Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

Ý Nhi, trái tim tự do

Ý Nhi, trái tim tự do

Thơ Ý Nhi sinh ra từ sự cần thiết. Sức hấp dẫn của ngôn ngữ thơ của chị trước hết không nằm trong bản thân nó mà nằm trong chúng ta, người đọc. Tính hấp dẫn ấy xảy ra khi trong bạn có một nhu cầu, sự khao khát lặng lẽ, cánh cửa muốn được mở. Bài thơ giúp bạn đi tìm sự thật mà bạn chưa hề đánh mất. Sự chọn lựa giữa một bên là nhiệm vụ đối với xã hội, sự có ích của thơ ca, và một bên là vui thú riêng của ngôn ngữ, trẻ thơ, không mục đích, bao giờ cũng là lựa chọn khó khăn của người viết. 
Tôi cầm những đồng tiền lẻ 
Như nhà thơ cầm giữ từ ngữ 
Những đồng tiền nhàu nát 
Như những từ ngữ đã được dùng bao thế kỷ
Đồng tiền là ẩn dụ của chữ, chúng vừa giữ nguyên giá trị trao đổi vừa thay đổi, nhàu nát. Câu thơ ngắn, lối so sánh thích hợp, vật thể, không trừu tượng, như chính đời sống ngoài kia, vui buồn, cỏ cây, thời tiết, chiến tranh, lầm lỗi. Đó là một hiện thực vừa được chiếu sáng vừa được đánh giá lại. Đọc bằng phương cách thích hợp, đoạn thơ kín đáo ấy vang lên như một câu chuyện kể hay giai thoại. Giai thoại cũng là phương pháp để biến gian khổ thành niềm vui từng trải, giúp con người vượt qua sự giam cầm của cái cũ.
Giữa bao nhiêu mưa nắng đời thường 
Đã có lúc lòng con hờ hững 
Thấy hạnh phúc của riêng mình quá lớn 
Ngỡ chỉ mình đau đớn xót xa thôi  
Giữa bao nhiêu năm tháng ngược xuôi 
Đã có lúc lòng con đơn bạc 
Quên cả những điều tưởng không sao quên được 
Như người no quên cơn đói của chính mình 
Khác với tình yêu nam nữ, mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ không phải là quan hệ bình đẳng, một người cần chăm sóc, một người mang lại sự chăm sóc ấy. Tuy nhiên khi người con lớn lên, thân sinh già yếu, quan hệ từ từ đổi chiều. Mối quan hệ giữa mẹ và con gái còn phức tạp hơn nữa, nhiều kỳ vọng và xung đột. Chính sự cách xa giữa mẹ và con là dấu hiệu của trưởng thành, không những của người con mà còn của các mối quan hệ. Trong các mối quan hệ, chúng ta chôn vùi giấc mơ của mình, lỗi lầm của mình, mới đầu vì người khác, về sau chính chúng ta cũng không nhìn thấy:
Xin anh
trong niềm vui
nhớ đến em
Xin anh
trong nỗi buồn
chia sẻ cùng em
Xin anh
mãi như em đã gặp
đã yêu
đã luôn chờ đợi
Xin anh
hãy yêu
và tha thứ
Sự ngây thơ làm bạn tự do, sự vô tội làm bạn thanh thản. Nếu chúng ta tin tưởng một điều gì, điều ấy phải biến thành thực tế, nếu chúng ta không tin tưởng một điều gì, điều ấy không thể xảy ra; mối quan hệ giữa con người và lịch sử là tấm gương phản ánh niềm tin hay sự chống lại niềm tin của họ. Thơ hay, một lúc nào đó sẽ trở nên có ích, mặc dù nó không định thế, vì chạm vào cốt lõi của kinh nghiệm cá nhân. Một bài thơ thành công là sự tràn ngập ra ngoài biên giới của sự vật, như một tách nước được đổ đầy sắp tràn ra ngoài nhưng không tràn ra nhờ sức căng bề mặt. 
Xin anh giữ lòng trắng trong, thơ nhỏ 
sự can trường của kẻ đã phong sương 
để cùng em đi hết một con đường 
Lời nhắn nhủ. Ước vọng yên bình trong thơ Ý Nhi là thái độ của tâm hồn trước chiến tranh, và lời cầu nguyện của chị là khuôn mặt khác của lo âu. Lịch sử của lo âu là lịch sử của người vợ, người mẹ, người phụ nữ. 
Thơ Ý Nhi giản dị nhưng không dễ hiểu. Chị thường chọn những tình tiết không ồn ào, khó nhìn, ở thời điểm đặc biệt chỉ tác giả mới nhận ra và kịp dùng ngôn ngữ chuẩn xác. Tôi không có ý nói rằng bài thơ nào của chị cũng được chuẩn bị kỹ, như thể bạn đã có sẵn nội dung, chỉ chờ cơ hội là viết xuống. Bất kỳ một quá trình sáng tác nào cũng làm biến đổi ý định ban đầu. Có một dòng năng lượng trong bài thơ sau đây chảy xuyên qua trang sách, như con sông đổ xuống từ trên cao, chảy giữa hai bờ mà vẫn tự do.
Tàu ngập ngừng trước ga lẻ rồi đi 
Gió thổi hút qua hàng xoan không lá 
Mưa tê buốt bàn tay ngoài cửa sổ 
Làng giữa đồng im vắng đã từ lâu. 
Có gì đâu nào có gì đâu 
Để em biết ngày mai rồi xuân đến? 
Chỉ mắt anh nhìn nơi đầu ga đưa tiễn 
Nói cùng em, cùng em. 
Bạn đọc lần nữa. Chữ hơi cũ. Nhưng bạn nhìn nó nhiều lần, đọc nhiều lần, sẽ thấy nhiều cách nghĩ về nó, như tấm gương phản chiếu nhiều ngã đường, hiện thực kể lại nhiều sự thật. Mặc dù xuất thân từ khuynh hướng tả thực ở miền Bắc thời ấy, thơ Ý Nhi bắt đầu pha trộn những yếu tố lãng mạn cá nhân và khuynh hướng hiện đại. Chủ nghĩa hiện đại nhấn mạnh đến tiến hóa, đặt lòng tin vào sự phát triển và vào sự chọn lựa giữa cái ưu tiên và cái không ưu tiên. Mặt khác, Ý Nhi là một nhà thơ thành thị, dù có thể nhiều năm chị đã ở nông thôn. Đời sống thành thị vừa nuôi dưỡng tâm hồn thơ ca Việt Nam vừa đẩy các nhà thơ về phía hiện đại. Nhà thơ như một đứa trẻ bắt đầu lớn khôn, đủ lớn để biết tất cả mọi chuyện, nhưng lại không đủ lớn để hiểu tại sao bi kịch diễn ra như thế và bằng cách nào con người có thể tránh chúng: chiến tranh, chia tay, tình yêu tan vỡ, thất vọng, phản bội. Bài thơ của Ý Nhi vì vậy đều ít nhiều có tính dang dở. Có lẽ chị tin rằng văn chương có thể làm thay đổi cuộc sống. Chủ nghĩa hiện đại tin tưởng vào lương tri của xã hội, tin rằng có một chân lý phổ biến. Tuy vậy chủ nghĩa hiện đại cũng thay đổi, đã từng bị thay thế bởi chủ nghĩa hậu hiện đại, rồi quay trở lại với sức sống mới. Hầu hết chúng ta đều thực sự muốn sống vì những nhu cầu sâu xa của mình thay vì sống theo quy ước trong công việc, sở thích. Sau những bài thơ có vần, cũng như nhiều người khác, Ý Nhi nghiêng về thơ tự do, là một hình thức mang đậm tính cá nhân. Một cá nhân chịu trách nhiệm, khiêm tốn mà kiêu hãnh:
Không ai có thể làm anh sáng chói 
không ai khiến anh lu mờ
anh tự mình
rực rỡ hay tàn lụi 
Khi chúng ta tự đồng nhất với một tập thể, một hệ tư tưởng, chúng ta để mặc cho bản ngã hướng về mục đích ngoài chính nó. Chúng ta có thể hy sinh cho người khác, cho những nghĩa vụ, nhưng con người không đồng nhất mình với nhiệm vụ và với người khác. Thơ hiện nay không hàm chứa nhiều ý định, không dùng nhiều lời tác giả. Ý Nhi là một trường hợp ít dùng lời tác giả. Một bài thơ thực sự mang lại trong khoảnh khắc nhiều năm tháng, mang lại trong một ngắt câu hay xuống dòng, điểm uốn của cuộc đời, bão táp của số phận. Khi số phận thay đổi, nội dung thay đổi; khi một dân tộc thăng hoa hay tàn tạ, trong chiến tranh mà thăng hoa, trong hòa bình mà tàn tạ, số phận của cá nhân phải được nhìn thấy trong tấm gương của dân tộc. Bài thơ đi tìm nhu cầu của nó ở người đọc, không những thế, nó sản sinh ra nhu cầu ấy: trước khi có bài thơ, người đọc không có nhu cầu ấy. Trước khi có tự do cá nhân, nhiều người đã không biết đến tự do.
Không phải niềm vui 
Không phải nỗi buồn 
Không phải hạnh phúc 
Không phải đau khổ 
Có thể là tất cả 
Có thể là một cái gì hoàn toàn khác biệt 
Praha trong hoàng hôn đã đem lại cho tôi 
Và tôi nhận biết Praha chính bằng điều đó 
Ba câu cuối cùng hơi "Tây", nhưng vẫn là cách nói của Ý Nhi. Sự thay đổi thực sự của một bút pháp không diễn ra như việc học hỏi trực tiếp từ phương pháp sáng tác, mà được thúc đẩy bởi tiếng nói từ bên trong, riêng tư, cương quyết. Ngôn ngữ thơ Ý Nhi là ngôn ngữ hành động, có tính diễn tiến. Đó không phải là ngôn ngữ mô tả một tình trạng, mà hướng tới nhiều hơn hành động của một người. Tôi tiếc rằng trong thơ Ý Nhi, những giây phút tiếp cận hành động khi thơ chị đứng ở điểm uốn của thời gian, những giây phút ấy lẽ ra có thể nhiều hơn thế nữa. Thơ chị không hẳn là dấn thân, nhưng tràn đầy cảm giác liên kết, mạnh mẽ nhưng không đồng nhất. Đó là loại thơ trữ tình sâu sắc, nhân chứng của tình yêu trước cái chết, của niềm tin trước đổ vỡ. Sức mạnh bạo liệt của số phận và lịch sử một bên, và sự đề kháng mỏng manh nhưng bền bỉ của kiếp người, một bên. Thơ ít có những yếu tố tâm linh và tôn giáo, tuy cầu nguyện nhưng không đi tìm phép lạ ở nơi khác. Chị tin vào tính chất thiêng liêng của đời sống, tin vào sự mơ mộng của con người; sự mơ mộng ấy là khả năng tưởng tượng, tạo ra một thế giới hoàn mỹ, bất tận, từ dưỡng chất tạm bợ nơi trần thế. Chị đi tìm cái đẹp, có thật và tượng trưng, đi tìm giới hạn ngày càng được nới rộng của tồn tại, đi tìm ý nghĩa cuối cùng của đời sống. Thơ Ý Nhi mang lại những vui thú khác nhau, bằng một ngôn ngữ dịu dàng, trong sạch, nhưng cứng cỏi. Một lịch sử cá nhân ở giữa những ràng buộc quá khứ và hiện tại, sự cân bằng giữa cảm xúc trữ tình và suy tư về đất nước. Ý Nhi có thể phần nào tạo ra một ngôn ngữ mới, một cách nói mới của riêng chị, trong khi vẫn giữ mối liên lạc đằm thắm đối với kinh nghiệm và tha nhân, nhờ thế mà chị có thể đôi khi đi rất xa nhưng không trở nên lạ lẫm.
