Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

XXXXXĐọc: "Tưởng chừng đã quên" - Ngôi nhà số 11 của Nguyên Minh

Đọc: "Tưởng chừng đã quên"
Ngôi nhà số 11 của Nguyên Minh

Trong bài “bạt” in ở tập Thử Bút của Lữ Kiều, Nguyên Minh viết: Sau 25 năm, giờ tôi viết như trả nợ. Món nợ mà tôi đã mang nặng trong lòng về những người đã đi vào đời tôi.”
 
Chân thật như vậy đó. Hiền từ như vậy đó. Mỗi sáng bên cạnh ly cà phê nguội, trước màn hình trắng đục như màu thời gian của tuổi già, anh lẩm nhẩm: viết, phải viết thôi, mình mang nợ nhiều quá mà!
Nợ gì đây? Nợ tiền ứng trước của nhà xuất bản như Dost chăng, hay nợ cô bán hàng tạp hoá như Bùi Giáng? Không, anh không nợ tiền mà là nợ tình! Thế mới khổ.
Nợ tình đương nhiên phải trả bằng tình.
 
Hai mươi năm xin trả nợ người
Trả nợ một thời em đã phụ tôi.
 
Trịnh Công Sơn trả nợ bằng nhạc. Hàn Mặc Tử trả nợ bằng thơ. Đỗ Quang em bẳng hoạ. Còn anh, bằng hai tuyển tập Tưởng chừng đã quên và Ngôi nhà số 11.
Ta hãy xem Nguyên Minh tính sổ như thế nào.
 
Trước hết là ngôi nhà ở thị trấn khô Phan Rang. Qua bao nhiêu năm, ngôi nhà vẫn như cũ, cả số nhà và tên đường. Nó già đi theo năm tháng nhưng không vì thế mà bớt đi những kỷ niệm. Ở đó, chập chờn những bóng ma thân yêu là mẹ tôi, ba tôi, chú Vĩnh, anh Chín, Tân đang nắm tay nhau xoay tròn quanh tôi. Anh gọi họ là những bóng ma thân yêu, vì họ đã chết, nhưng qua cách gọi ta thấy ngôi nhà bây giờ đối với anh như lăng mộ các Pharaon ở Ai Cập. Rất thiêng liêng và huyền bí. Trong bóng tối sâu thẳm của ký ức, ngòi bút anh chậm rãi thắp lên những vệt sáng nâu đỏ như ánh lửa mùa đông, giúp ta thấy được cái nhíu mày của người cha khi biết được con gà chiến của mình thua độ vì cậu con đã thả cho đi đạp mái. Ta cũng thấy được lòng bao dung từ ái của người mẹ khi bảo bọc người vợ thứ của cha, nghe được tiếng gió rít của ngọn roi khi bà trừng phạt đứa con trai lớn vì tội phụ tình.
 
Và, không thể nào quên là những bạn bè. Một Vô Thường chơi guitar trái tay đã làm thổn thức trái tim của một ông già thương vợ. Một Đỗ Quang Em mê vẽ thành hoạ sĩ. Một Trịnh Công Sơn chỉ trong một đêm nhạc đã thay đổi hẳn cuộc đời của một nữ tặc. Một Lữ Kiều nhà viết kịch cho người khác diễn, sau cùng vẫn phải diễn một vai khó diễn do cuộc đời dàn dựng cho mình. Rồi những tiền vệ, hậu vệ, trung phong, thủ môn… những câu chuyện thực, những con người thực được anh kể lại với một giọng buồn buồn, không đẩy lên quá cao mà cũng không đưa xuống quá thấp.
 
Tỉ mỉ, từng chút một tác giả viết về họ như một ông già coi giữ từ đường đang chậm rãi cẩn trọng lau từng món cổ vật. Anh thổi bay lớp bụi thời gian để chúng ta cùng thấy những người, cả sống và chết, vây quanh anh đều là những người tốt, là những ân sủng mà anh may mắn lắm mới được gặp trong đời.
 
Những câu chuyện anh kể nhân hậu quá, vì thế nó tròn trịa như những giọt nước rơi xuống bên thềm nhà, trong khi người ngồi im bóng lắng nghe tháng ngày qua. Bọn họ là cái cội nguồn buồn ít hơn vui của cuộc đời anh. Không có chỗ cho một người viết ưa nhiễu sự như tôi chen vào. Cũng không có những câu hỏi lớn hay những vấn nạn đặt ra như bí kiếp. Chỉ có lặng nghe anh kể, lẻo đẻo theo anh sống lại những năm tháng trước 75, nhìn lại tuổi thơ và tuổi trẻ, tuy bầm dập bất định trong chiến chinh nhưng vẫn sáng trong và rất đẹp.
 
Cái thời đẹp nhất của anh là thời bẻ phấn đi làm báo. Rất liều và lãng mạn. Làm báo như căng buồm ra khơi mà buồm là những trái tim hai mươi thắm đỏ. Từ Gió Mai tuổi học trò, đến Ý Thức, rồi nhà xuất bản, nhà in…phơi phới đi lên giữa lửa đạn, đạp lên sóng, cỡi lên gió mà đi. Nhưng, tất cả đã bị nhấn chìm trong cơn bão bảy lăm. Những ngày buồn nhất trong đời là lúc phải làm đơn xin giao nộp toàn bộ máy móc một nhà in offset tân tiến nhất cho những người không hiểu đây là cái máy quái quỷ gì của Mỹ Nguỵ để lại. Buồn không vì mất của, mà vì, như Lữ Kiều nói, không viết được nữa cho dù là viết như Kinh Kha buồn.
Hai mươi lăm năm, một góc tư của một đời người tưởng chừng đã quên, vì cơm áo nhọc nhằn, vì cuộc đổi đời kỳ lạ như bị ai lộn da từ bên trong ra bên ngoài. Hai mươi lăm năm, tưởng rằng cơn sóng dữ đã cuốn sạch bao nhiêu nợ, không ngờ lại đầy thêm chất ngất.
Người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây!
 
Thấp thoáng trên mấy trăm trang sách là hình bóng một người con gái tên T. Khi tóc gió bay bay, khi ướt lạnh trong mưa, khi lang thang qua những nhà sách. Rồi lặng lẽ lên xe hoa, rồi vượt biên, rồi lại về xem tranh Minh - Hằng, lại đến thăm vợ con anh và mới đây anh nói, ông có một niềm vui nhưng tôi có một nỗi buồn. Vui vì sách ông sẽ được THT in. Buồn vì T. của tôi lại đi lấy chồng!
Mối tình của tuổi học trò. Chàng cắt những mẫu tự để ghép tên hai người. Nhưng chỉ ghép được chữ MINH T…thì một cơn gió đã thổi bay tất cả. Chỉ vậy thôi, chưa được hôn nhau một lần chứ nói gì đến trao xương gửi thịt. Một mối tình đến những hơn 50 năm tưởng đã vơi đã cạn không ngờ vẫn còn đầy. Hơn 50 năm nàng vẫn đi về ngôi nhà số 11, vẫn ngồi sau chiếc xe mà nắp bình xăng thay bằng nắp bình thuỷ, ôm cả một chồng tạp chí Ý Thức đi ra mắt bạn bè. Và vẫn đứng đâu đó. Ở một góc đường nào đó. Dưới`mưa. Chỉ nhớ vậy thôi chứ không nhớ áo màu gì, tóc dài hay tóc ngắn!
 
Chính vì bỏ em bên đường trong một chiều mưa, mà dù nàng đã hai lần đi lấy chồng, anh vẫn xót xa. Tôi phụ em chứ không phải em phụ tôi! Anh chưa bao giờ đưa em đi hết một con đường, anh nói giọng ngậm ngùi. Đó là con đường về nhà em mà cũng là đường đời.
Tóc mai sợi vắn sợi dài
      Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm
Với anh, tôi tin, nếu trời cho anh sống đủ một ngàn năm thì anh cũng thương đủ một ngàn năm.
 
Anh là kẻ chung tình, đúng vậy. Nhưng còn vợ anh thì sao, chị được gì khi anh nghiêng hết về bên ấy, rót tất cả chỉ cho một người. Anh bảo tôi không được hai trong một như ông. Người tôi yêu, rõ ràng minh bạch không việc gì phải dấu diếm. Mối tình đầu như một mùi hương chỉ làm đẹp cho đời mà thôi. Còn Lan, đó là tình nghĩa vợ chồng. Rồi ông xem, tôi sẽ viết một tập truyện thứ ba về Lan. Tôi đã hết nợ đâu.
Vậy thì được. Phục anh quá. Một người trọn tình trọn nghĩa. Với quê hương. Với bằng hữu. Với tình đầu và tình cuối. Tôi tin, tuyển tập đó còn chân thực hơn nữa, cảm động hơn nữa, đó không phải là tiếng chim hót trong bụi mận gai mà là tiếng chim sẻ líp chíp trong nhà tắm, dưới cái nhìn chăm chút của vợ anh.
 
Thành thực mà nói, đọc truyện của Nguyên Minh, người viết dẫu có muốn cũng không thể viết thêm được điều gì, vì mọi sự đã được anh sắp đặt cẩn thận, lý giải từng gút mắt, anh viết với lòng biết ơn nên để lại trong lòng người đọc một niềm quý trọng.
Viết như trả nợ. Mà nợ tình nên lai láng không bao giờ cạn. Một ông già bảy mươi, bụng không còn mật, còm cõi bên chiếc máy vi tính, ngồi gõ từng chữ như con chim gõ kiến. Anh gõ vào cánh cửa đóng kín của ngôi nhà kỷ niệm, quay lưng lại với tương lai, với tôi, đó là một con người dũng cảm đang làm một công việc tưởng chừng lẩn thẩn nhưng thực ra là bổ ích và quá đẹp.
 
Thất thập cổ lai hy. Xưa nay hiếm người sống đến bảy mươi. Lại càng hiếm hơn nữa khi tuổi đã bảy mươi mà còn viết chuyện tình. Cả hai tập truyện đều là truyện tình. Nếu không có một người tên T. chắc anh đã không phải trả nợ một cách thanh cao và đáng yêu như vậy. 
25/12/2009
Khuất Đẩu
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...