Thứ Ba, 12 tháng 4, 2022

Nghệ thuật xây dựng nhân vật anh hùng đa diện trong tiểu thuyết Trên mảnh đất này của Hoàng Văn Bổn

Nghệ thuật xây dựng nhân vật anh hùng
đa diện trong tiểu thuyết Trên mảnh đất này
 của Hoàng Văn Bổn

Theo quan niệm của nhiều nhà văn cách mạng Việt Nam, nhân vật anh hùng phải là mẫu người tốt đẹp toàn diện. Tuy nhiên, ta thấy rằng, phần lớn nhân vật anh hùng trong văn học Đông Tây kim cổ là những con người có cá tính góc cạnh, vừa tốt vừa nhược xấu. Nói chung, họ là những con người mang tính nhân loại phổ quát. Loại nhân vật anh hùng đa diện chiếm số lượng không nhiều trong văn xuôi Việt Nam thời chiến tranh, tuy nhiên, không phải là không có, nhất là trong các tiểu thuyết ra đời giai đoạn 1958-1963. Ta có thể thấy rất rõ những đặc điểm của chúng trong tiểu thuyết Trên mảnh đất này của Hoàng Văn Bổn.
Hoàng Văn Bổn đã đặt các nhân vật anh hùng đa diện của mình vào trong một môi trường rất thích hợp cho họ tự do vùng quẫy. Đó là bối cảnh phức tạp “hỗn quân hỗn quan” của miền Đông Nam Bộ sau khi mặt trận Sài Gòn thất thủ cuối 1945. Phe Pháp có đủ thành phần “Phù-tang, Ăng-lê, Pháp cáo già, lại có cả Ấn Độ Chà-và…” đang ra sức truy đuổi các lực lượng kháng chiến chạy toán loạn. Phe chống Pháp là một đội quân ô hợp bao gồm: đệ Nhất, đệ Nhị, đệ Tam, đệ Tứ sư đoàn, Bình Xuyên, Thanh niên tiền phong, công binh, giải phóng quân liên quận, du kích địa phương...“Các giáo phái, lớp đứng bơ vơ giữa ngã ba đường, lớp quay ra tảo thanh bà con chúng ta, lớp hiềm tị, rình mò để sát hại nhau… Còn bộ đội chúng ta đương còn quá ít, quá yếu… cơ sở địa phương tan rã hàng loạt”. Đó là cái nền hiện thực lịch sử thích hợp để các anh hùng hảo hớn xuất hiện. Và hảo hớn đầu tiên xuất hiện là Tư Cầu Muối với triết lý sặc mùi Nietzsche: “Phải biết “tàn nhẫn cách mạng”... Anh em đồng chí chớ quên điều ấy...Để mất Sài Gòn là bài học đau đớn của chúng ta, tôi không bao giờ quên được! Chúng ta quá nhu nhược (...) Trong cách mạng không có điều đình, không có nước mắt... Đốt hết! Chém hết! Giết hết! Đả đảo nước mắt đàn bà! Bài xích nước mắt ra khỏi lý luận cách mạng! Vạn tuế “tàn nhẫn cách mạng”. Và trong đám quân ô hợp ấy ta còn gặp gã râu dài Mười Vườn Thơm cầm đầu một băng nhóm đánh giặc theo kiểu riêng của mình, không lệ thuộc ai. Cả hai thủ lĩnh ấy đều muốn đánh Tây theo xu hướng chủ nghĩa quốc gia chứ không chịu gò bó vào khuôn khổ khắc khe của chủ nghĩa cộng sản. Chính sự lựa chọn ấy đã tạo ra số phận thăng trầm của họ.
