Charles Darwin
Con người và thuyết tiến hóa
Năm 2009 là kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Darwin và
150 năm ngày xuất bản quyển sách “On the origin of species” (“Nguồn gốc của các
loài sinh vật”), một công trình nghiên cứu sinh học nổi tiếng và đặt nền tảng
cho thuyết tiến hóa của ông. Sự ra đời của quyển “On the origin of species” có ảnh
hưởng to lớn không những trong khoa học sinh học mà còn trong nhiều phương diện
khác từ tư tưởng, chính trị, tôn giáo, tâm lý, triết học đến nghệ thuật trong sự
phát triển ở xã hội con người, không kém ảnh hưởng của thuyết lượng tử mà Max
Planck đã đề ra sau này. Sự khám phá ra quá trình kiến tạo sinh học trên trái đất
bắt đầu cách đây khoảng 10 tỉ năm và vẫn tiếp diễn ngày nay là một trong những
khám phá lớn nhất trong lịch sử khoa học.
Sự ra đời của “On the origin of species” đặt con người vào một
tình thế phải xác định lại vị trí của mình trong vạn vật: con người không phải
là trung tâm của các sinh vật như mình nghĩ hay do Thượng đế đặc biệt tạo ra và
các sinh vật khác phục vụ cho nhu cầu của mình mà thật ra chỉ là một trong những
loài thú vật trên trái đất hay trong vũ trụ mà tịnh Tư tưởng cách mạng này đảo
lộn tư duy như sự khám phá của Copernicus vào thế kỷ 16 là không phải trái đất
là trung tâm của vũ trụ và tất cả đều xoay quanh trái đất như mọi người tưởng
mà thật ra trái đất chỉ là một hành tinh xoay quanh mặt trời như những hành
tinh khác.
Trong 4 quyển sách của Darwin “The voyage of the Beagle”, “On
the origin of species”, “The descent of men”, và “The evolution of emotion in
man and animal”, thì quyển “The origin of species” là gây ảnh hưởng nhất qua sự
trình bày cặn kẻ, logic đầy đủ thuyết phục cho thuyết tiến hóa qua các dữ kiện
và quan sát được đưa ra.
Dĩ nhiên quyển sách và thuyết tiến hóa của Charles Darwin đã
bị nhiều thế lực chống đối và phản bác. Ngày này thuyết tiến hóa đã được đa số
chấp nhận nhưng cũng còn có những sự phản bác chối từ mà đa số là từ các tổ chức
tôn giáo thành kiến.
Sự hình thành của thuyết tiến hóa và ra đời của “On the
origin of species”
Darwin sinh năm 1809 trong một gia đình khá giả ở một
thành phố nhỏ Shrewbury, Tô Cách Lan. Ông nội của Darwin là một thi
sĩ có tiếng, Eramus Darwin. Lúc còn là sinh viên y khoa trẻ ở đại học
Edingburg, ông bắt đầu say mê tìm hiểu và học hỏi sinh vật học: thiên nhiên đã
có một sức hấp dẫn đặc biệt đến ông. Sau này khi ông bỏ y khoa chuyển qua đại học
Cambridge để học thần học như ý thân phụ ông muốn, ông đã có dịp học hỏi từ các
bậc thầy nổi tiếng về thực vật học như J. Henslow, địa chất học như A. Sedgwick
(4). Ông theo dõi và đọc các sách của các nhà khoa học đương thời như A .
Humboldt, C. Lyell, đặc biệt sách ảnh hưởng đến suy nghĩ của ông là “Nguyên lý
địa chất học” (Principles of Geology) của C. Lyell trong đó nó cho ông thấy
trái đất rất cổ xưa và tuổi địa chất rất lớn so với độ thời gian thế hệ của các
sinh vật, sự thay đổi nhỏ, dần trên trái đất nhưng với một thời gian địa chất
lâu đời sẽ kết tinh lại đưa đến sự thay đổi rất lớn.