Rồi ta về
tìm qua ô cửa
một chút gì bóng dáng đời ta
một chút gì như đốm nắng trên tường vôi cũ
một chút gì như tiếng chim khuyên
nơi vườn hoang
Rồi ta về
cuộn trốn giữa yêu thương
như đứa trẻ
cuộn mình trong chăn ấm chiều đông
Ôi quê hương quê hương
mắt trũng sâu chờ đợi
ta khóc ngập lòng trên lối về.
Hoài niệm, nhưng không chỉ là hoài niệm, mà mời gọi cảm thông, chia sẻ. Vì bày tỏ là đặt lòng tin. Là tặng người nào một vật gì: lòng tin là tặng phẩm. Sau những chấn thương, nếu được chăm sóc và hồi phục trở lại, người bệnh có khuynh hướng tin tưởng nhiều hơn vào khả năng chăm sóc của người khác, lắng nghe nhiều hơn các nguyên tắc y khoa và đạo lý. Trái lại, sau những chấn thương không hồi phục, người bệnh đánh mất lòng tin, trở nên yếm thế và đa nghi, cay đắng. Sự đảo lộn của các giá trị hiện nay, sự sụp đổ của các lý tưởng giáo điều đã từng dẫn một nửa dân tộc đi rất xa, gây ra hai hệ quả, ở những người hồi phục mau chóng, là lòng tin, vị tha, ở những người chịu chấn thương dai dẳng, không hồi phục, cố bám chặt vào các giá trị cũ, là cay đắng, bi quan, chống trả và chấn thương liên tiếp. Nhưng nguồn thơ Ý Nhi ở nơi giao hòa của phương pháp hiện thực và chủ nghĩa hiện đại đã tìm ra lối vượt lên. Trong ý nghĩa này, giữa các tác phẩm của các cây viết nữ cùng thế hệ, thơ Ý Nhi thiên về trí tuệ hơn cả. Không biểu lộ xúc cảm dễ dàng như ở nhà thơ nữ khác; nhờ thế, chị có khả năng quan sát tỏ tường, ghi lại chi tiết:
Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Vừa nhẫn nại vừa vội vã
Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời
Vội vã như thể đó là lần sau chót  
Không thở dài
Không mỉm cười
Chị đang giữ kín đau thương
Hay là hạnh phúc
Lòng chị đang tràn đầy niềm tin
Hay là ngờ vực 
Không một lần nào chị ngẩng nhìn lên
Chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt
Hay sau buổi chia ly
Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu
Trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng 
Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Dưới chân chị
Cuộn len như quả cầu xanh
Đang lăn từng vòng chậm rãi. 
(Người đàn bà ngồi đan)
Đó là một bài thơ mảnh khảnh mà vững vàng. Bài thơ như một người phụ nữ. Chiều lạnh, căn nhà như gia đình, nhưng không có người thứ hai, có thể những đứa trẻ đã đi xa, có thể người chồng đâu đó hay chưa từng hiện hữu, có thể cuộc chiến tranh vừa mới bắt đầu hay đã kết thúc từ lâu. Mọi chuyện thay đổi xảy ra bên ngoài căn nhà, thế giới xôn xao ngoài kia, và mọi chuyện cũng xảy ra bên trong căn nhà, như hình ảnh được quan sát từ bên ngoài, nhưng cũng là hình ảnh trong tâm trí nhà thơ. Trong bài thơ này và một số bài thơ khác nữa, Ý Nhi sử dụng được kỹ thuật phim ảnh và kỹ thuật hội họa, không những về thẩm mỹ mà còn về tinh thần. Những bài thơ sau bài này, viết năm 1984, cũng chứng minh rằng khả năng sử dụng những kỹ thuật ấy có thể làm nên nhiều việc. Sử dụng một ngôn ngữ nửa tự sự nửa trữ tình, mô tả mà không giải thích, đứng ngoài nhìn vào, trừ một vài lúc như để diễn dịch, chị làm cho toàn bộ bài thơ biến thành bức tranh. Ý Nhi có thể kết thúc bằng việc tạo ra sự kiện hay hành động, nhưng chị đã chọn cách thay đổi góc nhìn, nhận xét từ phía khác, kín đáo tâm tình trong khi vẫn quan sát khách quan. Đó là yếu tố hiện đại trong bút pháp của chị. Thời mới viết, chị có những câu thơ cảm động, nhưng dễ lẫn vào đám đông:
Cây bàng vừa nhuốm lửa
Khóm trúc mới đổ vàng
Lòng suối Đôi rộng quá
Chúng mình đưa nhau sang
Sau này, cũng mô tả hiện thực, cái nhìn của chị đã khác:
Đôi lần
em nhìn tán cây mà ứa nước mắt
vì màu xanh
Đôi lần
em nghe tiếng chim khuyên mà ứa nước mắt
vì sự trong trẻo
Cái nhìn của chị tách ra khỏi cõi tình, nhìn sự vật từ phía trái, phía lo âu, nhưng bao giờ cũng chịu khó đi đến chung cuộc:
Để chiếc nhẫn ai đánh rơi
Được nhặt lại
Và dịu dàng chói sáng
Một nhà thơ nữ Hoa Kỳ mà tôi hay đọc, Dorianne Laux, cũng nghĩ như chị, với cách nói khác: 
No matter what the grief, its weight,
we are obliged to carry it
Bất kể nỗi buồn ra sao, có nặng như chì
chúng ta cũng phải mang nó đi 
Ngôn ngữ Ý Nhi ít mỹ ngữ. Nhạc điệu trong thơ không réo rắt, chị quen thuộc với thể tự do hơn các nhà thơ cùng thời, như khác với Xuân Quỳnh, và có lẽ gần hơn với thơ Nhã Ca trước đây, chẳng hạn. Một người viết có chiều sâu văn hóa, tiết chế, điềm đạm, điều này tương ứng với đời sống nội tâm giàu có, sôi nổi, trải nghiệm. Thơ chị có tính triết học, giản lược, gợi ý. Dù vậy, trong những bài thơ dài, như bài thơ về Nguyễn Du, chị không ngần ngại diễn tả những ấn tượng một cách chi tiết và giàu nhạc tính. Nhạc điệu không chỉ là nối kết vần, mà còn là cách lên giọng xuống giọng, sự dừng lại, khoảng trống giữa các chữ, câu. Trong các yếu tố của thơ ca, tôi nghĩ, nhạc điệu gần nhất với vô thức. Một số nhà thơ hiện nay xa lánh khái niệm ý thức trong sáng tạo, có lẽ do ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực. Nhưng đối với thế hệ Ý Nhi, sự né tránh ấy không xảy ra, vì họ không chủ trương rõ ràng việc sử dụng vô thức khi viết. Những quan hệ xã hội, bạn bè, đặc biệt với các nghệ sĩ, những kỷ niệm về Hà nội, về quê cũ, được thể hiện như những đề tài quan trọng trong thơ chị, vì chúng tràn ngập trong ký ức.  Ký ức của nhà thơ chiếu rọi vào bia mộ, làm sáng lên những tên tuổi phủ bụi. Câu chuyện chị kể lại thong thả, đượm buồn, tự nhiên, nhưng thật ra vẫn được cân nhắc, tính toán về nghệ thuật. Qua những nhân vật ấy, xã hội ngày ấy, cuộc chiến tranh, thắng thua, được mất, kỷ niệm đẹp, những số phận bi tráng, sự căm phẫn lặng lẽ, cạm bẫy của dân tộc, tóm lại là những động lực của lịch sử, đều được chị mang tới với thơ. 
