Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

Sài Gòn đầu thế kỷ 20 đến 1945: Việt Nam thức tỉnh

Sài Gòn đầu thế kỷ 20
đến 1945: Việt Nam thức tỉnh

Sống mà vô dụng, sống làm chi
Sống chẳng lương tâm, sống ích gì?
Nguyễn An Ninh 
Người Pháp đến Việt Nam có đủ loại thành phần xã hội, từ nhiều địa phương khác nhau: công chức, trí thức, di dân lập nghiệp, đồn điền, nông trại, buôn bán… Những người hiểu biết, trí thức thì ít (như T. Holbé, E. Huber, L. Finot, J. Janneau, Aymonier, Malleret, Cadière, Landes, Yersin, Monin...) nhưng đa số đông đảo hơn cả là giới di dân lập nghiệp, buôn bán, quân nhân, tư bản thuộc đủ mọi thành phần giai cấp, chính kiến (bảo hoàng, cộng hòa), tôn giáo (công giáo, tin lành), chủng tộc (Pháp, Corse, Phi thuộc Pháp). Người Corse thường bị người Pháp coi là quê, ít học thức chưa thấm nhuần văn minh Pháp, đến Sài Gòn khá đông. Vì thế sự phản ứng của họ qua các đòi hỏi nguyện vọng của người Việt là chống đối và muốn giữ đặc quyền và qua đó chính quyền Nam Kỳ hầu như đều áp dụng chính sách đàn áp là một sự sai lầm to lớn của người Pháp ở Nam Kỳ nói riêng và Đông Dương nói chung. Họ đi ngược trào lưu giải thuộc địa nhất là trong giai đoạn giữa thế kỷ 20 và để lại hệ quả nhiều đổ máu và đấu tranh ý thức hệ lâu dài ở Việt Nam.
Như đã nói ngoài số ít những công chức, luật sư, bác sĩ hay trí thức nghiên cứu, chúng ta có thể thấy thành phần đa số những người Pháp đi qua Nam Kỳ nói riêng và Đông Dương nói chung qua sự nhận xét của ông Raoul Postel vào những năm của thập niên 1880 khi ông đến Sài Gòn làm việc như sau (14): 
«Thế thì "xã hội người Âu" ở Sài Gòn là gì? Câu trả lời của chúng tôi sẽ hàm chứa một vài vùng tối.
Trước hết phải hiểu giới người Âu ở Sài Gòn, hầu như ít có ngoại lệ, gồm người đủ mọi nước và đủ hạng người, họ cố gắng làm lại cuộc đời, xây dựng lại sự nghiệp, tìm cách xóa đi những tì vết, tai tiếng trong quá khứ: bạn có thể thấy rõ điều này khi quan sát các động thái, thủ đoạn, những câu chuyện ba hoa, những cử chỉ vồn vã mà họ biểu dương, như để tăng giá trị đối với gia đình hay chủ nợ, đối với cố hương xa vời hay xã hội gần kề. Họ ranh mãnh như hiện thân của sự đồi trụy, khéo léo như tay tổ đạo đức giả, tôi không dám nói của sự sám hối. Họ là lớp bèo bột của mẫu quốc và Châu Âu trôi dạt tới đây. Ngoài trừ một vài trường hợp hiếm hoi có nhân thân đàng hoàng, ba phần tư thương gia đã từng nhiều phen phá sản hay làm ăn lụn bại.
Nếu phải áp dụng luật pháp một cách chi li, thì một nửa trong số họ phải bị trục xuất ra khỏi thuộc địa. Phong hóa của họ cũng thấp kém như mức độ chân thực. Sự vô luân trơ trẽn được phô bày giữa thanh thiên bạch nhật. Tôi không muốn đào sâu vấn đề xem ai đã làm hư ai, người Pháp đã làm cho người Á Châu suy đồi đạo đức, hay chính người châu Á tiếp xúc với người Pháp đã hủ hóa họ nhưng tôi xin cam đoan là chính người Pháp đã làm thoái hóa nòi giống bản xứ, vốn dễ bị vàng bạc tiền tài mê hoặc, nhưng phong tục của họ còn tương đối thuần khiết nơi nào người Pháp chưa thâm nhập hay còn ít thâm nhập. Phải đau lòng chấp nhận sự thật ấy bởi vì gương xấu là do kẻ chiến thắng, kể cả từ cấp cao nhất. Làm sao còn ngạc nhiên khi thấy thuộc địa không tiến lên được. Một nước không có luân thường đạo lý thì tất nhiên rơi vào vòng sa đọa.
Xã hội thuộc địa chỉ học đòi từ chính quốc những cái táo tợn, những thói hư tật xấu; ngoài ra thì nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Người ta không hề vun trồng nghệ thuật, vì biếng nhác hay vì bận bịu: ngược lại thì ở các sòng bạc, mà chính quyền thuộc địa dành độc quyền khai thác, các thương gia bị cháy túi như chơi, còn quân nhân và công chức thì thua bạc, đua nhau mắc nợ».
Những thập kỷ đầu thế của kỷ 20 đánh dấu sự học hỏi và thức tỉnh của con người Việt Nam một thế hệ sau giai đoạn đầu đối diện, điều chỉnh, thích nghi với cú “sốc” đổi thay mạnh mẽ toàn diện khi mà người Pháp đến nơi, tạo lập một môi trường văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế hoàn toàn mới lạ trên mảnh đất Nam Kỳ. Ý thức hệ phong kiến về chính trị và tư tưởng sĩ-nông-công-thương, về xã hội - kinh tế đã bị thách đố và bị sụp đổ hoàn toàn, đầu tiên ở Nam Kỳ và nhiều năm sau ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Các nhà báo, nhà văn hóa, trí thức vào Nam học hỏi, làm việc và từ đấy qua Pháp tìm đường canh tân, đất nước.
Canh tân trước hết là thay đổi tư tưởng sĩ-nông-công thương, ảnh hưởng của Tống nho ngự trị xã hội Việt Nam từ nhiều thế kỷ. Một cuộc đổi đời trong đó sức mạnh kinh tế, năng lực quốc gia là hoàn toàn dựa vào tầng lớp có tinh thần thực dụng, thương mại, công nghệ, sản xuất, mạo hiểm và năng động. Tờ báo quốc ngữ phản ảnh tinh thần mới này là tờ Nông cổ mín đàm xuất bản năm 1901, năm đầu của thế kỷ mới, thế kỷ 20.
Về phương diện bộ mặt phát triển thành phố, Sài Gòn tiếp nối với sự xây dựng các cơ sở theo sự đòi hỏi của người Pháp từ khi họ đến định cư, thiết lập cơ sở thương mại, lập đồn điền, xây dựng xưởng hãng, hay điều hành quản lý guồng máy mới được thiết lập và xây dựng tại Nam Kỳ trong vòng mấy chục năm qua. Nhà hát mới của thành phố được xây vào năm 1900 bởi công ty kiến trúc của Félix Ollivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret, với mặt tiền của nhà hát giống tòa nhà Petit-Palais ở Paris. Ngày 15/1 năm 1910, nhà hát được khánh thành với sự tham dự của hoàng tử Đan Mạch Prince Waldemar.
Sài Gòn 1903 - trích từ hồi ký của Paul Doumer (nguồn:
http://www.flickr.com/photos/13476480@N07/sets/).
Để ý đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho bắt đầu từ bến Francis Garnier (Bạch Đằng) lên trạm chính ở trung tâm rồi đi Mỹ Tho. Chợ Bến Thành lúc này chưa có, đường vào Chợ Lớn chỉ có hai ngả: ngả dọc bờ rạch arroyo chinois (kênh Tàu Hủ) gọi là route basse (đường dưới) và ngã bên trên gọi là route haute (đường trên, nay là Nguyễn Trãi) vì con đường Gallieni (Trần Hưng Đạo) đi qua khu kinh rạch, ruộng của Nhơn Hòa Xã và Tân Hòa Xã đi Chợ Lớn chưa có.
Sau nhiều năm tranh cãi, cuối cùng địa điểm và đề án xây tòa thị sảnh thành phố được Hội đồng quản hạt chấp nhận. Tòa thị sảnh được xây từ năm 1901 đến 1908 trên một vùng đất cao ở cuối đường Charner (Nguyễn Huệ ngày nay), nhìn xuống tận đầu đường ở gần sông Sài Gòn. Tháng 2 năm 1909, đúng 50 năm sau khi Pháp chiếm thành Sài Gòn, tòa thị sảnh thành phố được khánh thành dưới sự hiện diện của toàn quyền Đông Dương.
Ông Jean Bouchot, giám đốc đầu tiên của viện bảo tàng Musée Blanchard de la Brosse (nay là viện bảo tàng lịch sử), trụ sở trong vườn bách thảo, là người đầu tiên để ý đến các tư liệu liên quan đến lịch sử vùng Sài Gòn. Các bài của ông trên Tạp chí của Hội nghiên cứu Đông dương (Bulletin de la Société des études indochinoises) như “La naissance et les premières années de Saïgon” (5) (6) (7) là tư liệu quý về Sài Gòn trong giai đoạn đầu lúc Pháp đến. Ông cũng là người khám phá ra mộ đá tiền sử ở Xuân Lộc, tỉnh Biên Hòa (Đồng Nai).
Bảo tàng Blanchard de la Brosse thành lập vào năm 1929, còn gọi là bảo tàng Hội nghiên cứu Đông dương. Ý định thành lập bảo tàng đã có từ năm 1882 khi Hội đồng quản hạt đồng ý trên nguyên tắc qua đề nghị của giáo sư Milne-Edwards. Hội Nghiên cứu Đông dương lúc này cần có một nơi để lưu trữ tư liệu, hiện vật khảo cổ Khmer, Cham, etc... Trong thời gian từ 1882 đến 1929, bảo tàng tạm thời phải di chuyển ở nhiều nơi, như mướn một nhà (1904) ở 140 đường Pellerin (nay là Pasteur), ở số 16 rue Lagrandière (Lý Tự Trọng) trước khi dời đến địa điểm trong vườn bách thảo (7). Trong số các hội viên của Hội nghiên cứu Đông Dương ở Sài Gòn được nhiều người biết sau này có các ông Aymonier, bác sĩ Mougeot, Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Paulus Của, A. Landes, bác sĩ Dejean de la Batie, Lê Văn Thông, kĩ sư Thévenet, Henri Marchal, Georges Maspero, Nguyễn Văn Của (chủ nhà in Nguyen Van Cua). 
Năm 1906 là năm chùa Đa Kao làm lễ khánh thành. Đây là chùa với kiến trúc đặc thù của người Hoa, ở gần trung tâm thành phố Sài Gòn, thờ Ngọc Hoàng thượng đế, Quan Âm, Thổ địa, Thành hoàng đế, Quan Phu tử, Thiên tướng, Thanh long đại tướng... Chùa do một người Hoa kiều tên là Lưu Minh bỏ tiền ra xây từ năm 1900. Tương truyền là nhờ thần thánh phù hộ, ông đã thoát khỏi Trung quốc sau khi bị kết án chung thân tội giết em của ông và đã thề sẽ trả ơn. Ông xây chùa ở vị trí ngay nơi một cây cổ thụ đã bị xét đánh đổ mà các người trú mưa dưới gốc cây không bị hề hấn gì. Thật sự thì không đúng vậy vì sau đó ông đã đi Trung quốc nhiều lần không hề hấn gì và ông xây để phù hộ công việc làm ăn của ông và ông có lợi ích trong đó. Chùa được xây ở vị trí trước đó là một miếu cổ mà ta vẫn còn thấy một tường dưới gốc cây cổ thụ (8).
Đầu thế kỷ 20, trong các công trình xây dựng có nhà thờ Huyện Sĩ ở góc đường Frère Louis (Nguyễn Trãi ngày nay, Frère Louis Gaubert là người lập ra trường Taberd) và đường Frères Guillerault (Tôn Thất Tùng). Nhà thờ do ông Huyện Sĩ, xây xong vào năm 1905. Ông Huyện Sĩ, tên thật là Lê Phát Đạt (1841-1900), người Sài Gòn sống ở khu Cầu Kho gần đó. Ông Huyện Sĩ theo đạo Ki tô, học latin, quốc ngữ, Pháp ở trường dòng. Thời kỳ Pháp ban đầu đến ở miền Nam, những người có chữ nghĩa như ông được trọng dụng. Ông được cử làm Thông phán ở Tân An. Trong thời gian ở Long An, ông trở nên giàu có qua các đất đai ruộng lúa ông mua lúc Pháp bán các đất đai để phát triển canh tác với giá rất rẻ.
Thời đó ở miền Nam có câu “nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Ông là người giàu nhất trong bốn người giàu ở Sài Gòn và Nam Kỳ. Thứ nhì là Đỗ Hữu Phương, làm tổng đốc. Thứ ba là Lý Tường Quan, người Minh Hương, tục danh là Hộ Xường, và thứ tư là ông Hộ trưởng tên là Định, gọi là Hộ Định. Để nhớ lại vùng mình sinh trưởng trước đây, ông Huyện Sĩ tài trợ xây tại Sài Gòn gần khu Cầu Kho một nhà thờ, nay mang tên ông. Ông mất trước khi nhà thờ được xây xong. Ông cũng là ông ngoại của bà Nam Phương hoàng hậu, vợ của vị vua cuối cùng Việt nam, vua Bảo Đại. 
Chợ Bến Thành, còn gọi là Chợ Mới, được hãng thầu Brossard et Mopin xây vào năm 1912 (tháng 3 1914 thì hoàn tất) ở vùng trũng có đầm nước bị lấp đi gọi là marais Boresse (ao Bồ Rệt), thay thế Chợ Vải trên đường Charner (Nguyễn Huệ). Chợ Vải vì thế được gọi tên là Chợ Cũ, hiện nay vẫn còn, nhưng nhỏ hơn so với trước. Chợ Bến Thành được khai trương tưng bừng trong 3 ngày 28, 29 và 30 tháng 3 năm 1914, với pháo bông, và nhiều người từ lục tỉnh đổ về tham dự (3). 
Ngay tại góc đường Catinat (Đồng Khởi) và Quai de Belgique (bến Bạch Đằng) là khách sạn Majestic, khách sạn sang nhất Đông nam Á đầu thế kỷ 20. Khách sạn Majestic, xây năm 1925 theo kiểu nhà nghỉ vùng Riveria (miền nam Pháp) với kiến trúc baroque, do một người thương gia giàu có người Minh hương gốc Phúc Kiến đầu tư xây dựng: ông Hứa Bổn Hòa (Jean Baptiste Hui Bon Hoa) hay còn gọi với tên thân mật là chú Hỏa. Chú Hỏa, cũng như một người Minh hương gốc Triều Châu giàu có khác cùng thời là Quách Đàm, lập nên sự nghiệp từ lúc hàn vi nghèo khó, có nhiều tiệm cầm đồ và bất động sản ở nhiều nơi trong Sài Gòn - Chợ Lớn và khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Bệnh viện Sài Gòn, Từ Dũ, khu biệt thự đường Lý Thái Tổ (nay là nhà khách chính phủ) là do Hứa Bổn Hòa xây. Biệt thự tư gia gia đình ông ở, trên đường Phó Đức Chính, nay là Viện bảo tàng mỹ thuật thành phố. 
Trên các đường Catinat (Đồng Khởi), Bonard (Lê Lợi), Kinh lấp (Charner, Nguyễn Huệ), rue d’Espagne (Lê Thánh Tôn), MacMahon (Nam Kỳ khởi nghĩa) có các cửa tiệm với dịch vụ mới như xuất bản sách báo, bán sách, vở, thuốc tây, chụp và rửa ảnh, tư vấn luật pháp và văn phòng các công ty bắt đầu thay thế các cửa hàng của người Hoa. Trên đường rue d’Espagne có một nhà in tên là Trần Trọng Cảnh (112 rue d’Espagne), nơi đây cũng là trụ sở của báo L’Ere nouvelle do Cao Hải Đề làm giám đốc, chủ bút là Vũ Đình Dy. Báo xuất bản năm 1926. Trong phần quảng cáo của báo Thời đại mới, ta có thể thấy các cơ sở kinh doanh, kinh tế, dịch vụ của người Việt và Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh (18).
Góc đường Adran (Hồ Tùng Mậu, chợ Cũ)
L’Ere nouvelle (Thời đại mới) là báo của Đảng Lao Động An Nam (Parti travailliste Annamite) do ông Cao Triều Phát sáng lập, Cao Triều Phát sau này là đại biểu quốc hội Việt Nam dân chủ Cộng hòa, cố vấn ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Số 116 đường MacMahon là văn phòng của luật sư Phan Văn Trường, khách sạn Nam Việt khách lầu (Hotel d’Annam) ở số 72-80 đường Kinh lấp (Boulevard Charner) do ông Huỳnh Huệ Ký làm chủ, góc đường Catinat và Bonard là tiệm thuốc tây L. Solirene (18). Số 118 đường Catinat là tiệm bán máy ảnh và rửa phim, Photo Nadal (17) (sau này có để lại các bộ sưu tập hình ảnh xưa vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, xem (4)). Dọc đường Ohier (Tôn Thất Thiệp ngày nay) có rất nhiều tiệm của người Ấn (người Pháp gọi là Chetty, Việt gọi là Chệt) cho vay tiền (17). 
Văn phòng của công ty Bùi Kỳ Luận & Fils ở góc đường Boulevard de la Somme (Hàm Nghi) và Pellerin (Pasteur) chuyên sửa xe hơi, sửa máy in, sửa máy tàu, bắt điện nhà, đóng tàu hơi và tàu khói. Sài Gòn-Auto của ông Tăng Quang Di chuyên bán phụ tùng xe hơi như Citroen, dầu MobilOil… ở 19-21 đường Amiral Roze (Trương Định). Tòa soạn của tờ báo Nữ Giới Chung xuất bản năm 1918 cho phụ nữ nằm ở đường Taberd (Nguyễn Du). Tuần báo nầy còn tên là Fémina Annamite, do bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê (Sương Nguyệt Anh), con gái của cụ Nguyễn Đình Chiểu, làm chủ nhiệm. 
Không xa nơi này là trụ sở báo Nông Cổ Mín Đàm ở số 12 đường rue Cap St Jacques (sau là rue Filippini, ngày nay là đường Nguyễn Trung Trực). Gần trụ sở của báo Nông Cổ Mín Đàm là tòa soạn tờ Đông Pháp thời báo (Le Courrier Indochinois) do ông Diệp Văn Kỳ mua lại của ông Nguyễn Kim Đính năm 1927. Tòa soạn của báo Đông Pháp thời báo nằm ở góc đường Filippini (Nguyễn Trung Trực) và rue d’Espagne (Lê Thánh Tôn). Đông Pháp thời báo ra năm 1923 có khuynh hướng thân chính phủ, nhưng từ khi ông Diệp Văn Kỳ làm chủ, tờ báo trở nên cấp tiến. Trong số những cộng tác viên của báo là các ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, Trần Huy Liệu. Năm 1929, Diệp Văn Kỳ thay tờ Đông Pháp thời báo bằng tờ nhật báo Thần chung. 
Sau hơn 40 năm từ lúc Pháp chiếm Sài Gòn, lúc này chữ quốc ngữ đã được phổ biến ở Nam Kỳ lục tỉnh, rộng rãi nhất là ở các thành phố. Hai tờ báo quốc ngữ có tiếng tăm của người Việt làm chủ bút đầu thế kỷ 20 là tờ Nông cổ mín đàm (1901) và tờ Lục tỉnh tân văn (1907). Lục tỉnh tân văn do Nguyễn Chánh Sắc làm chủ bút, một người vừa giỏi Hán học và Tây học. Tờ Nông cổ mín đàm (chữ Hán nghĩa là "uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn") chủ yếu nói về nông nghiệp và thương mại, phản ảnh Nam Kỳ thời đó (cũng như trước kia và ngày nay) phát triển sung túc là nhờ canh nông (mà gạo là quan trọng nhất) và thương mại. Chủ nhiệm là ông Paul Canavaggio, một thương gia người Pháp, và trong số các chủ bút của tờ báo có ông Gilbert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắc những người giỏi Tây học nhưng cũng rất đậm truyền thống Việt Nam và hiểu Hán học. Nông cổ mín đàm được coi là tờ báo kinh tế đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. 