Năm 1838, nhờ Henslow ông được đi trên tàu HMS Beagle đi thám
hiểm nghiên cứu vòng quanh thế giới do nhà sinh vật và thuyền trưởng R. Fitzroy
điều khiển. Cuộc hành trình này kéo dài 5 năm và đây là thời gian mà Darwin được
dịp quan sát và thâu thập, khám phá được nhiều dữ kiện quan trọng về địa chất
(núi lửa, động đất, các đảo tạo từ núi lửa gần Nam Mỹ), các hóa thạch của nhiều
sinh vật đã tuyệt chủng, thực động vật mới ỏ nhiều nơi, và nguồn gốc của các
dãy san hô.
Chuyến đi của Darwin trên tàu Beagle đi vòng quanh
trái đất ghé lại nhiều nơi ở Nam Mỹ, các đảo ở Thái Bình Dương, Úc,... giúp ông
thâu thập nhiều dữ kiện động thực vật, địa chất, địa lý, hóa thạch làm ông suy
nghĩ và từ những quan sát dữ kiện này ông đã kết hợp chúng thành những chất liệu
gây dựng thuyết tiến hóa sau này. Ông nhận thấy một số các sinh vật hóa thạch ở
Nam Mỹ giống với các loài sinh vật hiện có ở trên lục địa này hơn tất cả các
sinh vật ở những lục địa khác. Ông tự hỏi là có đủ loại các sinh vật rất khác
nhau sống ở trong các rừng nhiệt đới ở Phi châu, Á châu, Nam Mỹ mặc dầu khí hậu
đều giống nhau, tại sao như vậy và các sinh vật khác nhau này từ đâu đến?.
Darwin không phải là người đầu tiên đề cập về thuyết tiến
hóa, nhưng ông là người đã giải thích thuyết tiến hóa có hệ thống với các bằng
chứng dựa trên những lý luận và các dữ kiện quan sát về nguồn gốc của các sinh
vật qua sự chọn lựa tự nhiên (natural selection). Darwin cũng đã nói rõ trong
sách của ông là nhà sinh vật học Wallace cũng có cùng ý nghĩ với ông về nguồn gốc
sinh vật qua thuyết tiến hóa qua các bản báo cáo và bài về thuyết tiến hóa của
Wallace (“On the Tendency of Varieties to Depart Indefinitely from the Original
Type”) gởi ông về các phát hiện từ quần đảo Indonesia, nơi ông Wallace đang
thám hiểm. Darwin đã viết và suy nghĩ về thuyết tiến hóa qua chọn lựa
tự nhiên từ nhiều năm qua trước khi nhận được bài của Wallace về thuyết tiến
hóa. Darwin đã thảo luận với hai nhà khoa học Charles Lyell và Joseph
Hooker về sự trùng hợp hy hữu này. Qua sự giàn xếp của nhà sinh học Joseph
Hooker, Darwin đã gởi bài của Wallace và của ông để cùng đăng trên tạp chí của
hội sinh vật học Linnean Society of London (hiện nay vẫn còn hoạt động) và cả
hai bài đã được đọc trong buổi họp và nói chuyện ở hội. Như vậy cha đẻ của thuyết
tiến hóa là Darwin và Wallace. Nhưng quyển sách đầy đủ hơn về thuyết
tiến hóa của Darwin ra đời sau đó mới có ảnh hưởng lớn và tiếng vang
lan rộng trong giới khoa học.
Ảnh hưởng của thuyết tiến hóa vào xã hội, khoa học và nghệ
thuật
Ngay sau khi sách “Nguồn gốc của các loài sinh vật” được xuất
bản, trong một thời gian ngắn sách được tiêu thụ nhanh chóng và tái bản lần thứ
hai và gây chú ý không những trong giới khoa học mà ở nhiều tầng lớp xã hội và
khơi mào ra nhiều cuộc thảo luận tranh cãi khắp nơi.