Dương Bích Liên uống rượu
lặng im
và vẽ
Đã vượt qua mối vướng bận đời thường
đã vượt qua
mối vướng bận vinh quang
đã vượt qua nỗi lo sợ âm thầm
khi phải đứng
riêng về một phía
Phía nào? Phía cô độc trí thức. Cách dựng hình ảnh của Ý Nhi có tính phác hoạ với nét cọ mạnh, đậm, ngắn, độc đáo, ít gặp mà tự nhiên. Tuy vậy, không phải khi nào hình ảnh trong thơ chị cũng được như thế.
mà lòng tôi giữa ồn ào thành phố 
vẫn có bờ lau sậy con tàu đi 
Là một liên kết hình ảnh thuyết phục: thành phố- con tàu- lau sậy.
tôi xin nhắc tháng ngày gian khổ ấy 
đã thành sao lặng lẽ sáng trong tôi 
Là liên kết dễ dãi: tháng ngày gian khổ- sao sáng. Bạn có  thể  tìm thấy trong thơ chị những mùa hè tươi tắn, xinh đẹp, sự sống sôi nổi, lòng yêu đời trong năm tháng chiến tranh. Bạn tìm thấy ở đó nỗi buồn, sự ngờ vực, nỗi bi quan, sự trầm tĩnh kỳ lạ của mùa thu, sự nghĩ ngợi, phóng chiếu. Thật ra niềm ước muốn trong thơ Ý Nhi không thể hiện sôi nổi, chẳng hạn như trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, nhưng có mặt thường trực. Đó là sự không thỏa mãn với hạnh phúc. Ý Nhi ít khi nói về mất mát và khổ đau trong chiến tranh: sự kiểm soát có ý thức đối với lịch sử, sự chống lại hoàn cảnh, trong khi vẫn không hề tách mình ra khỏi hoàn cảnh ấy. Chị có thể chịu ảnh hưởng của các nhà thơ khác trong thời gian đầu, nhưng mau chóng đứng tách ra bằng cách làm phức tạp trở lại những tình huống đã được đơn giản hóa, làm bất toàn trở lại những trạng thái hoàn hảo giả tạo. Rõ ràng chị đã vượt ra, thoát khỏi sức hút ghê gớm mà ngay cả những người viết tài năng khác, trước chị, cũng khó thoát được.
ra đi 
như người đàn bà đi khỏi mối tình của mình
Là ra đi như thế nào? Có thể thế này:
Rồi em muốn được ra đi như thế 
Ra đi mà tràn đầy biết ơn 
Nhưng có thể khác, hay ngược lại, tất nhiên. Thơ Ý Nhi là sự tuyên bố của tình yêu, của tự do, là hiến chương của trái tim. Cảm xúc mạnh mẽ, sự mở rộng các biên độ của câu thơ, đời sống nội tâm giàu có, giọng điệu có phần cực đoan, ngắn, đôi khi thản nhiên đến lạnh lùng, trên nền của chất nữ tính mạnh mẽ, lòng yêu quê hương, sự kiên định và chung thủy, tạo nên vẻ đẹp của bài thơ, đôi khi vượt ra ngoài dự định của tác giả. Nếu chúng ta không biết cách đọc hoàn cảnh sinh ra bài thơ, nền văn hóa mà tác giả sống ở đó, sự hiểu biết về một bài thơ trở nên hời hợt. Khoảng cách giữa nhà thơ và chất liệu sáng tác là khoảng cách giữa bài thơ và người đọc. Ý Nhi không phải là nhà thơ ngôn ngữ; chữ dùng của chị mang chứa nội dung được kiểm soát, chừng mực. Chị có một lòng tin rõ ràng vào tác động của ngôn ngữ và mối quan hệ giữa chúng và đời sống. 
đến gần các nguyên mẫu
không ràng buộc
không tô vẽ 
Những hình ảnh trong thơ xuất hiện trên một tấm thảm dệt khác, của văn hóa, chúng không hiện diện một cách lạnh lùng như những sự vật khách quan, nhưng cũng không phải là vật trang trí cho các ý tưởng. Ý Nhi có khả năng thẩm thấu vào ngòi bút của mình các quan tâm thời sự mà không làm thay đổi hướng đi của ngòi bút ấy. Chính ký ức, sự thăng hoa, siêu ngã, đã tiết chế những xúc cảm mạnh mẽ. Tuy vậy, vẫn có phút ranh giới giữa bản ngã và thế giới bị xóa nhòa, chị đau khổ khi thế giới đau khổ, và hạnh phúc khi thế giới hạnh phúc. 
Rồi ta về ngày thơ ngây
trái mận trái mơ
con giống đêm rằm
đèn trung thu sáng nến
phượng nở êm đềm trên mái rêu
Hoài niệm của chị là mong ước. Còn đây là hoài niệm suy tưởng:
Lòng cảm động nghẹn ngào trước đất 
đất khổ nghèo cay cực miền trung 
những cây cằn những ruộng nắng cháy lưng 
những đồng hẹp bãi cát dài lóa mắt 
củ khoai gầy với căn nhà mái thấp 
con đường dài giữa những cánh đồng hoang 
Đôi khi thế giới của Ý Nhi trở thành siêu thực, đó là khi chị tìm cách vượt qua, nới rộng biên giới thực tại, hơn là đi tìm một thế giới khác, huyền bí hay cứu rỗi. Thực ra thế giới mà chị sống đầy bí ẩn và đầy phép lạ, thực ra tự do mà chị đi tìm là tự do cao quý hơn hết thảy các giá trị khác, tự do tuyệt đối, gần hoang tưởng. Con người sống trong ràng buộc với người khác và với mọi giới. Sự tương quan ấy là tương quan thân mật và hỗ trợ. Con người và những sinh vật khác, những vật thể vô tri khác, là bình đẳng. Sự tương tác và lệ thuộc lẫn nhau tạo ra sinh thái lành mạnh cho vạn vật. Tự do thực ra là sự cân bằng và sự lệ thuộc lẫn nhau ấy. 
Chị đã lường trước sự đói khát
đã lường trước những đòn tra tấn hiểm nghèo
đã lường trước cái chết
nhưng chỉ đến khi đứng sau song sắt nhà tù
chị mới hiểu tự do.
Đó không phải là cái cách một người đói hiểu giá trị của bữa cơm
một người ốm quý trọng thuốc
cũng không giống như kẻ bất hạnh luyến tiếc tình yêu.
Lúc no người ta không nhớ đến cái ăn
lúc khỏe người ta quên thuốc
người ta cũng sẽ thôi nghĩ về sự may mắn trong hạnh phúc.
Nhưng với chị
ngay cả khi không còn tù ngục
tự do vẫn như một ám ảnh
một dày vò
một khát vọng.
(Tự do) 
Giọng nói của một người đàn bà, cổ điển mà đương thời, dịu dàng nhưng rắn rỏi, ít lời, giàu ngụ ý. Những tâm sự, than vãn, kêu gọi đều bị loại bỏ ra khỏi bài thơ. Nhân vật của bài thơ đứng cùng một phía với tác giả nhưng có thể không phải là một, những câu thơ tự do được sắp xếp thành những đoạn như các khổ thơ có vần. Nhân vật của chị không phải là người anh hùng, kẻ nổi loạn, hay nạn nhân, hay cũng có thể là tất cả những thứ ấy. Nhân vật ấy chính là cuộc đời, số phận của một người riêng lẻ nhưng cũng là của quê hương chúng ta. Một người phụ nữ đã lường trước cái giá phải trả cho tự do. Nhân vật nữ ấy được nhìn như một người dũng cảm, quyết liệt với mục đích. Mục đích gì? Tự do của chị, tự do cá nhân của những người khác, và của xã hội. 
nhưng chỉ đến khi đứng sau song sắt nhà tù
chị mới hiểu tự do. 
Đề kháng trước hoàn cảnh nghiệt ngã, đi từ sự khiêm tốn mà tới chỗ học hỏi, đi từ niềm tin mà tới tự tin, và tới nhận thức rằng tự do không phải chỉ là sự không bị cầm tù, không phải là trạng thái thoát khỏi xiềng xích. Không phải là phản ứng trước nghịch cảnh, mặc dù chúng có thể cần thiết. Tự do là bản chất của cuộc đấu tranh hôm nay của chúng ta. Tuy nhiên còn một điểm khác, tôi tin là chủ đề, từ góc nhìn xã hội. Trong một xã tự do, theo đúng nghĩa của nó chứ không phải là thứ tự do chào hàng, con người có thể dễ dàng nhận ra hạnh phúc của mình như khí trời tươi mát. Đó là khí vị của tự do cá nhân. Tự do cá nhân là tự do tuyệt đối, là cảm nhận và kinh nghiệm của một người, sống và hành xử trong một xã hội văn minh, trong mối quan hệ với tự do của người khác. Mặc dù trong phê bình văn học ngày nay, tính chân thực, tính chân thành không được xem là quan điểm có nhiều giá trị trong việc đánh giá một bài thơ, tôi vẫn tin rằng trong một số trường hợp, như thơ của Ý Nhi, đó là yếu tố quan trọng. Cư xử chân thành với ý thức tự do. Ngoài ra, là giả dối.
Nhưng với chị
ngay cả khi không còn tù ngục
tự do vẫn như một ám ảnh
Bất kỳ một lý tưởng xã hội nào, mới thoạt trông có vẻ cao quý đến đâu, nếu không hướng tới tự do cá nhân, tự do cá nhân chứ không phải tự do của tập thể, thì cũng là một lý tưởng giả tạo. Nhưng giá trị của một cuộc đời đến từ khả năng cho đi chứ không phải khả năng nhận vào. Khả năng cho đi ấy tạo nên tự do. Trong cuộc đấu tranh, chỉ những người không giữ lại cho mình một điều gì mới là kẻ di chuyển dễ dàng nhất. Tự do không phải chỉ như tình trạng đối lập với tù đầy. Những người đang ở trong nhà mình, không một ngày bước vào nhà tù, vẫn không nhất thiết là kẻ tự do. Giọng của bài thơ trên là giọng tường thuật nhưng dồn dập, các câu thơ ngắn đều chỉ về một hướng. Chúng tụ lại ở phần cuối như những dòng chảy ùa vào khúc sông hẹp. Có một nỗi thôi thúc, gần như kêu gọi ngấm ngầm, tuyên ngôn lặng lẽ, vốn là điều ít gặp trong thơ Ý Nhi. Thật ra, chị có sở trường hơn khi nói về cuộc sống qua khuôn mặt của tình yêu và nói về tình yêu qua mặt nạ của bi kịch. 
Em đã đi qua mảng tường đổ chiến tranh 
đã đi qua dòng sông mùa nước lớn 
gió đã thổi trên mặt người rát bỏng 
bao ưu phiền năm tháng đã dần quen 
Mưa mong manh như tơ nhện trong chiều 
cây thẫm lại bên mặt hồ lặng gió 
trời gần gụi, mây về trên mái phố 
lá đượm vàng bao lối vắng người qua 
Em một mình trước những trang thơ 
em trò chuyện cùng anh trong xa cách 
bao nhiêu gian truân, bao nhiêu cực nhọc 
ngày dịu dàng, đằm thắm của tình yêu 
Thật ra tôi chỉ định trích một khổ thơ, nhưng bài thơ kéo đi, không cưỡng lại. Bi kịch của đời sống không là nước mắt mà là các tình huống đặt con người vào chọn lựa khó khăn, nguy hiểm, không chỉ tình yêu mà còn về tư cách, tâm hồn. 
Ta bước giữa những con đường mới 
Những đền đài mới 
Lòng kinh sợ 
Như đứa trẻ đi trong mưa lạc lối 
Những bạn bè cũ đã cáo quan 
Ăn măng trúc măng mai ngồi câu bên sông vắng 
Chị nói về Nguyễn Du hay về thời đại hôm nay? Bi kịch trong thơ Ý Nhi không phục vụ chính nó, như bi kịch Hy Lạp. Theo định nghĩa của Aristotle, bi kịch bắt nguồn từ giai đoạn sụp đổ của đế quốc Hy Lạp, là một phương pháp nghệ thuật để khán giả chia sẻ cảm xúc đối với số phận của nhân vật bị thua cuộc và bị thất bại. Bi kịch trong thơ Ý Nhi được mô tả nhằm tạo ra hậu cảnh của hành động, giải thích các xung đột và hành vi của nhân vật. Xung đột trong thơ nói chung thường là nội tâm nhưng không phải bao giờ cũng thế. Có những xung đột siêu hình hay xã hội, biểu hiện như những quyết định bắt buộc:
Anh đưa em đi trốn
Nỗi dày vò ngày mai
Ý Nhi vượt qua chủ nghĩa thương cảm. Chị đứng từ trung tâm của cảm xúc xã hội và lương tâm xã hội, để nhìn thấy sự thật, tất nhiên không phải bao giờ cũng trọn vẹn. Muốn như thế thơ của chị phải có tính chính xác, hướng dẫn. Nhưng bản chất của thơ trữ tình là chống lại hướng dẫn. Thơ chị vì vậy trở thành cái nhìn phía sau những hoang tưởng, con đường phía sau cánh cửa, công việc phía sau sự kết thúc, tình yêu phía sau cuộc đời, dù cuộc đời ấy có thể đã được sống, xem xét và ghi lại. Trong số những người đọc thơ hôm nay, có lẽ nhiều người vẫn tiếp tục sống ích kỷ, dối trá, và sau khi đọc một bài thơ hay họ vẫn tiếp tục tàn phá thiên nhiên, tra tấn đồng loại và ăn cắp, như một thứ quyền lợi đặc biệt giành được từ những tổn thương của các thế hệ trước, nhưng có lẽ không nhiều thì ít họ cũng sẽ sống một cách khó khăn trước, ít tha thứ cho mình hơn trước. Thơ trữ tình thực ra không tin vào tính điển hình, thần tượng, vào cái chính thống. Các giá trị khác, dù ghê gớm đến đâu, chỉ là nhất thời. Thơ trữ tình nhìn thế giới như toàn thể, thơ tự sự nhìn thế giới như các mảnh cắt; thơ trữ tình ngây thơ, thơ tự sự minh triết, vì vậy khác với nhiều người nghĩ, thơ tự sự trừu tượng hơn, khái quát hơn. 
không còn nhiều thời gian cho do dự
không còn nhiều thời gian cho sai lầm
Không do dự thì ít hơn hay nhiều sai lầm hơn? Mọi thứ thay đổi. Hoàn cảnh xã hội thay đổi. Thể xác và tinh thần bạn thay đổi. Bạn không thể bám chặt vào một hệ thống giá trị. Bạn không thể đứng trong một lớp kính chắn bảo vệ mãi mãi. Không có một lớp bảo vệ nào như thế cả. Muốn sống sót bạn phải thích nghi, vượt lên, phải thay đổi. Đó cũng không phải chỉ là sự thay đổi để sống sót. Đó là sự thay đổi sinh ra từ lòng tử tế, sự tin cậy đối với người khác, sự công bằng đến mức nghiêm khắc, phẫn nộ của lương tri. Trong thời buổi chúng ta, từ vị trí đặc quyền hơn người khác, chỉ những người có lương tri mới muốn thay đổi. Chỉ những trái tim yêu thương mới cần thay đổi. Sự hoài niệm trong thơ Ý Nhi cũng không phải là sự hoài niệm thuần khiết. Cũng vậy, nhận thức về chiến tranh hai mươi năm và sự thật của cuộc chiến tranh ấy, quá khứ của một nửa nhân dân, và hoài niệm về quá khứ của một nửa nhân dân khác, mãi mãi sẽ thay đổi.  Dưới tác động của lịch sử cá nhân.
Bấy giờ
em băng qua ngã tư đèn đỏ
để kịp đến nơi anh
Bấy giờ
cây cối
cửa nhà
xe cộ
cuồn cuộn chảy một dòng ngũ sắc
Bấy giờ
những khuôn mặt
thảy đều thơ dại
Bấy giờ
cỏ xanh
trời xanh
áo người rực rỡ
Bấy giờ
em gầy hao, đầy đặn
hân hoan, buồn khổ
dưới một ánh nhìn
Có lẽ, trong vài trường hợp, thơ chị cần phải khó hiểu hơn, ẩn chứa hơn, và do đó đầy năng lượng hơn nữa. Cô gái nói về thể chất trước, nói về tinh thần sau, đi từ hai thái cực, từ gầy hao đến đầy đặn, hay từ hân hoan đến buồn khổ. 
dưới một ánh nhìn
Chỉ trong một ánh nhìn, đối tượng mới có thể thay đổi mau thế. Chủ thể của ánh nhìn là chàng trai. Nhưng chính ánh nhìn cũng làm biến đổi người phụ nữ, và chủ thể trở thành người phụ nữ. Các tác động xuyên qua điểm nhìn di động làm mờ nhòa ba câu cuối, làm cho hình ảnh cô gái trong bài thơ vừa thật, vì gầy hao và đầy đặn là thật, vừa mơ hồ, vì ánh nhìn. Đoạn kết nâng bài thơ lên, làm cho kỷ niệm về một tình yêu trở thành sự nhìn nhận lại. Chữ bấy giờ được lặp đi lặp lại. Có một nỗi buồn trong thơ Ý Nhi, không phải sự sầu cảm melancholy, nhưng là tiếng thở dài kín đáo, sự phê phán được nén lại, nụ cười hiền lành nhưng không khoan nhượng, trở thành ngọn gió thổi từ quá khứ; tôi nghĩ, đó là một trong những điều làm nên thơ Ý Nhi. Trong những giây phút yếu đuối, khoảnh khắc đen tối, người khác có thể đến gần chúng ta, yêu mến chúng ta hơn. Cũng như sự thay đổi vật chất, thay đổi xúc cảm tạo ra năng lượng. Tôi đọc thơ chị như đọc tự truyện. Cảm giác ấy có được vì bài thơ đi từ tổng quát đến riêng biệt, từ trừu tượng đến cụ thể, hơn là ngược lại. Đôi khi đoạn kết như lời cảnh giác, cầu nguyện. Đôi khi giọng thơ khởi đầu nhẹ nhõm, vui tươi, trẻ thơ, rồi bỗng những câu kế theo làm người ta lưỡng lự, ngẫm nghĩ. Có lẽ trong đời, chị cũng từng như thế, khởi sự hồn nhiên, xông xáo, quyết liệt, rồi trải qua năm tháng chiến tranh, trong khi một số người gục ngã, một số người thăng tiến, thì chị lang thang, nhẫn nại, quan sát, nghĩ ngợi, như một thiểu số tinh hoa của cả hai bên đã được chiến tranh chọn lựa để lưu giữ ký ức cần thiết, những bài học tế vi không thể ồn ào rao giảng.
Đã đến hồi lìa bỏ
cái chuyến xe chật chội, chậm rì này... 
Đã đến hồi từ giã
cái chặng đường cơ cực, mù mờ này.
Đã đến hồi vỡ nát
trái tim trĩu nặng yêu thương. 
Đã đến hồi lịm tắt
niềm hy vọng đắng cay. 
Lìa bỏ
từ giã
vỡ nát
lịm tắt
úp mặt trên đường
Lặng im - trăn trối
(Về cái chết của bác sĩ Zhivago) 
Bài thơ viết về số phận một người, mắc kẹt giữa các bên trong chiến tranh, bị đầy ải bởi cuộc cách mạng bạo lực và giả trá, tước đoạt quyền được sống hạnh phúc của mỗi cá nhân, nhân danh sự thay đổi thế giới vì quyền lợi của gia cấp cần lao. Bài thơ không phải là sự phản kháng hay tấm gương phản ánh. Ý Nhi đã làm đúng một việc như nhà văn B. Pasternak đã làm: mô tả sự vật như nó là, bình thản, lặng lẽ, đau khổ được nén lại, mà thật ra cũng không phải đau khổ, một thứ gì tựa như số phận được chia sẻ. Bài thơ diễn tả giờ phút cuối cùng của một con người, yêu thương mà quyết liệt, lưu luyến mà không bám chặt, bi đát mà không phẫn nộ. Giọng của bài thơ không phải của nhân vật, cũng không phải của cái tôi trữ tình. Đó là giọng khẳng định, chấp nhận, ít nhận xét, nghiêng về trừu tượng, phi cá nhân, Như ống kính chú mục vào khung cảnh, người đọc chỉ chú ý đến nhân vật ấy, giờ phút ấy, sự kết thúc ấy. Đó là một giọng thơ tiết chế cảm xúc nhưng không hoàn toàn khách quan. Vì chị dùng nhiều tính từ bổ sung cho các từ ngữ khác: chật chội, chậm rì, cơ cực, mù mờ, vỡ nát, trĩu nặng, các chữ ấy làm cho phương pháp của chị  tuy khách quan mà xúc cảm, tuy thản nhiên mà hiện diện. Đó là, tất nhiên, vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu của bài thơ này, của một bút pháp. Tình yêu của người phụ nữ dành cho người đàn ông như một biểu tượng. Có lẽ trong những nhân vật tiểu thuyết ít có nhân vật nào như bác sĩ Zivago, mang trong mình số phận của tầng lớp trí thức. Bạn xua đi những ảo tưởng về chân lý, đúng sai, nhận ra con đường đã lựa chọn, có thể đã đúng, có thể đã sai, muốn nhìn lại sự vật như nó chính là. Đó là khả năng trở thành một người khiêm tốn. Trong khi đời sống của cá nhân ngày càng cô lập, đối tượng của thơ ca là chính đời sống của nhà thơ ấy. Đời sống ấy trước hết là đời sống văn hóa và tâm hồn. 
Không ai trói buộc
không ai gông cùm
không ai đánh đập
không ai chửi mắng
sao ta sống như trong lồng cũi 
Sự hấp dẫn của một quá khứ mà một số người viết hiện nay vẫn còn tự hào, sự hấp dẫn ấy không lay chuyển được Ý Nhi. Nhưng im lặng cũng là một đức tính nữ tính, một cố gắng phi thường chống lại hoàn cảnh. Sự miễn dịch ấy, sự chống trả ấy trở thành sự nhàn nhã của trái tim mạnh mẽ, đập đều đặn trong lồng ngực. Mọi người đều biết, chỉ khi lo âu hay sợ hãi, lỗi nhịp, bạn mới nghe tiếng động của trái tim. Trường hợp khác, ở người can trường lặng lẽ, tiếng đập của nó không thể nghe thấy.
Chỉ một chút yếu hèn toan tính 
Con có thể lạc đi hạnh phúc suốt đời mình
Năm hai mươi tuổi, nếu người ta đọc được những dòng này.
Đối với một cá nhân như thế, lối vào căn nhà tâm hồn của họ hoặc ngay lập tức hoặc rất khó khăn. Tuy vậy, Ý Nhi chưa chú tâm hướng sự phân tích sắc bén đến những góc khuất của lịch sử, những sự thật đau đớn của các gia đình, chưa khai thác quyền năng vô thức, những yếu tố lầm lỗi và tội lỗi. Thơ chị dừng lại nhiều hơn ở ý thức của một người có suy nghĩ trong sáng, mẫn cảm, đi tìm động lực của lịch sử qua những số phận có thể được ghi chép. Điều ấy không ngăn chị trở nên hồn nhiên, có những phút gần như buông thả, trong sung sướng hoặc khổ đau.
Sao hôm nay tôi muốn được là tôi 
với tóc tết đuôi sam 
với áo rộng thùng thình 
Tư duy thơ Ý Nhi hướng nhiều đến sự trôi chảy, kế tục. Đối với chị, quá khứ và hiện tại không gián đoạn, hiện tại và tương lai không gián đoạn. Nỗi sầu cảm, nếu có, hay ngược lại, niềm hy vọng, bao giờ cũng sinh ra từ sự liên tục này, đều đặn lặng lẽ nhưng không buồn rầu, kín đáo nhưng không đè nén, rộng lượng. Tuổi thơ được khắc họa lóng lánh trong kí ức, lại như tiếng thở dài. Ý Nhi ở trong nhóm một số tác giả ít ỏi vượt qua ranh giới chia đôi hai phía của chiến tranh, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa thua cuộc và thắng cuộc, giữa cô đơn và đám đông, trật tự và tự do. Đọc thơ chị bao giờ tôi cũng có ấn tượng rằng tác giả muốn nói nhiều hơn thế, nhưng thôi, cũng đành, bao giờ tôi cũng có cảm giác muốn đứng lên bước đi, ngồi xuống lắng nghe, tóm lại là làm một điều gì. Thơ chị không có nhiều hành động, vì vậy mà nó kêu gọi hành động, trước nỗi vong thân của người Việt trong đời sống đương đại. Thật khó khăn để đánh giá toàn bộ tác phẩm của một nhà thơ mà không nhận xét về tiểu sử, cá tính, sự phát triển riêng. Cuộc đời chị, tôi tin là không khác mấy những điều chị viết: cái nhìn, mục đích đời sống, lòng yêu công bằng, sự đòi hỏi không mệt mỏi, cách làm việc không nghỉ của một trái tim. 
Không ai trói buộc
không ai gông cùm
không ai đánh đập
không ai chửi mắng
sao ta sống như trong lồng cũi
Đời sống càng kỹ thuật hóa, sự tiếp xúc càng tăng lên giữa người và người, thì bí mật của mỗi cá nhân càng tăng. Các giao tiếp bề mặt gây ra quan hệ giả tạo. Tuy nhiên, mặt khác, các chuẩn tắc không cố định mà thay đổi mỗi ngày. Bạn không thể dựa vào những chuẩn tắc cố định, đã xác lập từ nhiều năm trước. Như một người trí thức, bạn không thể đặt lòng tin toàn vẹn vào bất kỳ lý tưởng nào, bất kỳ thần tượng nào: bạn chính là chuẩn tắc. Từ biệt không thương tiếc các nguyên mẫu văn hóa, nề nếp cũ, tự tin, bình tĩnh, Ý Nhi chọn cho thơ mình một lối đi dưới lá, giữa hai hàng cây, giữa cánh đồng đi về phía ký ức chưa bị tổn thương, tuổi thơ chưa bị đánh mất, về phía toàn vẹn chưa bị phá nát của một quê hương, về phía tự do.
Ðôi khi 
ta như chiếc gàu thả sâu trong lòng giếng 
cứ va đập 
va đập mãi vào bờ đất 
cho đến hồi 
chỉ còn lại một vốc nước nhỏ. 
Thơ ca là niềm vui thú mà nó sinh ra ở người viết và người đọc. Niềm  vui thú ấy làm cho bạn bước chậm lại, nghe ngóng, chú ý, làm lương tri của một người trở nên trong suốt, vững chãi. Nghệ thuật không đứng một mình, sự phá phách ngôn ngữ không đứng một mình, khi nào chúng có thể trả lời những câu hỏi của con người, và những câu hỏi ấy là vô tận, khi ấy chúng trở thành cần thiết. Sự trầm tư, nỗi buồn hay hối hận, viễn kiến, hoan lạc mà không khinh bạc, sự dừng lại, tỉnh thức, sự thương xót, những giây phút ấy làm cho đời sống có ý nghĩa. Không có chúng, ý nghĩa ấy, mỗi người chúng ta sống một cuộc đời tẻ nhạt, cô quạnh, không được thăm viếng và không được xem xét cẩn thận. 
Bởi vì chúng ta đi tìm trong thơ ca những điều tốt đẹp hơn bản thân chúng ta.
1/1/2018
Nguyễn Đức Tùng
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...