Thái Hạo, tiếng nói mới, vang rền
Thế giới thường xuyên thay đổi, nhưng chưa bao giờ thay đổi
nhanh đến thế, như trong những năm qua. Dịch bệnh, chiến tranh, tra tấn, dân tộc
chia rẽ, môi trường thiên nhiên bị tàn phá đến cùng kiệt. Con người ngày càng
tham lam, ngày càng sống hời hợt và giả dối.
Và bên dưới tất cả những thứ ấy, có một điều gì sâu hơn nữa,
sâu xa nhất, chi phối tất cả: sự sợ hãi.
Tại sao chúng ta sợ hãi?
Tôi đã tự hỏi ngàn lần
Tại sao chúng ta sợ hãi?
Loài linh trưởng trong tôi gào thét
Đại ngàn trút lá
Tôi thèm làm người
Nguyên sinh
Trăng vỡ trên đỉnh trời
Tại sao chúng ta sợ hãi?
Câu hỏi làm tôi nổi giận
Thèm một que diêm
để châm lửa vào cánh rừng
Sau khi đọc bài thơ trên của Thái Hạo, một người đọc không thể
hoàn toàn dửng dưng như trước nữa, người ấy có những cảm xúc mới, ý nghĩ mới.
Cũng vậy, truyền thống văn chương nâng đỡ một nhà thơ, và cùng lúc giam hãm nhà
thơ ấy. Ngôn ngữ là lịch sử, là tiếng nói còn lại qua thời gian, va đập bởi nhiều
thử thách, sống sót, thay đổi, và đi tìm hướng đi mới. Một bài thơ bao giờ cũng
cần được viết từ cách nhìn ấy, là những bài thơ khác viết lại, là sự thay thế,
và hiểu lầm, làm mới và làm mới lần nữa. Một bài thơ hay ở lại với chúng ta, dù
với ngôn ngữ thô ráp hay thanh nhã, trữ tình hay phản kháng.
Trong vườn mùa thu
cỏ dại mọc đầy
lời của tháng tám
xanh rì
dáng bố ngồi như đá trăm năm
Ta đến phương Nam một ngày mùa đông
chuông giáo đường đổ liên hồi trong trời thẳm
thấm thoát
tuổi ba mươi
Thơ Thái Hạo chỉ ra sự khác biệt giữa các cá nhân, đi tìm sự
nối kết giữa họ. Thơ ấy làm phong phú trí tưởng tượng, tăng cường suy nghĩ bằng
hình ảnh. Đó là một loại thơ đòi hỏi chú ý. Khi bạn chú ý, thời gian dừng lại,
không gian sâu rộng hơn, mở ra sự thật. Sự thật trong thơ là điều chúng ta đi
tìm, nhưng đó là một sự thật có tính biểu tượng. Sự thật của thơ nằm trong ngôn
ngữ của nó. Thơ Thái Hạo không mạnh về tính âm nhạc, hầu hết là thơ tự do, một
tình hình phổ biến hôm nay. Nhịp điệu của thơ anh không du dương êm ái, nhưng
khi bạn đọc kỹ, bên dưới các chữ có một dòng chảy.
Tôi ngồi trong tiếng kèn đêm
thổi linh hồn một thiếu niên
vừa đi qua cuộc đời
trên đất nước tôi
Tiếng kèn buốt vào đêm đông
sừng sững
tội ác
và nhục hình
đòn roi
quất vào tuổi thơ
Tôi muốn viết một bài thơ thật đẹp về con người
nhưng con người đã chết
Bài hát và tiếng khóc đêm tối, tiếng kêu của thiên nhiên thời
tiết. Trong thơ anh, một điều gì đang mất đi, một điều gì sẽ mất. Xưa nay trong
lịch sử, các nhà độc tài bao giờ cũng có quan hệ căng thẳng bất thường đối với
giới nghệ thuật: hoặc thù địch hoặc lợi dụng họ. Nhưng văn học là các diễn ngôn
bên lề. Văn học không tham dự vào đời sống, không yêu sách, không ra lệnh,
không kêu gọi, không hướng về đám đông tuân phục. Văn học là tiếng nói của từng
cá nhân, từ bên trong và đến với bên trong. Thơ trữ tình càng thế. Thơ mang lại
những kinh nghiệm tươi mới, cụ thể, thay đổi theo tình cảnh con người. Chúng ta
biết rằng không có những tình cảm tuyệt đối phổ quát, không có lòng yêu thương
chung chung, mà những tình cảm ấy, những nhận thức ấy bao giờ cũng được đặt vào
một hoàn cảnh riêng biệt, một môi trường văn hóa và chính trị cụ thể. Đọc thơ
can dự vào việc tạo ra những xúc cảm căng thẳng và lành mạnh, như thế. Ngôn ngữ
thơ không có tính đại cương, chúng mang lại cảm giác về cái riêng biệt, mặc dù
văn chương vốn là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Tôi thấy mình và những linh hồn thành cơn bão
cuồng nộ
quét sạch bạo chúa
quét sạch tham tàn
quét sạch những loài quỷ man di
tôi xé tôi thành ngàn mảnh
như những mảnh gươm
băm nát những sợi xích khổng lồ cắn vào da thịt
băm nát những chiếc loa trên cột điện dối trá
Tôi làm cơn mưa rừng
rửa sạch thân thể quê hương lấm lem
rửa sạch hồn người khổ đau
rửa sạch thế kỷ bịp bợp
rửa sạch những giọt nước mắt
cho mi xanh lại
cho mắt em trong vắt một sớm mùa thu
Những linh hồn cùng tôi thổi một cuồng phong
cho da thịt lành lại
cho vỡ nát ngục tù
đập tan những ngai vàng
dành lại những lâu đài lãnh chúa
cho em bé làm trường
cho thiên chúa phục sinh
cho thần tự do cầm đuốc trong lòng Hà Nội
một Hà Nội tôi đã gặp em
trong những câu hát phố cổ
những câu hát hồ Tây
Đó là anh viết về tự do. Có nhiều bài thơ đặt người đọc trước
những tình cảnh bi phẫn, mang họ đến chân tường. Những bài thơ như thế làm người
đọc bối rối, tranh cãi, và làm thay đổi nhận thức của họ. Thơ Thái Hạo là một
loại thơ hiện đại, có yếu tố hậu hiện đại, được viết dưới ánh sáng của kiến thức,
lương tâm, phán xét xã hội. Thơ tự do, nhưng nhiều câu thơ ẩn chứa một nhạc điệu
nhanh, mà nhẫn nại. Niềm vui của văn bản là giây phút khi ý tưởng, xúc động,
thân xác hòa làm một dưới tác động của nhịp điệu. Đôi khi chúng ta muốn đi theo
một con đường, nhưng nghệ thuật thay đổi hướng.
lời kinh lẫn trong đá
trong cỏ
trong những vì sao rụng mỗi đêm
Bố ngồi bên bờ núi
vách đá sừng sững
mưa và sương muối
Anh giữ cho mình trạng thái cô độc, độc lập, không lôi kéo sự
chú ý của người khác, khiêm tốn và kiêu hãnh theo đuổi đến cùng xúc cảm của
riêng mình. Anh đi theo những con đường ấy, một mình, vừa rời bỏ xã hội như một
kẻ từng cô lập, vừa trở lại với xã hội như người làm chứng, như nạn nhân, đôi
khi như kẻ đưa tin.
Tôi về
Trăng trong vắt dưới đáy giếng
Nơi con cá rô tôi thả năm xưa
Gầy khô
Chỉ có chiếc đầu là to vĩ đại gắn trên cái thân bé tí
Thơ Thái Hạo có những giây phút đẫm vị thiền, tan rã, hư vô,
như tiếng chuông. Đó là một loại thơ trữ tình - viễn kiến, xuyên thấu kiến thức,
làm cho tình trạng trữ tình của sự vật được chiếu lên bề mặt ý thức. Tuy vậy
thơ anh không phải là một tuyên ngôn. Nhiều hơn, đó là một tình cảm được ẩn giấu
như những ngọn núi sau mây. Đọc Thái Hạo, một người đọc có thể tìm cách nhìn thấy
phía sau các chữ khá mới của anh, sự u sầu lãng mạn gần với cổ điển, sự hoang dại,
nỗi buồn bất tận kiếp người.
tôi đi vào thành phố. không thấy bóng con người
những chùm hoa móng rồng đỏ
treo như những cái móc sắt nung
trong ngày đầu tháng 7
mưa xám
tôi tìm một cái gốc cây và ngồi xuống bên cạnh những ông địa
lẫn với Chúa
Phật. Bồ Tát
Và những ông thần tài
lô xô đứng
ngồi
nằm
gió thổi vào bộng cây ú ớ
những chùm móng rồng đỏ. cháy rực trong mưa
phố không bóng người
chỉ có những chiếc nón lá và những chiếc ô rách
gió thổi bay tung trên đường cái
tôi dựng dậy những pho tượng
thủa bé
đồ hàng
cho tượng cưới nhau
Một bài thơ có nhiều cách đọc, nhiều góc nhìn, tự nó là một
văn bản mở, bao giờ cũng vậy, nhưng ở Thái Hạo văn bản ấy rất mở. Không phải chỉ
có những câu thơ hiển lộ, các hình ảnh rõ ràng, mà còn đằng sau những chữ ấy sự
phản ứng đầy hài hước của một người nhiều xúc cảm. Thách thức, chế nhạo, châm
biếm xuất hiện ngày một nhiều. Sự kết hợp giữa giọng điệu hài hước và tính u sầu
là một trong những kết hợp kỳ lạ của thơ anh.
Đái vọt xuống hồ sâu
Trăng vỡ
Tiếng ếch rộ lên
Nhạc trời hổn hển
Ái ân rền trên nước
Đao Lợi một cõi mênh mông
Thu về trú xứ miền hồng trần ai
Khác với hài hước cổ điển, hướng về người khác, hài hước
đương đại hướng về chính mình. Anh giữ được thăng bằng giữa chủ quan của người
nghệ sĩ và cách nhìn sự vật khách quan giàu triết học. Thơ Thái Hạo là một thứ
thơ nhân chứng. Những bài thơ xuất hiện gần đây của anh đều cho thấy một bút
pháp ổn định, về hướng ấy, và ít thay đổi, một cảm giác về tính đối thoại. Giọng
của anh có khi sôi nổi, nhiệt tình nhưng phần lớn là tỉnh táo, gần như lãnh đạm,
đó là một giọng thích hợp cho loại thơ nhiều suy tư hàm chứa các dữ kiện. Chúng
ta đánh mất niềm tin. Con người đánh mất văn hóa, đất nước đánh mất tài nguyên.
Chúng ta đau xót và phẫn nộ, trong khi ấy họ vẫn phải sống, vẫn phải yêu
thương, vẫn phải hy vọng. Không ai biết khi nào thì ánh sáng sẽ tới. Không ai
biết ánh sáng tới bằng cách nào. Nhưng chúng ta biết khi nhìn thấy nó.
Tôi ngồi nhớ Phật
người đàn ông khổ hạnh
đã khóc nhiều ngày trên núi
tuyết trắng lồng lộng
chàng băng qua rừng sâu
qua vách đá
băng qua những cái chết
u mê hun hút
trần gian
đá dựng
Chàng lội qua sông
bên kia là những đám lửa
Người làm thơ sáng tạo để sống cùng ngôn ngữ, chứ không phải
để kiểm soát chúng, hay sử dụng chúng như phương tiện. Thơ nhân chứng hôm nay
không phải chỉ là sự tố cáo mà còn là sự ghi chép lại, làm cân bằng một lịch sử
hỗn loạn bị bôi xoá, không phải để chờ ngày phán xét cuối cùng, mà để độc giả
phán xét trên từng trang giấy.
Một người đọc thực sự của thơ bao giờ cũng là người lắng nghe
các chữ. Trong phép đọc nhanh, người đọc không lắng nghe, họ chỉ dự đoán nghĩa,
như khi ta đọc một tường trình nghiên cứu, một bài báo. Đọc thơ bao giờ cũng là
đọc chậm, vì người đọc lắng nghe bằng tai nhiều hơn nhìn bằng mắt. Thơ hiện nay
ngày càng nghiêng về huynh hướng thứ hai, tính âm nhạc bị ruồng bỏ, và đó là điều
đáng tiếc. Thái Hạo cũng không tránh được điều ấy, mặc dù trong nhiều bài, nhịp
điệu của câu thơ của anh vẫn hấp dẫn tôi.
Ngồi lõm một vùng đêm
Ếch kêu vỡ giọng
Gọi mưa
Ve rũ xác tìm sương
Trên lá khô giòn rụm
Ta đun trà cho duỗi những búp nâu
Xanh lại lòng chén
Rạn men
Tiếng em như mưa giọt trên lá
Rửa bụi ngày
Xanh mướt bờ chiêm bao
Tất cả các câu đều mới, trừ câu cuối. Bài thơ có giọng tình tự,
đằm thắm. Tôi cũng muốn thấy nhiều hơn trong thơ anh những câu chuyện về tuổi ấu
thơ, về tình yêu, ngôi nhà, chuyện riêng tư, hoài niệm. Tôi yêu mến kích thước
con người ở các nhà thơ trữ tình cũng như yêu mến kích thước xã hội ở họ, và sự
kết hợp giữa hai tiếng nói là một kết hợp khó khăn, nhiều khi rất khó khăn. Tôi
muốn được nhìn thấy nhiều hơn vẻ đẹp huyền bí, tính bất định, niềm vui của sự mất
thăng bằng trong thơ anh.
