Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

Về hưu non

Về hưu non

Tôi hơi khựng lại một chút khi vừa đến cửa nhà, căn nhà cũ kỹ, quen thuộc nhưng chưa lần nào tôi cảm thấy mến nó. Bước xuống xe đạp tôi lưỡng lự không muốn vào nhà. Tiếng thở dài phát ra từ lồng ngực tôi đột ngột và to đến nỗi làm tôi giựt mình. Tôi không thể dối mình mãi, nỗi buồn se thắt đang chiếm lấy tôi, đang hành hạ tôi.         
Thật ra, suốt ngày hôm nay, trước khi về nhà, tôi bị đánh lừa bởi những may mắn lặt vặt. Ngay từ giờ làm việc đầu tiên, tôi được Hội đồng giám định y khoa xác nhận rằng sức khỏe tôi rất tồi. Mọi việc kế tiếp tại phòng tổ chức được tiến hành chóng vánh đến mức không ngờ được. Và đến chiều thì thủ trưởng Huấn đã có đủ hồ sơ, chứng nhận để ký. Sau cái đường "bút sa" lạnh lùng đó, tôi mới cảm thấy mọi kết quả chờ đợi đều ngược lại ý muốn của chính tôi, cái tôi đang được chính là sự mất mát. Tôi lảo đảo, ngồi xuống ghế, cảm giác là mình đang rơi. Cái rơi như tôi vẫn thường thấy trong mơ từ một ngọn cây bị vuột tay và lơ lửng. Giấc mơ quen thuộc đến nổi không còn gây sợ hãi nữa vì tôi nhận biết ngay trong mơ rằng đó chỉ là mơ. Còn bây giờ thì tôi đang rơi xuống trong cuộc đời.
"Kỹ sư Minh được cho về hưu non rồi", cái tin loan nhanh. Người ta đến quay xung quanh tôi một bức tường với nhiều com mắt trố ra như mắt ếch ngạc nhiên vì tò mò, vì thương hại, vì cảm thông. Tôi trả lời qua loa và dắt xe thật nhanh ra cổng. Tôi đã thoát khỏi những cặp mắt soi mói, thèm khát theo dõi các biến cố trong đời người. Đường phố ồn ào  nhưng vô tư làm tôi thấy dễ chịu, nhẹ nhõm như vừa trút bỏ được một gánh nặng. Nhưng chỉ một khoảnh khắc sau đó, khi con hẽm sâu hun hút, uốn lượn quanh co quen thuộc hiện ra trước mắt tôi thì nỗi lo buồn vụt đến. Tôi sẽ phải ăn nói thế nào với vợ tôi, về việc tôi về hưu non? Rồi đối với các con đã bắt đầu hiểu biết của tôi, chúng sẵn sàng chất vấn tôi, và tôi không thể nào không nói thật với chúng rằng các con thật là vô phúc đã làm con của một người cha luôn để số phận mình long đong.
Cánh cửa sắt han rỉ rít lên ken két làm tôi giựt mình. Con gái Kachiusa của tôi, lúc nào cũng đứng về phía mẹ nó - ra mở cửa và theo thói quen, nó giúp cha đưa xe đạp vào nhà. Đứa con trai đầu của tôi, thằng Kamchatca đang phụ với mẹ nó cho heo ăn ngay trước sân. Thằng Út thì quét một góc nhà để dọn chén ăn cơm chiều. Mỗi đứa chào tôi một kiểu khác nhau không bao giờ thay đổi, nhưng sao tôi cảm giác ngờ ngợ, nữa lạ nữa quen. Hai đứa con đều đặt tên Nga để kỷ niệm một thời tôi học Đại học Bách khoa Hà Nội và trở thành kỹ sư, nhưng lại ao ước được bảo vệ luận án phó tiến sĩ ở Liên Xô, Đại học tổng hợp nổi tiếng Lômônôxôp. Giấc mơ đó chỉ trở thành hiện thực qua hai cái tên con, giờ đây chỉ còn lại vỏn vẹn là thằng Ca và con Sa.
"Sao bữa nay anh về muộn  vậy"? Vợ tôi vặn vòi nước rửa đôi bàn tay bẩn cám heo, hỏi, không nhìn tôi. Vợ tôi bao giờ cũng nhỏ nhẹ, khẽ khàng nhưng hôm nay, câu hỏi có vẽ gì trách móc làm tôi lúng túng. Tôi ngồi xuống cái ghế dựa phà một ngụm khói thuốc hình sao chổi bắn ra thay câu trả lời.
"Thưa ba ăn cơm", thằng Út vòng tay mời tôi và đứng đợi tôi xoa đầu nó, nhưng tôi đã quên mất cử chỉ ấy. Điều lạ thường làm cho mọi người nhìn tôi ngạc nhiên xen lẫn nghi ngờ. Bữa cơm lặng lẽ và buồn.  
Cho đến hôm nay tôi vẫn mang máng nhận ra rằng, mọi rủi ro trong cuộc đời tôi đều bắt nguồn từ hoài bão làm kỹ sư với những bằng sáng chế. Hình như từ thuở nhỏ, khi bắt đầu làm thằng cu thụt ống bể lò rèn cho ba tôi, tôi đã, nuôi mộng làm kỹ sư rồi. Đối với trí tưởng tượng thơ trẻ của tôi, việc nung sắt cháy đỏ rồi nện thanh sắt thành con dao, cái phảng là một việc thần kỳ. Nhất là năm 1945, khi tất cả phảng phát cỏ ở làng tôi đều được kéo cho ngay cổ để làm thanh mã tấu. Thanh niên làng chúng tôi lần đầu tiên vác mã tấu đi phục kích chém Tây, chuyện thần kỳ này đã đưa tôi vào bộ đội trong tuổi mười lăm. Tôi cũng là loại lính khá, được huân chương chiến công, rất thuận tiện tiến thân nếu tôi đi tiếp vào binh nghiệp. Nhưng khi tập kết ra miền Bắc, cái giấc mơ từ lò rèn của tôi bỗng sống dậy, tôi xin giải ngũ để đi học văn hóa, rồi sau đó tôi thi vào đại học bách khoa và nhất định tôi sẽ đi học Liên Xô.
Tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, cưới một cô gái Hà Nội, cả hai đều công tác tại Hà Nội, tôi trở thành người  có cuộc sống lý tưởng nhất vào thời đó: có vợ, có con, có bằng cấp, có việc làm ổn định và có nhà. Giấc mộng đi Liên Xô sắp thành hiện thực thì tôi buộc phải đứng trước sự lựa chọn: Liên Xô hay miền Nam. Hồi đó là năm 1964, máy bay Mỹ đã ném xuống Vịnh Bắc Bộ, cán bộ miền Nam, thanh niên miền Bắc rùng rùng tập dượt để sẵn sàng vô Nam. Tôi phải làm gì đây: tiền tuyến lớn hay hậu phương lớn? Sau nhiều năm tháng đắn đo, tôi đã ngã theo chiến trường. Về miền Nam chiến đấu là ý nghĩ mạnh mẽ nhất, lấn át tất cả, kể cả ý định thực hiện một phát minh nho nhỏ về cơ khí chế tạo.
"Tuệ à. Chắc chúng ta phải xa nhau". Tôi đành phải nói với vợ tôi quyết định đó. Tuệ nhìn ba đứa con, bật khóc rấm rức. Tôi cũng rất khổ tâm khi nghĩ đến một mình Tuệ phải nuôi dạy các con trong điều kiện đi sơ tán. Nhưng hoàn cảnh như thế, đâu còn cách nào hơn được. "Anh Minh ạ - Tuệ đã lấy lại bình tỉnh  và thuyết phục tôi - Nước ta có hai nhiệm vụ chiến lược, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội...". Tôi đã chờ đợi Tuệ, nhưng không hề chờ đợi những ý kiến này. Nhưng mọi sự đã lỡ, tôi đành phải nghe. Tuệ nói tiếp kiểu nói của "nhà tư tưởng" đang lên lớp: "... Cả hai nhiệm vụ, làm nhiệm vụ nào cũng vinh quang như nhau. Song, tùy hoàn cảnh cụ thể, phải biết tính toán". "Tính toán gì nữa?. Tôi suýt nữa thì nổi cáu, nhưng vẫn kềm chế và lắng nghe. Còn Tuệ thì bất chấp: "Còn ba tháng nữa là anh đã hết thời kỳ thực tập. Anh đã thiệt thòi khi người ta xếp lương chuyển ngành cho anh, bây giờ anh lại thiệt thòi một lần nữa khi đi B, mà anh thiệt thòi lần này là mẹ con em chịu".
Nghe Tuệ nói, tôi vừa giận vừa thương. Đúng là, nếu tôi chịu nán lại ba tháng nữa, thế nào tôi cũng được lên lương, vợ con tôi được nhờ. Nhưng lúc nước sôi lửa bỏng này, sự tính toán chi li như thế chỉ gây tổn thương cho tình cảm lớn của tôi đối với miền Nam, làm tôi cảm thấy mình bé nhỏ so với người củng trang lứa. Tôi đâm ra giận dữ và không che giấu là tôi ghét sự tính toán chi li của vợ tôi. Tôi mượn rượu quát ầm lên và sau đó thì quảy ba lô ra đi. Vào tới khu bốn tôi mới cảm thấy ân hận, thương vợ thương con da diết. Người đàn ông bao giờ cũng được xã hội dành cho những trọng trách trong thời chiến, đó là tiền phương. Người đàn ông chân chính nào cũng có thể có chỗ đứng ở tiền phương, nhưng không dễ gì làm được những công việc đầy kiên nhẫn của đàn bà. Tuệ đã chứng minh được điều đó trong những năm tảo tần nuôi ba đứa con và nuôi tôi suốt những năm đi đại học. Cô cũng không một phút chểnh mãng công việc của một cô giáo cấp II chỉ vì chồng con. Hoá ra người vô tích sự nhất là thằng đàn ông, là tôi. Nghĩ tới đây, tôi lập tức lén trở về Hà Nội với hy vọng trong một số ngày chờ đợi đi B, tôi có thể an ủi được vợ con phần nào... Tuệ và các con đã đón tôi về với tất cả nổi vui mừng sum họp bất ngờ. Nhưng ngay sau đó cô thỏ thẻ khuyên nhủ: "Anh đã dứt khoát đi, thì không nên bỏ đơn vị mà trở về như vậy. Người ta sẽ nghi ngờ là anh dao động chiến trường. Em khuyên hãy trở về đơn vị ngay, đừng để nhỡ chuyến mà rớt lại. Anh cứ yên tâm, việc nhà đã có em lo".
Lần này thì tôi hoàn toàn nghe nhà tư tưởng vì cô rất chí lý. May quá, khi tôi trở lại khu bốn thì cũng vừa kịp lên đường.
Sáu tháng sau đó, tầm mắt tôi đã tiếp xúc với những dãy rừng bạt ngàn ở Nam Trường Sơn, nơi có một trạm liên lạc nổi danh là ông Cụ. Từ "ông Cụ", người ta đưa tôi về Rờ và từ Rờ tôi được bổ sung về một cơ quan có mật danh là Xê. Giữa đường, đi đến Xê tôi gặp một đơn vị đang hành quân, thủ trưởng của đơn vị  này là người bạn cũ tên Duật. Đây là đơn vị công binh, Duật nói với tôi như vậy và yêu cầu: anh rất cần kỹ sư cơ khí như tôi, cả ngành công binh đang cần tôi. Thế là tôi nhận lời ngay. Tôi tách đơn vị không kịp báo với trưởng đoàn gia nhập đơn vị công binh. Sau đó, trong công việc, tôi không đến nổi tồi, vì tôi hiểu cơ khí, tôi đã góp sức vào việc thi công những công trình cầu đường một cách có hiệu quả cho pháo binh và xe tăng và được phong chiến sĩ thi đua hai năm liền. Tôi viết thư cho Tuệ và các con. Tuệ đã khuyên tôi: "Anh đã tìm được một chỗ đứng tốt, hãy giữ cho tốt chỗ đứng ấy, không dễ gì được xác nhận một cách trong sáng như vậy". Trong công tích ấy của tôi, chính Tuệ là người mừng nhất. Kế đến, trong sự phấn khởi toàn vẹn đầu tiên này, tôi được giao nhiệm vụ trong đội cầu đường phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi sung sướng như điên vì đây là lần đầu, tôi thành công trên cả hai phương diện: sự trưởng thành về mặt "hồng" và cả về mặt "chuyên". Sau cái ngày vĩ đại nhất trong lịch sử nước ta, ngày 30.4, tôi đã kết thúc cuộc hành quân ngót ba mươi năm trong đời tôi để được đặt chân trở lại quê hương.
Ngay trong tháng hòa bình đầu tiên, hoài bão được làm kỹ sư của tôi lấn át hết mọi tính toán, tôi liền từ giã bộ đội công binh và viết thư ngay cho Tuệ. "Ấy chết - Tuệ trả lời ngay ở đầu dòng - sao anh mau mắn thế. Người ta đang xếp lương, xếp bậc cho những người trong chiến khu ra đấy. Anh muốn đi đâu làm gì, cũng phải chờ đến khi giải quyết lương bổng cho xong cái đã. Anh đã bị nhỡ đến hai lần rồi, không nên nhỡ đến lần thứ ba. Anh đã bốn nhăm rồi, để nhỡ lần này sẽ không còn thời gian nữa, sẽ ân hận suốt đời. Vơi lại lần này, theo em biết, người ta xếp lương rộng rãi cho những người kháng chiến..."           
Tôi vốn không thích tính toán chi li cho riêng mình và nhất là đặt những điều kiện riêng với lợi ích chung. Năm năm về Miền Nam tôi đã hết sức cố gắng để khỏi phụ lòng đồng đội. Nhưng lời nhắc nhở của Tuệ làm tôi nhớ ra: Tôi vẫn chưa hết thời gian thực tập và chưa được nhìn nhận kỹ sư, kế đến là chuyện sinh hoạt Đảng chuyện làm tôi vô cùng ray rứt, chưa kể với Tuệ. Số là, khi về công binh tôi đi tắt, không có giấy sinh hoạt Đảng. Nhiều lần tôi đến Xê 102, tức là nơi đáng lẽ tôi phải đến theo sự phân công, cũng là nơi giữ giấy tờ sinh hoạt của tôi, nhưng tôi bị từ chối, vì theo đúng nguyên tắc, tôi đã bỏ sinh hoạt mà chưa bị xử lý kỷ luật. Tôi đã trách tôi quá nông nổi, nhưng tự an ủi "Hết chiến tranh mọi việc sẽ đâu vào đó, ăn thua cái phẩm chất mà mình có ...". Rồi sau đó, công việc của người chiến sĩ công binh cuốn hút tôi... Đến bây giờ mấy dòng của Tuệ làm tôi tỉnh người ra, đúng là mọi việc - không đơn giản như tôi đã đơn giản hóa nó.
Mọi lời khuyên của vợ tôi đã lần lượt ứng nghiệm như tiên tri. Đầu tiên là chuyện xếp lương, thủ trưởng cơ quan cơ khí - nông nghiệp tỏ vẽ thông cảm vói hoàn cảnh của tôi, nhưng cuối cùng ông lắc đầu:
- Khó lắm, không thể xếp lương kỹ sư cho ông được, ông đã đi ngay sau khi ra trường có mấy tháng, bây giờ phải thực tập thực sự cái đã.
- Vậy là tôi hưởng lương thực tập?
- Tôi đã nói là khổ lắm, vì đây là nguyên tắc.
Tôi cảm thấy choáng váng nhưng cũng kiên nhẫn trình bày :
- Nhưng phải thông cảm với tôi, tôi đã có năm năm chiến đấu ở miền Nam.
- Ấy, chính đó là cái nguy cho anh, từ công binh sang đây anh là binh nhất, nếu có châm chước thì anh sẽ được xếp tương đương với chuẩn úy - ông cười nhạt - so với kỹ sư thực tập thì cũng là tám lạng nữa cân...
Tôi định nói thêm quá trình bộ đội thiếu sinh quân trong kháng chiến chống Pháp của tôi, nhưng tôi không còn hơi sức nữa, tôi đã kịp nhận ra vị đắng trong cổ họng. Tôi đột ngột đứng dậy, bước đi và chợt nghĩ rằng mình sẽ không trở lại cơ quan này nữa. Ra đến hành lang tôi nghe tiếng gọi giật của người thủ trưởng, nhưng tiếng gọi ấy đối với tôi bây giờ chỉ có hiệu lực như một liều thuốc tống, như một cú sút.
- "Cậu ngây thơ lắm!" Duật, thủ trưởng đơn vị công binh mà tôi đã ở đó năm năm bây giờ đã là trưởng phòng vật tư của một cơ quan lớn đã không giấu diếm ý định dạy bảo tôi một triết lý sống. Duật nói: "Giỏi cũng chết, dở cũng chết, chỉ có biết mới sống".
- Biết cái gì? Tôi nổi điên lên. Anh muốn dạy tôi biết cái gì? Trong khi Duật thản nhiên mỉm cười, tôi đập bàn mà la lên! "Biết thủ đoạn, tính toán, mặc cả phải không? Tôi ghê tởm nên không bao giờ tu dưỡng về mặt này". Duật chỉ ôm bụng cười tôi, và tôi phải chạy trốn vì sợ bị thuyết phục bởi con người giảo hoạt vốn xưa là đồng đội của tôi.
Tôi vừa đi vừa chạy mà cảm giác là đang bơi trong chân không và cảm giác rõ nhất sau cùng là tôi đang rơi như diều bị đứt dây.
Và tôi đã rơi đúng vào một cơ quan chỉ đạo phong trào hợp tác tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Một người thuộc lớp cách mạng năm bốn mươi lăm, đã trãi qua bộ đội đang là thủ trương của tôi. Ông Năm Huấn tóc đã điểm bạc, vóc người rắn rỏi, khỏe mạnh, tính tình điềm đạm. Ông nhìn tôi bằng một con mắt nheo giễu cợt như nhìn qua đường ngắm trên nòng súng. Lần đầu tiên tôi tiếp nhận cái nhìn này với sự nghi ngờ ít nhất và tôi cảm thấy hồi hộp khi bổng nhiên mình bị biến thành một đứa bé đứng trước người ông nhân hậu.
- Thế nào? Ai patxê cậu tới đây hởi trái banh da?
Tôi suýt nữa thì thành thật trả lời rằng một người bạn của ông đã gửi gắm nhưng đã kịp nhận ra ông đang định nhồi tôi như một quả banh nên tôi im lặng.
- Năm nay bao nhiêu?
- Dạ bốn mươi chín.
- Mấy chiếc tàu há mồm?
- Dạ ba.
Cậu làm sao có thể vừa nuôi ba đứa con vừa có thể thực hiện công trình chế tạo.
- Vợ tôi nuôi con.
- Cậu hy vọng về lương à? Cơ quan này có thể tăng cho cậu hai bậc lương: một để thưởng cho năm năm ở mặt trận, một nữa để đánh dấu kỹ sư chính thức vì cậu có công trình chế tạo. Tới mức này cậu cũng chỉ có tám chục...
Tôi rất xúc động định cám ơn nhưng cũng đã kịp nghĩ lại, trong trường hợp, tiếng cám ơn quá bé nhỏ. Lòng nhân hậu và ưu ái của ông không dành riêng cho tôi. Từ đó công việc của người thủ trưởng này giao đã có sức lôi cuốn tôi vào đó. Ông chẳng đá động gì đến công trình khác: làm máy chạy nước đá bằng than củi cho những vùng chưa có điện.
- Cậu dân Ca Mau bao giờ ông cũng cho tôi biết suy nghĩ của ông trước công việc - xứ đó có củi mà không có đá uống, mấy đứa nhỏ đôi khi thèm ngậm một cục đá, một cây cà rem cho mát miệng. Ta làm được công trình này có lợi cho bà con thôn quê...
Kiểu lập luận này chẳng những thuyết phục mà còn sai khiến được tôi. Tôi đã chứng tỏ rằng tôi không chỉ biết có cơ khí, tôi đã làm cho người kỹ sư điện lạnh hợp tác với tôi hài lòng. Công trình đã được thực hiện nhanh chóng bằng nguyên liệu có sẵn trong nước và được triển lãm. Khách hàng đã đến với chúng tôi vì tiện dụng và giá không cao lắm.
Khỏi phải nói tôi đã mừng như thế nào. Tôi đã khẳng định được rằng cái thời lông bông của tôi rồi cũng qua đi, tôi đã thôi không còn rơi vào vô định. Buổi sáng đó, tôi đến cơ quan với nỗi mừng khấp khởi thì có lệnh phòng tổ chức gọi đến. Thường trực Đảng ủy đã ngồi sẵn ở đó. Tôi vốn không có cảm tình với người này, trước hết vì chưa có dịp gần gũi. Kế đó, hình như cũng đã cảm giác rằng tôi và anh ta không cùng một "loại" người. Tội vốn không ưa người nào tỏ vẻ quan quyền. Tôi chửi họ là thư lại chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tôi chưa hề có ác cảm với anh. Vậy mà không hiểu sao, anh tiếp tôi với bộ mặt lạnh lùng đến kinh ngạc.
- Quần chúng phản ảnh về anh như sau: người ta đòi thủ trưởng giải thích về việc anh được tăng hai bậc lương trong khi anh vừa về cơ quan và nhất là trong khi đảng tịch của anh không hề được giải quyết. Còn sáng kiến của anh quần chúng cũng thắc mắc: anh ăn lương một việc, anh lại đi làm việc khác...
Tôi nhìn kỹ xem anh ta nói thật hay nói chơi, nhưng qua gương mặt lạnh lùng hơi kênh cặp mắt liếng lão hai tròng soi mói vật gì đằng sau vai tôi, tôi biết rằng anh ta không nói chơi. Mọi việc đều đúng như vậy. Điều đáng nguyền rủa ở đây là sự mệnh danh và ý đồ bên trong của nhân vật này. Bất cứ ai muốn hại nhau và vẫn giữ được miếng thế của mình đều núp sau danh nghĩa "quần chúng". Tôi càng nhìn vào người ngồi trước mặt tôi, càng cố nghĩ thì càng nhận ra, tôi đang trong trạng thái mất bình tỉnh tột độ và tôi cũng đã phần nào đoán trước được sự nguy hiểm từ trạng thái đó. Một luồng sóng điện tử vừa nóng vừa tê lạnh đầu độc cả khuôn mặt, cả môi ôi và tôi biết khuôn mặt nhăn nhó của tôi đã được nhuộm thành màu chàm rồi vụt chuyển thành màu đỏ gấc. Đến lúc này, tôi tự nhủ theo thói quen, là sẽ bất chấp hậu quả. Tuy nhiên khi vừa nắm cổ, xách hổng chân con người bé loắt choắt ấy lên thì tôi kịp kềm chế lại. Tôi đặt anh ta trở xuống ghế nhẹ như đặt một quả trứng, hết sức lo sợ một đổ vỡ. Tôi chỉ gầm gừ không mở miệng vì sợ cái bia miệng của chính tôi. Tuy vậy, tôi cũng tránh được tai hoạ. Một cơn bão từ ngữ tới tấp ào vào mắt vào mũi tôi. Tôi nghe người ta la "kỹ sư Minh hành hung đảng ủy". Sau đó là tiếng chân thậm thịch và trong số đó có một người xuất hiện nhìn tôi bằng con mắt mở, còn một con mắt còn lại thì... vẫn mở to. Như vậy là thủ trưởng Huân đang nhìn tôi bằng cặp mắt khe khắt và biểu lộ sự trách móc cùng cực. Cái nhìn không làm tôi co người như cái nhìn nheo mắt, tôi ngẩng người lên để tự vệ đồng thời để chịu lỗi. Tôi nói rằng tôi đã hành động một cách vũ phu tệ hại với một cán bộ Đảng. Vừa nói xong tôi đã biết mình nói dối vì tôi, ít nhất là ngay bây giờ, tôi không còn coi anh ta xứng đáng với cương vị đó. Nhưng tôi vẫn cảm thấy sự cần thiết phải tạ tội như vậy. Nước mắt đã thay mặt cho nỗi lòng trắc ẩn của tôi trào ra.
Trong khi mọi người tránh ra hình như để không nhìn thấy tôi khóc thì ông Huấn thì vẫn đứng đó, dang đứng ủ rũ gần như bất động tương phản hoàn toàn với màu mặt ửng đỏ của sự giận dữ. Giây lát sau ông mới nói một cách khó nhọc:
- Không phải anh muốn tẩy chay đồng chí đó. Chính là anh muốn tẩy chay tôi để trả ơn cho tôi là người che chở cho anh.
Tôi đã không nghe câu nói này bằng tai mà tôi nghe bằng tiềm thức, nghe bằng tiếng vọng từ đâu đó, có một lần nào đó mà hiện giờ tôi chỉ cần những tín hiệu âm thanh cũng đủ cho tôi biết đó là sự đổ vỡ không cứu vãn được.
- Anh không hợp với đời sống có tổ chức. Anh hãy tự liệu lấy thân anh. Tôi nghĩ là anh chỉ có thể làm chuyên môn thuần túy như một người làm công, anh không có ý thức làm chủ.
Bộ nhớ của tôi chỉ còn ghi nhận được hai tiếng đổ vỡ. Sau đó tôi nhìn thấy ông ra hiệu cho tôi biết là cuộc xử án đã hết. Để vài ngày sau đó, khi nhìn ông ký vào mớ giấy tờ xin về hưu non, tôi mới nhận ra toàn bộ bước ngoặt của đời mình.
Buổi sáng đầu tiên của người về hưu non buồn bã và nặng nề. Tôi biết rằng mình sẽ dậy quá muộn nhưng vẫn cứ nằm. Đúng ra là tôi không cựa mình nổi. Ánh nắng đã len vào tận giường ngũ chỉ khiến tôi nhắm nghiền mắt để trốn. Xe ba gác chạy ngoài hẽm nổ giòn như tiếng súng liên thanh. Bầy heo ục ịch đòi ăn sau nhà nhưng không ai lên tiếng. Tuệ đã đi làm sớm và lũ trẻ cũng đã đi học, mọi người đều cố ý để yên cho tôi, đây là một cách trừng trị êm ái đáng sợ nhất. Đêm qua Tuệ giữ cho kỳ được bộ mặt lạnh lùng như ướp đá trước khi quay lưng vào tôi. Tuyên bố của Tuệ là sự im lặng. Và đây là lần đầu tiên Tuệ dùng hình thức này thay cho những lời tỉ tê. Tôi cảm thấy khó nghĩ, thương và giận trộn lẫn nhau. Tuệ tảo tần nuôi con để tôi thành công nhưng cô đặt điều kiện tiên quyết, không chấp nhận kết quả ngược lại. Tuệ không tha thứ những khuyết điểm của tôi trong nội bộ cơ quan, cô can thiệp quá mức vào đời sống riêng của tôi. Ngược lại, tôi đã tỏ ra tôn trọng cái gì riêng của Tuệ. Về sau này, nhất là giờ này, tôi mới nhận ra đó chỉ là một thứ màu mè vô ích. Tuệ đâu thiết gì với đời sống riêng vì Tuệ đâu có đời sống nào cho mình ngoài cuộc sống vì chồng con ra. Có lẽ vì thế mà những chuyện thất bại trên đường đời của tôi đều lắng lại trong Tuệ, tôi đã nhận thấy sự thất vọng được giấu kín trong thái độ câm lặng của Tuệ. Lý trí một lần nữa đã nhắc tôi về tình yêu vợ con, nhưng sao vẫn chưa thấy độ rung của trái tim.
Tôi kê đầu lên tất cả những gì của giường ngũ có thể kê lên được nhìn trừng trừng vào những hình thù do ánh sáng tương phản nhiều chiều tạo ra trên vách ván, cố dày vò mình nhiều hơn nữa, mà không mong tìm được lối ra nhưng lúc này.
Bỗng có tiếng người gọi và tiếng đấm cửa rất lạ. Tôi choàng dậy trong cảm giác mừng rỡ bất chợt.
- Hà ông chủ. Ông chủ có nhà không?           
Một người Hoa vừa lạ vừa có vẽ quen xộc vào nhà không giấu diếm ý định làm khách của tôi trong sáng nay. Dáng điệu ông chủ của ông ta có vẻ được tiết giảm tối đa như đang đứng trước một ông chủ cỡ bự hơn, cùng một lúc vừa muốn chứng tỏ sự  tự tin lẫn sự nhúng nhường.
- Hà, ông chủ không biết ngộ sao? Ngộ ở tổ hợp kỹ nghệ lạnh đầu đường này mà!.
Tôi tuy còn ngái ngũ nhưng vẫn nhớ ra đó là ông Ngầu nổi tiếng trong vùng chuyên làm tủ lạnh. Một cái tủ lạnh cũ của tôi đã bán cho ông với giá rẽ mạt và ông đã biến nó thành cái tủ xịn. Người này mới đáng gọi là ông chủ: mập phệ, bụng bầu, bao giờ cũng ở trần, dáng đi xăng xái như người làm công nhưng lại giàu sụ nhất phường. Hiện giờ thì ông rất đạo mạo trong bộ áo sơ mi quần tây giống kiểu trang phục của cán bọ, đầu lại đội nón cối, chân đi dép lốp. Ông giở nón, hơi khom người khi vào cửa và một nụ cười dè dặt đã được chuẩn bị sẵn. Tôi vốn không thích những cuộc gặp gỡ không hẹn trước, nhất là đối với người lạ, vào những lúc đang bực mình, nên sẵn sàng tỏ ra không muốn tiếp, nhưng vị khách không mời này đã tự tiện ngồi xuống ghế.
- Ông đến đây có việc gì?
- Hà, có chuyện cần chớ, cảm phiền ông chủ một  chút.
Ông tạm ngừng nói và lẹ làng mở hộp thuốc lá Capstan mời chủ nhà, mắt lướt nhanh qua gian phòng trống trơn của tôi nhưng tay vẫn bật diêm một cách chính xác hơn khi ông mồi thuốc trên môi tôi. Ông đặt gói thuốc lên bàn, đẩy về phía tôi rồi bình luận.
- Kỹ sư cách mạng mình thiệt là nghèo. Ngày trước, kỹ sư của tụi ngụy đứa nào cũng có xe hơi nhà lầu hết hà.
- Nhưng ông đến đây có việc gì vậy?
Tôi cau có lặp lại câu hỏi làm người khách hơi lúng túng xoa đầu gối :
- Nói thiệt là có chuyện cần lắm mới tới nhà ông chủ. Tổ hợp của ngộ muốn nhờ ông chủ hợp tác, ông chủ có cơm, ngộ cũng có chút cháo mà!
Không đợi cho tôi kịp phản ứng về cái điều kiện cơm cháo đầy giả tạo vừa nêu trên, người khách hơi chồm tới tần tôi, nói luôn một mạch. Rằng ông ta đã đi "tham quan hội chợ" và thấy cái máy nước đá chạy bằng than củi rất tiện lợi của tôi. Rằng ông ta có nhiều bạn hàng muốn mua chiếc máy đó với điều kiện phải có sửa đổi một số chi tiết cho gọn nhẹ hơn. Tôi chưa kịp phản ứng thì người khách đã rút trong lưng áo ra một bản vẽ nguệch ngoạc đầy dầu mở và thuyết minh rành rọt cần tăng giảm những chi tiết, những bộ phận nào. Thấy tôi nhíu mày tỏ vẻ nghi ngờ, người khách nói ngay để tôi yên tâm rằng công trình của tôi là hoàn hảo rồi, nhưng giá thành còn cao, ông hoan nghinh nhà nước ta tốt bụng nhưng lại chê là thiệt thà quá, thay đổi một số chi tiết như trên là có lợi hơn cho nhà nước, vì nhiều người mua, sau đó còn tiếp tục sửa chữa ràng buộc người mua lệ thuộc vào mình, như vậy người mua mới phục nhà nước... Hình như ông đã nghe được tiếng nổ lùng bùng từ trong màn nhỉ của tai tôi ông lập tức ngưng thuyết trình và chuyển sang giọng tranh thủ:
- Tui nói thiệt với ông chủ, mặt hàng này rất ăn khách vì đang có dạo luật không sáu (06) của nhà nước mình mà. Mình mà chậm thì mai mốt nhà nước ra luật mới thì...
Ông tiếp tục câu nói bằng một cử chỉ nhanh như cắt, vừa móc thuốc mời tôi và vừa bật diêm chờ sẵn. Tôi cũng kịp ngăn cơn nghiện, buộc ông phải thổi tắt diêm nhưng ông không chịu nhượng bộ tôi về yêu cầu của ông. Với giọng nói nhỏ đến thầm thì, người khách cho biết tổ hợp sẽ trả cho tôi một số lương đủ sống cho cả nhà chỉ với điều kiện mỗi ngày chỉ ghé qua chừng một tiếng đồng hồ. Còn nếu công chuyện làm ăn phát đạt thì...  đồng chí... khỏi lo gì cả, có chúng tôi lo chu đáo.
Ông khách người Hoa đi xa rồi mà cái giọng lơ lớ đặc biệt nhạy cảm khôn khéo ấy cứ làm cho người tôi nóng ran lên. Tôi phải mấy lần dội nước lên đầu để lấy lại sự tỉnh táo và việc trước tiên là phải phân tích vô số hiện tượng lộn xộn như một mớ bòng bong. Tôi hơi giật mình khi một ý nghĩ len đến: hóa ra tình thế đã xoay chiều, mới cách đó nữa tiếng đồng hồ, tôi còn cảm giác mình đang rơi và chờ đợi một sự đổ vỡ hoàn toàn thì bây giờ lối thoát đã tự đến. Phải chăng với mấy nghìn đồng một tháng vợ tôi vốn quen tính toán chi li sẽ vừa lòng, cái tết này cô gái rượu của tôi sẽ có bộ áo mới, còn các thằng thì tha hồ mà ăn quà. Ý nghĩ sau cùng này làm tôi lợm giọng và buồn nôn, chẳng lẽ một cái thằng "cha căng cú kiết" xa lạ này có thể cứu cánh của gia đình tôi?. Như một vị thần hộ mạng xuất hiện đúng lúc cần thiết, nhà tư tưởng đã đến với tôi với lời thủ thỉ trong một đêm xa xôi nào: " Anh ạ, cái thằng cha mua tủ lạnh của mình ấy mà...". Cũng như tôi, suốt ngày ở cơ quan thế mà Tuệ đã thuộc khu phố như trong lòng bàn tay lại thuộc cả tiểu sử của ông tổ hợp kỹ nghệ lạnh nữa. Đó là một người Quảng Đông vào Việt Nam không lâu.Bằng chứng là ông không thể nào nói đúng tiếng Việt, nhưng đã tỏ ra rất thạo tình hình thị trường sau ngày giải phóng. Qua hai đợt cải tạo công thương nghiệp, nhờ vận dụng mọi mánh khóe lòn lách nhà nghề, ông ta đều lọt lưới. Cuối cùng, tên tư sản thương nghiệp đội lốt "nhà tiểu thủ công nghiệp" này xuất hiện hợp pháp dưới danh nghĩa một tổ hợp, kỳ thực đó là ông Ngầu và lũ tay em chuyên áp phe. Chuyên môn của ông Ngầu là lập ra những danh nghĩa lao động sản xuất thật đúng pháp luật để buôn bán kinh doanh trái phép. Với danh nghĩa một tổ hợp của phường, tay phù thủy này đã nắm trong tay một lũ âm binh có thể lũng đoạn thị trường "kỹ nghệ lạnh" Nhà nước khó mà phát hiện nổi. Một con người như thế mà có thể là "một người cứu tinh" cho tôi hay sao? Tôi cảm thấy đắng trong cổ họng và lầm tưởng là mình đang thèm thuốc rê. Nhưng thuốc rê cũng đã hết sạch. Thật là oái oăm, gói thuốc capstan của "người cứu tinh" để lại từ lúc nào tôi không biết đã kịp thời xuất hiện trêu chọc, quyến rũ tôi. Tôi còn kịp đảo mắt nhìn quanh và xác định rằng chĩ có một mình, liền rút một điếu. Hộp diêm vẫn còn đó, hầu như nó đã tự động khè ra lửa xanh để liếm vào đầu điếu thuốc, có cái nhịp cầu bắt vào cơn nghiện ngập của tôi.
Bỗng, có tiếng gõ vào cổng ngoài, tiếng gõ thật lạ, lạ hơn cả tiếng gõ của người khách vữa đi. Dẫu sau tôi cũng sợ ông Ngầu sẽ trở lại để kết luận là "cá đã cắn câu". Tôi dụi điếu thuốc ném vào một góc và cầm sẵn cả gói thuốc còn lại với một câu nói chợt đến: "Ông đã để quên gói thuốc". Tôi hơi mĩm cười trước cái thông minh vặt này và ra cửa. Nhưng không phải là ông Ngầu, trước mắt tôi là ông chủ nhiệm Huấn xuất hiện như trên trời rơi xuống:
"Đâu còn gì nữa để khiến ông đến đây, ông nhầm nhà chăng". Bắt tay ông một cách miễn cưỡng, tôi thầm nghĩ và cảm thấy khó chịu khi ông cố tình giữ tay tôi trong tay ông quá lâu. Ông vẫn nheo một mắt và lần này càng nheo táo bạo hơn, như ngắm một chú chim sẽ qua đỉnh đầu ruồi của khẩu súng thể thao. Nụ cười của ông càng khó hiểu hơn nữa: vừa chua chát vừa tinh nghịch.
- Thế nào, hỡi trái banh?
Tôi nghiêm mặt , ý nói: "Tôi đã đau khổ nhiều rồi, xin hãy để tôi yên".
- Thế nào? Sức của cậu còn làm được một cuộc chiến tranh nữa đấy!
- Chiến tranh biên giới vừa kết thúc. Tôi đáp chiếu lệ. Tôi sợ hòa bình, tôi không có chỗ đứng...
- Khá lắm.
Tôi không đáp vì sợ mắc bẫy. Nhưng lại thầm nghĩ "đáp làm gì, ông không còn là chỉ huy, tôi cũng chẳng còn là lính". Nhưng ông Huấn không quan tâm điều đó, ông nói:
- Cậu sẽ có chỗ  đứng vững nữa là đằng khác. Này bỏ thuốc lá ra hút chớ.
Ông nói và dán mắt tinh quái vào gói thuốc tôi vẫn còn cầm tay. Tôi như người bị thôi miên, liền tuân theo ý muốn nhà ảo thuật: sẵn sàng cung khai hết.
- Của ông khách để lại, xin mời.
Tôi hoàn toàn lọt vào vòng ngắn của Huấn và hết hy vọng chạy thoát Rõ ràng mắt ông lại nheo một cách đắc thắng, ông phà khói thuốc một cách thản nhiên, tưởng như không quan tâm gì đến câu thanh minh vụng về của tôi. Nhưng đột nhiên ông lại nói:
- Ông ta không bỏ quên mà cố ý để lại cho cậu đấy. Thời bây giờ chính sách xã giao thuốc lá có cán đang thịnh hành, đáng lẽ tôi cũng phải áp dụng.
- Vậy là thủ trưởng đã gặp người đó?
- Giới kinh doanh người Hoa họ có cái mũi thính như khuyển, thính hơn chúng ta. (Cái mũi chúng ta chỉ quen mùi thắng trận) tôi đã gặp tới một ngàn người như ông người Hoa kia, một trong những người đó có nhờ tôi nói lại với cậu một câu, ông ta đã hứa là sẽ hậu tạ. Đến đây, ông Huấn cười khẩy và nói tiếp: Tất nhiên ông ta cũng đã để quên một gói Capstan ...  
Tôi chỉ biết cau mày để thú nhận rằng tôi chẳng hiểu gì cả và đang hoang mang tột độ . Nhưng tính tự vệ cũng giúp tôi nói được một câu.
- Vậy là thủ trưởng tới đây để lặp lại...
- Lên gân cốt được như vậy cũng còn khá. Thủ trưởng Huấn tự cắt câu nói bằng một chuỗi cười giòn. Nhưng ông lại ngắt chuỗi cười - sống bằng "lên gân xuống tấn" bao giờ cũng mất nhiều năng lượng cơ bắp và tế bào thần kinh. Trong đời sống thường nhật, hãy biết sống bằng hơi thở và nhịp tim bình thường "chú em" ạ.
"Quả bóng đã lọt lưới", tôi đã bị khái niệm quả bóng của ông bắt làm tù binh, đó là suy nghĩ sống sót của tôi trước đôi mắt hiền từ, không còn tinh nghịch nữa của ông. Hơn thế nữa, đôi mắt gần như núp dưới đôi lông mày nhuốm màu tro, đã trở nên cực kỳ nghiêm nghị.
Đùa thế đủ rồi. Đây là mục đích tôi tới đây, chỉ một  ngày sau khi ký cho cậu về hưu: tôi muốn cậu lựa chọn giữa tôi và những người Hoa loại đó. Cậu làm hợp đồng cho Nhà nước, cái máy đá than củi đó, lương bằng bộ trưởng (cũng chẳng bao nhiêu đâu) nhưng cậu có một chỗ đứng chân chính.
Ông Huấn đã nói bằng lời lẽ rõ ràng và thái độ nghiêm túc đặc biệt nhưng ông không biết rằng, với tôi ngay buổi sáng nay tình thế không cứu vãn nổi. cái con người vừa đặt bút ký làm cho đời tôi như con diều đứt dây bây giờ  lại mang lại cho tôi "một chỗ đứng' và trước khi đứng trên chỗ này, tôi lại phải qua lựa chọn. Ông đùa hay thật tôi không thể nào xác định được, và lúc này đây, tôi mong Tuệ về, "nhà tư tưởng" luôn luôn là cứu tinh của tôi trong loại việc cụ thể này. Tuy nhiên, tôi không thể không trả lời ông Huấn.
- Đã tính vậy, tại sao thủ trưởng còn cho tôi về hưu non?
Câu hỏi của tôi làm ông cười vang.
- Cậu đã quen lối nghĩ của một... (xin lỗi) một quả bóng. Này nhé, cậu hãy suy nghĩ nữa xem, trong cơ quan, cậu tỏ ra không chịu nổi một sự ràng buộc nào. Đó chẳng phải là đức tính gì hay ho mà là một lỗi lầm đã thành khuyết tật. Cậu là người vừa hào phóng vừa ích kỷ, là người tôn sùng cá tính riêng mình nhưng không cần biết tới cá tính người khác, là người chỉ biết cống hiến tự giác nhưng không thuộc kỷ luật. Cái đó, triết học Macxit gọi là sự tự do vô chính phủ, tự do mà không tất yếu, không tất yếu thì làm gì có tự do? Nhưng cậu là người trung thực, đáng mến, không phải là con người vứt đi. Rồi cậu  sẽ tìm ở đâu đó chỗ đứng nghiêm túc trong tuổi năm mươi. Tôi ký cho cậu về hưu non không có nghĩa là tôi muốn bỏ rơi cậu mà chính là để giải phóng cho cậu thoát khỏi những ràng buộc nhỏ và để đưa cậu vào những ràng buộc lớn hơn. Cậu sẽ là kỹ sư chân chính, làm việc như một chuyên viên. Nên nhớ rằng về hưu như cậu không phải để kết thúc, mà chính là để bắt đầu.          
Ông Huấn nói tới đây thì ngưng bặt, mắt ông đỏ hoe, tay ông lần tìm gói thuốc rê trong túi. Tôi nhìn ông chờ đợi những lời kế tiếp mặc dù biết rằng ông đã nói tất cả. Trong khi tôi im lặng, ông Huấn nhìn đồng hồ, khẽ thở dài và đứng dậy. 
2/1980
Nguyễn Hồ
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...