Người Việt bắt đầu tham gia vào các hoạt động thương mại, kỹ nghệ và nhiều người đã thành công. Phong trào Minh Tân do ông Trần Chánh Chiếu phát động để cải cách tư tưởng, suy nghĩ, canh tân cách sống, văn hóa bắt đầu lan ra nhiều tỉnh. Ông có liên hệ và giúp đỡ phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và Duy Tân của Phan Châu Trinh. Về kinh tế, ông kêu gọi các người Việt từ nhà nông, điền chủ, công chức, mau thức tỉnh, đem tiền của để hùn hạp buôn bán, đầu tư vào các hoạt động thương mại cạnh tranh với người Hoa và Ấn. Trong lãnh vực kinh tế, ngoài các độc quyền của chính phủ các mặt hàng có nguồn lợi thuế lớn, như rượu, thuốc phiện, muối thì các lãnh vực khác đều tự do cạnh tranh. Nhưng trong số những phương thức canh tân giúp người Việt thì phương pháp tẩy chay hàng hóa, dịch vụ người Hoa của phong trào Minh Tân mà có lúc xảy ra nhiều lần đã không có hiệu quả và có hướng tiêu cực không đúng. 
Mục Thương cổ luận trong báo Nông cổ Mín đàm ở trang nhất tuyên chiến với tư tưởng tứ dân (sĩ, nông, công, thương) đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt với lời khẳng định : Sự đại thương là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường, đồng thời hướng dẫn các thương nhân Việt Nam cách giao thương buôn bán và khuyến khích, kêu gọi họ đoàn kết để cạnh tranh với các thương nhân Hoa kiều và Ấn kiều. Trần Chánh Chiếu lập tổ hợp "Minh Tân công nghệ" với Minh Tân khách sạn, hãng xà bông Can Can (con vịt), tiệm "Mộng Tiền Trà" ở Sài Gòn và lập "Duy Tân lữ quán" ở Mỹ Tho (16). Các cơ sở này được dùng để ủng hộ các nhà yêu nước hoạt động, giúp đỡ phong trào Minh Tân, Duy Tân và Đông Du. Tài sản, tài chánh của cá nhân ông, ông đều không ngại đổ vào trong công cuộc canh tân đất nước. Cùng chí hướng với ông trong phong trào Minh Tân là Nguyễn An Khương có khách sạn "Chiêu Nam Lầu" ở trung tâm Sài Gòn, đường Nguyễn Huệ gần chợ Cũ. 
Vì ra mặt ủng hộ và khuyến khích phong trào Đông Du và Duy Tân, ông Gilbert Trần Chánh Chiếu, mặc dầu có quốc tịch Pháp, đã bị theo dõi và cô lập. Sau vụ khởi loạn của Phan Xích Long, năm 1917 ông bị tình nghi có dính líu và bị Pháp quản thúc ở quê nhà Rạch Giá. Lúc này ông đã già yếu, nhân dịp cuộc tranh cử dân biểu đại diện Nam Kỳ vào quốc hội giữa luật sư tiến bộ Monin và quyền thống đốc Nam Kỳ Outrey, ông đã gắng gượng đi bầu cho Monin và trước khi mất đã nói “C’est ma dernière cartouche” (Đây là viên đạn cuối cùng của tôi) (16). Ngày nay trong Chợ Lớn, có chợ Trần Chánh Chiếu mang tên ông.
Đầu thế kỷ 20 cũng xuất hiện nhà in và nhà sách của ông Albert Portail. Nhân viên một hãng in, ông được gởi qua Sài Gòn làm việc vào năm 1905. Không lâu sau đó, ông mua lại một hãng in khác ở Sài Gòn. Hãng in này có một nhà sách trên đường Catinat. Hãng in và các nhà sách của ông ở nhiều nơi đã phát hành và phân phối bán sách trên toàn cõi Đông Dương trong nửa đầu thế kỷ 20. Nhà sách của ông ở Sài Gòn rất lớn, một phần của nhà sách Albert Portail hiện nay là nhà sách Xuân Thu trên đường Đồng Khởi. 
Qua báo chí và sách vở bằng chữ quốc ngữ, tư tưởng và văn học được phổ biến đến quần chúng. Ngoài những thông tin về tiến bộ trong các lãnh vực nông nghiệp, báo Nông cổ mín đàm cũng đăng các truyện sáng tác và dịch, ngay cả các tác phẩm cổ điển của Trung quốc như Tam quốc chí bằng quốc ngữ, được đăng nhiều kỳ hấp dẫn bạn đọc khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Bây giờ không phải chỉ giới học thức sĩ phu mới được có tiếp cận đến thông tin, văn học mà tất cả tầng lớp trong xã hội kể cả giới bình dân. Báo đăng những vở tuồng hát bội cải cách theo tân thời (tiền thân cải lương) như các vở Vì nghĩa quên nhà, Báo nghĩa nổi tiếng của Hồ Biểu Chánh vào năm 1917 (13). Vở kịch tuồng Vì nghĩa quên nhà (soạn cùng với Lê Quang Liêm) sau đó được diễn ở rạp Eden, Sài Gòn, gây ra cuộc tranh luận về hát bội và kịch hát cải cách báo hiệu sự ra đời của cải lương mà ta biết ngày nay. Năm 1920, đoàn Tân Thịnh đã dùng chữ “cải lương” đầu tiên để diễn các vở kịch cải cách này. Theo ông Hứa Hoành thì (11): 
«Truyện Tàu được dịch ra lần đầu tiên ở nước ta từ năm 1904, đó là bộ Tam Quốc Chí, được đăng trên tờ báo Nông Cổ Mín Đàm. Từ đó, nhiều người có kiến thức Hán văn và chữ Quốc ngữ liên tục dịch cho đến năm 1932. Trong số hơn 30 dịch giả thì Trần Phong Sắc là một người dịch nhiều bộ nhứt (gần 20 bộ), gây ảnh hưởng lớn lao cho cả dân chúng Nam Kỳ vào đầu thế kỷ nầy. Ảnh hưởng truyện Tàu đã góp phần hình thành một nhơn sinh quan đặc biệt của người dân miền Nam mà nét luân lý nổi bật qua các câu châm ngôn Trọng nghĩa khinh tài, anh em bè bạn ăn ở với nhau có thủy chung, trước sau không thay đổi. Trong cuộc sống, hễ gặp bất bình thì ra tay can thiệp, cứu giúp : Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả (thấy điều nghĩa không ra tay hành động không phải kẻ anh hùng), hoặc Hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly… (có nghĩa là sự giúp đỡ lẫn nhau khi lâm hoạn nạn, sống chết có nhau khi đã thề làm bạn…)».
Các nhà báo cũng lập ra Hội Ái hữu các nhà báo Nam Kỳ, AJAC (Amicale des Journalistes Annamites de Cochinchine). Hội trưởng là Nguyễn Văn Sâm, chủ nhiệm báo Ðuốc nhà Nam. Trụ sở hội quán AJAC tọa lạc ở góc đường La Grandière (Lý Tự Trọng ngày nay), và Aviateur Garros (Thủ Khoa Huân). Nguyễn Văn Sâm có lúc đã ra tranh cử và đắc cử vào Hội đồng quản hạt, nhưng sau vì AJAC chống Pháp nên bị bắt vào tù trong một thời gian.
Hội khuyến học Nam Kỳ (Société d'Enseignement Mutuel de Cochinchine) tọa lạc ở số 34 đường Aviateur Roland Garros (nay là đường Thủ Khoa Huân). Hội do ông Bùi Quang Chiêu thành lập. Ngoài những buổi nói chuyện về các đề tài kỷ thuật, nông nghiệp, văn hóa… bằng hai thứ tiếng Pháp hay Việt do các diễn giả người Pháp hay người Việt trình bày. Nơi đây ngày 25 tháng 1 năm 1923, người thanh niên yêu nước Nguyễn An Ninh đã có bài nói chuyện nổi tiếng bằng tiếng Pháp với đề tài “Chung đúc một nền học thức cho dân An Nam”.
Nguyễn An Ninh, con cụ Nguyễn An Khương, người trong phong trào Minh Tân canh tân đất nước cùng thời với Gilbert Trần Chánh Chiếu. Nguyễn An Ninh đỗ cử nhân luật ở Pháp, thấm nhuần tư tưởng cộng hòa tự do của cách mạng Pháp. Ông là người đầu tiên dịch quyển Contrat social (Khế ước xã hội) của Jean-Jacques Rousseau. Ông Trần Văn Giàu, người đã từng gặp Nguyễn An Ninh, đã tả ông như sau: “Người anh Ninh, tóc chấm vai, mắt sáng như sao, tiếng trong như chuông” (10). Còn Vương Hồng Sển thì viết (15):
“Theo tôi nhớ, ông Ninh người chắc da, chắc thịt, khá thấp nhưng không đáng gọi lùn, ông có bề ngang, mặt đỏ hồng vì có dư sức khỏe. tóc đen nháy và thật nhiều, ông lăng xê mốt để tóc dài xù xụ khỏi ót và thanh niên đời đó đứa nào có ít nhiều tâm sự như tôi đều bắt chước gọi kiểu phi lô xốp à la mode de Nguyễn An Ninh, cái kiểu hippy như bây giờ đâu phải là mới mẻ. Cặp mắt của ông sáng có sao, đôi lông mày thật rậm. Khi ông nhíu lại, trông người oai phong đầy nghị lực. Thế mà ông hiền như cục bột, miệng luôn luôn tươi cười tha thứ, và ăn nói rất có duyên…”
Các bài nói chuyện sau đó của ông về đề tài thanh niên và đất nước cũng đã thu hút rất nhiều người dân đến nghe. Cũng vì một trong những bài nói chuyện ngày 15 tháng 10 1923 này bằng tiếng Pháp với đề tài Ước vọng của thanh niên An Nam của Nguyễn An Ninh, mà chính quyền Pháp đã để ý đến ông và viên toàn quyền Cognacq đã gọi ông lên gặp và cảnh cáo. Trong buổi gặp mặt và tranh luận giữa hai người trong văn phòng toàn quyền, ông Cognacq đã cắt ngang ông Ninh với lời nói: «II ne faut pas d'intellectuels en ce pays» (“Ở xứ này không cần có trí thức”) và cho biết là Hội khuyến học phải loại ông Ninh ra, nếu không Hội sẽ bị giải tán. Số tiền 3000 đồng (piastres) trợ cấp của chính phủ hàng năm cho Hội bị rút lại và những người tổ chức trong Hội đã mời ông Ninh nói chuyện đều bị khiển trách. 
Không nao núng, không lâu sau, ngày 10/12/1923 Nguyễn An Ninh xuất bản tờ báo La Cloche fêlée (Chuông rè) do Eugène Dejean de la Batie đứng tên làm chủ nhiệm. Chuông rè ra sau tờ Le Courrier Indochinois (Đông Pháp thời báo) chỉ ra trước đó cùng năm vào ngày 2/5/1923 nổi tiếng mà sau này Diệp Văn Kỳ đã mua lại và cuối cùng đổi tên tờ Đông Pháp thời báo thành tờ Thần Chung vào năm 1929. Nhưng tờ La cloche fêlée chịu rất nhiều khó khăn, nhất là ít ai dám chịu in báo của ông. Nguyễn An Ninh hầu như viết bài hoàn toàn cho tờ báo, một mình mang đi in và tự minh đi bán báo ở các đường phố trên Sài Gòn: đường Catinat, Bonard, rue d’Espagne, Pellerin... 
Vương Hồng Sển nói về Nguyễn An Ninh bán báo ở Sài Gòn ở trước nhà hàng tàu Yeng Yeng đầu đường Pellerin (Pasteur ngày nay) ở Chợ Cũ, nơi có bán cơm Tây rẽ mà nhiều người đến ăn (đặc biệt có món bò Chateaubriand nổi tiếng) như sau: 
“Nhưng mỗi tuần vào khoảng tháng hai tháng ba tây năm 1926 cứ mỗi thứ hai và thứ năm lối bảy tám giờ tối không sót ngày nào, ai muốn gặp Ninh cứ lại trước nhà hàng Yeng Yeng thì gặp, không trật bữa nào... Trước khi giáp mặt chị em, tôi thường mua một tờ Chuông Rè để lấy le. Nhưng ông Ninh sau khi bán cho tôi đều đều, lại lầm tưởng, cho tôi đúng là nhà ái quốc có gan, không nữa cũng một tay cừ nào đó có sạn trong đầu. Một đôi khi sau khi nhận của tôi một cắc bạc tiền mua báo, ông chồng báo qua tay trái và chìa tay mặt bắt tay tôi niềm nở như hai bạn tương tri cách mặt lâu ngày. Có mấy lần tôi thẳng thắng kéo tay mời ông vô dùng cơm Yeng Yeng, nhưng ông lắc đầu lia lịa, xổ một dọc tiếng Tây cám ơn không ngớt, và tỏ vẻ cảm động thật tình. Nói cho đúng lúc ấy ai ai đều ngán ông Ninh và không dám giao thiệp công khai, vì sợ liên lụy không nhỏ. Riêng tôi, tôi lại nghĩ lại. Lúc bấy giờ chưa ai biết là nhà ái quốc dám hy sinh tánh mạng như ngày nay đã rõ, lúc ấy ông là người ai cũng e dè không dám lại gần, trừ những người cùng một chủ nghĩa với ông, Việt Tha, Le Jean de la Bâtie, Paul Marchet, vân vân. Còn tôi, tôi vẫn phục ông thật tình...”
Không lâu sau, Nguyễn An Ninh bị bắt sau buổi mít tinh ở vườn Xóm Lách, đường Lanzarotte (Đoàn Công Bửu ngày nay), trước lúc có cuộc “đón tiếp” ông Bùi Quang Chiêu từ Pháp về vào ngày 24/3/1926 tại nhà Rồng. Buổi nói chuyện của ông Nguyễn An Ninh ngày chủ nhật 21/3/1926 tại vườn xoài nhà bà đốc phủ Nguyễn Tấn Tài (cô ruột Nguyễn An Ninh (11)) đường Lanzarotte (nay là đường Đoàn Công Bửu), trong đó có các nhân vật khác tham dự như các ông Phan Văn Trường, Nguyễn Phan Long, Trương Văn Bền, Nguyễn Tấn Văn, Tạ Thu Thâu, đã thu hút hàng ngàn người. Ông Vương Hồng Sển đã tả lại không khí ngày đó như sau (15):
“Tôi đọc tờ truyền đơn rồi, hôm sau tôi vội xách lên dinh thượng thư (nay là trụ sở bộ kinh tế), tìm anh em bạn học cũ, tụi bãi học năm xưa, để rủ đi nghe diễn thuyết. Các anh L.M. Thọ (sau làm đốc phủ chết vì bịnh). T.H. Phục, Nguyễn Chỉ, cả hai lên tới đốc phủ rồi bị ám sát những năm 1945-1946, nhưng anh nào cũng kiếm cớ thối thác, người mắc đi khỏi, người mắc việc nhà, miệng thì hưởng ứng nhưng lòng vẫn mê say đường công danh, muốn trung thành để được điểm son và rất sợ có tên trong sổ bìa đen mật thám mà chậm đường gia quan tấn tước. Không rủ họ được, tôi về rủ anh em cùng chỗ trọ. Tôi chừa ra chú nhỏ Nguyễn Văn Lư, tôi gọi Lư tiên sinh, vì chú còn đi học mình rủ đi nghe việc quốc sự không nên. Một bạn nay đã từ trần là Công, hãng Denis Frères, thì chúa nhựt nào cũng phải đi xem lễ, nên tôi không ép. Lão Dân làm cho báo Trung lập và báo Impartial, thì khỏi mời nó cũng dự vì phận sự là đi lấy tin tức. Còn lại anh Hai Cự thì thứ bảy nào anh cũng trông mãn giờ, trưa về Cây Cui thăm nhà. Anh Cự hứa chắc chắn sẽ trở ra sáng chúa nhựt 21-3-1926 thật sớm để kịp đi với tôi và căn dặn đôi ba lần tôi đừng đì một mình thất vui. Có biết đâu vì giữ lời hứa mà xôi chè đầu hỏng. Nói có vong linh bác Năm Hy, chủ nhà trọ, khi nghe chúng tôi bàn soạn, thì thầm bác hỏi: “Vườn bà đốc phủ Tài ở chỗ nào, tụi bây chỉ cho tao đi với”. Tôi thưa. - Dạ, bác cứ gọi xe kéo trả nó năm cắc bạc, biểu nó chạy lên đường Lanzarotte, chỗ nào có người ta tụ tập đông là chỗ đó đó.
Và như đã nói, xôi chè hỏng bét tôi không dự được buổi diễn thuyết ngày 21-3-1926 nầy. Sáng chúa nhựt ấy, tôi thức thật sớm, xuống ăn điểm tâm nhà hàng Vĩnh Lọt ở gần bên, rồi về nhà ngồi chờ anh Hai Cự. Vả chăng vườn bà đốc phủ Tài ở tới Lanzarotte (đường Đoàn Công Bửu), xóm Lách, còn nhà chúng tôi ở là Chợ Mới Sài Gòn, cái ga xe lửa điển thì ở mé nhà thương đô thành, chỗ bót Lê Văn Ken ngày nay. Đồng hồ đã gõ tám tiếng, rồi tám tiếng rưỡi, tôi sốt ruột ra vô ngóng chờ mà trông hoài không thấy bóng anh Hai Cự. Gần chín giờ sáng, anh Cự lù lù từ ga xe điện bước qua, tôi không đợi anh vô nhà, lật đật kéo anh chạy kiếm hai xe kéo nhờ kéo lẹ lẹ lên đường Lanzarotte. Xe chạy đến đầu đường d’Arfeuilles (Nguyễn Đình Chiểu) thì bị chận lại. Thiên hạ rần rần tuôn về như nước chảy vì cuộc diễn thuyết đã bi giải tán.
Ngoài đường người ta đông nghẹt, lớp thì lính phú lít, lớp lính ma tà xúm nhau hối thúc bộ hành đi cho mau, không được tùng tam tụ ngũ, giùm năm giùm ba, ác nhứt là biện Tây, biện Chà, đứa cầm roi gân bò, đứa thổi tu-hít, roi nghe vùn vụt, tiếng síp-lê hoót hoót nghe muốn són đái. Tôi lấy mắt lườm anh Cự mà không nói lời nào, kéo tay anh cố chen đám đông bước tới. Bỗng gặp anh Nguyễn Văn Lạc Khám Lớn, thấy tôi, anh lôi ngoắc lại mà rằng: “Đừng vô nữa thất công. Đã bị cò bót giải tán tự nãy giờ. Người ta đông quá xá đông, diễn giả nói nhỏ quá không nghe gì được (lúc ấy chưa có máy phóng thanh, cũng chưa biết dùng loa để nói). Đ.M, Tây phách quá, mấy thằng Chà đáng ghét cứ rượt theo dân nào ăn mặc lùi xùi mà đánh chửi hoài”.
Ba ngày sau, ngày 24/3/1926 cũng đáng nhớ trong lịch sử Sài Gòn: cuộc đón tiếp ông Bùi Quang Chiêu và ngày cụ Phan Châu Trinh mất. Bùi Quang Chiêu, người sáng lập Đảng Lập Hiến (Parti Constitutionnaliste), mong có sự cải tổ dân chủ và nới rộng quyền lợi chính trị cho người Việt, theo chủ trương “Pháp-Việt đề huề” lúc đầu được nhiều người tin tưởng đặt kỳ vọng. Tại nhà Rồng đã có những xô xát đánh nhau giữa những người Pháp mang gậy gộc đánh nhóm người Việt đi đón ông. Ngày này cũng là ngày cụ Tây hồ Phan Châu Trinh mất ở Sài Gòn. Báo chí Sài Gòn đăng tin lớn, tập trung về nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Tờ Đông Pháp thời báo đăng nhiều trang về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Đám tang Phan Châu Trinh là cuộc diễn hành vĩ đại nhất mà Sài Gòn chưa từng chứng kiến cho đến giờ: khoảng từ 60 000 đến 100 000 người (lúc đó Sài Gòn có khoảng 300 000 dân) đã tiễn đưa cụ đến nghĩa trang của hội Gò Công tương tế, gần Tân Sơn Nhất (19). Ngày nay, bên cạnh mộ, là nhà lưu niệm Phan Châu Trinh. 
Nhưng người Sài Gòn mến và ái mộ Nguyễn An Ninh hơn hết, một người vì nước không màng danh lợi cho bản thân mình. Bài thơ cuối cùng của ông, tìm được trong túi áo ông khi ông chết trong tù ở Côn đảo năm 1943, gần đúng 43 tuổi đời (9):
Sống và chết 
Sống mà vô dụng, sống làm chi
Sống chẳng lương tâm, sống ích gì?
Sống trái đạo người, người thêm tủi
Sống quên ơn nước, nước càng khi. 
Sống tai như điếc, lòng đâm thẹn
Sống mắt dường đui, dạ thấy kỳ
Sống sao nên phải, cho nên sống
Sống để muôn đời, sử tạc ghi. 
Chết sao danh tiếng vẫn còn hoài
Chết đáng là người đủ mắt tai
Chết được dựng hình tên chẳng mục
Chết đưa vào sử chứ không phai
Chết đó, rõ ràng danh sống mãi
Chết đây, chỉ chết cái hình hài
Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi
Chết cho hậu thế, đẹp tương lai
Hoạt động báo chí ở Sài Gòn nở rộ trong các thập niên 1920 và 1930. Ngoài các tờ Le Courrier Indochinois (Đông Pháp thời báo), Ere nouvelle (Nhật Tân báo) còn có các tờ La Tribune Indigène (Diễn đàn bản xứ) của Nguyễn Phú Khai, La Tribune Indochinoise (Diễn Đàn Đông Dương) của Bùi Quang Chiêu, L’Echo Annamite (Tiếng vọng An Nam) của Nguyễn Phan Long, Đuốc Nhà Nam (Flambeau d’Annam) của Nguyễn Văn Sâm. Các chủ tờ tờ báo này nằm trong Đảng Lập Hiến Đông Dương (Parti Constitutionnaliste), có mục đích kêu gọi người Pháp để Việt Nam có một bản hiến pháp làm nền tảng tự trị như nước Anh đã làm cho các xứ Australia, Canada, những cựu thuộc địa của nước này. Tờ L’Annam của luật sư Phan Văn Trường, tờ La Lutte của Tạ Thu Thâu là những tờ báo tiến bộ.
Các tờ báo của Pháp, với đường lối bảo thủ có các tờ L’Impartial, L'Opinion, Sài Gòn républicain và Le Courrier de Sài Gòn. Tuy nhiên có vài tờ báo của những người Pháp tiến bộ, bảo vệ quyền lợi người Việt và dân bị trị như tờ Indochine của luật sư Monin, đặt ở trụ sở số 39 đường MacMahon và tờ La voix libre của Edgard Ganofsky, một người Pháp chống thực dân Pháp. Ganofsky cũng đứng ra làm chủ nhiệm cho tờ La Lutte của Tạ Thu Thâu. Trần Văn Giàu nói về E. Ganofsky (một Nguyễn An Ninh của Pháp) như sau (10):
“Ganofsky là một “người Pháp chống thực dân Pháp”, phát hành tờ La voix libre, hễ người Việt nam yêu nước yêu cầu ông làm chủ nhiệm một tờ báo tiếng Pháp để chống thực dân thì ông nhận liền. Ông là một người kỳ dị, sống rất nghèo, ngủ trên “nệm” lót bằng những chồng báo cũ. Ông phát hành báo của ông bằng xe đạp hay bằng xe hai bánh kéo tay, ông ghét cay ghét đắng tất cả những bất công của chế độ thuộc địa và tất cả mọi thứ bất công khác trên đời”.
Đường Nguyễn Huệ (còn gọi là đường Kinh lấp) 
sau khi lấp kinh và có xe lửa (tram) hơi nước. 
Nhà sau cùng trong hình là nhà của ông Vương Thái. 
Bộ mặt thành phố đã có một số thay đổi so với các năm của thế kỷ trước. Theo một sách hướng dẫn Saïgon-Souvenir, petit guide Sài Gònnais à l'usage des passagers des débutants dans la colonie xuất bản năm 1906 mô tả cho khách viếng thăm Sài Gòn của tác giả L.I. (1), ta có thể thấy cảnh quang của Sài Gòn đầu thế kỷ 20 như sau:
Bắt đầu từ bến Francis Garnier (Bạch Đằng ngày nay) ở đầu đường Catinat (Đồng Khởi) dọc theo bờ sông đến quảng trường rộng hội tụ các con đường chính, trong đó đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng) là đường quan trọng chính đi về phía bắc Sài Gòn. Tại quảng trường Rigault de Genouilly (nay quảng trường Mê Linh), có tượng của đô đốc cùng tên người đánh chiếm Nam Kỳ năm 1859. Tượng được dựng từ năm 1878. 
Cạnh tượng Rigault de Genouilly là một kim tự tháp xây kỷ niệm Doudart de Lagrée, thuyền trưởng tàu đi thám hiểm sông Mekong (Expédition du Mékong). Chung quanh là các khẩu súng đại bác tịch thu trong các trận chiến nối với nhau bằng các dây xích quanh tượng. Ngày nay tại quảng trường này là tượng anh hùng chống ngoại xâm Việt Nam, Trần Hưng Đạo.
Đường Norodom (Lê Duẩn ngày nay) và trại lính bộ binh 
(sau này là thành Cộng Hòa thời chính phủ Ngô Đình Diệm, 
Việt Nam Cộng Hòa. Sau Ngô Đình Diệm, trại bị phá đi)
Tiếp tục dọc theo bến sông đi qua các cửa hàng hải quân (magasins de la Marine), cục quản lượng (les Subsistances), nơi ở của chỉ huy trưởng hải quân (l'Hôtel du commandant de la Marine), các xưởng Pháo binh và sau cùng là xưởng tàu (nay là xưởng Ba son), nơi sửa chữa tàu và có rất nhiều công nhân người Việt và Hoa. Tiếp tục dọc theo đại lộ Luro (nay là đường Tôn Đức Thắng - Đinh Tiên Hoàng) là các trại lính bộ binh (casernes de l'Infanterie Coloniale), sau đó sẽ thấy các nhà xây rất đẹp mắt trước khi ta đi băng qua một khoảng trống lớn có bãi cỏ trước các trại lính. Tại đây cũng có rất nhiều các cơ sở đạo công giáo. Những trại lính gồm các dãy nhà (pavillons) lớn, sáng sủa dễ chịu, bao bọc bởi các hiên ở mỗi tầng; các phòng đều rộng rãi, sạch sẽ, trong sân trồng nhiều cây lớn, nói chung rất là sống động, vui. Khỏi nói nhiều biện pháp tuyệt đối vệ sinh được thực hiện và các lính đều trong tình trạng tốt, sống dễ chịu và rộng rãi. Tất cả các khách du lịch đều nhất trí cho là các trại lính thuộc địa ở Sài Gòn là những trại lính khang trang và đẹp nhất trên thế giới.
Bảo tàng Blanchard de la Brosse (trong thảo cầm viên)
Để tăng thêm phúc lợi cho các người lính, bên cạnh các trại lính là Câu lạc bộ lính và thủy binh (Cercle des Soldats et Marins). Câu lạc bộ là một nhà nhỏ, bên trong là thính đường, có chỗ để viết thư, đọc sách. Thư viện có khoảng 1500 đầu sách, phòng giải lao bán nước uống được bao cấp với giá hạ.
Đi tiếp là vườn bách thảo (thảo cầm viên). Từ thảo cầm viên trở lại phía trại lính, theo đại lộ Norodom (nay là Lê Duẩn) sẽ thấy một nhà thờ Tin lành, Hội đồng chiến tranh, cơ dinh của tướng bộ binh (Hôtel du General de Division), câu lạc bộ quân sự (Cercle militaire). Tiếp tục đi thẳng, phía sau nhà thờ là tượng Gambetta dựng vào ngày 5/5/1889 với ghi chú "Défenseur de la politique coloniale"... Xa hơn nữa cuối đường là dinh toàn quyền trong một vườn lớn, dinh này xây với chi phí 12 triệu francs.
Trở lại nhà thờ Đức Bà, trước nhà thờ là tượng giám mục d’Adran (Pigneau de Béhaine, évêque d' Adran tức Bá Đa Lộc, cha Cả)... Nhà thờ được xây vào năm 1877 với chi phí 2 500 000 francs. Cạnh nhà thờ là bưu điện thành phố.
Trước nhà thờ là đường Catinat chạy đến bờ sông. Catinat là tên một chiến hạm đầu tiên của Pháp bắn vào Đà Nẵng năm 1852. Từ đường Catinat xuống bến sông ta sẽ gặp tòa nhà ngân khố (Trésor, ở bên phải, góc đường Catinat và Nguyễn Du ngày nay), nhà ở của tư lệnh lữ đoàn 4 thuộc địa (Hôtel du commandant de la 4e Brigade coloniale et du point d'Appui du Cap), các công sở, cửa tiệm, quán café, khách sạn… Giữa đường Catinat từ nhà thờ Đức Bà và bờ sông Sài Gòn là nhà hát thành phố... đằng sau nhà hát là nhà máy phát điện.
Ở góc đường Catinat và Bonard (Lê Lợi) là nhà hàng khách sạn Continental. Nơi đây là nơi lui tới và gặp mặt của giới thượng lưu Pháp Việt, như ông Paul Blanchy, nhà buôn bán trồng tiêu và sau này là thị trưởng Sài Gòn. Nơi đây trong lúc ngồi với bạn hữu, ông Diệp Văn Kỳ cũng đã gặp ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đi lang thang trên đường Catinat vào nam kiếm sống sau khi làm báo thất bại ngoài bắc. Diệp Văn Kỳ, chủ nhiệm tờ Đông Pháp thời báo và là một người nổi tiếng hào phóng, đã cho tiền Tản Đà để trang trải nợ nần, giúp đỡ định cư trong ngôi nhà rộng yên tĩnh ở Xóm Gà (Gia Định) và trả lương hậu hỉnh để Tản Đà viết cho tờ Đông Pháp thời báo (11).
Thống kê dân số Sài Gòn, đầu thế kỷ 20, theo sách của L.I. (1) khoảng chừng 
Pháp 6 000
Người Âu khác 5 000
Vietnam 30 000
Cam Bốt 150
Hoa 13 000
Ấn Độ 1 000
Nhật 100
Mã lai 500
Tổng cộng 55 750
(Thống kế này chắc chỉ bên trong trung tâm thành phố vì dân số toàn vùng Sài Gòn năm 1869 đã là 104 522) 
Người Ấn có nhiều loại: Ấn đạo Sikh hay Hồi từ Pondichéry thường có vi trí cao trong thương trường, trong cơ quan, cảnh sát..., người Ấn Hindou (gọi là malabares) thường là tiểu thương, đổi tiền và một nhóm gọi chung là Chettys (Chệt) có các tiệm cầm đồ. Họ mặc y phục trắng, đầu cạo trọc, trên trán và hai má các chấm hay gạch bằng than. Người Mã Lai thường là gác dan, lái xe. Ở bờ biển Vũng Tàu họ sống bằng nghề chài lưới và có cơ sở thương mại đáng kể. 
Buổi chiều sau giờ làm việc, nhiều người thường đi dạo hay đi xe, xe ngựa xuống Chợ Lớn (giữa Sài Gòn và Chợ Lớn còn vắng vẻ và nhiều đầm lầy), hay về hướng Gò Vấp viếng khu mộ Cha Cả (Cha Cả, Bá Đa Lộc, chôn năm 1799 với sự hiện diện của vua Gia Long), chung quanh lăng là các đồng ruộng lúa, loáng thoáng vài căn nhà nhỏ giữa đồng.
Phía quá Lăng cha Cả về phía tây (trường đua) là khu nhiều mồ mả của người Việt, đầm lầy và có kinh vòng quanh (Canal de ceinture) nối với Phú Lâm, Chợ Lớn (rạch Lò gốm, rạch Chợ Lớn).
Giá tiền đi xe từ Sài Gòn đến Chợ Lớn: 0.70 đồng hạng nhất, 0.50 đồng hạng nhì (đi và về là 1.30 hạng nhất và 0.90 hạng nhì), đi xe kéo thì 1 cuốc 0.10 đồng, một tiếng là 0.25 đồng. Xe tram bằng hơi nước Sài Gòn-Chợ Lớn: 0.1 hạng nhất, 0.06 hạng nhì và 0.03 hạng ba (1).
Xe lửa chạy bằng hơi nước dùng than củi lúc này đã phổ biến rộng rãi, sau khi thống đốc Nam Kỳ khai trương đường xe lửa ở Sài Gòn từ năm 1882. Sau này có hai đường xe lửa chạy ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Đường thứ nhất, Sài Gòn-Gia Định, bắt đầu từ chợ Bến thành chạy theo Boulevard de la Somme (Hàm Nghi) đến mé sông, lên đường Luro (Tôn Đức Thắng), rue de Bangkok (Mạc Đĩnh Chi), Nguyễn Đình Chiểu, Đinh Tiên Hoàng, Đất Hộ (Đa Kao) rồi lên Gia Định đến trạm cuối cùng là Lái Thiêu (3). Đường Sài Gòn-Chợ Lớn có hai ngả : đường mé sông chạy từ Bến Thành dọc theo Arroyo chinois (kênh Tàu Hủ) vào Chợ Lớn, đến trạm cuối là trạm Bình Tây và đường xe lửa giữa chạy từ chợ Cũ ra chợ Bến Thành đi dọc theo đường Sài Gòn-Mỹ Tho bắt đầu từ trạm Lê Lai đi qua các đường Rue de marins (Đồng Khánh, Trần Hưng Đạo), Tổng Đốc Phương (Châu Văn Liêm) rồi đến ga Rodier (chợ Cũ-Chợ Lớn). Sau này đường xe lửa giữa chạy bằng hơi nước được thay bằng đường xe lửa điện.
Xe lửa Sài Gòn 1906 (Le tramway à Sài Gòn) - Nguyễn Huệ 
1882, Thống đốc Nam Kỳ Charles Le Myre de Vilers khai trương đường xe lửa hơi nước. Theo Vương Hồng Sển (3) thì đầu xe lửa hơi nước này vẫn chạy đường Sài Gòn - Mỹ Tho chở khách cho đến khi giải bản về chở củi (“Nay Le Myre de Vilers đã chết ba mươi đời vương, duy còn lại một đầu xe lửa trước chạy đường Sài Gòn - Mỹ Tho, mà mới đây đã giải bản cho về chở củi ! Mỗi lần chạy, đầu xe lửa Le Myre de Vilers vừa ho vừa khạc ra khói vừa thét ra lửa, mà có khi không đủ trớn lên dốc cầu Tân An và cầu Bến Lức, trèo lên tuột xuống, lên dốc không nổi… trối kệ, xe cặp bến cũng còi cũng "xả hơi" ồn ào oai vệ khiếp?”).
Xe lửa trên đại lộ Charner (Nguyễn Huệ) nhìn về 
bến Bạch Đằng, để ý lúc này đã có đèn đường
Xe lửa Sài Gòn-Chợ Lớn lúc đầu là chạy bằng hơi nước (dùng than củi), sau này chuyển ra xe lửa điện. Trong xe lửa là các hàng ghế bằng cây theo kiểu của Métro xưa bên Paris. Xe lửa bắt đầu từ đường Nguyễn Huệ chạy lên đường Lê Lợi, Lê Lai rồi chạy thẳng theo đường Trần Hưng Đạo vào Chợ Lớn. Hai bên đường Trần Hưng Đạo (lúc đó gọi là đại lộ Galliéni) lúc trước toàn là đất hoang và sình lầy. Năm 1928 thì đường này mới được tráng nhựa và năm sau điện giăng giữa chia con đường làm hai chiều, đường rầy xe điện đặt theo trục giữa đại lộ (2). Không xa đường xe điện, trên đường Yersin, gần đình Cầu Quan (nay gọi là đình Thái Hưng) là nhà hát Thành Xương (rạp hát Cầu Quan), nơi mà nhiều đoàn hát bộ, cải lương thành phố trình diễn trong thập niên 1930 và sau này. Đây là trung tâm, nơi dung dưỡng của nhiều nghệ sĩ hát bộ và cải lương của thành phố.
Cũng tại rạp Thành Xương này, tháng 4-1933, đã có buổi họp nói chuyện của liên danh “Sổ lao động”, ra tranh cử vào Hội đồng thành phố, với sự có mặt của Trần Văn Thạch, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Trần Văn An. Rạp Thành Xương hôm đó chật kín người dân đến nghe tràn cả ra ngoài. Nhóm “Sổ lao động”, gồm Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Thạch, Tạ Thu Thâu, Lê Văn Thu, Nguyễn An Ninh, Huỳnh Văn Phương, Phan Văn Chánh gồm những người cộng sản và đệ tứ, ra tờ báo La Lutte. Lúc này, thời khủng hoảng kinh tế 1929, giá gạo và cao su xuống thảm hại, nhiều người phá sản, là lúc nhiều người thất nghiệp, đời sống cực kỳ khó khăn, và có nhiều bãi công ở Sài Gòn. Kết quả bầu cử ngày 30/4 và 7/5/1933, hai ông Nguyễn Văn Tạo và Trần Văn Thạch của “Sổ lao động” được đắc cử. 
Tháng 5-1935, trong cuộc bầu cử vào Hội đồng thành phố, các ông Trần Văn Thạch, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu và Dương Bạch Mai của Sổ lao động đều trúng cử làm chính quyền thực dân Pháp rất giận dữ và cơ quan an ninh (Sureté) càng theo dõi, tìm cơ hội bắt, đàn áp, mang ra tòa nhóm La Lutte. Sổ lập hiến của các ông Nguyễn Phan Long, Nguyễn Văn Sâm, Bùi Quang Chiêu... có ra tranh cử nhưng không thành công. Ngày giáng sinh 25/12/1935, các người lái xe ngựa (thổ mộ) ở Sài Gòn - Chợ Lớn và nhiều nơi như Bà Điểm, Phú Nhuận, Khánh Hội đến biểu tình ở chợ Bến Thành chống sự làm khó khăn của chính quyền để công ty xe điện Pháp (Compagnie Française des Tramways) độc quyền rước khách. Năm sau, 1936, Mặt trận bình dân (Front populaire) thắng cử ở Pháp với chính phủ của Léon Blum, làm phấn khởi, châm ngòi cho các cuộc bãi công ở xưởng Ba son, nhà đèn Chợ Quán, Hãng rượu Bình Tây, Hãng dầu Standard Oil ở Nhà Bè, Hãng dệt, nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn, công nhân hỏa xa, bến tàu, đồn điền cao su... khắp Nam Kỳ. Lúc này luật áp dụng như bên Pháp, công nhân biểu tình không cần xin phép, chỉ báo trước 24 tiếng đồng hồ. Năm 1938, sau khi chính phủ Mặt trận bình dân đổ, đàn áp của thực dân xảy ra khắp nơi.
Gần trạm xe điện Petrus Ký, ở số 98 đại lộ Galliéni (Trần Hưng Đạo) là trụ sở của hội Hội Đức Trí Thể Dục (S.A.M.I.P.I.C tức Société d'Amélioration Morale, Intellectuelle et Physique des Indigènes de Cochinchine). Xưa kia ở trụ sở hội này là nền móng của một chùa cổ Cao Miên, tại đây khi đào đất đã tìm thấy các cổ vật như cây đèn đồng, ngạch cửa đá (3). Hội Đức Trí Thể Dục do ông Nguyễn Khắc Nương (nghị viên hội đồng thành phố), kĩ sư Lưu Văn Lang và một số trí thức Nam Kỳ thành lập năm 1926 (Lưu Văn Lang ngày nay cũng là tên đường ngang hông chợ Bến Thành). Ông Nguyễn Khắc Nương cũng là người viết vở tuồng hát bội cải cách (tiền thân của cải lương) Ngô Công Nhược mắc lừa năm 1920 trên báo Nông Cổ Mín Đàm (13). 
Trong thập niên 1930, S.A.M.I.P.I.C là nơi có các buổi hội thảo, nói chuyện và hội họp của nhiều trí thức, sinh viên học sinh ở Nam Kỳ. Các ông Tạ Thu Thâu và Phan Văn Hùm đã từng nói chuyện tại đây vào năm 1932 về triết học biện chứng thu hút nhiều thính giả. Và nổi tiếng nhất là các cuộc nói chuyện và tranh cãi về thơ mới - thơ cũ rất sôi nổi vào năm 1935 giữa Nguyễn Văn Hanh và cô Nguyễn Thị Kiêm mà sau đó tờ Phong Hóa của Tự Lực văn đoàn đã nhảy vào ủng hộ phong trào thơ mới.
Trong số các sinh viên học sinh trường Petrus Ký lập ra phong trào Câu lạc bộ học sinh với tên phổ biến là Scola Club, và dùng trụ sở của Hội S.A.M.I.P.I.C làm nơi sinh hoạt hội họp, là các ông Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước. Ông Trần Văn Khê cũng là một trong những người điều khiển ban nhạc của Scola Club. Hội S.A.M.I.P.I.C cũng cấp nhiều học bổng cho các học sinh sinh viên học ở các trường trên toàn cõi Đông Dương. Tiểu ban mỹ thuật của Hội cũng tổ chức nhiều buổi trình diễn âm nhạc, kịch, như độc tấu dương cầm và các sang tác mới nhạc cải cách của các nhạc sĩ tân nhạc.
Một đường (có lẽ là Ngô Nhân Tịnh) ở Chợ Lớn 
mà xe lửa (đường mé sông vàkênh Tàu Hủ) đi qua 
mà trạm cuối là chợ Bình Tây - bên phải là nhà hát
Từ đường Trần Hưng Đạo, xe điện chạy thẳng vào đường Đồng Khánh (rue des Marins) sau này là Trần Hưng Đạo nối dài, qua khu Đại Thế Giới nay là khu Cát Tường và đường Tản Đà (rue de Jaccario). Qua nhà hàng và khách sạn Arc-En-Ciel, đến đường Tổng Đốc Phương (nay gọi là Châu Văn Liêm) thì quẹo qua trái mới đến Bưu Điện Chợ Lớn. Sau đó là nhà ga cuối cùng là Gare Rodier, tại Kinh Tàu (2), nay là bến xe Chợ Lớn.
Một địa điểm lịch sử quan trọng trên đường Trần Hưng Đạo là rạp hát Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân). Ngay tại rạp này, sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, vào ngày 20/8/1945, trước hàng ngàn người tụ tập quanh rạp, Mặt trận Việt Minh công khai kêu gọi khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ vài ngày sau, ngày 25/8/1945, chính quyền hoàn toàn vào tay nhân dân Sài Gòn với hàng trăm ngàn người đổ ra đường mừng phấn khởi, như cảm thấy thời cơ mới của dân tộc Việt Nam đã đến sau bao nhiêu năm nhục nhã u tối. Già trẻ, nam nữ, mọi thành phần trong xã hội đều tự động ra đường, đi khắp phố phường. Họ phấn khởi, vui mừng, đi như chào đón một tương lai độc lập mở ra cho đất nước và mọi người. Một không khí không thể diễn tả, như hồn dân tộc thức tỉnh, hồi sinh. Cách mạng tháng 8 xảy ra trên khắp đất nước nhất thời đồng bộ, một sự kiện hy hữu trong lịch sử Việt Nam
Các đường xe lửa đã có ảnh hưởng lớn vào sự phát triển kinh tế và xã hội, nhất là đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho nối Sài Gòn với Mỹ Tho và từ đó đi các tỉnh miền Tây bằng xe đò. Chung quanh ga Sài Gòn, gần chợ Bến Thành, mọc lên các cửa tiệm, hàng quán, nhà nghỉ. Người từ khắp lục tỉnh Nam Kỳ xuống Sài Gòn đều đến nơi đây : các chủ vựa, nhà buôn, điền chủ, chủ hãng, công nhân, học sinh lên Sài Gòn học… Hàng quán nổi tiếng gần và sau chợ Sài Gòn là các nhà hàng Quảng Hạp, Đông Pháp lữ quán ở đường d’Espagne (Lê Thánh Tôn), nhà hàng Cửu Long Giang đường Aviateur Garros (Thủ Khoa Huân). Nhà hàng Quảng Hạp bán cơm tây rất ngon và đông khách do chủ là người Hoa gốc Hải Nam đã là đầu bếp trước đây của viên thống đốc Cognacq xin nghỉ để mở nhà hàng. Đông Pháp lữ quán nổi tiếng với chủ và cát-chê (cashier) là cô Yvette Ba Trà, người đẹp Sài Gòn đã làm bao nhiêu điền chủ, địa chủ, công tử khắp nơi ở lục tỉnh mê mệt (3).
Một nhân chứng viết về quang cảnh, con người, cách ăn mặc và đời sống ở Sài Gòn, dưới góc độ của một người du khách là bà Gabrielle Vassal, viếng nơi đây vào năm 1906. Gabrielle Vassal là phụ nữ người Anh theo chồng là bác sĩ người Pháp đến viện Pasteur ở Nha Trang làm việc từ năm 1906 đến 1911. Trong lúc tàu ghé Sài Gòn và ở 3 ngày tại viện Pasteur đã tả về cuộc sống và quang cảnh trong thành phố (12). Khi tàu cặp bến cảng Sài Gòn, so với các cảng khác như Colombo, Singapore… bà rất ngạc nhiên khi thấy hầu như cả Sài Gòn náo nhiệt ra bến tàu đón như là một sự kiện lớn. Một số đến đón bạn, người thân, một số ra để làm quen và rất nhiều ra để xem. Ngay trên tàu trước khi xuống, bà đã thấy theo sau chồng bà đã có năm hay sáu người Việt và Hoa, đều là thợ may, họ đều muốn làm các bộ quần áo trắng cho ông Vassal trong thời gian rất ngắn. Các người thợ may Việt, môi đều đỏ đậm và xưng lớn vì nhai trầu và răng nhuộm đen (chú thích: đến giữa thế kỷ 20 tục ăn trầu mới biến mất hoàn toàn). Họ tranh giành may cho ông Vassal, trong đó một người nói chỉ trong vòng 24 tiếng là một chục bộ đồ veste trắng sẽ sẵng sàng giao ngay. Để có thể yên, ông Vassal lấy 3 bộ từ một thợ nói dai và quấy rầy nhất. 
Sau khi kêu xe ngựa malabar đến phòng nghỉ ở viện Pasteur, vợ chồng Vassal được giám đốc Viện cho mượn xe ngựa của Viện để đi tour mà nhiều người trước đó ở bến tàu đã đi. Tour này gọi là Tour d’Inspection nổi tiếng ở Sài Gòn cho du khách. Bà Vassal đã tả những gì bà quan sát về quang cảnh và con người trên xe ngựa như sau: 
“Một trong những đường mà chúng tôi đi có trồng phượng vĩ, đang trong mùa trổ hoa nở rộ. Thật là một màu rực rỡ bột phát; sự rực rỡ đẹp như vậy là quá sức tưởng tượng của bất cứ ai chưa từng ở vùng nhiệt đới, hàng đống hàng đống các hoa mỹ nhân đỏ (red poppy hay coquelicot) cũng không thể so sánh được như thế. Cũng chính qua buổi đi dạo xe ngựa này, tôi cũng làm quen đầu tiên với các cây dừa cao, những bụi tre phong nhã, và các cây nhiệt đới khác… 
Nhưng những người bản xứ trên đường là làm chúng tôi chú ý liên tục. Đa số họ đang trở về một làng kế cận ngoài trung tâm Sài Gòn sau một ngày làm việc. Trong số họ, tôi thấy có những người thông ngôn, với tóc cắt ngắn, đội khăn đen xếp theo từng lớp thật tuyệt đối đều bằng nhau chung quanh đầu họ, mặc áo dài đen, quần trắng, và mang giày Âu với vớ. Một sự kiện đáng chú ý là các giày của người An Nam, nếu họ mang, đều trông như thật là mới, như là vừa mới mua ở tiệm, và cũng là kiểu mới nhất.
Kế tiếp là có những người “nha que” (nhà quê) mặc áo xanh da trời, nhưng thường vá nhiều nơi nên chỉ còn rất ít là màu da trời còn lại, và mặc quần dơ chưa giặt. Họ đi bộ dọc bên đường người này sau người nọ. Họ mang chân không, và nếu thỉnh thoảng một trong số họ hãnh diện là chủ nhân của một đôi giày Trung Hoa không gót (chú thích: đôi dép), thì họ cầm ở trên một tay của họ. Còn tay kia, họ cầm một cái dù, ngay cả khi mặt trời đã biến mất từ lâu, dù vẫn được giữ cao trên đầu họ. Ý tưởng về một cá nhân đơn độc đi trịnh trọng giữa buổi tranh tối tranh sang với cái dù vẫn còn trên đầu không bao giờ ngừng làm tôi vui. Thay vì khăn đóng, những người công nhân cu-li (coolies) có một khăn mặt hay một mảnh vải dơ cuốn sơ sài quanh đầu, hé cho thấy búi tóc không được gọn ghẽ ở dưới.
Những người đàn bà, cũng như đàn ông, không bao giờ đi hai người kế bên; chúng tôi gặp một nhóm nhỏ năm hay sáu người hấp tấp đi về nhà từ chợ xa nào đó. Họ gánh các giỏ tròn đan cây treo trên đòn tre trên một vai họ, và mặc dầu sức nặng trĩu về một bên trên cơ thể, họ vẫn đi tới với tướng đi đong đu qua lại. Cánh tay bên kia, uốn cong ở khuỷu tay, đong đưa mạnh mẽ qua lại để cân bằng sức nặng bên khiêng. Để thay đòn tre từ vai này sang vai kia, họ đi chậm lại, nghiêng đầu về phía trước và đẩy đòn tre qua sau cổ họ. Tôi ít khi thấy một người đàn bà để đòn gánh giỏ của họ xuống đất và gánh lên lại lần nữa. 
Những người đàn bà bản xứ ở giai cấp giàu hơn đi qua nhanh trước mặt tôi, trên những chiếc xe kéo (rickshaw), một vài người với khăn vải lụa màu sáng cài dưới cằm, số khác trên búi tóc trang trí các nữ trang bản xứ, hay được gắn bởi một kẹp bằng bạc, vì quá nhiều trang sức như thế nên không thể mang khăn đầu được.
Khi những tia sáng cuối cùng của hoàng hôn chiếu nghiêng nghiêng đứng bóng từ hướng tây, các nhóm nhỏ gia đình người An Nam tụ tập bên ngoài các chòi nhà của họ, và ngồi chồm hổm chung quanh các tô cá và cơm, họ ăn buổi ăn tối gia đình. Trong trường hợp khi thức ăn chưa sẵn sàng, hoàn tất và người mẹ vẫn còn đang nấu, người cha, hay ngay cả ông nội, được chúng tôi thấy đang chăm sóc mấy đứa trẻ, đong đua đứa trẻ trong tay họ và hát cho chúng nghe. Ánh sáng mờ nhạt làm tăng thêm sự thơ mộng và vẽ đẹp huyền ảo của nhóm gia đình nhỏ thân mật. 
Màn đêm bắt đầu buông xuống, các đền thờ Phật bên trong nhà chòi được thắp sáng, những bức tượng thô hay những ảnh màu của những vị thờ phượng được thấy rõ từ ngoài đường. Các điểm sáng trước các tượng, hình ảnh cho thấy các cây nến đang cháy sáng, khói bốc lên làm tăng tác dụng cho các người cúng các thần linh. Thỉnh thoảng hương nhang tỏa lan ra qua bên đường, và mùi nhang thơm trộn lẫn với những mùi thơm lạ và hấp dẫn của buổi chiều tối vùng nhiệt đới thêm vào cảm giác say mê thích thú xâm nhập khắp mọi nơi. Lần lần các nhóm gia đình tan nhóm và biến vào bên trong nhà. Lúc này, chúng tôi nhận thấy một đứa trẻ nằm lên trên chiếu để ngủ, chỉ thấy một núm tóc chìa ra từ một bên đầu và bàn chân không từ bên kia, ở trong đó chúng tôi nhận ra một hình hài của một phụ nữ nằm đong đưa trên võng, với đứa con nhỏ nằm trong đôi cánh tay. 
Cuối cùng, một người đàn ông ngồi xổm trước cửa nhà chòi, hút điếu thuốc lá cuối cùng trong ngày của ông ta, sau đó ông ta đứng dậy, xếp tháo đi hai cột tre dùng để dựng cửa nhà, cửa này khi mở thì đẩy lên trên từ trong ra phía ngoài, sau đó ông ta đóng sập xuống và khóa lại. Do đó, từ nhà này sang nhà kia, yên lặng ngự trị, ngoại trừ tiếng khóc của đứa trẻ nít và lời hát ru của người mẹ dỗ con. Đêm tối lúc này là hoàn toàn, tôi cảm thấy như mình lạc vào một thế giới vô định nào đó. Một sự nhẹ nhõm khi xe ngựa quay trở lại một trong những con đường Sài Gòn có đèn chiếu sáng. 
Chúng tôi ăn tối trên sân thượng của khách sạn Continental ở giữa thành phố, và mặc dầu đã quá giờ căn tối, vẫn còn có người ngồi ở nhiều bàn đầy rượu ngọt (liqueur) và nước lạnh. Đường phía dưới yên lặng, nhưng không phải là vắng, bởi vì các xe kéo với bánh cao su và người cu-li chân không kéo xe không gây nên tiếng động trên mặt đường phẳng. Yên lặng chỉ được phá đi bởi những tiếng la đặt đồ ăn uống hay kêu tới các người hầu bàn An Nam hay cu-li xe kéo, và những lời chào hỏi hay từ giã của bạn bè khi họ đến hay đi. 
Có nhiều loại và tình trạng người ở đây, từ những nhân viên đang chơi bài hay chỉ trích chính phủ, đến những người lạ như chúng tôi. Nhưng đa số là những cư dân (Pháp) ở Sài Gòn. Những người này vào khách sạn như là nhà của họ, đi quanh và nói chuyện không tự chủ kín đáo gần như là xấc láo. Rõ ràng họ sống nhiều và lâu ở những chốn nghỉ mát công cộng như vậy hơn là ở nhà của họ, và khi họ tựa vào bàn hay lảng vảng ở ngoài đường, họ lạnh lùng nhìn những người đi qua mà không có thái độ gì nghiêm chỉnh. Đây là những người đàn ông và đàn bà, ngay từ khi đặt chân đến thuộc địa đã lao mình vào tinh thần của một thành phố không có nhiều đạo đức. Được giải phóng khỏi những khuôn phép của một đời sống quy ước hơn ở quê nhà, họ lợi dụng sự phóng khoáng tự do hơn ở miền nhiệt đới, để lao mình vào những thú vui có được ở đây, học tính biếng nhác và xa xỉ, và không còn để ý gì đến tự chủ. 
Không lâu sau đó, khi chúng tôi nhanh chóng và yên lặng trở về Viện Pasteur, chúng tôi thấy các con đường, khi lúc ban ngày đầy ánh sáng và màu sắc, dưới góc độ khác lúc ban đêm. Những cây tối và đen trên đầu và hầu như hoàn toàn che hết mặt trăng và các vì sao. Đèn điện dưới những vòm cây tạo ra những bóng hoang tưởng kỳ dị bay qua bay lại, và chiếu sáng trên lưng nhiều mồ hôi của các phu kéo xe của chúng tôi, thay đổi da màu đen của họ thành trắng long lanh. Trong lúc đi trên chuyến xe ngắn này, suy nghĩ về những sự kiện trong ngày, tôi trực cảm thấy an tâm hơn khi biết là, mặc dầu đầy sự lý thú quyến rũ của thành phố này, nơi chúng tôi đến sau cùng chỉ là một làng nhỏ khiêm tốn bên cạnh biển cả”.
Một đoạn ngắn của bà Gabrielle Vassal cho ta thấy một khoảnh khắc ngắn trong sinh hoạt và phong cách người Sài Gòn đầu thế kỷ 20. Mang ô dù là một tập tục cho đến thập niên giữa thế kỷ 20 mới biến mất (cũng như tập tục ăn trầu). Có thể tập quán mang dù bắt đầu từ quan niệm ngày xưa của quan lại và vua chúa là chức tước của một người được quy cho là có được bao nhiêu lọng rước. Vì thế và chức tước của một viên quan có thể đoán biết được qua có bao nhiêu lọng viên quan đó có do quân hầu mang khi đi ra ngoài đường. Viên sĩ quan người Pháp tên là Vannier theo giúp Nguyễn Ánh, có vợ người Việt, được làm quan sau này ở Huế trong triều đình vua Gia Long với chức quan có quyền mang hai lọng rước. 
Sự tương phản của cuộc sống người Việt chung quanh trung tâm Sài Gòn và đa số những người Pháp ở trung tâm và thái độ của nhiều người Pháp đến sống ở Sài Gòn mà bà Vassal cho là gần như xấc láo cũng sẽ là nguyên nhân của nhiều sự va chạm, và gây ra các biến cố trong lịch sử ở Sài Gòn nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung. 
Bức tranh xã hội mà ta thấy thoáng qua như trên cho thấy Sài Gòn đầu thế kỷ 20 đang trong giai đoạn giao thời của hai thế giới. Và con người bắt đầu chuyển mình trong cuộc sống hàng ngày và trong tâm thức và tư duy, thích ứng với một thế giới mới đang chuyển biến nhanh chóng. Nhưng con người Sài Gòn nói riêng, và Việt Nam nói chung cũng sẽ còn chịu nhiều thử thách sau này nữa qua những sự tranh đấu gay go về tư tưởng, ý thức hệ.  
Tham khảo: 
(1) L.I., Saïgon-Souvenir, petit guide Sài Gònnais à l'usage des passagers des débutants dans la colonie, Editeur Coudurier et Montégout (Saïgon), 1906.
(2) Trần Ngọc Quang, Sài Gòn và những tên đường xưa.
(3) Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, 1992, Nxb Trẻ.
(4) Hình ảnh, tư liệu: Belle Indochine.
(5) Jean Bouchot, La naissance et les premières années de Saïgon, ville française. Saïgon, A, Portail, 1927, extr. du Bulletin de la Société des Études Indochinoises, nouvelle série, t. II, n°2.
(6) Jean Bouchot, Sài Gòn sous la domination cambodgienne et annamite, Bulletin de la Société des études indochinoises Tome 1, Jan.-Juin/1926, pp. 3-31, Société des études indochinoises (Saïgon).
(7) Jean Bouchot, Le musée de Cochinchine, Bulletin de la Société des études indochinoises Tome IV, No. 2, pp. 93-102, 1929, Société des études indochinoises (Saïgon).
(8) A. Lelièvre, Ch. Clouqueur, Etude sur la Pagode de Dakao, Bulletin de la Société des études i
(9) Lê Minh Quốc, Nguyễn An Ninh - Dấu ấn để lại, NXB Văn Học, 1997.ndochinoises, année 1913, 1913/71 (no. 65)-1913/12, pp. 21-42, Société des études indochinoises (Saïgon).
(10) Trần Văn Giàu, Lược sử thành phố Hồ Chí Minh, trong Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tph Hồ Chí Minh, 1987, Quyển I, trang 235-420.
(11) Hứa Hoành, Các giai thoại Nam Kỳ lục tỉnh.
(12) Gabrielle Vassal, On and off duty in Annam, London, W. Hesnemann, 1910.
(13) Nguyễn Ngọc Bạch, Quá trình hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương: Từ ca ra bộ đến hình thành.
(14) Raoul Postel, A travers la Cochinchine, Challamel aîné (Paris), 1887.
(15) Vương Hồng Sển, Hơn nửa đời hư, Nxb Trẻ, 2003, tr. 153.
(16) Nguyễn Văn Trung, Lục châu học, Chương 10: Tình trạng ấn loát, phát hành và mối quan hệ với người cầm bút vào cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.
(17) J. Aspar, Guide pratique, renseignements et adresses. Saïgon, J. Aspar (24 rue Catinat, Saïgon).
(18) L'Ere nouvelle. Organe bi-hebdomadaire du Parti travailliste Annamite, Saïgon: 1926-1929,
(19) Hứa Hoành, Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ, Lễ quốc táng nhà cách mạng Phan Châu Trinh (4-4-1926).

27/12/2020
Nguyễn Đức Hiệp
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng gọi đêm cuối năm

Tiếng gọi đêm cuối năm Đêm hai mươi sáu Tết, chị đứng trên ban công tầng bốn, lặng lẽ đưa đôi mắt u buồn nhìn xa xăm xuống đường phố. Hai ...