Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Cà phê dưới góc nhìn xã hội học

Cà phê dưới góc nhìn xã hội học

Học cách suy nghĩ dưới góc nhìn xã hội học, có thể nói, đó là nhìn nhận sự việc với góc nhìn bao quát hơn, cũng có nghĩa là phát triển sự mường tượng (imagination). Nghiên cứu xã hội không thể chỉ là quá trình lặp đi lặp lại để có được kiến thức. Nhà xã hội học là người có thể thoát khỏi sự sa lầy vào những tình huống cá nhân mà đặt sự việc vào bối cảnh rộng hơn. Công việc nghiên cứu xã hội, theo nhà xã hội học người Mỹ Charles Wright Mills, được miêu tả trong cụm từ nối tiếng - “mường tượng xã hội” (sociological imagination) [1] (Mills, 1970). 
Điều quan trọng nhất là mường tượng xã hội đòi hỏi “suy nghĩ thoát khỏi bản thân chúng ta” (“think ourselves away”) từ những lề thói quen thuộc của cuộc sống hằng ngày và xem xét các thói quen ấy dưới góc nhìn khác. Có thể thử quan sát hành động đơn giản như là việc uống một cốc cà phê. Chúng ta có thể tìm thấy gì, dưới góc nhìn xã hội học, từ hành vi mà nhìn bề ngoài không thấy gì thú vị? Sai lầm, một lượng khổng lồ thông tin ở đấy. 
Có thể chỉ ra trước tiên rằng cà phê không chỉ là thức uống giải khát mà còn sở hữu giá trị biểu tượng (symbolic value) - là một phần của các hoạt động xã hội ngày này qua tháng nọ của chúng ta. Thường thì các nghi thức (ritual) đi kèm với việc uống cà phê sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với việc tiêu thụ thức uống đó. Đối với nhiều người phương Tây, cốc cà phê buổi sáng đứng ở vị trí trung tâm của thói quen cá nhân, là “thủ tục” đầu tiên để bắt đầu một ngày mới. Sau cà phê sáng là những lần uống cà phê trong ngày với những người khác - đó là điều cơ bản của nghi thức xã hội (social ritual). Đi uống cà phê, những người này hầu như chắc chắn là sẽ hứng thú với việc tụ họp gặp nhau và trò chuyện hơn là loại thức uống mà họ thực sự thưởng thức. Ăn và uống trong mọi xã hội, thật vậy, mang đến cơ hội tương tác xã hội và hình thành nên các nghi thức - những việc như thế này sẽ cung cấp một cánh đồng màu mỡ cho nghiên cứu xã hội học tha hồ cày xới. 
Thứ hai, cà phê là một loại thuốc kích thích (drug), chứa caffeine, có tác động kích thích lên bộ não. Nhiều người uống cà phê bởi vì sự “cộng thêm” này. Có thể chịu đựng được những ngày dài làm việc tại văn phòng và những bữa tối nghiên cứu muộn là nhờ vào những cốc cà phê. Cà phê là một dạng vật chất hình thành thói quen, nhưng nghiện cà phê không được xem, bởi hầu hết những người tại nền văn hóa phương Tây, là người sử dụng thuốc kích thích. Cũng như rượu, cà phê là một loại thuốc kích thích được xã hội chấp nhận, trong khi cần sa, chẳng hạn, thì không. Cũng có nhiều xã hội chấp nhận việc sử dụng cần sa hoặc thậm chí cả cocaine, nhưng không tán thành cà phê và rượu. Và các nhà xã hội học quan tâm tìm hiểu nguyên nhân vì sao những điều trái ngược như thế này tồn tại. 
Thứ ba, một cá nhân uống cà phê sẽ được đặt trong một tập hợp phức tạp các mối quan hệ kinh tế và xã hội trải rộng trên toàn thế giới. Cà phê là một sản phẩm liên kết phần nào những người giàu có nhất và những người nghèo khó nhất hành tinh: cà phê được tiêu thụ với số lượng lớn tại các quốc gia giàu có, nhưng lại được trồng chủ yếu tại các nước nghèo. Cà phê là loại hàng hóa có giá trị đứng thứ hai trên thế giới (sau dầu mỏ) trong thương mại quốc tế; mang đến nguồn ngoại tệ cho nhiều quốc gia. Sản xuất, vận chuyển và phân phối cà phê đòi hỏi các giao dịch liên tục giữa những người trồng cách xa hàng trăm dặm và những người uống cà phê. Nghiên cứu các giao dịch toàn cầu này là một nhiệm vụ quan trọng của ngành xã hội học, bởi nhiều khía cạnh của cuộc sống chúng ta hiện nay chịu tác động của những ảnh hưởng và truyền thông xã hội toàn cầu. 
Thứ tư, hành động hớp/nhấp cà phê được xem như là toàn bộ quá trình phát triển kinh tế và xã hội trong quá khứ. Cùng với các loại thức ăn thường ngày hiện nay ở phương Tây - như trà, chuối, khoai tây và đường trắng - cà phê bắt đầu được tiêu thụ rộng rãi chỉ từ những năm cuối 1800s (mặc dù trước đó cà phê là thức uống thời thượng trong giới thượng lưu). Tuy thức uống này có nguồn gốc từ Trung Đông, tiêu thụ nhiều kể từ thời kỳ mở rộng phương Tây cách đây khoảng chừng hai thế kỷ. Gần như tất cả cà phê chúng ta uống hôm nay đều xuất phát từ những vùng (Nam Mỹ và châu Phi) trước đây là thuộc địa của châu Âu; sẽ không hợp lý khi nó là một phần “tự nhiên” của thức ăn phương Tây. Tài sản kế thừa thuộc địa này có tác động to lớn lên sự phát triển của kinh doanh cà phê toàn cầu. 
Thứ năm, cà phê là một sản phẩm đứng ở tâm điểm của các tranh luận đương thời về toàn cầu hóa, thương mại quốc tế, quyền con người và sự tàn phá môi trường. Khi cà phê được trồng phổ biến, nó trở thành “thương hiệu” và chính trị hóa: quyết định uống cà phê loại nào và mua ở đâu đã trở thành những quyết định lựa chọn phong cách sống (lifestyle). Các cá nhân có thể chọn uống cà phê hữu cơ, cà phê giảm bớt lượng caffeine (decaffeinated) hay cà phê được “mua bán công bằng” (“fair trade”) (thông qua các chương trình thanh toán theo giá thị trường cho những người trồng cà phê quy mô nhỏ tại các nước đang phát triển). Họ có thể lựa chọn lui tới những hãng cà phê “độc lập”, hơn là những chuỗi cà phê “công ty” như Starbucks. Những người uống cà phê có thể quyết định tẩy chay cà phê từ một số nước mà tại đó không quan tâm đến quyền con người và gây tổn hại môi trường. Những nhà xã hội học quan tâm tìm hiểu bằng cách nào mà toàn cầu hóa nâng cao nhận thức của mọi người về các vấn đề khuất trong những góc xa của hành tinh và thúc đẩy họ hành động dựa trên kiến thức mới trong đời sống của chính họ.
Nghiên cứu xã hội học 
Mường tượng xã hội cho phép chúng ta nhìn ra các sự kiện có vẻ như chỉ liên quan đến cá nhân, nhưng thực sự lại phản ánh các vấn đề rộng lớn hơn. Chẳng hạn như ly hôn, có thể rất khó khăn khi ai đó phải trải qua tình trạng này - Mills gọi đây là rắc rối riêng tư (personal trouble). Ly hôn, theo ông, cũng là một vấn đề công cộng (public issue) trong xã hội, như nước Anh thời nay có hơn một phần ba các cuộc hôn nhân đổ vỡ trong vòng 10 năm. Một ví dụ khác là thất nghiệp, có thể là bi kịch cá nhân đối với những ai bị quăng ra khỏi công việc và không thể tìm được công việc khác. Tuy nhiên, sẽ không còn là nỗi thất vọng riêng tư của bất kỳ ai nữa nếu như hàng triệu người trong xã hội cùng lâm vào tình cảnh giống nhau. Đến đây, điều này đã trở thành một vấn đề công cộng thể hiện các xu hướng lớn trong xã hội. 
Hãy thử áp dụng cách nhìn nhận sự việc này vào cuộc sống của bạn (không nhất thiết chỉ nghĩ đến các sự kiện khó khăn). Ví dụ, thử hỏi tại sao bạn lại đọc quyển sách này trước tiên, tại sao bạn quyết định nghiên cứu xã hội học. Có thể bạn miễn cưỡng trở thành sinh viên xã hội học, học môn này chỉ vì yêu cầu của chương trình. Cũng có thể bạn quan tâm, muốn tìm hiểu sâu hơn chủ đề này. Cho dù động lực của bạn là gì đi chăng nữa, có thể bạn có điểm chung với những người khác nghiên cứu xã hội học, tuy không nhất thiết phải biết về điểm chung đó. Quyết định cá nhân của bạn phản ánh (reflect) vị trí của bạn trong phạm vi rộng hơn, đó là xã hội.
Những đặc trưng sau có đúng với bạn không? Bạn là người trẻ tuổi? Là công chức (white collar) hay là chuyên gia? Bạn đã từng, hoặc vẫn duy trì, công việc bán thời gian nào đó để kiếm thêm thu nhập? Bạn muốn tìm công việc tốt sau khi tốt nghiệp, nhưng không phải là công việc nghiên cứu? Bạn không biết thực sự xã hội học là gì nhưng nghĩ rằng xã hội học là cái gì đó có mục tiêu là nhằm tìm hiểu cách mọi người cư xử trong các nhóm? Hơn 3/4 các bạn sẽ trả lời ‘phải’ cho tất cả các câu hỏi này. Sinh viên trường đại học - là nhóm người có những đặc điểm đặc biệt, và không là đại diện cho toàn bộ dân cư. Thái độ của họ thường phản ánh thái độ của bạn bè và những người quen biết. Những quyết định chúng ta nghĩ là phù hợp sẽ chịu ảnh hưởng nhiều bởi hoàn cảnh xã hội mà từ đó chúng ta xuất thân.
Giả sử như bạn trả lời ‘không’ cho một hoặc nhiều hơn một trong số những câu hỏi này. Bạn có thể đến từ một nhóm chỉ chiếm số ít hoặc hoàn cảnh thấp kém/nghèo nàn. Bạn có thể ở trong độ tuổi trung hoặc cao niên. Cũng như trường hợp trên, sẽ có nhiều kết luận được nêu ra. Chẳng hạn như, bạn có thể phải đấu tranh để có được vị trí hiện tại; bạn có lẽ sẽ phải vượt qua những phản ứng không thân thiện từ bạn bè và người khác khi bạn nói với họ rằng bạn đang có ý định đi học, hoặc có ý định vừa có gia đình, con cái, lại vừa tiếp tục học cao hơn. 
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh xã hội (mà trong đó chúng ta tìm thấy chính mình) nhưng cách cư xử của chúng ta không chỉ phụ thuộc vào các bối cảnh đó mà còn phụ thuộc vào chính mình - bởi chúng ta sở hữu và tạo ra cá tính của bản thân mình. Và đây là công việc của xã hội học - nghiên cứu mối liên kết giữa những gì xã hội tạo nên chúng ta và những gì chúng ta tạo ra chính mình. Tất cả các hoạt động của chúng ta vẽ nên hình dạng của thế giới xã hội xung quanh; đồng thời, các hoạt động này cũng được hình thành bởi chính thế giới xã hội đó. 
Khái niệm “cấu trúc xã hội” (social structure) là một khái niệm quan trọng trong xã hội học. Nó ám chỉ đến sự thật rằng bối cảnh xã hội không chỉ là những sắp xếp ngẫu nhiên các sự kiện hay hành động; mà chúng được định hình trong những cách thức riêng biệt, chẳng hạn như các quy tắc ràng buộc cách cư xử và mối quan hệ giữa ta với người khác. Nhưng cấu trúc xã hội không giống như cấu trúc (thuộc khoa học) tự nhiên (physical structure), ví dụ như tòa nhà - tồn tại độc lập với hành động của con người. Xã hội loài người luôn luôn ở trong quá trình sáng tạo và tái tạo (structuration). Chúng được tái xây dựng từng giây phút một bởi các bộ phận tạo nên chúng - đó là loài người như bạn và tôi.
Trở lại ví dụ về cà phê. Một cốc cà phê không tự dưng lại nằm trong tay của bạn. Bạn lựa chọn, ví dụ, đến quán cà phê cụ thể, có thể uống latte hoặc espresso. Khi bạn quyết định, cùng với hàng triệu người khác, bạn đã vẽ nên thị trường cà phê và điều đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của những người trồng cà phê sống cách xa hàng ngàn dặm. 
[*] Anthony Giddens (2006), “Sociology”, 5th edition, tr. 4-7, Polity Press. 
Chú thích:
[1] Có thể tham khảo thêm về Mills và sociological imagination tại http://vanchuongviet.org/. 
12/4/2012
Nguyễn Hoàng Mỹ Phương dịch [*]
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...