Những linh hồn cùng tôi thổi một cuồng phong
cho da thịt lành lại
cho vỡ nát ngục tù
đập tan những ngai vàng
dành lại những lâu đài lãnh chúa
cho em bé làm trường
cho thiên chúa phục sinh
cho thần tự do cầm đuốc trong lòng Hà Nội
một Hà Nội tôi đã gặp em
trong những câu hát phố cổ
Tâm hồn hôm nay tìm thấy trong thơ ấy khuôn mặt của mình, những
lo âu, thương xót. Như một người đọc, tôi cảm thấy tin vào tiếng nói ấy, muốn
đi theo cùng anh trong những đổ vỡ ấy, nguyền rủa, trong những hy vọng ấy, tự
tin và dịu dàng, ở Hà Nội, mặc dù không phải không có lúc cực đoan, hay, và, im
lặng. Thơ hiện nay, tôi nghĩ, cần nhiều hơn nữa những tiếng nói như vậy. Yếu tố
hài hước và châm biếm ở anh cũng khá uyển chuyển. Anh giữ được thăng bằng khôn
ngoan giữa việc tiết kiệm chữ và phóng túng rời rạc, những mối liên kết ngắt đoạn,
đặc trưng của thơ đương đại. Đây là lúc mà nhà thơ chúng ta cần nói lớn lên, ca
ngợi lòng dũng cảm, ca ngợi sự cam kết, chống lại thói ích kỷ. Thơ cần trực tiếp,
biểu hiện các ý tưởng về đời sống, phát hiện những nhầm lẫn của con người, tội
ác của họ. Một số nhà thơ hôm nay bắt đầu dành được độc giả vì sau một giai đoạn
tìm đường, thậm chí phá phách, họ tìm thấy các mối quan hệ cộng đồng, thước đo
dành cho cái mới.
Những nổi loạn chưa trưởng thành sẽ không đóng góp nhiều cho
công việc của thơ ca: đập vỡ cái cũ, các khuôn phép của giới thống trị. Nhà thơ
Canada Nicole Brossard nhấn mạnh đến sự gặp gỡ của cái tôi và cái ta, như những
giây phút đặc biệt, hiếm hoi, trong thơ chính trị đương thời. Trong giây phút ấy,
giấc mơ trong mỗi người tìm lại được những giá trị tốt đẹp của cộng đồng.Thơ là
hình thức tinh hoa bậc nhất của một ngôn ngữ, vận động trên những quy ước. Dựa
trên những quy ước ấy, nhà thơ mô tả trạng thái tinh thần và tâm lý năng động
nhất, tinh tế nhất của dân tộc mình. Những bài thơ hay tăng cường sự hiểu biết
xã hội, văn hóa, mở rộng cánh cửa cho tâm trí. Vì thế, đối với tôi, mỗi bài thơ
phải mở được một cánh cửa, chỉ ra được một thay đổi. Sự mô tả trong thơ phải cô
độc, đầy năng lượng, vượt qua lối nói trừu tượng dễ dãi, xoay quanh các hình ảnh,
dẫn tới gợi ý. Trong một số bài thơ, Thái Hạo đạt được, hoặc gần như đạt được,
một ngôn ngữ như vậy.
Khi một kẻ nói yêu
ghét
đó là lẽ thường
là đạo của tự nhiên
anh ta chỉ đang làm người
một người bình thường
nhưng ở đất nước này
bạn bè tôi không dám nói điều ấy
nỗi sợ hãi của họ là nỗi sợ làm người
một giống dân lấy sự hèn hạ làm khôn ngoan
chúng ta bị đày ra khỏi ngôi nhà của mình
và đi lang thang như những con chuột
trên nghĩa địa
trăng mờ
ta sợ sự khôn ngoan của các người
Xã hội ngày càng hung hãn. Càng hung hãn càng hoảng loạn,
càng hoảng loạn càng tàn phá. Thực ra xã hội mấy mươi năm nay bao giờ cũng hoảng
loạn. Trước tình cảnh ấy, thơ là tự do tư tưởng. Thơ đứng về phía những người bị
áp bức, đứng về phía những người không có vũ khí trong tay, về phía một thiên
nhiên đang bị phá hủy, một nền văn hóa bị bôi xóa, đứng về phía không có tiếng
nói.
Thơ là tiếng nói ấy của họ.
Người đọc chờ nghe tiếng nói của nhà thơ, giúp cho họ nhận thức
mình và người khác rõ hơn, tìm đến nhau, để một giây phút tạm bợ được soi sáng,
một tồn tại cá nhân trở thành có ý nghĩa lớn hơn cá nhân ấy, để khoảnh khắc trần
gian của chúng ta được thực sống mà nhớ lại.
11/3/2022 Nguyễn Đức Tùng
11/3/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét