thể nói khác đi, mà vẫn đầy sức mạnh, nhờ sự dung chứa của xúc động chân  thật. Thời gian định nghĩa tình yêu, giới hạn của nó, những nối kết của con người. Thời gian định nghĩa cái chết. Chúng ta nhận ra sự khác biệt giữa các sự vật là nhờ có sinh ra và mất đi, sự biến đổi, mùa màng, các chu kỳ. Chúng ta muốn thời gian dừng lại, muốn đóng khung sắc đẹp, muốn chống lại cái chết, muốn làm cho tình yêu trở nên vĩnh viễn.
Lãm bảo,
hãy cảm ơn sự chết
nhờ nó sự sống có ý nghĩa
như người đi còn ngoảnh mặt quay về
như buổi chiều là chiếc gạch nối ngày, đêm
cho nước mắt rơi được trên sự chân thật
Du Tử Lê có khuynh hướng bày tỏ trực tiếp, nhưng MVBĐ là một trong những bài anh nơi thể hiện đầy đủ nhất khuynh hướng ấy. Sự kháng cự số mệnh. Tôi nghĩ ở các tác giả trường ca, tôi muốn nói là các tác giả trường ca nói chung, có một nỗ lực gần như vô thức hướng tới sự giải thoát trước cái chết, ra ngoài cái chết, hướng tới tự do. Vì vậy họ có khuynh hướng tuyên bố và bày tỏ trực tiếp. Nhưng Du Tử Lê vốn là người yêu cuộc đời, tha thiết sống, ngụp lặn trong máu lệ của tình yêu. Anh đi tìm trong cái tôi của mình những chiều kích lớn lao của nhân loại, trong khi ở những người khác, những nhà thơ khác, sự chấm dứt cái tôi của họ mới là sự mở đầu của thế giới.
không định trước, chuyến bay muộn đem tôi trở lại San Jose
con đường Santa Clara
khung cửa vỡ
đám người Mỹ không nhà
Thanks-giving, công viên, bầu trời: Cùng họ thở...!
đâu biết tôi-mộ-nổi
đang trông tìm chỗ trọ đêm nay.
mẹ tôi chết, nửa đêm, về gõ cửa
hỏi sao con lạc tới nơi này?
tôi ghì xiết cánh tay Việt Nam thâm, tím
bao nhiêu bình nước biển, đã trôi sông
môi của mẹ máu bầm, khô, quanh khóe
dẫu trăm năm vẫn chẳng đoạn đành
Các câu thơ xen kẽ, quyện lấy nhau như dòng nước chảy, lớp sóng. Chúng là cấu trúc liên tục mà sự trích dẫn của tôi dù khéo đến đâu cũng mang lại những ý nghĩa khác. Hình ảnh trong thơ anh dày đặc, hợp lý và lặp đi lặp lại, cũng có thể trừ một vài trường hợp hơi quá đáng. Đó là một bài thơ tiến triển, biến đổi, dâng lên, chìm xuống, không mệt mỏi. Tình yêu và nỗi xót thương đối với một người đàn bà Việt Nam là xúc động chính, bên cạnh những suy tư và liên tưởng khác. Hơn tám mươi năm tần tảo thờ chồng nuôi con, áo đẹp không mặc, miếng ngon không ăn, người phụ nữ ấy đã trở thành một ẩn dụ lớn của sự hy sinh đúng nghĩa, sự hy sinh không kèm theo bất kỳ một ảo tưởng hay lý tưởng nào, thuần phác như tình tự dân tộc.
Hai mươi năm sau lần đọc đầu tiên, tôi trở lại với trường ca của Du tử Lê sau khi về nước đưa tang mẹ tôi, mất trong căn nhà cũ. Nhưng lần này tôi không đọc mà nghe qua giọng đọc của chính tác giả trong băng CD anh gửi tặng tôi dịp ấy, cùng nhiều sách quý của anh, có những bản hiếm, như tuyển tập "Tác giả và tác phẩm, Tập hai", anh ghi ở trang đầu là tập duy nhất, bìa bị xé mất, gồm những nhận định của nhiều người. Anh có chất giọng ấm áp, rõ, truyền cảm, nhưng điều chính yếu là giọng nói ấy như được cất lên bởi số phận, phát ra từ chính lồng ngực của một đứa con mất mẹ.
khi tôi tới, những bông hoa birdflowr nở, ối
bóng trưa đu võng dưới những tàng cây giống cây bồ đề
con chim sâu nghếch mỏ thăm dò phản ứng kẻ lạ
ngày nào nghĩa trang cũng đem tới cho chim những kẻ lạ mặt
người đến từ ngôi nhà âm u
kẻ tới từ ngưỡng cửa tang tóc.
như nhà buôn tích lũy hàng hóa
tôi tích lũy vết thương
tích lũy thời gian
tích lũy những chặng đường
những đến, đi, không kỷ niệm
Những bông hoa đỏ ối tượng trưng cho sự sống, vinh quang, mặt trời, đã nở rực rỡ quanh nhà quàn, trên nghĩa địa xung quanh cái chết của một người. Những vòi nước thản nhiên phun lên như tồn tại vĩnh viễn, mùa đông nhường chỗ cho mùa xuân, kết thúc nhường chỗ cho bắt đầu. Mặc dù thế, người chết không vĩnh biệt chúng ta, hay đúng hơn chúng ta không vĩnh biệt họ. Bằng cách nào?
Bằng sự liên tục mà sự sống đã liên tiếp gieo vào trong cái chết như những hạt cây nhỏ gieo vào lòng trái cây, chờ được ném xuống đất, đợi hết mùa đông trở về với ánh dương. Bài thơ ấy còn là một khúc hát ru, vỗ về người nằm xuống lẫn người còn sống, còn là một cố gắng để cứu chuộc. Đúng thế, Mẹ Về Biển Đông c ủa Du Tử Lê là một cứu chuộc dành cho lịch sử Việt Nam và số phận mỗi người, những đứa con mất mẹ, những người mẹ mất con. Âm nhạc và ngôn ngữ của anh đã làm nên cứu chuộc ấy như một thứ ánh sáng chiếu rọi, từ trong tăm tối của nỗi sầu đời, mà dẫn đường cho anh đi tới, cho chúng ta, người đọc, trên con đường liên tục, kế tục, những vòng quay ngày càng xa mãi, trở lại, trở lại, và đi xa.
Chú thích:
(*) các chữ trường khúc, trường ca, trường thi xin được dùng với nghĩa như nhau, trong bài này.
(**) tài liệu:
- Du Tử Lê, tác giả và tác phẩm, tập 1, tập 2, NXB Nhân Chứng, 1997
- Mẹ Về Biển Đông (song ngữ Anh- Việt) - HT Production XB - California 2004 - sách và CD
- 20 Năm Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam, Du Tử Lê, NXB Người Việt Books, 2014
- Với Du Tử Lê, Đời Sống Trở Nên Thơ Mộng Hơn, Nguyễn Đức Tùng, NXB Tự Lực Bookstore, 2004
- Thơ Đến Từ Đâu, bài Mừng Vui Còn Có Hôm Nay, Nguyễn Đức Tùng, NXB Lao Động, 2010.
5/8/2019
Nguyễn Đức Tùng
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...