Cái nền hiện thực phức tạp ấy đã tạo ra những con người cơ hội như Út  Nhỏ. Theo sự lý giải của tác giả, tính cách cơ hội của Út Nhỏ còn có phần bắt nguồn từ thành phần tiểu tư sản thành thị. Chàng trai trẻ thông minh này không chấp nhận thân phận của cha mình chỉ biết giữ “cái chân thư ký quèn”, “làm ghế độn cho thiên hạ ngồi”, “chỉ có những kẻ ngu mới an phận, mới chịu khoanh tay, bó chân mặc cho người ta xỏ mũi, dắt đi”. Chàng nuôi giấc mộng “siêu nhân” lãnh đạo thiên hạ bằng cách cố rèn mình thành một người văn võ song toàn để “tìm kiếm con đường công danh rạng rỡ nhất”. Có thể thấy động cơ đi làm cách mạng của Út Nhỏ qua suy nghĩ của anh ta: “Chao ôi, đây mới đúng là hình ảnh một chiến khu, một bưng biền khói lửa! Và đêm nay, cái đêm hùng vĩ, đẹp đẽ này, anh, Út Nhỏ hoàn toàn là một chiến binh ngang tàng anh hằng mơ ước đêm ngày khi còn lang thang, cầu bơ cầu bất khi mới bước chân vào làng đao búa của đất Sài Gòn”. 
Người ta quan niệm rằng một người anh hùng cũng phải có đôi lần lên voi xuống chó. Út Nhỏ cũng có nhiều bước thăng trầm trên con đường chinh chiến. Vốn “cầu bơ cầu bất” trên đất Sài Gòn, gia nhập băng nhóm Tư Cầu Muối leo lên chức phân đội phó. Sau khi bị cách chức, Út Nhỏ bắn vào xác thủ lĩnh để gia nhập nhóm Ba Râu. Được thủ lĩnh mới tin cậy giao chức phân đội trưởng nhưng rồi bất ngờ bị chính trị viên Thuần cách chức xuống còn tiểu đội phó. Đối với Út Nhỏ, mất chức vụ là mất hết tất cả: “Biết bao giờ mới trở lại được địa vị cũ nữa! Chẳng lẽ là người tham gia cách mạng từ những ngày đầu, những ngày đen tối nhất như mình mà đành vác mặt trở về thành trong đội quân chiến thắng với cái chức binh bét này hay sao. Những thằng bạn, những con bạn nó sẽ ỉa lên đầu mình… Chúng nó sẽ coi mình như một thằng lầm đường lạc lối… Ôi chiến khu, ôi, bưng biền! Chỉ cần nghĩ đến đó thôi, Út Nhỏ bỗng thấy quặn đau, mệt mỏi vì thất vọng”. Theo quan niệm Út Nhỏ, đã đi kháng chiến trở về thì phải có chức vụ, cũng như đã đi học thì phải có bằng cấp, đã đi buôn thì phải có lời. Suy nghĩ đó không phải là hiếm trong số những người tham gia cách mạng. Tác giả quan niệm, đối với những “anh hùng tập thể” như Long thì việc cách chức là không quan trọng. Nhưng đối với loại “anh hùng cá nhân” như Út Nhỏ, không trọng dụng là có thể biến người ta thành kẻ thù của mình. Và tác giả đã miêu tả chân thực, sắc sảo sự hoang mang, dao động tư tưởng của Út Nhỏ từ khi bị Thuần bạc đãi. Sự bấp bênh về tư tưởng chính trị là một trong những đặc điểm thường thấy ở loại hình nhân vật đa diện (như Grigori Melekhov).  
Tính cách đa diện của nhân vật Út Nhỏ còn được thể hiện qua quan niệm sống:“Đời là một sự xâu xé lẫn nhau! Muốn sống thì phải tìm đủ mọi cách mà ngoi lên, thậm chí có lúc phải biết rạp lưng mà luồn như một con rắn độc”. Muốn vươn lên thì cần phải có cách đối nhân xử thế  linh hoạt, có thể “rạp lưng” với người này nhưng lại “ưỡn ngực” người kia, càng “rạp lưng” nhiều thì càng có nhiều cơ hội để “ưỡn ngực”. Tính cách phức tạp của Út Nhỏ còn thể hiện ở sự thay đổi hình dạng rất nhiều vẻ. Lúc ở đơn vị Tư Cầu Muối, chí hướng anh hùng không thành nên Út Nhỏ có hình dáng như con hổ đói: “Các bóng đen lêu nghêu của Út Nhỏ như con hổ đói”, “thận trọng như con hổ đói”. Chính thẳng lưng như hổ nên bị thiệt, bởi vậy, Út Nhỏ phải thay đổi hình dạng cong lưng như một con thỏ. Anh ta có đôi tai “giống hệt tai thỏ” và hành vi cũng chẳng khác gì loài thỏ: “Chạy được một đoạn, anh ta giật mình dừng lại, đưa đôi mắt linh lợi quan sát bốn phía, vểnh đôi tai mỏng dính như tai thỏ nghe ngóng”. Và khi cảm thấy an toàn, không ai đe nẹt mình thì Út Nhỏ “áp người sát mặt đất như con rắn mối”. Có khi, Út Nhỏ biến thành bướm, vì có đôi mắt nhấp nháy lia lịa như những cánh bướm “luôn đánh hơi tìm những đóa hoa” (đàn bà, con gái). Khi nào dụ dỗ không được thì Út Nhỏ hóa thành chó sói luôn rình chực xâu xé thể xác họ:“đôi mắt sòng sọc như mắt sói của Út Nhỏ luôn soi mói rình mò cô”. Như vậy, con người Út Nhỏ rất đa dạng phức tạp, có lúc dữ dằn như loài hổ, loài sói, có lúc hiền lành như loài thỏ, rắn mối, loài bướm…Út Nhỏ mang rất nhiều khuôn mặt (đa diện) nhưng những khuôn mặt này không được miêu tả trong một câu mà rải rác ra nằm ẩn hiện chập chờn trong khu rừng từ ngữ bạt ngàn của Trên mảnh đất này. Bởi vậy, đòi hỏi bạn đọc phải có con mắt tinh đời, đọc kỹ từng câu chữ, vì chỉ cần bỏ qua một câu là có thể bỏ qua một gương mặt trong số nhiều gương mặt khác nhau của cùng một nhân vật. 
Người ta quan niệm, có tài thì phải có tật, Út Nhỏ vốn “văn võ song toàn” thông minh linh lợi hơn người như thế hẳn là phải có thói hư tật xấu. Út Nhỏ lao vào việc thực hiện những lý tưởng mà theo anh ta, một nam nhi thời loạn cần phải có như: đâm chém, uống rượu, tán gái… Để đánh giá khách quan thói vô kỷ luật của Út Nhỏ, tác giả mượn lời của ông già lò rèn nói với Ba Râu: “Trong lúc anh em lo đánh giặc thì nó làm gì? Bắt nạt, hăm dọa nhân dân! Vỗ ngực tự xưng “bộ đội Ba Râu” để sung công gà, vịt, rượu, rồi say be bét… Thế chưa vừa lòng hay sao mà còn dùng quyền lực phân đội trưởng ra đe dọa gạ gẫm, làm nhục đàn bà con gái? (…) Đó là hạng người gì?”. Út Nhỏ mang trong mình nhiều tính thú của giống loài, đôi khi phần Con lấn át phần Người. Sau vụ cưỡng hiếp cô Năm không thành, tất cả các thói hư tật xấu của anh ta đều bị mọi người vạch ra, Ba Râu hết tin dùng. Cuối tác phẩm, ta không thấy mặt Út Nhỏ trong đoàn quân tiến về Lạc An để thống nhất lực lượng võ trang toàn Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Chàng chiến binh ngang tàng này đã đào ngũ hay vẫn băn khoăn tiếp tục “đi tìm con đường đánh Tây dễ dàng hơn, tự do tung hoành hơn!” mà không chịu sự lãnh đạo của những đảng viên cộng sản “độc tài” như Thuần? Tác giả không nói rõ Út Nhỏ chọn con đường nào, đi đâu? Gấp cuốn sách lại mà ta vẫn mường tượng khuôn mặt sinh động của Út Nhỏ vẫn còn chập chờn ẩn hiện đâu đó. Tác giả muốn nói rằng, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn phải chung sống với những con người vừa tốt vừa xấu như Út Nhỏ. Nhưng phải nên lưu ý rằng bên cạnh việc tận dụng, phát huy những phẩm chất “thiên thần” thì chúng ta cũng luôn đề phòng tính cách “quỷ dữ” trong con người anh ta có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào. 
Có nhiều loại nhân vật đa diện khác nhau. Ngoài loại anh hùng như Út Nhỏ, còn có một loại anh hùng khác là Ba Râu. Hai nhân vật này được miêu tả song song để bổ sung cho nhau làm nổi rõ quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả. Ba Râu là thủ lĩnh của một đội quân do ông lập nên, tương đương với một đại đội, nhưng lại hoạt động độc lập, giống như “ông tướng con một cõi”. Đó là điều kiện tốt để tính cách tự do cá nhân của Ba Râu phát triển. Nét dị biệt của ông trước hết được thể hiện ở ngoại hình “dữ tợn” bởi có những chùm sẹo rất ấn tượng và biến hóa linh hoạt tùy theo thái độ của chủ nhân: “Đám sẹo đầy ngực, đầy hai cánh tay”,“vết sẹo rung rinh, chập chờn ẩn hiện”,“vết sẹo đánh đeo dưới má trái đã trổ màu xanh chàm, rung rinh như một con vật sống đang gào thét tìm mồi!”… Những chùm sẹo to tướng và dày đặc đó giống như những chùm huy chương ghi nhận lòng dũng cảm và thành tích trận mạc của Ba Râu. Nó được lặp khoảng 20 lần, ở nhiều vị trí và màu sắc, hình dáng khác nhau để khắc sâu diện mạo riêng rất ấn tượng của nhân vật. Tác giả còn dùng thủ pháp so sánh tu từ trong miêu tả ngoại hình Ba Râu để tăng thêm sự sống động. Khác với cách miêu tả Út Nhỏ, tác giả phải ví Ba Râu với những động vật ăn thịt hoặc dũng mãnh. Khi thất thế thì Ba Râu giống như con cầy, con cáo, con chó sói bị thương chui lủi bụi bờ:“như một con sói nằm khoang đơn độc giữa hang đá, thè lưỡi liếm vết thương đẫm máu giữa ngực”. Lúc thắng thế thì dũng mãnh tung hoành “thật giống y như con cọp già”,“đây là một con ngựa bất kham”, “Tính anh hùng cá nhân của Ba Râu nổi dậy như một con ngựa đứt cương”… Việc miêu tả chân dung của nhân vật đa diện rất kỳ công vì nó có sự thay đổi hình dạng qua mỗi thời kỳ, thậm chí trong cùng một lúc, nhân vật vẫn có thể mang nhiều bộ mặt khác nhau. Qua việc phân tích ngoại hình của Út Nhỏ và Ba Râu, ta thấy Hoàng Văn Bổn đã đạt tới kỹ năng tinh xảo và tỏ ra nắm vững khoa “nhân tướng học”.   
Tính cách phức tạp của Ba Râu còn được thể hiện qua cách dùng hai loại ngôn ngữ đối lập nhau. Đối với giặc lúc giận dữ thì Ba Râu sử dụng loại ngôn ngữ tục tằn, thô lỗ của những tay anh chị: “Dẫn cái quân chó đẻ ấy lại đây”, “Giàu hay nghèo?. Ba Râu hỏi (…) Tây mà cũng nghèo à? Đâu có chuyện nói láo ấy?”, “Giết, giết! “Rất tiếc” cái con mẹ mày! Rất tiếc là Ba Râu này không vặn họng chúng mày sớm hơn/ Ba Râu vừa quát tháo, vừa khạc nhổ một cách kinh tởm”. Nếu chỉ gặp Ba Râu một lần trong buổi xử tội bọn Tây thì dễ nhận xét lầm đây là một tay hảo hớn dữ tợn, thô lỗ, thiếu tính người. Nhưng nếu tiếp xúc gần gũi, người ta sẽ nhận ra ông là con người có “tính mềm yếu, dễ xúc động”. Một người nóng nảy ăn nói cộc cằn thế kia mà cũng có được những lời “cảm động một cách sử thi”: “Năm, mình đừng khóc lóc, đừng nhắc lại chuyện xưa, tôi, tôi khổ lắm (…) Nhắc đến bà mẹ già, người Ba Râu như bị ai tóm cả ruột gan mà rứt ra”. Trong khi nhiều nhân vật anh hùng cách mạng khác đi chiến đấu hầu như không bao giờ nhắc đến mẹ cha thì Ba Râu luôn nhớ đến mẹ. Đi đánh giặc mà vẫn có ý định bắt cua gửi về cho mẹ ăn chữa bệnh, như vậy, có sự thống nhất giữa việc làm lớn lao lẫn những việc làm bình thường. Ba Râu cố giữ làng Bình Lăng là để cản bước tiến của giặc bảo vệ nhân dân, cũng đồng thời là giữ cho làng quê của mẹ mình ở phía sau lưng khỏi bị giặc quấy nhiễu. Như vậy vừa có lợi cho nước, vừa có lợi cho nhà, đó là sự thống nhất giữa mục đích chung va mục đích riêng trong động cơ chiến đấu của người anh hùng. 
Hoàng Văn Bổn quan niệm rằng nhân vật đa diện cần có nội tâm quằn quại giống như nhân vật của thể loại bi kịch. Bên cạnh nỗi đau khổ chung của cả dân tộc, Ba Râu còn có những nỗi khổ riêng. Sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị địch dìm trong bể máu, vợ chồng Ba Râu lưu lạc mỗi người mỗi ngả. Năm năm sau, khi mặt trận Sài Gòn tan vỡ, họ gặp lại nhau trên đường rút chạy. Cảnh gặp lại của đôi trai tài gái sắc này được tác giả miêu tả bằng những câu văn đầy cảm xúc và giàu chất thơ: “Nước mắt tuôn trào như cả bầu trời mưa ngâu tháng bảy (…) Chỉ có đôi mắt đỏ ngầu, long lanh như vồ lấy tất cả hình dáng người vợ thân yêu trước mặt mà nuốt lấy”. Đêm đầu tiên hai vợ chồng Ba Râu gặp nhau được miêu tả tỉ mỉ với dung lượng 12 trang và tràn đầy chất thơ. Qua đó, tác giả muốn nói rằng người anh hùng không chỉ biết chém giết mà còn giàu tình yêu thương sâu sắc. Tác giả tô đậm hạnh phúc của họ trong hiện tại để cho bạn đọc có sự xúc động sâu xa trước nỗi đau của họ trong tương lai. Bi kịch đời tư của Ba Râu bắt đầu từ khi Út Nhỏ mách rằng cô Năm đã không còn chung thủy trong những ngày sống trong hàng ngũ bọn Đệ Tam. Tin đó như một cú sét bổ vào đầu Ba Râu khiến cho ông “dữ dội”, “đau đớn, não nề”, “như cái xác không hồn”, “đôi vai đã rã xuống như mái nhà sụp đổ. Ông cảm thấy con người tan rã ra, muốn biến thành nước tất cả”. Ba Râu cũng như mọi người chồng chung thủy khác, cũng rất ghen tuông và ích kỷ trong tình yêu. Càng yêu vợ bao nhiêu thì nội tâm càng quằn quại bấy nhiêu: “Vốn là người trung thành, dễ tin khi đã hoài nghi thì lòng ghen tuông, thất vọng và đau khổ ùn ùn cuốn lên như một cơn bão biển. Ông kêu lên: “Năm ơi, mình giết tôi rồi!”. Lòng ghen tuông của Ba Râu được miêu tả rất sâu sắc khiến ta liên tưởng đến những anh hùng ghen tuông nổi tiếng như Rama, Othello… Trong khi nỗi đau riêng chưa nguôi thì nỗi đau chung ập đến, dân ở xóm “nổi loạn” nghe lời xúi giục của địch mà tuyên chiến với “Đội quân lưu manh Ba Râu” và bắt trói Thuần. Ba Râu đành bỏ vợ đang mê man bất tỉnh mà đi cứu đồng đội, tức là sẵn sàng gác việc riêng mà lo việc chung. Nhưng lòng dạ rối bời, tinh thần bấn loạn, rồi ông bị địch bắt và trốn thoát, chiến khu Bình Lăng chìm trong khói lửa. Ba Râu biết rằng người đời đánh giá ông rất phức tạp: “họ hỏi ông, họ phê phán ông, họ vuốt ve ông và quát vào mặt ông”. Ba Râu vừa chạy vừa vung tay nói với người này người nọ nhưng hóa ra là nói với một mình mình. Bao nhiêu đau khổ chồng chất khiến tâm thần Ba Râu rối loạn, nửa tỉnh nửa điên, nửa bi nửa hài. Đấy cũng là những đặc điểm của con người đa diện. 
Hoàng Văn Bổn quan niệm, con người không phải là thần thánh nên có thể mắc sai lầm khuyết điểm, chính vì có điều đó mà nhân vật mới chân thực. Sai lầm thứ nhất của Ba Râu là việc tin dùng Út Nhỏ bất chấp lời khuyên của Thuần. Sai lầm thứ hai là việc cách chức Long vì cho anh này đã hèn nhát rút lui. Nhưng trong thời gian ở tù, chứng kiến lòng dũng cảm của Long, Ba Râu mới “vừa quằn quại, vừa xét lại những ý nghĩ của mình”. Chính vì luôn dằn vặt về những sai lầm của mình mà nhân vật mang tính nhân loại phổ quát và thuyết phục được bạn đọc. Những sai lầm của ông bắt nguồn từ tính nóng nảy, độc đoán, quyết tâm đánh giặc không chịu lùi. Nhưng khi thấy đồng đội chết và bị thương thì Ba Râu lại dằn vặt về cách thức đánh trận của mình: “Các anh chết, có lẽ cũng tại tôi một phần”. Ba Râu “cảm thấy ân hận, mềm yếu lạ lùng” trước cái chết của năm chiến sĩ: “lòng ông đau quặn lại như ai cầm con dao bằng tre cứa đi cứa lại”. Trong văn học cách mạng Việt Nam thời chiến tranh, không có nhân vật nào tự thừa nhận sai lầm của mình như vậy. Sự đau đớn dằn vặt đã làm cho nhân vật Ba Râu trở nên cao thượng hơn hẳn các anh hùng khác. Trong khi nhiều nhà văn rất ngại miêu tả cái bi của người anh hùng thì Hoàng Văn Bổn lại khai thác nhiều yếu tố bi trong nội tâm của nhân vật Ba Râu. Nhờ có cái bi mà người anh hùng mới có tính nhân văn cao cả chứ không phải là một thứ người máy chỉ biết đâm chém một cách mù quáng. Cái bi của Ba Râu còn xuất phát từ nhãn quan hẹp của một nông dân. Trong khi các anh hùng cách mạng khác dẫu dốt cũng ngậm tăm để khoe mình là tầng lớp tiên tiến, thì nông dân Ba Râu không ngại ngần thừa nhận: “Mình dốt không hiểu gì hết! Trời ơi! Buồn quá!”. Chính sự thật thà chất phác đã làm tăng tính chân thực của hình tượng. Và nhờ có nhận thức được điểm yếu của mình mà Ba Râu mới sửa chữa để tiến bộ, những khuyết điểm cứ ngày càng rơi rụng dần để xích lại gần mẫu người anh hùng lý tưởng.
Bi kịch trong con người Ba Râu có khi là bi kịch cá nhân nhưng cũng có khi phản ánh bi kịch lịch sử. Sai lầm của Ba Râu cũng là sai lầm chung của nhiều người, chủ trương cố thủ của ông được nhiều đồng đội và nhân dân ủng hộ. Tác phẩm không chỉ có xung đột đối kháng giữa địch và ta mà còn có xung đột không đối kháng trong nội bộ liên quan tới vấn đề rút lui hay cố thủ. Có khi Ba Râu rút súng toan bắn chính trị viên Thuần vì anh này chủ trương rút khỏi thành Biên Hòa. Ba Râu “nổi giận đùng đùng”, “sắp xông đến móc họng chính trị viên Thuần”. Nhưng rồi nể phục những lời nói thẳng thắn “ruột để ngoài da” của người anh hùng mà ông nhận làm anh nuôi, nên Ba Râu ân hận, chua xót, cay đắng. Và trong cơn xúc động tột cùng, Ba Râu có hành động kỳ quặc không thể tưởng tượng nổi: ôm chặt lấy Thuần, đưa miệng mình “áp môi vào mút mít từng giọt máu đỏ” trên vết thương người mà mình đã từng định giết. Nhân vật đa diện có tính cách thất thường, rất khó đoán định, lúc giận dữ thì như hổ đói gặp người, lúc yêu thương thì như tình cảm của người mẹ đối với con thơ. Tính cách Ba Râu có sự biến chuyển qua từng giai đoạn. Chủ trương không rút lui của ông “bắt đầu rạn nứt, lung lay” từ khi bị tù. Sự thay đổi chiến thuật diễn ra khó khăn, chậm chạp có quá trình hợp lý chứ không đột biến nên không gây cảm giác giả tạo. Qua đó, ta thấy tính cách của Ba Râu không ngưng đọng, bất biến mà có sự trôi chảy, đổi thay cho phù hợp với nhận thức nhân vật trong mỗi giai đoạn lịch sử. Đó là một tính cách sinh động. 
Ở trên, ta đã nhấn mạnh những nét riêng độc đáo của Ba Râu  nhưng còn có một điều đáng lưu ý là, tác giả không miêu tả Ba Râu như con người dị lập, tách khỏi quần chúng kiểu như “Con đại bàng nằm trong hốc đá” của Nietzsche. Mà Ba Râu là con người thuộc về quần chúng, sẵn sàng hy sinh vì hạnh phúc nhân dân. Ông xuất thân từ dân lao động nghèo khổ nên thương người nghèo, ghét người giàu, bởi vậy Ba Râu gần gũi với những anh hùng lý tưởng của giai cấp vô sản. Tinh thần tập thể của Ba Râu còn được thể hiện ở tính kỷ luật nghiêm minh và tình yêu thương đồng đội vô hạn. “Anh em bị thương, đau ốm đói rách thì Ba Râu sẽ ôm họ mà khóc, ba chân bốn cẳng chạy thuốc cho họ, chia sẻ mất mát cùng họ”. Ba Râu cũng là một cán bộ cách mạng gương mẫu, biết đặt lợi ích tập thể lên lợi ích cá nhân, dũng cảm đi đầu trong mọi nguy hiểm khó khăn: “Chỉ huy chúng mình, đừng bao giờ nghĩ riêng cho mình. Tấn công, phải chạy đằng trước. Rút lui, dù có ăn một trăm viên đạn, cũng cứ bình tĩnh chạy đàng sau anh em”. Ba Râu cũng là người dũng cảm nhất trong những anh hùng dũng cảm, đánh giặc bằng gươm, tả xung hữu đột, “xuất quỷ nhập thần”. Lý tưởng chiến đấu cao cả: “quyết chiến đấu vì Tổ quốc đến giọt máu cuối cùng”. Ba Râu rất coi trọng danh dự của Tổ quốc, đơn vị và cá nhân. Như vậy, Ba Râu cũng mang trong mình những nét chung khái quát của mẫu anh hùng lý tưởng của thời đại cách mạng vô sản. Tuy nhiên, loại anh hùng này mặc dù “tập trung những nét điển hình của toàn dân, mà vẫn không mất vẻ độc đáo cá nhân” (N.A. Gulaiev) [48]. Ba Râu điển hình cho loại nhân vật anh hùng đa diện và là một trong những anh hùng được miêu tả sinh động nhất trong văn học Việt Nam. Có thể xem Ba Râu là một Taras Bulba của Việt Nam.  
Tác giả đặt Út Nhỏ trong sự đối sánh với Ba Râu là để làm sáng tỏ các phẩm chất của Ba Râu. Hai anh hùng này cùng loại hình nhân vật đa diện nhưng là hai kiểu đối lập nhau của cùng một loại hình. Mỗi nhân vật trong tác phẩm thể hiện một quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả và đại diện cho những thành phần khác nhau trong lực lượng buổi đầu kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Hảo hớn Mười Vườn Thơm cùng các chiến sĩ của mình phải đơn thương độc mã đánh Pháp khá lận đận rồi mới “chịu “nộp mình” dưới ngọn cờ lãnh đạo thống nhất của Đảng cộng sản Đông Dương”, tức là đã theo đúng xu thế tất yếu của lịch sử Việt Nam. Hảo hớn Tư Cầu Muối tuy đánh Pháp rất dũng cảm nhưng không chịu theo xu thế chung bấy giờ nên đã bị lịch sử đào thải. Cấp phó của y là Út Nhỏ sống trong tình trạng nửa dơi nửa chuột lăng xăng tìm chỗ đứng trong kháng chiến nhưng rút cục không bên nào trọng dụng. Tác giả muốn nói rằng, loại anh hùng tiểu tư sản như Út Nhỏ đã lỗi thời và nên cáo lui để nhường vai trò lãnh đạo cho giai cấp công - nông. Nhưng do tầm nhìn của thủ lĩnh nông dân Ba Râu còn hạn chế nên cần phải có một lực lượng tiên tiến vạch hướng đi. Thuần xuất thân từ giai cấp công nhân sẽ đóng vai trò một chính trị viên dẫn đường cho Ba Râu đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa cộng sản. Thuần là mẫu người anh hùng lý tưởng của thời đại cách mạng vô sản có chức năng thu phục nhân tâm, nêu gương sáng cho mọi người noi theo. Trải qua một quá trình đấu tranh nội bộ căng thẳng, cuối cùng Ba Râu và nhiều chiến sĩ khác đã chuyển hướng từ chủ nghĩa quốc gia sang chủ nghĩa cộng sản. Từ một đơn vị nhỏ cô lập với “cách đánh giặc cổ truyền”, đội quân Ba Râu đã chịu thống nhất với các đơn vị khác tạo thành một đội quân hùng hậu với lối đánh giặc chính quy hiện đại. Điều đó cho thấy sự lớn mạnh của quân đội cách mạng và sự trưởng thành đi lên của dân tộc. Hoàng Văn Bổn quan niệm “Mỗi số phận chứa một phần lịch sử” (Evtusenko) nên ông đã dùng các nhân vật của mình để phản ánh các dòng chảy khác nhau của lịch sử. Đó là sự miêu tả “con người trong sự vận động của lịch sử và sự vận động của lịch sử trong con người” (Iu.Bondarev) [124]. 
Có thể nói, Ba Râu và Út Nhỏ tiêu biểu cho các tính cách khác nhau trong loại hình nhân vật đa diện và đây là hai anh hùng đa diện được miêu tả sinh động bậc nhất trong tiểu thuyết Việt Nam thời chiến tranh. Qua các nhân vật của Trên mảnh đất này, Hoàng Văn Bổn gửi gắm vô số vấn đề triết lý nhân sinh. Có thể xem đây là một cuốn triết học lịch sử được viết bằng nghệ thuật ngôn từ.
2/10/2008
Phạm Ngọc Hiền
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ngày vui XXXXX

Những ngày vui Thế sự thăng trầm I. Lần thứ ba, ô tô tắt máy. Ngạc làu nhàu nguyền rủa, mở mạnh cửa xe nhảy xuống đường. Ba người ngồi...