Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

Singapore - Sài Gòn - Hồng Kông: Quan hệ thương mại người Hoa từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20

Singapore - Sài Gòn - Hồng Kông:
Quan hệ thương mại người Hoa
từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20

Du khách khi đã đến khu phố cổ dọc Clark Quay và Boat Quay gần sông ở Singapore, hay ở phố cổ người Hoa ở Melaka (Mã Lai) và nếu cũng đến khu phố có các nhà cổ dọc kênh Tàu Hủ và khu đường Phùng Hưng ở Chợ Lớn sẽ nhận thấy có những sự giống nhau hầu như không phân biệt được của các kiến trúc đông tây của các nhà cổ ở hai thành phố trên. Điều này ít ai để ý, nhưng nếu ta lật lại trang sử cách đây gần hai thế kỷ, ta sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng rất nhiều các tòa nhà này đã được các thương gia người Baba (Peranakan hay Straits-settlement Chinese) từ Melaka ở Singapore xây dựng khi họ cư trú làm ăn ở Chợ Lớn. Ba anh em Trần Khánh Hòa, Trần Khánh Vân và Trần Khánh Tinh là thầu xây dựng ở Sài Gòn-Chợ Lớn cho chính quyền. Theo Paul Vial thì tờ Courrier Sài Gòn số ngày 20/12/1864 (16) cho biết các nhà gạch dọc theo rạch Bến Nghé-kênh Tàu Hủ (arroyo Chinois) phía Chợ Lớn đã được xây nhanh chóng và một người Baba gọi là Ban-hap (Vạn Hòa), tên thật là Gan Wee Tin (Nhan Vĩ Thiên), có ngôi nhà hai tầng đẹp nhất được thống đốc de la  Grandière mời đến tặng thưởng. 
Sự liên hệ của người Baba gốc Hoa ở Singapore và Sài Gòn, Hong Kong trong lãnh vực kinh tế văn hóa xã hội vào thế kỷ 19 khi Singapore trở thành trung tâm thương mại ở Đông nam Á, vai trò của họ trong sự thành lập đặc tính con người nước Singapore qua sự kết hợp văn hóa và tư tưởng Đông Tây và sự ảnh hưởng của họ trong sự phát triển Sài Gòn-Chợ Lớn sẽ được trình bày trong bài này. 
Sự thành lập Singapore và hệ quả kinh tế xã hội ở Đông Nam Á
Trước năm 1819, đảo Singapore chỉ là một làng đánh cá Mã Lai và đã có một số người Hoa rất ít sống rãi rác nơi này. Gần Singapore về phía bắc dọc bờ biển phía tây bán đảo Mã Lai và bắc Sumatra, lưu dân người Hoa đã đến định cư từ các thế kỷ trước trong cộng đồng người bản sứ Mã Lai. Họ sống nhiều đời ở các nơi này và du nhập một số các tập tục đời sống, tiếng nói văn hóa Mã Lai, tuy vậy đa số vẫn giữ phong tục tập quán và nguồn gốc ở các tỉnh dọc bờ biển Hoa Nam mà tổ tiên họ đã từ đó ra đi. Rất nhiều người con cháu họ không còn biết tiếng Trung quốc, họ được gọi là người Baba hay paranakan Cina (tiếng Mã Lai nghĩa là con cháu người Hoa), tương tự như người Minh Hương ở miền nam Việt Nam. Các thành phố Melaka, Penang, Tangerang, Riau… là nơi có nhiều người Baba gốc Hoa định cư, họ sống chung với cư dân Mã Lai và tiếp xúc buôn bán với người Bồ Đào Nha và Hòa Lan đã đến bờ biển Mã Lai buôn bán trước khi người Anh đến thiết lập thuộc địa. 
Năm 1819, Sir Stamford Raffles lập Singapore, một thành phố cảng gần cửa sông và tuyên bố thành phố này là cảng trao đổi hàng hóa, buôn bán tự do, không thâu thuế, cho tất cả các thương nhân, thuyền buôn từ tất cả các nước. Sự thành lập Singapore và vị trí thuận lợi của thành phố này là nơi trao đổi hàng hóa giữa Siam, Miến Điện, Nam kỳ (Cochinchina), quần đảo Nam Dương, Mã Lai nơi sản xuất gạo, hồ tiêu, gia vị, thiết, Trung Quốc nơi cung cấp trà, lụa và các nước Ấn Độ, Tây phương, khởi đầu cho sự thay đổi toàn diện sự phát triển kinh tế, xã hội ở Đông Nam Á.
Người Baba từ Melaka là những người đầu tiên đến Singapore tạo lập sự nghiệp, lập cơ sở làm ăn, buôn bán. Như ông Trần Đốc Sinh (Tan Tock Seng) từ Melaka đến Singapore từ lúc đầu (1819) buôn bán trái cây, rau quả và trở thành người Baba giàu có và một trong những người tiên phong phát triển Singapore (bệnh viện Tan Tock Seng là bệnh viện lâu đời nhất ở Singapore do ông lập) 
Chỉ vài năm sau, Singpapore trở thành thương cảng phát đạt, thịnh vượng. Năm 1821, tàu buôn đầu tiên đến Singapore từ Hạ Môn (Amoy hay Xiamen) và sau đó nhiều người di dân Trung quốc từ Phúc Kiến, Phúc Châu, Triều Châu, Quảng Châu đến Singapore và từ đây đa số đã đi lập nghiệp dọc bờ biển bán đảo Mã Lai hay Riau, Medan ở Sumatra làm ăn. Rất nhiều người trong họ đi khẩn hoang, phá rừng lập nông trại trồng tiêu, cau mứt (gambier) hay làm nhân công trong các công ty, cu li ở cảng Singapore hay các mỏ thiết, vàng ở Mã Lai, các đảo Indonesia. Singapore trở thành trạm trung chuyển cung cấp dịch vụ, chuyển tiếp cho các người di dân Trung quốc nhập cư ngày càng nhiều đến các vùng lân cận để khẩn hoang lập nghiệp ngay cả đến các nơi xa như Australia.
Quang cảnh sông Singapore gần vịnh 
Sau chiến tranh nha phiến chấm dứt vào năm 1842, do có nhiều thay đổi loạn lạc, làn sóng di cư người Hoa xuống Đông Nam Á tăng nhiều. Những người không đủ tiền trả lộ phí đi tàu để di dân, nên phải chịu thiếu chủ tàu hay chủ các công ty ở Singapore đang cần và tuyển người làm công. Những người di dân này phải trả tiền thiếu lại sau nhiều năm tháng làm công. Nam Trung Hoa là nguồn cung cấp lao động có năng lực, rẽ. Sự đòi hỏi lao động càng nhiều đã tạo ra cơ hội lớn cho các nhà doanh nhân thương nghiệp, chủ các công ty ở Singapore để gởi các đại diện qua Quảng Châu, Phúc Kiến và cả Thượng Hải tuyển nhân công, dân di cư nghèo khổ đi lập nghiệp. Lúc đầu di dân nghèo bị bóc lột, đối xử như nô lệ qua số nợ phải trả coi như làm không công ở các nhà kho, cảng, nông trại hồ tiêu, cau mứt (gambier), thuốc phiện, mỏ thiết. Gambier (cau mứt) được trồng nhiều để lấy chất triết từ cây, chất này dùng để thuộc da (tanning) hay nhuộm. Người Triều Châu chủ yếu thống lảnh nghề trồng tiêu, cau mứt ở Singapore lúc đầu rồi sau đó phát tán ra các vùng chung quanh như Johor ở bán đảo Mã Lai hay Sumatra. Người gốc Hoa chẳng bao lâu trở thành đa số ở Singapore và càng đông ở các thành phố như Penang, Medan, Riau.
            Boat Quay - Các kho hàng ở dọc bờ nam sông Singapore
Dân số càng đông nên nhu cầu thực phẩm như gạo càng nhiều. Siam (Thái Lan) và Nam kỳ (Cochinchina) là hai vựa lúa lớn trong vùng, vì thế gạo được nhập khẩu từ hai nơi này càng lúc càng tăng. Các người gốc Hoa ở Singapore, đa số là Baba thông thạo qui cách làm ăn và mang quốc tịch Anh, chủ các công ty hay doanh nhân đã qua Siam và Sài Gòn, để thiết lập các cơ xưởng, kho hàng, trạm thâu mua gạo. Gạo là sản phẩm chiến lược cho thị trường Singapore đi Đông Nam Á, Hong Kong, nam Trung quốc và trực tiếp đến Manila.
Boat quay - cu li khiêng gạo lên kho 
Một sản phẩm mang lợi nhuận nhiều là thuốc phiện. Những người di dân Trung quốc mang theo thói quen hút thuốc phiện đến các vùng đất mới ở Mã Lai, quần đảo Nam Dương. Thuốc phiện được người Anh du nhập vào Trung quốc đầu thế kỷ 19 từ các vùng sản xuất ở Ấn Độ để cân bằng cán cân thương mại do sự nhập khẩu quá nhiều trà, tơ lụa từ Trung quốc vào Âu châu của công ty Đông Ấn. Các công ty này không đủ số lượng bạc và vàng phải trả, nên sản phẩm thuốc phiện là hàng bán có lợi nhuận lớn nhất hơn vũ khí, hàng kỷ thuật. Chẳng bao lâu, thuốc phiện là hàng nhập khẩu chủ yếu của Trung quốc. Sự nghiêm cấm nhập thuốc phiện của nhà Thanh cũng là nguyên nhân chính đã đưa đến chiến tranh nha phiến dẫn đến hòa ước bất bình đẳng buộc Trung quốc phải nhượng địa và mở cử các hải cảng ở bờ biển Trung quốc cho thương mại tự do.  
Thuốc phiện được dân công làm cu li dùng để giải sầu, trong lúc buồn vắng, xa nhà. Đây là nguồn lợi nhuận lớn cho các nhà buôn, và chính quyền sở tại qua thuế. Các chủ nhà buôn, công ty có thế lực được gọi là “tào kê” (tiếng Triều Châu). Đối với công nhân, cu li làm trong các mỏ xa xôi, khẩn hoang ở các trại gần rừng, tiện nghi không có, làm việc cực nhọc, thuốc phiện không những là nguồn giải sầu cô đơn, mà còn là thuốc duy nhất có tác dụng trị đau nhức, giảm kiết lỵ, sốt hay sốt rét. Quả thật nếu không có tác dụng làm nghiện và nguy hại nếu dùng quá liều, thì thuốc phiện là thứ quý giá nhất cho họ ở những vùng hoang vắng. Vì thế thuốc phiện là nguồn mà các tào kê cung cấp cho những cu li, công nhân làm việc và trở thành thứ cần thiết vừa cho công nhân mà còn mang lại lợi nhuận cho chủ. Điều này làm công nhân trở thành tùy thuộc các tào kê qua nợ mua thuốc giá cao từ nguồn cung cấp gần như độc quyền của các tào kê. 
Các chủ thường bán thuốc phiện cho nhân công, cu li trong cảng, bến tàu, rừng, mỏ, nông trại hoang vắng với giá cao so với giá thành và ngay cả cho họ thiếu nếu không đủ tiền vì thế họ lúc nào cũng phải thiếu nợ chủ, phải làm việc để trả nợ, coi như làm không công. Do đó làm chủ các nông trại trồng và xưởng làm thuốc phiện là một nguồn lợi nhuận khổng lồ. Chính quyền sở tại biết thế, nên để dễ kiểm soát và thâu thuế, họ thường cho đấu giá độc quyền trồng thuốc phiện ở các nông trại và xưởng làm thuốc phiện trong một số năm hạn định. Các công ty tranh nhau được độc quyền ở Singapore, Hong Kong. Siam, Nam Kỳ, Cam Bốt khi đấu giá được tổ chức ở những nơi này. Ở Cam Bốt, hầu như lợi tức của hoàng gia triều đình nước này là từ các trại thuốc phiện. Một người baba ở Singapore, gọi là Ban-hap (Vạn Hòa), qua Sài Gòn buôn bán gạo và thuốc phiện và trong thời kỳ Pháp chiếm Nam kỳ đã được độc quyền một thời gian trồng thuốc phiện ở Nam Kỳ và sau đó ở Cam Bốt do vua Cam Bốt giao thầu trồng và lấy thuế thuốc phiện. 
Sau này do sự lan tràn các tệ nạn xã hội thiệt hại kinh tế lâu dài do thuốc phiện gây ra, thuốc phiện bị bãi bỏ và cấm vào đầu thế kỷ 20 (1907) ở Singapore và bán đảo Mã Lai và từ đó lần lần nguồn sản xuất và thị trường biến mất vào giữa thế kỷ 20. Tuy nhiên ta phải để ý là vai trò của thuốc phiện trong lãnh vực kinh tế ở thế kỷ 19 rất là quan trọng trong thời kỳ phát triển ở Đông Nam Á. 
Những người Hoa có vốn, để làm ăn ở vùng đất mới và tương trợ nhau, họ bỏ chung nhau một số vốn, phần hùn vào một tổ chức mà họ gọi là kongsi (“công ty”). Nếu kongsi làm ăn phát đạt, thì tài sản lợi nhuận được chia theo phần hùn. Người có phần hùn có thể bán lại hay mua phần hùn của người khác. Kongsi nổi tiếng lớn và có thế lực lâu đời là Khâu “công ty” của gia đình người baba họ Khâu.ở Penang. Trong hoạt động của công ty, con dấu (“chop”) mang ấn hiệu của công ty trong giấy tờ chính thức có biểu tượng đặc biệt, như “chop” Chin Sing (Thành Hạnh), vì thế con dấu cũng là công ty. 
Các lưu dân lúc đầu đa số là nghèo khó, họ thường tương trợ lẫn nhau giữa những người đồng cảnh với tinh thần tứ hải giai huynh đệ trong kongxi, với người vai vế cao nhất đứng đầu gọi là “đại ca” (anh lớn). Một số kongxi không có tính chất thương mại mà trở thành hội kính như Nghee Hin (Nghĩa Hưng), tương tự như các hội kính ở Nam kỳ đầu thế kỷ 20 như hội kính Phan Xích Long.
Trong bối cảnh như vậy ban đầu ở Singapore, Mã Lai, Indonesia, người Baba (còn gọi là Peranakan hay Straits-born Chinese) rất mạnh và thống lĩnh về thương mai, vì sinh trưởng và sống qua nhiều đời ở Đông Nam Á. Rất nhiều trong số họ không còn nói được tiếng Hoa, đa số được học và giáo dục tại các trường cao cấp ở Singapore hay ở Anh. Họ thông thạo tiếng Anh và Mã Lai, do đã có liên hệ từ trước với thương gia người Âu và công chức chính quyền thuộc địa từ Bồ Đào Nha, Hòa Lan đến Anh. Vì thế họ có lợi thế trong thương mại, có chân trong các cơ quan chính quyền, trong các chức vị quan trọng như thẩm phán, hội viên Hội đồng lập pháp (Legislative Council)… so với những người mới nhập cư. Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu cũng là người Baba gốc Hẹ (Hakka), sống ở Singapore từ nhiều đời..
Người Anh rất cần những trung gian buôn bán, làm thương mại như người Baba vì vậy họ khuyến khích họ từ Melaka đến lập văn phòng thương mại, lập nghiệp ở Singapore khi cảng Singapore mới được thành lập. 
Khi chiến tranh nha phiến chấm dứt, các cửa khẩu ở Trung quốc cũng được mở tự do mậu dịch. Cũng như lúc trước khi thành lập Singapore, người Anh lại tiếp tục khuyến khích họ từ Singapore và Melaka đến làm ăn ở các cửa khẩu này ở Trung quốc. Để có thể làm dễ dàng và không sợ bị rắc rối với chính quyền nhà Thanh ở Trung quốc với những người Baba gốc Hoa làm việc trên tàu Anh (chính quyền Thanh vẫn coi họ là người Trung quốc và áp dụng luật Trung quốc), nên bắt đầu từ năm 1844, chính quyền ở Penang, Singapore và Melaka cung cấp họ giấy tờ quốc tịch Anh để họ làm việc ở nước ngoài dưới sự bảo hộ của lãnh sự Anh ở các nước, kể cả ở Siam, Nhật, hay thuộc địa các nước Âu châu khác trong vùng (như Pháp, Hòa Lan) (13). Vì thế các thương gia Baba rất có lợi khi đầu tư, hoạt động ở nước ngoài.  Nhiều công ty tàu biển của người Baba thường mướn cả thuyền trưởng và thuyền viên người Anh đảm trách vận chuyển.
Ông Ang Choon Seng (Hồng Tuấn Thành), chủ công ty ‘chop’ Chin Seng (Thành Hạnh), sở hữu hai tàu Patah Salam and Kong Kek, buôn bán chở hàng với hai thành phố Sài Gòn và Bangkok. Hai công ty Low Poh Jim co. (Lưu Bảo Nhâm). and Yap Sian Tee and co. buôn bán hàng hóa với Bangkok. Công ty của Khâu Chánh Trung nhập gạo từ các nhà máy của công ty này ở Sài Gòn. Trong khi đó công ty Wee Bin and co., trở thành công ty nhập khẩu lớn nhất hàng hóa từ Bali và đủ loại đồ gốm, sau đó lớn mạnh với hơn hai mươi tàu dùng trong thương mại với Đông Ấn thuộc Hòa Lan (Indonesia). Công ty Chip Hock and co. bắt đầu buôn bán với Nhật Bản sau khi ông Tan Beng Teck (Trần Minh Đức), người Baba, trú ngụ ở đó một thời gian và mang về các hàng sơn mài, gốm và hàng bạc (Tan Beng Teck cũng là tác giả các sách truyện Trung quốc dịch sang tiếng Mã Lai). Ông Ho Chong Lay (Hà  Tông Lễ), đến Singapore từ Hạ Môn năm 1844, thành lập ‘chop Teng Hin’, chủ vài tàu chở hàng buôn bán với Siam và Sài Gòn  (9)
Các thương gia người Hoa ở Chợ Lớn cũng thường tiếp xúc, liên hệ với các người Hoa Baba ở Đông Nam Á: họ đã có những liên hệ thương mại mật thiết với các cộng đồng người Hoa ở Nam Dương, Singapore và Mã Lai. Ở Chợ Lớn có hai câu lạc bộ của người Baba gốc Hoa Singapore, một thiết lập năm 1878 tọa lạc ở số 64 đường Paris (Phùng Hưng kế đường Phúc Kiến) và một thành lập năm 1886 ở số 105 đường Rue de marins (Đồng Khánh sau này là Trần Hưng Đạo nối dài) sau khi có sự đòi hỏi từ lãnh sự Anh ở Sài Gòn năm 1885 (1). Hội trưởng của hội người Bà Ba là Tay Chow Beng (鄭昭明. Trịnh Chiêu Minh). Trong số họ có một người giàu có làm chủ hảng thuốc phiện là Cheang Hong Lim (章芳林, Chương Phương Lâm) (20). Họ có chùa riêng của họ gọi là chùa Phụng Sơn (còn gọi là chùa Ông Bổn xóm Bà Ba, ngã tư đường Ký Con và Nguyễn Công Trứ) ở quận 1 ngày nay. Chủ yếu họ mua bán lúa gạo, nông phẩm, thầu xây dựng địa ốc, sản xuất thuốc phiện. Lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp từ các tỉnh miền tây mang vào Chợ Lớn-Sài Gòn và xuất khẩu qua nhiều nước ở Đông Nam Á.
Có từ hai mươi đến ba mươi gia đình người Hoa ở Melaka và Singapore trú tại Chợ Lớn, phần lớn trên đường Phúc Kiến, vì thế đường này được họ gọi là “đường Bà ba” (rue des Baba). Baba là tên những người gốc Hoa ở vùng Strait Settlement (Singapore và Malaysia) tự gọi họ (1). Vết tích văn hóa của họ còn để lại trong ngôn ngữ Việt Nam như áo bà ba, bánh gỏi bà ba, chè bà ba (gula Malaka) (1). Qua sự liên hệ thương mại giữa người Hoa ở Chợ Lớn và các thành phố khác ở Đông Nam Á như Singapore, Hong Kong, ta cũng không lạ gì nhiều nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn nhập máy xay bằng hơi nước hiệu “Barley Mill” từ Anh qua Singapore hay Hong Kong mặc dầu có sự phàn nàn từ người Pháp do không mua máy của Pháp (3). Các thương gia nổi tiếng người Hoa gốc Phúc Kiến từ Singapore là ba anh em Tan Keng Ho (Trần Khánh Hòa), Tan Keng Hoon (Trần Khánh Vân), Tan Keng Sing (Trần Khánh Tinh), Khâu Chánh Trung (Khoo Cheng Tiong), Trần Kim Chung (Tan Kim Ching) và ông Gan Wee Tin (Nhan Vĩ Thiên) đều có nhà máy xay lúa hay phần hùn trong đó.
Sài Gòn-Chợ Lớn, trạm trung chuyển hàng hải giữa Singapore và Hong Kong
Con đường thông thương hàng hải giữa Âu châu, Singapore và các thành phố Đông Á như Hong Kong, Quảng Châu, Thượng Hải, Nagasaki, Osaka, Tokyo trở nên rất tấp nập vào các thập niên cuối thế kỷ 19, nhất là từ khi kênh đào Suez được mở. Các tàu hơi nước đi từ Singapore đi Hong Kong đều ghé cảng Sài Gòn. Vì thế rất nhiều du khách đã viếng Sài Gòn trong trạm dừng nghĩ và viết về thành phố này, như Vincent (12), Gray (11), Trần Công Sơn (8), Lý Thanh Hội (13) và một người Hoa từ Batavia (Jakarta ngày nay) (1). Đầu năm 1875, ông Gray, phó chủ giáo Anh giáo, địa phận Hong Kong, sau khi sống ở Trung quốc 23 năm, trở về Anh từ Hong Kong trên tàu “Anadyr” của công ty Pháp Messageries Maritimes Compagnie, ghé Sài Gòn. Ông Gray đã mô tả Sài Gòn và so sánh với Hong Kong. Sài Gòn đèn đường được đốt sáng ban đêm bằng dầu trong khi Hong Kong là gas và nói chung đường xá không tốt như ở Hong Kong và hoạt động thương mại kém hơn. Một đoạn nói về Sài Gòn như sau (11):
“Tòa nhà đồ sộ nhất mà người Sài Gòn thường khoe, đó là dinh mà viên thống đốc toàn quyền ở. Tòa nhà rất lớn, bằng nếu không nói là hơn, về phương diện thiết kế kiến trúc và huy hoàng, các dinh thự khác ở Âu châu” 
Năm 1888, người Baba Singapore tên là Tan Keong Sum (陳功山, Trần Công Sơn, sinh khoảng năm 1861) đi du lịch từ Singapore đến Sài Gòn-Chợ Lớn trên tàu hơi nước “Djemnah” của công ty Messageries Maritimes vào ngày 19/4/1888 với cha mẹ và 2 người chị gái và gia đình (8). Trần Công Sơn (với bút hiệu Shengtang) làm việc cho công ty “chop” Hong Hin (Phùng Hưng), công ty tàu biển của Tan Kim Seng (Trần Kim Thanh). Anh của Trần Công Sơn là Trần Công Tích (陈恭锡), người Baba sinh ở Malaka là một trong những người thành lập Phòng thương mại Trung hoa ở Singapore, giám đốc công ty tàu biển Straits Steamship Co. và công ty cảng Tanjung pagar Dock Ltd., hiện nay có một con đường ở Singapore mang tên ông. 
Trong 8 ngày ở Sài Gòn-Chợ Lớn, Trần Công Sơn đã ghi chép lại những gì ông chứng kiến và nhận xét có giá trị về cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn và thành phố Sài Gòn nói chung. Bài “Việt Nam du ký” (越南遊記) của ông sau đó được đăng lại nhiều kỳ trên nhật báo tiếng Hoa gọi là Lat Pau (Lặc Báo) ở Singapore vào năm 1888. Vì bài có nhiều thông tin mới có giá trị được nhiều người để ý, nên sau đó các bài trên báo được in lại thành 1 cuốn sách nhỏ do Lat Pau Press in (7). Cuối sách là phần ghi chú của chủ bút báo Lat Pau, Ye Jiuyun, cho biết khi Trần Công Sơn đưa ông bản thảo, ông nhận thấy có giá trị, thấy cần xuất bản, ca ngợi đức tánh con người tác giả và những dòng ghi chú này được ông Trần Công Sơn kêu ông viết ở cuối sách. 
Mặc dầu quyển sách nhỏ này của Trần Công Sơn chỉ in có 100 số, vậy mà nó cũng có đến Trung Quốc vào thế kỷ 19, khi nhà khoa bảng nghiên cứu nổi tiếng Wang Xiqi (王錫祺) (Vương Tích Kỳ) đăng lại tóm tắt trong bộ sách của ông “Xiaofanghuzhai yudi congkao” (小方壺齋輿地叢鈔, Tiểu phương hồ trai dư địa tùng sao) "Collected texts on Geography from the Xiaofanghu study" (sưu tập về địa dư từ bộ nghiên cứu Tiểu phương) xuất bản năm 1891 với cùng tựa đề "Việt nam du chí" nhưng tác giả thì chỉ đề là "Ông Trần ở Singapore”. 
Đây là cuốn sách văn học đầu tiên của người Baba (Peranakan Cina) ở vùng Strait Settlement, được đánh giá là tác phẩm cột mốc trong lịch sử người Hoa trong thế giới Mã Lai ở Singapore và Malaysia (7). 
Trần Công Sơn cho biết ở Chợ Lớn có khoảng 20-30 gia đình người Singapore, Melaka và một số trong họ có vợ lẻ ở Viêt Nam. Thành phố đốt đèn bằng dầu thay vì gaz, dầu được nhập từ Nga và Mỹ. Ban đêm sau mười giờ ra đường phải mang đèn nếu không phải trả thuế. Nếu người ta muốn đi lại trong thành phố, phải đóng 3 quan 6 một năm và ra ngoài 12 quan; nếu không sẽ không được phép đi. Ông không có cảm tình với người Pháp, ngoài khi đến Sài Gòn ở hải quan ngay trạm quan thuế gần bến cảng, ông và gia đình phải đợi hai tiếng khám xét và sau đó phải về để ngày mai mới lấy được hành lý vì hôm đó là chủ nhật, ông đã mô tả cảnh ông đi dạo và gặp một nhóm người Pháp như sau (8):
“Ngày 18, chúng tôi đi xe ngựa hóng mát cùng với bạn bè; con đường dẫn chúng tôi đến gần sở thú thì gặp tám người lính Pháp; tất cả đều có trang bị súng đi ở giữa đường. Người lái xe la lên để họ cho xe qua, và khi xe đến gần họ, xe vừa tránh đúng khỏi họ; họ nhìn chúng tôi giận dữ và chửi rủa rất lâu mà tôi không hiểu tiếng Pháp gì. Thôi mà, trách chi họ chỉ là những người phục dịch nhỏ bé tầm thường và mặc dầu họ tự phát ra sự khinh thị người Hoa; người ta có thể thấy qua đó tâm địa của người Pháp”.
Chợ Lớn: Kênh Tàu Hủ - Bến Hàm Tử - Bến 
Lê Quang Liêm (Trần Văn Kiểu ngày nay) 
Chen Shengtang (tức Trần Công Sơn) nói là trong rạp hát Shengping (Thăng Bình) ở Chợ Lớn ông có xem tuồng Quảng và ông nhận ra các diễn viên diễn tuồng này đã có diễn ở Singapore trước đó. Rạp rất sập xệ, rạp Liangquing (Liên Thanh) còn tệ hơn nữa. (8)
“Tòa nhà rạp Thăng Bình gần như sắp đổ xập, gỗ đã mục hoàn toàn và đồ vật trong rạp rất tàn tệ; các diễn viên hát tiếng Quảng, diễn xuất theo kiểu ‘thanh thái’ (Qingcai) (*); phân nữa đoàn mặc y phục cũ và phân nữa mới; đoàn gồm đủ loại người, tôi nhận ra các diễn viên đã diễn ở Singapore với đoàn Xinxinfeng, vì thế tôi cũng có thể hiểu họ đã trình diễn cái gì. Rạp Liên Thanh còn tệ hơn rạp Thăng Bình, ở rạp này có trình diễn tuồng hát bằng tiếng Việt Nam” 
Điều này cho thấy, cộng đồng người Hoa ở hai thành phố Singapore-Sài Gòn đã có trao đổi văn hóa lẫn nhau vào cuối thế kỷ 19. Hiện nay ở Sài Gòn, ông Trần Công Sơn còn để lại thủ bút tên chùa Phụng Sơn của ông ở trên cửa vào chùa.
Nhà hát Trung hoa - đường Phùng Hưng (rue de Paris), 
Chợ Lớn. Đây có thể là một trong hai rạp hát mà 
Trần Công Sơn có đến xem trình diễn.
Một người Baba khác gốc từ Melaka, ông LiQuingHui (Lý Thanh Hội) năm 1889, cùng với người em, cũng đã ghé Sài Gòn trên đường đi Hong Kong, Thượng Hải, Kobe, Oaska, Kyoto, Nagasaki, Phúc Châu, Hạ Môn, Quảng Châu. Lý Thanh Hội để lại tư liệu về đời sống ở Chợ Lớn, trên các bài “Đông du chí lược” đăng trên Lặc Báo (Lat Pau, n° 2162-2180, 12/2.-5/3, 1889). Ông viếng các nhà máy xay lúa của người Baba gốc Phúc Kiến, đồng hương Singapore của ông ở bến dọc rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ và kho hàng của ông Trần Hưng Long.
Lý Thanh Hội là con rể của một thương gia Baba từ Melaka gốc Phúc Kiến giàu và có tiếng ở Singapore, ông Tan Kim Seng (陈金声, Trần Kim Thanh), chủ công ty Kim Seng & Co., người xây các cầu, đường trong thành phố Singapore và là thẩm phán người Hoa đầu tiên ở Singapore. Ông Trần Công Sơn cũng làm việc cho công ty (“chop” Hong Hin hay Phùng Hưng) của ông Trần Kim Thanh và vì thế hai ông Lý Thanh Hội và Trần Công Sơn có quen biết nhau. 
Khi ghé thăm Chợ Lớn, Lý Thanh Hội được con của ông Trần Khánh Tinh (Tan Keng Sing, em của Trần Kim Thanh) là Tan Hin Long (Trần Hưng Long) ở Chợ Lớn mời đến nhà ăn tối (lúc này Trần Khánh Tinh đã mất và người con thừa hưởng tất cả nhà cửa tài sản ở Chợ Lớn). Ở đây ông có gặp thêm hai đồng hương Singapore khác, trong đó một người làm cho Banque de France, và một người có rất nhiều nhà cửa, địa ốc ở Sài Gòn-Chợ Lớn.
Quai My Tho - Bến Lê Quang Liêm 
(Trần Văn Kiểu ngày nay) - Chợ Lớn
Những gì hai ông Trần Công Sơn và Lý Thanh Hội viết về Chợ Lớn cho thấy cộng đồng các thương gia người Singapore đã có cơ sở khá quan trọng trong sự phát triển Chợ Lớn.  
Quan hệ hổ tương, liên kết giữa tầng lớp thương mại và trí thức ở Singapore 
Sự liên hệ giữa các nhà thương mại, công kỹ nghệ với các trí thức người Baba trong sự phát triển Singapore là một yếu tố quan trọng lịch sử nước này. Thương mại đi đầu, làm nền tảng có cơ sở giúp đỡ xây dựng lớp trí thức và qua đó trí thức ủng hộ tư tưởng thực dụng, tinh thần cải cách tạo nên tạo ra một sự phối hợp tư tưởng, văn hóa Đông Tây tối ưu trong sự phát triển hài hòa.
Năm 1896, Lim Boon Keng (林文慶, Lâm Văn Khánh, người baba gốc phúc Kiến ở Penang), Song Ong Siang (宋旺相, Tống Vượng Tương) và Trần Võ Liệt (陈武烈, Tan Boo Liat, cháu nội của tào kê Trần Kim Chung) thành lập trường nữ sinh người Hoa đầu tiên ở Singapore (Singapore Chinese Girls' School). Đây là một cuộc cách mạng đối với thái độ trong xã hội phong kiến của người Hoa ở Trung quốc thời bấy giờ. Ngoài ra ông Lâm Văn Khánh còn lập ra mặt trận chống hút thuốc phiện và một trung tâm điều trị cho những người nghiện thuốc. Ông kêu gọi người Hoa từ bỏ hút thuốc phiện trong nhiều buổi thuyết trình trước công chúng từ 1893 đến 1895
Họ cùng với các nhân vật baba lão thành khác như Tan Jiak Kim (陈若锦. Trần Nhược Cẩm) và Siah Liang Siah (连城, Xà Liên Thành), thành lập Hảo Học Hội (The Chinese Philomathic Society). Các ông này đều là những tào kê thương gia, công nghệ giàu có ở Singapore. Tan Jiak Kim là cháu nội của Trần Kim Thanh (Tan Kim Seng) và là người đầu tiên đề nghị thống đốc Straits Settlements lập trường y khoa tiền thân của Đai học Malaya (Universiti Malaya) và Đại học Singapore (National University of Singapore) ngày nay. Seah Liang Seah, người Triều Châu, là chủ đồn điền trồng tiêu và cau mứt ở Singapore. 
Hảo Học Hội có mục đích tạo môi trường cho các hội viên và công chúng có các hội thảo, nói chuyện, tranh luận văn học, các đề tài cải cách, nghiên cứu văn học Anh, nhạc tây phương và ngôn ngữ Trung quốc. Hảo học Hội tương tự như Hội Khai trí tiến đức (A.F.I.M.A, Association pour la formation intellectual et moral des Annamites), Hội Đức Trí Thể Dục (S.A.M.I.P.I.C, Société d'Améloration Morale, Intellectuelle et Physique des Indigènes de Cochinchine) được thành lập vài thập kỷ sau này ở Việt Nam. 
Nhóm Hảo Hội Học có liên hệ với giới trí thức tiến bộ ở Trung quốc. Ông Lâm Văn Khánh là chủ tịch thứ hai của Đại học Hạ Môn (Xiamen University) khi Tôn Dật Tiên kêu gọi ông giúp đở quản lý. Khi Tôn Dật Tiên và sau này gia đình của ông đến Singapore đều ở tại nhà của Trần Võ Liệt. Tống Vượng Tương, người Baba đầu tiên được phong tước hầu (knighted), là nghị viên Hội đồng thành phố Singapore và tác giả quyển “100 năm lịch sử người Hoa ở Singapore” (18).    
Năm sau (1897), ông Tống Vượng Tương và Lâm Văn Khánh xuất bản tạp chí “Straits Chinese Magazine: A Quarterly Journal of Oriental and Occidental Culture”. Tân Khổng giáo đối với họ là cần thiết để xây dựng một nền tảng văn hóa mới. Tân Khổng giáo là một quan niệm triết lý sống với những điểm tích cực trong một thời đại mới, không hủ tục, mê tín, phong kiến, giải phóng phụ nữ, thích hợp với trào lưu tư tưởng hiện đại. Tống Vượng Tương nhấn mạnh là người baba (Straits Chinese) phải tạo ra một chổ đứng trong xã hội thuộc địa bằng đòi hỏi quyền lợi vì họ là công dân Anh. Trong một bài xã luận đăng trên tạp chí Straits Chinese Magazine, ông Lâm Văn Khánh phân tách vị trí pháp lý của người Hoa sinh ra ở thuộc địa vùng Straits Settlements (Mã Lai, Singapore) và xác định họ là công dân Anh, trung thành với vua Anh chứ không phải nhà Thanh qua lãnh sự Thanh ở Singapore (9). 
Số đầu tiên của tạp chí, chỉ phát hành 800 số, nhưng sau đó bán sạch mà sau này những người để ý thích đọc tạp chí muốn mua lại số cũ cũng không mua được. Độc giả của tạp chí lan ra ngoài Singapore, Malaysia đến những thành phố xa như Batavia (Jakarta ngày nay), Bangkok, Sài Gòn và Yokohama. Lâm Văn Khánh được sự trợ giúp đắc lực từ ông Tan Teck Soon (Trần Đế Thuấn 1859-1922, 陈帝舜). Đối với ông Trần Đế Thuấn thì tạp chí là phương tiện mà người Baba gốc Hoa có dịp học lại lịch sử và văn hóa của ông cha mình, trong bộ “y phục người Anh” (9). 
Trần Đế Thuấn là một học giả hoạt động tích cực ở Singapore vào đầu thế kỷ 20. Ông là hội viên sáng lập của câu lạc bộ tranh luận của giới trí thức gọi là “The Straits Philosophical Society” (Hội Triết học vùng Eo biển Mã Lai, 1893-1916), và là một trong hai hội viên gốc Hoa duy nhất (người gốc Hoa khác là ông Lâm Văn Khánh) (19). Ông làm cho công ty Kim Ching & co. của tào kê Trần Kim Chung, người có nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn và Siam. Ở văn phòng chuyên trách về Siam của công ty, ông cố vấn chính phủ Siam (Trần Kim Chung còn là lãnh sự cho Siam). 
Trần Đế Thuấn, người baba theo đạo Ki-tô, nghiên cứu văn minh Trung quốc và sự cống hiến đáng kể nhất của ông là quan niệm lại về nền văn minh Trung Hoa là nền văn minh tiến bộ và rộng mở với sự thay đổi chứ không đóng cửa lạc hậu, thách thức với quan điểm của đa số người Âu lúc đó là nền văn minh Trung quốc là lỗi thời và không tiến bộ (9). 
Năm 1898, Trần Đế Thuấn, Lâm Văn Khánh và Khâu Thục Viên (Khoo Seok Wan) thành lập tờ Thien Nan Shin Pao (Thiên Nam Tân Báo). Khâu Thục Viên là con của tào kê Khâu Chánh Trung, một đại thương gia có 5 nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn. Lâm Văn Khánh còn mua lại tờ Sing Po (, Tinh Báo) và đổi tên thành tờ báo Jit Shin Pao (日新, Nhật Tân báo). Tờ Thiên Nam Tân Báo và Nhật Tân Báo phổ biến tư tưởng Tân Khổng giáo trong quần chúng độc giả và những hoạt động khôi phục, cải cách. Nhiều bài của Trần Đế Thuấn và Lâm Văn Khánh là dịch lại những bài nói chuyện và bài viết bằng tiếng Anh của họ đã đăng trên tạp chí “Straits Chinese Magazine”. Một trong những bài viết có giá trị và ảnh hưởng của Trần Đế Thuấn là bài “The Reform movement in China” (“Phong trào cải cách ở Trung quốc”). Các bài sau của ông chỉ trích một số quan niệm người Âu cho là Trung quốc chỉ có cải cách từ ngoài được mà không có sức mạnh hay ý tưởng nội tại đã gây tranh luận và các phản ứng trên tạp chí Hội Triết học. 
Tờ Thiên Nam đứng trên quan điểm và truyền bá tư tưởng yêu nước của người Hoa. Tuy vậy khác với các tờ báo Hoa ở Singapore, tờ báo không phải không chỉ trích chính quyền nhà Thanh hay trở thành công cụ tuyên truyền cho những lời bịa đặt mất phẩm cách đã xuất hiện trong thời chiến tranh Nhật - Trung (9). Trong khi đó tờ Nhật Tân (Jit Shin), có mục đích phổ biến nâng cao kiến thức khoa học và kỷ thuật phương Tây qua những bài dịch từ báo chí và các nhà văn nổi tiếng phương Tây. Hai tờ báo Thiên Nam và Nhật Tân thường tường trình về các hoạt động của Hảo Học Hội và in lại các tin tức hay bình luận của các tờ báo cải cách ở Trung quốc hay hải ngoại ngoài Trung quốc, vì thế là cầu nối hữu hiệu cho những nhà cải cách ở Singapore với hệ thống toàn cầu của những người cải lương tiến bộ gốc Hoa (9). 
Ta có thể nhận thấy tinh thần của nước và con người Singapore hiện nay bắt nguồn và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những nhà trí thức, học giả, thương công kỹ nghệ gia tiên phong tạo lập cơ sở hạ tầng vật chất và tinh thần ở vùng này vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. 
Tiêu biểu người Baba ở Sài Gòn và Singapore trong thế kỷ 19
Chỉ trong vòng hơn 10 năm khi Pháp thiết lập chính quyền và mở cửa tự do kinh doanh cảng, khuyến khích thương mại, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các người Hoa ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn trong đó có nhiều người Baba từ Singapore đã phát vượt bực qua truyền thống doanh thương, nhạy bén và mạo hiểm trên thương trường của họ. Họ có nhiều vốn và đã có kinh nghiệm và cung cách làm việc ở Singapore, Melaka với người Hòa Lan, Anh từ nhiều năm trước nên khi được có cơ hội làm ăn trong tình thế mới đã trở nên giàu có nhanh chóng, thầu các công trình lớn phát triển cơ sở hạ tầng ở Sài Gòn-Chợ Lớn tạo sự khâm phục và ấn tượng đối với người Pháp 
Sau đây là sơ lược tiểu sự các “tào kê” nổi tiếng ở Sài Gòn và Singapore, một số là những người tiên phong trong lịch sử phát triển thành phố Singapore lúc khởi đầu.
(1) Vạn Hòa (Ban-hap) 
Người Pháp gọi ông Gan Wee Tin (Nhan Vĩ Thiên) bằng tên Ban-hap (萬和, Vạn Hòa). Vạn Hòa là tên công ty mà ông Wee Tin lập ra ở các tỉnh miền Nam trồng và buôn bán thuốc phiện, lúa gạo trong các năm ở thập niên 1850, trước khi người Pháp đến (1)(4).  Công ty Vạn Hòa sau đó làm ăn phát đạt mở rộng đến Cam Bốt với các đặc quyền từ vua nước này cho phép trồng, sản xuất thuốc phiện năm 1869 và ở Nam kỳ năm 1869 được chính quyền Pháp tiếp tục cho phép độc quyền mặc đầu bị sức ép của các thương gia và công ty Pháp muốn cạnh tranh ở Cam Bốt. Ban-hap còn có độc quyền ở Cam Bốt sản xuất bán vé số, mở các tiệm cầm đồ, sòng cờ bạc, trại nuôi và bán thịt heo. 
Năm 1864, vài năm sau khi Pháp chiếm Sài Gòn, đề đốc de la Grandière đã mời ông Vạn Hòa, người đầu tiên xây ngôi nhà lầu đẹp, đến dinh đô đốc để thưởng một đồng hồ quả lắc. Ban-hap mặc dầu là triệu phú nhưng rất thích món quà này. Ông ta đã dành riêng trong nhà ông một phòng đẹp nhất để chứa đồng hồ quả lắc này. Và ông đã bỏ ra nguyên ngày trong bộ đồ lễ, đi sau 4 người thợ khiêng trên một kiệu vàng chiếc đồng hồ quả lắc, quà của thống đốc, cùng với bằng khen. Ông đã để cho các chức sắc chiêm ngưỡng trước khi đặt vào trong phòng danh dự mà ông đã sữa soạn sẵn (16). Ban-hap cũng là hội viên sáng lập Hội trung ương cứu trợ tàu bị đắm (Société centrale de sauvetage des naufragés) thành lập năm 1865 ở Pháp với hội viên trên khắp thế giới. Ông cũng là chủ một xưởng làm thuốc phiện ở Sài Gòn. Người Pháp gọi ông là Ban-hap, vì ông là chủ nhân của công ty Ban-hap (Vạn Hòa). 
Ông là người Singapore gốc Hoa (Baba) đến Sài Gòn và lục tỉnh từ những năm của thập niên 1830 làm ăn buôn bán gạo và lập cơ sở trồng và làm thuốc phiện để xuất khẩu đến Singapore, Penang và Melaka. Tên thật của ông là Gan Wee Tin (Nhan Vĩ Thiên). Lúc người Anh lập thành phố Singapore năm 1819, rất nhiều người Hoa trong vùng bán đảo Mã Lai và từ nam Trung quốc đến đây và vùng Cư trú Eo biển (Strait Settlement gồm 3 thành phố chính Penang, Melaka, Singapore) lập nghiệp và khai phá. Vì thế nhu cầu gạo và dịch vụ rất lớn nên rất nhiều thương gia người Hoa đến Bangkok và Sài Gòn để buôn bán, trong đó có ông Nhan Vĩ Thiên. Ông có nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn. 
Trong một số vài hội viên mà đa số là người Pháp vào lúc sơ khai của Phòng Thương mại (chambre de commerce) ở Sài Gòn, năm 1886, ông Vương Thái và ông Vạn Hòa (Ban-Hap), là hai hội viên buổi ban đầu này, duy nhất một hội viên người Việt là ông Nguyễn Trọng Tạo (1). 
Năm 1879, các “tào kê” ở Sài Gòn, ông Vạn Hòa cùng với các đồng hương Baba gốc Phúc Kiến (Trần Khánh Hòa, Trần Khánh Vân và Trần Khánh Tinh) quyết định củng cố thị trường và cơ sở sản xuất thuốc phiện ở Đông Nam Á. Chính quyền Anh ở Hong Kong muốn lợi tức từ hợp đồng sản xuất độc quyền thuốc phiện có gia cao hơn hiện do những người Hoa Quảng Đông nắm giữ nên khuyến khích Vạn Hòa và nhóm Baba ở Sài Gòn và Singapore lấy được hợp đồng (15). Sự thành công của Vạn Hòa tạo thêm uy thế của ông. Ông có lúc ở Sài Gòn, Hong Kong hay Singapore nhưng Sài Gòn là cơ sở chính và là nơi ông cư ngụ. 
Quyền hạn và sự giàu có qua thuốc phiện của Vạn Hòa đã làm chính quyền Pháp ở Nam kỳ lục tỉnh lo ngại và muốn giới hạn lại. Bắt đầu từ năm 1881, qua các bản báo cáo điều tra của Groeneveldt và.các điều trần với sự tham dự từ nhiều tầng lớp xã hội đã cho thấy không những Vạn Hòa độc quyền sản xuất phân phối thuốc phiện đến tận các làng, chợ, cửa tiệm và bán với giá cắt cổ mà còn nắm thị trường gạo và ngay cả hàng tiêu dùng nhập từ Pháp. Người Việt địa phương sẵn sàng đứng về phía chính quyền, các thương gia Pháp chống lại sự độc quyền của công ty Vạn Hòa (14). 
Nam 1883, Hội đồng Quản hạt (Conseil colonial) bỏ phiếu bãi bỏ các trại trồng thuốc phiện độc quyền hiện công ty Vạn Hòa nắm giữ và thiết lập Regie Directe do chính quyền trực tiếp quản lý độc quyền trồng và sản xuất thuốc phiện. Ở Hội đồng Quản hạt các đại biểu Việt cũng bỏ phiếu chống sự độc quyền của Vạn Hòa. Công ty Vạn Hòa mất thế lực ở Sài Gòn từ đấy. 
Không lâu sau, đường thương mại thuốc phiện và cu li đến Mỹ và Australia phát triển trong thời tìm vàng giảm xuống nhanh chóng và gần như chấm dứt khi luật ở hai nơi này ban hành hạn chế di dân người Hoa từ Trung quốc. Các trại thuốc phiện ở Hong Kong vì thế cũng không còn có giá trị như xưa nữa, cho đến khi chúng hoàn toàn chấm dứt vào đầu thế kỷ 20. 
(2) Trần Khánh Hòa 
Ông Trần Khánh Hòa (陳慶和) cũng thành công và có thế lực kinh tế không kém ông Vạn Hòa. Ngày 8/7/1869, đề đốc Ohier đổi tên Ủy ban thành phố (Commission municipal) mà trước đó vào năm 1867 thống đốc de la Grandière đã thành lập sau khi Pháp vừa chiếm Sài Gòn, thành tên chính thức Hôi đồng thành phố Sài Gòn (Conseil municipale de la ville de Sài Gòn), gồm 1 thị trưởng và 13 hội đồng viên với nhiệm kỳ 2 năm (7 người được bầu và 6 người được thống đốc chọn), trong đó có Trương Vĩnh Ký và Tang Keng Ho (Trần Khánh Hòa). Đây là Hội đồng thành phố đầu tiên của Sài Gòn (6). 
Ông Trần Khánh Hòa và hai người em Tan Keng Hoon (陳慶云, Trần Khánh Vân) và Tan Keng Sing (陳慶星, Trần Khánh Tinh) có cơ sở làm gỗ và xưởng đóng tàu ở Sài Gòn khi họ đến Sài Gòn từ Singapore trước khi người Pháp chiếm Sài Gòn và Nam kỳ. Công ty đã có cơ sở thiết lập từ năm 1861 và phát triễn thành công mà tờ báo “Le Courrier Sài Gòn” đã đề cập vào năm 1865. Năm 1865 cũng là năm các anh em họ Trần hợp tác hùn vốn với công ty “Ban-hap et cie.” (Vạn Hòa) trong xưởng làm thuốc phiện. Trần  Khánh Vân mất năm 1877, để lại gia sản to lớn ở Singapore và Sài Gòn cho con gái vẫn còn sống ở Singapore. Con gái của Trần Khánh Vân, Tan Yean Neo, lấy cháu nội của ông Ang Choon Seng (Hồng Tuấn Thành), một người Baba gốc Phúc Kiến từ Melaka, chủ công ty ‘chop Chin Seng’, có hai tàu biển buôn bán giữa Singapore và Sài Gòn. Khi Trần Khánh Sinh mất, nhà và cơ sở thương mại ở Chợ Lớn được người con trai là Trần Hưng Long kế nghiệp mà ông Lý Thanh Hội có đề cập đến khi viếng Chợ Lớn vào năm 1889. 
Công ty của Trần Khánh Hòa có trụ sở đặt tại Quai de commerce (bến Bạch Đằng ngày nay) và trong niên giám đề là “nhà thầu các công trình cho chính phủ” (14). 
(3) Khâu Chánh Trung 
Khâu Chánh Trung (邱正忠, 1820-1896) là một trong những người tiên phong trong lịch sử thành lập Singapore. Sinh năm 1820, người Baba gốc Phúc Kiến (làng Tân An, Hạ Môn), đến Singapore năm 1840, có thể là bà con với dòng họ Khâu thuộc Khoo Kongsi (‘Công ti” Khâu) ở Penang, vì Khâu công ty cũng gốc từ làng Tân An. Em ông là Khâu Chính Triều (Khoo Cheng Cheok, có tên đường ở Tanjong Pagar). Khâu Chánh Trung trở thành một thương gia gạo rất thành công, công ty ông Khoo Cheng Tiong & co. có văn phòng và kho chứa gạo ở Boat Quay. Khâu Chánh Trung có 5 xưởng xay lúa gạo ở Chợ Lớn. Khi ông mất, gia sản ông để lại hơn 1 triệu dollar (18).  Ông là chủ tịch của Viện y khoa Đồng Tế  (, Thong Chia Medical Institution) 
Con của ông, Khâu Thục Viên (邱菽园, Khoo Seok Wan, 1874-1941), học giả và thi sĩ nổi tiếng, người cùng với Lâm Văn Khánh thành lập báo đổi mới tiến bộ Thiên Nam Tân Báo (天南新, 1898), và chủ bút tờ Sin Chew Jit Poh (星洲日報, Tinh Châu Nhật báo). Khâu Thục Viên ủng hộ phong trào cải lương, cách mạng cải cách ở Trung Quốc, cũng như Lâm Văn Khánh khuyến khích ủng hộ giáo dục cho phụ nữ ở Singapore. 
Với tài sản của cha ông để lại, ông giúp đỡ tài chánh rất nhiều trong phong trào “Một trăm ngày cải cách” (百日维新, Bách nhật duy tân 1898) vào năm 1898, nhưng phong trào bị Từ hi Thái hậu nhà Thanh đàn áp dẹp tắt. Ngày 2 tháng 2 1900, ông mời Kang Yu-wei (康有, Khang Hữu Vi), một trong những lãnh đạo phong trào đến Singapore, trả hết chi phí và bảo hộ Khang Hữu Vi ở đó 6 tháng để gây quỷ cải cách từ mọi người Baba, người Hoa ở Singapore và khắp nơi trên thế giới như Australia. 
Cách đây vài năm (2006), trong khu vực Vườn bách thảo Singapore, vùng Bukit Timah, có 3 ngôi mộ cổ ở thành phố này mà một mộ (1842) là của ông Qiu Zheng Zhi và vợ Li Ci Shu sống vào thời Stamford Raffles thành lập. Trên bia có đề tên con cháu trong đó nhiều tên họ Khâu, vì thế mộ cổ nhất này cho biết có thể là ông Qiu Zheng Xhi là từ Penang thuộc Khâu Kongxi (10). Theo bản đồ xưa thì khu mộ này ngày xưa trong thập niên 1840 là đồn điền trồng gambier (cây cau mứt). 
(4) Trần Kim Chung 
Tan Kim Ching 1829-1892 (陳金鐘, Trần Kim Chung) được người bản sứ Mã Lai ở Singapore gọi là “Kapitan Cina” (Captain of China). Ông là con trưởng của Tan Tock Seng (Trần Đốc Sinh, 1798-1850), người Baba ở Melaka gốc Phúc Kiến. Ông nói sành tiếng Mã Lai. Khi cha ông mất, ông thay thế thương nghiệp của cha ông, lập ra “chop” Chin Seng (Thành Hạnh) với người em ở số 24 Boat Quay, sau đổi là Tan Kim Ching & bro và Kim Ching & co. 
Năm 1863, ông bỏ vốn thiết lập công ty vận hành cảng, Tanjong Pagar Dock Company (tiền thân của cơ quan quản lý cảng Singapore ngày nay, Port of Singapore Authority), và mua hai tàu hơi nước, “Siam” và “Singapore” chuyên chở hàng, lúa gạo từ Siam, Sài Gòn và các nơi đến Singapore cho tất cả các khách hàng. Ông tích cực quảng bá, tiếp thị công ty cảng Tanjong Pagar Dock Co. Ông có các nhà máy xay lúa ở Sài Gòn và Siam và văn phòng ở Hong Kong.
Thế lực trên thương trường của ông được coi là bậc nhất ở Singapore.Ông là bang trưởng bang Phúc Kiến ở Singapore và được chính phủ bổ nhiệm vào Hội đồng thành phố Singapore vào năm 1888. Ông có liên hệ cá nhân rất tốt và thân cận với nhà vua và hoàng gia Siam. Qua sự liên hệ thương mại sâu đậm với Siam lúc đầu, Trần Kim Chung quen biết và lần trở thành người thân tín của hoàng gia Siam. Ông vừa hiểu rõ và hoạt động hữu hiệu trong thế giới văn hóa Âu châu lại thấm nhuần tôn trọng truyền thống văn hóa phẩm giá Á đông nên ông là người lý tưởng mà vua Siam tin tưởng.
Năm 1863, vua Mongkut (Rama IV) nhờ ông là lãnh sự đại diện cho Siam ở Singapore. Ở cùng thời điểm này, ở Việt Nam Nguyễn Trường Tộ đệ trình bản tường trình canh tân đất nước lên vua Tự Đức nhưng không có kết quả khả quan
Sau khi vua Mongkut mất, vua Chulalongkorn ủy nhiệm chức Tổng lãnh Sự. Khi vua Rama IV muốn tìm một người Âu để dạy các con cháu trong gia đình hoàng gia theo nền giáo dục phương Tây, nhưng vẫn giữ và kính trọng nếp văn hóa Siam, thì chính ông Trần Kim Chung là người giới thiệu Anna Leonowens, một góa phụ người Anh với hai con còn nhỏ đang tìm việc ở Singapore, cho vua Mongkut để giáo dục gia đình hoàng gia. Vào năm 1862 Sau này Anna viết chuyện pha lẫn hồi ký về kinh nghiệm của bà ở Siam trong quyển “The English Governess at the Siamese court”, bán rất chạy và được dựng thành phim “The King And I”, “Anna and the King”. 
Khi vua và hoàng hậu Siam đến viếng Singapore năm 1890, họ ở nhà ông Trần Kim Chung, ngày nay nhà này được gọi là "Siam House", ở đường North Bridge Road. Khi có ý muốn mua nhà ở Singapore, nhà vua cũng đã hỏi ý ông Trần Kim Chung và nhà vua đã mua căn nhà "Hurricane House" ở đường Orchard Road, đường trung tâm của thành phố Singapore.hiện nay. Hiện nay có con đường mang tên ông, Tan Kim Ching Street, ở Singapore 
(5) Vương Thái 
Người Hoa nổi tiếng ở Sài Gòn-Chợ Lớn cuối thế kỷ 19 là ông Cheung Ah Lum (Trương Á Lâm, hay Zhang Peilin, Trương Bội Lâm). Cũng như ông Ban-hap (Vạn Hòa, tên thật là Gan Wee Tin hay Nhan Vĩ Thiên), người Pháp gọi ông là Wang-Tai (王太, Vương Thái). Wang-Tai là tên công ty ông lập ở Sài Gòn sau khi ông đến từ Hồng Kông vào năm 1862 để giao các tàu buồm (junks) mà một sĩ quan người Pháp, đại diện cho chính quyền Pháp mới thành lập ở Sài Gòn, đã đến Macao trước đó vào năm 1860 để đặt hàng đóng các tàu từ công ty của ông ở Macao (4). Sau khi giao tàu xong, ông quyết định ở lại định cư hẳn tại vùng Sài Gòn-Chợ Lớn. 
Có kinh nghiệm ở Hồng Kông khi người Anh đến ở đó để lập thuộc địa, công ty Wang-Tai đi ngay vào kỷ nghệ xây cất, thiết lập các xưởng gạch và xây các nhà kiểu Âu châu khi người Pháp còn chân ướt chân ráo. Các nhà này được cho mướn cho chính quyền Pháp và Phòng Thương mại mà ông là một hội viên từ lúc ban đầu. Ông trở thành phát đạt và giàu có còn hơn lúc ở Hồng Kông.  Bưu điện thành phố, nhà thờ đức bà và tòa ngân khố (gần nhà thờ) là những công trình ông trúng thầu xây dựng. 
Lúc còn ở Hồng Kông, có lần ông suyết bị rơi vào vòng lao lý khi một hôm, vào ngày 15/1/1857, công ty làm bánh mì của ông (Esing Bakery) sản xuất bánh mì có chứa độc tố arsenic làm nhiều người bị ói mửa ngày đó. Trong số rất nhiều thợ mà ông không kiểm soát được, có một số đã bỏ arsenic để đầu độc đa số các người Anh ở Hồng Kông. Ông bị đưa ra tòa, nhưng vì không có chứng cớ và với luật sư giỏi ông được tha bổng, nhưng không được lui tới ở Hồng Kông trong 5 năm. Vì thế ông đến Macao (nơi ông học buôn bán lúc còn nhỏ với chú ông) mở tiệm và xưởng sau biến cố này, và chính ở Macao ông gặp đại diện Pháp nhờ ông đóng tàu (5). 
Công ty Wang-Tai đi vào các lãnh vực khác của kinh tế như mua bán, sản xuất gạo. Ông Zhang Peilin (Trương Bội Lâm) sau được chọn bầu vào công ty China Merchants’ Steam Navigation Company (Công ty hàng hải tàu hơi nước của thương nhân Trung Hoa) để xuất khẩu gạo sang Trung quốc. Đến các năm của thập niên 1880, ông là chủ của nhiều đất đai nhà cửa ở Sài Gòn, trong đó có khu Wang-Tai (la cité Wang-tai), một khu nghèo và dơ mà các người di dân Trung quốc đến Sài Gòn-Chợ Lớn lúc ban đầu cư ngụ chung với gà, vịt, trái cây và các đồ nhập khẩu (4). Năm 1879, ông gởi con ông và một người Hoa Quảng đông khác là Lưu Chap (Pháp gọi là A Chap hay “Taokhe” Tào Kê Chap) sang Cam Bốt mở tiệm cầm đồ ở Nam Vang. Sau này Lưu Chap là một người giàu có khét tiếng có thế lực ở Nam Vang.
Theo tờ tuần báo “Les tablettes colonials” xuất bản tại Paris ngày 19/12/1888, có đăng một mẫu tin nhỏ về ngày lễ sinh nhật của ông Vương Thái như sau (17):
“Một ngày lễ rất thành công và ấn tượng rất lý thú vừa xảy ra ở Sài Gòn, để mừng sinh nhật thứ 61 ngày sinh và kỷ niệm 30 năm ngày ông thương gia người Hoa tên là Vương Thái đến Sài Gòn. Những người con trai ông Vương Thái và gia đình của họ, những đồng hương và bạn bè của ông trong dịp lễ này đã mời “quí bà, quí ông người Pháp và người Âu ở Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh”. Cộng đồng người Âu đã đáp lại lời mời ân cần này. Đèn đuốc, pháo bông, trình diễn kịch, hát tuồng, không thiếu cái gì trong ngày lễ vui này. Ông Vương Thái là một trong những chức sắc người Hoa được kính trọng nhất ở Sài Gòn; ông không những đã có những dịch vụ cống hiến lớn lao cho đồng bào ông mà còn cho chính quyền Pháp. Vì thế đương nhiên đúng khi người ta đáp lại tương ứng qua sự tham dự hoạt động hòa bình này mà ông là đối tượng”
Ông Trương Bội Lâm (Wang-Tai, hay Vương Thái) mất năm 1900, thọ 73 tuổi (sinh năm 1827). Các con trai và cháu nội ông ở Chợ Lớn mang quan tài ông về quê hương, làng Ya-kang, huyện Hoàng Sơn ở Quảng Đông để chôn cất. Rất nhiều người Hoa, Pháp, Việt và quan chức, chức sắc trong chính quyền ra bến tàu để tiển ông. Sau đó có một con đường ở Chợ Lớn được mang tên ông (1). 
Tổng luận
Người Baba từ Singapore và người Hoa từ Hong Kong, cũng như người Minh hương ở Việt Nam đã có đóng góp rất lớn vào sự phát triển Sài Gòn-Chợ Lớn trong những thập niên cuối thế kỷ 19. Tư tưởng kết hợp văn hóa đông tây và triết lý sống thoáng, mở rộng, rất thực dụng của họ trong một môi trường ổn định, có lề lối trong cơ chế, đa nguyên và đa văn hóa, luôn khuyến khích cá nhân với tinh thần thương mại mạo hiểm đã được phát huy hoàn toàn để tạo ra con người như Singapore, Hong Kong ngày nay. 
Họ đến Sài Gòn-Chợ Lớn trong những ngày khởi đầu của một thành phố bước vào thời kỳ hiện đại với số vốn đầu tư lớn thiết lập nhà máy xay lúa, thầu xây dựng những công trình kiến trúc để lại nhưng dấu ấn cảnh quan tạo nên cá tính của một thành phố như nhà thờ, bưu điện, khách sạn, ngân khố, chùa, nhà cổ có kiến trúc kết hợp đông tây ở Chợ Lớn. Nhờ họ mà Chợ Lớn trở thành đầu máy của sự tăng trưởng kinh tế ở Nam kỳ vào thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 khi người Việt thức tỉnh với phong trào Minh Tân và Duy Tân bắt đầu đổi mới tư tưởng, nếp sống, thực dụng và tham gia vào đời sống thương mại, kinh tế. 
Sài Gòn không thể tách ra khỏi lịch sử Chợ Lớn, đầu mối của lục tỉnh. Di sản văn hóa ở Chợ Lớn cũng là phần hồn của Sài Gòn-Chợ Lớn: hai thành phố sinh đôi. Sài Gòn-Chợ Lớn từ lúc ban đầu là thành phố của kinh rạch, sông nước, thành phố cảng. Không có gì cảm thấy sự khởi nguyên của cá tính thành phố hơn khi đi dọc bến ở Sài Gòn và Chợ Lớn. Lấp kinh rạch là phá phong thủy, thủy văn của thành phố với hệ quả ngập lụt không tránh khỏi. 
Ngày nay bộ mặt của bến Chương Dương, Hàm Tử, Lê Quang Liêm đã thay đổi rất nhiều, nhất là từ khi đại lộ Đông Tây xây dọc theo bờ bên phải kênh Tàu Hủ từ bến Chương Dương đến bến Lê Quang Liêm (Trần Văn Kiểu). Tất cả các bến này đã biến mất. Đối diện bên kia kênh là các bến Vân Đồn, Phạm Thế Hiển, Bến Bình Đông. Các bến này vẫn còn nhưng đã biến dạng nhiều, nhất là bến Bình Đông, nhiều nhà, chùa cổ đã biến mất. Nơi đây xưa kia là các nhà máy xay lúa gạo nơi lúa gạo từ miền Tây đổ về, và từ đây được xuất cảng đi nhiều nước. Từ bến Lê Quang Liêm (thời Pháp gọi là “quai My Tho” vì là bến tàu ghe từ Mỹ Tho, miền Tây), hàng hóa nông phẩm, trái cây được đưa đến chợ Bình Tây và các chợ khác khắp Sài Gòn và hàng sản xuất từ Chợ Lớn được đưa xuống trở lại miền Tây.  Vì thế Chợ Lớn là trung tâm thương mại ở miền Nam. 
Dọc bến, có nhiều nhà kho, nhà ở đã có từ lâu đời với kiến trúc đông tây. Các nhà này giống như kiến trúc nhà cổ ở Singapore vì xưa kia các thương gia, nhà thầu Singapore đã có mặt nơi đây. Họ cùng các thương gia Chợ Lớn xây dựng các cơ sở vật chất, nhà cửa, kho hàng… Hiện nay các khu phố cổ Chinatown, Boat Quay và Clark Quay ở Singapore được bảo tồn và trở thành nơi du lịch có giá trị văn hóa nổi tiếng ở xứ này. Khu Boat Quay và Clark Quay kế bờ sông, xưa kia là nơi buôn bán, có nhiều nhà kho chứa hàng và nhà ở san sát từ các tàu buôn (giống như bến Lê Quang Liêm, bến Bình Đông dọc kênh Tàu Hủ), ngày nay là khu thanh lịch có nhiều nhà cổ đầy cá tính đặc biệt của kiến trúc đầu thế kỷ 20 và được người dân và du khách đông đảo ưa chuộng viếng thăm. Tiếc thay ở Chợ Lớn, chúng ta đã không làm như vậy, mà ngược lại nhiều nhà cổ, đình chùa đã biến mất.
Singapore - Boat Quay ngày nay 
Ngày nay tốc độ phát triển đô thị ở Sài Gòn-Chợ Lớn rất là nhanh chóng, bộ mặt thành phố đổi thay rất nhiều. Điều quan trọng là các di sản, kiến trúc văn hóa lịch sử, nơi sinh hoạt tôn giáo, văn hóa nên được bảo tồn, gìn giữ để chúng trở thành cảnh quan có giá trị tinh thần vô giá cho thành phố và các thế hệ sau nối tiếp. 
Chú thích:
(*) Claudine Salmon dịch theo nguyên tác của Trần Công Sơn (8) vẫn để từ Qingcai (thanh thái) mà không giải thích rõ. Đây là từ trong kịch hát bộ trong đó diễn viên dùng điệu bộ hay thái độ để diễn tả lời nói, âm thanh.
Tham khảo: 
(1) Claudine Salmon, Tạ Trọng Hiệp, De Batavia à Sài Gòn:
notes de voyage d’ un marchand chinois (1890), Archipel,
1994, Vol. 47, pp. 155-191.
(2) Hình ảnh, tư liệu, http://belleindochine.free.fr/
(3) Pierre Passerat de la Chapelle, L’industrie du decorticage du riz, Bulletin de la Société des études indochinoises, année 1901,
 1901/1 (no. 41)-1901/6, pp. 53, Société
des études indochinoises (Saïgon).
(4) Nola Cooke, King Norodom’s Revenue Farming System
 in Later-Nineteenth-Century Cambodia and his Chinese
Revenue Farmers (1860-1891), Chinese Southern
Diaspora Studies, Volume One, 2007.
(http://csds.anu.edu.au/).
(5) Choi Chi-Cheung, Cheung Ah-Lum A biographical note,
Journal of the Hong Kong. Branch
of the Royal Asiatic Society, v. 24 (1984), pp. 282-7.
(sunzi.lib.hku.hk/).
(6) Notice historique, administrative et politique sur la ville de Saïgon. Publiée par les soins du secrétaire général de
la mairie, Impr. de l'Union
(157 rue Catinat, Saïgon),
1917, http://gallica.bnf.fr/
(7) David Chng, The yuenan Youji: a rare book published in
Singapore (1888), Archipel, no 43, 1992, pp 131-138
(8) Tang Keong Sum (traduction de Claudine Salmon),
Recit d’un voyage au Vietnam, Archipel, no 43, 1992 pp. 145-166.
(9) Mark Frost, Transcultural Diaspora: The Straits
Chinese in Singapore, 1819-1918, ARI WPS No. 10, August 2003.
(10) Radha Basu, Straits Times, Aug 19, 2006
(11) J. Henry Gray, A journey round the world in
the years 1875-1876-1877, London, Harrison, 59 Pall Mall, 1879
(12) Mrs. Howard Vincent, Newfoundland to
Cochin China by the golden wave, new Nippon, and 
the Forbidden city (1892), Sampson Low, Marston & Co London, 1892.
(13) Claudine Lombard-Salmon, Sur les traces de
la diaspora des Baba des Détroits: Li Qinghui et son «Récit sommaire d'un voyage vers l'Est» (1889), Archipel.
Volume 56, 1998. pp. 71-120.
(14) Carl Trocki, The internationalization of
Chinese revenue farming networks, in “Water frontier:
commerce and the Chinese in the Lower Mekong Region, 1750-1880”,
edited by Nola Cooke, Tana Li, Rowman and Littlefield, Maryland, pp. 159-174.
(15) Carl A. Trocki, Chinese Capitalism and the British Empire,
paper presented to the International Association of Historians of Asia, Conference, Taiwan, Taipei, 6-10
December 2004 http://eprints.qut.edu.au/
(16) Paulin Francois Alexandre Vial,
Les premieres années de la Cochinchine, colonie francaise, Challamet Ainé, Paris,1874
(17) Les Tablettes coloniales. Organe des
possessions françaises d'outre-mer,
No. 45, 19/12/1888, http://gallica.bnf.fr/
(18) Song Ong Siang, One hundred years' history of the
Chinese in Singapore, Oxford University Press, Singapore, 1984
(19) Chistine Doran, Bright celestial: progress in the political thought of Tan Teck Soon, Journal of Social Issues in Southeast Asia, April, 2006.
(20) Michel Dolinski, Cholon, ville chinoise?, 3ème
Congrès du Réseau Asie - IMASIE/ 3rd Congress of
Réseau Asie - IMASIE 26-27-28 sept. 2007, Paris, France,
http://www.reseau-asie.com/.
12/11/2010
Nguyễn Đức Hiệp
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đẹp Phần Thứ Nhất - I - Thôi, Loan ạ chờ Nam vào hãy hay. – Ngọc cứ để mặc em. Thu xếp trước đi thì vẫn hơn. Để bề bộn, anh ấy vào a...