Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

Cuộc gặp gỡ bất ngờ

Cuộc gặp gỡ bất ngờ

Tất cả đó là sự chìm lắng suốt quãng đường sáu tiếng lái xe từ Amarilo trở về thành phố Fort Worth. 
Một sự chìm lắng đến ngột ngạt, bức bối, khiến tôi phải hạ kiếng cho gió thổi phù phù vào xe nghe vui tai hơn là để sự im lặng kéo dài, còn mở đĩa CD nghe những bản tình ca thì cũng không phải lúc. 
Thú thật tôi không biết bắt đầu câu chuyện như thế nào khi bỗng dưng tôi là người chứng kiến của cuộc gặp gỡ bất ngờ trong quán phở, giữa một bên là một anh bạn trẻ của tôi và người kia là cô giáo dạy toán, chủ nhiệm trước kia của anh ở một trường cấp hai huyện Thủ Đức.
Tôi còn nhớ cái cảm giác ngỡ ngàng đến sửng sờ hiện rõ trên nét mặt của anh vừa ngồi xuống ghế vừa nhìn người phụ nữ mang bảng thực đơn đến cho khách. Và tôi bỗng chưng hửng khi nghe tiếng nói của người phục vụ “hình như em là..., em là...” với ánh mắt đầy bối rối và nụ cười không giấu được sự ngại ngùng bất chợt. 
Lúc đó, tôi không biết tả như thế nào và tôi cũng không bắt kịp những cảm xúc của mỗi người ra sao trong giây phút gặp gỡ quá bất ngờ. Tôi đã từng đi dạy học nhiều năm trước. Nhưng tôi là tôi, tôi không thể đem tình cảm của mình gán ghép vào tình cảm cô giáo của anh để tự cảm nhận được tình cảm hai thầy trò sau mười hai năm đột nhiên gặp nhau ở xứ Mỹ này. 
Em là thằng “Cò”, học trò của cô hồi năm lớp sáu-bảy-tám. Tiếng đáp nhẹ pha chút ấp úng như đứa học trò nhỏ mà anh nhận mình là “Cò” ý chừng đánh thức ký ức cô giáo chủ nhiệm của mình hồi ấy. 
Cho tôi giải thích một chút về cái tên “Cò” mà tôi cũng mới vừa biết đây thôi, ngay lúc anh tự miệng nói ra không chút e ngại. Cái tên “Cò” gọi ở nhà mang theo vào lớp vì bộ dạng chú nhóc học trò mới lớn, ốm nhom ốm nhách, nên gọi là cò. Đúng là nhất quỉ nhì ma thứ ba thằng Cò. Thằng Cò quậy phá một thời chuyên làm phiền lòng cô giáo, nhiều lần bị bêu tên trước trường trước lớp. Thằng Cò trốn má, trốn dì mỗi khi cô chủ nhiệm đến nhà phụ huynh mắng vốn vì Cò mê chơi hơn ham học. 
Cô khen anh mập ra, trắng trẻo, trông bảnh không như hồi xưa ốm tong ốm teo như cò ma. Nhìn đúng là chàng Việt kiều nhưng cô vẫn nhận ra nét mặt, khi thấy đứa học trò nhỏ của mình mở cửa bước chân vào quán.
Cô nói cô vừa mới sang Texas theo diện bảo lãnh di dân. Gia đình cô chỉ có hai người. Chồng cô đã kiếm được việc làm và cô mới vào làm ở quán phở này gần một tháng. Công việc không vất vả gì cho lắm, phụ việc chạy bàn, rảnh vào nhà bếp làm lặt vặt. 
Đó là những lời thăm hỏi bình thường trong một cuộc gặp gỡ bất ngờ nhưng để lại nỗi xốn xang trong lòng anh hay cả tôi nữa khi giờ đây cô và trò đang ở trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác hẳn. 
Tô phở bốc khói trên bàn dường như nguội lạnh làm anh khó nuốt. Cổ họng anh nghèn nghẹn những cảm xúc mơ hồ nhưng lại rất rõ ràng đang hiện diện nơi đây, ngay tại giây phút này khi cô giáo mang lên hai tô phở đặt trên bàn khách. Nhưng rồi cũng xong. Bữa ăn tẻ nhạt trong im lặng. Ai cũng thấy lòng trĩu nặng suy tư như cảm thấy mình có lỗi trong chuyện tự dưng đến Amarilo để bất ngờ gặp lại cô giáo cũ. Trái đất rộng lớn, nhưng lại nhỏ bé quá chừng!
Xe chạy vùn vụt lướt qua những cánh đồng bông vải đang nở bông trắng xóa như tuyết phủ kín hai bên đường. Cảnh vật chung quanh không làm anh chú ý, còn tôi lại thấy nó đẹp như một bức tranh mùa đông mặc dù mùa đông chưa tới. Giờ mới chỉ đầu thu, nắng vàng ươm đang trải đầy trước mặt. Tiếng gió thổi phù phù vào xe nhỏ hẳn khi xe chậm chạp chạy qua khu vực trường học thị trấn Lubbock. Học sinh tan học túa ra về. Có nhóm đi xe buýt, có nhóm vài ba đứa thả bộ lang thang trên hè phố, có đứa rắn mắt vừa đi vừa tung chân đá cái vỏ lon ai đó bỏ lăn lóc trên hè. Âm thanh phát ra từ chiếc lon khô khốc làm anh giật mình thảng thốt nhớ lại những hình ảnh ngày nào trong mấy năm đầu lên học cấp hai.
Ba sống ở Mỹ, nhà có hai má con với người dì ruột mà anh xem như người mẹ thứ hai trong gia đình. Má mải lo buôn bán nuôi cả nhà nên cũng ít thời gian quan tâm đến việc học hành của thằng con mới lớn. Yếu môn nào, xin tiền má đóng học thêm môn đó.
Cũng như những học sinh trong trường, cậu nhỏ học thêm môn toán ở nhà cô với hy vọng vượt qua những kỳ thi học kỳ lên lớp. Học thì ít, chơi phá thì nhiều, thế nhưng vẫn cứ lên lớp như thường. Học thêm chỉ là cách đối phó với tình huống lúc đó như một phong trào học ở trường không đủ đến nhà thấy cô học tiếp. Hơn nữa gia đình lại sắp xuất cảnh thì với một đứa học trò non nớt còn tâm trí đâu học hành cho tốt.
Nghĩ lại chuyện này anh cảm thấy xấu hổ và thấy có lỗi với mọi người ghê gớm, nhất là với cô giáo chủ nhiệm vừa bất ngờ gặp lại.
Anh kể lại những chuyện học hành ngày trước cho tôi nghe để tôi có thể đồng cảm với anh về chuyện học sinh học đóng tiền học thêm với thầy cô giáo cốt mong thoát khỏi bế tắc trong những bài kiểm tra và thi cử. Đâu chỉ có học sinh dở mới học thêm, mà học sinh giỏi cũng học thêm nữa kia!
Tôi hiểu tình hình giáo dục hồi ấy, ngay cả giờ vẫn vậy. Chương trình giáo dục thật nặng nề, mặc dù đã đôi lần cải cách. Tất cả là sự chạy theo thành tích và chỉ tiêu yêu cầu của ngành giáo dục vô tình đặt một tảng đá nặng nề lên vai của nhà trường và tất nhiên ai phải gánh vác nếu không là những thầy cô giáo cùng học sinh trong trường?
Đó là chuyện bên nhà, còn chuyện bên đây lại khác, học trò không phải học theo kiểu nhồi nhét cho đầy bộ não và được tạo mọi điều kiện học tập. Đi học không mất tiền, chỉ có người ngu mới không chịu học. Và từ một cậu nhóc học hành làng nhàng như  anh tự thú, bây giờ đã tốt nghiệp đại học hẳn hoi và có việc làm ngon lành, có vợ đẹp con xinh như bao người khác. Nhưng tôi biết anh là một con người sống thật với chính mình và có nhiều tình cảm, biết quý trọng cha mẹ, thầy cô. Có lần anh nói nếu không nhờ những lời mắng vốn của cô hồi trước và sự nghiêm khắc của ba nhắc chừng thì ngày nay anh không có những gì mà bất kỳ một phụ huynh nào mong đợi đứa con của mình trưởng thành trên đất Mỹ.
Suy cho cùng nền tảng cơ bản vẫn là sự nhận thức giáo dục, cho dù sự giáo dục đó dẫu có gò bó trong tư tưởng nhồi nhét hay cởi mở tư duy phóng khoáng đi nữa, thì sự giáo dục nào cũng chỉ nhằm mục đích tạo ra những con người chân thực và có ích cho xã hội.
Sau cuộc gặp gỡ bất ngờ đó, anh vẫn giữ mối liên lạc với cô như một người thân trong nhà. Ngày lễ thầy cô giáo có lẽ anh không còn nhớ, nhưng thỉnh thoảng vẫn nhớ gọi điện thăm cô, đặc biệt tết nhất thì không thiếu lời chúc cô luôn được mạnh khỏe.
Có lần hai vợ chồng cô lái xe về Dallas thi quốc tịch vì thành phố Amarillo không có chi nhánh phục vụ của cơ quan di trú, tiện đường ghé Fort Worth thăm người học trò cũ.
Anh mời vợ chồng cô về sống tạm với mình dù sao ở Fort Worth vẫn có nhiều cơ hội tìm được việc làm hơn hẳn thành phố Amarilo buồn hiu và xa cách. Nhưng cô không muốn, tuổi tác đã già, thay đổi cuộc sống thêm một lần nữa có khi không phải lắm.
Tóc cô đã bạc nhiều không phải vì bụi phấn mà bạc vì chồng chất những nỗi suy tư. Cô nói thực lòng cô cũng chẳng muốn qua Mỹ để tìm cuộc sống thoải mái. Con cái đã trưởng thành và cuộc sống của cô bên nhà cũng không phải là một gánh nặng cho ai. Nhưng cô còn có thể làm gì hơn trong một cuộc sống đầy bức bách khi tuổi cô chưa đến lúc phải về hưu. Cô vẫn còn muốn đi dạy, nhưng cái nghiệp đã không còn!
Cô ơi! Cho dù cô không còn dạy học nữa, cô vẫn là người thầy người cô mà em quý mến và kính trọng. Và em vẫn thầm cảm ơn cuộc sống đẩy đưa cho em gặp lại cô trong cuộc gặp gỡ bất ngờ này như một duyên phận của tình thầy trò nơi đất khách.
12/12/2008
Ngô Kế Tựu
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...