Ngày nay cọp cũng như nhiều loài động vật hoang dã khác như
voi, bò tót, tê giác.. đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Những
loài vật này đã bị săn bắt và môi trường sống của chúng càng ngày càng bị thâu
hẹp bởi con người. Sự đa dạng sinh học giảm dần mỗi năm và di sản thiên nhiên
Việt Nam bị mất dần. Ý thức bảo vệ di sản và giá trị vô giá mà thiên
nhiên đóng góp vào môi trường sống cho xã hội đã không được đánh giá đúng mức
trong một xã hội mà người dân chỉ xem trọng phát triển kinh tế là chính.
Đầu xuân đánh dấu sự khởi đầu của một thập kỷ mới, tôi xin được
nhắc lại vài câu chuyện nhỏ về cọp ở Việt Nam trong quá khứ không xa
lắm để thấy rằng xã hội chúng ta đã thay đổi nhanh chóng thế nào.
Mỹ Sơn 1903:
Cuối năm 1902, Tổng thư ký trong phủ toàn quyền Đông Dương
ban hành một sắc lệnh "với một số tiền 1500 đồng, giao cho ông Henri
Parmentier, người có trách nhiệm dùng số tiền trên đúng vào mục đích khai quật
khảo cổ di tích Mỹ Sơn ở Trung Việt Nam" (1). Mỹ Sơn lúc đầu thế kỷ 20 vẫn
còn là rừng rậm bao phủ toàn bộ di tích Chàm Mỹ Sơn. Di tích này đã bị quên
lãng không ai biết sau bao thế kỷ đến khi được khám phá bởi một nhóm lính Pháp
do M. Paris chỉ huy ở một thung lũng thuộc thượng nguồn sông Thu Bồn vào năm
1898.
Ngày 11 tháng 3 1903, Henri Parmentier và Charles Capeaux đến
Mỹ Sơn trong điều kiện khó khăn, không đường xá, phương tiện là dùng ngựa và phải
đi bộ nhiều đoạn cùng với các công nhân và các dân địa phương trong vùng được
Parmentier mướn để phá rừng, khuân vác, khiêng các gạch đổ nát... Sau khi nhà tạm
bằng gỗ được xây để Parmentier và Capeaux cư ngụ trong thời gian nghiên cứu,
khai quật và thống kê tất cả các di tích. Trước tiên một “Canga” (cái nhà) được
xây trước bằng gỗ cùng với chổ ở của công nhân. Tất cả được bảo vệ chung quanh
bởi một hàng rào “4 mét cao để bảo vệ chúng tôi khỏi bị “On’ Cop”(ông cọp) tấn
công” (nhật ký Capeaux).
Công việc rất vất vã và khổ cực và kéo dài đến gần một năm từ
tháng 3 1903 đến 3/2/1904 khi Parmentier tạm thỏa mãn coi như là đã hoàn tất
công tác khảo cổ, thống kê, vẽ họa đồ các tháp, phù điêu, ghi chú các bia ký...
khu Mỹ Sơn. Sau đó công trình của ông được xuất bản năm 1909 với tựa đề “Inventaire
des monuments Cam de l’Annam” mà cho đến ngày nay vẫn là sách tham khảo
quan trọng và chuẩn hàng đầu của các nhà nghiên cứu về văn minh Chăm.
Ngày 18/6/1903, Capeaux ghi lại trong nhật ký của ông như
sau: “người trông coi đất của chúng tôi bị con cọp ăn mất tối hôm qua, vào lúc
7 giờ rưỡi, trong một rừng cau nhỏ mà chúng tôi dùng để làm khu chuồng ngựa.
Nghe tiếng động ở trong rừng, ông ta tưởng là do một con trâu đi lạc, nhưng gặp
phải một con cọp nhảy tời vồ ông ở cổ họng và lôi ông ấy đi”.
Với điều kiện sống khó khăn và nhiều người rất sợ hãi cọp, đã
có một số bỏ đi và ngay cả ông Capeaux có dịp là ông đi về Đà Nẵng nghĩ dưỡng
(hay lấy cớ là về lấy tiền thêm để trả lương công nhân). Chỉ có Henri
Parmentier là thích ứng trong hoàn cảnh khó khăn cô độc ở xa và bám trụ đến sau
cùng ngay cả vào những ngày Giáng sinh, tết khi mọi người cộng sự đi hết,
ông vẫn miệt mài cắm cúi viết và vẽ chi tiết từng tháp, bia ký.. quên cả cọp dữ
chung quanh.
Mỹ Sơn ngày nay là Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công
nhận vào năm 1999 và là một địa điểm du lịch sau khi được trùng tu sau chiến tranh
trong thập niên 1980 và mới đây. Hổ không còn trong và ngoài khu vực Mỹ Sơn
nhưng một số bom đạn chưa nổ vẫn còn ở ngoài khu vực tham quan quần thể.
Saigon, Bà Rịa, Vũng Tàu :
Không chỉ trên các tỉnh Tây Nguyên và vùng núi dọc các tỉnh
ven biển miền trung, trong các thế kỷ trước cả miền Nam từ Đồng Nai, Bà Rịa xuống
đồng bằng sông Cửu Long đến Cà Mau vẫn còn cọp, cá sấu và các loài thú lớn
hoang dã . Lưu dân đến lập nghiệp phải đối diện với những hiểm nguy khi tranh
dành môi trường sống. Trong các thú, người dân rất sợ và kính nể “ông cọp”.
Ngày nay vẫn còn các đền thờ “ông cọp” ở nhiều tỉnh, làng quê miền Nam với
hình ông cọp ngay trước đền
Ngay tại Saigon cọp đã làm khiếp đảm dân tình. Đọc
các sách cũ và hình ảnh xưa ở Saigon, ta thấy là ngay cả khi người Pháp phát
triển khu Bến Nghé-Saigon thì vùng giữa Saigon và Chợ Lớn vẫn còn là
cánh đồng, và rừng thưa. Con đường Trần Hưng Đạo ngày nay sầm uất nhưng thưở bấy
giờ còn hoang vắng và thưa dân, tối đến thì không đèn hoang vu như đồng quê.
Sách Đại Nam Nhất thống chí cò kể về chuyện hai nhà sư Hông
Ân và Trí Năng đánh cọp ở vùng chợ Tân Kiểng năm 1770 . Một hôm có một
con hổ dữ “đi lạc” vào nhà dân kêu gào dữ tợn. Đồn dinh phái binh lính đến vây
bắt, nhưng hổ dữ không ai dám xúc phạm đến. Qua ngày thứ ba có “nhà sư vân du
là Hồng Ân cùng đồ đệ là Trí Năng xin vào bắt hổ cho dân”. Hồng Ân bị hổ vồ chết.
Trí Năng tiếp viện đánh trúng đầu hổ chết. Người tại chợ cho Ân là có nghĩa
khí, đem an táng tại chỗ đấy, rồi xây tháp. Nay tháp không còn nhưng còn bài vị
“Cậu Ân” thờ trong đình Tân Kiểng.
Vùng Chợ Quán vẫn còn lưu truyền câu chuyện tương tự này mà
các cụ già sống vùng vẫn còn nhớ kể về một nhà sư đánh cọp. Con cọp này bên kia
kinh Tàu Hủ từ phía rừng Sát hay lội qua đình Tân Kiển phá phách, có lần gặp phải
nhà sư có tên là Trí Năng, Sư Trí Năng đánh nhau với cọp và đá cọp chết.
Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cũng có nói về cọp
ở vùng đất Gia Định “chỗ ấy còn nhiều rừng rậm, mãnh hổ thường hay bắt người,
nên có câu “dữ như cọp Vườn Trầu”.
Gần Vũng Tàu về hướng Bà Rịa có một địa danh gọi là Eo Ông Từ.
Vùng này thuở trước cọp từ rừng về rất nhiều từng bày, chúng không sợ người về
các xóm làng để bắt trâu bò, heo, chó ... và cả người. Tại đây có ông Lê Văn Từ
võ nghệ cao cường, ông chống lại cọp và cứu được nhiều người. Trong số các con
cọp đó có một con cọp dữ và giữa con cọp và ông Từ đã xãy ra mối thù. Cuối cùng
ông Từ bị cọp hạ nhưng xác được dân chúng đem về chôn. Cọp không quên mối thù
nên tối đến về định đào mã moi xác ông lên nhưng bị dân làng phục sẳn đánh đuổi
cọp chạy vào rừng. Vì cảm đức ông, nên người dân địa phương đã gọi khúc rừng
nơi ông Từ đánh cọp là ‘Eo Ông Từ‘. Địa danh này ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tới nay
vẫn còn.
Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà mau:
Tỉnh Sóc Trăng gần cửa sông Hậu, có Cù lao Dung xưa còn gọi
là cù lao Ông Hổ. Nơi đây xưa kia có nhiều hổ, chúng sống nhiều ở trong vùng
trong các khu rừng rậm rạp gần sông nước như ở các vùng miệt trên như Vĩnh
Long, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang
Chúng sinh sống đến tận miệt rừng U Minh thuộc tỉnh Cà Mau. Nổi
sợ của dân gian về vùng đất mới này được thể hiện trong ca dao
Cà Mau khỉ khọt trên cây,
Dưới sông cá lội, trên giồng cọp đua.
“Cọp Cà Mau không dữ tợn như ở miệt núi cao, rừng rậm. Nhiều
khi đi rừng ăn ong, đốn đuôn hay đốn lá, róc lạt hoặc đốn cây, nếu rủi gặp cọp
thì nạt lớn vài tiếng vang dội, cọp hoảng sợ cong đuôi chạy mất. Nhưng đôi khi
đói quá cọp cũng vào tận xóm bắt heo và bắt người ăn thịt. Một lần bắt heo của
thím Khiều, hai lần bắt cháu ông giáo Hậu và ông thân bác hương hào Gố. Vì vậy
tại vùng Cà Mau, không ai dám gọi là “con” mà gọi “ông Thầy”, “ông
Hổ”, hoặc “hia Cọp”, “khái”, hoặc “Hương quản”. Đình nào,
miếu nào cũng có thờ cọp, gọi là miếu ông Hổ. Còn ngay trước sân đình
xây một miếng tường bề cao lối 2 thước, có đắp nổi hình con cọp to, vằn vện thấy
rõ”. “...cọp nhiều nhất ở Cái Bát, Trèm Trẹm và Năm Căn. Có người thuật lại rằng
tại Cái bát, một chị vì con khóc lúc ban đêm, dỗ không nín, bèn bồng lại sát
vách lá, nơi có lỗ trống dưới chân giường, đưa chân ra ngoài lỗ vách rồi rủa “cọp
mà bắt mày”. Rủi cho đứa bé, lúc ấy một con cọp rình ở ngoài từ hồi nào, thò
chân vô chụp đứa bé tha đi mất. Từ đó về sau, xóm này không ai dám rủa “cọp bắt
mày” hay “cọp vật mày” nữa”. (2)
Ngày nay thì cọp đã tuyệt chủng không còn ở khắp các tỉnh Nam bộ.
Các tỉnh miền Trung chỉ còn lác đác vài con ở rừng núi giáp Trường Sơn và Tây
nguyên ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Các tỉnh Kontum, DakLak ở khu vực
rừng giáp Cam Bốt, Lào cũng còn rất ít.
Gần đây năm 2008 người dân các xã Đăk Blô, Đăk Man (huyện Đăk
Glei - Kon Tum) sống trong hoảng loạn vì cọp dữ kéo về làng. Nhiều trâu bò của
đồng bào Giẻ Triêng nơi đây bị cọp đột nhập, tha vào rừng ăn thịt. Người dân phải
theo lối đi vòng để tránh đầu ngọn gió, vì sợ cọp ở thung lũng bắt được mùi.
Ban đêm không ai dám ra đường. Trẻ con không được khóc to... Cọp đi lại trong
vùng núi Piêng Oi gần núi Ngọc Lĩnh vùng hẻo lánh nhất của tỉnh Kontum (3).
Hành khách đi xe trên đường Hồ Chí Minh ngang đây thi thoảng giật mình vì tiếng
cọp gầm rung động một vạt rừng bên cạnh...
Kiểm lâm huyện Đăk Glei đã thông báo “Không được ai với bất cứ
lý do nào tổ chức đánh bắt, sát hại cọp - một trong những động vật quý hiếm đã
được Nhà nước đưa vào sách đỏ. Hơn nữa, rừng là nơi sinh sống của muông thú chứ
có quy định cho người dân thả rông trâu bò đâu. Nếu thực sự có việc cọp ăn thịt
trâu bò, bà con nên chăn nhốt tại nhà là chắc ăn nhất” (3).
Con người càng ngày càng dấn lần đến các khu sinh sống của
các loài động vật hoang dã. Dĩ nhiên sự chạm trán giữa các loài voi, hổ với con
người đã phải xảy ra như ta đã biết ở nhiều nơi từ Việt Nam, Cam Bốt, Sri
Lanka, Ấn Độ đến Miến Điện. Nhưng lúc nào chúng cũng bị tiêu diệt hay phải bị dời
đi chổ khác. Vấn đề quản lý môi trường sống và bảo vệ đa dạng sinh học
không phải chỉ là trách nhiệm của chính phủ của một nước mà của cả xã hội mà
trong đó người dân và các tổ chức dân sư có vai trò quan trọng. Vì thế sự tham
dự của họ là thiết yếu trong sự bảo tồn di sản thiên nhiên và tránh sự chạm trán
gây thương vong giữa con người và động vật hoang dã./.
Tham khảo
(1) Pierre Baptiste, The archaeology of ancient Champa:
The French excavations, in "Champa and the archeaology of My Son
(Vietnam)", Ed. Andrew Hardy, Mauro Cucarzi, Patrizia
Zolese, NUS Press, 2009, p.14-25
(2) Nghê Văn Lương, Huỳnh Minh, Cà Mau xưa.- Nxb Thanh
niên, 2003, tr 107-108.
(3) Sông Lam - Ngọc Vương, Nguy cơ bị... cọp tấn công,
http://suckhoedoisong.vn/200853095347313p0c61/nguy-co-bi-cop-tan-cong.htm
12/2/2010
Nguyễn Đức Hiệp
Theo https://vanchuongviet.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét