Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

Chuyện buồn của một gánh trầu không

Chuyện buồn 
của một gánh trầu không

Mấy hôm nay ngoại đến một nơi nào đó, với những người nào đó, ở một cõi xa xôi nào đó. Hồi chiều, khi thấy bà nằm thiêm thiếp, tôi vội tranh thủ ra sau làm vài việc vặt. Nhưng chưa được năm phút thì một tiếng động lớn vang lên khiến tôi giật nảy mình. Chạy vào thì bà đã nằm dưới đất. May thay bà chỉ tụt cặp chân xuống trước nên không bị chấn thương.Kể từ đó bà cứ nói huyên thuyên tới sáng và tôi cũng phải kê ghế bố nằm thức để canh chừng bà. 
Nhắm nghiền đôi mắt mù lòa, gương mặt ốm yếu đầy những vết nhăn nheo của chín mươi năm dài cơ cực hằn lên một nét buồn muôn thuở, ngoại tôi một mình độc thoại với những người muôn năm củ. Những lời nói không đầu không đuôi cứ lần lượt vang lên trong đêm trường vắng lặng, như tiếng thở dài trầm lắng thương cho thân phận người mẹ ở miền quê nghèo nàn miền nam trung bộ:
- Năm ơi, chờ dì đi với con. Gánh trầu của dì nặng quá…
- Hai ơi, trưa nay chờ dì về với, nghe con…
- Bảy ơi, con bán cho dì đôi dép hai ngàn nghe con, dép của dì đứt rồi. Ngày nào cũng gánh gánh trầu đi tới hai mươi cây số, dép guốc nào mà chịu nổi hả con?...
Những lời nói của ngoại tôi giữa đêm khuya vang lên lồng lộng, và nó nghe sao to lớn, dõng dạc, như tiếng nói của một người thiếu phụ sớm mất chồng, một mình lam lủ bán một gánh trầu không nuôi ba đứa con thơ ăn học thành người tử tế, để rồi suốt cả thời gian già yếu không được đứa con nào chăm sóc, chỉ sống heo hút một mình với đứa cháu ngoại thân yêu…
Khi lên lớp bốn, lớp năm, tôi theo ba mẹ về sống ở Quy nhơn. Ngoại tôi thương nhớ các cháu nên cứ mỗi hè về bà vượt cả nghìn cây số để đi xe đò ra thăm và ở lại Quy Nhơn vài ngày. Những ngày bà ngoại ra thăm, chúng tôi vui mừng khôn xiết vì bà mang theo cả một giỏ “cà xé” toàn là thức ăn: nào là bánh tráng Chợ Lầu, nào là cá đuối khô, nào là món bánh rế, nào là mật ong… Buổi tối chúng tôi thường ngồi trong lòng ngoại, nghe ngoại kể chuyện Thạch Sanh Lý Thông, Lâm Sanh Xuân Nương bằng thơ thật hay, có lẽ nhờ thế mà sau này tôi làm thơ hay thì phải! Tôi cứ nhớ mãi các câu thơ vô cùng ấn tượng như sau: 
Thạch Sanh ngồi tựa hàng da.
Thấy nàng công chúa bay qua đỏ lòm.
Thạch Sanh đứng dậy mà dòm
Thấy nàng công chúa đỏ lòm bay qua…
Giọng của ngoại cứ ngân nga, đều đều ru tôi chìm sâu vào giấc ngủ, trong đó có chàng Thạch Sang giương cung bắn chết Đại bàng để giải cứu cho nàng công chúa...
Rồi những ngày thăm viếng của bà ngoại cũng trôi qua. Hè cũng đã đến với tiếng ve sầu nỉ non ngoài bậc cửa. Tôi được nghỉ hè. Và thế là bà ngoại cố gắng nài nỉ xin cho mang tôi về chơi quê ngoại trong ba tháng hè.
Tôi cứ nhớ mãi những ngày hè trong mộng ấy. Ban ngày, ngoại cho tôi vào học tư với một ông thầy ở Xóm Miễu. Chiều đến, tôi chạy ra chợ phụ ngoại gánh trầu về. Nhưng phụ thì ít mà làm nũng thì nhiều. Bà ngoại lúc nào cũng để phần cho tôi, nào là bánh ít, bánh cam, nào là những quả chùm quân kết làm sâu chuỗi cho hòa thượng. Và thế là hòa thượng cứ vừa tụng kinh vừa xơi xâu chuỗi cho đến hết thì cũng hết tụng kinh. 
Kỷ niệm của tôi với ngoại nhiều vô số kể, như có dạo nghe Út Trà Ôn hát bài tân cổ Sầu vương Ý nhạc hay quá, tôi dặn ngoại chiều về phải mua cho tôi để tôi tập hát. Nhưng đến tối mịt ngoại về, nghe tôi hỏi, ngoại lắc đầu nói rằng: “Ngoại có hỏi rồi mà ông bán truyện nói ổng không có quyển “Giương cung bắn nhạn“ đâu con ạ!”. Thế là tôi được dịp làm nũng khóc cả đêm cho đến khi buồn ngủ quá gối đầu lên gối ngoại mà ngủ thiếp đi, tai vẫn nghe ngoại đọc thơ Lâm sanh Xuân Nương, Thoại Khanh Châu Tuấn với giọng thật buồn như tiếng thở than cô đơn của người góa phụ, trong khi tay ngoại cứ thoăn thoắt dẽo những lá trầu hư để mai kịp bán phiên chợ sáng. Không biết ngoại ngồi một mình suốt đêm trong ánh đèn dầu leo lét, ngoại có rơi nước mắt khóc thầm vì nổi cô đơn có chồng mất sớm và phải sống xa con không nhỉ???. 
Cuộc đời ngoại tôi như một tiếng tắc lưỡi của thạch sùng. Cậu Ba tôi thì say mê văn chương thi phú, suốt đời như người trong mộng chỉ biết xin tiền ngoại để tiêu xài với bạn bè thôi. Còn cậu Tư thì thương mẹ nhưng không được sống gần, mãi đến sau này khi tôi về sống với ngoại thì cậu mới giao hẳn cho tôi chăm sóc. Ngoại thương nhớ các con trai, lúc nào cũng nhắc đến con với vẻ trìu mến, thương yêu, và ngoại cứ ngày đêm trông ngóng được gặp mặt các con. Tình thương của ngoại thật bao la như biển cả. 
Khi về sống với ngoại, vợ chồng tôi còn rất khổ. Chúng tôi phải làm rẫy ở cách nhà hai mươi cây số. Hai dứa con còn nhỏ phải để ở nhà, khóa cửa nhốt đến trưa ngoại về mới tắm rửa, cho ăn và ru các bé ngủ. Tình cảm giữa các cháu và bà cố thật là sâu nặng. Mãi đến khi các cháu lớn lên và vào đại học, về thăm nhà bà vẫn lén lút đút túi cho cháu ít tiền xài. Các cháu rất yêu quý bà, đi học xa vẫn điện thoại thường xuyên hỏi thăm sức khỏe và chúc bà được sống lâu… 
Trần Tế Xương đã có lần khen tặng vợ như sau:
Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi nổi năm con với một chồng
Lặn lội thân gầy nơi quảng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ thôi đành phận
Năm nắng mười mưa há quảng công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không…
Ngoại tôi không có chồng hờ hững, nhưng ông đã mất đi khi bà còn rất trẻ. Bà ngoại không tái giá. Sống cô đơn với một gánh trầu không, ngoại tần tảo nuôi các con ăn học thành tài. Các con lớn lên sống xa quê, ngoại về ở với cháu. Cuộc đời buồn nên ngoại rất bao dung. Tôi nhớ những đêm mưa buồn não nuột,tôi nằm gối đầu lên gối ngoại lắng nghe bên bờ sông vắng tiếng loài chim đi ăn đêm vang lên tiếng kêu thật buồn thảm “rù rì… rủ rỉ…. rù rì….”. Mỗi lần nghe tiếng con chim này kêu, tôi thu mình sợ hải và ngoại đã an ủi tôi như sau: “Con đừng sợ, đó chỉ là tiếng chim rù rì tìm kiếm bạn tình thôi, con ạ. Ngày ấy, tôi chưa đủ khôn lớn để nghĩ rằng lúc đó, hẳn ngoại tôi cũng đang khóc thầm mà tự nhủ: “Ông ơi, sao ông nỡ bỏ tôi cô độc giữa cuộc đời này…” 
Tiếng gà đâu đó gáy vang lên.trời đang sáng.
Ngoại tôi không còn nói mê nữa… bà đang thiêm thiếp ngủ. Bà đang nở một nụ cười thật là phúc hậu.
Tôi cũng mơ màng thiếp đi, nhưng bỗng giật mình thức giấc vì tiếng nói của bà lại vang lên…
“Ngọc đâu, Bi đâu. Kêu tụi nó vô đây bà đút cơm cho nó ăn, tội nghiệp quá, hai đứa nó nhịn đói từ sáng đến giờ…”
Tôi muốn òa lên khóc. Trời ơi, các cháu đã lớn và đang học đại học mà ngoại.
Nước mắt cay xè, tôi trả lời bà qua tiếng nấc…”Ngoại ơi, là con đây, cháu ngoại của ngoại đây. Ngoại hãy ngủ đi, ngủ yên đi với giấc mơ của một cánh cò đang lặn lội dưới dòng sông…".
3/4/2010
Ngô Lạp
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​ Xuống Phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. ...