Nổi tiếng nhất là cuộc tranh luận giữa giám mục Anh giáo (địa
phận Oxford) Samuel Wilberforce, một nhà hùng biện lúc đó, và nhà sinh học
Thomas Huxley ở Bảo tàng của Đại học Oxford ngày 30 tháng 6 1860, bảy
tháng sau khi sách ra đời. Darwin lúc đó bị đau bụng đang dưỡng bệnh
nên không tham dự. Trong số những người ủng hộ Darwin là Thomas
Huxley, Sir Joseph Hooker và ủng hộ giám mục Wiberforce là nhà sinh học Richard
Owen. Ngoài những bộ óc lớn trong khoa học, giới trí thức và thượng lưu của Anh
lúc đó hiện diện còn có sinh viên, công chúng cả ngàn người tham dự chật bảo
tàng và hàng trăm người không vào được (8) (11).
Mục sư (Reverend) Robert Henslow (người trước kia bảo hộ Darwin học
ở Cambridge) là chủ tọa buổi tranh luận.
Mở đầu và trọng tâm cho buổi thảo luận là bài báo cáo của Dr.
John Draper, New York University, tựa đề "On the Intellectual Development
of Europe, considered with reference to the views of Mr. Darwin and others,
that the progression of organisms is determined by law." Bài của Draper hiện
nay không ai để ý đến vì những cuộc đối đáp tranh luận nảy lửa xảy ra sau đó,
nhưng bài nói chuyện của Draper cho thấy sự ẩn dụ của ý tưởng thích ứng với môi
trường thiên nhiên trong thuyết của Darwin đã đi vào các lãnh vực khác mà ngày
nay ta gọi là khoa học xã hội và chính trị (11). Sau Draper, Henslow mời đến lượt
phát biểu các ông Rev. Richard Cresswell, Sir Benjamin Brodie (Chủ tịch hội
khoa học Royal Society).
Chi tiết của cuộc tranh luận không được ghi chép đầy đủ nhưng
những gì mà mọi người nhớ và biết nhiều đến là sau khi giám mục Wilberforce được
Henslow gọi đứng lên phát biểu. Là một nhà hùng biện (ông cũng là Fellow của
Royal Society), ông dùng lý luận mà ông đã dùng trong bài viết “The Origin” số
tháng 7 trong tạp chí “The Quarterly Review” vừa ra, và với phong cách hoa mỹ
ông được sự đồng tình cổ võ của nhiều người trong cử tọa - thật ra đa số đến
nghe cũng đồng ý kiến với ông về thuyết của Darwin, các công nương bên ngoài cửa
sổ vẫy khăn tay trắng ủng hộ, các sinh viên ngồi phía sau vỗ tay và la lối cổ
võ, các mục sư giáo sĩ trong hàng giáo phẩm Anh giáo có thế lực trong giới thượng
lưu và cầm quyền trong xã hội chậm rãi vỗ tay nhẹ nhàng chấp thuận.
Wiberforcechỉ trích thuyết tiến hóa không có cơ sở và cho rằng không được sự ủng
hộ của các nhà sinh học nổi tiếng như Owen, nhà địa chất Adam Sedgwick. Cuối
cùng, theo truyền thuyết kể lại và được phổ biến rộng rãi cho đến ngày nay là với
giọng mĩa mai, chế riễu, Wilberforce đã hỏi Huxley, nhà sinh học bảo vệ thuyết
tiến hóa của Darwin trong cuộc tranh luận, là Huxley nếu tự cho là mình có nguồn
gốc từ con khỉ, thì đó là qua dòng ông nội hay bà nội của mình?. Nhưng thực sự
thì theo các tư liệu từ lá thư của John Green dự cuộc tranh luận viết gởi Sir
William Dawkins, thư của Balfour Stewart gởi David Forbes và bài viết sau đó của
tạp chí văn học The Athenaeum thì giám mục Wilberforce đã không hỏi
như vậy mà nói là ông (Wilberforce) được nghe là Professor Huxley trước đây đã
nói là ông (Huxley) không thấy có vấn đề gì và cần bận tâm phải lo nghĩ là ông
nội của mình là con khỉ hay không (11), vậy thì hảy để Professor thông thái nói
như vậy cho chính mình và các bạn cùng chí hướng chứ không cho ai
khác cả.
Sau khi Wilberforce ngồi xuống giữa tràng pháo tay của khán
giã, Huxley sau đó đứng lên bảo vệ thuyết tiến hóa của Darwin và cuối cùng trả
lời câu hỏi của Wilberforce là ông không thấy xấu hổ tổ tiên của ông là con khỉ
nhưng ông sẽ xấu hổ nếu có liên hệ với một người dùng tài năng phong phú của
mình để làm mờ đi sự thật.
Theo lá thư của Huxley gởi Dyster thì, "Tôi đã lắng nghe
rất kỹ những gì Ngài Giám mục (Lord Bishop) nói nhưng đã không thể khám phá một
dữ kiện mới hay lý luận mới nào khác-ngoại trừ, thật vậy, câu hỏi về ý kiến
riêng tư của tôi đối với vấn đề tổ tiên-Thật ra tôi không có nghĩ là mang vấn đề
này ra trong cuộc tranh luận, nhưng tôi rất sẵn sàng đối đầu với Ngài giám mục
ngay cả trên lãnh vực đó..."..
Lá thư của Green cũng đồng ý như vậy,
"Huxley-trẻ, điềm đạm, ít nói, châm biếm, rất khoa học trong dữ kiện và xử
lý vấn đề, trả lời Ngài g ây một tác động mãnh liệt... Đây là phần đầu trả lời
của Huxley "Tôi đã xác nhận, và lập lại nữa, là một người không có lý do
gì phải xấu hổ có con khỉ là ông nội của mình. Nếu có một tổ tiên nào mà tôi cảm
thấy xấu hổ khi nhớ lại, thì có lẽ đó là một người, một người có tri thức hiếu
động, nhiều tài năng không hài lòng với sự thành công không chắc chắn trong
lãnh vực hoạt động của mình, lại đi lao vào những câu hỏi khoa học mà mình thật
sư không quen biết, chỉ làm tối mờ chúng đi bằng những tu từ không mục
đích, và làm lãng đi sự chú ý của người nghe khỏi điểm chính thật sự của vấn đề
bằng những lời hùng biện lạc đề và những lời kêu gọi rất khéo léo đến những định
kiến tôn giáo." (Huxley sau này không nhận là dùng từ 'không chắc chắn')
Câu trả lời của Huxley tạo một ấn tượng lớn đến những khán
thính giả đến nghe, và có người nói Công nương Lady Brewster lúc đó choáng váng
bất tỉnh khi nghe xong Huxley trả lời Wilberforce.
Huxley không phải là nhà hùng biện, nhiều người không nghe rõ
phần cuối của phần trả lời của Huxley. Theo nhà sinh học Joseph Hooker, bạn của Darwin,
thì chưa phải là dứt điểm. Sau đó chủ tọa Henslow mời Đề đốc Robert Fitzroy,
thuyền trưởng tàu HMS Beagle đi cùng với Darwin 25 năm trước đó, phát biểu.
Fitzroy tấn công sách của Darwin và hối tiếc quyển sách đã được xuất
bản, và chống lại câu tuyên bố của Giáo sư Huxley là sách xếp đặt các dữ kiện rất
logíc.". Giáo sư Beale sau đó "chỉ ra vài khó khăn mà thuyết của Darwin phải
đối diện" (the tạp chí The Athenaeum 14/7/1860).
Người sau cùng nói là Hooker. Ông hăng hái trả lời các điểm của
giám mục Wilberforce giữa nhiều tiếng tràng vỗ tay sau đó ông chứng minh là
Wilberforce chưa bao giờ đọc sách của Darwin và Wilberforce hoàn toàn
không biết gì về thực vật học. Theo thơ của Hooker gởi Darwin thì
"Sam (tức Samuel Wilberforce) im lặng không nói lời nào, và sau đó cuộc
tranh luận được giải tán". Mọi người rất thích thú ra về và cùng đi ăn tối
với nhau.
Hai bên đều cho là mình thắng trong cuộc tranh luận -
Wilberforce (thơ gởi Sir Charles Anderson July 3, 1860): "Hôm thứ bảy,
Giáo sư Henslow... gọi tên tôi phát biểu về thuyết của Darwin. Vì thế tôi
không tránh được và đã có một cuộc đọ sức rất lâu dài với Huxley. Tôi nghĩ là
tôi đã hoàn toàn đánh bại ông ấy.". Theo Huxley thì: "Tôi là người
sau đó nổi tiếng nhất ở Oxford trong đủ bốn và hai mươi tiếng đồng hồ
sau đó". Hooker: "Tôi đã được chúc mừng và cám ơn từ những vị mang áo
khoác đen nhất và vớ trắng nhất ở Oxford" (11). Đối với diễn giả ở Oxford,
công chúng và ảnh hưởng sau này trong xã hội thì Huxley và thuyết tiến hóa khoa
học của Darwin thắng lớn
Cuộc tranh luận thường được cho là sự đối chọi giữa khoa học
va tôn giáo, nhưng thực sự là sự tranh đấu giữa hai trào lưu Anh giáo bảo thủ
và Anh giáo tiến bộ. Trong cuộc tranh luận, đứng bên phe của Wilberforce có rất
nhiều nhà khoa học nổi tiếng và phía Huxley (Darwin) có sự cảm tình của các nhà
tôn giáo tiến bộ (ngay cả chủ tọa Giáo sư và mục sư Henslow). Tất cả các nhân vật
đều theo Ki tô Anh giáo và không ai vô thần.
Trong lịch sử khoa học có lẽ cuộc tranh luận này ở Oxford là
hào hứng và then chốt nhất cho sự chấp nhận của thuyết tiến hóa. Thuyết tiến
hóa khoa học được phát triển và bảo hộ không những ở Oxford, Cambridge mà
khắp Anh và Âu châu khi sách của Darwin được lan truyền khắp nơi.
Thuyết tiến hóa giải thích thỏa đáng và có độ thuyết phục cao
về nguồn gốc không những của con người mà của các sinh vật trên trái đất qua những
dữ kiện, quan sát chi li và lập luận vững chắc của Darwin. Câu hỏi mà con người
ai cũng tự hỏi từ khi bắt đầu có suy nghĩ, nhận thức là con người từ đâu mà ra và
cuộc sống có mụch đích gì đã được thuyết tiến hóa của Darwin trả lời một cách
thỏa đáng dựa trên khoa học mà không cần phải dựa vào tư tưởng thần quyền đã ngự
trị trước đó nhiều năm trong mọi xã hội văn hóa khác nhau trên thế giới. Vì thế
không lạ gì khi thuyết tiến hóa đã có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống con người
đóng góp vào sự phát triển văn hóa, xã hội, chính trị, khoa học từ khi Darwin
ra cuốn sách “The origin of species” của ông.
Sách của ông đã được quần chúng đủ mọi giới trong tầng lớp xã
hội ưa chuộng mua đọc đi quá sự mong ước ban đầu của nhà xuất bản mặc dầu đây
không phải là sách loại khoa học phổ thông mà là sách kỷ thuật, rất dài và khó
đọc Trong nhiều năm, các sách vỡ báo chí thảo luận, diễn dịch thuyết tiến hóa
qua các tranh ảnh, các suy tưởng về sự liên hệ giữa người và các sinh vật khác,
khôngkể nhiều sách truyện khoa học tưởng tượng. Khắp Âu châu vào các thập niên
cuối thế kỷ 19, ảnh hưởng cu/a Darwin lan rộng. Ở Đức, nhà khoa học
và cũng là họa sĩ Ernst Haekel phổ cập thuyết tiến hóa của Darwin qua
sách với nhiều hình ảnh và các tranh vẽ sinh vật trong sự liên hệ lẫn nhau giữa
các loài trên “cây đời sống” (Tree of Life)
Trong lãnh vực nghệ thuật, các họa sĩ nổi tiếng như Turner,
Degas, Monet, Ceanne đã bị ảnh hưởng của thuyết tiến hóa. Họ đã triển khai tư
tưởng của Darwin trong các tác phẩm của họ. Tư tưởng tiến hóa mà các
nghệ sĩ ở Pháp gọi là “transformisme” đã giúp họ nhìn thiên nhiên vạn vật và bản
năng của con người dưới một góc cạnh rất khác lúc trước kia. Thí dụ như Degas
trong bối cảnh tranh luận ở Pháp trong các thập niên 1870 và 1880 về học thuyết
Darwin áp dụng trong xã hội về tội ác, thoái hóa, đặc tính bẩm sinh định sẳn của
tội phạm đã vẽ tranh “Physionomie de criminal” vẽ hình thể khuôn mặt của hai bị
can ra tòa về tội giết người. Sắc diện của hai bị can cho người xem ‘đọc thấy’
được ý tưởng về hình thể tất yếu có từ bẩm sinh của tội phạm. Những con người
này, theo một số người, thuộc một tầng lớp trong xã hội chưa tiến hóa cao và là
vết tích thú vật còn sót lại trong các giai đoạn tiến hóa.
Triễn lãm ở Yale (New Haven, Connecticut) và ở Cambridge với
tựa đề “Endless forms: Charles Darwin, Natural Science and the Visual Arts”
trong năm 2009 sẽ cho thấy vai trò quan trọng của hình ảnh, hình thể trong sự
phát triển ý tưởng của Darwin và ảnh hưởng của ông đến các họa sĩ như
Turner, Degas, Monet, Cézanne. Ở Franfurt, triễn lãm “Darwin: Art and the
search for origin” cho thấy các nghệ sĩ vẽ về sự tranh đấu sống còn như trong
các tác phẩm của Martin…
Ngoài ra trong năm 2009, còn có một số các hoạt động khác kỷ
niệm 200 năm ngày sinh và 150 năm ngày xuất bản sách “The origin of species” ở
nhiều nơi trên thế giới. Một con tàu được làm lại giống con tàu mang tên HMS
Beagle mà Darwin đã đi khảo sát trong 5 năm sẽ được tổ chức đi đúng lại
hành trình qua nhiều nơi mà trước đây Darwin đã đến. Trên tàu có các
nhà khoa học, thầy giáo, sinh viên học sinh (xem www.thebeagleproject.com), các thí
nghiệm, quan sát sẽ được truyền tin đến các lớp học ở nhiều nơi trên thế giới.
Các triễn lãm về Darwin và thuyết tiến hóa sẽ được tổ chức ở Cambridge, London, Lisbon, Berlin, Canberra, Moscow.
Ảnh hưởng của Darwin vào xã hội và hệ quả sẽ được thảo luận trong một
hội nghị quốc tế vào tháng 11/2009 ở Alexandria, Ai Cập.
Charles Darwin và Úc
Darwin đến Sydney trên tàu HMS Beagle ngày
12/1/1836 (5). Sau khi nhận xét Sydney lúc này là một thành phố tốt,
đường xá rộng, sạch, nhà cửa phố xá khang trang, ông lập tức sửa soạn chuyến đi
sâu vào bên trong lục địa để khảo sát. Ông mướn người và ngựa để dẫn ông đi
Bathurst, một thành phố phía tây Sydney băng qua núi Blue Mountains thuộc dãy
núi Darling Range chạy dài ở gần bờ biển phía đông lục địa Úc.
Tranh vẽ của Augustus Earle, "Table Land Blue
Mountains", 1826, (National Library of Australia). Augustus Earle là một
trong những bạn của Darwin mà ông tiếp xúc khi đến Úc. Earle là một họa
sĩ có tiếng. Bức tranh tả cảnh và đường mới mở ở Blue Mountains
mà Darwin đi qua từ Sydney đến Bathurst.
Trong chuyến đi này ông dừng chân lại ở nhiều nơi
như Wentworh Falls, Lithgow. Mặc dầu không thấy kangaroo nhưng ông gặp
nhiều thổ dân, và tình cờ quan sát được con platypus, một loài thú mỏ vịt đuôi
chồn, đặc hửu ở Úc. Trên một bờ sông gần Wallerang, ông nằm suy nghĩ và viết
trong nhật ký về các đặc tính lạ lùng của các thú vật ở lục địa Úc so với các
nơi khác (5) và ông nhận xét: “Một người không tin vào tất cả những gì vượt quá
khỏi những lý luận của chính mình có thể sẽ phát biểu là ‘chắc chắn là có hai đấng
tạo hóa khác nhau thực hiện việc hình thành các sinh vật“. Tuy vậy khi Darwin
thấy và quan sát các con kiến “lion-ant”, ông nhận ra ngay chúng cùng họ với một
loài kiến mà ông biết được ở Âu châu, nhưng thuộc một loài (species) khác.
Trong nhật ký, ông viết “Giờ thì người hoài nghi không dễ tin sẽ phải nói gì về
sự kiện này?. Có thể nào lại có hai Người tạo hóa có cùng một kiến tạo
thật quá hoàn mỹ, giản dị, không tự nhiên như vậy được chăng?”. Suy nghĩ này là
một trong các hạt nhân bắt đầu gieo vào đầu ông và sau này hình thành ý tưởng về
thuyết tiến hóa qua sự chọn lọc tự nhiên.
Phụ giúp Darwin trong chuyến đi trên tàu Beagle là
một thiếu niên 15 tuổi, Syms
Covington. Covington giúp Darwin thu thập các mẫu sinh vật,
tìm kiếm hóa thạch, phụ giúp công việc nghiên cứu trong chuyến đi kéo dài 5 năm
này. Trong những ngày ở Sydney, Covington có ấn tượng tốt về
vùng đất mới ở Úc. Sau khi trở về Anh, ông di dân qua Úc lập nghiệp năm 1840. Ở Sydney một
thời gian, ông và gia đình đi xuống thành phố nhỏ Pambula vùng bờ biển phía
nam Sydney năm 1854 làm trưởng ty bưu điện của Pambula, nơi nhiều người
đến để tìm vàng. Trong những năm ở Úc, ông vẫn còn giữ liên lạc qua thư từ với Darwin. Darwin có
nhờ Covington thâu lượm và gởi cho ông các mẫu sinh vật chân tơ
(barnacle), loại sò bám đá ở Twofold Bay để ông nghiên cứu.
Tháng 3 năm 1849, Darwin đã viết cho Covington như sau:
"Tôi đang viết một bộ sách lớn, mô tả cơ thể và tất cả các loài chân tơ
(barnacle) từ khắp nơi trên thế giới. Tôi không biết anh có sống gần biển
không, nhưng nếu anh sống gần biển thì tôi rất vui lòng nếu anh thâu lượm cho
tôi bất cứ sinh vật bám vào các đá ở biển hay vào các võ sò hay vào các san hô
bị dạt vào bờ từ các gió bão biển, và gởi cho tôi mà không phải chùi rữa chúng,
hay làm sạch đáy..." (10). Darwin công bố các bài viết khoa học
về các sinh vật này. Không lâu sau đó, Darwin xuất bản quyển sách nổi
tiếng "On the origin of species".
Năm 1857, Covington xây một tòa nhà bưu điện bằng
đá và gạch . Tòa nhà này không những là bưu điện của Pambula nhưng lớn đủ để có
thêm một cửa tiệm buôn bán và một quán bia rượu (Forest Oak Inn). Tòa nhà này vẫn
còn và được xếp vào di tích lịch sử. Hiện nay tòa nhà là một nhà hàng Thai có
tên là Covingtons Thai do hai anh em người Thái di dân qua Úc làm chủ.
Ở viện bảo tàng Đại học Oxford còn có các sưu tập của Darwin,
trong nhiều mẫu sinh vật thâu thập là các dòng chữ ghi chú được coi là của Syms
Covingtons trong chuyến đi của con tàu HMS Beagle.
Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Darwin, Viện Mỹ Thuật
quốc gia Úc (National Art Gallery) ở Canberra có một triễn lãm về Darwin và sự
liên hệ của ông với Úc. Và dĩ nhiên sau cùng, Darwin cũng là tên một
thành phố lớn bắc nước Úc, thành phố được đặt tên để tưởng niệm một vĩ nhân
trong khoa học.
Darwin, một nhà khoa học vĩ đại
Ngày 19 tháng tư năm 1882, Darwin từ trần. Theo
thông báo thì ngày hôm sau ông sẽ được chôn ở sân của nhà thờ St Mary, Down gần
nơi ông sống gần 40 năm. Tuy nhiên, những người bạn uy tín và có thế lực lại có
ý khác. William Spottiswoode, Chủ tịch Hội khoa học Hoàng gia Royal Society
đánh điện tín cho gia đình Darwin và hỏi gia đình có đồng ý
chôn Darwin trong nhà thờ Westminster Abbey, nơi chôn lịch sử của các
vua và các vĩ nhân của nước Anh. Giám mục Canon Farrar thông báo cho tu viện
trưởng (Dean) của Westminster Abbey, George Bradley, lúc đó đang ở Pháp,
Bradley trả lời chấp nhận. Một thỉnh nguyện được gởi truyền tay trong Quốc hội
và nhanh chóng được nhiều chữ ký của các nhân vật quan trọng (7).
Ở trong và ngoài nước Anh, ông đã được so sánh như Isaac
Newton - cũng ghi nhân là Darwin, mặc dầu là một nhà khoa học vĩ đại, nhưng
khác với Newton là chưa từng được tôn vinh phong tước hầu. Ông đã không được
tôn trọng đúng mức trong lúc sống, vì thế một nước được ân huệ như Anh người ta
mong muốn đền đáp lúc ông mất. Vào ngày thứ Bảy, mặc cho dù Darwin hay
gia đình ông muốn khác đi nữa, tất cả đồng ý là ông sẽ được an táng ở
Westminster Abbey. Lễ an táng được tổ chức ngày thứ tư sau đó, đúng một tuần
sau khi Darwin mất. Đám tang của Darwin được tổ chức theo
nghi thức ki tô giáo
Những người hiện diện hôm đó được nói là "một buổi hội tụ
lớn nhất chưa bao giờ có của tri thức của nước chúng ta" (7). Trong số những
người khiêng quan tài của Darwin là hai người bạn và cũng là hai nhà
sinh học nổi tiếng, Joseph Hooker và Alfred Wallace (Wallace cũng là người đồng
khám phá thuyết tiến hóa qua chọn lựa tự nhiên), đại sứ Mỹ James Lowell và
William Spottiswoode, Chủ tịch Hội Hoàng Gia. Darwin được chôn cạnh
nhà vật lý Isaac Newton.
Darwin xứng đáng là nhà khoa học được thế giới tưởng niệm
nhân dịp 200 năm ngày sinh và 150 năm ngày ra đời của cuốn sách "Nguồn gốc
của các loài sinh vật" trong năm 2009, ở thế kỷ 21...
Tham khảo:
(1) M. Kohn, The needs of the
many, Nature, Vol. 456, 20 November 2008, pp. 296-299.
(2) J. Baker, Darwin: Heading to
a town near you, Nature, Vol. 456, 20 November 2008, pp. 322-323
(3) T. Chouard, Beneath the
surface, Vol. 456, 20 November 2008, pp. 300-303.
(4) J. Van Wyhe, Charles Darwin:
Gentleman naturalist, http://darwin-onlinẹorg.uk/darwin.html
(5) S. Meacham, Darwin’s
idea survives the fitness test of time, Sydney Morning Herald, Jan. 12 2009.
(6) S. Meacham, Origin of
species, how a missing link ties Charles Darwin to an
idyllic South Coast hamlet and its Thai restaurant, The Sun
Herald, Januray 11 2009.
(7) Westminster Abbey web
site, http://www.westminster-abbey.org/
(8) Wikipedia,
1860 Oxford evolution debate, http://en.wikipedia.org/
(9) University of Oxford,
Celebrating Darwin 200, http://www.ox.ac.uk/
(10) Pete Wilton, Darwin’s
crabs, University of Oxford, http://www.ox.ac.uk/
(11) K. Thomson, Huxley, Wilberforce and
the Oxford Museum, American Scientist, Volume 88, Number 5, Sept. -
Oct. 200, pp. 210-212.
21/2/2009 Nguyễn Đức Hiệp
21/2/2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét