Hoa sứ nở trái mùa
Cơn sốt vật vã cả tuần nay chưa cắt hẳn, người Đại nóng ran,
miệng khô ráp. Đã thế, mới đầu mùa khô mà cái nắng trên đất Lào cứ gay gắt.
Ngân ngồi bên, cầm chiếc quạt nan quạt lấy quạt để, nhìn anh trìu mến: “Cố lên
anh”. Đại nhìn Ngân trong mơ màng. Khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng lấm
tấm vài nốt tàn nhang với ánh mắt rạng rỡ khi cười không giống lần đầu mới gặp.
Ngày đó, Đại được điều động về làm nhân viên Hậu cần của Tiểu
đoàn bộ. Hơn năm cây số trên con đường nham nhở đất đá với ba lô nặng trĩu, anh
mệt bở hơi tai. Mồ hôi, bụi đường rít rát, khó chịu. Đến ngã ba đường, chưa biết
rẽ lối nào, anh thấy hai nữ quân nhân đi tới. Mừng quá, Đại cất tiếng:
- Chào hai đồng chí! Đường về Tiểu đoàn bộ rẽ lối nào ạ? Một
cô nhanh nhảu:
- Đồng chí gặp may rồi! Đi theo các “chị”. Lính Tiểu đoàn bộ
đây!
Hai người dẫn Đại lội qua con suối, vòng qua đồi tranh, leo
qua cầu khỉ rồi đến rừng le. Đại buột miệng:
- Hai “chị” định “bắt cóc” tôi à. Đi đâu vòng vèo thế
này?
Cô có nước da hơi bắt nắng cười:
- Anh yên tâm! Đây là bước đầu thử thách lính Tiểu đoàn bộ
đó! Cô gái có nước da trắng hồng điểm vài nốt tàn nhang nghiêm nghị:
- Phải biết “tập luyện” mới thành lính Tiểu đoàn bộ được, đồng
chí lính mới ạ!
Đại nghĩ thầm: “Không sao đâu. Đã theo thì theo đến cùng”. Đại
lặng lẽ cùng hai cô đào măng, bóc vỏ, bỏ bao rồi vác về. Vừa đi anh vừa lẩm bẩm:
“Đúng là, lính buổi mai cai lính buổi hôm!”. Rồi Đại cũng biết một cô tên Hà,
cô đi cùng là Ngân. Ngân “tít”, nhân viên thông tin. Biệt hiệu này là do khi cười
mắt Ngân cứ nhắm tít lại.
Đại đang thiêm thiếp, bỗng bật cười. Ngân mừng rỡ nắm tay
anh:
- Anh! Anh đã tỉnh rồi.
Ngân lấy nước cho Đại uống. Nhìn bàn tay thon trắng, có một vết
sẹo chạy dài trông ngồ ngộ. Đại ngạc nhiên:
- Bàn tay em làm sao thế?
Ngân ngại ngùng:
- Khi nào khỏe rồi em kể anh nghe!
Cơn sốt đã tạm qua đi, Đại từ từ ngồi dậy:
- Không sao đâu! Em kể cho vui, biết đâu nghe chuyện rồi anh
khỏe lại.
Ngân âu yếm nhìn Đại rồi chậm rãi kể: Quê em ở bên dòng sông
xanh trong. Chiều về, những bè nứa, bè gỗ xuôi dòng trong con nước lững lờ. Gia đình đông con, bố em hay ốm đau nên chẳng làm việc nặng được.
Hằng ngày, ngoài giờ học, em phải đi chăn trâu. Một hôm, đang tập bơi trên
sông, nhìn thấy trâu ăn lúa, em vội vàng chạy lên thì trượt ngã, tay đập vào
hòn đá rách toác để lại cái sẹo đến bây giờ. Lớn lên em cùng mấy đứa bạn rủ
nhau viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Thương mẹ nhiều lắm, nhưng em đã quyết rồi.
Cũng khó khăn lắm mới nhập ngũ được đó anh. Là do gia đình có hoàn cảnh khó
khăn, thuộc diện miễn nghĩa vụ quân sự. Rồi em xin mãi, mẹ lên năn nỉ Ban Chỉ
huy quân sự huyện nên em mới được đi. Tưởng thế nào cũng sẽ được ra biên giới
phía Bắc đánh quân bành trướng nên háo hức lắm, nhưng chiến tranh biên giới đã
tạm lắng, em và các bạn được điều động về đơn vị làm cầu đường trên đất bạn
Lào. Lúc đầu hụt hẫng lắm, bây giờ thì quen rồi. Nhớ mẹ nhiều lắm anh à, cứ
mong hết nghĩa vụ để về. Bố mẹ đã già, mưa nắng, ốm đau chẳng biết thế nào, vậy
mà đã hơn hai năm xa nhà rồi. Ngân nhìn vào khoảng không, mắt chớp chớp, ươn ướt.
Đại nhìn vào mắt Ngân, một cái nhìn thương cảm. Trong lòng
anh như có gì thổn thức, xao xuyến. Nghĩ thương hoàn cảnh của Ngân, Đại muốn
nói một điều gì đó mà anh chưa thốt nên lời.
Ngày hôm sau, không thấy Ngân ghé thăm, Đại thấy bồn chồn. Đến
bữa, Hà mang cháo lên cho anh:
- Anh gắng ăn đi nhé! Hôm nay cái Ngân đi sửa tuyến, nghe đâu
đường dây bị cháy do dân bản đốt rẫy.
Nằm một mình trong phòng vắng, nghe tiếng con thạch sùng kêu
tành tạch, Đại thấy nhớ cái dáng thon thả, bàn tay quạt dẻo như đang múa của
Ngân. Buổi chiều, Ngân về, mang theo bó rau rừng. Nào là rau sam, rau tàu bay,
rau dền để nấu bát canh suông, vậy mà Đại thấy ngon miệng.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết. Đại đã đỡ sốt. Ngân mừng lắm,
những lúc rỗi rãi cô lại ghé qua phòng anh. Ngày nào cô không đến, anh thấp thỏm,
chờ mong. Nằm dài trên giường, anh thấy nhớ mẹ. Lúc ở nhà, bị cảm sốt mẹ thường
hay nấu cháo hành, ăn nóng, húp xoàn xoạt, mồ hôi đầm đìa. Giá như… Đến giờ ăn
trưa, Ngân mang đến bát cháo đang bốc hơi nghi ngút, mùi hành thơm lừng, chỉ ngửi
cũng đã thấy ngon, Đại thốt lên: “Ôi! Em đọc được suy nghĩ của anh ư?”. Đặt bát
cháo xuống bàn, Ngân nhẹ nhàng:
- Chim rừng Ngân mua ở bản về nấu cháo, anh ăn đi cho nóng!
Bát cháo làm cho mồ hôi tháo ra ướt cả vạt áo, thấy nhẹ nhõm
như trút gánh nặng, Đại ngần ngại:
- Anh ăn được rồi, đã khỏe dần. Em vất vả với anh làm gì?
- Nếu anh ăn thấy ngon thì em vui lắm. Cố ăn cho mau khỏe để
còn đón năm mới nữa chứ đồng chí “lính Trường Sơn”.
Mấy ngày tiếp theo, Ngân thường xuyên nấu cháo cho Đại. Lúc
thì thịt chim, lúc thì gà rừng, lúc thì thịt chồn. Đại ngày càng khỏe thêm, cơn
sốt lùi dần. Mỗi lần bưng cháo lên, Ngân không quên kèm một bông hoa sứ tặng Đại.
Mùi hoa dìu dịu, thoang thoảng thơm làm cho căn phòng ẩm mốc
mùi tranh nứa cũng thanh thoát hơn. Anh vui miệng hỏi:
- Ngân có biết hoa này người ta gọi là hoa gì không?
- Hoa này ở quê em gọi là hoa sứ.
- Ở Lào gọi là hoa Chămpa! Một loài hoa với cả một truyền
thuyết li kỳ!
- Khi nào hết sốt anh kể cho em nghe nhé! Ngân năn nỉ.
- Ừ! Khi nào khỏi bệnh anh sẽ kể cho em nghe truyền thuyết về
hoa Chămpa của Lào. Bông hoa sứ em tặng anh còn có tên khác là hoa sứ cùi hay
còn gọi hoa đại. Thấy Ngân chăm chú lắng nghe, Đại hào hứng:
- Đây là loài hoa gắn liền với đất nước Lào. Hoa sứ có màu sắc
tinh khiết và mùi hương thanh nhã, thơm ngát. Hoa tập trung ở đỉnh, màu đỏ tím.
Không chỉ vậy hương sắc của hoa lan tỏa làm say đắm lòng người. Những đôi trai
gái yêu nhau thường trao tặng nhau, để nói lên tình yêu tha thiết, thủy chung của
mình. Đại ngừng lại rồi cao hứng cất giọng: “Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ
nhà nàng. Hương nồng hoa tình ái, đậm đà đây đó gọi tên”. Ngân ngơ ngác tròn
xoe mắt trước tiếng hát trầm ấm, thầm thì như lời tâm tình của anh. Cô chợt nắm
chặt tay Đại:
- Phải rồi! Từ nay em không gọi là hoa sứ hay hoa Chăm pa nữa.
Em sẽ gọi là hoa đại, một loài hoa tình ái mà lại trùng tên với anh.
Đại tủm tỉm cười:
- Nhưng hoa sứ thường nở vào tháng Tư hay tháng Năm, vậy thì
mùa này lấy đâu ra để tặng anh?
Ngân cười:
- Loài hoa này chắc hiểu lòng em nên nở trái mùa đó anh. Anh
biết không, một hôm, trong lúc san lấp đường, em nhìn thấy một nhành cây sứ nằm
bên vệ đường. Thế là em đưa về trồng ở bờ suối, gần doanh trại. Từng ngày, từng
ngày cây đâm chồi non xanh, lớn dần.
Một hôm, đang ngắm nhìn cây sứ, Ngân thấy Hà từ đâu ùa đến:
- Từ ngày gặp anh Đại đến giờ tao thấy mày làm đỏm ghê, còn xức
cả nước hoa nữa.
- Làm gì có nước hoa, chỉ có mùi mồ hôi thôi.
Rồi bất chợt Ngân chỉ vào bông hoa sứ đang khoe hương sắc
trên cành, reo lên:
- Nước hoa đây rồi. Cậu thấy không mùi thơm lan tỏa, phảng phất
như mùi nước hoa ấy. Ngày Tết Bunpimay Lào, hai người hái hoa về cắm vào lọ,
thưởng thức cái nồng nàn, hương nhã của hoa.
Không hiểu sao năm nay lại có một chùm sứ nở trái mùa vào
tháng Chạp? Như có cơ duyên để cho Ngân đem hương đến với Đại trong những ngày
anh sốt nằm nhà. Chắc ông trời cố ý tơ duyên?
Rồi Tết cũng đến, trước cổng doanh trại được vệ sinh sạch sẽ.
Cây bên đường được chặt tỉa bớt cành trong thật đẹp mắt. Mấy câu khẩu hiệu
“Chúc mừng năm mới” được căng lên khiêm nhường như để vui thêm không khí Tết của
những người lính xa nhà. Đêm Ba mươi Tết, đơn vị tập trung về Hội trường đón
giao thừa. Những tiết mục văn nghệ ca ngợi Tổ quốc, về bộ đội Trường Sơn cứ
ngân nga giữa núi rừng vắng lặng. Giao thừa đến, mọi người quây quần bên chiếc
radio nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết.
Bình thường, giờ này đơn vị đã chìm trong giấc ngủ. Nhưng đêm
nay ai cũng háo hức đón năm mới. Cánh lính trẻ thì chơi Tu-lơ- khơ quẹt nhọ nồi,
lính già thì nhâm nhi trà lá kể chuyện Tết quê, nhắc đến vợ con, người thân. Đại
ghé vào tai Ngân: “Mình ra bờ suối đi”. “Em ngại lắm”. “Không sao đâu, giờ này
không ai để ý đâu!”.
Lát sau, hai người đã ngồi sát nhau bên gốc sứ đại. Mái tóc
Ngân xỏa xuống ngang eo thoảng thơm mùi hoa sứ dịu ngọt. Tim Đại đập rộn ràng.
Bàn tay Đại vụng về nhặt những hòn cuội ném xuống dòng suối. Hai người lặng
yên, chỉ nghe con suối cạn cất tiếng róc rách. Chùm hoa sứ trên đầu hai người đỏ
rực như đôi má thẹn thùng của cô gái khi ngồi bên người yêu. Bất chợt Ngân hỏi:
- Anh! Có biết những ngày qua anh ăn cháo thịt gì không? Một
giây yên lặng. Không chờ câu trả lời, Ngân tiếp: - Đó là cháo thịt giun đất em
đã lén nấu cho anh. Vậy mà hiệu quả thật đó. Giờ anh đã hết sốt, khỏe lại em mừng
lắm.
Đại đưa tay đấm nhẹ lên lưng Ngân:
- Trời ơi! Lâu nay ăn cháo giun đất mà anh không biết. Nếu biết
anh không thể nào nuốt nổi! Nhưng giờ thì nó đã ngấm vào từng tế bào của anh rồi.
Cảm ơn em nhiều lắm. May mà em đã chịu khó nấu cho anh ăn, giờ đây cơn sốt đã cắt,
sức khỏe đã tăng thêm. Mà anh thấy cháo giun đất em nấu cũng ngon đấy chứ!
Ngân im lặng nhìn Đại âu yếm. Dù sao cũng nhờ bát cháo giun đất
mà tình cảm hai người ngày càng gắn bó. Bất chợt, Đại khẽ ôm và hôn lên đôi môi
nóng bỏng của Ngân. Rất lâu, rất lâu… anh mới run run, thầm thì: “Anh yêu em!”.
Sự vắng lặng của núi rừng càng làm cho những cảm xúc của hai
người thêm rạo rực. Đôi môi nồng thắm của Ngân run rẩy. Một cảm giác đê mê lan
tỏa trên thân thể. Ngân cứ để vòng tay Đại nhẹ nhàng bên vòng eo của cô. Cây sứ
lặng yên lắng nghe lời thì thầm của hai trái tim đang loạn nhịp. Và chứng
kiến nụ hôn đầu đời của Đại trao cho Ngân ngọt ngào. Con suối cạn róc rách như
đang đồng lõa với mối tình trong trắng, thầm kín của họ.
Gà rừng cất tiếng gáy le te. Hai người dắt tay nhau về doanh
trại với niềm hạnh phúc lâng lâng chào đón mùa xuân trong mùi hoa sứ thoảng
thơm.
Tin đồn quan hệ bất chính giữa Đại và Ngân trong đêm giao thừa
loang nhanh như ngọn gió độc làm xôn xao cán bộ chiến sĩ từ Tiểu đoàn bộ đến
các Đại đội. Nhiều người tụm năm, tụm ba bàn ra tán vào. Ngân không ăn, không
ngủ. Hà ngày đêm chăm sóc an ủi động viên cô. Ngân tránh mặt không gặp Đại, anh
đi đi lại lại trong phòng, tâm trí cứ để đâu đâu, công việc có phần lơ đễnh.
Ông Tiểu đoàn trưởng đứng lên, ngồi xuống trầm ngâm suy tính.
Đại là một chiến sĩ tích cực được ông tin yêu, tín nhiệm. Nhiệm vụ gì đơn vị
giao cho đều hoàn thành xuất sắc, lại đang là đối tượng Đảng. Ngân là nhân viên
thông tin có năng lực chuyên môn, nhiệt tình công việc, chan hòa với anh em.
Ông tự nói với mình: “Không thể để sự việc này kéo dài mãi thế được. Mà có nên
tin lời đồn đại này không? Phải giải quyết thế nào cho thấu tình, đạt lý”. Từ
khi ông nhận chức đến giờ chưa xảy ra sự việc nào như thế này.
Sáng hôm sau, ông gọi Đại lên phòng:
- Cậu tường trình cho rõ mọi chuyện xem nào. Đại kể hết sự
tình và nói:
- Báo cáo thủ trưởng, chúng em yêu nhau trong sáng.
Ông định đập bàn, mắng: “Quy định của đơn vị không cho phép
trai gái yêu đương trong thời kỳ đang quân ngũ”. Nhưng rồi như kiềm chế cơn
nóng giận, ông nhỏ nhẹ: “Thôi! Cậu cứ bình tĩnh và yên tâm, mọi việc tôi sẽ giải
quyết. Nhớ là động viên cái Ngân kẻo nó suy sụp tinh thần, ảnh hưởng sức khỏe”.
Buổi chiều, Tiểu đoàn bộ triệu tập cuộc họp cốt cán để tìm ra được người tung
tin đồn và để ổn định tình hình đơn vị. Sau khi Tiểu đoàn trưởng trình bày nội
dung cuộc họp, mọi người tham gia tranh luận, cân nhắc. Ông Thừa, trưởng bộ phận
xe máy phát biểu:
- Việc đồng chí Đại và đồng chí Ngân có quan hệ bất chính đã
rõ. Phải làm cho ra nhẽ. Không thể để chiến sĩ muốn làm gì thì làm. Phải có kỷ
luật, kỷ cương để giữ uy tín cho Tiểu đoàn bộ chứ!
- Khi kỷ luật một cá nhân nào đấy phải có cơ sở, có bằng chứng
cụ thể. Vậy đồng chí căn cứ vào đâu mà kết luận hai người có quan hệ bất chính?
Nhìn thẳng vào ông Thừa, Tiểu đoàn trưởng gằn giọng: - Nếu đồng chí không nêu
được bằng chứng cụ thể thì sẽ bị kỷ luật về tội vu khống.
Ông Thừa đỏ mặt, tía tai ấp úng:
- Dạ… là… bữa đó tôi thấy… thấy hai người không về phòng mà
đi xuống suối nên… nên tôi nghĩ là... sẽ có chuyện như vậy…
Thế là đã rõ. Mọi người trong đơn vị đều biết lâu nay ông Thừa
có ý tán tỉnh Ngân. Ông đã có vợ con ở quê nhưng do hai gia đình gán ghép. Hơn
nữa, người vợ già hơn ông đến mấy tuổi lại quê mùa nên ông chán. Biết Ngân yêu
Đại, ông cay cú “hãy đợi đấy!” và muốn làm một điều gì đó. Bây giờ mọi điều đã
vỡ lẽ ông mới thấy sự tung tin của mình là một sự trả đũa vô lý, tồi tệ. Gặp
Ngân, ông muốn một lời xin lỗi hai người.
Ra Giêng, Đại được Tiểu đoàn cử về nước tập huấn lớp tài vụ cấp
Sư đoàn. Ngân được điều về làm thông tin ở đại đội. Đơn vị tổ chức bữa cơm thân
mật chia tay hai người. Đại nắm chặt tay Ngân im lặng, ánh mắt như muốn nói: “Cố
lên em nhé! Hãy đợi anh!”.
Những lá thư đều đặn như chắp cánh cho tình yêu của họ
ngày một thắm thiết hơn. Sau những giờ học tập, Đại có mặt trên sân bóng để
quên đi nỗi nhớ người yêu. Tối đến, ngoài thời gian học bài Đại viết nhật kí,
viết thư cho Ngân. Còn Ngân, ngoài công việc chuyên môn, chiều về chăm bón vườn
rau, ca hát với đồng đội. Đêm, những hình ảnh của Đại cứ hiện về như đang vui
cười với cô. Nụ hôn ngày nào như vẫn còn đó, nồng nàn.
Mùa mưa sắp đến, công trường ngày càng bộn bề. Tình hình sốt
rét của anh em trong đơn vị ngày một tăng. Đại đội tổ chức họp đột xuất cử một
số chiến sĩ đi chốt để phát tuyến. Trước tình hình đó, Đại đội trưởng cho chiến
sĩ lấy tinh thần xung phong. Người đầu tiên giơ tay là Ngân.
- Tinh thần của đồng chí Ngân rất đáng hoan nghênh, nhưng đồng
chí là nhân viên thông tin không thể đi được. Để đồng chí khác. Đại đội trưởng
nói.
- Báo cáo thủ trưởng, không sao đâu. Em cũng sắp ra quân,
công việc thông tin đã có người về thay rồi. Cho em xuống công trường để cùng
“nếm” những vất vả của đồng đội một lần. Ngân khảng khái như bảo vệ ý kiến của
mình.
Biết không thể từ chối được, đại đội nhất trí cho Ngân đi chốt.
Một Trung đội được điều về chốt, phát tuyến. Công việc không vất vả lắm, nhưng
thiếu thốn về vật chất và tinh thần. Một cái lán chia hai phòng, một bên là
nam, một bên là nữ. Sinh hoạt phức tạp, không báo chí, không điện đài. Đêm về
ngắm trăng suông, mấy anh chị em kể chuyện nhà, chuyện người yêu làm Ngân thao
thức nhớ Đại.
Cũng như mọi hôm, trong lúc mọi người xuống suối rửa tay, chuẩn
bị về lán nghỉ ngơi ăn trưa, Ngân nán lại chặt nốt cây le cuối cùng. Mồ hôi chảy
ròng trên má, đậu trên mi mắt cô cay cay. Ngân thấy mệt vì mấy bữa nay khó ngủ.
Cây dao quắm vung cao, mắt Ngân hoa lên. Hình như trong bụi le có một quả bom
bi dứa vàng chóe. Nhưng, không kịp nữa rồi. Lưỡi dao quắm bổ xuống. Cánh bom
xòe ra. Một tiếng nổ khô khốc, chát chúa vang lên.
Khói, bụi đất đá bay mù mịt. Mọi người đứng như chết lặng vài
giây rồi lao về phía cột khói. Ngân gục bên vũng máu. Trải chiếc áo, đưa Ngân
lên đám đất bằng phẳng, mọi người xúm lại băng bó vết thương. Ngân nhìn mọi người,
ánh mắt dại dần, thều thào: “Vĩnh… b...iệt các đồng chí. Cho em gửi lời chào…anh
Đ..ạ..i…!”.
Mấy tháng tập huấn kết thúc, Đại trở về đơn vị. Lòng nôn nao
mong sao xe chạy nhanh hơn để được về quây quần bên đồng đội, được gặp lại người
yêu. Đại cứ hình dung Ngân chạy ào đến, ôm chầm lấy anh trong vòng tay trìu mến.
Rồi anh sụp xuống khi nghe tin như sét đánh bên tai. Đại xin
phép đơn vị về để tang cho Ngân. Anh đến bên cây sứ đỏ ở bờ suối chặt hai
nhánh, một nhánh mang về trồng ở quê, một nhánh sẽ trồng bên mộ của người yêu.
Tay xách chiếc làn đựng mấy bó hương và chiếc hộp đựng
hoa sứ khô, Đại bước chậm rãi trên con đường đến nghĩa địa. Ngọn gió xuân se sẽ
thoảng qua, khiến lòng Đại thêm se sắt nỗi cô đơn. Vậy mà đã mấy chục năm trôi
qua, nay Đại mới có dịp trở lại nơi này.
Con đường hữu nghị Việt Lào đã hoàn thành bàn giao cho nước
bạn. Đơn vị chuyển về nước, Đại xin chuyển ngành trở lại nghề dạy học với bề bộn
lo toan. Nhiều khi những ký ức xưa ùa về, Đại chỉ biết thầm thì với Ngân và tin
cô sẽ hiểu. Thắp nén hương trên ngôi mộ người đồng đội, người yêu, Đại mơ màng,
mông lung. Lời hứa kể về truyền thuyết hoa Chăm pa cho Ngân còn đây. Bên anh,
cây sứ tỏa cành lá sum suê vươn dài như bàn tay ôm ấp che chở cho người dưới mộ.
Đại rải những bông hoa sứ đã phơi khô trên mộ Ngân như đang níu về những kỷ niệm.
Đại biết rằng, mùa này hoa sứ chưa nở nên đưa theo những bông
hoa mà Đại đã phơi từ vườn nhà mấy chục năm nay. Mà lạ lắm, mùi hương dìu dịu,
nồng ấm không chỉ tỏa ra từ những bông hoa sứ khô mà cứ như đang phảng phất đâu
đây trong làn gió xuân.
Đại ngước nhìn lên cành sứ. Kìa! Một bông hoa sứ vừa nở. Ôi!
Hoa sứ trái mùa. Hoa sứ đỏ dịu dàng đang đung đưa khoe sắc trong gió xuân. Đại
thấy rưng rưng đến lạ.
Một thoáng mơ màng, bóng Ngân hiện về trên cành hoa như đang
mỉm cười nhìn anh rồi bỗng chốc hòa vào dòng người đi trẩy hội xuân. Đại đuổi
theo, bóng Ngân cứ xa vời, xa vời. Mùi hương sứ từ bóng dáng mờ ảo của Ngân thoảng
thơm, dịu nhẹ lan tỏa trong gió xuân - hương của tình yêu, hương của hoa sứ nở
trái mùa.
25/9/2021 Nguyễn Đại Duẫn
25/9/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét